Thiên Hạ Kỳ Duyên

Thanh âm đang xao xuyến bỗng chậm lại rồi ngừng hẳn. Mắt phượng thảng thốt, và rồi Lê Tuyên Kiều bối rối rời khỏi chỗ ngồi.
"Thần thiếp tham kiến bệ hạ. Đêm khuya kinh động đến thánh giá, thần thiếp tội đáng muôn chết."
"Là trẫm kinh động đến nàng, mới khiến một bản đàn hay bị lỡ nhịp." Không nỡ nhìn mỹ nhân tiếp tục thổn thức, hắn vươn tay ra, cùng đỡ Lê Tuyên Kiều vào thủy đình, vừa đi vừa nói: "Xem nàng kìa, đã không biết thì không có tội. Phải rồi, đêm sương lạnh lẽo, nàng ra ngoài sao không mang theo cung nữ hầu hạ? Ăn mặc phong phanh thế này, lỡ bị cảm lạnh thì sao?"
Lê Tuyên Kiều nhỏ nhẹ đáp:
"Dạo gần đây trong cung phát sinh nhiều chuyện, tĩnh lặng cầu còn không được, thần thiếp chẳng qua ra ngoài ngắm trăng một chút, cho nên mới không dẫn theo cung nhân ồn ào."
Tư Thành cũng không hỏi thêm nữa. Hắn khoan khoái ngả lưng xuống ghế. Lê Tuyên Kiều vẫn đứng khép nép một bên, bộ dạng nửa cung kính nửa tiếc nuối. Phải chăng thứ nàng ta tiếc nuối chính là không gian vốn đang tĩnh lặng nay bị Tư Thành phá hỏng?
Biểu hiện của Lê Tuyên Kiều dĩ nhiên không qua được mắt Tư Thành. Đám người này có chết cũng không thể đạt đến trình độ to gan lớn mật như Hoàng Lan. Nhớ đến những lần giằng co với nàng, hắn bất giác cười nhẹ một tiếng:
"Nàng cũng ngồi đi. Trẫm đã nói rồi, gặp trẫm không cần quá câu nệ."
Ở một bên, sắc mặt Lê Tuyên Kiều hơi chuyển sang màu đỏ.
"Tạ ơn bệ hạ." Nàng ta e dè ngồi xuống ghế bên cạnh.
"Trẫm lại thấy, điệu nhạc của nàng tuy hay nhưng vẫn phảng phất chút gì đó man mác buồn."
Lê Tuyên Kiều ngượng ngùng:
"Thần thiếp vụng về múa rìu qua mắt thợ, để bệ hạ chê cười rồi."
"Người hữu tình tất sẽ cảm nhận được tâm ý trong điệu nhạc. Tâm ý càng sâu, tất nhiên nhạc điệu sẽ càng buồn." Hắn dừng lại một lúc: "Lê tu dung, khúc nhạc nàng vừa gảy có tên là gì?"
"Bẩm bệ hạ, khúc nhạc ấy do thần thiếp nghĩ ra trong lúc nhàn rỗi. Tên của nó là mộng uyên ương."
Một điệu nhạc buồn?
Mộng uyên ương?
Trầm ấm trong mắt Tư Thành biến mất. Hắn nhìn người trước mặt không chớp mắt.
Có phải hắn đã quên mất điều gì không?
Hình như có người đã kể với hắn, mấy ngày trước, Phùng Thục Giang từng ốm thập tử nhất sinh, cả hậu cung đều quay mặt với nàng ta, chỉ có mình dung hoa Nguyễn Nhã Liên chịu chạy đến Vĩnh Hà điện chăm sóc.
Hình như có người đã kể với hắn, Hạ chiêu dung ngày ngày ôm oán thán vì phải chép kinh trong Tàng Thư các. Con người này ỷ vào nhan sắc mà tự tin thái quá, kiêu hãnh hơn người, nhưng cũng không đến mức vô phép vô thiên. Giờ nghĩ lại, hắn mới thấy chuyện định tội lần trước mình đã quá vội vàng.
Hắn cũng không quên ánh mắt của Nguyễn dung hoa khi ở cung Thụy Đức. Ánh mắt ấy, không phải phẫn uất, không chỉ buồn bã... mà là thất vọng.
Người con gái hắn yêu, hắn không thể bảo vệ, những người mong chờ hắn, lại vì hắn mà thất vọng.
Cổ nhân thường nói: đế vương vốn vô tình.
Có phải vì thế mà Lê Tuyên Kiều ôm đàn giữa đêm khuya? Có phải vì thế mà khúc đàn này mang nặng tâm tư đến vậy?
Tư Thành thở dài:
"Nàng có từng trách trẫm vô tình với các nàng không?"
Tư Thành còn chưa nói xong, Lê Tuyên Kiều hoảng sợ quỳ xuống:
"Thần thiếp không dám."
Giọng điệu của Lê Tuyên Kiều tuy phủ nhận nhưng lại khá hời hợt. Trong khoảnh khắc, Tư Thành không thể nào đọc thấu suy nghĩ của người con gái trước mặt.
"Có gì mà không dám?" Hắn cười buồn: "Trẫm cai quản giang sơn, đâu cai quản tâm tư người khác buồn vui yêu hận!"
Đến khi hiểu ra hoàng thượng không có ý trách phạt, Lê Tuyên Kiều mới ôn nhuận mỉm cười:
"Có lẽ bệ hạ đã hiểu lầm rồi. Khúc Mộng uyên ương này, không phải thần thiếp viết cho bản thân mình."
Lê Tuyên Kiều nói, nàng ta viết khúc nhạc này vì Hoàng Lan!
"Hậu cung ba ngàn giai lệ, nhưng Nguyễn sung nghi mới là người mà thần thiếp khâm phục nhất. Nàng ấy tuy nhập cung muộn hơn chúng thần thiếp, nhưng trong khắp hậu cung này, không ai có đủ bản lĩnh để sống tốt như nàng ấy. Chữa bệnh cho thái hậu, tự mình giải oan, hiến kế trị thủy, đấu tranh với sứ thần... Những việc ấy, một người con gái có thể làm được sao?" Nói đoạn, Lê Tuyên Kiều rơi lệ mà cảm thán: "Mãi về sau này, thần thiếp mới hiểu rằng người như Nguyễn sung nghi không thể bận rộn với những suy tính tầm thường ở chốn thâm cung. Nàng ấy không giống như thần thiếp, quanh năm vò võ sau cánh cửa Diêu Tú viện, cả đời chỉ nguyện ước ân sủng đế vương. Chí lớn của Nguyễn sung nghi đặt ở bệ hạ, đặt ở xã tắc Đại Việt. Một người như thế, khiến thần thiếp vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ. Khi nàng ấy bị bệnh nặng phải đến Thiên Trường, thần thiếp cảm thấy vô cùng lo lắng, chỉ lo bệnh tình chuyển hóa, lành ít dữ nhiều. Nhưng thần thiếp chỉ là một kẻ yếu đuối vô năng, ngoài gửi sự thương xót vào khúc nhạc, mong Nguyễn sung nghi tai qua nạn khỏi, trở về đoàn tụ cùng bệ hạ, thực sự không biết phải làm gì hơn."
Mộng uyên ương...
Lê Tuyên Kiều không cầu mộng ình, mà là cầu vì Nguyễn Hoàng Lan?
Tư Thành cảm kích nhìn mỹ nhân hoa ngọc trước mắt, ánh mắt dịu dàng như nước, hồi sau mới lên tiếng:
"Tâm ý của nàng, trẫm thay mặt Nguyễn sung nghi cảm tạ."
Hình như đáy mắt của Lê Tuyên Kiều thoáng đắc ý, nhưng nàng ta trước sau vẫn trưng ra bộ mặt u buồn rất hợp với hoàn cảnh:
"Thần thiếp đâu giúp được gì, chẳng qua chỉ là vài lời cám cảnh yếu ớt thôi mà. Nhưng bệ hạ hãy yên tâm, người tốt như Nguyễn sung nghi, nhất định sẽ được thần linh phù hộ."
Liên đài lại chìm vào yên tĩnh.
Trên trời cao, không ai nhìn thấy một ngôi sao băng vừa lóe sáng.
Dù mới chớm thu, nhưng đêm càng sâu lại càng lạnh. Tư Thành đến bên thành cầu, nhìn xuống dòng nước phẳng lặng như gương. Không ai biết hắn đang nghĩ gì, mà người duy nhất ở bên cạnh hắn lúc này cũng không dám nói nửa lời.
Lê Tuyên Kiều là vậy, lúc nào cũng phải thật chu toàn, lúc nào cũng sợ bản thân mình thất thố trước mặt quân vương.
Sương đêm chăng mắc khắp nơi. Ánh trăng phủ lên hai bóng hình đơn độc. Tuy đứng bên cạnh Tư Thành, nhưng Lê Tuyên Kiều lại có cảm giác xa không với tới.
Mộng ảnh của hắn, thực sự Lê Tuyên Kiều không thể với tới.
Lời Tư Thành xé tan sự tĩnh lặng của màn đêm:
"Đêm thu nhiều sương lạnh. Nàng về Diêu Tú viện nghỉ ngơi trước đi, đừng để bản thân bị nhiễm bệnh."
Lê Tuyên Kiều cũng không dùng dằng nửa câu, chỉ cúi mình chào rồi lại thuần thục rời đi. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, nàng ta vẫn kịp nhận ra ánh mắt đầy thiện cảm và hứng thú của Tư Thành đang dõi theo mình.
Rời khỏi Liên đài, những giọt nước mắt thương xót ban nãy cũng khô tự lúc nào. Nếu nói trong hậu cung này, ai là người có bản lĩnh diễn cảnh khóc xuất thần nhất, có lẽ người đó chính là Lê Tuyên Kiều. Và khóe môi mỹ nhân thì hơi nhếch lên thành nụ cười đầy đắc ý.
Tản bộ ban đêm chưa bao giờ là một thú vui đối với nàng ta.
Chẳng qua...
Liên đài chính là nơi đầu tiên Tư Thành gặp Nguyễn Hoàng Lan.
Tâm tư đế vương, Lê Tuyên Kiều không dám nhận mình tinh thông nhưng cũng có thể đoán ra phần nào. Mong Nguyễn sung nghi trở về ư? Nực cười! Lê Tuyên Kiều cầu mong đối phương vĩnh viễn biến mất còn chưa được. Nhưng để chạm tới trái tim một con người, không gì thuận lợi hơn việc bấu víu vào những thứ mà người đó vốn yêu thích.
Mộng uyên ương... Lê Tuyên Kiều thoáng cười lạnh. Tư Thành cũng có lúc hồ đồ như vậy ư? Có bao giờ nữ nhân vì nữ nhân mà gảy đàn? Trong hậu cung này, một đóa hoa bị bứt khỏi cành, đóa hoa nào sẽ tình nguyện cúi xuống mà ngậm ngùi thương tiếc? Điệu nhạc trữ tình hôm nay vốn dĩ là Lê Tuyên Kiều tự dành cho chính mình. Chẳng qua đứng trước một đế vương đang ngập tràn hoài niệm, Lê Tuyên Kiều nhanh trí thuận nước đẩy thuyền, cùng tỏ lòng thương xót Nguyễn sung nghi để diễn cho trọn màn kịch này mà thôi.
Công sức bỏ ra quả không vô ích. Mấy ngày sau đó, chiều nào Tư Thành cũng đến Diêu Tú viện nghe đàn. Ngón đàn của Lê Tuyên Kiều lại rất biết cách an ủi tâm tư người khác. Nhờ khéo léo đưa đẩy, chẳng bao lâu sau, chủ nhân Diêu Tú viện được sắc phong thành chiêu nghi, còn được đặc biệt ban cho phong hiệu là Tuệ, hàm ý nhu thuận hiền lương, thông tuệ tài đức. Chỗ ở mới của nàng ta là cung Thọ Am. Đồ trân quý ban đến cũng không biết bao nhiêu mà kể. Vinh quang này của Lê Tuyên Kiều, so với khi Phùng Diệm Quỳnh trở thành Huệ phi còn lớn hơn gấp bội.
Ngồi trong cung Thọ Am xa hoa lộng lẫy, Lê Tuyên Kiều khoan khoái uống cạn chén rượu long đình.
Hạ Diệp Dương à Hạ Diệp Dương, cô là chiêu dung, chẳng lẽ ta lại cam chịu làm một tu dung thấp kém ư? Một quân cờ sẽ không bao giờ được đặt ở vị trí cao hơn kẻ chơi cờ đâu. Đạo lý này, rồi từ từ ta sẽ dạy cho cô hiểu.
Giờ phút này, chính vị Nguyễn sung nghi đang thất lạc đó mới là người mà Lê Tuyên Kiều phải cảm tạ nhất.
...
Cũng chính trong ngày Lê Tuyên Kiều được sắc phong thành Tuệ chiêu nghi, Thái Thanh Ngọc cũng theo lệnh mà bí mật xuất cung.
...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui