Thiên Mệnh Khả Biến

Trận đấu hôm đó Lê Thanh Bình phải mượn một đôi giày cỡ nhỏ. Những ngón chân của hắn bị ép cho đau điếng. Nhưng khốn nạn thay, hắn vẫn phải chạy rất nhiều, nhảy rất nhiều.

Vì Vương Thành Văn liên tục dồn bóng cho hắn.

Không phải Văn không biết Lê Thanh Bình đang thấy đau đớn thế nào, nhưng anh ta đã dặn nó phải giúp mình toả sáng, nó chỉ làm theo mà thôi.

Đứng trước sự “nhiệt tình” đó, Lê Thanh Bình chỉ có thể nghiến răng nghiến lợi vượt qua đau đớn mà ghi bàn. Chẳng mấy chốc, một mình hắn đã ghi hơn 50 điểm. Toàn bộ khán đài reo hò hô tên hắn. Những ngày gần đây cái tên Lê Thanh Bình đã được nhiều người biết đến hơn, như một hiện tượng.

Nhưng hắn không có tâm trạng đâu mà quan tâm.

Kình Ngư lại chiến thắng. Hết trận, hắn khập khiễng bước về băng ghế, đám đồng đội vội vã xách xô nước đá ra để hắn ngâm chân. Bàn chân hắn đã phồng rộp.

- Ui da ui da!!

- Bị thế này thì làm sao đấu được mấy trận sau?

- Qua phòng y tế nhờ người ta xử lý thôi. Dù có phải cắt mấy chỗ rộp đi cũng được. Làm sao có thể không chơi tiếp được chứ? Mả cha đứa nào ăn trộm giày của tao!!

Phòng thay đồ nam, không gắn camera theo dõi, lại nhiều người ra vào, nên không thể biết ai đã lấy trộm giày của Lê Thanh Bình, và để làm gì.

Nhưng những vụ trộm chưa dừng lại ở đó.

Lần này, là một vị tai to mặt lớn hơn rất nhiều, vào một sáng đẹp trời, đã thấy con dấu chủ khảo của mình không cánh mà bay.


Chính là Đinh Kiến Châu, hay chính xác hơn là Hà Chí Thương.

Hắn gầm lên tức tối. Ngày thường Hà Chí Thương rất hiền lành độ lượng, nhưng khi nhân cách hắn thay đổi, thì không ai dám động vào.

Chuyện chủ khảo Đinh Kiến Châu bị mất đồ, nhanh chóng lan ra toàn bộ các học viện. Ban tổ chức ra sức điều tra, nhưng hình như vụ án không có tiến triển.

3 vụ trộm liên tiếp, không khỏi khiến người ta liên tưởng rằng do cùng một người làm.

Nhưng nạn nhân không có gì liên quan với nhau, vật bị mất cắp cũng không liên hệ, chỉ có một điểm chung duy nhất: là thủ đoạn trộm vô cùng tinh vi, không để lại bất kì dấu vết gì.

Nhiều người phản bác rằng, 3 vụ trộm trên không thể do cùng một người gây ra, ít nhất là vụ Phan Quỳnh Anh và Lê Thanh Bình, vì lý do như sau: Phan Quỳnh Anh mất đồ ở kí túc xã nữ, còn Lê Thanh Bình mất đồ trong phòng thay đồ nam.

Muốn đột nhập kí túc xá nữ, chỉ có thể là nữ. Muốn vào phòng thay đồ nam, chỉ có thể là nam.

Và kính với giày chỉ là hai món đồ không đáng kể, còn ấn chủ khảo lại quan trọng hơn nhiều. Tại sao phải tốn công sức để trộm hai món đồ kia? Chỉ là để luyện tập hành vi trộm thôi sao? Lời giải thích này cũng không hợp lý. 3 địa điểm gây án hoàn toàn khác nhau, không thể nào coi là nơi luyện tập thủ pháp. Và vì sao lại là 3 người trên? Tại sao không phải là bất cứ ai khác?

Theo ý kiến đa số, trộm kính của Phan Quỳnh Anh là thủ đoạn triệt hạ Hải Dương của 2 học viện lớn. Trộm giày của Lê Thanh Bình có thể là trò chơi khăm. Còn trộm ấn chủ khảo của thầy Đinh Kiến Châu là một vụ án nghiêm trọng cần phải điều tra.

Vì vậy, từ giờ cho tới lúc tìm ra cái ấn, thầy Đinh Kiến Châu chịu khó dùng tay để kí kết toàn bộ các văn bản, các đề thi, các loại bì niêm phong. Tính ra cũng tới mấy chục ngàn chữ kí một ngày.

Hà Chí Thương nghe thấy vậy, gào lên một tiếng. Hắn rất muốn lôi Vương Vũ Hoành tới đây làm chủ khảo một ngày cho biết. Khổ vãi lúa chứ sung sướng gì đâu. - Văn!

- … A!

- Sao gọi nãy giờ bạn mới trả lời thế?!

- À, mình đang nghĩ một chuyện. Mà bạn hỏi chuyện gì?

- Lần 3 bạn thi được 18 điểm đó, sao bạn càng thi điểm càng cao vậy?

- Cũng bằng điểm bạn còn gì? - Đợt thi thứ 3, nhân 3 số điểm, nên 18 điểm, thực ra là 6/10. Văn lần đầu thi được 2, lần sau là 4, lần này là 6. Không hiểu vì sao, đề càng khó, điểm của nó càng tăng.

- Bằng điểm mình đó! Bạn nghĩ bằng điểm mình dễ vậy à? Mà thôi, bỏ đi. Cũng không phải lần đầu. Công sức dạy dỗ của mình có kết quả, mình vui lắm chứ. Mình chỉ bực vì bạn có vẻ chả quan tâm gì.

- Có quan tâm chứ. Nhưng điểm cũng đã biết rồi, đâu nhất thiết phải nói mãi về nó? Có những chuyện đáng để suy nghĩ hơn nhiều.

- Chuyện gì?

- 3 vụ trộm vừa qua.


- Bạn phát hiện ra điều gì à?

- Không nhiều lắm.

- Nói thử xem.

- 3 vụ ấy, phần nhiều là do một người gây ra.

- Vì sao?

- Thứ nhất là về thủ pháp. Rất kín đáo, cẩn thận. Mình chưa biết rõ hiện trường vụ thứ 3, nhưng hiện trường 2 vụ đầu, đều là nơi có nhiều người qua lại. Ở kí túc, có đông học sinh, Hải Dương lại là ngôi trường quá lớn, chắc chắn các học sinh không thể biết hết mặt nhau. Có một người lạ bước vào kí túc cũng không khiến ai nghi ngờ. Vụ thứ 2, phòng thay đồ nam cũng là như vậy.

- Nhưng còn giới tính?

- Tạm thời không nói tới giới tính. Vấn đề thứ 2, là vật bị mất trộm. Kính, giày, và ấn. Bạn thấy có điểm gì chung?

- Không thấy. Chả liên quan gì tới nhau.

- Đó là bạn chưa thử đứng trên điểm nhìn của kẻ trộm. Đối với hắn, kính, giày và ấn, đều là một thứ “công cụ”! Chị Quỳnh Anh phải có kính mới có thể đi thi, anh Bình phải có giày mới có thể thi đấu, thầy Châu phải có ấn để làm việc. Đó đều là những công cụ không thể thiếu.

- Ừm.

- Thứ 3, là nạn nhân bị mất trộm. Bạn nghĩ thử xem, Phan Quỳnh Anh, Lê Thanh Bình, Đinh Kiến Châu, có điểm gì chung?

- Chả có điểm gì chung cả.

- Không đâu. Tên của họ. Anh, Bình, Châu. A, B, C! Đây là một loại gây án hàng loạt dựa theo bảng chữ cái!


- Ồ!! Có loại gây án kiểu này nữa hả? Ai mà rảnh như vậy?

- Gây án theo bảng chữ cái, hay gây án theo một loại danh sách nào, có thể có nhiều nguyên nhân. Hoặc là trả thù, hoặc là để thoả mãn nhu cầu tâm lý, hoặc là để lại lời thách thức cho những người phá án. Có một vụ án mà anh Quang từng kể cho mình, thủ phạm muốn trả thù chỉ một người trong bảng danh sách ấy thôi, nhưng hắn ta giết lần lượt từng người một để đánh lạc hướng điều tra. Nó giống như một loại “nghi thức”.

- Nghi thức gì mà man rợ vậy?

- Nên mới nói, những kẻ như vậy đều bị ám ảnh về mặt Tâm lý. Nếu không bày ra “nghi thức” ấy, họ sẽ không thể nào thoả mãn được.

- Ừm, mình hiểu.

Linh đã bắt đầu học môn Tâm lý. Những phân tích này, cô bé có thể hiểu được phần nào. Vô thức của con người, chi phối tới 90% hành động. Mà vô thức nếu bị tổn thương vì nguyên nhân gì đó, thì người ta sẽ gặp chướng ngại về mặt tâm lý mà chính họ cũng không nhận ra.

Một người từng bị ngã, có thể sẽ trở nên sợ độ cao. Một người từng bị bỏ rơi, có thể sẽ trở nên ích kỉ và thích kiểm soát người khác.

- Nhưng vụ trộm lần này, tính chất không có gì quá nghiêm trọng, vậy có phải là một loại “nghi thức” không? - Linh lại hỏi.

- Mình không biết. Cũng chỉ là một khả năng. Mình chưa thể biết chắc đó có thật sự là động cơ của thủ phạm hay không. Nếu nạn nhân tiếp theo có tên ở hàng D, vậy thì suy đoán này sẽ được kiểm chứng thêm nữa.

Nạn nhân tiếp theo, không phải người lạ, chính là chuyền 2 của đội bóng chuyền, Phan Văn Dũng.

==============

Đợt này bận tối tăm mặt mũi, nên tác sẽ chỉ up 1 ngày 1 chương. Đợi qua cơn sóng gió này chúng ta lại quay trở về lịch trình như cũ. Mong mọi người tiếp tục ủng hộ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận