Thiên Hạ Kỳ Duyên

Thì ra là người của Vĩnh Hà điện. Chuyện Phùng Thục Giang bị ốm nặng, Đặng Phúc cũng từng nghe phong thanh. Nhưng Phùng Diệm Quỳnh phạm phải sai lầm, hoàng thượng không giận cá chém thớt sang Phùng Thục Giang đã là may cho nàng ta lắm rồi. Kẻ thông minh nên tự biết thời cuộc. Nếu y là Phùng Thục Giang, y sẽ biết điều mà ở trong Vĩnh Hà điện cả ngày, càng ít tiếp xúc với long nhan càng dễ tránh chuyện phiền phức.
"Đặng tổng quản, nô tì cầu xin ngài." Hồng Hạnh khóc lóc nói: "Phùng lương nhân bị cảm lạnh đã mấy ngày nay, nhưng thái y nói nếu không có ý chỉ của bệ hạ, bọn họ sẽ không tùy tiện đến Vĩnh Hà điện khám bệnh. Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp, xin ngài hãy vào báo với bệ hạ một tiếng. Bệ hạ là người nhân từ, chỉ cần người biết chuyện, nhất định lệnh bà nhà nô tì sẽ được cứu."
Khi Phùng Diệm Quỳnh đắc sủng, Phùng Thục Giang bị bỏ sang một bên. Khi Phùng Diệm Quỳnh trở thành tội phi, dư luận lại giáng lên đầu Phùng Thục Giang. Đặng Phúc âm thầm thở dài. Số phận người con gái trong Vĩnh Hà điện này kể ra cũng thật bạc bẽo.
"Hồng Hạnh cô nương, giờ đã sang canh hai, chỗ bệ hạ quả thực không tiện quấy rầy. Cô nương vẫn nên về trước thì hơn. Việc của Phùng lương nhân, đợi khi bệ hạ tỉnh dậy, ta nhất định sẽ thay cô báo cáo lại."
Biết không dễ dàng gặp được Đặng Phúc, Hồng Hạnh nào chịu bỏ cuộc sớm như thế. Nàng ta kiên trì níu lấy tay áo y, không ngừng nài nỉ xin được gặp hoàng thượng. Nhưng Đặng Phúc cũng không phải người dễ thuyết phục. Lằng nhằng một lúc, y kiên quyết dứt tay Hồng Hạnh ra.
"Đừng ồn ào nữa!" Y nạt: "Quấy rối bệ hạ nghỉ ngơi, tội ấy Phùng lương nhân có gánh nổi không? Ta cũng chỉ muốn tốt cho Phùng lương nhân thôi. Mau về đi!"
"Đặng tổng quản, ngài...?"
Hồng Hạnh uất ức mím chặt môi. Nếu không vì tình huống nguy cấp, nàng ta cũng không mặt dày gõ cửa khắp mọi nơi, để rồi tự chuốc lấy nhục nhã này. Phùng lương nhân nói đúng, đám người sống trong cung đều bạc bẽo vô tình, cầu xin bọn họ, chính là đang xúc phạm lòng tự tôn của bản thân.
Cánh cửa điện Bảo Quang vẫn khép chặt. Một lúc sau, Hồng Hạnh bất mãn bỏ đi.
...
"Bẩm lệnh bà, có người đi ra từ điện Bảo Quang." Cung nữ Lan Hương khẽ thông báo với Nguyễn Nhã Liên.
Nguyễn Nhã Liên vừa từ Diêu Tú viện trở về. Chẳng biết Lê Tuyên Kiều có gì cao hứng mà hôm nay lại mở tiệc khoản đãi các phi tần. Ngoại trừ Hạ Diệp Dương đang bị phạt chép kinh ở Tàng Thư các và một vị tài nhân cáo bệnh không đến, còn lại tất cả mọi người đều có mặt đông đủ. Bản tính Nguyễn Nhã Liên vốn bình đạm, không thích tiệc tùng ồn ào, sau vì Thanh Ngọc mời mọc nhiều quá, cuối cùng cũng đành miễn cưỡng tham gia.
Nếu không đi, Nguyễn Nhã Liên cũng không có cơ hội xem cảnh Quách Liễu tự chuốc lấy nhục nhã. Trịnh Minh Nguyệt từng lôi kéo Nguyễn Nhã Liên bất thành, ngược lại lại thu về dưới trướng một Quách Liễu vốn gió chiều nào xoay chiều ấy. Chửi cây dâu mắng cây hòe, hình như Lê Tuyên Kiều muốn dằn mặt Trịnh Minh Nguyệt nên ra tay với Quách Liễu chẳng kiêng nể gì. Cũng may Trịnh Minh Nguyệt cũng là loại người tâm cơ âm trầm, gắng gượng nín nhịn, nếu không trò hay đã truyền đến tận tai thái hậu rồi.
"Tham kiến Nguyễn dung hoa."
Tình cờ gặp mặt, Hồng Hạnh ngoan ngoãn hành lễ với Nguyễn Nhã Liên, nhưng từ ngữ điệu và đến ánh mắt của nàng ta lại vô cùng nóng vội. Không quá khó để Nguyễn Nhã Liên nhận ra sự khác lạ trong ánh mắt cung nữ này.
"Cô là ai?"
"Thưa lệnh bà, nô tì tên Hồng Hạnh, là người bên Vĩnh Hà điện."
Vĩnh Hà điện? Người sống trong đó không phải chị gái Phùng Diệm Quỳnh hay sao? Nguyễn Nhã Liên gạt Lan Hương sang một bên, ôn tồn nâng Hồng Hạnh dậy.
"Nửa đêm canh hai còn tìm đến điện Bảo Quang, chẳng lẽ Phùng lương nhân đã xảy ra chuyện gì?"
