Cưới vợ thời phải nộp cheo
Đôi mình dẫu nghèo cũng được dĩa xôi
Gà trống, nậm rượu một đôi
Kính làng chứng giám một đời kết duyên.
Lệ làng chạ xưa rày là thế. Việc cưới gả, hôn sự đôi bên muốn được chính thức công nhận thì phải nộp cheo cho làng, có thể tiến hành trước hay sau lễ cưới đều được.
Lường trước từ mồng 1 đến rằm, hẳn phải cỗ bàn liên miên, Phú ông đã xin với các vị chức sắc, đợi sau lại mặt hai ngày mới biện cỗ làm lễ ngoài đình, cũng đỡ lo người này người kia bận rộn không có điều kiện tham dự. Bố trí dụng tâm vậy quả thực không chê vào đâu được, các vị lại chẳng mãn ý quá. Phú Ông trước nay đã nổi tiếng là hào phóng, dôi tay trong các việc làng tổng. Cho nên cỗ cheo của ông dự là cứ xôm phải biết, có miếng lại có tiếng, vừa được đẫy miệng mật mỡ lại nặng đùm xách về cho vợ con, vắng mặt há chẳng lấy làm tiếc lắm hay sao!
Thủ tục nộp cheo quy định vốn không ngặt nghèo, ở gia cảnh bình bình thì đĩa xôi con gà cộng 6 tiền, khá giả hơn thì gấp đôi tiền chỗ ấy là xong. Cơ mà Phú Ông là chỗ có tiếng tăm, lại liên hệ việc buôn mật thiết với các phường hội trong làng, sơ sài quá coi làm sao được. Nên là ngoài tiền cheo với lễ cúng, còn biện sơ sơ tính vào độ chục mâm nữa, rồi nào quà cáp chia đem về, coi như là thết đãi các vị bữa đánh chén no nê, hỉ hả tổng kết tháng Tết. Phú Ông mướn chục người làng thạo việc, lại có Nô với Mầu đứng ra quán xuyến, mọi việc đã lên kế hoạch đâu vào đấy tươm tất y như một đám cưới nho nhỏ.
Sáng ngày nạp cheo, ngả một con lợn ngót tạ, nửa dành làm cỗ, nửa còn lại để chia cho các đại diện, các lão, các chức việc đến tham dự đem về làm quà.
Cái rét vật trở lại sau cả tuần ấm nắng, sâu phải biết. Ai nấy đều suýt xoa vì cóng. Khói trắng từ miệng cứ ùn ùn theo ra lúc nói lúc cười. Cái nồi mỳ ăn sáng, hở ra có một khắc đã đông váng mỡ trắng xoá trên bề mặt, gắp lên một gắp mà lớp mỡ tở ra đính thành chuỗi trên sợi mỳ y xì đám xốp ở dải rau dừa nước. Rét quá, đám làm cỗ phải đốt đống lửa lớn ngồi sưởi, nhân tiện đặt nồi tướng nước để tiện các việc rửa ráy.
Thịt lợn phay ra gặp gió lạnh, chốc lát đã seo khô bề mặt, dăn deo cả, nhưng được cái dẻo quánh, nạc mỡ vừa đủ độ, trông đến là ngon mắt.
Lũ trẻ con trong xóm theo đến chỉ rập rình mỗn cái bóng lợn. Tay hạ heo vừa dứt ra vứt xuống mê lá chuối, đã có đứa nhanh tay giật được, nhanh như cắt xô hàng ngũ chạy tháo thân, mà chậm tý thôi bọn kia nó hè nhau đè xuống thì có thành công cốc. Tiếng hò hét inh ỏi thoắt cái đã trôi mãi xa, chỉ để lại những đám bụi nâu đỏ còn chưa kịp lắng hết. Mầu cả cười, ngưng tay xé lá chuối, háy mắt với Nô. Ngày nhỏ anh chuyên trị rình xí bong bóng lợn, chủ yếu là để chiều Mầu có cái chơi. Ngoài vò gio bếp cho mỏng, phơi se lại, anh còn vẽ thêm công đoạn nhuộm màu bằng dịch quả mồng tơi nữa. Bởi vậy, có đến mấy năm, quả bóng của Mầu thuộc hàng đẹp và công phu nhất làng. Giờ đôi bên đã trưởng thành cả, bóng lợn đã thành mảnh ký ức xa xôi.
Việc chia thịt lợn thành các mô, phần, Mầu không phải động tay, đã có Nô với các đinh khác đảm nhiệm. Cô đứng xem xét, cân nhắc xem chia chác thế ấy đã hợp lý hay chưa, cũng nhân tiện dành ít cho nhà mình, với mấy nhà lân cận làm thảo. Ngoài ít thịt để ướp muối, phơi khô, cô lựa thêm mấy khẩu mỡ trắng phau phau, dầy vừa tầm, nom chằn chặn như mấy vuông bánh đúc không lạc. Chỗ này mà rán lên, tóp vớt riêng đàng tóp, nước mỡ chắt vào liễn sành đợi đông lại cất đi. Đợi mấy hôm ra Giêng thịt thà hiếm hoi, tóp thì đem rim mặn, hay xào rau, ninh dưa chua, kho cá, còn mỡ thì dùng xào nấu đủ cả, hoặc đơn giản chỉ để ăn dưng.
Cái nồi ba cơm mới ăm ắp, bắc ra khỏi đám trấu ủ còn đương rực hồng, phủi vội những muội gio bám trên nắp vung, đặt khít vào cái rế tre bê lên nhà. Bát cơm trắng nóng hôi hổi còn nghi ngút khói vừa được xới từ ấy, chặn gấp một đầu đũa mỡ nây nẩy quết lên trên. Mỡ đương đông cứng gặp phải nhiệt cao tức thì tan ra, lại rưới thêm tý mắm cốt, trộn đều, hạt nào hạt nấy nhuốm mỡ bóng nhây nhẫy, chiêm thêm màu hanh nâu của mắm ngon. Hơi nóng đẩy thứ mùi thơm vừa nồng vừa ngậy hấp dẫn đến tột cùng, thì cứ gọi là thủng nồi trôi rế.
Tay Mầu làm, đầu thì lo nghĩ chuyện ăn, bụng rột rột kêu, đói mềm cả khúc ruột.
Đương lom khom, Mầu bỗng nhác thấy một người, liền thẳng lưng, kín đáo rũ cái vạt áo tứ thân đang buộc vắt vẻo bên eo ra, lại liên mồm nhắc Nô, giả tảng như không biết lão Xã đã xớ rớ gần bên. Cái lão miệng dòm mồm, ra ngó nghênh hóng việc, phận sự gì đâu, khéo là đang lo người ta chia cho lão phần ít hơn chăng. Giàu mà bủn tính. Y như rằng góc kia, lão Xã chả ngại bẩn, nhón lấy dải thăn chuột thả vào mô của mình, xong còn nhìn đông ngó tây mãi, chừng thấy không tỉa tót thêm được gì nữa mới chi chi hai ngón dính mỡ vào nhau, đoạn chắp tay sau đít rõ vẻ chức sắc đi tuốt.
Mầu xong việc, đảo lại đàng bếp giúp mẹ chuẩn bị. Lễ chính là cái mâm đồng lớn vum đầy xôi trắng, bên trên đặt cái thủ lợn luộc, phủ kín bằng tấm mỡ chài căng thật khéo, sao cho trông như thể nó mọc ra từ chỗ xôi vậy, nặng đến mức phải trai tráng như Nô mới đội được. Lại thêm con gà vàng ruộm bóng bẩy, bắt cánh tiên, mỏ cài bông hoa trang đỏ thắm, đôi bầu rượu nút lá chuối thơm nồng, dĩa trầu cau têm cánh phượng. Đưa hết đến trước cửa đình Trung, mẹ con với Nô hai bên đứng đỡ mâm chờ để Phú Ông lần lượt mang vào bầy ra thắp hương. Ở đây không như ở nhà, phải theo phép làng, không những đàn bà con gái không được tiến vào chốn đình Trung mà phận tôi tớ không hộ tịch như Nô cũng không được phép. Nên mình thầy Mầu phải xoay xở tới lui mấy chuyến mới đặt trọn xong lễ.
Hết bổn sự, Mầu cùng cô Hiền kéo nhau ra ngoài gốc đa chờ đợi, Nô thì về đàng bếp, đến chừng mùi nhang theo gió phả tới thơm ngào ngạt là Phú Ông cũng lễ xong đi ra.
- Xong rồi hở mình? - Cô Hiền tiến tới giúp Phú Ông phủi vạt áo trước lấm lem bụi dịu dàng hỏi. Phú Ông gật đầu, lom lom nhìn vợ, rõ ràng là hơn hẳn nồng nàn so với buổi mới cưới.
Mầu hé mắt trông có tý tẹo thôi mà trong lòng xốn rộn, lấy làm mót lắm, tủm tỉm cười ngoái về đàng kia, tưởng đến một ngày hai đứa Mầu cũng giống thầy mẹ được sóng vai đi nạp cheo cho làng.
Cô Hiền cho là Mầu cười mình liền thẹn thùng lùi lại, cả nhà ba người cùng nhau đi về khu nấu nướng chỉ đạo đám người trong bếp lên mâm dần.
Đám cheo bắt đầu từ sáng sớm, hả hê no say đến tận giữa giờ chiều mới tàn cuộc. Dọn dẹp xong xuôi, trời cũng đã xâm xẩm tối, cả nhà Mầu lại chất đồ lên xe chở về.
Thế là từ nay, trên làng tổng, dưới họ hàng, làng xóm, việc cưới xin của Phú Ông đều đã báo cáo trọn vẹn, cô Hiền đã chính thức là người nhà họ Hoàng. Lắm người nhân lúc nâng chén, còn mượn hơi rượu làm mạnh chúc cho cô Hiền sớm đẻ thằng cu cho Phú Ông có người nối dõi, khiến cô Hiền thẹn đỏ cả mặt, không dám đối đáp gì, vội vã lánh đi.
Nhưng Mầu thì lại để bụng. Cái kiếp kia chuyện nam nữ đối Mầu nó hẵng còn sơ sài quá, nhỏ tới lớn không được chứng kiến thầy mẹ ân ái bên nhau, bản thân thì mới tròm trèm một bận đã vội vàng khai hoa mở nhuỵ. Nên Mầu không biết ở tuổi như Phú Ông với lại cô Hiền có còn mong muốn gì chuyện ấy hay không. Trong làng cũng có vài ba bà bằng hoặc hơn tuổi cô Hiền còn đương nuôi con mọn, tức là không phải là không sinh được mà cũng chưa hẳn là già rồi thì không còn hứng thú nữa. Nếu gia đình Mầu mà có thêm đứa em thì là chuyện đáng mừng lắm, vừa vui cửa vui nhà, vừa có người chăm nom thầy mẹ lúc tuổi già sức yếu. Chứ phận Mầu con gái, không nói hay được, lấy chồng rồi, tối tăm mặt mũi các chuyện lớn nhỏ, rồi cũng đến xa cách mất thôi.
Thế là tối ấy, nhân lúc ngồi rán mỡ, Mầu tranh thủ gợi chuyện.
- Mẹ à, cho con hỏi chuyện này tế nhị chút nhá.
- Con hỏi đi - Cô Hiền không nghĩ là chuyện gì lớn, dễ dàng gật đầu
- Mẹ à, con là con trẻ, không biết mấy, nhưng mà cũng đến tuổi lấy chồng, kiểu gì cũng phải biết đôi ba điều - Mầu bắt đầu thủ thỉ, đẩy đưa - Mẹ là thầy thuốc, am hiểu nhiều chuyện, vậy mẹ nói con biết đến tuổi nào thì người ta không còn nọ kia nữa ạ?
- Nọ kia là gì? Cô Hiền đang lúi húi cạp lại cái rổ, miệng cắn dở một đầu lạt, bẹt miệng hỏi.
Mầu nháy lấy nháy để, tay đang máng đôi đũa còn làm cái động tác chạm nhả hai đầu ngón trỏ vào nhau.
Cô Hiền ban đầu là nghệt ra, sau là sửng sốt, cuối cùng mặt đỏ gay đỏ gấc, đỏ đến tận chân tóc, miệng lắp bắp mấy tiếng mới vẹn cái câu mắng.
- Con... con hỏi chuyện vớ vẩn đó làm gì?
- Ơ sao lại vớ vẩn ạ? - Mầu giả ngơ ngác - Bữa nay con thấy người ta ào ào chúc thầy mẹ sớm sinh em bé, chẳng phải là cần nọ kia thì mới có em bé hay sao?
- Cái này...- Cô Hiền lại lắp bắp, không bác được cái chân lý Mầu đưa ra - Con cứ coi như người ta nói xàm đi, thầy mẹ tuổi này rồi... còn gì nữa mà...
- Thôi con không hỏi chuyện ấy nữa - Mầu cố nín cười, xua tay - Nhưng mà cái chuyện chỗ nằm thì mẹ phải nghe con. Cũng tại bấy nay con vô ý quá, ai đời để thầy mẹ nằm ngay ngoài, vừa lạnh vừa trống trải. Mà căn buồng phía bên kia còn trống, rộng hơn hẳn buồng con, kê cái giường đôi cũng không hề gì, để mai con xin với cha bảo anh Nô đem sửa lại cho thầy mẹ dùng.
- Ấy - Cô Hiền lắc như trống bỏi - Không được, đấy là gian buồng của riêng mẹ đẻ con, mẹ không vào ấy được.
Cái chuyện cô Hiền ngần ngại cũng là dễ hiểu. Bởi đấy quả thực là gian buồng cưới của Phú Ông với mẹ đẻ Mầu. Bà mất khi vẫn không được họ hàng đàng Nội chấp nhận, nên Phú Ông mới bầy riêng ban thờ của vợ trong ấy ngủ cùng. Sau này khi ông bà nội Mầu cũng sớm đi thì ông bất chấp mọi phản đối, đặt các bát hương chung vào một ban. Rồi để tiện bề trông nom Mầu, ông chuyển ra nằm hẳn tại gian ngoài. Thành thử, gian phòng ấy bỏ trống cho tới nay, chỉ được trưng dụng làm nơi trữ đồ, hàng họ, lúa gạo. Suốt từ hôm cưới đến giờ mà không ai nghĩ ra, hoặc Phú Ông có nghĩ nhưng cũng ngại xáo trộn nên là vẫn chấp nhận nằm ở phản gian ngoài. Hôm nay may mà có người nhắc chuyện kia Mầu mới mở được mắt. Chỗ nằm của vợ chồng nên là chỗ kín đáo, không thể viện lý do rằng tuổi đã lớn mà úi xùi như vậy được.
- Con bảo được là được! - Lời Mầu thì rõ nghênh ngang, độc đoán nhưng mắt nhìn cô Hiền thì đằm như trăng buổi đêm - Của cải mà không dùng thì chẳng có nghĩa lý gì hết. Với lại của ai giờ không còn quan trọng nữa, mẹ là vợ của cha con, là chủ cái nhà này, chỗ nào mẹ cũng được quyền sử dụng hết.
Nói ra câu ấy, trong lòng một đứa con gái nhiều đa nghi và ích kỷ như Mầu phải có bao nhiêu lòng yêu thương và tin tưởng. Bằng không, có kêu than đói rách, một cắc cũng đừng hòng cô quẳng cho.
Cô Hiền ngồi thừ cảm động. Cái rổ máng trên đầu gối tùng bênh lăn xuống hồi nào cũng chẳng để ý. Tay cô vân vê cái vòng ngọc Mầu đeo cho hôm cưới, nước mắt khẽ ứa ra, giọng nghèn nghẹn.
- Cảm ơn con đã luôn nương nhẹ với mẹ!
- Không phải nương nhẹ ạ - Mầu lún đôi má núm cười - Mẹ dùng từ sai rồi, là yêu thương đấy ạ, gieo nhân lành thì hái quả ngọt, mẹ tốt với cha con con như thế, há con có thể không biết coi trọng!
Câu chuyện đắm chìm, cuối cùng đến liễn mỡ trắng tinh khôi của Mầu cũng thành vọng tưởng. Nhưng mà mấy bữa sau, phải dùng đến thứ mỡ hơi khét, hanh vàng ấy cũng chả ai dám lên tiếng chê bôi Mầu vụng cả, bởi mới lỡ mào đầu "màu mỡ, mùi mỡ sao..." đã bị cô Hiền chặn trước bằng cái nhìn nghiêm khắc đầy ngụ ý cảnh cáo.