Mồng 2 tết mẹ. Làng Mầu có tục đi sêu. Hiểu nôm na là lễ tạ của các chàng rể đối với ơn sinh dưỡng của ông bà nhạc.
Đang ở thế ráo riết lấy lòng, lẽ dĩ nhiên là lễ này được Phú Ông tỉ mỉ, chu toàn lắm. Cũng bởi ấn tượng về sự mực thước, truyền thống của ông lang Tần quá sâu, nên thầy con Mầu đều muốn trọn lễ nghĩa, đặng ghi điểm, trở thành "nhà rể quý" trong mắt người. Có như vậy, dẫu hôn sự còn lấn cấn chút gì, người ta cũng bớt phần xét nét, xuê xoa cho qua. Mà đối với cô Hiền lại càng thêm tốt. Trông con gái sắp về chỗ ấm êm, biết trước biết sau, bậc phụ mẫu như ông lang Tần có tiếc nuối, cũng ngậm cười mà dắt con trao tận tay chàng rể, không còn bận lòng cái thân phận cô nam kia nữa.
Trước tết, mấy thầy con đã một bận đem lễ gồm mấy thứ nhang đèn bày ban thờ gia tiên, với lại cặp gà, vịt, gạo ngon qua biếu, để hai cha con ông lang dùng trong mấy ngày tết. Ngày mai theo truyền thống là lễ chính, Phú ông lại càng dụng tâm chuẩn bị chu đáo.
Canh 1 trước khi chịu chìm vào mộng đẹp, ông còn mấy lượt điểm lại khay đồ lễ, nhẩm tái nhẩm hồi, thấy không còn gì lấn cấn trong dạ nữa mới an tâm lên phản đi nằm. Mầu dém màn cho cha xong, vào trong buồng, nép tại vách ngẩn người chờ đợi.
Bên ngoài bắt đầu đổ mưa xuân, có chút bay hạt, chạm mái gianh nghe rí rách. Hơi lạnh trộn lẫn hơi ẩm, len sâu vào lớp chăn bông, khiến Mầu bất giác phải cuốn chặt hơn, đương một thân một mình, lại càng thêm buồn rũ rượi.
Chuyện thầy nói hồi chiều cũng không phải nguyên do chính. Mầu đã tự thông từ lâu. Trước sau gì chẳng phải lấy chồng. Nhất là khi bản thân thầy Mầu đã yên bề, sẽ càng tiếc thương, sốt sắng vun vào cho nhân duyên của con gái. Nhưng cứ nghĩ đến phải gả cho người mình không muốn, cổ họng Mầu lại đắng nhặng như trót cắn phải mật cá.
Lấy Nô thì rõ là không được phép rồi. Đời nào thầy Mầu cho. Thầy Mầu cổ hủ lắm. Kiếp kia Mầu chìm dưới ba lớp đáy bùn ông còn không bằng lòng, nói gì kiếp này cô còn vẹn nguyên, cao giá. Cô những muốn phân tích cùng thầy rằng là, nếu thầy đã không mảy may trông cậy vào của cải nhà trai, thì xá gì cái túng quẫn của Nô. Huống hồ anh nào phải kẻ ngu dốt, bạc nhược cho cam, làm ruộng, việc nhà, buôn bán, thức gì mà chẳng tinh thông. Có thầy Mầu chống lưng, hai vợ chồng chịu khó làm ăn, sợ gì nghèo mãi. Nhưng cô cũng lại quá hiểu, khốn nỗi thứ thầy Mầu kỵ nhất kỳ thực là cái gốc gác của anh, con hoang, mẹ điên dại, không có hộ tịch, không mảnh đất cắm dùi. Con gái ông, châu ngọc ông nâng niu trên tay mười mấy năm trời, sao nỡ để dở mù dở dại đâm đầu vào cảnh ấy. Đã theo chó thì cũng đồng hạng chó. Rồi đến cái chiếu rách ngoài đình làng, cũng không được ghé mông làm phép.
