Cơn mưa nhanh chóng ập đến làm hai người đang ăn không thể chùng chình thêm, Mầu cố nuốt vài miếng cho đỡ xót ruột rồi vội vàng dọn mâm xuống bếp.
Nô quẩn quanh bên cạnh, lúc đưa cái này, lúc dọn cái kia làm Mầu vô cùng ngột ngạt. Trải qua sóng gió, cô rốt cuộc cũng dừng lại cái vòng xoay ngạo ngược tuổi trẻ, để nhìn lại, để nhận ra và hiểu.
Nô thực ra có lòng với Mầu.
Người con trai này, trước kia Mầu chưa từng để vào trong tâm, trêu chọc rồi hoang đàng cùng anh cũng chỉ vì anh có cái bộ dáng ưa nhìn.
Trời đã lạnh đến mức đôi môi đỏ tươi của Mầu cũng tái lại, mà Nô vẫn đánh độc một cái khố nâu, làn da tuổi trẻ căng bóng, cuồn cuộn, ẩn chứa bên trong một thứ nhựa sống làm người ta rạo rực, khao khát. Khuôn mặt chữ điền điển trai, sạch sẽ, đôi mắt đen như sơn với đuôi dài, cách vừa đủ bên dưới cặp mày rậm rạp, sống mũi cao thẳng, đôi môi dày dặn, ánh lên sắc hồng đa tình.
Nô khỏe lắm, sức người bằng ba thanh niên khác, một mình có thể vật chết con trâu trưởng thành, nên là Phú ông vừa dọa vừa dỗ, bằng mọi giá cũng muốn giữ anh ở lại làm công, sinh lợi.
Sinh ra vốn không có cha, Nô sống vất vưởng cùng người mẹ ngốc đến năm 7 tuổi thì được Phú ông dùng mấy đồng bạc mua về. Từ đó đến nay đã 15 năm trời, anh bán sức cho Phú ông, chẳng nề hà công việc vất vả. Người mẹ của anh bị cấm tiệt lai vãng đến, chỉ khi Nô đi làm đồng, chăn trâu mới ghé qua mang cho bà ít đồ ăn.
Nếu mẹ Nô không ngốc, ở cái làng này, ắt hẳn bà cũng đắt mối. Chẳng vậy mà mang tiếng ngốc rồi, vẫn còn có kẻ đang tâm cưỡng bức bà khiến bà có bầu rồi chạy mất. Tội không chồng mà chửa bị phạt rất nặng, có thể bị giam vào lồng heo dìm chết nếu như đương sự không có tiền nộp treo. Nhưng là sự tình xảy ra trên người một phụ nữ ngây dại, chẳng ai rỗi hơi mà để ý đến.
Thế là Nô cứ như mầm cỏ dại, tự dưng được gieo, tự dưng nảy mầm rồi lớn lên mặc cuộc đời ra sức vùi dập.
Người mẹ thần trí không rõ nhưng mà khôn vặt. Mỗi khi làng có cỗ, chẳng hiểu bằng cách nào, bà luôn biết và có mặt đầu tiên. Khuôn mặt nhăn nheo, sạm nắng ngửa lên, đôi mắt ươn ướt như mắt cún con nhìn người cầu khẩn. Hôm nào phải chủ nhà tốt, cũng được bữa cơm tử tế, có khi còn vài đồng lẻ. Còn không, gặp phải phường vô lương tâm, bị đánh cho thừa sống thiếu chết, tự bò về cái lều nhỏ liếm láp vết thương, hôm sau có hơi cỗ, sẽ lại lết đi tiếp.
Nô chính là lớn lên nhờ những của bố thí như thế.
Nô hơn Mầu 4 tuổi. Lúc Nô về nhà Phú ông, làm việc quần quật như một người trưởng thành, thì Mầu đã mất mẹ, việc nhà cũng đã một hai thoăn thoắt.
Phú ông không phải hạng giàu có vô lượng gì. Nhà cửa khang trang, có ruộng đất rộng, có trâu, có lợn gà, đứng ở trong làng là thuộc hàng phú hộ rồi. Vợ mất, ông không đi bước nữa, cũng không thuê người làm trong nhà, thâm tâm ông tuy rằng thương con nhưng không muốn con gái mình lớn lên thành phường vô tích sự. Mọi việc trong nhà, như cơm nước, cám bã, chăm sóc chút vườn rau, Mầu đều quán xuyến. Thực tế, cô còn rất mát tay, đôi lợn, đàn gà qua tay cô đều béo tốt, khỏe mạnh, vườn rau thì xanh mướt, mát mắt.
