Có bàn nát đi nữa thì sáng hôm sau cha con Mầu vẫn phải y lệ sang đám tất niên đàng nội. Nhà có hai người, Phú Ông bận rộn khất trưa mới về nên Mầu phải thu xếp sang góp mặt trước. Mầu nghe lời thầy, ăn vận chải chuốt, mái tóc bóng mượt vấn gọn trong dải nhung đen, còn điểm thêm đoá hoa vải đỏ rực. Hoa này thầy Mầu mua cho từ bận ông lên phủ huyện mà Mầu còn chưa có dịp nào diện tới. Nay ông đã cấp cho vải nền thì Mầu cứ mặc sức mà nhuộm thôi.
Cỗ tất niên bày bên nhà ông trưởng họ Hoàng. Từ nhà Mầu đi sang chưa hết hai khắc. Nhà bác trưởng bề thế, năm gian, lợp ngói đỏ, cột bề ngang gang rưỡi chắc chắn, cũng là đứng hàng đầu trong làng. Mang tiếng ông trưởng họ, lại đương manh nha ghế kỳ lão, không to là không được.
Nhà thờ họ nằm vuông góc bên cạnh, lâu đời hơn nên có phần kém khang trang một chút, nhưng vẫn còn cao mái thoáng giàn, hơn đứt nhiều nhà khá khá trong làng. Hiềm nỗi ông trưởng kỹ càng quá. Chả biết có phải như làng đồn đại là ông tham cái tiếng chấn hưng dòng họ hay không, mà ông khua chiêng đánh trống, chẳng kể sự bất hợp lý, đã mấy tháng nay lôi chuyện tu sửa nhà thờ họ ra bổ đầu các nhà. Nhà khá bổ đằng khá, nhà nghèo bổ kiểu nghèo, đinh đã đành, túng quá dâu rể cũng mót ra bổ nốt. Nên cả họ cứ gọi là rối như tơ vò. Tết nhất đến nơi, trăm công nghìn việc phải tiêu đến tiền. Miếng thịt lợn ối nhà còn chưa được trông thấy, đã bị quả tạ chực rơi ám trên đầu. Mà cái quả tạ này nó chao ơi là nặng. Cái gì cũng phải tốt nhất, đẹp nhất, tinh tế nhất, sơ sơ dự trù đã tốn vài bạc trăm.
Mầu thở dài, dự là bữa nay ăn cỗ thì ít mà hít khí thì nhiều. Họ nội nhà Mầu mà đã mổ bò, chuyện lật bàn đổ mâm là không mới lạ. Chỉ khổ Phú Ông, mang tiếng giàu có, nên trong mắt cả họ hình dung chẳng khác nào con vịt vàng, suốt ngày bị dòm ngó, lăm le bứt lông, trộm trứng.
Trước nhà ông trưởng có cái ao rộng, lúc Mầu thong thả đến tầm giữa giờ Hợi, trông qua bờ dậu mồng tơi đã thấy dăm ba bà lớn tuổi với mấy chị họ đương túm tụm ngồi rửa rau, làm thịt gà, ồn ã. Mầu ẻo cái lưng đi vào cười tươi roi rói:
- Con chào các bác, các thím, các chị. Nhà mình vất vả quá ạ, nhà có việc con sang muộn tý, thế mà đã sắp xong cả rồi.
- Mầu đã sang đấy à, nào đã xong cái gì - Bác dâu trưởng nhỏng cổ lên liếc Mầu, chúm miệng nhổ toẹt một bãi trầu xong mới vén môi nói tiếp - còn đương rối lên cả đây, xắn tay vào giúp cái nào, ai chà, mặc thế kia để đi hội hay sao...Vừa nói vừa lắc đầu, ý chê trách hiện lên rõ rệt.
Mầu vẫn cười tươi không chút nao núng, mắt liếc chị Thu con dâu thứ bác trưởng đang bậm môi ngồi vặt lông gà bên cạnh. Váy đụp đen xếch qúa bắp chân lộ làn da trắng phếch vì rét lạnh, bàn tay nhúng nước lâu phá sần sùi. Nãy Mầu để ý ánh mắt chị nhìn mình, thấp thoáng mấy ý tứ, là ghen tỵ, là tủi thân, là chia bè rẽ phái. Ở làng Mầu có tục lệ hễ là con dâu nhà ai, đi cỗ đâu cũng phải xắn tay áo lăn vào mà làm, bằng không sẽ bị quy tội làm xấu mặt nhà chồng, ngoại lệ chỉ có nhà thật giàu, thật vai vế thôi. Như chị Thu này, hồi chưa chồng cũng là một cô con gái nhà khá giả, xốn xang áo quần, nụ cười trên chốc, gả đi rồi, lại sa đúng chĩnh mắm nhà bác trưởng, không làm không được, rồi tự xếp mình vào cái hàng ngũ cắm mặt chổng mông chỉ còn biết lườm nguýt những kẻ mình đã từng là lúc nào không hay.
- Bác thông cảm, nay thầy con có việc hệ trọng, dặn con ăn mặc đẹp chút, dùng cơm nước xong còn đi luôn nên có hơi vướng víu ấy ạ - Mầu lún sâu đôi má lúm, bụng nhớ lại lời thầy dặn "có gì mày cứ đổ tiệt cho thầy là xong".
- Giời đất này còn đi đâu, cỗ xong dọn dẹp có mà đến chiều - Bác dâu trưởng nhấc hẳn đôi tay ra khỏi chậu nước đỏ những máu, tỳ khuỷu tay lên hai đùi rặt điệu hóng chuyện - Này Mầu, hay thầy cháu đi xem đám cho cháu, gớm, 18 tuổi rồi còn ít gì, chị Lan của cháu sắp sửa bồng đứa thứ hai rồi kìa.
Chị Lan trong miệng bác dâu cả là con gái út, bằng tuổi Mầu, vừa lấy chồng hai năm trước, mà kém vài tháng tới đã vội đón đứa thứ hai. Mầu nghĩ đến bà chị da bủng beo, má xọm lại, thi thoảng mới có dịp chạm mặt buổi chợ kia mà rùng mình. Hệ quả của ham danh tiếng, gả vội gả vàng, vớ phải ông chồng chẳng khác mấy cậu ba nhà ông lý, ngoài chửa khoẻ, năm sòn sòn đứa một ra, chỉ thấy mỗi dư nước mắt rửa mặt. Cớ gì mà bảo là vênh vang với chả đắc ý.
- Con á, nghĩ còn nhỏ lắm bác - Mầu sà xuống ngồi cạnh chị con dâu, tay thảnh thơi nhặt đỗ quả - Con lại muốn tìm vợ cho thầy con kia ạ, thầy con tuổi già mới ngại chứ con có mấy tuổi, lấy đâu chẳng được chồng.
- Lấy ai! - Bà trưởng tý thì thét lên, giọng đã hãm vẫn không kiềm được âm the thé - Sao chưa thấy chú ấy bảo gì, cưới xin là chuyện hệ trọng, phải thưa qua ông trưởng nhà tôi chứ.
- Ô hay - Mầu vặt vụn quả đỗ trong tay, ánh mắt lấp loé - Con tưởng chuyện thầy con lấy ai, con gả cho ai là chuyện của thầy con con chứ, chả nhẽ nhà bác sắm lễ, tổ chức thay được cho cha con con hay sao mà phải trình bầy, thưa gửi. Nói rồi đủng đỉnh bẻ vụn đỗ tiếp - Theo con thấy bác trưởng cũng là bận trăm công nghìn việc, còn ối việc hệ trọng ấy, không rảnh mà bận lòng đến chuyện riêng nhà con đâu ạ...
- Để tôi! - Bác dâu hậm hực giật cái rổ đỗ khỏi chỗ Mầu ngồi - Cháu vặt thế có mà lát ăn cám, thôi thôi...
- Vậy con xin phép, tay chân vụng về quá ạ, lại thiếu mẹ chỉ bảo, không giỏi giang như chị Thu, chị Lan nhà bác được. Nhờ bác, các thím với các chị làm nốt hộ con ạ. Mầu cong môi cười, mắt liếc một vòng, xong bẹt tay, rũ váy đứng dậy. Đám mấy bà xung quanh hồi nãy chỉ dám chào hỏi mấy câu, giờ bị khói thuốc làm cho cay hết mắt không biết làm thế nào cứ cúi gằm phận ai làm nấy.
- Con chào các cụ, các bác ạ - Mầu thoát khỏi đám các bà, lại đủng đỉnh đi sâu vào bên trong nhà. Trên sập mấy cụ với bác trưởng đang ngồi uống nước. Ông trưởng họ là trẻ nhất trong số, tuổi trạc ngũ tuần, nhưng nhìn kiểu gì cũng quan cách, trịch thượng hơn cả. Có mấy cọng râu mà thư thả vuốt tới vuốt lui, đầu gật gù, bắt y nét mấy cụ trong hội văn phả.
- Ớ cái Mầu đấy hả, thầy mày đâu, đi đâu mà ăn mặc diện thế kia?
- Thầy con còn bận công chuyện xin về muộn ạ - Mầu nghiêng đầu cười ỏn ẻn, tay vê lọn tóc đuôi gà đẩy đưa - Các cụ có cần con hầu trầu, hầu nước thì cho con xin một chân, chứ tay chân con vụng về quá các bác, các thím chê đuổi đi đấy ạ.
- Trầu nước hẵng còn, cháu đi xuống bếp xem có gì hộ thì hộ. Bác trưởng nghiêm nghị nói, dứt khoát từ chối luôn.
- Dạ. Mầu biết chỗ các cụ bàn chính sự không thích có đàn bà đứng vây, lại phải đứa có tiếng gớm ghê như Mầu nên Mầu mới giả đò hỏi. Cỗ họ, trong khu bếp là vất nhất, nhưng cũng nhàn nhất, đã phân công từng đinh trong họ đảm nhận đâu vào đấy. Kể cả Mầu có cố chui vào, cũng bị đuổi ra thôi. Bảo Mầu mặc đẹp là thầy Mầu đã tính cả. Nên cuối cùng Mầu chỉ việc đứng ghi danh đợi lên cỗ.
Không muốn ra chỗ đàn bà lắm chuyện, Mầu đứng ở cửa bếp tiếp chuyện các bác, các anh. Bếp nhà bác trưởng rộng, có một gian nấu, một gian bầy cỗ, trữ đồ khô, lúa gạo. Bên ngoài là cái sân nho nhỏ để rửa ráy.
Nhà bác trưởng của nả không thiếu, người đông đúc, nhưng Mầu cứ có cảm giác lạnh lẽo. Lại thêm phần ác cảm vì chuyện họ đối mẹ Mầu độc địa khi xưa. Nên rất ít khi cô chịu sang đây trừ lúc có cỗ họ hoặc tết nhất. Mầu vẫn thích căn nhà nho nhỏ mà ấm áp của thầy con mình hơn.
Mâm cỗ thể nào cũng có món bánh lá. Hai ông chú họ khoẻ nhất cũng phải gồng cứng, nhễ nhại mồ hôi mới khênh được cái nồi tướng còn đương bốc khói ra sân. Nhắc vung ra, đụm hơi trắng như mây bốc lên đem theo thơm lừng của mùi lá chuối man mát, mùi bột nồng ấm, mùi thịt ngầy ngậy. Lớp khói tản đi để lộ ra bên dưới hàng hàng lớp bánh xanh mỡ màng. Mầu đứng xớ rớ lanh mồm mau miệng khen, đến lúc dỡ bánh liền được hai chú dúi cho mấy cái nóng hôi hổi, thẩy qua thẩy lại trên tay, suýt xoa ăn đến bỏng nhẫy cả môi đào.
Thế là một công đôi việc, tiện tránh được sự ầm ĩ, lại ấm no cái bụng.