Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm

Dưới ngọn đèn mờ, dì Lâm mang vẻ mặt thẹn thùng, vạn phần tình ý, dịu dàng nói: “Hoành lang! Hôm nay, thiếp rất vui. Thứ nhất vì cô Cả kết được một mối nhân duyên tốt. Thứ hai vì Mặc nhi chúng ta, hôm nay có không ít lão phu nhân và phu nhân khen Mặc nhi khéo léo, cởi mở, được nhiều người yêu quý đấy. Nhưng mà…Ài…” Thở dài u oán, kéo theo đó là một chuỗi ưu thương.

“Nếu đã vui sao lại thở dài làm gì?” Thịnh Hoành buồn ngủ, rất muốn đi nằm.

“Thiếp nghĩ đến tương lai liệu Mặc nhi có được may mắn như cô Cả hay không? Mặc dù bây giờ trong phủ mấy cô nương đều giống nhau. Nhưng sợ đến lúc làm mai, nhà người ta e ngại con bé không được phu nhân nuôi dưỡng…” Dì Lâm dần dần nhỏ giọng.

Thịnh Hoành nhớ đến khó khăn trước kia khi mình đến Vương gia cầu thân, tức giận nói: “Chung quy đích thứ khác biệt. Nhưng mà có ta ở đây tất nhiên sẽ không để Mặc nhi phải uất ức.”

Dì Lâm ôn nhu nói: “Hoành lang đối xử với ba mẹ con thiếp như thế nào, thiếp hiểu rõ nhất. Chuyện cưới gả của vương hầu, quan lại là do đàn bà con gái làm chủ, Hoành lang sao tiện nhúng tay vào. Chi bằng để phu nhân mang theo các cô nương đi ra ngoài. Từng trải mới nên người, có như thế Mặc nhi mới không oán trách thiếp thân phận hèn mọn làm liên lụy, mai một trong phủ không ai hay biết.” Về sau càng nói giọng càng buồn bã.

Thịnh Hoành trầm tư một lát rồi nói: “Có lý. Trở về ta sẽ nói chuyện với phu nhân. Sau này thường xuyên giao thiệp với đám khách nữ, đừng chỉ mang theo mỗi Như Lan, phải mang theo cả Mặc nhi và Minh nhi nữa. Nếu mấy đứa có phẩm chất tốt thì ắt có phúc phận, tương lai Thịnh gia cũng kết thêm hai cửa hôn sự tốt.”

Dì Lâm nũng nịu tựa vào lòng Thịnh Hoành, nhõng nhẽo kêu to: “Hoành lang của thiếp thật tốt!” Trong chớp mắt bỗng nhiên lại khó chịu, khẽ chau mày: “Nghe nha hoàn ở ngoài xem náo nhiệt nói, của hồi môn Hoa nhi một trăm hai tám hòm, thêm cả khế ước đất đai, cửa hàng và rất nhiều nha hoàn tôi tớ. Rất khí thế! Không biết Mặc nhi…”

Thịnh Hoành vốn hơi mông lung, dù sao cũng được Khổng ma ma tẩy não hai lần nên đối với yêu cầu của dì Lâm có chút cảnh giác, nghĩ hồi lâu mới nói: “Bất luận nhà chồng thế nào, mấy đứa con gái, ta đều đối xử như nhau. Nhưng mà đứa lớn là phu nhân lấy của hồi môn của mình bỏ thêm vào. Cứ theo tính toán như vậy, đồ cưới Mặc nhi cũng như Hoa nhi thôi.”

Dì Lâm cao giọng: “Hoành lang tốt thế! Phu nhân đã gả đến đây thì của hồi môn của nàng cũng là của Thịnh gia. Mấy cô đều gọi phu nhân một tiếng mẫu thân, nàng cũng không thể thiên vị một bên được!”

Lòng Thịnh Hoành chợt nguội lạnh, đầu óc bắt đầu tỉnh táo, chậm rãi nói: “ Chỉ có loại đàn ông không có tiền đồ mới chăm chăm nghĩ đến đồ cưới đàn bà. Dù gì ta cũng xuất thân danh môn, ba đời làm quan, nếu trước kia dùng đồ cưới nhà họ Vương thì nay đứng trước mặt dì cả, ta cũng khó mà ăn nói. Từ khi ta cầu thân đã hạ quyết tâm, đồ cưới của phu nhân một xu ta cũng không động đến, để lại hết cho Trường Bách là được rồi, dù sao cũng là con cháu Thịnh gia.”

Lâm di nương cuống quýt từ trong chăn bật dậy nói: “Thế Phong nhi và Mặc nhi ở đâu? Chẳng lẽ Hoành lang mặc kệ hai đứa nó? Chẳng lẽ vì thiếp là vợ lẽ nên còn để bọn nó sau này phải chịu khổ?” Nói xong nước mắt lại rơi.

Trong đầu Thịnh Hoành luôn nhớ kĩ thủ đoạn của Khổng ma ma, chậm rãi nói: “Của hồi môn nàng không nhiều à! Chẳng lẽ ta nhớ nhầm?”

Dì Lâm mắc nghẹn, nhìn Thịnh Hoành vẫn chưa tin được, không nghĩ đến ông ta có thể nói như thế.

Thịnh Hoành thầm than không ngờ Khổng ma ma liệu sự như thần. Có một lần hàn huyên, Khổng ma ma nói thẳng ra chu kì chung sống của ông ta với dì Lâm. Lần nào cũng là dì Lâm khóc lóc kể lể thân phận mình thấp kém đáng thương. Sau đó ông ta liền đau lòng, dỗ nàng. Kế tiếp, dì Lâm lại đáng thương hơn, sợ hãi khi nghĩ đến tương lai bản thân, khóc lóc một thôi một hồi vẫn chưa xong nên ông ta liền mềm lòng hứa với nàng cái này, cái kia.

Lúc ấy, Khổng ma ma liền cười nhạt nói, nếu dì Lâm có gia thế và đồ cưới như phu nhân, nàng ta còn muốn làm thiếp của Thịnh Hoành sao?

Tuy rằng, Thịnh Hoành tin tưởng mình với dì Lâm là có ‘tình cảm thật’, nhưng tự mình biết mình ngược lại sẽ không nẩy ra mấy ý nghĩ viển vông. Vì vậy Khổng ma ma liền dạy cho Thịnh Hoành câu nói vừa rồi, chặn đứng yêu sách của dì Lâm, thậm chí mấy câu sau nói như thế nào cũng đã chuẩn bị sẵn.

Thịnh Hoành khoác thêm áo lót ngồi dậy, giọng nói lạnh đi vài phần: “Trước kia, ta sợ mẹ con các nàng bị người ức hiếp mới dám mang một ít sản nghiệp tổ tông để các nàng đặt bên người. Chuyện này vốn đã không đúng theo gia quy rồi nhưng vì nàng, vì Phong nhi và Mặc nhi nên ta vẫn làm. So với thiếp thất bình thường khác, nàng có thể diện hơn nhiều mà còn không biết đủ à? Nếu nàng muốn đứng ngang hàng với phu nhân chính thất thì trước kia không nên làm thiếp của ta.”

[1] Áo lót (Trung y) là quần áo trong thời nhà Hán, mặc kèm với thường phục hoặc làm đồ mặc ở nhà, chủ yếu là màu trắng gồm có áo trong, váy trong, khố.

Dì Lâm nghe đến nín thở, người run lên nói: “Hoành lang! Sao lại như thế? Thiếp đối với chàng một tấm chân tình, thiếp không làm phu nhân chính thất nhà khác, chỉ nguyện ý làm thiếp của chàng. Sao chàng…Sao…”

Thịnh Hoành lại có chút hậm hực trong lòng. Khổng ma ma đúng là nữ Gia Cát. Đến cả mấy câu tiếp theo, dì Lâm sẽ nói gì cũng đều đoán đúng, nên ông ta liền gặp chiêu đối chiêu nói: “Vừa rồi nàng nói một tấm chân tình với ta nên mới tình nguyện làm thiếp. Thế sao lúc nào cũng oán trách lại còn đòi hết cái này đến cái nọ với ta? Một tấm chân tình mà như thế à?”

Nói xong, đến bản thân Thịnh Hoành cũng có phần chán ghét, giống như hiểu được dì Lâm đối với mình cũng không đến mức ‘một tấm chân tình’ như thế.

