Nguyễn Trãi quỳ một mình trên đài cao. Hôm nay, ông mặc bộ quần áo tử tù màu trắng, hai tay bị gông gỗ kẹp chặt, chân mang xích sắt, tóc rối xõa ngang lưng. Bộ quần áo tử tù ông đang mặc, máu loang thành từng vệt đen thẫm, nhiều chỗ còn lẫn lộn lên nhau, minh chứng cho sự bức cung tàn khốc mà ông và hơn trăm người trong dòng tộc đã phải nếm trải suốt mười hai ngày qua. Thế nhưng, dù gông cùm kìm kẹp, dù tử lao đọa đày, Nguyễn Trãi vẫn không mảy may sợ hãi. Nhìn ông giống một vị chân nhân đang tĩnh tâm tu hành hơn là một tử tù sắp phải chịu án chém.
Đảo mắt nhìn quanh, Nguyễn Trãi cũng không thấy Nguyễn Thị Lộ đâu, nhưng ông biết rằng, với bản tính của Tuyên Từ thái hậu, một khi quân cờ đã hết giá trị, kết cục sẽ thê thảm chẳng khác gì rơm rác bên đường!
Hơn một trăm mạng người, vì nghiệp chướng quan trường của mình mà phải chịu liên lụy...
Lại một tiếng sấm khan vọng đến. Quỳ trên đài cao, thần thái Nguyễn Trãi vẫn khoan thai tĩnh lặng. Không phải ông vô tâm, càng không phải vì ông không biết tiếc hận, chỉ là nỗi tiếc hận ấy ông giấu đi quá khéo, không muốn day dứt những người xung quanh, khiến kẻ có lòng nhất cũng không thể nhìn ra...
Nửa canh giờ nữa lại trôi qua. Ngồi trên ghế giám trảm, Lê Lăng cao hứng mân mê trảm lệnh trong tay. Ông ta và Nguyễn Trãi, một kẻ âm trầm giả dối, một người ngay thẳng, cả hai vốn đã không ưa gì nhau, nay Nguyễn Trãi phạm phải tử tội, thái hậu lại cho quyền Lê Lăng làm quan giám trảm, đối với Lê Lăng cũng có thể coi là một công việc thú vị.
"Ức Trai à Ức Trai..." Giọng Lê Lăng cất lên, mười chín năm trước cũng như mười chín năm sau, đều lè nhè và đáng ghê tởm: "Trung thần ngươi không muốn làm, lại nhất quyết đi làm nghịch thần. Hôm nay phải tiễn ngươi lên đường, bản quan cũng thấy tiếc ột nhân tài như ngươi."
Không rảnh để cự cãi với kẻ như Lê Lăng, Nguyễn Trãi khinh miệt hừ lạnh rồi quay mặt đi. Lê Lăng hơi cụt hứng nhưng chỉ một giây sau, lão miễn cưỡng ngồi thẳng dậy, nhanh chóng lấy lại mặt mũi cần có của một quan giám trảm.
Pháp trường vẫn văng vẳng tiếng con trẻ khóc thút thít. Nguyễn Trãi không đành lòng nhưng cuối cùng vẫn phải nạt nhẹ một câu :
"Khóc cái gì! Ai rồi chẳng phải chết. Người họ Nguyễn chúng ta, có chết cũng phải chết trong tư thế ngẩng cao đầu!"
Sự can trường, khí phách hiên ngang của Nguyễn Trãi khiến những người cùng chịu án chém hôm ấy như tìm lại được dũng khí. Chẳng ai bảo ai, hơn trăm người đồng loạt ngẩng cao đầu, tiếng khóc thút thít không còn, nỗi sợ hãi biến mất, trong mắt họ chỉ còn lại sự bình thản đến lạ kì.
Một chiếc lá vàng rơi xuống, đậu ngay trước mặt Nguyễn Trãi. Ông bất giác ngước nhìn lên, vẻ mặt đang yên ả đột nhiên trở nên thất thần khi thấy bóng hình ấy đứng lẫn trong dòng người hỗn độn.
...
Đứng lẫn trong dòng người hỗn độn, người thiếu phụ trẻ tuổi ấy khẽ đưa tay lên bụm miệng để chặn lại tiếng nấc nghẹn. Vì sợ có người nhận ra mình, bà chỉ dám mặc một bộ quần áo nông phu đã sờn rách, tự làm bản thân hôi hám bẩn thỉu, còn gương mặt khắc khổ thì giấu sâu dưới chiếc khăn trùm đầu. Bà đứng đó, bất lực hướng về phía pháp trường, miệng lẩm nhẩm như thể muốn nói điều đấy với Nguyễn Trãi.
Lão gia, thiếp đến cứu ngài đây.
Tất nhiên Nguyễn Trãi hiểu ý định của đối phương. Ở trên đài cao, ông khẽ khàng lắc đầu.
...
Mặc kệ sự phản đối của Nguyễn Trãi, người thiếu phụ vẫn len lỏi qua dòng người, càng lúc càng tiến sát về phía pháp trường hơn.
Ở phía trên này, Nguyễn Trãi hận không thể làm gì để đối phương dừng bước. Gông cùm trong tay ông đã bắt đầu nhức nhối không yên.
Đột nhiên, từ đâu đó trong dòng người, một bàn tay vươn tới, kín đáo đặt lên vai người thiếu phụ. Bà giật mình quay đầu lại, chỉ thấy Nguyễn Đức Trung đang lắc đầu với mình.
Mười chín năm trước, Nguyễn Đức Trung vẫn chỉ là một võ quan tứ phẩm của triều đình.
"Đừng làm điều dại dột nữa." Dù Nguyễn Đức Trung cố tỏ ra trấn tĩnh thì cũng không thể giấu nổi ánh mắt bi thương. Ông hạ giọng khuyên bảo người thiếu phụ: "Mẫn phu nhân đã rời khỏi kinh thành rồi. Vì Huyên nhi, phu nhân cũng nhất định phải sống tiếp."
Thiếu phụ kia cũng không phải người mù quáng và cố chấp. Bà mạo hiểm tìm đến pháp trường vì muốn cứu Nguyễn Trãi, nhưng Dực thánh quân canh gác lớp trong lớp ngoài, chính bà cũng hiểu rõ việc này thành ít bại nhiều. Nay lại thêm lời của Nguyễn Đức Trung, thiếu phụ như tỉnh ngộ. Bà không tiến thêm một bước nào nữa, chỉ đành chua xót nhìn Nguyễn Trãi, đến lúc này mới thấy ông mỉm cười với mình...
...
Giờ thìn đã tới. Ngồi trên ghế giám trảm, Lê Lăng đắc ý lớn giọng:
"Bản quan cho ngươi ân huệ cuối cùng, ngươi có gì muốn nói không?"
Muốn nói ư? Dĩ nhiên Nguyễn Trãi có rất nhiều điều muốn nói, nhưng không phải nói với Lê Lăng mà là nói với cả thiên hạ!
Thành Đông Kinh hôm ấy, mọi người vẫn nhớ như in lời tuyên bố lẫm liệt của nghịch thần giết vua.
"Ức Trai ta đời đời trung quân ái quốc, sống không thẹn với trời đất và thiên hạ! Ngày hôm nay ta gánh phải oan nghiệt, nguyện ôm nỗi tiếc hận xuống dưới cửu tuyền, nhưng trong các bậc minh quân hậu thế, nhất định sẽ có người thay ta giải nỗi oan tình Lệ Chi, để áu của chúng ta ngày hôm nay không đổ vô ích, để cho lòng thiên hạ muôn đời sau được thấu tỏ chính tà!"
Lịch sử chưa bao giờ diễn ra cảnh tượng kì lạ như thế. Hàng ngàn người vốn dĩ chỉ đến xem hành hình, giờ lại bất tri bất giác quỳ sụp xuống, cung kính vái lạy ba vái trước kẻ sắp bị chém đầu.
Sợ dân tình nổi loạn, Lê Lăng không dông dài nữa, thẳng tay vứt trảm lệnh xuống đất. Hàng loạt nhát đao nhất tề vung lên. Người thiếu phụ kia chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngất lịm.
Chân trời vẫn đì đùng vọng lại tiếng sấm khan.
Những người chứng kiến vụ hành hình hôm ấy đều ngậm ngùi kể lại rằng, chỉ trong thoáng chốc, bầu trời Đông Kinh bỗng trở nên vô cùng quỷ dị, mây xám chuyển thành màu đỏ, gió gào thét như dã quỷ, bình minh bị bóng tối nhất chìm, mưa từ mọi ngả trút xuống, hòa lẫn cùng máu tươi, xối thành một dòng đỏ thẫm.
Nhân tâm nghẹn ngào. Đất trời như cũng nổi cơn thịnh nộ, khiến cuồng phong bão tố vẫn vũ mãi không thôi...