Có lẽ Nguyễn Đức Trung nói đúng. Đại Việt này, dù là sáu trăm năm trước hay ãi về sau, cũng vẫn là tổ quốc thân yêu của nàng.
Cũng có lẽ Lâm Vũ Linh nói đúng. Trong khắp thiên hạ, vẫn còn có chân tình.
...
Hoàng Lan còn chưa đi được bao xa thì cảm phát hiện có người đuổi theo mình. Nàng chậm rãi xoay người lại, kinh ngạc khi nhìn thấy cô gái rách rưới nọ.
Một lần nữa, nàng ta lại quỳ xuống trước mặt Hoàng Lan. Ráng chiều đỏ thẫm in lên một thân hình tiều tụy, run rẩy.
"Tôi từ phương xa lưu lạc đến kinh thành, tứ cố vô thân, thậm chí đến một nơi để che mưa che nắng cũng không có." Người trước mặt nghẹn ngào: "Nếu không gặp được tiểu thư, có lẽ hôm nay tôi đã làm ma không nhà rồi. Có ơn nguyện báo ơn. Xin tiểu thư thu nhận tôi, cho tôi đi theo hầu hạ người, để tôi được báo đáp tấm ân tình này."
Hoàng Lan rất thương cảm trước bộ dạng khổ sở của đối phương nhưng nàng vốn dĩ không nghĩ đến việc giữa đường thu nhận thêm một cô giúp việc, bèn nhẹ nhàng tìm lời an ủi:
"Tôi đã nói rồi, giúp cô là chuyện lương tâm tôi nên làm." Hoàng Lan đỡ nàng kia dậy: "Lời cảm tạ, tôi xin nhận, còn việc dẫn cô đi theo, xin lỗi, tôi không thể. Cô còn cuộc sống tự do của mình, đừng dại dột dùng nó để trả bất cứ món nợ ân nghĩa nào. Việc cô cần làm bây giờ là quay lại tìm người thân của mình, rồi cùng nhau sống một cuộc sống yên bình. Như vậy tốt hơn..."
Hoàng Lan vừa khuyên giải, vừa mở túi lấy ra ba quan tiền. Người kia há hốc mồm kinh ngạc, trong lúc vô thức đưa tay lên nhận lấy, nhưng rồi chợt cảm thấy xấu hổ, bèn nhất quyết trả lại.
"Tôi không thể nhận thêm ân nghĩa của tiểu thư nữa. Chỉ cầu xin tiểu thư thu nhận tôi."
Hoàng Lan lắc đầu, dứt khoát quay lưng bước đi. Thân mình còn chưa lo nổi, nàng không thể khiến thêm một người phải chịu cảnh chân trời góc bể cùng mình.
Đằng sau càng vang lên tiếng người tha thiết:
"Cầu xin tiểu thư thu nhận nô tì."
Nô tì? Mình còn chưa đồng ý mà!
Giữa đường hiện lên một cảnh tượng kì dị. Một nạn dân trong bộ dạng nhếch nhác đang không ngừng dập đầu và cầu xin một thiếu nữ áo trắng. Không biết mối quan hệ giữa hai người này thế nào, chỉ thấy hành động của người kia vạn phần quyết liệt, như thể nếu đối phương không chịu đáp ứng sở nguyện của nàng ta, nàng ta sẵn sàng dập đầu đến chết.
Hoàng Lan sợ quá, vội chạy đến đỡ nàng ta dậy thì lại bị gạt phăng đi.
"Cầu xin tiểu thư thu nhận nô tì."
Người kia vẫn kiên trì nhắc lại. Trên trán nàng ta, máu đã sắp chảy thành dòng.
Hoàng Lan nhất thời ngây ra như ngỗng, không biết phải xử trí ra sao.
"Cầu xin tiểu thư thu nhận nô tì."
Lời lại vang lên, rõ ràng, khẩn thiết.
Nói đến câu thứ tư, Hoàng Lan thật sự không đành lòng nữa. Nàng ngồi xuống bên cạnh người kia rồi thở dài:
"Nói thật với cô, cô ở kinh thành tứ cố vô thân, tôi cũng không quen biết ai ở nơi này. Cô lưu lạc ngàn dặm đến đây, nhưng ít ra, cô còn có quê hương để trở về, còn tôi, phải đi đến đâu để tìm gia đình mình, tôi cũng không biết. So với cô, tôi thậm chí còn thảm hại hơn rất nhiều. Đi theo một kẻ như tôi sẽ không có tương lai tốt đẹp, cô có biết không?"
Ánh mắt người kia không hề lưỡng lự. Nàng ta cắn răng nói:
"Cực khổ đến mấy nô tì cũng chịu được. Nô tì chỉ mong được ở bên cạnh, sáng chiều chăm sóc cho tiểu thư thôi. Tiểu thư có biết không, ở Đông Kinh này, ngoài tiểu thư ra, không có người thứ hai coi nô tì là một con người..."
Một vài người qua đường không hiểu sự tình, hiếu kỳ vây quanh bọn họ rồi chỉ trỏ không ngớt.
Ở thời đại này, osin trở thành xu hướng nghề nghiệp thời thượng rồi chăng? Hoàng Lan hài hước nghĩ, cuối cùng không biết làm sao, đành miễn cưỡng gật đầu.
Người kia vui sướng đến cuống quýt cả chân tay. Nàng ta hồ hởi chắp tay trước ngực:
"Xin tiểu thư nhận của Lâm Vũ Linh một lạy."
Lâm Vũ Linh. Thì ra người con gái này tên là Lâm Vũ Linh
...
Điện Kính Thiên.
Đám đại thần thấy long nhan nổi giận thì sợ hãi quỳ cả xuống, bụng thầm trách tên tri phủ họ Phạm không biết trời cao đất dày, số tiền tu sửa đê điều có bốn vạn quan tiền mà hắn cũng dám đút túi hơn một nửa.
Một viên quan bức xúc lên tiếng:
"Bẩm bệ hạ, Phạm Nghĩa thân là quan phụ mẫu mà không biết chăm lo cho dân, bỏ mặc dân chúng nheo nhóc lầm than, thừa hoàng ân mà lại lừa trên dối dưới, chỉ nhăm nhe vơ vét cho đầy túi riêng. Một kẻ trên không trung với vua, dưới không tận tụy với dân như thế, cần lập tức lăng trì để an ủi lòng dân, giữ yên phép nước."
Tư Thành chỉ gật đầu rất khẽ, đoạn lại quay sang hỏi một lão thần khác:
"Đinh Liệt, ý khanh thế nào?"
Lân quận công Đinh Liệt là người thâm trầm chu đáo, hết lòng vì xã tắc, lại từng có công đưa Tư Thành lên ngôi nên rất được trọng dụng. Thấy hoàng thượng hỏi đến mình, ông ta hai tay ôm quyền, cung kính nói:
"Bẩm bệ hạ, Phạm Nghĩa tội chết đã rõ, nhưng thần trộm nghĩ giờ chưa phải lúc giết hắn. Số tiền hai vạn quan ấy không hề nhỏ, vậy mà Phạm Nghĩa có thể che giấu đến tận bây giờ, chứng tỏ trong việc này không phải chỉ có mình hắn tham dự. Thanh Hoa cách xa kinh thành, thiết nghĩ việc quan viên địa phương câu kết với nhau hòng che mắt thiên tử cũng không phải là điều không thể xảy ra. Không vội giết Phạm Nghĩa là để điều tra thêm những kẻ có liên quan khác. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, phải nghiêm trị cả bọn mới mong tận diệt một mối họa đục khoét, đồng thời cũng để răn đe cho đời sau."
Đây cũng chính là điều Tư Thành đang nghĩ tới. Có dã tâm không đồng nghĩa với có năng lực. Một tri phủ nhỏ nhoi như Phạm Nghĩa không thể đơn độc mà tham ô số tiền lớn như vậy. Phía sau lưng hắn chắc chắn còn có những kẻ cùng hội cùng thuyền khác.
"Được, vậy trẫm cử Nguyễn Phúc Khanh làm quan khâm sai, ngay lập tức đến Tĩnh Gia để điều tra chuyện Phạm Nghĩa, bằng mọi cách phải tìm ra những kẻ móc nối với hắn, kể cả quan trên biết chuyện mà dung túng cũng tuyệt đối không tha. Đồng thời phối hợp với bộ phận quan viên địa phương còn lại, lo công tác ngăn lũ và cứu tế cho người dân."
Viên quan trẻ tuổi tên Nguyễn Phúc Khanh vâng dạ nhận lệnh.
"Còn vấn đề trị thủy sông Lỗi Giang." Tư Thành tiếp tục: "Các khanh ai có ý kiến gì không?"
Một người tuổi ngoại tứ tuần bước ra. Ông ta là người phụ trách Thái sử viện, cơ quan chuyên trông coi việc thiên văn, lịch pháp và thủy văn trong triều.
"Thừa lệnh bệ hạ, thần đã nghiên cứu kĩ lưỡng các tài liệu về sông Lỗi Giang." Viên thái sử lệnh điềm đạm lên tiếng: "Cũng như những dòng sông khác, Lỗi Giang bắt nguồn từ vùng núi cao phía tây Đại Việt ta, một chặng dài chảy qua địa hình dốc trước khi về đến đồng bằng. Theo lẽ thông thường, chỉ có sông thác vùng núi mới hung hãn, còn khúc sông ở đồng bằng thì phải hiền hòa hơn rất nhiều. Nhưng con sông Lỗi Giang này kì lạ ở chỗ cả thượng nguồn và hạ lưu đều có sức nước rất mạnh, hung hãn quanh năm. Thần cho người đi ngược lên thượng nguồn Lỗi Giang điều tra, mới phát hiện ở đoạn giao nhau giữa thượng và hạ nguồn có một con đê khá bất thường. Con đê này dài đến hơn ba dặm, tuy xây ở nơi hoang vu nhưng lại vô cùng kiên cố và vững chắc, tình cờ lấn chiếm hai bên bờ sông, khiến lòng sông bị thu hẹp lại."
Tư Thành ngay lập tức hiểu ra vấn đề:
"Nói như khanh, là do lòng sông chỗ trọng yếu bị thu hẹp lại, sức nước đang mạnh đột ngột bị kìm hãm, khi vượt qua chỗ đó tức khắc sẽ dữ dội hơn, tràn về như thác lũ, gây hại cho đồng bằng?"
Viên thái sử lệnh đỡ lời:
"Bệ hạ thánh minh. Xác thực là lòng sông càng hẹp thì sức nước càng mạnh, khả năng tàn phá ở hạ lưu cũng lớn hơn rất nhiều."
Hầu hết những người đang có mặt ở điện Kính Thiên đều giật mình thảng thốt. Từ khi nào thượng nguồn Lỗi Giang lại xuất hiện một đoạn đê bao kì lạ như vậy? Nơi ấy không có dân cư sinh sống, vậy đây rốt cuộc đây là đê phòng lũ hay mầm mống tai họa đây?
Còn Tư Thành, hắn lại nghi ngờ thứ gọi là "tình cờ lấn chiếm lòng sông" ấy!
Cân nhắc một lúc, hắn hạ lệnh:
"Đinh Liệt, khanh hãy phối hợp với người của thái sử viện đi khảo sát vùng thượng nguồn Lỗi Giang, một mặt cơi nới đoạn đê ấy, nếu cần phá dỡ thì phải phá dỡ để điều hòa dòng chảy, một mặt điều tra xem đoạn đê ấy có từ khi nào, do ai xây dựng. Việc này không được chậm trễ, các khanh có thể lên đường ngay khi buổi nghị triều này kết thúc."
"Thần tuân lệnh."
Cả Đinh Liệt và viên thái sử lệnh đồng thanh đáp.
Buổi nghị triều hôm ấy kéo dài đến quá giờ tị. Ban đầu các quan còn e dè, sau thấy hoàng thượng ôn hòa gần gũi, chuyên chú lắng nghe ý kiến của quần thần, không hề có thái độ áp đặt hà khắc thì bọn họ từ e dè chuyển sang hứng khởi, lần lượt chẳng ai bảo ai, người nào có chủ ý trong lòng đều thành thật tấu trình hết, từ việc đắp đê ra sao, di tản dân như thế nào, cho đến việc giải quyết tình hình nạn dân ở kinh thành, mở quốc khố giúp họ hồi hương... Mỗi người một ý, kẻ khuyết sót thì đã có người bổ sung, vấn đề thiên tai ở Thanh Hoa gần như đã được giải quyết trên phương diện lý thuyết.