Dì Lâm bị nói đến ngậm miệng, không biết trả lời thế nào, tựa như bị người ta đánh phủ đầu một gậy, khóc thút thít hồi lâu, sắp xếp lại từ ngữ mới tủi thân tiếp lời: “Nếu thiếp vì bản thân mình, nửa câu thiếp cũng sẽ không nhắc đến. Nhưng mà thiếp vì con! Thiếp biết mình thấp kém, nhưng Phong nhi và Mặc nhi lại là cốt nhục của lão gia đó. Thiếp… Thiếp… Thiếp thực sự rất lo lắng…”

Thịnh Hoành lạnh lùng nói: “Sau này nếu như Mặc nhi với được cửa hôn nhân cao, ta sẽ vì thể diện nhà họ Thịnh mà phá lệ mua thêm. Nhưng nếu như là nhà thông gia bình thường, chẵng lẽ ta còn phải mua cho Mặc nhi đồ cưới giống như Hoa nhi gả đến Bá phủ à? Còn nữa, Như nhi và Minh nhi, hai đứa kia cũng là cốt nhục của ta. Về phần Phong nhi, là nam tử hán, đại trượng phu sống trên đời vốn phải tự lập, đọc sách thi cử làm quan phải tự thân lập nghiệp, tìm chỗ đứng trong xã hội, chẳng lẽ chỉ biết dựa vào ông bà tổ tiên hay sao? Ngày ấy, bác ta suýt nữa thì cầm cố hết gia sản, cơ nghiệp hôm nay là do anh cả dùng sức mà có đấy! Mặc dù ta bất tài nhưng có được như hôm nay không phải chỉ biết dựa vào lão thái gia đâu!”

Dì Lâm lau nước mắt, trong lòng lại thầm hận Khổng ma ma. Từ khi Khổng ma ma đến, Thịnh Hoành không còn cưng chiều nàng, thuận theo nàng như trước kia. Nàng vẫn nhẫn nhịn, cung kính hầu hạ như cũ. Hôm nay, nhân lúc Thịnh Hoành vui vẻ nàng vốn định thuyết phục hắn đặt thêm một ít sản nghiệp dưới danh nghĩa mình. Sau này hai đứa con của mình cũng có chỗ đứng, không nghĩ Thịnh Hoành giống như đã có chuẩn bị từ trước, lại còn nói thêm một thôi một hồi, đến một giọt nước cũng không thèm uống, trong lòng nàng thầm hoảng hốt.

Thịnh Hoành thấy nét mặt sợ hãi của dì Lâm lại có chút đáng yêu, đau lòng nên tự giác điều chỉnh giọng nói chậm lại: “Sao ta có thể không thương Phong nhi và Mặc nhi được, nhưng chung quy lớn bé đích thứ phải có thứ tự. Nếu ta làm rối loạn gia quy, không những để thiên hạ người ta chê cười mà còn rước họa đến nhà.”

Bỗng Thịnh Hoành cảm thấy mình rất dễ mềm lòng, nhớ đến mấy câu cuối Khổng ma ma nói đến liền dùng ngay tại trận. Ông ta nói rất nhanh, khuôn mặt nghiêm nghị: “Nàng tự quản bản thân cho tốt đi. Đừng có cả ngày suy nghĩ mỗi chuyện ấy nên mới gây ra chuyện tranh giành giữa Mặc nhi với mấy đứa khác. Sau này Phong nhi mà học cái tính ấy thì ta trực tiếp xử lý nàng đó!”

Nói xong liền mặc thêm áo, đứng dậy bước xuống giường, chỉnh sửa quần áo chỉn chu rồi lập tức bước ra cửa, mặc kệ dì Lâm ầm ĩ ở phía sau như thế nào cũng chỉ quay đầu bỏ thêm một câu: “Nhớ nuôi dạy con cho tốt đi, sau này ắt được đền đáp, cái gì có thể cho ta sẽ cho nàng. Đồ của người khác thì đừng có nhớ mong!”

Dì Lâm bỗng thấy lo lắng đan xen. Nàng ta được nuông chiều quen thói nên không có mặt mũi nào mà kéo Thịnh Hoành lại cầu xin, chỉ có thể đứng nghiến răng.

