Ngại Hổ quảy đồ hành lý lên bờ, vừa đi vừa nghĩ: "Chú Tưởng cứu mình khỏi nạn, mà rồi bị nạn mình không cứu được còn xưng Tiểu Hiệp làm gì!". Nghĩ như vậy bất giác trong lòng cảm xúc khóc ròng. Khóc một hồi bỗng nhớ lại: "Ủa! Chú Tưởng hằng tự xưng là Phiên Giang Thử, nghĩa là con chuột vọc nước, dám vọc nước chắc là lội giỏi, hễ lội giỏi đâu có chết chìm". Nghĩ tới như vậy bèn vỗ tay cười. Ngại Hổ mải suy nghĩ khóc khóc cười cười, mà đi tới tối không hay. Chừng bụng đói muốn kiếm nhà nghỉ, thời không có tiệm quán nhà cửa ai, đương lúc cùng đường lạ cảnh ấy, thấy xa xa có ánh đèn bèn đi riết tới, thời nơi ấy là một cái chòi, có hai người thợ câu đương uống rượu. Hai người thợ câu ấy thấy Ngại Hổ tới, liền rầy rằng: "Chỗ chúng ta uống rượu chơi vui, mi là trẻ nhỏ ở đâu dám tới đây làm rộn?". Ngại Hổ nói: "Bởi vì đường xa quá, bụng đói như cào vậy, xin cho ít miếng đỡ dạ". Nói dứt lời liền áp vào bưng rượu uống. Hai người thợ câu nói: "Mi muốn ăn uống, thời để chờ chúng ta ăn thừa sẽ i ăn". Ngại Hổ nói: "Ta chẳng phải ăn mày hay ăn đậu phường mà ăn như vậy. Ta có tiền đây hai người bán chịu cho ta ít chén rượu không?". Người thợ câu nói: "Chúng ta chẳng phải lập quán bán rượu, mi muốn uống thời đi mua mà uống!". Ngại Hổ không thèm nói, thò tay bưng rượu uống. Người thợ câu nói: "Thằng nhỏ này quá lắm, tao không bán, sao mày lại uống?". Ngại Hổ nói: "Không bán cho tao thời tao giật tao uống chớ sao?". Người thợ câu cười nhạt, rằng: "Mi giật à! Tao không cho đâu, giỏi ra đây". Nói rồi nhảy ra khỏi chòi xắn áo đứng thủ thế. Ngại Hổ vội vàng để gói hành lý xuống nói rằng: "Nếu muốn vậy thời phải thẳng tay, bằng tao thắng bao nhiêu cá đó phải để tao ăn một bụng". Người thợ câu không thèm trả lời, co tay nhảy tới đấm một đấm. Ngại Hổ né qua khỏi lừa thế đá một cái, người ấy té nhào. Người còn ngồi trong chòi thấy vậy nhảy ra đánh sau lưng Ngại Hổ một đấm, Ngại Hổ lẹ mắt, quay lại đỡ rồi đá ột đá cũng nhào lăn. Hai người ấy nhắm sức mình đánh không lại đứng dậy phủi áo, xoay lưng đi thẳng.
Ngại Hổ đánh thắng hai người thợ câu rồi trở vào chòi thấy cá rượu còn nhiều thì mừng lắm, ngồi lại ăn uống một hơi sạch nạo đến cặn cũng không chừa. Uống hết rượu dưới mâm, dòm lên nóc chòi thấy có treo một cái bầu, mừng lắm, mở xuống xem quả là bầu rượu, song bị nắp thiếc, vặn ốc, Ngại Hổ mở không được nên đập cổ mà uống. Uống hết bầu rượu ấy liền quảy gói hành lý lên vai bất kể là hướng nào, cứ cắm đầu đi mãi.
Ngại Hổ đi một lát, thấm rượu, đi không được nữa, nhìn bên đường thấy có cái đình hư không kể bụi bậm dơ sạch gì, liền để gói hành lý xuống gối đầu nằm, vừa nhắm mắt thì đã ngáy khò khò ngủ mê man như chết.
Chính lúc Ngại Hổ đương say, hai người thợ câu bị đánh kia, về gọi thêm năm sáu người nữa, kéo tới chòi, thấy mâm đĩa nghênh ngang không còn chút rượu cặn cá thừa, lại cái bầu cũng vỡ, mà Ngại Hổ thì đi đâu mất. Chúng bèn lật đật rượt theo đến cái đình hư, gặp Ngại Hổ say mèm nằm như chết ở đó, bèn nổi giận đánh cho ít hèo, song cậu ta không thèm cục cựa. Chúng đánh mãi song cũng như không. Trong bọn có người lớn tuổi bảo rằng: "Lúc nó đương say đánh cũng vô ích, nếu rủi sẩy tay nó chết thời mang họa to. Chi bằng đợi nó tỉnh dậy sẽ đánh răn nó một lần cho sợ, sau bỏ cái thói cướp giật đó đi". Cả bọn khen phải, bèn cầm gậy ngồi vây chung quanh Ngại Hổ mà chờ. Đến khi Ngại Hổ tỉnh rượu mở mắt ra đã thấy bảy tám người ngồi vây mình, thời định chắc là viện binh của hai chú thợ câu tới trả thù, nhưng không thèm sợ. Bụng nghĩ rằng: "Dầu có bề gì, cho chúng nó đánh ít gậy cho đã giận chớ hại gì". Nghĩ đoạn ngồi nhổm dậy ôm hành lý đâm đầu chạy đi. Bọn nọ rượt theo, Ngại Hổ liền đứng lại hỏi rằng: "Sao mấy người không cho tôi đi?" Bọn ấy đáp: "Vì mi giật rượu cá của ta mà ăn, lại đập bầu đập đĩa nữa, bây giờ thôi sao được?". Ngại Hổ nói: "Thời hồi nãy mấy người đánh tôi rồi, còn đòi gì nữa?". Bọn nọ đáp: "Còn mâm đĩa và cái bầu mi đập bể thời sao?". Ngại Hổ đáp: "Thời tôi đền tiền ấy người có được không?". Bọn họ nói: "Trả mấy món ấy cho ta, chớ đền tiền mà làm gì?". Ngại Hổ nói: "Các người nói lạ quá, người đời có sống có chết, đồ đạc có lành có vỡ. Không chịu cho đền, muốn đánh bao nhiêu nữa thời đánh". Nói rồi để gói xuống cúi nằm dài dưới đất. Bọn họ chưa biết nghĩ sao, bỗng có một người học trò trẻ tuổi vừa đi tới, thấy vậy bèn hỏi rằng: "Thưa các ngài, chẳng hay người này tội lỗi chi mà các ngài đánh khảo như vậy, xin các ngài vì tình tôi mà tha cho nó một phen". Bọn ấy nói: "Thằng nhỏ này không biết con nhà ai mà nghênh ngang quá, đã giật cá rượu của chúng tôi mà ăn lại còn đập bể mâm bầu chén đĩa nữa, nên chúng tôi phải trừng trị nó. Nay ngài xin, thời tôi vị lòng mà tha cho". Nói rồi kéo nhau về hết.
Người học trò thấy bọn họ đi rồi, liền lại gần Ngại Hổ thấy anh ta nằm úp mặt vào tay áo bèn đỡ dậy. Ngại Hổ vừa ngồi dậy phủi áo vừa cười ha hả. Người học trò bảo rằng: "Đừng cười, đừng cười. Tại sao mà bị chúng đánh, nói lại cho ta nghe". Ngại Hổ đứng dậy nói: "Nhục lắm, nhục lắm đừng hỏi nữa. Muôn ngàn lỗi đều tại tôi cả". Người học trò cứ hỏi mãi, Ngại Hổ cực chẳng đã phải thuật rõ đầu đuôi lại cho y nghe. Người học trò nghe dứt nghĩ rằng: "Cứ như lời nó nói thời thật là người hào sảng nên biết sai mà nhận lỗi". Nghĩ đoạn xem lại dung nhan diện mạo của Ngại Hổ thì có vẻ hào hiệp anh hùng, liền sinh lòng ái mộ, hỏi rằng: "Chẳng rõ tôn huynh là ai?". Ngại Hổ nói: "Tôi tên Ngại Hổ, còn tôn huynh họ gì?" Người học trò nói: "Tôi tên Thi Tuấn". Ngại Hổ nói: "Ủa! Té ra Thi tướng công đây sao! Xin chớ cười tôi nhé". Thi Tuấn nói: "Người trong bốn biển vẫn là anh em, có lẽ nào lại cười nhau". Ngại Hổ nghe câu ấy không hiểu là nói ý gì, tưởng Thi Tuấn muốn kết làm anh em với mình, nên lật đật đáp rằng: "Tôi là đứa thô lỗ hèn hạ, nếu tôn huynh có lòng hạ cố, tôi xin vâng lời, mà bái làm anh". Thi Tuấn biết Ngại Hổ nghe lầm song thấy anh ta là người cứng cỏi gan dạ đáng ình kết làm bạn lắm, bèn nhận lời và hỏi rằng: "Vậy tôn huynh được bao nhiêu tuổi?!". Ngại Hổ nói: "Tiểu đệ được mười sáu tuổi". Thi Tuấn nói: "Tôi lớn hơn một tuổi!". Ngại Hổ nói: "Vậy thời đại ca ngồi lên cho tiểu đệ lạy một lạy". Nói đoạn mọp xuống đất lạy. Thi Tuấn vội vàng đáp lễ, rồi dắt Ngại Hổ đi với mình. Ngại Hổ bèn quảy gói hành lý đi theo Thi Tuấn.
Hai người đi tới cụm rừng, thấy có đứa gia đồng đương giữ ngựa trông đón. Thi Tuấn liền kêu rằng: "Bớ Cẩm Tiên, mau lại đây ra mắt Nhị gia". Cẩm Tiên (tên của gia đồng) nghe chủ bảo như vậy thì không dám trễ nải, vội vàng chạy lại xá Ngại Hổ và thưa: "Tiểu nhân là Cẩm Tiên, xin ra mắt Nhị gia". Ngại Hổ từ nhỏ tới lớn chưa có ai xá mình và kêu bằng Nhị gia, nay thấy Cẩm Tiên xá và kêu như vậy thì mừng lắm, lật đật nói: "Đừng xá nữa". Nói rồi móc túi lấy hai lượng bạc cho Cẩm Tiên. Cẩm Tiên không dám lấy, cứ đưa mắt ngó Thi Tuấn. Thi Tuấn biết ý bèn nói: "Nhị gia cho thời lấy đi, sợ nỗi gì". Cẩm Tiên tạ ơn rồi lấy bạc. Thi Tuấn bèn hỏi Ngại Hổ rằng: "Bây giờ Nhị đệ muốn đi đâu?". Ngại Hổ nói: "Tôi tính lên Ngọa Hổ Câu tìm thầy và cha nuôi của tôi, còn đại ca tính đi đâu?". Thi Tuấn nói: "Tôi tính lên Tương Dương thăm Kim bá phụ. Bây giờ chúng ta gấp đi, không được cùng nhau trò chuyện cho thỏa, thật cũng buồn lắm". Ngại Hổ nói: "Không sao, bây giờ ta tạm lìa nhau rồi sau sẽ gặp". Nói rồi kẻ lên yên lướt dặm, người quảy gói băng ngàn.
Đây nói về cha Thi Tuấn là Thi Kiều, tên chữ là Tất Xương, trước có ngồi chức tri huyện, về sau kém mắt nên nghỉ chức về quê. Có hai người bạn thiết, một người là quan Binh Bộ Kim Huy, vì dâng sớ cáo Tương Dương Vương mưu nghịch nên bị cách chức, một người là quan Thái thú Trường Sa, tên Thiệu Ban Kiệt. Ba người tuy bầu bạn, mà nghĩa tựa anh em. Thi lão gia vốn biết Kim Huy có một vị tiểu thư hương trời sắc nước, đã từng tỏ ý cầu hôn cho Thi Tuấn. Kim Huy cũng bằng lòng, song vẫn chưa giao nộp sính lễ. Nay Thi lão gia thấy con mình đã trưởng thành, nên sai qua Tương Dương ra mắt Kim Huy, một là học tập văn chương, hai là nhắc việc hôn nhân luôn thể. (Vì vậy Thi Tuấn vâng lệnh cha qua Tương Dương, đi nửa đường gặp Ngại Hổ).
Ngày nọ Thi Tuấn tới cầu Cửu Tiên dưới núi Cửu Vân, huyện Tương Dương, hỏi thăm nhà kim công đi tới. Tới nơi vào ra mắt, Kim Công thấy Thi Tuấn phẩm mạo đoan trang, hình dung tuấn tú thời đã có ý ưa, bèn đặt tiệc khoản đãi. Trong khi ăn uống, Kim Công cật hỏi thi phú văn chương, Thi Tuấn nhất nhất đối đáp xuôi rót như nước chảy. Kim Công thấy chàng phong tư đã có, tài học đủ đầy, thời mừng rỡ vô hạn, sai gia đồng dọn thư phòng cho Thi Tuấn ở, còn mình đi vào nhà trong nói chuyện với vợ là Hà phu nhân.