Phương huyện quan cưỡi ngựa về trước bẩm rõ các việc cho Thiệu Công hay, và dâng sổ biên tên họ người trong tám nhà tại Tùy Phương. Thiệu Công cho quan huyện lui ra. Khi tám nhà tới hầu, Thiệu Công liền thăng đường truyền rằng: "Trừ khổ chủ ra (vợ Trịnh Thân), còn bảy nhà nọ cứ theo tên kêu trong sổ mà quỳ cho có thứ tự!". Truyền xong kêu từng người vào quỳ, rồi nói rằng: "Đêm hôm qua có hồn oan về cáo tại phủ, người thủ phạm đã có nói rõ tên rồi, vậy nội trong sổ này, ta chấm bút son vào người nào thời là người đó". Nói rồi cầm bút son giả vờ chấm, và nói: "Nó đây rồi! Thôi ai không có tội thì đứng dậy, ai có tội thì quỳ". Nói dứt lời, ai nấy đều đứng dậy đi ra, còn có một người vừa đứng lên lại quỳ xuống. Thiệu Công lẹ mắt xem thấy liền vỗ án hét rằng: "Ngô Ngọc, mi giết Trịnh Thân thế nào, mau khai ra?".
Ngô Ngọc không chịu khai, Thiệu Công liền nổi giận sai tả hữu kéo ra đánh hơn mười hèo, đau quá, Ngô Ngọc bèn kêu lên: "Để tôi khai, đừng đánh nữa". Nói rồi khai rằng: "Nguyên chiều hôm đó, tôi vừa đi ra, gặp Trịnh Thân ngất ngưởng về, từ mé đông đi lại, tôi bèn đi theo. Thấy y có mang cái túi, trong có tiếng khua, tôi bèn hỏi Trịnh Thân mà vay tiền, Trịnh Thân đã không cho lại còn mắng nhiếc tôi, vì vậy tôi nổi giận xô y một cái té nhào xuống đất, cái túi đụng đất khua tiếng nặng lắm, tôi chắc trong ấy là tiền bèn đè Trịnh Thân toan giật, vì y cất tiếng la, nên tôi bóp họng, một lát y hết cục cựa, tôi kéo đem bỏ dưới khóm lau trong đầm. Ai dè hồn oan còn vấn vít, xin lão gia dung mạng". Thiệu Công nói: "Bây giờ mi để túi bạc ấy ở đâu?" Ngô Ngọc thưa: "Túi bạc hai trăm lượng tôi còn chôn dưới cái lu đằng sau, chưa xài tới phân nào cả". Thiệu Công bắt nó ký khẩu cung, sai quan huyện đi lấy bạc về trả cho Vương Thị. Lý Tôn và bảy nhà nọ được tha, lưu Thi Tuấn ở lại phủ, còn Ngô Ngọc thời đem về ngục dưới huyện chờ qua thu sẽ xử. Quan huyện vâng lệnh từ giã lui về.
Thiệu Công xử xong án, trở vào tới thư phòng kêu Cẩm Tiên tới hỏi thăm lại một lượt nữa: "Mi có biết bạn bè của lão gia mi là ai hay không?". Cẩm Tiên thưa: "Lão gia tôi có hai người bạn, một người là Binh bộ thượng thư Kim Huy, một vị là Thái thú Thiệu Ban Kiệt". Tên thơ đồng đứng bên nghe Cẩm Tiên nói tới đó liền kéo áo Cẩm Tiên mà rằng: "Sao mi nói hỗn hào không kiêng quan húy"!. Cẩm Tiên thất kinh quỳ xuống xin lỗi. Thiệu Công cả cười rằng: "Ta đây là Thái thú Thiệu Ban Kiệt, còn Kim lão gia đã nhận Thái thú Tương Dương rồi". Nói đoạn sai thơ đồng lấy áo quần giầy mũ đem ra cho Thi Tuấn thay. Cẩm Tiên lén nói cho Thái thú biết vị lão gia này là Thiệu Công và nghe nói Kim Công đã nhận Thái thú Tương Dương. Thi Tuấn nghe nói cả mừng thay đổi y phục xong, bèn vào thư phòng lạy tạ Thiệu Công. Thiệu Công lại hỏi tình do, thời Thi Tuấn bắt đầu thuật cả đầu đuôi song việc giận Kim Công thời đổi lại, vì Kim Công sửa soạn đi nhậm chức nên không tiện ở, phải về nhà, ai dè đau ốm và gặp việc này. Thiệu Công nghe nói gật đầu. Khi nói tới thi phú văn chương, Thi Tuấn đối đáp suông sẻ rõ là người học rộng biết nhiều. Thiệu Công rất vui lòng, nên lưu giữ ở lại phủ.
Những lúc rảnh rang, Thiệu Công và Thi Tuấn trò chuyện, nhân hỏi tới cuộc hôn nhân, Thi Tuấn liền đem chuyện cha mình hứa hôn với Kim Công, song hai trẻ còn thơ ấu nên chưa nộp sính. Thiệu Công nghe xong bèn đem việc cứu tiểu thư giả lúc dọc đường thuật lại cho Thi Tuấn nghe, và nói tiếp: "May hai cháu trời xui tới đây gặp gỡ một đứa là con của Kim huynh, một đứa là con của Thi đệ, vậy ta đứng giữa tác thành cho hai đứa nên đôi". Thi Tuấn không chối từ được, phải chịu. Thiệu Công mừng lắm, vào nói cho phu nhân hay, giao phần cho phu nhân lo liệu công việc cho tiểu thư, còn mình thời lo liệu công việc cho Thi Tuấn, lựa ngày lành tháng tốt làm đám cưới.
Cưới hỏi xong xuôi, Thiệu Công viết hai phong thư, một phong sai Đình Hùng đem cho Kim Công, một phong bảo Lữ Khánh đem cho Thi Kiều.
Ngày nọ Cẩm Tiên có việc đi ra sau nhà, bỗng thấy Giai Huệ đương cầm quạt chọc chùm anh võ. Giai Huệ thấy Cẩm Tiên liền xòe quạt che mặt. Cẩm Tiên lẹ mắt thấy kịp bèn kêu một tiếng: "Giai... !". Giai Huệ liền xua tay nói: "Em đừng nói lớn". Cẩm Tiên hỏi: "Sao nàng lại tới đây?". Giai Huệ bèn đem việc hai đứa làm mai không kín, để đến nỗi lão gia hay, bắt tiểu thư tự vẫn thế nào, bà vú lập kế qua huyện Đường gặp kẻ cướp làm sao, tiểu thư nhào xuống sông, còn mình nhờ Thiệu Công tháp cứu, bèn giả làm tiểu thư, thuật lại cặn kẽ rồi nói: "Ai dè chuyện chơi mà sinh thiệt, nay lỡ như vậy xin em kín miệng giấu dùm, chờ tìm cho được tiểu thư sẽ giúp sức cho hai người nên đôi, rồi ta sẽ nhượng ngôi chính lại cho tiểu thư, quyết chẳng phụ lòng. Thế nào em cũng chớ tiết lộ". Cẩm Tiên nhận lời, lấy đồ rồi trở ra thư phòng không hé môi cho Thi Tuấn biết việc ấy, tự mình biết cô dâu mới là tiểu thư giả, nên để ý dò hỏi cô dâu thật coi lưu lạc nơi nào.
Đinh Hùng vâng mệnh Thiệu Công đem thư cho Đinh Thái thú. Đinh Hùng đi thuyền tới nơi, thấy thuyền quan sắm sửa chực rước, hỏi ra mới hay Thái thú đi bộ mới tới Khô Mai Lĩnh, thấy trước mặt có quan quân khiêng kiệu và chuyển vận hành lý, còn Thái thú thời cưỡi ngựa đi sau. Đinh Hùng liền xuống ngựa, đón dâng thư. Kim Thái thú tiếp lấy rồi bảo Đinh Hùng lên ngựa đi theo tới quán dịch sẽ hồi đáp. Đinh Hùng vâng lời, bèn đi theo Kim Phúc Lộc cùng chuyện vãn.
Kim Công ngồi trên ngựa xé thư ra xem, thấy đoạn trên thời thăm nom gia quyến, đoạn dưới nói chuyện Thi Tuấn và Mẫu Đơn đã hoàn nhân, thời không vui và trách thầm Thiệu Công lắm. Coi xong chỉ đút thư vào túi. Đi vừa tới Xích Thạch Nhai bỗng thấy một tốp lâu la túa ra giăng hàng ngang trước lộ, trong ấy có một người mày vàng, mắt thau, mặt gãy, để hàm râu vàng hoạch như tơ, cưỡi ngựa cũng vàng, tay xách hai cây lang nha bổng đứng đón. Kim Công thấy vậy hoảng kinh. Đinh Hùng tế ngựa tới đối địch, bị lâu la bao vây đánh nhào xuống ngựa. Kim Công vừa muốn tìm đường thoát thân, bỗng thấy tướng cướp nọ thúc ngựa tới hét lớn rằng: "Mời Thái thú lên sơn trại nói chuyện". Dứt lời huơ lang nha bổng một cái lâu la tới nắm hàm thiếc ngựa kéo lên núi. Bọn Kim Phúc Lộc thấy vậy chạy tứ tán hết.
Lam Kiêu vừa bắt Kim Công đem lên núi, chợt thấy Ác Diêu Minh bay ngựa tới bẩm rằng: "Tôi vâng lệnh đoạt đà kiệu, ai dè bị Sa viên ngoại, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích đánh tan lâu la và cứu đem về nhà rồi". Lam Kiêu nghe nói cả giận hét rằng: "Sa Long khinh ta quá lắm?". Lập tức sai Ác Diêu Minh giải Kim Công về núi rồi đem lâu la xuống tiếp ứng với mình. Ác Diêu Minh vâng lệnh đi liền. Lam Kiêu dắt lâu la tới Xích Thạch Nhai thấy Sa Long, Mạnh Kiệt đương đi tới, Lam Kiêu bèn kêu rằng: "Sa viên ngoại! Tôi không bạc đãi ngài sao ngài can thiệp tới những việc tôi làm làm chi?". Sa Long nói: "Tôi không muốn dính líu tới chuyện người khác, song nghe trong kiệu có tiếng kêu khóc, lẽ nào lại không cứu". Lam Kiêu nói: "Vả chăng chúng tôi với Kim Thái thú có thù, nay gặp người phải bắt, té ra bắt được Thái thú còn gia quyến người thời Viên ngoại đoạt cả đó là ý gì?". Sa Long nói: "Đó là ngươi làm việc chẳng phải rồi. Kim Thái thú là Tứ phẩm huỳnh đường, sao dám bắt lên núi. Theo ý ta, thời nên thả Thái thú ra rồi ta sẽ nói giúp à xin tội". Lam Kiêu nghe nói hét rằng: "Sa Long xem thường ta quá, ta quyết không đội trời chung với mi". Nói rồi thúc ngựa tới đánh. Sa Long giữ thế đối địch, Mạnh Kiệt áp lại giúp sức. Lam Kiêu thấy hai người dũng lực phi thường bèn ra ám hiệu lâu la bao vây.
Sa Long và Mạnh Kiệt giết đánh rất dữ song lâu la quá đông, vây kín như lồng, làm hai người dần dần mệt mỏi. Nguyên Ác Diêu Minh giải Kim Công lên núi rồi, bèn đem lâu la xuống vây. Đương lúc Ác Diêu Minh hò hét lâu la, bỗng thấy người con gái hôm trước, thời lòng tà nổi lên, bèn thúc ngựa tới, kêu: "Cô ơi! Đi đâu đó?" Nói dứt lời nghe một cái rẹt, Ác Diêu Minh bị đạn sắt trúng mí mắt, nhào xuống ngựa.
Nguyên Tiêu Xích hộ tống kiệu về đến nhà, Phụng Tiên, Thu Quỳ ra rước, nghe Tiêu Xích nói Lam Kiêu đem lâu la giáp chiến trên núi, thời hai chị em không yên lòng, nên đi theo Tiêu Xích lên cứu Sa Long. Vừa lên tới núi gặp Ác Diêu Minh vô lễ nên ột viên đạn té nhào. Thu Quỳ liền chạy tới giơ côn đánh tới, một lát Ác Diêu Minh hết thở.