Thấy đối phương có thiện ý, Hồng Hạnh mừng như người chết đuối vớ được cọc, nước mắt ngắn nước mắt dài kể lại mọi chuyện. Theo lời kể của nàng ta, Phùng Thục Giang thân thể vốn yếu ớt, bị nhiễm mưa cảm lạnh đã gần một tuần nay, nhưng sau sự kiện cung Thụy Đức, đám thái y tự ình thông minh, năm lần bảy lượt thoái thác không chịu đến Vĩnh Hà điện khám bệnh cho nàng ta. Tối nay, Phùng Thục Giang sốt cao không ngừng, thần trí không tỉnh táo, cơ hồ đã sắp hôn mê.
Chẳng chờ cho Hồng Hạnh nói xong, Nguyễn Nhã Liên đã vội vàng xoay bước, hướng thẳng tới Vĩnh Hà điện.
Vĩnh Hà điện là một tẩm điện bị lãng quên nằm ở phía đông cung Trường Lạc. Không giống như nơi ở của các phi tần khác, phô trương, tráng lệ, trong Vĩnh Hà điện, Phùng Thục Giang chỉ cho bày độc nhất một bàn trà và treo một bộ tranh tứ bình. Bộ tranh này vẽ bốn mùa xuân hạ thu đông, chủ đề tuy không phải mới mẻ nhưng nét bút của người vẽ lại thanh thoát, phóng túng, khi uyển chuyển như rồng bay phượng múa, khi rắn rỏi, vững chãi như núi Thái Sơn, càng nhìn càng thấy được cái tự hồn đầy thi vị ẩn sau mỗi bức tranh.
Trong cơn mê man, Phùng Thục Giang vẫn mơ hồ nhìn thấy có người lạ bước vào Vĩnh Hà điện. Không khí phảng phất mùi giao hương nhè nhẹ... là một người con gái.
Nguyễn Nhã Liên hạ giọng hỏi Hồng Hạnh:
"Tôi trông thần sắc của Phùng lương nhân giống như bị thương tâm quá độ, phải chăng vì chuyện của Phùng Huệ phi?"
Phùng Thục Giang thương tâm vì chuyện gì? Hồng Hạnh ngẩn người trong chốc lát rồi mếu máo đáp:
"Việc này nô tì không dám nói bừa, nhưng quả thật từ khi vào cung, Phùng Huệ phi chưa một lần đặt chân đến Vĩnh Hà điện, Phùng lương nhân thì cả ngày đều giam mình trong phòng tụng kinh niệm phật, hai người bọn họ tiếng là chị em một nhà nhưng cả năm cũng không gặp mặt nhau lấy một lần, thật chẳng khác nào người dưng. Mọi chuyện Huệ phi làm, lệnh bà nhà nô tì trước sau đều không liên can. Vậy mà sau khi Huệ phi bị ban chết trong lãnh cung, người ngoài không hiểu chuyện liền đem thị phi trút lên đầu lệnh bà, thực sự là quá quắt mà!"
Không hiểu câu trả lời của Hồng Hạnh có chỗ nào hợp ý mà khiến đôi mắt phượng của Nguyễn Nhã Liên khẽ ánh lên ý cười, nhưng vẻ mặt bên ngoài lại để lộ vẻ thương tâm lo lắng, rất hợp với hoàn cảnh.
Ánh mắt của Nguyễn Nhã Liên quét qua một lượt trên dưới Vĩnh Hà điện, kín đáo dừng lại ở phần lạc khoản của bộ tranh tứ bình, sau đó lại làm như không nhìn thấy gì, chỉ khẩn trương ra lệnh cho đám cung nữ bỏ hết lò than ra, đồng thời kiếm lá ngải để đun nước xông hơi, còn riêng bản thân mình thì đích thân đi tới cạnh giường, cùng Hồng Hạnh nâng Phùng Thục Giang dậy. Đích thân Nguyễn dung hoa đã ra lệnh, đám cung nhân Vĩnh Hà điện dù có lười nhác đến đâu cũng không dám thờ ơ nữa, cuối cùng đành y lời làm theo.
"Lan Hương, ngươi đi mời Dương thái y đến đây. Cứ nói Phùng lương nhân ở Vĩnh Hà điện bị ốm nặng, không thể không có thái y chăm sóc. Bệ hạ có trách tội xuống, ta chịu." Thấy Lan Hương vẫn miễn cưỡng đứng một bên, sắc mặt Nguyễn Nhã Liên đanh lại: "Sao ngươi còn chưa đi?"
Lúc ra đến ngoài cửa Vĩnh Hà điện, Lan Hương nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, đồng thời làm ra bộ mặt khinh bỉ. Một lương nhân chưa từng được sủng hạnh, lại là chị gái của tội phi, chẳng khác nào một đóa hoa tàn bị người ta vứt bỏ. Kẻ không có giá trị như thế, tại sao Nguyễn dung hoa lại phải phí thời gian với nàng ta nữa không biết.
...
(Mời các bạn đón đọc Chương 35: Nhân tâm.)
...
Chú thích:
(1) Trấn Sơn Nam (xứ Sơn Nam) là vùng đất phía nam kinh thành Thăng Long từ thời Lê Sơ đến thời nhà Nguyễn, tương ứng với các tỉnh như Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định. Phủ Trường Yên (còn có các tên gọi khác là Trường An, Tràng An) thuộc trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
(2) Núi Dục Thúy: có tên cổ là Dục Thúy sơn, nằm ngay trên ngã ba sông Vân và sông Đáy, là một ngọn núi nổi tiếng với phong cảnh thơ mộng trữ tình, nơi từng được mệnh danh là "cửa biển có non tiên" và là cảm hứng thi ca của nhiều danh sĩ đương thời.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui