"Bản cung biết ngươi là người quân tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng còn hơn trăm mạng người nhà họ Nguyễn thì sao? Bọn họ vì sự cố chấp của ngươi mà chịu liên lụy, lẽ nào ngươi muốn nhìn cảnh thây chất thành núi, máu chảy thành sông mới hả lòng hả dạ ư?" Ngừng lại một lát, Tuyên Từ thái hậu thở dài: "Có thể ngươi không tin, nhưng bản cung thật lòng muốn các ngươi được thanh thản."
Dĩ nhiên Nguyễn Trãi không đành lòng nhìn cảnh toàn gia vì mình mà bị tru di. Nhưng ông cũng tuyệt đối không bán đứng mẹ con Ngô tiệp dư. Chấp niệm và hận thù đã biến Tuyên Từ thái hậu thành quỷ dữ. Bà ta tìm đến tận đây, chỉ e ngày chết của nhà họ Nguyễn ông càng đến sớm hơn mà thôi.
Ánh mắt Nguyễn Trãi xoáy sâu vào Tuyên Từ thái hậu, không nhanh không chậm nói:
"Nếu muốn chúng ta thanh thản, thái hậu đã không làm ra những chuyện đó."
"Ngươi đang trách bản cung? Ức Trai à, ngươi đừng quên ai là kẻ đã biến bản cung thành người thế này? Mọi chuyện bản cung làm, chẳng qua cũng chỉ là đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy mà thôi." Tuyên Từ thái hậu bình tĩnh đáp lại, lời sắc như dao, từng câu từng chữ đều thâm tàng ẩn ý: "Giờ kết cục đã định, bản cung lại muốn xem, một Nhập nội Hành khiển nho nhỏ như ngươi liệu có bản lĩnh nghịch thiên chuyển mệnh hay không?"
Nguyễn Trãi húng hắng ho rồi nhổ ra một ngụm máu. Cai ngục thấy ông có ý bất kính với thái hậu, vội vàng chạy tới định nạt nộ vài câu, nào ngờ gã bị chính Tuyên Từ thái hậu thẳng tay ột cái tát, bất đắc dĩ lại khép khép nép nép đi ra ngoài.
Nguyễn Trãi biết, Tuyên Từ thái hậu không muốn có người thứ ba nghe thấy cuộc trò chuyện giữa hai người họ.
"Thái hậu đánh giá ta quá cao rồi! Nếu ta có được một nửa bản lĩnh và dã tâm của thái hậu, ta đã sớm nhìn ra cạm bẫy này từ lâu, đời nào còn chịu chôn chân trong tử lao, để thiên hạ coi khinh, phỉ nhổ như một tội thần giết vua chứ!"
Tuyên Từ thái hậu chầm chậm bước đến bên cạnh Nguyễn Trãi, năm đầu ngón tay ngọc ngà nâng cằm ông lên, không hề sợ hãi trước ánh mắt bức bối của đối phương đang nhìn xoáy vào người mình.
"Ngươi đang nói gì vậy? Ngươi chính là tội thần giết vua, còn không phải sao?"
"Bà..." Nguyễn Trãi trợn mắt quát. Vẫn biết người đàn bà này âm độc nham hiểm, nhưng ông không thể ngờ bà ta lại trơ trẽn như thế: "Ta thật hối hận vì khi xưa đã không nghe lời Thắng, Phúc, mới để loại yêu phụ như bà làm loạn triều cương."
Đinh Thắng vốn là giám phụ trách việc ghi chép lại sinh hoạt của Thái Tông. Ánh mắt Tuyên Từ thái hậu lóe lên sát ý, nhưng rất nhanh sau đó, bà ta chỉ thủng thẳng mỉm cười:
"Bản cung thì vẫn luôn cho rằng, hối hận chính là hai từ vô dụng nhất."
Nguyễn Trãi khinh thường không đáp, chỉ giận dữ nhìn về phía thái hậu, gắt gao như muốn kết tội người đàn bà âm độc trước mặt mình.
Tuyên Từ thái hậu cũng chẳng thèm né tránh đối phương, thi thoảng còn cười mơ hồ, như thể rất hài lòng với kết cục đã định.
Trong tử lao, tội thần giết vua và đương kim thái hậu điềm nhiên đối mặt nhau, không ai trong hai người họ có ý định chùn bước. Thậm chí, kẻ tinh ý nhất cũng không thể dò được ánh mắt họ sâu đến nhường nào...
Hồi lâu sau, biết không thể suy chuyển được vị thần tử họ Nguyễn trung quân lẫm liệt ấy, Tuyên Từ thái hậu đành phất tay áo bỏ đi. Thần sắc bà ta vẫn bình ổn như nước, chỉ có thanh âm nhàn nhạt vọng lại, hòa lẫn trong tiếng gió:
"Đúng sai nằm trong tay kẻ thắng, không nằm ở miệng lưỡi kẻ thua. Ân oán giữa mấy người chúng ta, đã đến lúc kết thúc rồi."
Nhìn theo bóng trắng ấy khuất dần phía cuối hành lang tử lao, Nguyễn Trãi âm thầm lắc đầu. Ai cũng biết, một khi hận thù và chấp niệm đã quá sâu, chỉ có một trong hai người chết đi mới có thể kết thúc...
...
Không biết Tuyên Từ thái hậu nói gì mà sau khi bà ta đến thăm tử lao, sự đối đãi của cai ngục với Nguyễn Trãi đã tử tế hơn rất nhiều, thậm chí chăn gối, rượu thịt đều có đủ. Nhưng cũng kể từ ngày ấy, Nguyễn Trãi càng trở nên trầm lặng hơn, phần lớn thời gian đều ngồi tĩnh tâm, gần như phó mặc tất cả, mà cũng có thể là coi thường tất cả...
...
Lão gia, chốn quan trường bon chen lẫn lộn, thánh tâm lại khó dò, thiếp nghĩ ngài nên sớm lui về thì hơn...
...
Nguyễn Trãi, thị Lộ, bản cung nói cho hai ngươi rõ, những gì bản cung đã muốn, nhất định sẽ nắm được trong tay, dù là ai cũng đừng hòng ngăn cản!
...
Trẫm đến Côn Sơn chuyến này, chính là vì muốn mời tiên sinh trở lại làm quan, lẽ nào tiên sinh nỡ cô phụ tấm lòng của trẫm?
...
Dạo này trong triều bắt đầu có người dị nghị về huyết thống của thái tử Bang Cơ, Thần phi lại là người có dã tâm, lão gia tuyệt đối không được coi thường người đàn bà này.
...
Còn hơn trăm mạng người nhà họ Nguyễn thì sao? Bọn họ vì sự cố chấp của ngươi mà chịu liên lụy, lẽ nào ngươi muốn nhìn cảnh thây chất thành núi, máu chảy thành sông mới hả lòng hả dạ ư?
...
Đúng sai nằm trong tay kẻ thắng, không nằm ở miệng lưỡi kẻ thua. Nguyễn Trãi, ân oán giữa chúng ta, đã đến lúc kết thúc rồi...
...
Ngày 16 tháng 8 năm 1442, tức mười hai ngày sau khi vua Lê Thái Tông băng, án trảm tội thần giết vua được thi hành.
Đó là một buổi sáng mùa thu mộng mị và đầy ám ảnh. Trên trời, mây xám cuồn cuộn vần vũ, mặc nhiên che đi ánh dương, khiến cho bầu trời phân chia thành từng mảng sáng tối loang lổ; dưới đất, gió cuốn cát bụi cuộn thành từng xoáy tròn rồi lặng lẽ biến mất ở góc khuất cuối đường; thi thoảng đâu đó vọng lại một tiếng sấm khan; không gian tĩnh lặng mà ngột ngạt, bí bách đến cùng cực.
Hơn một trăm người trong dòng họ Nguyễn đã bị giải ra pháp trường từ rất sớm. Trên những gương mặt già nua hốc hác, trong những ánh mắt thiếu niên còn chưa trải sự đời, giờ phút này đều tựu chung một nỗi kinh hoàng. Thậm chí đến tận bây giờ, nhiều người trong số họ vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao oan nghiệt ấy lại giáng xuống đầu mình.
Dù còn hơn một canh giờ nữa mới tới giờ hành án nhưng bốn phía xung quanh pháp trường đã đông nghịt người. Gần như tất cả dân chúng thành Đông Kinh đều đổ ra đây. Tất cả bọn họ đều muốn được tận mắt chứng kiến buổi hành quyết đẫm máu nhất trong lịch sử. Trong đám đông vô cùng vô tận ấy, kẻ tò mò, người băn khoăn, lại có cả kẻ ôm tâm trạng nghi hoặc, sống chết không muốn tin Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi đại nghịch giết vua.