Thịnh Hoành vừa đi vừa thở dài. Khổng ma ma ở chốn thị phi đã lâu nên hiểu rõ gốc rễ trong gia tộc. Bà kể lướt qua mấy gia tộc suy tàn hay công hầu bá phủ bị đoạt tước, ông ta đều biết, thậm chí có nhà còn có chút qua lại. Họa trong nhà hầu hết đều xuất phát từ đám con cháu bất tài. Mà con cháu bất tài lại do gia giáo không nghiêm mà ra. Lúc lụn bại thì phượng hoàng còn chẳng bằng gà. Gia tộc sa sút thì dẫn đến nuôi dạy con cháu càng không ra gì, ở kinh thành ông ta nhìn thấy mà phát hoảng. Ông ta chính mắt thấy bác cả sủng thiếp diệt thê như thế nào, gia sản to như vậy mà gần như kiệt quệ. Nếu không có mẹ cả mình làm chỗ dựa cho Thịnh Duy dốc sức làm ăn thì một chi đã sớm suy tàn đến mức gần như không cứu vãn được. Từ trước đến nay nhiều vô số, Thịnh Hoành cứ nghĩ đến lại thấy lo lắng khôn nguôi.

Bên ngoài có cơn gió lạnh thổi qua, Thịnh Hoành lấy lại bình tĩnh rồi cảm thấy mình lo lắng dư thừa. Dù sao giờ Trường Bách và Trường Phong đều cần cù chăm học, không như cái đám công tử quần áo là lượt ngắm hoa chơi chim lêu lêu lổng lổng. Hồi cha mất, khi Thịnh Hoành được các bác, các chú, bạn cũ của cha dẫn đi bái phỏng[‘] người khác, ông rất hâm mộ những thế gia danh môn trải qua mấy đời đều làm quan. Mấy kiểu gia tộc như thế này đều là gia đình có nền nếp, con cháu đều có triển vọng, mấy đời đều không suy, dù có tước vị cũng không chủ quan. Sau này không biết Thịnh gia có được phúc khí như thế hay không?

[‘] Hình thức xã giao, thăm hỏi của giới quý tộc xưa.

Thịnh Hoành than nhẹ một tiếng. Làm một vị quan có lý tưởng, có hoài bão đâu dễ dàng gì?

……

Lúc Hoa Lan lấy chồng, Vương thị không chỉ cho thêm của hồi môn mà còn chọn mấy nha hoàn, hầu già chịu khó thật thà đưa đi theo. Thịnh lão thái thái vốn chỉ nghĩ chỉnh đốn bên trong phủ thôi nhưng nhân cơ hội này dứt khoát sắp xếp nô bộc lại từ đầu. Lúc đầu Vương thị rất chống đối đợt điều động nhân viên này, nhưng vừa nghe đến cắt giảm người hầu ở Lâm Tê Các nàng liền giơ cả hai tay ủng hộ.

Dựa theo cấp bậc chế độ phong kiến, người hầu của thiếp thất chắc chắn ít hơn phu nhân. Trước kia là Thịnh Hoành thiên vị, nhưng giờ Thịnh Hoành quay đầu là bờ nên Lâm Tê Các sẽ cắt giảm biên chế. Dì Lâm cũng từng làm ầm ĩ một trận, nói mấy người kia đều để hầu hạ Phong nhi và Mặc nhi. Nhưng Vương thị liền phản đối: “Vậy Bách nhi và Như nhi thì tính sao?”

Giải thích công thức như sau: Vương thị + Trường Bách + Như Lan = Lâm di nương + Trường Phong + Mặc Lan; Nhưng mà, Vương thị > Lâm di nương nên Trường Bách + Như Lan > Trường Phong + Mặc Lan.

Mắt thấy nhân lực mình sắp đặt nhiều năm bị cắt xén đi không ít, dì Lâm lòng như lửa đốt nhưng không dám phản kháng. Đứng trước mặt lão phu nhân, nàng không thể nói theo lẽ thường được. Trước mặt Thịnh Hoành, ‘tấm chân tình’ cũng không thể làm ‘lay chuyển’ hắn. Ở trước mặt Vương thị, thân phận nàng không hơn. Cuối cùng chỉ có thể ôm bụng buồn bực về viện của mình, gương mặt u ám, ném vỡ tan một bộ pha trà.

Đồng cảnh ngộ đổi nhân viên với dì Lâm còn có cô Sáu, Minh Lan. Gặp được chuyện tốt như vậy, cô Sáu tỏ ra rất không thức thời, phản ứng đầu tiên khi nghe thấy mình được thêm người là: “Sao phải thêm người? Thôi ma ma, Đan Quất còn có Tiểu Đào, ba người hầu hạ con là đủ rồi, Những việc khác thì có người làm rồi mà.”

Suy nghĩ của Minh Lan như vậy là rất bình thường. Nàng đến đây lúc đang xảy ra khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn thế giới. Trung Quốc đang thời kỳ cắt giảm nhân sự, thuộc kiểu coi phụ nữ như đàn ông, coi đàn ông như gia súc mà giao việc, có thể tuyển dụng hai người thì quyết không tuyển hai người rưỡi. Thịnh lão thái thái trưng ra biểu cảm chỉ tiếc rèn sắt không thành thép nhìn Minh Lan hồi lâu rồi thở dài một tiếng, đến gian Phật đường niệm kinh hai lần để tĩnh tâm, kiềm chế bản thân không đi bóp chết đứa cháu gái yêu quý. Mà Phòng ma ma thì rất quan tâm chuẩn bị cho Minh Lan được xóa nạn mù chữ.

Năm đó, lúc Thịnh lão thái thái vẫn còn là đại tiểu thư của Dũng Nghị hầu phủ có riêng một viện của mình không nói đến làm gì, nhưng bên cạnh cò có ba ma ma quản gia, năm nha hoàn bậc nhất, tám nha hoàn bậc hai, tám nha hoàn bậc ba, còn có năm sáu đứa râu ria làm chân sai vặt. Ngoài ra còn có một số hầu già chuyên thêu thùa may vá, giặt quần áo và vẩy nước quét nhà, ngần ấy ước chừng khoảng mấy chục người.

Minh Lan tách mấy đầu ngón ra bắt đầu đếm, càng đếm càng há to miệng: “Vậy. Vậy. Có phải hơn ba mươi người chỉ chăm sóc mỗi bà nội thôi ạ?”

Phòng ma ma chỉnh miếng lót giầy màu hạt dẻ mới làm được một nửa lại cho cân đối, ngay ngắn, tỉ mẩn thêu bông hoa sáu cánh rất tinh tế lên mảnh lụa chèn phía trên, cực kì kiêu ngạo nói: “Đó là tất nhiên rồi. Lão hầu gia qua đời có mỗi một cô con gái, bao nhiêu châu báu ngọc ngà đều để hết cho con. Lúc ấy, lão phu nhân ở trong kinh thành cũng có tiếng là người con gái xinh đẹp, nết na.”

Minh Lan suy nghĩ trong chốc lát liền hỏi: “Vậy bây giờ Dũng Nghị hầu phủ cũng như thế ạ? Cháu từng nghe bà nội nói, Dũng Nghị hầu phủ giờ có ba chị em gái cùng trang lứa.”

Nét mặt già nua của Phòng ma ma hơi khó kìm nén, nói qua loa lấy lệ: “Thật sự không có. Dũng Nghị hầu xưa và nay cũng có chút khác nhau.” Trong lòng bà thầm than, Cô Sáu luôn luôn nắm bắt chính xác điểm mấu chốt.

Minh Lan nhướng mày, cười nói: “Ma ma đừng cau mày. Lúc đó chỉ có mỗi bà nội, nhưng giờ hầu phủ có đến ba cô gái, tất nhiên không thể lãng phí như trước đây được.”

“Cô chủ nói đúng. Đúng là ý này.” Nét mặt già nua của Phòng ma ma cuối cùng cũng trở về, mỉm cười hiện lên mấy nếp nhăn trên khuôn mặt ấm áp, nói: “Giờ lão gia nhà chúng ta là quan lục phẩm, làm chức Tri Châu nên tất nhiên không thể vung tay như hầu phủ. Nhưng không vấn đề gì, một..hai…hay ba bậc, nha hoàn trong phủ cũng phải tương ứng với thân phận của cô chủ. Ngày xưa, cô chủ còn nhỏ, bên cạnh chỉ có hai nha hoàn là Đan Quất và Tiểu Đào không nói làm gì. Giờ cô chủ càng ngày càng lớn, đâu phải như mấy nhà nghèo bình thường được, nói ra lại để cho thiên hạ người ta chê cười nhà mình. Hơn nữa, cô Tư và cô Năm cũng thế cả, tất nhiên không thể hơn được, để cho quan báo lên trên sống xa hoa, lãng phí thì tai họa.”

Phòng ma ma nói một tràng dài chuyện linh ta linh tinh, Minh Lan gật đầu như giã tỏi. Ngày thứ hai, quản sự và vú già dẫn chừng mười một cô gái từ bên ngoài bước vào Thọ An Đường, cao, thấp, béo, gầy đủ cả đứng đầy ở phòng khách. Vương thị ngồi một bên cười tủm tỉm, kéo Minh Lan đến nói: “Con nhìn đi. Con thích người nào thì chọn ra.”

Minh Lan quay lại nhìn, tầm mắt giao nhau với cô gái kia. Ánh mắt cô gái lập tức thu về, y như thỏ. Cũng có mấy người to gan nhìn Minh Lan mỉm cười, tỏ vẻ lấy lòng. Ngực Minh Lan có chút không thoải mái, giống như hồi bé chọn mấy thứ đồ trải bên lề đường, như thể mấy cô gái không phải con người, chẳng qua chỉ là cá vàng, món nhắm của con rùa đen mà thôi.(Cá vàng thường là thức ăn của rùa)

Ánh mắt mấy cô gái này dù dũng cảm hay nhút nhát đều lộ ra khát vọng. Trải qua sự giáo dục của Phòng ma ma, Minh Lan biết, đối với những cô bé này, nếu được chọn trúng liền có thể vào trong phủ, thoát khỏi cuộc sống chân lấm tay bùn, nếu may mắn thì tương lai còn có cơ hội tiến thêm một bước. Minh Lan tự hỏi lòng mình, cuộc sống an nhàn thoải mái hay tự do, tôn nghiêm, nhân cách, cái nào quan trọng hơn?

Lúc Minh Lan đang suy nghĩ sâu xa về vấn đề nhân sinh quan, Thịnh lão phu nhân liếc mắt nhìn nàng một cái. Phòng ma ma quay lại nói với Vương thị: “Cô Sáu còn nhỏ, chưa gặp được mấy người làm sao chọn được? Để lão phu nhân đến giúp vậy.”

Thịnh lão phu nhân gật đầu đồng ý.

Lão phu nhân chọn người hiển nhiên là lão luyện. Bà hỏi cặn kẽ mấy người quản sự, vú già dẫn người đến: Ai mua ở bên ngòai? Gia đình mấy người này như thế nào? Trước đây sống ở đâu? Cha mẹ là người ở đâu? Có sở trường gì đặc biệt? Loại bớt mấy cô gái về ngoại hình và sức khỏe không tốt, cuối cùng Thịnh lão phu nhân chọn được bốn người.

Vương thị vội hỏi: “Ít như thế chẳng phải khiến bé Sáu tủi thân ạ! Lão phu nhân chọn thêm mấy người nữa đi. Nếu mấy đứa này không vừa lòng, con mua thêm mấy người nữa cũng được.” Minh Lan cúi đầu nghĩ, kì thực là nha hoàn bên chỗ Như Lan vượt biên chế đúng không.

Thịnh lão phu nhân liếc Vương thị nói: “Đầu to đến mấy mà đòi đội nhiều mũ [‘], lão gia lập nghiệp đâu dễ dàng gì, tiết kiệm một chút cũng tốt, đỡ phải mở miệng chào hỏi cũng tốt. Làm vợ thì nên khéo léo thu vén cho chồng mọi sự thỏa đáng.”

[‘] Theo mình hiểu ý câu này ám chỉ những người chết vì sĩ diện.

Vương thị xấu hổ đáp một tiếng dạ, trong lòng lại quyết định, lát nữa về phòng phải đem mấy đứa nha hoàn kia đến chăm sóc cho Như Lan.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui