Thiên Mệnh Khả Biến

- Ra vậy. Giá cả của sản phẩm là do điều tiết của thị trường.

- Đúng vậy. Thị trường là gì? Là tập hợp của rất nhiều người bán và người mua. Chỉ cần nơi nào có người bán lẫn người mua, đều sẽ là thị trường. Có người có nhu cầu mua hàng, có người có nhu cầu bán hàng, và sự cân bằng giữa nhu cầu của hai bên chính là giá cả. Bây giờ lại nói, cái gọi là giá cả, so với cái gọi là giá trị, khác nhau thế nào.

Quang lại vẽ ra một loạt biểu đồ. Sau đó, hắn vẽ ra một cái hộp méo mó. Rõ ràng tên này không giỏi Hội hoạ.

- Giả sử đây là một cái hộp, là sản phẩm do chú làm ra. Phần này là nguyên liệu đầu vào. Đáng giá 20 hào. Phần này là công sức lao động của chú. Đáng giá 10 hào. Vậy giá trị của cái hộp đáng giá tổng cộng 30 hào. Nhưng chú lại bán được cái hộp với giá 70 hào, vì sao vậy?

- Ừm, để em nghĩ... Là vì nhu cầu của những người mua rất cao.

- Chính xác. Đỡ phải giải thích dài dòng. Là vì dù chú có bán cái hộp với giá cao hơn giá trị thực của nó tới 40 hào, tức là hơn gấp đôi, vẫn có người sẵn sàng mua nó. Liên hệ với thực tế sự kiện lần này, em có thấy, một cây xúc xích bán với giá 50 xu chứ? Nhưng vẫn sẽ có người mua, vì sao vậy?

- Vì tất cả các cửa hàng đều bán với giá 50 xu, hoặc cao hơn. Người mua không có lựa chọn nào tốt hơn.

- Ok. Nắm vấn đề nhanh đấy. Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu xuất hiện một cửa hàng bán xúc xích với giá 20 hào, liệu cửa hàng đó có thu hút hết khách hàng và nhận lãi siêu khủng không?

- Ý anh chính là nhà hàng bình ổn giá này?

- Đúng vậy. Nghĩ thử xem, nhà hàng có được nhiều lợi nhuận không?

- Không. Vì số lượng cung cấp hàng có hạn.

- Chính xác! Số lượng khách hàng quá lớn, mà số lượng mặt hàng cung cấp có hạn. Bởi vậy, dù chú có bán phá giá, cũng không ảnh hưởng gì tới giá cả thị trường. Vì có 1000 người cần mua hàng, mà chú chỉ bán được 100 cây xúc xích, vậy 900 người còn lại sẽ phải mua ở nơi khác, với giá như cũ. Vậy thử tính nhanh 1 phép tính nhé. Chú bán được 50 cây xúc xích với giá 50 xu, lãi 35 xu 1 cây, so với bán xúc xích được 100 cây, nhưng chỉ lãi 5 xu 1 cây, vậy trường hợp nào lãi hơn?

- Bán với giá 50 xu lãi hơn.

- Đúng vậy. Lãi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tính như vậy thì không khoa học lắm. Cũng không ai bắt ta phải bán xúc xích với giá 20 xu. Giờ ta lập 1 phương trình. Giả sử giá bán của chú là x, nhỏ hơn 50. Và giả sử với giá x, chú bán hết 100 cái xúc xích. Giá nguyên liệu cứ coi là 15 xu, bỏ qua công chế biến. Vậy lãi suất khi bán 1 cây xúc xích sẽ là x – 15. Còn lãi suất khi bán với giá 50 xu là 35 xu. Vậy ta có (x – 15)100 = 3550. Vậy x = 32,5. Thấy chưa? 1 cây xúc xích có giá bình thường là 20 xu, nhưng chú vẫn phải bán lên 32,5 xu mới tối đa được lãi suất. Chưa kể, đây chỉ là giả thiết. Khi bán với 50 xu mà vẫn hết được 100 cây, thì chẳng ai dại gì mà bán với giá thấp hơn 50 xu cả. Đây chính là nguyên tắc trong kinh tế học: tối đa hoá lợi nhuận!

- Ừm. Ra vậy.

- Vậy nên, giá cả chưa chắc đã bằng giá trị. Nó tuỳ thuộc vào sự cân bằng của thị trường. Nếu sức bán cao hơn sức mua, vậy thì giá cả sẽ thấp hơn giá trị. Tức là người bán chịu lỗ. Nếu sức mua cao hơn sức bán, vậy thì giá cả sẽ cao hơn giá trị, tức là người bán ăn lãi rất nhiều. Tuy nhiên, trong các trường hợp bán hàng dài lâu, người ta luôn có xu hướng bán giá cả bằng đúng giá trị, bất kể trường hợp nào.

