Thiên Hạ Kỳ Duyên

Người góa phụ tên Mẫn hướng về phương bắc và bật khóc. Trong giờ phút sinh ly tử biệt này, bà cũng không được nhìn mặt Nguyễn Trãi một lần cuối. Nhưng bà chấp nhận làm một kẻ chạy trốn hèn nhát, âu cũng vì đứa trẻ trong bụng mà thôi.
...
Thấm thoát đã năm năm trôi qua. Mọi người dường như đã lãng quên thảm án Lệ Chi viên năm đó, nhưng đối với những người còn sống sót, bi kịch đẫm máu đó vẫn ám ảnh họ cả đời!
...
Phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa, năm năm sau thảm án Lệ Chi Viên.
Vì sợ mọi người biết được thân thế thực sự của con trai, bà Mẫn đành phải lấy họ Phạm của mình để đặt cho Anh Vũ. Cứ như thế, hai mẹ con tìm về một vùng quê hẻo lánh, nương tựa vào nhau, rau cháo thanh đạm mà sống qua ngày.
Một ngày nọ, cậu bé Vũ trở về nhà trong bộ dạng lem luốc, đôi chỗ trên mặt còn xây xước, bầm dập. Vừa trông thấy bà Mẫn đang giặt quần áo ngoài giếng, cậu liền sà vào lòng mẹ, thổn thức:
"Mẹ ơi, bọn trẻ trong làng bắt nạt con, chúng nó mắng con là đứa con hoang."
Lề thói phong kiến là vậy. Phụ nữ không chồng, một mình nuôi con sẽ bị hàng xóm láng giềng dè bỉu. Dù đã cố gắng nhẫn nhục nhưng bà Mẫn vẫn không thể dẹp đi những dị nghị của người đời.
Chua xót ôm chặt con trai vào lòng, bà Mẫn âu yếm hôn lên trán cậu bé:
"Con không phải con hoang. Con có cha, hơn nữa cha con còn là một người vô cùng đáng kính trọng..."
"Vậy cha con đâu? Khi nào thì cha mới về thăm con hả mẹ?" Cậu bé Vũ ngơ ngác hỏi lại.
Một giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy guộc của người thiếu phụ ấy. Rồi cứ thế, hai mắt bà đã nhòe đi từ lúc nào.
Bỗng nhiên thấy mẹ mình bật khóc, Vũ lo lắng rướn đầu lên. Trong thế giới của cậu, mẹ là tất cả, mẹ mà khóc, cậu cũng sẽ đau lòng.
"Mẹ, sao mẹ lại khóc?"
"Mẹ không sao." Bà Mẫn vụng về dùng vạt áo lau đi nước mắt. Đoạn, thấy Vũ vẫn ngô nghê nhìn mình, bà Mẫn mới miễn cưỡng hạ giọng, tiếp tục trả lời câu hỏi của cậu bé: "Nhưng cha con... ông ấy sẽ không trở về nữa đâu."
Ngày ấy, Phạm Anh Vũ còn quá nhỏ để định nghĩa được nỗi tang thương trong mắt mẹ mình mỗi khi nhắc đến người cha bí ẩn ấy.
Lại hai năm nữa trôi qua, Phạm Anh Vũ đã lớn thêm một chút, nhưng cậu cũng không nhắc đến cha mình trước mặt mẹ nữa.
Không ai biết rằng, bà Mẫn từ lâu đã như ngọn đèn trước gió, gắng gượng được bảy năm đều là vì Phạm Anh Vũ. Nhưng khi bọn cướp Đỗ Hải tràn vào thôn Dự Quần và lấy đi chiếc vòng ngọc lục bảo, bà Mẫn vì bảo vệ di vật của dòng họ mà bị tên tướng cướp đả thương, kể từ đó nằm liệt giường, không dậy nổi nữa. Biết bản thân không thể qua khỏi, trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà Mẫn mới gọi con trai đến bên giường và kể lại mọi chuyện...
...
Anh Vũ, con chính là con trai của Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi, người bị triều đình kết tội giết vua bảy năm trước. Hàng trăm mạng người nhà họ Nguyễn đều bị oan khuất mà chết. Sau này lớn lên, con nhất định phải thay chúng ta trả mối thù diệt tộc, trừng trị những kẻ gây ra thảm án Lệ Chi viên, để cho người trong thiên hạ hiểu được chính tà, có như vậy, cha mẹ ở dưới suối vàng mới có thể nhắm mắt xuôi tay!
Không thể chờ đến ngày oan tình được giải, bà Mẫn ra đi trong tiếc hận, trên khóe môi còn vương một nụ cười chua chát. Trong túp lều lụp xụp, ngọn nến đã lụi tàn từ lúc nào, vách tường chỉ còn vương lại một bóng hình cô độc của cậu bé bảy tuổi, nghẹn ngào quỳ bên di thể đang dần lạnh ngắt của mẹ mình...
...
Sau khi bà Mẫn mất ít lâu, một người đàn ông lạ mặt tìm đến thôn Dự Quần. Ông là gia nô trước kia từng hầu hạ trong nhà họ Nguyễn. Ngày Nguyễn Trãi bị hành hình, chính ông đã liều mạng dẫn bà Mẫn trốn khỏi thành Đông Kinh. Chẳng ngờ quân lính của Tuyên Từ thái hậu truy bắt, hai người họ thất lạc đôi ngả, đến tận bảy năm sau, người gia nô trung thành ấy mới tìm về đến thôn Dự Quần, hận một nỗi không thể gặp mặt bà Mẫn lần cuối.
Lão Bản trao cho Phạm Anh Vũ thanh bảo kiếm của dòng họ rồi dẫn y rời xa thôn Dự Quần, bái danh sư học võ nghệ, cốt để sau này y có thể thực hiện được di nguyện của bà Mẫn, báo thù rửa hận cho hơn một trăm mạng người đã chết oan dưới bản án nghiệt ngã của triều đình.
...
Trong một sơn cốc cách thiền viện Trúc Lâm Yên Tử không xa, có một thiếu niên đang miệt mài luyện kiếm. Núi Yên Tử vốn là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, là chốn thanh tu cửa Phật, tất nhiên không thích hợp để xuất hiện đao kiếm, nhưng có vẻ thiếu niên này không quá quan tâm tới những sự cố kị ấy mà chỉ dồn toàn lực vào việc luyện tập. Thanh bảo kiếm trong tay y không ngừng xoay chuyển, vung lên hạ xuống chớp nhoáng, uy lực phát ra cũng vì thế mà thâm sâu khôn lường.
Chỉ trong chớp mắt, Phạm Anh Vũ đã lao vút lên cao rồi thuận đà chém xuống cây trúc trước mặt. Nhìn theo bóng trúc đổ ngả nghiêng, ánh mắt y vẫn lạnh như băng, chỉ có sự hận thù là không thể che giấu.
...
Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày bà Mẫn mất đi, Phạm Anh Vũ mới lại mở lòng mình với một người xa lạ như thế. Chính y cũng không hiểu vì sao mình lại dễ dàng tin tưởng Nguyễn Hoàng Lan. Nhớ lần ở nhà họ Lê, thanh bảo kiếm trong tay y đã phát ra một luồng nội lực kì lạ khiến y không thể đâm trúng người con gái ấy. Vì thế, dù có lạnh lùng và đa nghi đến đâu, Phạm Anh Vũ vẫn không thể phủ nhận thiện cảm kì lạ của y đối với Hoàng Lan. Nhưng Phạm Anh Vũ cũng hiểu rằng ở đất nước này, tên của cha mình vẫn là một điều tối kị. Bởi vậy, y không thể tiết lộ tất cả nội tình cho đối phương biết. Thảm án năm đó, qua lời kể của y biến thành một vụ án cá nhân quá đỗi nhẹ nhàng. Trong câu chuyện của mình, y chưa một lần nhắc đến chuyện tru di ba họ, cũng chưa một lần nhắc đến cái tên Nguyễn Trãi!
Còn Hoàng Lan, nàng lại nhớ đến lời kể của Ngô Chi Lan. Một năm trước, khi Triệu Bảo Khánh và Vương Văn Lãng bày ra chuyện giả thần giả quỷ, Ngô Chi Lan đã kể cho nàng nghe về vụ án Lệ Chi viên và truyền thuyết yêu xà. Lệ Chi viên chính là một trong những vụ án oan khiên chấn động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bản án vội vàng đã giết oan ba họ của công thần Nguyễn Trãi, là một vết nhơ mà sử sách đời sau không thể nào gột rửa được. Phạm Anh Vũ cũng nói cha y bị oan. Câu chuyện này, về khía cạnh nào đó thì cũng giống với vụ án Lệ Chi Viên. Nhưng Hoàng Lan lại mơ hồ cảm thấy không đúng lắm. Nguyễn Trãi bị tru di ba họ, không như "viên ngoại lang bộ hộ" cha y bị đơn thân chém đầu. Còn nữa, Phạm Anh Vũ họ Phạm chứ đâu phải họ Nguyễn?
Một cách vô thức, Hoàng Lan nắm lấy tay Phạm Anh Vũ. Y ngưng thần, quay lại nhìn thì chỉ thấy nàng lặng lẽ gật đầu với mình. Không huyên thuyên dài dòng, không giáo điều sáo rỗng, sự an ủi và đồng cảm đôi khi lại xuất phát những hành động nhỏ nhoi, chân thành nhất.
"Xin lỗi, quá khứ đau buồn anh đã muốn chôn sâu, vậy mà tôi lại vô duyên vô cớ gợi lại."
Khóe mắt Hoàng Lan cay cay, rồi giọng nàng lạc hẳn đi.
Bị đánh đập trong Thanh Phục khu, nàng không khóc. Lúc đối mặt với lưỡi đao của đám thích khách hay phải một mình lang thang trong rừng rậm, nàng cũng không vì sợ hãi mà khóc. Giờ nhớ lại, kể từ khi lạc đến thời đại này, nàng chỉ khóc đúng ba lần.
Lần đầu tiên, Hoàng Lan hồi cung sau gần nửa năm rong chơi bên ngoài, đứng trước chân tình của mọi người trong Phượng Tú uyển, nàng đã không kìm được nước mắt...
Lần thứ hai, Lâm Vũ Linh vì nàng mà đắc tội với Phùng Diệm Quỳnh, kết quả bị nàng ta đánh gãy một bàn tay...
Lần thứ ba, ở trong phủ họ Trần, lúc ôm thi thể lạnh ngắt của Ngọc Huyên vào lòng, nàng đã khóc...
Hoàng Lan là vậy, không phải tuýp người mỏng manh yếu đuối, càng không phải kẻ thích dùng lệ mỹ nhân để làm xiêu lòng quân tử. Bình sinh, nàng chỉ khóc khi thật sự thương tâm.
Thế nhưng giờ phút này, sau khi nghe kể về quá khứ của Phạm Anh Vũ, trong tâm khảm Hoàng Lan lại xuất hiện một loại cảm giác đồng cảm khó hiểu. Nó cứ không ngừng dâng lên, điềm nhiên giày vò, điềm nhiên ám ảnh, như thể nỗi đau ấy cũng chính là một phần máu thịt của nàng vậy.
Và rồi, Hoàng Lan bật khóc như một đứa trẻ.
Phạm Anh Vũ luống cuống lấy khăn lau nước mắt cho Hoàng Lan, vừa lau vừa ôn tồn an ủi:
"Hoàng Lan, đừng khóc, là tôi bằng lòng kể cho cô nghe, cô đừng tự trách mình nữa."
Có gì đó hơi ngược đời, nhưng cuối cùng, kẻ đóng vai người đi an ủi lại là Phạm Anh Vũ. Y vươn tay ra, lặng lẽ ôm Hoàng Lan vào lòng. Ban đầu Hoàng Lan còn định né tránh, nhưng rồi, cảm giác thương tâm và sự thân thiết trong tiềm thức đã khiến nàng ngoan ngoãn dựa vào người y. Cứ thế, hai người họ ngồi bên bờ suối, trước mặt là đỉnh núi Thúy đang dần chuyển sang màu tím thẫm, sau lưng là Viên Diệp cư ngút ngàn, Phạm Anh Vũ che chở cho Hoàng Lan, còn Hoàng Lan thì vùi đầu vào vai y mà khóc ngon lành. Người ngoài nhìn vào có thể suy nghĩ vẩn vơ, nhưng cả hai người họ đều biết rằng trái tim mình không hề vì đối phương mà đập loạn nhịp. Thứ cảm giác ấy, chỉ đơn thuần là đồng cảm và sẻ chia, không phải sự luyến ái nam nữ thông thường.
Nếu Hoàng Lan không hiểu tại sao nàng lại dễ dàng xúc động như vậy, thì Phạm Anh Vũ cũng không hiểu vì sao y dễ dàng tin tưởng nàng đến thế. Chỉ biết rằng, mỗi khi nhìn vào mắt Hoàng Lan, y như nhìn thấy bóng hình xa xôi của một cố nhân nào đó đến từ dĩ vãng... (2)
...
Chú thích:
(1) Đại Bảo: Niên hiệu của vua Lê Thái Tông từ năm 1440 đến năm 1442.
(2) Vụ án Lệ Chi viên: Năm 1442, vua Lê Thái Tông đến Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, trên đường trở về có dừng chân tại vườn vải thuộc huyện Gia Định (nay thuộc Bắc Ninh). Ở đây, Ngài thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Triều đình nhanh chóng khép Nguyễn Trãi vào tội giết vua và tru di tam tộc. Án trảm được diễn ra khá vội vàng, chỉ mười hai ngày sau khi Thái Tông băng. Sử sách gọi đây là vụ án Lệ Chi viên, vụ án oan khiên thảm khốc vào bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
...
(Mời các bạn đón đọc Chương 37: Lâm Vũ Linh.)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui