Trước cửa nha môn hình bộ đông nghịt người. Mùi mồ hôi, mùi đất hòa lẫn những lời bình luận ồn ã, không đầu không cuối. Khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt, nụ cười hào hứng trên môi Hoàng Lan vụt tắt.
Trước mắt nàng, một người đàn ông tuổi ngoại ngũ tuần, tướng người béo tốt bị kẻ nào đó lột trần truồng rồi nhét vào một chiếc lồng giống như lồng chở heo. Lão vốn đang ngủ say, bị tiếng ồn ào xung quanh làm cho tỉnh giấc, đến khi ý thức được tình cảnh nhục nhã của mình thì bắt đầu ôm mặt khóc thảm thiết. Nhưng kì lạ thay, mặc cho lão kêu gào khổ sở đến đâu cũng không một ai trong số hàng trăm người ở đây có ý định giải cứu cho lão. Rồi từ trong đám đông, có một người tiến đến cạnh chiếc lồng, không nhanh không chậm nhổ một bãi nước bọt. Theo chân người đó, một người, hai người, rồi không hẹn mà gặp, gần như tất cả mọi người có mặt ở đây đều tiến đến chiếc lồng và phỉ nhổ vào mặt lão.
Rồi cứ thế, đất cát, rau củ thối thi nhau trút xuống như mưa. Gã đàn ông trần truồng trong chiếc lồng kia chỉ biết ê chề ôm mặt, không cách nào thoát được sự phẫn nộ của hàng trăm, hàng ngàn người.
"Đáng đời lắm! Ác giả ác báo!"
"Cuối cùng lão già cũng có ngày hôm nay."
Những tiếng chửi rủa cay độc nhất vẫn không ngừng vang lên. Không rõ người chửi là ai, mà cũng có thể đó là lời đồng thanh của tất cả dân chúng thành Đông Kinh!
Đối diện đám người đang cuồng nộ ấy, mấy tên lính canh cổng nha môn chỉ biết trơ mắt nhìn nhau. Quan trên đã ra lệnh cho bọn họ giải cứu người kia. Nhưng trước sự phẫn nộ của dân chúng, chỉ có thằng ngu mới thò mặt ra lúc này!
Lần đầu tiên Hoàng Lan chứng kiến cảnh tượng ghê tởm và kì dị như thế. Trong trí nhớ của nàng, chỉ có trọng phạm bị triều đình giễu phố mới phải chịu cảnh chúng dân miệt thị. Đợi khi sự phẫn nộ của đám đông lắng xuống, Hoàng Lan liền kéo tay một người đứng cạnh đó rồi e dè hỏi:
"Bác à, người này phạm phải tội gì? Tại sao lại bị đối xử như vậy?"
Người đàn bà mặt đỏ tía tai, chỉ về phía cái lồng rồi phun phì phì.
Theo lời kể của bà ta, người đàn ông bị nhốt trong lồng như nhốt heo kia vốn là một tên phú hộ khét tiếng Đông Kinh. Lão kết thân với quan tham, lũng đoạn thị trường vải vóc, chèn ép các thương lái không biết bao nhiêu mà kể. Trên bịt mắt thiên tử, dưới chà đạp dân chúng, chỉ trong chưa đầy một năm, số tiền lão hút máu của dân nghèo đã lên đến hàng ngàn, hàng vạn quan tiền. Nhà nào kinh doanh mà không có tiền nộp cho lão, nhẹ thì lão cho người tới đập phá, nặng thì lão bắt cả con gái nhà người ta đi. Có trường hợp vì gia chủ phản ứng quá quyết liệt, dọa dẫm sẽ đi kiện lên tận đương kim hoàng thượng, lão liền thuê kẻ khác tới phóng hỏa nhà họ, trong một đêm thiêu chết cùng lúc cả ba mạng người.
Mấy năm qua, người bị lão ức hiếp đều là dân đen thấp cổ bé họng, có căm tức cũng chẳng thể làm gì.
Vậy mà hôm nay, lão già đáng chết ấy lại bị ai đó lột trần, tống vào lồng heo rồi đem đến trước cửa nha môn hình bộ! Nghe đâu mấy nạn nhân lúc trước e sợ thế lực của lão, giờ chẳng biết được ai thuyết phục cũng sẵn sàng đứng ra làm chứng tố cáo.
Bỏm bẻm nhả bã trầu xuống đất, người đàn bà kia kết luận một câu:
"Thành Đông Kinh có bốn tên đại ác bá. Ngoại trừ Lê Thụ đã chết bất đắc kì tử thì lão già Đỗ Văn Hội này chính là kẻ đáng hận nhất."
Đỗ Văn Hội cũng là kẻ mà bọn người Đoàn Duy Hưng từng nhắc đến trong quán trà lần trước.
Khi đã biết rõ sự tình, cách nhìn của Hoàng Lan đối với lão già liền thay đổi một trăm tám mươi độ. Thương cảm biến mất. Áy náy không còn. Nếu không vì đám đông chen lên ném đá quá nhiều, có lẽ nàng cũng sẽ tìm đến bên lồng sắt mà nhổ vào đó một bãi khinh miệt.
Trước khi rời khỏi nơi đó, hình như Hoàng Lan nghe thấy ai đó nhắc đến một cái tên.
Phong Vân kỳ sĩ...
Bọn họ nói, người đem lão già Đỗ Văn Hội đến đây chính là Phong Vân kỳ sĩ!
...
Ánh nắng chiếu chênh chếch qua cột đình. Đã quá giờ ngọ mà hoàng thượng vẫn chưa nghị triều trở về.
Thái giám kiên trì đứng chờ trước cửa điện Bảo Quang. Hắn vốn là người của phòng bếp, thân phận thấp kém, chẳng qua do nhận sự ủy thác của Nguyễn sung nghi nên mới bạo gan tìm tới tận nơi này.
Thấy tên thái giám kia cứ đứng dưới trời nắng, Đặng Lộc, thái giám dưới quyền Đặng Phúc bèn chạy ra khuyên bảo vài câu. Nhưng tính hắn vốn thật thà, chỉ một mực xua tay rồi nói:
"Phiền công công cứ để tôi đợi ở đây. Tôi có chuyện quan trọng muốn bẩm báo với bệ hạ."
Cự cãi một hồi vẫn không thuyết phục được hắn, Đặng Lộc chán nản trở vào trong. Được một lúc chợt có tiếng người thanh thúy vang lên:
"Giữa cửa điện Bảo Quang mà cũng dám làm ồn, mấy người các ngươi còn biết phép tắc gì nữa không?"
Lời vừa dứt, một phi tần váy lụa tinh xảo chậm bước lại gần. Tên thái giám cuống quýt cúi chào:
"Tham kiến Trịnh tu nghi."
Trịnh Minh Nguyệt lười nhác liếc nhìn qua người trước mặt, đến khi nghe báo lại sự tình thì khẽ cười, giọng điệu cũng mềm mỏng hơn trước:
"Bệ hạ còn bận nghị sự ở điện Kính Thiên, ước chừng chưa thể trở về ngay, nếu công công không cảm thấy phiền, ta có thể chuyển lời giúp."
Thái giám kia tần ngần một lúc. Nguyễn sung nghi đã dặn hắn phải đích thân chuyển tin tới hoàng thượng, nhưng cứ chờ thế này cũng không phải cách hay, trong khi việc ở ngự trù phòng lại không thể chậm trễ.
Thấy đối phương tỏ vẻ do dự, hai hàng lông mày lá liễu của Trịnh Minh Nguyệt khẽ chau lại.
"Xem nào, chẳng lẽ còn sợ Trịnh tu nghi ta lừa ngươi hay sao?"
Cũng giống như Lê Tuyên Kiều (tên cũ là Trần Kim Chi), Trịnh Minh Nguyệt biết tiến biết thoái, lại đủ khôn khéo, đủ thủ đoạn để có được một chỗ đứng chắc chắn trong hậu cung. Ngày hôm nay bọn họ chỉ là tu dung, tu nghi trong cửu tần, nhưng tương lai không xa có trở thành hoàng hậu hoàng phi hay không, không ai có thể nói trước được. Thái giám kia dĩ nhiên không dám đắc tội với nàng ta, vội vàng thanh minh:
"Ý tốt của lệnh bà, nô tài nào dám nghi ngờ. Chỉ có điều nô tài nhận sự ủy thác của người khác nên mới không dám lười nhác thôi ạ."
Sự ủy thác của người khác? Là ai mà lại muốn hắn gặp riêng hoàng thượng? Trịnh Minh Nguyệt trong lòng nghi ngờ, ngoài mặt lại giả như không phát hiện ra, chỉ ôn tồn nói:
"Nếu người khác đã tin tưởng giao phó, vậy cũng không nên phụ sự ủy thác của người ta. Ta nghe nói hôm nay bệ hạ và các quan đang bàn về chuyện Chiêm Thành quấy nhiễu biên giới phía nam, cũng chỉ độ một hai canh giờ nữa là tan triều thôi. Đợi đến lúc ấy là ngươi có thể gặp người rồi."
Lời nói bâng quơ này của Trịnh Minh Nguyệt đủ khiến thái giám kia xám mặt lại. Một hai canh giờ? Phụ trách nhà bếp là một lão già khó tính. Đừng nói một hai canh giờ, nếu một hai khắc nữa mà hắn còn không trở về, chỉ e sẽ bị lão treo ngược cổ lên mất!
Người thường quanh quẩn nơi góc bếp, suy nghĩ đơn giản, càng không có lòng dạ đề phòng kẻ khác. Cân nhắc một hồi, thái giám kia đành bước lên phía trước rồi bẩm báo lại mọi chuyện cho Trịnh Minh Nguyệt. Nàng ta nghe xong mà giật mình, hai tay bất giác siết chặt lại, nhưng thần sắc vẫn điềm tĩnh như trước.
"Chẳng hay đã có ai khác biết tin vui này chưa?"
Vì không biết đối phương đang thăm dò mình, thái giám kia thú thật:
"Nô tài vừa trở về liền tới điện Bảo Quang ngay, chưa hề kể chuyện này với bất kì ai."
Khóe mắt Trịnh Minh Nguyệt vương ý cười.
"Được rồi, ngươi cứ về đi. Đợi lát nữa bệ hạ nghị triều xong, ta sẽ đích thân bẩm báo lại chuyện vui này với người." Bước đi một bước, nàng ta lại quay đầu lại, chu đáo dặn dò thêm: "À phải, chuyện này hệ trọng, mong công công đừng vội nói cho ai biết. Đợi bệ hạ đón Nguyễn sung nghi hồi cung rồi, công công nhất định sẽ được trọng thưởng."
Tên thái giám kia kính cẩn tạ ơn rồi lui xuống. Vì quá cao hứng, hắn mới không phát hiện ra sát ý vừa thoáng qua trong mắt Trịnh Minh Nguyệt.
Đợi cho hắn đi khuất, Hải Yến, cung nữ thân cận nhất của Trịnh Minh Nguyệt mới bước lên hỏi:
"Lệnh bà cũng cho rằng chuyện này..."
Trịnh Minh Nguyệt mỉm cười rồi nhàn nhạt nói:
"Ta đoán không sai mà. Nguyễn Hoàng Lan kì thực không hề đến Thiên Trường an dưỡng. Là nàng ta bị đem ra ngoài cung đó thôi. Có lẽ trong chuyện này có gì đó khuất tất, bệ hạ mới không tuyên cáo cho hậu cung biết."
"Vậy còn tên thái giám kia..."
Trịnh Minh Nguyệt lạnh lùng ngắt lời Hải Yến:
"Cứ theo cách cũ mà làm. Kẻ biết quá nhiều, không nên giữ lại!"
Hậu cung đã có một Lê Tuyên Kiều khôn khéo giả tạo, một Nguyễn Nhã Liên tuy hiền hậu nhưng tâm tư khó dò, giờ nếu Nguyễn Hoàng Lan cũng bình an trở về, chẳng phải những ngày tháng sau này của Trịnh Minh Nguyệt sẽ càng khó khăn hơn ư? Không, nàng ta nhất định sẽ không để chuyện đó xảy ra! Ai đó đã từng nói, Trịnh Minh Nguyệt giống Lê Tuyên Kiều ở tham vọng, nhưng lại cao hơn đối phương một bậc thủ đoạn. Để ngăn cản địch thủ hồi cung, ngay cả những chuyện như giết người diệt khẩu, nàng ta cũng không từ.
...
Trong hoàng cung có một nơi rất ít người lui tới. Ao trong thấu đáy nhưng không hề có cá, cỏ hoa tuy quý hiếm nhưng lại mọc chen với đám cỏ dại. Sự hoang phế và trầm lặng đến đáng sợ đang âm thầm bao trùm lên một nơi vốn từng là đình gác đẹp nhất của hậu cung.
Kể từ ngày Phùng Diệm Quỳnh chết trong lãnh cung, cung Thụy Đức đã trở thành tàn tích của dĩ vãng.
Một người đứng quay mặt về phía ao cá, hai tay chắp sau hông, dường như đang chờ đợi điều gì đó. Hắn đứng trầm mặc hồi lâu, cũng không buồn quay đầu lại khi có người tiến lại gần phía mình.
"Chủ thượng."
Phía sau vang lên một giọng nữ.
Lưu Tích Nguyên không nói gì, chỉ hơi nghiêng đầu lại phía sau một chút. Cung nữ đến báo tin hiểu rằng không phải hắn đang nhìn mình. Nhưng như vậy cũng tốt. Nàng ta rất sợ phải đối mặt với ánh mắt âm u của hắn.
"Đáng chết!"
Cung nữ kia sợ đến mức mặt cắt không còn hột máu. Đi theo hắn đã lâu, sớm hiểu sự tuyệt tình của con người này nhưng nàng ta vẫn chưa thể thích nghi một cách tuyệt đối.
"Ta bảo Lý Lượng sau khi rời cung thì lập tức giết chết Nguyễn Hoàng Lan. Hắn lại chần chừ rồi để cô ta chạy mất." Lưu Tích Nguyên khẽ rít lên: "Hắn định làm phản?"
Giống như mọi người, Lưu Tích Nguyên cũng cho rằng Phùng Diệm Quỳnh đã chết, họa chăng là nàng ta bị loạn đao giết chết chứ không phải sợ tội tự sát như Tư Thành đã nói. Người đã chết, hậu duệ hoàng tộc không còn, Nguyễn Hoàng Lan tự nhiên trở thành quân cờ vô dụng. Đích thân Lưu Tích Nguyên đã gửi thư cho Lý Lượng, dặn gã sớm trừ bỏ Hoàng Lan, nào ngờ gã dám chống lại mệnh lệnh rồi để nàng chạy thoát, bảo sao Lưu Tích Nguyên không tức giận.