“Dùng dằng một lúc, nửa thời thần sắp hết, con mới bảo: ‘Lão sư thái, cứ cho tại hạ mượn bảo kiếm để thử một phen xem sao.’ Lão ni cô chỉ coi con là trẻ con nên không thèm để mắt.
Con lại sang thương nghị với hai lão ăn mày, bọn họ không tín nhiệm con nhưng cũng không còn cách nào, cuối cùng cũng phải đồng ý.
Ba người cùng xông lên vây Tâm Hải, hai lão đồng thanh nói: ‘Lão sư thái không chịu giao kiếm, sao còn chưa xông lên cứu đồ nhi?’ Rồi vung tay chộp tới.
Lão ni cô phòng thủ nghiêm cẩn, lách tránh sang bên.
Bà ta không ngờ mấy lão ăn mày giở mánh, hai lão đột nhiên xuất thủ giữ chặt tay bà ta, con bèn thi triển Giải hoàn cầm nã thủ mà cha dạy đoạt lấy bảo kiếm.”
“Tâm Hải lão ni đại nộ, quát: ‘Nguyên lai, các người cùng một giuộc với tên khốn này.’ Con bảo: ‘Sư thái, tại hạ đi đổi đồ nhi cho bà, bà yên tâm, cả kiếm lẫn đồ nhi đều còn nguyên.’ Rồi ôm Tuyệt Hàn Kiếm theo lên con dốc trèo lên bình đài rồi nói: ‘Ta mang kiếm lên đây.’ Tưởng Thanh Ưng thấy con thì cao hứng hết cỡ bảo: ‘Cuối cùng lão ni cô cũng tỉnh ngộ rồi hả? Đưa kiếm đây.’ Con đáp: ‘Ngươi thả tiểu ni cô trước, bằng không ta ôm kiếm nhảy xuống sơn cốc thì không ai có được thanh kiếm này nữa.’ Tưởng Thanh Ưng còn ngần ngừ thì lão ni cô ở dưới núi kêu vang: ‘Tiểu tử, ngươi mà dám nhảy xuống, ta sẽ không tha cho ngươi.’ Con cười: ‘Ta mà nhảy xuống thì nát như tương rồi, còn sợ gì lão ni cô ngươi?’ Tưởng Thanh Ưng ngưng thị nhìn thanh kiếm một hồi, thấy dáng vẻ khẩn trương của lão ni cô thì biết là kiếm thật, mới nói: ‘Được rồi! Tiểu tử, ngươi đừng có mà giở trò.’ Con nói: ‘Ngươi dùng một tiểu ni cô không có kiếm đổi lấy một tiểu khất cái có kiếm, không phải đã chiếm tiện nghi rồi sao?’ Y nghĩ nghĩ cũng phải bèn đẩy tay một cái, thả tiểu ni cô ra.”
“Đúng lúc đó, con tuốt kiếm ra, chém vào ưng chủy câu của Tưởng Thanh Ưng.
Con định chặt gãy cây câu nhưng nội lực không đủ, chỉ làm gãy một đốt ở mỏ ưng.
Tưởng Thanh Ưng đại nộ, mắng rầm rĩ: ‘Tiểu tử gian trá.’ Rồi giơ câu lao đến.
Thanh kiếm của lão ni cô quả thật sắc bén, kiếm pháp của con chưa thành mà vẫn đánh với Kiêu được hơn mười chiêu.
Ngoẹo đầu sang nhìn, tiểu ni cô vẫn đang đứng trên vách núi, con định hỏi xem Tưởng Thanh Ưng có điểm huyệt tiểu ni cô không nên quát: ‘Tiểu ni cô sao còn chưa đi?”
“Nguyên lai sau khi Từ Huệ được thả ra, định xuống núi thì sư phụ cô ta lại quát: ‘Từ Huệ, sư phụ dạy con hiệp nghĩa thì phải thế nào? Người ta mạo hiểm cứu con, con định cứ thế đào tẩu sao?’ Từ Huệ lập tức ngừng chân ngay.
Tam Thoái Cẩu và Nhất Lý Mã đều nhận ra nếu Từ Huệ chạy trước tất con sẽ có biện pháp đấu với Kiêu nên kêu to: ‘Tiểu sư phụ, xuống trước đi rồi nói, đừng gây khó khăn cho tiểu huynh đệ đối địch.’ Không biết lão ni cô nghĩ gì, cơ hồ quyết dồn Từ Huệ vào tử địa, lại lớn tiếng hạ lệnh không cho tiểu ni cô xuống.
Nhất ni lưỡng cái đứng dưới núi cao giọng hô hoán, một đằng giục tiểu ni cô mau xuống núi, một đằng không cho.
Tiểu ni cô không biết phải làm sao, vừa sợ sư phụ trách phạt, lại sợ ảnh hưởng đến con, cứ quay đi quay lại, đột nhiên Chu lão trượng hét: ‘Cẩn thận.’ Thì ra tiểu ni cô trượt chân, suýt tí nữa ngã xuống dưới núi.
Con hơi hoảng, vội đưa tay chộp lấy tay tiểu ni cô, lòng nóng như lửa đốt, quát: ‘Xuống núi mau! Tiểu ni cô không xuống thì hai chúng ta đều bị văng xuống sơn cốc mất thôi.”
“Tiểu ni cô kinh sợ, vội vàng hạ sơn.
Con phân tâm vì chuyện đó, Kiêu vung câu tấn công tới, chém vào vai phải con rồi lại chém vào đầu.
Con lăn tròn tránh thoát, lăn đến sát mép núi.
Những người đứng dưới núi đều kêu lên kinh hãi.”
“May mà ưng chủy câu của Kiêu đã bị con chém mẻ một chỗ, chém trúng đầu vai con tuy đau nhưng không đáng ngại.
Con lật người đứng lên, quát: ‘Ta vứt kiếm xuống sơn cốc đây!’ Lúc đó Kiêu đã điên tiết với con lắm rồi, không lý gì đến lời uy hiếp, mắng luôn: ‘Ta giết tên tiểu tử ngươi trước.’ Xem ra y một lòng muốn giết con, không cần kiếm nữa.”
“Dẫu sao con cũng không quên khinh công mẹ đã dạy, dựa vào bảo kiếm mà đấu thẳng thừng hơn mười chiêu với Kiêu.
Những người đứng dưới núi thấy con gặp nguy nhưng lối lên quá hẹp, không thể lên tương trợ.
Lúc đó tiểu ni cô cũng bò xuống đến nơi, con thấy dốc đá trống trơn bèn nhảy lên, vừa múa kiếm vừa thoái lui.
Khinh công của Kiêu cực cao, nhảy vượt qua đầu con rồi quay người chắn lối, thành ra con lại bị khốn trên dốc đá.
Y khua câu tấn công, con bị bức lui liền mấy bước, nháy mắt đã quay lại bình đài.”
“Con thấy tình thế bất lợi, nếu thất thủ tất bị y chém chết, rồi quẳng xuống dốc đá, trong lòng nghĩ bây giờ chỉ còn cách đánh liều một phen, quăng mạnh bao kiếm vào y.
Y cúi đầu tránh, con thừa cơ giắt bảo kiếm vào dây lưng đeo phía sau eo, xòe hai tay ra nói: ‘Kiếm đã bị quăng xuống sơn cốc rồi, chẳng ai có được.’ Kiêu không nhìn rõ vì sao kiếm trên tay con lại biến mất liền kinh hoảng, vội vàng nhìn xuống phía dưới núi.
Lão ni cô phối hợp rất tốt, gào đến lạc giọng: ‘Tiểu tử, ngươi làm mất bảo kiếm của ta, ta lấy mạng ngươi.”
“Kiêu tin là thật, cúi đầu nhìn xuống sơn cốc.
Con nhân lúc y cúi đầu, vội nhảy lên một bước, rút bảo kiếm ở eo ra chém tới, lần này thì con không thất thủ, một nhát kiếm đã đánh văng ưng chủy câu văng xuống sơn cốc như vỏ kiếm.
Y thấy trong tay con lại có kiếm thì đại nộ, quên mất lưỡi kiếm vô cùng sắc bén định dùng tay không đoạt lấy.
Con chém loạn xạ, song thủ y tức thì nhuộm đầy máu tươi, không biết bị hớt đứt mấy đầu ngón tay.
Con giương kiếm ra, y chỉ biết thoái lui, lùi đến tận đỉnh dốc đá.
Người này cũng can đảm, biết mình không địch nổi lão ni cô và nhị cái bèn tung mình nhảy xuống sơn cốc, rớt trúng một ngọn cây, men theo sơn cốc bò xuống, chớp mắt đã lẫn khuất vào cây cối.”
“Con cầm bảo kiếm đi xuống dốc, thấy sắc mặt lão ni cô thoạt xanh thoạt trắng, không biết nên cảm tạ hay nên giết chết con, con đưa kiếm cho hai lão khất cái.
Tam Thoái Cẩu bưng kiếm nói với lão ni cô: ‘Tâm Hải sư thái, Tiểu Tam huynh đệ mạo hiểm đoạt lại trường kiếm, mong lão sư thái nể mặt hai lão ăn mày này mà bỏ qua tội đoạt kiếm.
Còn chuyện của Chu lão trượng, cũng mong sư thái rón tay.”
“Lão ni cô hừ một tiếng, nhận lấy trường kiếm rồi quay đi.
Đám đệ tử đi theo, Từ Huệ cũng vậy.
Từ lúc Từ Huệ xuống, Chu lão trượng chăm chú nhìn con gái, mấy phen toan bắt chuyện nhưng Từ Huệ đều tránh đi.
Giờ mắt thấy con gái sắp đi, dòng lệ già nua của Chu lão trượng lại nhỏ.”
“Nhất Lý Mã thốt: ‘Từ Huệ tiểu sư phụ, xin hãy dừng lại một chút.’ Từ Huệ ngần ngừ, cuối cùng cũng quay đầu lại.
Lão ni cô lắc đầu nói: ‘Từ Huệ, trần duyên của con còn chưa dứt, uổng phí sư phụ đã dạy dỗ.
Con muốn gặp người đó, để y quấy rối thì cứ đi đi.’ Con mắng thầm lão ni cô này còn giả bộ khảng khái, nói như thế thì tiểu ni cô dám đi sao? Bèn lên tiếng: ‘Từ Huệ tiểu sư phụ, Phật dạy rằng có bốn loại ơn phải báo, là những loại ơn nào vậy?’ Từ Huệ đáp: ‘Là ơn của Phật, của đất nước, của cha mẹ, của chúng sinh.’ Con bảo: ‘Đúng rồi, ơn cha mẹ tiểu sư phụ còn chưa báo thì nói gì đến chuyện trốn vào không môn, tu hành thành Phật?”
Lăng Song Phi hỏi với vẻ kỳ quái: “Tiểu Tam, từ lúc nào mà đệ học được Phật pháp đạo lý vậy?”
Lăng Hạo Thiên mỉm cười đáp: “Năm đệ và chín vị lão gia gia xuống núi, Ngọc Y lão hoà thượng từng trao đổi Phật lý với đệ, đệ nhớ được bấy nhiêu.
Lúc đó nói bừa nhằm khiến cho tiểu ni cô cảm động.
Cuối cùng Từ Huệ cũng quay đầu lại, đi đến trước mặt cha.
Chu lão trượng nhìn con mà nước mắt tuông rơi lã chã, hồi lâu mới lên tiếng: ‘Khuê nhi, con đã lớn chừng này rồi.
Con lớn lên rất giống mẹ.’ Từ Huệ cũng khóc, cất tiếng gọi cha.
Đệ và hai lão ăn mày thấy sự tình viên mãn bèn từ biệt cha con họ.
Trước lúc lên đường, đệ không nén được nói với Từ Huệ: ‘Sư phụ cô vì một cây kiếm mà không lý gì đến tính mạng cô.
Cha cô lại không cần tính mệnh để cứu mạng cô.
Tự cô cứ suy nghĩ đi!’ Xong rồi mới cùng hai lão ăn mày xuống núi.”
Y kể đến đây, mọi người thấy kết thúc có hậu mới thở phào nhẹ nhõm.
Trịnh Bảo An vỗ ngực nói: “Ông trời phù hộ, cha con họ cuối cùng cũng được đoàn viên.”
Lăng Mãn Giang đột nhiên lên tiếng: “Tiểu Tam nhi, ta thấy cháu đúng là đồ bỏ đi.”
Lăng Hạo Thiên ngẩn ngơ, hỏi: “Sao gia gia lại bảo cháu là đồ bỏ đi?”
Lăng Mãn Giang cứ mãi lắc đầu: “Lúc ở tuổi cháu, mẹ cháu đã nhận thức đâu ra đấy, thân là lãnh tụ một tộc, võ công cao cường, cha cháu cũng tinh thâm y đạo, cứu được vô số người, kiếm pháp tinh kỳ, chấn kinh khắp giang hồ.
Còn cháu chỉ dựa vào một chút khôn vặt mà đấu với địch nhân, chỉ đánh ngang với cái tên dớ dẩn Kiêu, đúng là uổng phí tuyệt học gia truyền của cha mẹ.” Lăng Hạo Thiên nghe mắng mà nghẹn họng.
Lăng Mãn Giang lại bảo: “Ta thấy cháu có tí đỉnh gan dạ, trí kế chứ võ công thì thật quá tồi.
Cháu mà không chăm chỉ luyện công, sau này lớn lên người ta không còn coi khinh cháu là hài tử thì cháu hết đất dụng võ rồi.”
Lăng Hạo Thiên biết gia gia nói không sai, đành phải thừa nhận, ngẫm nghĩ một lúc mới nói: “Từ rày về sau cháu chăm chỉ luyện công là được rồi.”
Lăng Mãn Giang nói: “Cháu nói với ta thì có tác dụng gì? Cháu mà chịu theo mẹ chuyên tâm học khinh công chưởng pháp trong năm năm, học y thuật kiếm thuật của cha trong năm năm thì còn hơn hai vị ca ca.
Nhưng ta thấy cháu bộp chộp, tuyệt đối không học đủ năm năm đã bỏ cuộc rồi.”
Lăng Hạo Thiên bị ông khích động, ra vẻ: “Học thì học, năm năm thì năm năm, ai bảo là con không thực hiện được?”
Yến Long không tưởng nổi bố chồng mình lại còn có cả bản lĩnh ép Tiểu Tam nhi phải ngoan ngoãn chịu học võ công và y thuật, muốn ràng buộc chắc chắn nên nhìn nhi tử nói: “Một lời đã nói.”
Lăng Hạo Thiên đáp: “Bốn ngựa khó theo.”
Y vừa nói xong, vợ chồng Lăng Tiêu đều hé cười, không ngờ đứa con út bất kham này bị gia gia khích tướng lại chịu phép, đỡ cho cha mẹ vô số lần phải đau đầu phiền não.
Lăng Hạo Thiên mới mười lăm tuổi, từ đó về sau chuyên tâm theo mẫu thân luyện võ, võ công bắt đầu tiến bộ thần tốc.
Tư chất của y vốn cực cao, chỉ không chịu khó luyện đi luyện lại một chiêu thành ra học chiêu thức rất nhanh nhưng không luyện đến mức tinh thâm được.
Nay được mẫu thân đốc thúc nghiêm khắc, rũ bỏ nết khôn vặt, láu cá đi mà cần cù khổ luyện, rốt cuộc cũng luyện thành công phu chân thực.
Y ban ngày luyện võ, đêm về lại theo cha đọc sách thuốc.
Y thông minh đĩnh ngộ, trí nhớ tốt lại thêm cái tính hiếu kỳ, việc gì cũng muốn biết đến đầu đến đũa, kể cả những vấn đề ly kỳ cổ quái, nhiều lúc Lăng Tiêu cũng không giải đáp được.
Y tinh lực tràn trề, ngày tập võ, tối đọc sách mà vẫn khiến cả phụ mẫu đều phải nhức óc, những lúc nhàn rỗi y quấn lấy hai vị ca ca mà gây chuyện, hoặc kéo Trịnh Bảo An chạy lung tung khắp núi, gây ra lắm trò tinh nghịch.
Lăng Mãn Giang ở lại Hổ Sơn nửa tháng, không chịu được cảnh nhàn rỗi tĩnh mỵch lại hạ sơn vân du.
Mấy ngày sau, Lăng Tỷ Dực trở về, nghe nói lỡ mất cơ hội gặp gia gia thì tiếc đứt ruột.
Y kể với cha mẹ là đã hộ tống Triệu Quan bình an đến được Nhạn Đãng Sơn, rồi đến dự thọ yến ở Viêm Thử sơn trang cùng chuyện gặp Tùng Hạc Lão và Khang Tranh.
Lăng Hạo Thiên nghe mà sôi sục, chỉ hận mình không thể hạ sơn chơi bời một phen cho đã.
Y nghe kể Triệu Quan từng lên núi, vừa hay lúc mình hạ sơn nên không gặp được, lấy làm tiếc rẻ, thầm nhủ: “Thằng lỏi Triệu Quan này là một tên rất được, không biết bao giờ mới có dịp cùng uống rượu với nó?”
Lại qua hơn một tháng, một môn nhân Bách Hoa môn tới Hổ Khiếu sơn trang trao một phong thư mật báo tin môn chủ đời thứ ba Bách Hoa môn đã tiếp nhận chức vị, nay báo tin cho phu phụ Y Hiệp..
v.
v…Người ký tên chính thị Triệu Quan.
--- Xem tiếp hồi 50 ----