Tưởng Bình dắt Ngại Hổ về phòng mình rồi hỏi rằng: "Thầy cháu bây giờ ở đâu, cháu tới đây có việc gì?" Ngại Hổ thưa: "Sau khi thầy trò cháu dự lễ hôn nhân của Nghê Thái thú rồi, thời liền qua bên chú Đinh ở thôn Mạc Hoa. Chẳng dè chú Đinh có sai người do thám sự tình của Tương Dương Vương thì biết rằng Tương Dương biết được triều đình đã biết mưu phản của mình, sẽ cử binh chinh phạt, nên dự bị rất chắc chắn, phía tả có Hắc Lang Sơn, Kim diện thần là Lam Kiêu ở giữ đường bộ; phía hữu có Quân Sơn, đặt Phi Xoa thái bảo là Chung Hùng ở giữ đường thủy. Hai đường ấy là nơi yết hầu rất trọng yếu để chống cự với triều đình. Vì vậy thầy và cha nuôi của cháu lo sợ cho bác Thiết diện kim cang là Sa Long bị chúng dụ vào nẻo có mai phục hay là bị chúng làm hại, vì nhà của bác Sa Long ở tại Ngoa Hổ Câu gần Hắc Lang Sơn lắm. Lo vậy nên thầy và cha nuôi cháu đi với chú Huệ lên Ngọa Hổ Câu, để cháu ở nhà với chú Lang buồn quá, nên cháu lén ăn cắp của chú Lang năm lượng bạc làm lộ phí đi lên Ngọa Hổ Câu chơi ai dè đi vừa tới đây lại gặp kẻ thù!". Tưởng Bình nghe nói nghĩ thầm rằng: "Thằng này thật là đứa anh hùng nên mới ham những nơi náo nhiệt, sao lại không đem nó đi theo với". Nghĩ đoạn nghe Ngại Hổ hỏi rằng: "Thưa chú, chẳng hay chú tới đây bắt tội phạm hay là có việc chi nữa chăng?". Tưởng Bình nói: "Ta tới đây cố tìm cha nuôi của cháu". Ngại Hổ hỏi: "Bây giờ chú muốn đi đâu?". Tưởng Bình nói: "Cha nuôi cháu đã lên Ngọa Hổ Câu, thời sáng này chú giải Giao Thành xuống huyện rồi cũng lên đó". Ngại Hổ nghe nó mừng lắm thưa rằng: "Vậy thời chú làm ơn dắt cháu theo với. Nhưng mà lên tới nơi chú nhớ nói với thầy và cha nuôi cháu rằng chú dắt cháu đi cho khỏi bị rầy nhé". Tưởng Bình nghĩ rằng: "Thằng này nhỏ mà ghiền rượu quá, lại ăn cắp tiền nữa. Thôi ta dắt nó theo cho trọn nhân tình và dễ tìm Bắc Hiệp, nhưng phải làm như vầy... như vầy". Rồi nói rằng: "Nếu cháu muốn chú dắt đi thời phải chịu một điều này: "Ngại Hổ nói: "Điều gì xin chú cứ nói". Tưởng Bình nói: "Từ nay về sau, cháu có uống rượu thì chỉ uống ba chén mà thôi, chớ chẳng cho thêm lên một chén nữa, vậy có chịu không?". Ngại Hổ suy nghĩ một hồi rồi ưng chịu.
Sáng ngày, chú cháu Tưởng Bình cùng đi với viên Bảo giáp giải Tào Phiêu và Giao Thành xuống huyện Đường trình ấn phiếu của Bao Công cho Hà Chí Hiền xem rồi cậy phái người giải hai tên phạm về kinh. Hà huyện thấy có ấn phiếu của Tướng phủ thì không dám trễ nải, lập tức sai người giải tống. Chú cháu Tưởng Bình cũng từ giã đi. Sai dịch giải Tào Phiêu và Giao Thành tới phủ Khai Phong. Bao Công liền thăng đường thẩm vấn, Giao Thành (tức Đào Tôn) khai ngay việc giết Nghê Nhân, làm tôi Mã Cường thế nào... Bao Công bắt ký khẩu cung, rồi dùng Cẩu đầu trát chém Bao Thành còn Tào Phiêu thời bắt đi sung quân.
Chú cháu Tưởng Bình ra khỏi huyện Đường đi qua Hồ Quảng, quả nhiên Ngại Hổ mỗi ngày chỉ uống ba chén rượu mà thôi. Ngày nọ đi tới Nhụ Khẩu mướn thuyền của Phú Tam mà đi. Đi hơn một ngày, lúc ba bốn giờ chiều, Phú Tam liền bảo thủy thủ đậu thuyền nói rằng sắp có sóng to gió lớn. Thuyền liền đậu lại mũi Nga Đầu, dưới ấy một đỗi là cửa Trân Ngọc, thật là một nơi vắng vẻ vô cùng. Gần đỏ đèn, người trong thuyền đều ăn cơm, ăn xong dòm lên trời thấy trời trong mây tạnh không có chút gió nào thoảng qua. Tưởng Bình nghi Phú Tam là kẻ gian ác muốn cướp giật hành lý nên lựa nơi vắng vẻ đậu lại, chờ tối ra tay, nên cẩn thận đề phòng lắm. Còn Ngại Hổ thời ăn uống rồi liền nằm ngủ say.
Chừng một lát lâu có gió thổi tới ù ù, trời tối như mực, sóng đánh ầm ầm, thuyền đậu trong mé bờ thế mà cũng lao chao nghiêng chuyển. Sóng gió như vậy ước một giờ, thời trời trong trăng mọc, sóng lặng thuyền êm. Tưởng Bình ngồi trong thuyền nghe xa xa có tiếng kêu cứu, lắng tai nghe rõ thời tiếng ấy ở mé tây bắc, liền ra ngoài xem, thấy tại đó có điểm đèn leo lét bèn nghĩ rằng: "Ta nên cứu người làm nghĩa!". Nghĩ đoạn lật đật nhảy đại xuống nước nhắm theo hướng có tiếng la lội tới. Lội một đỗi thấy có một người đương hụp lên hụp xuống theo dòng nước mà trôi tới. Tưởng Bình vội vàng ôm riết lấy người ấy lội phóng vào bờ, kéo theo xốc nước. Chẳng bao lâu người ấy tỉnh dậy. Tưởng Bình hỏi tới tên họ tuổi tác thời người ấy đáp rằng: "Tôi tên Lôi Chấn tuổi hơn năm chục". Tưởng Bình liền hỏi: "Có phải ông với quan Triêm Đường của Tương Dương Vương là Lôi Anh có bà con không?". Lôi Chấn nói: "Nó là con tôi, sao ân nhân lại biết?". Tưởng Bình nói: "Vì nghe tiếng đã lâu nhưng chưa gặp mặt, vậy chẳng hay lão trượng quê quán tại đâu và bây giờ đi đâu?". Lôi Chấn đáp: "Nhà tôi ở về thôn Bác Bảo, sau phủ Tương Dương chừng một dặm. Nhân nhà con gái tôi nghèo nên tôi sắm sửa y phục nữ trang qua huyện Lăng thăm nó, mới mướn thuyền của anh em Mễ Tam và Mễ Thất đưa đi. Chúng nó thấy tôi có y phục và rương níp nhiều bèn động lòng tham, nói rằng trời sắp có dông to gió lớn, nên đậu thuyền lại, tới trời tối bèn giết đầy tớ của tôi. Tôi thấy thế nguy bèn kêu người tháp cứu, thời chúng nó lại toan giết tôi, tôi liền tông cho sút cửa thuyền ra nhảy xuống sông, may nhờ có ân nhân cứu mạng". Tưởng Bình nghe dứt nói rằng: "Bây giờ thuyền nó ắt chưa đi, vậy ông ở đây đợi một lát tôi sẽ đem rương níp về à xem". Nói rồi nhảy xuống nước nhắm chỗ có bóng đèn lội tới. Tới nơi nghe hai tên cướp ấy nói với nhau rằng: "Bửa rương đó ra coi những gì ở trong". Tưởng Bình nghe nói vội vàng vịn thuyền nhảy lên. Mễ Thất ở trong khoang thấy có người tới lật đật xách dao nhảy ra. Tưởng Bình liền đá ột cái té nhào, rồi giật dao chém chết. Mễ Tam ở trong khoang thấy thế nguy cấp liền chui ra cửa nhào xuống nước tìm đường thoát thân. Tưởng Bình vội vàng nhảy theo, bắt đem lên thuyền kiếm dây trói lại, bỏ nằm tại khoang thuyền, rồi lội trở lại chỗ Lôi Chấn ngồi, cõng đem lại đó.
Tưởng Bình cõng Lôi Chấn trở lại thuyền, thời rương níp còn nguyên y, bèn dặn ông ta rằng: "Bây giờ tên cướp còn lại đã bị tôi bắt trói rồi, không còn lo gì nữa, vậy ông ở đây đợi sáng mướn thuyền khác mà đi". Nói đoạn, nhảy xuống nước lội lại mũi Nga Đầu, thời không thấy thuyền mình ở đó, chắc là Phú Tam thấy trời êm gió xuôi bèn nhổ neo chèo thuyền đi rồi. Tưởng Bình không biết tính sao, bèn lội trở lại thuyền của Lôi Chấn. Vừa tới nơi nghe Lôi Chấn nói lập cập rằng: "Mày đừng cục cựa, nếu cãi lời tao chém một đao". Tưởng Bình biết ông ta sợ, bèn lên tiếng rằng: "Có tôi lại đây lão trượng chớ sợ". Nói đoạn nhảy lên thuyền ra mắt Lôi Chấn, thuật chuyện thuyền mình đã đi rồi và xin theo đưa ông qua huyện Lăng. Lôi Chấn cả mừng lật đật lấy y phục trao cho Tưởng Bình thay. Tưởng Bình thay y phục xong, dòm lại thấy Mễ Tam, bèn đá xuống nước chìm ngấm, rồi quay lại nói với Lôi Chấn rằng: "Lũ này giết hại không biết mấy mạng, cướp giết chẳng biết bao nhiêu, nay số mãn thời cùng mới gặp Tưởng mỗ, thôi lúc sống đã làm ăn trên mặt nước, thời bây giờ cho nó chết dưới đáy nước".
Việc Tưởng Bình đưa Lôi Chấn qua huyện Lăng không vội chi, nay chỉ nói lại Tiểu Hiệp Ngại Hổ ngủ một giấc tới sáng thức dậy không thấy Tưởng Bình, bèn chui ra ngoài hỏi Phú Tam rằng: "Chú ta đâu rồi?". Phú Tam nói: "Hai người ngủ với nhau trong khoang sao lại hỏi tôi?". Ngại Hổ nghe nói thất kinh, xem kỹ lại thấy trước mũi thuyền có để đôi giày liền la rằng: "Thôi rồi, chú ta té xuống nước mất, chắc là bọn bay lập mưu hại chứ gì?". Phú Tam nói: "Chú em nói sao vậy? Hồi hôm đậu thuyền thời hai người ngủ ở khoang trước, chúng tôi ngủ ở khoang sau, làm sao ra đó mà hại? Chắc là ông ta đi tiểu trật chân té xuống sông chớ gì?". Người bạn chèo nọ nói xen vào: "Thôi thôi biết rồi, cậu đừng nói, cậu thấy ông kia có nhiều đồ hành lý, nên cậu giết mà đoạt, rồi lại đổ thừa cho bọn tôi". Ngại Hổ nguýt một cái rồi nói: "Chú của ta mà ta hại sao được?". Người bạn chèo nói: "Biết đâu, tiền tài làm tối mắt, bạc vàng làm đen tâm mà". Ngại Hổ nghe nói cả giận xắn tay áo muốn đánh người ấy. Phú Tam cản lại mà rằng: "Thôi, tôi hiểu rồi. Ông ấy không bị ai hại, mà cũng không phải trật chân té, nếu bị ai hại, hay là té sao còn đôi giầy để trên thuyền, chắc là đi đâu rồi". Ngại Hổ nghe nói hết giận, hai người bạn chèo cũng nín thinh. Ngại Hổ liền vào khoang xem hành lý vẫn còn nguyên, ấn phiếu của Tướng phủ và y phục cũng không mất, đến đãy tiền cũng còn đủ, thời buồn lắm không rõ chú Tưởng đi đâu, không lẽ nửa đêm mà lội xuống sông mò cá. Ngại Hổ còn đương suy nghĩ, nghe Phú Tam nói rằng: "Bớ chú em? Thuyền đã đến bến rồi, mau mau sửa soạn mà lên ". Ngại Hổ cực chẳng đã phải buộc đãy tiền vào lưng, rồi quảy hành lý lên bờ.