Mà khổ cái, ngoại trừ Nô, làng trên xóm dưới, ai giờ Mầu cũng không vừa mắt, hoặc quá xấu nết, hoặc quá xấu người, hoặc gia cảnh quá phức tạp...Thương ai thương cả đường đi. Mầu lại cứ trái khoáy hợp ý cái gia cảnh mà Phú ông lấy làm khinh thị kia. Không có nhà thì ở rể, càng tốt, cha con cô chẳng phải chịu cảnh ly cách. Không có hộ tịch, đếm đủ 3 đời, đến đời con Mầu rồi sẽ có. Mà chức tước, phẩm vị, người ta còn đổi chác được bằng tiền, sá gì cái hộ tịch con con. Không có cha mẹ chồng, càng quá nhàn, đỡ gặp cảnh bị người mắng chửi, đe nẹt phận làm dâu con. Còn hơn kén kẹn chán đi, chẳng va phải đầu thì cũng động phải tai. Càng mong nương tựa, càng luống bẽ bàng. Chả thế mà xưa rày kiếp làm dâu chẳng mấy người không sũng nước mắt. Như Thị Kính kia, oan khiên gánh cả một đời.
Tiếng Phú Ông phía ngoài nhà kéo bễ rền rền dứt Mầu khỏi dòng suy tưởng, vội xoè tay nhẩm tính, thấy đã quá canh hai rồi. Nghe tiếng ngáy của cha, Mầu tủm tỉm cười, nghĩ bụng không biết rồi mai kia cô Hiền về chung giường, có ngủ nổi với thầy hay không nữa.
Tở chăn, bò dậy, Mầu rùng mình liên tiếp mấy cái, vội nhấc tay trấn cái mũi đang xộc lên cay xót, sợ thầy mà nghe tiếng tỉnh giấc thì nguy. Cô nhanh nhẹn mặc vào mấy lớp đồ dày, khoác ngoài cùng bằng mảnh áo tơi, đầu đội nón, khe khẽ nhón chân, lách mình ra ngoài. Tim Mầu đập thùm thụp. Cái chuyện trốn nhà đi đêm, lâu lắm rồi cô mới lặp lại.
Đêm mồng 1, tối bịt bùng như hũ nút. Cả quãng cánh đồng thấp cao rải đầy những nấm mộ, mới có, cũ có, thi thoảng còn bắt gặp mấy đốm ma trơi trêu ngươi, khiến chặng đường càng thêm phần thâm u, rùng rợn. Song đối với cái người đã sống đến hai kiếp như Mầu, có gì còn lạ. Mầu quen chân bước tới. Sương đêm hoà lẫn nước mưa, đọng trên cỏ sắc, quệt ngang cổ chân vừa lạnh vừa rát. Răng Mầu dần đánh vào nhau, bên tai nghe rõ tiếng lập cập đều đặn. Bốn bề thẫm đen, xoè tay năm ngón để sát mặt còn không trông rõ. Giữa mênh mông, bất định, thốt nhiên Mầu không còn phân biệt được kiếp này hay kiếp trước, thái dương giật giật đau nhói.
"A, con ngoan, con nín đi mẹ thương! À ơi..."
Mầu nhắm chặt mắt cố xua đi ảo cảnh, bước chân càng thêm dồn dập, đến lúc mở ra nhìn, cổng Tam quan đã sừng sững trước mặt. Mầu hít một hơi dài. Nước mưa đội từ gan bàn chân ngấm lên, suốt chặng đường, làm cả người Mầu như nhúng trong hồ nước lạnh, mà tròng mắt trái lại hầm hập nóng sốt. Nương theo bóng tối, cô bất thần sụp hai chân xuống, quỳ mọp, run rẩy thổn thức, mặc kệ áo tơi bị gập lại cấn vào người đau đớn.
Cái ngăn kéo bí mật Mầu đã từng nhất quyết không chịu động vào ấy, giờ từ từ được đẩy ra.
Mầu đã ở chỗ này, ngay bụi cây thấp, không biết bao đêm trong suốt 3 năm trời đằng đẵng. Mải miết, trong thậm thụt, ngóng trông hình hài nho nhỏ kia từ bận nó còn khát sữa khóc oe oe, đến lúc nó chập chững bước đi, vấp té sướt mặt ỉ ôi ăn vạ, rồi cuối cùng khi nó đọc được câu kinh vanh vách thì cũng là lúc Kính Tâm đèn đã cạn dầu. Trong 3 năm ấy, mu bàn tay với môi dưới Mầu hầu như không mấy khi tan những vết răng bầm đỏ. Cộng với cái tích đi đêm, cả làng đồn, con Mầu nó không chừa cái thói đĩ thoã, đêm nào cũng lượn đường đi kiếm giai. Chẳng thế mà đàn ông làng Mầu hồi đấy bị vợ đặt giờ giới nghiêm, gà lên chuồng là người cũng vào buồng, lèn chặt cửa nẻo.
Mầu chết rồi, hẳn cả làng phải ngả bò ăn mừng 3 ngày 3 đêm.
Lúc Mầu ngửng lên đã thấy tiểu Kính Tâm đứng nép bên mái, lặng như tờ, ngọn đèn dầu được khêu nấc nhỏ nhất bập bùng, leo lét.
Mầu ngồi dậy, thu vén cõi lòng tàn tro, nhếch môi tự giễu, biểu tình thê lương:
- Thầy thấy rồi đấy, tôi khốn khổ như này, tất cả chỉ vì từng trót yêu thầy. Ngày ấy, tôi mới có 18, tôi nôn nóng được thầy yêu thương đến phát cuồng, không còn tỉnh táo để biết cái gì là đúng, cái gì là sai, là nên hay không nữa. Giá thầy chỉ cần xót tôi một chút, nói sự thật cho mỗi tôi thôi cũng được, có lẽ tất cả mọi chuyện đã không có kết cục như thế.
Giờ trách thầy làm gì nhỉ, tự tôi cũng biết tôi quấy lắm, không phải rồi, mà tôi uất quá - Mầu thẳng lưng, đập tay lên lồng ngực mình - Cái chỗ này, nó như có lửa hực cháy, thầy có biết không? Hà cớ sao mà mạng tôi, tôi đã đền thầy rồi, còn để cho thầy tôi phải chết tức tưởi làm vậy, thầy tôi có tội tình gì kia chứ?
À, thầy làm sao biết được. Thầy không phải tiểu Kính Tâm ấy, cả tôi với thầy may thay còn chưa tiến đến cái đốt ấy.
Mầu lê bước lại gần Kính Tâm, trông vào đôi mắt đang nhắm nghiền của Thị, lòng đầy chán nản.
- Thầy vẫn cứ cố chấp như vậy. Thầy phải nhìn đi chứ, phải bác lại tôi đi chứ, cứ thoả thuê mắng tôi là ngu độn, là láo xược, sao cũng được, miễn là đừng khư khư giữ im lặng nữa. Cái con Mầu từng sống từng chết vì thầy đây mà! Tôi van thầy, thầy hãy một lần mở mắt ra nhìn tôi đi! Thầy có biết, thầy cứ im lặng thế, là thầy giết tôi rồi.
Mí mắt Kính Tâm giật giật hỗn độn, chấp chới giằng co giữa mở ra đối diện Mầu hay là cứ nhắm chặt tụng kinh cho qua cái đốt này.
- Giờ cho tôi hỏi thầy một câu, ngoài tôi ra, có còn ai ngu dại đem lòng mến mộ thầy? Có hay không hả thầy tiểu? - Mầu chăm chú nhìn gương mặt kia, lập tức bắt được sự rung động rất nhỏ nơi cánh môi nhợt sắc. Cô cười khẩy. Cũng chẳng lạ. Cô đã đoán được tự trước rồi, nên mới một phần dẫn đến cái buổi đêm nay. Thứ tình cảm lố bịch của bản thân xưa cũ. Ra là cũng chẳng phải mình cô hão huyền ôm lấy. Nhưng chắc chắn chỉ có cô là ngu dại nhất, nguyện chết ngộp dưới hố sâu do chính mình đào, lại còn đi ngộ nhận là luỹ thành tình ái một cách tự mãn.
- Thế thì tôi càng phải nói cho thầy hay, về cái địa ngục mà tôi đã từng trải ấy. Để thầy biết rõ những ân oán giữa hai ta kiếp trước, mà chận ngay từ đầu những cái ung nhọt có thể nảy thêm ở kiếp này đi.
Thầy có từng tự hỏi, tại sao lần gặp dạo trước, tôi lại nói năng vô phép với thầy như thế, kiếp kia thầy đã làm gì phương hại đến tôi chăng?
Tôi xin thưa luôn rằng, thầy chẳng làm gì hại tôi cả. Không làm bất cứ điều gì. Thầy chỉ im lặng. Nhường và nhịn. Tôi, mới là kẻ gây chuyện, hết lần này đến lần khác. Nhưng thầy có biết, chính vì cậy vào sự từ bi của thầy, chính vì làm việc ác nó trơn tru, dễ dàng quá, tôi cứ thế một mạch trượt đến tận đáy không gượng lại được. Thầy dung túng tôi mặc sức làm càn, chịu trăm đắng ngàn cay cũng không chịu mở miệng lật tẩy cái âm mưu hèn hạ của tôi. Hẳn cũng có lúc trong cái kiếp kia, thầy tự lấy làm phục mình lắm. Nhưng chả lẽ ngoài một niềm giữ đạo, thầy lại không mong cầu điều gì khác cho bản thân mình, tỷ như có thể trong sạch, tự tại ngay khi còn sống, chứ không phải đợi lúc thăng thiên thành phật, ngồi trên ban thờ cao vợi kia mới được gột rửa, minh oan?
Còn lũ chúng tôi, có lẽ chẳng phải vì thầy, mấy con ngu muội giống tôi sẽ chết vì một cái vỏ đẹp đẽ nào khác, đâm đầu vào một cái bấc dầu nào khác. Nhưng giờ tôi chỉ biết mỗi thầy, cũng liên quan đến mỗi thầy thôi. Tôi muốn thầy chứ không phải ai khác thức tỉnh tôi. Hay là các thầy chẳng muốn dính líu? Hay là các thầy chỉ có ngồi trên toà sen trông xuống, đặt ra các giáo điều, trông vào sự lầm lạc của chúng sinh, vào quả đắng họ phải nhận, rồi phán thật đáng lắm thay, nhân sinh ngu ngốc tự gây hoạ, tự chịu. Thôi thì cũng đành, cũng công bằng lắm. Nhưng sự trừng phạt đối với tôi nó đau đớn quá thầy ơi! Chả nhẽ các thầy không nghĩ tới, vì cái chết của thầy tôi, tôi tích oán khí, đoạ thành quỷ đi gây hại khắp nơi?
Mà nếu thế, tôi sẽ tiếp tục bị trừng phạt nữa đúng không? Tội chồng tội. Tất cả chỉ tại cái ác tâm, cái sân si của tôi thôi đúng không?
Tôi được ban cho cơ hội sống như này, hẳn phải biết điều mà cảm tạ đất trời, mà thành tâm sửa đổi. Tôi cũng đang cố sửa rồi đấy, đã chọn chính đạo mà đi, nhưng lòng tôi day dứt đêm ngày, bởi những điều vô cùng quan trọng với tôi, những chuyện của kiếp trước mà tôi không được phép hé răng, phải đào sâu chôn chặt cho đến chết, chúng không đáng bị lãng quên, không đáng bị vùi lấp như thế. Tôi hổ thẹn, tôi đau đớn, không thể chịu đựng thêm nữa, tôi chỉ muốn ít nhất có một người biết, để cùng tôi an táng, cho chúng một cái bia mộ tử tế ...Nên hôm nay, ngay tại đây, tôi buộc thầy nhất định phải nghe!
Mầu lảm nhảm, lộn xộn, càng nói càng nhanh, vừa vấn vừa đáp. Đôi mí tiểu Kính Tâm vẫn rung rẩy dữ dội nhưng chẳng chịu hé ra lấy một lần. Khúc cuối Mầu cười như lên đồng, gan ruột đảo điên, phải bụm miệng mình lại, oặt cả người, nước mắt nước mũi giàn giụa trộn lẫn nước mưa cay xót. Gương mặt xinh xắn thường khi thoáng chốc vặn vẹo, bờ môi rách toang, rỉn những vệt máu ghê người loang theo nước mưa chảy xuống cằm.
- Tôi từng có một đứa con thầy ạ, kiếp trước ấy, khốn nạn thân tôi. Tôi ăn nằm với người ta mà đi đổ vấy cho thầy. Phải, tôi đã từng đớn mạt đến mức đó đấy. Sau khi thầy từ chối tôi, tôi đã ngủ với người ta, rồi tôi có chửa - Mầu ôm bụng, tâm thức chìm vào xa xăm, miệng thoắt nét cười hiền dịu - Mẹ tôi mất sớm, tôi lúc nào cũng hờn trách mẹ vì không gắng gượng mà sống cùng tôi, tôi tự nhủ đến lúc có con hẳn mình phải thương yêu nó gấp bội, ở bên nó gấp bội để bù lại. Nhưng ma quỷ dẫn đường, lúc lão Xã thì thầm xúi tôi "Nói ra đi, nói ra, rồi làng sẽ cho chúng bây đoàn tụ". Tôi đã đui mù bấu víu lấy. Tôi những tưởng, đã ép buộc đến nước ấy, thầy hẳn sẽ phải chấp nhận thôi. Ai ngờ thầy quyết tuyệt như thế, thà chịu đòn roi cũng không chịu đón nhận tôi.
Tôi mất phương hướng, cuối cùng chính tôi cũng rối bung rối mù, không quyết nổi nữa. Vừa dứt tháng cữ, thầy tôi ép tôi mang con trả thầy để còn rảnh thân mà gả đi. Tôi hận cả thầy tôi, nhưng lại đớn hèn thuận theo, còn toan tính thầy không nuôi nổi, ắt phải xin tôi về cùng. Chắc thầy không biết, trong 3 năm thầy nuôi nó, tôi hầu như đêm nào cũng mò ra chỗ mái Tam quan này mà ngắm, mà trông.
Tôi càng ngày càng mòn mỏi như con quỷ, thầy cũng đến đoạn cuối cùng. Hôm thầy thăng, sư cụ trụ trì liệm xác mới phát hiện ra thư thầy để lại. Sớm không nói, muộn không nói, sao thầy lại chọn lúc ấy mới chịu nói cơ chứ? Để trăm dâu đổ đầu một tằm! - Mầu nấc nghẹn - Tôi lén lút trông từ đàng xa. Lán thầy ngụ mọi khi vắng vẻ như chòi hủi, nực cười thay bấy giờ đông như trẩy hội. Mọi người đều tỏ vẻ xót thương, khấn vái thầy, còn bảo thầy hiển linh đã thăng thành phật. Lúc đó tôi liều xô tới, tôi không tin người tôi dốc lòng yêu bấy lâu lại là đàn bà, tôi mù rồi hay chăng? Thế là họ đuổi đánh tôi, chửi bới, mạt sát tôi thậm tệ. Tôi lết về đến nhà, thầy tôi nằm trên giường xoay mặt vào trong chửi "mày cút luôn đi". Ừ thì tôi cút. Đến thầy tôi cũng muốn đoạn tuyệt với tôi rồi.
Tôi lậy thầy tôi 3 lậy, chạy ra ngoài sông. Bữa ấy cũng mưa lạnh như hôm nay. Cả làng đều bảo trời khóc thương cho nỗi oan khiên của thầy, rắc mưa lành để thầy đi mát mẻ. Còn Mầu tôi chỉ thấy đơn độc, đau đớn vô cùng. Tôi buộc tảng đá vào eo, ôm nó nhảy xuống. Tôi chẳng còn gì lưu luyến nữa, thầy tôi khinh ghét tôi, con tôi cũng không còn cần một người khốn nạn như tôi làm mẹ. Tôi táng mạng, coi như tiễn thầy khúc cuối, chấm dứt oan nghiệt giữa hai ta.
Rồi tất cả đều đen ngòm, cho đến khi bố thằng bé xốc tôi lên từ đáy sông mà gào khóc. Tôi muốn vỗ về anh mà không cục cựa nổi một ngón tay, mới biết ra là mình chết thật rồi. Anh ấy làm lễ chôn cất cho tôi xong dẫn con đi. Tôi định quay về báo mộng cho thầy tôi rằng con tôi đã có bố đẻ nó chăm sóc, từ rày tôi sẽ theo bố con nó. Nhưng lúc về, chỉ có đám lửa hừng hực, thầy tôi cháy như đuốc rồi, còn gào lên thê thảm "Mầu con ơi!!!". Ai oán lắm! Tôi lao vào lửa, vẫn thấy dáng thầy tôi rúm ró, đau đớn chịu tội, mà tôi có cố ra sao cũng không tài nào chạm vào được...
Mầu ngước đôi mắt đầm đìa, đỏ quạch lên nhìn tiểu Kính Tâm - Thầy nghĩ, đến như vậy, tôi có được phép hận thầy không? Thầy có đáng để hận không?