Mỗi điều, không có người phụ nữ lớn tuổi, thân thuộc bên cạnh thủ thỉ, Mầu như ngựa non bất kham, không biết trời cao đất dày, phóng túng, lả lơi, trêu ong ghẹo bướm. Mà cái này, Phú ông đương nhiên không hiểu, chỉ cho rằng tuổi trẻ lại xinh đẹp hơn người, kiêu ngạo một chút cũng phải.
Phú ông quý con, làng trên xóm dưới có đi đến đâu, chẳng bao giờ quên câu cửa miệng "cái Mầu nhà tôi". Nhưng ông vô cùng bảo thủ, phải những đối tượng bất hảo, nghèo rớt, gia cảnh không thuận, ông gạch tên ngay từ trong suy nghĩ. Đối với ông, cô con gái xinh đẹp, giỏi giang này, có gả đi cũng phải là đối tượng ông trăm chọn, vạn tuyển.
Khốn nỗi, nhà có ba người, ở gần lâu ngày như rơm bén lửa. Cái người ông ra sức dụ dỗ ở lại nhà ông làm thuê, dám đem lòng tưởng nhớ cô con gái vàng ngọc. Phú ông nhất định là một chút cũng không nghĩ ra, chứ đã tỏ tường thì một là Nô không được phép ở cùng, hai là có hám lợi đến mấy ông cũng tống cổ Nô về với bà mẹ điên dại của anh.
Nô không ngốc, còn là một thanh niên sáng dạ, nên anh dù thương Mầu, cũng chưa bao giờ ngỏ ý cùng cô. Đến lúc xúc động, làm cái chuyện ăn nằm cùng Mầu rồi bị làng khui ra, anh mới vun hết can đảm lạy lục xin Phú ông cho cưới cô Mầu, cũng ngỏ ý sẵn sàng nhận cái thai của cô Mầu là con của mình.
Nhưng quá kiêu ngạo, Phú ông thà rằng ngọc nát, nhất quyết không để con gái đi theo kẻ bần hàn không cha, mẹ thì điên dại. Phú ông bỏ tiền nộp phạt, đợi Mầu sinh xong lại nhẫn tâm bắt cô đem trả con cho chú tiểu Kính Tâm.
Nô lay chuyển Phú ông không nổi, can ngăn Mầu không xong, phẫn uất trong lòng, anh dẫn mẹ đi biệt khỏi làng.
Mầu nhảy sông chết cũng là ngày Nô về tìm, vớt được cái xác không hồn, người cũng muốn phát điên. Tĩnh trí lại, Nô lợi dụng lúc mọi người xào xáo, chôn cất vội cho Mầu rồi dắt con trai đi, cũng không hay Phú ông nghe tin con gái, quá đau thương nổi lửa tự thiêu chết theo.
Câu chuyện thương tâm đó, bây giờ ngoài Mầu, không một ai hay biết. Chính vì thế, lòng Mầu càng thêm rối tinh cùng u ám.
Tình yêu thì sao? Ngoài chú tiểu Kính Tâm ở kiếp trước, nực cười thay nguyên hình lại là một người đàn bà, Mầu nào đã động tâm cùng ai. Huống chi vì tình, cô đã lầm lỡ gây ra bao chuyện thị phi như thế, khiến bản thân rơi xuống đáy sâu đã đành, còn hại cha tủi đau mà chết, đẩy Nô và con trai vào con đường mịt mờ.
Được quay lại, cô không thể phụ thiên ý này, cô sẽ sống khác đi, nghe lời thầy tìm một người môn đương hộ đối lấy làm chồng, sống một cuộc đời bình thường như bao người phụ nữ khác...
Tấm lòng hoa xuân, có tiếc, cũng đã trôi xa như làn khói bụi. Những thứ ấy, Mầu sẽ chôn ở một góc, thi thoảng lôi ra ngắm nghía, nhưng sẽ không bao giờ để nó sống dậy nữa.