"Nô tì cầm nghệ thô thiển, để bệ hạ, Phong Địch tướng quân và các vị lệnh bà chê cười rồi."
Lúc này, mọi người mới biết người vừa chơi khúc đàn này là tu dung Lê Tuyên Kiều. Trong số các cung phi, Lê Tuyên Kiều chính là người tinh thông cầm nghệ nhất, bảo sao tiếng đàn ấy lại thuần diệu như vậy! Nhưng nhìn kĩ, thứ trang phục mà Lê Tuyên Kiều mặc hôm nay lại giống như trang phục của một nhạc công, hoàn toàn không phải váy gấm tinh xảo thường ngày, kiểu ăn nói cũng có phần quái lạ. Hoàng Lan còn chưa kịp nhìn ra dụng ý của Tư Thành khi sắp đặt màn này thì đã nghe một thanh âm thánh thót vang lên:
"Ai cũng biết cầm nghệ của Lê tu dung mê diệu hơn người, em lại khiêm tốn như thế, khiến kẻ làm chị đây cũng tự thấy hổ thẹn."
Kẻ vừa lên tiếng là Phùng Diệm Quỳnh. Sắc mặt Lê Tuyên Kiều sa sầm xuống. Theo lệnh của Tư Thành, hôm nay nàng ta sẽ cải trang thành một nhạc công bình thường và biểu diễn cầm nghệ trước mặt sứ thần Đại Minh. Một nhạc công bình thường cũng có thể tấu lên ngón đàn vi diệu, ai còn không hiểu dụng ý của Tư Thành là gì. Việc đáng lẽ tốt đẹp, cuối cùng chỉ vì một câu nói của Phùng Diệm Quỳnh mà hỏng bét.
Dĩ nhiên Phùng Diệm Quỳnh không nghĩ được nhiều như thế. Nàng ta không biết lý do Lê Tuyên Kiều cải trang, chỉ thuận miệng nói ra vài câu hòng bóc mẽ đối phương, đẩy Lê Tuyên Kiều vào tình huống mất mặt mà thôi.
Tư Thành ngấm ngầm liếc xéo Phùng Diệm Quỳnh.
Điệu nhạc đã dứt nhưng vẫn ám ảnh không nguôi, Thạch Bưu cứ ngồi ngây ra như ngỗng, đến khi nhận ra dụng ý của đối phương, hắn chợt cười nhạt:
"Cầm nghệ của vị nương nương đây quả nhiên tinh tế thanh nhã, nếu mang đi tranh tài trong dân gian, chắc chắc sẽ không có đối thủ."
Ai cũng biết tiếng đàn vừa rồi của Lê Tuyên Kiều cao siêu đến mức nào. Bản nhạc mà nàng ta chơi lại là loại nhạc hàn lâm trong cung đình. Vậy mà Thạch Bưu lại nhắc đến hai chữ "dân gian". Nói như vậy, trước là mỉa mai việc một phi tần lại phải cải trang thành một nhạc công, sau là mỉa mai văn hóa của Đại Việt tầm thường quê mùa, chỉ đáng biểu diễn trong dân gian, còn cầm ca cung đình của Đại Minh nhà hắn mới xứng đáng với đẳng cấp thượng lưu?
Lê Tuyên Kiều dồn hết tâm tư vào ngày hôm nay, còn tưởng sẽ lập được công lớn, thể hiện được năng lực trước mặt Tư Thành, không ngờ việc tốt bị Phùng Diệm Quỳnh ngang nhiên phá hỏng, lại bị tay sứ thần nông cạn này mỉa mai, sắc mặt nàng ta cứ thế tái nhợt đi, biểu cảm trở nên gượng gạo, trong phút chốc, nàng ta đã quên mất mình là người giỏi kiềm chế như thế nào.
Tư Thành không lên tiếng bênh vực ai, chỉ phất tay ra hiệu cho Lê Tuyên Kiều đi ra ngoài. Nàng ta đứng ngây ra đó, mãi về sau mới ý thức được bản thân đã thất thố, vội vã cúi đầu đi ra.
Tư Thành miễn cưỡng đưa đẩy theo câu chuyện:
"Để tướng quân chê cười rồi. Là mọi người ít có cơ hội ra ngoài học hỏi để nâng cao tài nghệ, hôm nay mạo muội đem ra buổi diễn, thật chẳng khác gì múa rìu qua mắt thợ."
Hoàng Lan lại bứt mạnh một quả nho rồi cho vào mồm nghiền nát. Lần này nàng tưởng tưởng ra gương mặt của Tư Thành, tuy tuấn mĩ thật đấy, nhưng lại muốn ói theo kiểu khác.
Đúng lúc này Phùng Diệm Quỳnh lại lên tiếng:
"Phong Địch tướng quân không chỉ oai dũng trên chiến trường mà trình độ thưởng nghệ cũng uyên thâm tinh tế, thật khiến người khác phải ngưỡng mộ."
Vừa nãy nhìn thấy Lê Tuyên Kiều bị bẽ mặt, Phùng Diệm Quỳnh đang vô cùng hứng khởi. Hơn nữa, từ đầu đến cuối, nàng ta đều cảm thấyTư Thành đối với vị sứ thần trước mặt có ý nhường nhịn, bợ đỡ. Tự ình biết rào đón thánh ý, nàng ta cũng nhanh nhẹn khen đối phương vài câu.
Được mỹ nhân hoa cười ngọc thốt chạy tới bợ đỡ mình, Thạch Bưu càng vênh mặc đắc ý.
"Huệ phi nương nương quá lời rồi." Hắn cười híp mắt.
Vì quá đắc ý, Phùng Diệm Quỳnh không hề nhận ra ánh mắt khác thường của Tư Thành vừa quét về phía mình.
Còn Hoàng Lan, nàng đã ăn hết cả chùm nho từ lúc nào không hay. Nho là thứ trái cây nàng thích nhất, trước nay luôn nhẹ nhàng cẩn thận, nhưng không hiểu sao hôm nay nhìn quả nào quả nấy, nàng cũng chỉ muốn nghiền nát chúng ra.
Xưa nay, sứ thần Trung Quốc sang đây luôn tỏ ra huênh hoang tự mãn, cố ý làm nhục quốc thể Đại Việt. Chúng ta càng nhân nhượng, bọn chúng càng không coi ai ra gì. Đạo lý này, chẳng lẽ Tư Thành hắn không hiểu hay sao?
Rượu thịt hễ vơi lại được dâng lên. Yến tiệc sứ thần tưởng như kéo dài bất tận. Trừ một số người không chịu được "nhiệt" nên mượn cớ ra về sớm, số còn lại vẫn kiên trì ngồi nhìn Thạch Bưu huênh hoang tự đắc.
"Trên đường đến Đại Việt, tại hạ được chứng kiến một việc rất thú vị." Thạch Bưu đang thưởng thức món bách dương phục sơn, làm như chợt nhớ ra điều gì đó, ngẩng đầu lên nói.
"Tướng quân cứ nói."
Thấy Tư Thành hào hứng lắng nghe, Thạch Bưu làm ra vẻ trịnh trọng nói tiếp:
"Chuyện là thế này, lúc đi ngang qua một con kênh, tại hạ nhác thấy có hai đứa trẻ cầm một cái rổ, bên cạnh là hai cái xô con con. Chúng đang thách nhau xem đứa nào dùng cái rổ ấy múc nước vào xô được nhiều hơn. Chúng còn nói thêm là rổ phải còn nguyên lỗ thủng, không được lấy thứ gì khác bọc kín. Hai đứa trẻ tranh giành nhau một hồi mà vẫn không nghĩ ra giải pháp, chúng đâm ra không ai chịu ai, cãi nhau chí chóe ầm ĩ một góc trời."
Dù đang buồn bực, một vài người cũng không nhịn được mà bật cười thành tiếng. Dùng rổ tre múc nước? Đúng là chuyện nực cười nhất trên đời!
"Các vị không tin cũng phải." Thạch Bưu nói tiếp: "Chính tại hạ mắt thấy tai nghe còn không nén nổi buồn cười. Nào ngờ có một tên hầu cận trong sứ đoàn tiến đến gần tại hạ nói vài ba câu, tại hạ mới hiểu trên đời này hóa ra rổ tre vẫn có thể dùng để múc nước, mà không những thế, múc cũng nhanh chẳng kém gì gáo dừa. Bệ hạ thấy có thần kì không?"
Xung quanh lại vang lên những tiếng cười giòn tan. Phạm Ngọc Chân vốn tính tùy tiện nên buột miệng chen vào:
"Không thể nào! Thần thiếp thấy làm có chuyện hoang đường ấy!"
Thạch Bưu không nói nữa, chỉ đủng đỉnh mỉm cười.
Một khi sự tò mò đã nổi lên, con người ta khó mà giả vờ hờ hững được nữa. Đúng như tiên liệu của Thạch Bưu, những tiếng bàn tán nhanh chóng nổi lên. Người ta ghé tai nhau, người ta bàn bạc nhau, nhưng vẫn chưa ai tìm ra được câu trả lời cho câu chuyện kì quặc này.
Một cảm giác bất an hiện ra. Đây tuyệt đối không phải chuyện tầm phào. Nó là bài toán mà sứ thần Đại Minh dành cho Đại Việt. Mà cách thử tài của hắn cũng thật thâm túy. Hắn không mang ra thách đố trước tiền triều, lại dùng nó để làm khó đối phương trong một bữa tiệc ở hậu cung. Thua ở đâu cũng là thua, chỉ cần không có người giải được, chẳng khác nào chứng minh vua tôi Đại Việt còn không bằng một tên thái giám của Đại Minh!
Hoàng Lan chống cằm trầm tư, nghĩ mãi vẫn không ra đáp án. Mà ở phía trên kia, Tư Thành vẫn thản nhiên như có như không, như thể chuyện đau đầu này không hề liên quan đến hắn. Đám phi tần khác thì ghé tai nhau thì thầm, xong rồi lại lắc đầu nguây nguẩy, hiển nhiên những người con gái xưa nay vùi đầu vào cầm kì thi họa đều không rành mấy món đố mẹo này. May mắn thay, cũng không có người nào hồ đồ đến mức chạy đến trước mặt Thạch Bưu hỏi đáp án. Nếu làm thế, tương đương với việc đem tất cả thể diện của Đại Việt mà ném xuống sông xuống bể.
Chừng một khắc sau, đợi ọi người cãi nhau chán chê, Thạch Bưu mới điềm nhiên hắng giọng:
"Chỉ là một câu chuyện ven đường, không ngờ lại khiến cho các vị cao hứng như thế." Rồi hắn quay lên nhìn Tư Thành: "Quốc vương, ngài nghĩ sao?"
Ngài nghĩ sao? Nói cách khác, đáp án của ngài là gì?
Chân mày Tư Thành khẽ chau lại. Chỉ trong khoảnh khắc, sự khó chịu biến mất như chưa từng xuất hiện.
"Tướng quân học rộng hiểu nhiều, đến kẻ hầu của ngài cũng hiểu biết hơn người." Hắn hòa nhã mỉm cười, nói một câu rất không liên quan.
Thấy hoàng thượng có ý lảng tránh câu hỏi của Thạch Bưu, mọi người cũng liền trầm lặng. Không ai để ý đến việc Nguyễn Nhã Liên đang ghé tai Hoàng Lan nói nhỏ gì đấy, rồi một lúc sau, sắc mặt nàng phấn khởi lên hẳn.
Sự đắc ý của Thạch Bưu đã lên tới đỉnh điểm. Hắn không giấu nổi hân hoan, ưỡn thẳng ngực, vọng tưởng về phía xa xa, dường như đã muốn đặt cả tòa điện nguy nga mà rỗng tuếch này dưới tầm mắt.
Đột nhiên, từ trong hàng ghế phi tần, có ai đó lên tiếng:
"Muốn dùng rổ tre múc nước, không phải là không thể."
...