- Tại sao thế ạ?

- Đó chính là nguyên tắc khi xây dựng thương hiệu. Không bán thấp giá, cũng không bán cao giá. Ví dụ trong các ngày lễ tết, các quán ăn vỉa hè đều sẽ tăng giá, nhưng các nhà hàng lớn sẽ không, thậm chí còn giảm giá. Bởi vì bọn họ có đội ngũ nhân viên dồi dào có thể làm tăng ca ngay trong ngày lễ, chứ không như các nhà hàng nhỏ. Cứ tưởng tượng, qua mỗi kì lễ tết như vậy, người ta đều sẽ kéo vào nhà hàng lớn để ăn, vì đó là nơi duy nhất không tăng giá. Dần dần, thương hiệu đó sẽ được ghi nhớ. Việc bán đúng giá trị còn để tạo nên uy tín cho thương hiệu.

- Nhưng chúng ta không kinh doanh dài hạn.

- Đúng vậy, vì chúng ta không kinh doanh dài hạn, nên anh mới nói cái nhà hàng này chả có ý nghĩa mẹ gì. Bây giờ mới nói đến khái niệm “bình ổn giá” thực sự. Chú có biết, chỉ ai mới có thể bình ổn giá được không?

- Anh đố vu vơ thế sao em biết?

- Nhìn lại những cái anh vừa vẽ xem.

- Anh vẽ loằng ngoằng chết được. Nhưng để em xem nào. Ừm, là... các thương hiệu lớn!

- Đúng thế. Những ông lớn luôn nắm thị trường trong tay. Vì họ có thị phần lớn nhất. Giả sử thị trường có 1000 người mua, mà 900 người đều mua ở thương hiệu A, vậy thì khi A tăng hoặc giảm giá, toàn bộ thị trường sẽ chao đảo theo!

- Ra vậy!

- Chưa kể, các ông lớn luôn có những nguồn hàng số lượng lớn và ổn định, giúp giảm giá thành đi rất rất nhiều. Đây là một lợi thế thực sự, chứ không phải như Trần tiểu thư bỏ tiền ra để bù lỗ đâu. Trần tiểu thư thừa tiền thì muốn làm gì cũng được, nhưng chú mày thì không nên chơi kiểu đó.

- Nhưng em không muốn tăng giá. Làm vậy là không đúng với ý của Linh...

- Vậy mới nói, chú mày không cần phải tăng giá. Cái chú mày cần làm, vừa để nhà hàng này đúng mục đích ban đầu của nó, vừa giúp chú mày kiếm lợi nhuận, chính là...

- Trở thành ông lớn?

- Chính xác!

- Bằng cách nào?

- Nghĩ thử xem?

- Thâu tóm thị trường?

- Ừ chính xác rồi đấy!... Mà đợi đã. Anh tưởng chú mày không màng tới tiền bạc chứ nhỉ?

- Không có! Mẹ em chỉ nói không được tham tiền không do sức mình làm ra. Còn tiền bạc do lao động mà có, thì luôn chính đáng. Trên đời này chỉ có ngu mới đi chê tiền!

- Khặc khặc khặc! Nói quá đúng. Có ngu mới đi chê tiền.

- Buôn bán kinh doanh, cũng là một loại lao động.

- Chính xác chính xác! Chính là lao động.

- Mà lao động là vinh quang.

- Chuẩn mẹ nó rồi! Vậy chú biết phải “lao động” thế nào rồi chứ?

- Em biết rồi!

Không nói nhiều lời, Văn đứng phắt dậy, bước ra ngoài cửa hàng. Nó hô một tiếng rõ to.

- Tất cả các anh!

Đám tuyển thủ của Kình Ngư đang ngồi ăn mừng chiến thắng, chợt giật mình. Không ít người đều đang là nhân viên không chính thức của nhà hàng này. Nghe quản lý gọi như vậy, hẳn là có chuyện lớn.

- Các anh gọi thêm anh Lý Thanh Long, thêm chị Cầm Dạ Nguyệt nữa thì càng tốt! Bất cứ ai thuộc Kình Ngư cũng được. Cứ nói là Trần Phương Linh cần giúp sức!

Rồi nó quay sang Lê Thanh Bình.

- Cả anh Bình nữa, anh giúp sức cùng được không?

- Hả?! Có chuyện gì?

- Đúng thế, quản lý, có chuyện gì thế?

- Đi thâu tóm thị trường.

Thật lòng, Văn cũng không biết điều này có đúng ý muốn của Linh hay không. Nhưng chẳng phải cô bạn muốn hàng hoá được bình ổn giá cả, để giúp đỡ mọi người đó sao? Vậy thì, nó sẵn sàng không từ thủ đoạn để giúp đỡ.

Là ai chứ riêng Trần Phương Linh thì nó phải giúp thật nhiệt tình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui