Thiên Sơn Mộ Tuyết

Lên lớp mười một, tôi mới chuyển vào trường Trung học trực thuộc, đáng
lẽ trường Trung học trực thuộc không nhận học sinh chuyển trường, nhất
là học sinh trái tuyến, nhưng nhờ có cậu chạy đôn chạy đáo, cạy cục khắp nơi mới đưa được tôi vào trường. Tự tôi cũng biết bản thân mình phải cố gắng. Hôm phỏng vấn, thầy giáo phụ trách đưa tôi một tập đề thi, tôi
chưa làm xong đề toán, thầy đã thu lại toàn bộ đề lý, hóa rồi nói:

- Được rồi, không phải làm nữa, chiều lên lớp.

Tôi là đứa trẻ ham học, trừ chuyên tâm học hành ra, tôi chẳng còn sở thích nào khác.

Sau khi bố mẹ qua đời, suốt nửa năm trời, tôi không nói lấy nửa câu. Cậu
tôi nhớ lúc tôi mở miệng nói lại là lúc tôi nhốt mình ngoài ban công,
học thuộc lòng một bài khóa tiếng Anh.

Trước khi chuyển trường,
tôi từng là cán sự môn tiếng Anh, hôm đó ở ban công, tôi đã đọc bài khóa nào thì quên rồi, nhưng sau khi chuyển trường, tiết tiếng Anh đầu tiên
đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Trường Trung học trực
thuộc thường mời giáo viên nước ngoài về dạy môn Tiếng Anh, dạy lớp tôi
là một cô giáo người Anh đã luống tuổi. Vừa nghe tôi trả lời câu hỏi, cô đã phê bình ngay cách phát âm của tôi, cô bảo cách phát âm của tôi đặc
sệt tiếng Trung, khiến tôi xấu hổ, mang tai đỏ bừng. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên tôi ra mắt cách bạn học mới.

Đó là quãng thời gian mẫn cảm của tôi, tôi vừa mất bố mẹ, vừa mất nhà cửa, mất đi tất cả hạnh
phúc của đời mình. Chuyển đến nhà cậu sống, phải dè chừng mọi thứ, giấu
nhẹm những vụn vỡ trong lòng. Ngoài học cách nhìn sắc mặt mợ mà sống,
tôi còn phải lấy lòng cô em họ, giúp nó học, giảng Olympiad[1] cho nó.
Trước năm mười sáu tuổi, tôi là viên ngọc quý trong lòng bố mẹ, là nàng
công chúa duy nhất, là niềm tự hào của thầy cô, là người phải khiến bao
bạn bè phải ghen tỵ, nhưng giờ đây, tất cả đã chấm hết, tôi chẳng thể
dựa dẫm vào ai, thành tích tốt để làm gì nữa, vĩnh viễn về sau bố mẹ tôi có thấy được đâu?

[1] Olympiad: giải thi đấu mang tính quốc tế, đề thi thường rất khó, được chia làm nhiều lĩnh vực: Toán, Lý, Hóa, Thể dục thể thao, Cờ Vua…

Sau giờ học, tôi trốn ra bãi tập, khóc
một mình. Tiếng bước chân khua sàn sạt trên đường đua chạy vụt qua lưng
tôi. Tôi ngồi trên bãi cỏ, quay lưng về phía đường đua, giấu mặt vào đầu gối, lặng nhìn những giọt nước mắt tuôn rơi xuống thảm cỏ. Tôi nhớ lại
rất nhiều chuyện, phần lớn là những kỷ niệm lúc còn bé được bố mẹ dẫn đi chơi công viên, đi chèo thuyền, đi xe đua, mua bóng bay… Thủơ ấy có một loại kẹo bông làm từ đường, cả một bông to mềm mềm, xốp xốp như mây.
Hồi bé, lần nào tôi ăn cũng bị dính nhoe nhoét khắp mặt, nhưng bố tôi
lại thích chụp những kiểu ảnh xấu hổ như thế. Hồi ấy chỉ có máy cơ dùng
phim cuộn, trong vòng một năm, bố đã chụp cho tôi không biết bao nhiêu
là cuộn phim.

Tôi bật khóc nức nở, chẳng buồn để ý có cậu bạn
đang chạy lại gần, cho đến khi mũi giày thể thao màu trắng còn bám một
chiếc lá của cậu ấy hiện ra trước mắt. Cậu ấy cúi xuống, tay phải phủi
chiếc lá, tay trái đưa tôi một gói giấy ăn.

Tôi ngây người mất vài giây. Tôi không nhận gói giấy ăn đó, cậu ấy để nó xuống thảm cỏ rồi đi mất.

Hôm sau tôi mới biết cậu bạn đó ngồi sau tôi một dãy bàn, tên là Tiêu Sơn.

Bố Tiêu Sơn làm ở Bộ Ngoại giao, mười hai năm sống ở nước ngoài nên cậu ấy nói giọng Oxford rất chuẩn và lưu loát, trên lớp có thể thoải mái trao
đổi về cách dùng từ với cô giáo người Anh. Nhưng môn Toán mới thật lợi
hại, cậu ấy giỏi đến nỗi tôi thấy mình chẳng thấm vào đâu. Rõ ràng cậu
ấy không phải loại mọt sách, nhờ thông minh nên mới được điểm cao. Giờ
ra chơi, tôi toàn thấy cậu ấy tranh thủ xuống sân chơi bóng rổ. Có lần
vào tiết Toán, chuông reo rồi mới thấy cậu ấy ôm bóng, hổn hển chạy về,
đứng ngoài cửa xin phép:

- Thưa thầy…

Thầy Bôn dạy Toán
cực kỳ ghét học sinh vào lớp muộn, thầy chỉ ngoảnh lại, nhìn lướt qua
cậu ấy rồi phớt lờ coi như không thấy. Tiêu Sơn đành đứng chôn chân tại
chỗ, làm thần giữ cửa. Được một lúc, thầy giáo trả bài thi Toán toàn
thành phố lần trước, theo thói quen, thầy sẽ đọc điểm của cả lớp từ cao
đến thấp, đọc đến tên ai, bao nhiêu điểm, người ấy tự lên lấy. Việc này
thực sự động chạm đến lòng tự ái của học sinh, nhưng thầy cũng mặc kệ,
vì thầy vốn thiên vị những người đạt điểm cao.

Rốt cuộc người
được xướng tên đầu tiên là Tiêu Sơn với số điểm tối đa. Thầy ngoái đầu
ra cửa, nhìn Tiêu Sơn, giọng nửa thương tình nửa bực mình:

- Sao không vào lớp đi?

Cả lớp ai nấy đều cúi đầu nín cười, Tiêu Sơn nhận bài kiểm tra từ chỗ thầy, khí khái nói:

- Em cảm ơn thầy!

Trường Trung học trực thuộc có rất nhiều học sinh giỏi nhưng xuất sắc như cậu
ấy thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong lớp có nhiều đứa con gái thầm
cảm mến Tiêu Sơn, cái tuổi ô mai hay mộng mơ này, ai mà chẳng thích nuôi ảo tưởng với một cậu bạn nổi bật như thế chứ! Nhưng tôi thì không, vì
tôi chẳng còn tâm tư nào để nghĩ vẩn vơ, bố mẹ tôi qua đời khiến tôi
hoàn toàn mất đi khả năng ứng phó với thế giới này. Dù cậu ấy ngồi cách
tôi chỉ một hàng ghế, nhưng ngoại trừ việc mượn vở Tiếng Anh ra, chúng
tôi chưa từng chuyện trò.

Chúng tôi chỉ thực sự thân thiết khi
kỳ nghỉ đông bắt đầu. Cô giáo luống tuổi người Anh phân lớp thành từng
tổ làm bài tập nghỉ đông, chủ đề tự chọn là diễn một trong những tác
phẩm của Shakespeare. Cả lớp phân thành từng tổ nhỏ theo chỗ ngồi, có tổ chọn Romeo & Juliet, có tổ chọn Giấc mộng đêm hè, có tổ lại chọn
Hamlet, tôi với Tiêu Sơn một tổ, chúng tôi chọn Người lái buôn thành
Venice. Nghỉ Tết xong, mỗi tổ sẽ diễn vở kịch đã chọn, sau đó cùng bình
luận đánh giá.

Sở dĩ tôi thấy thích những ngày nghỉ đông tập
kịch đó là bởi tôi có lý do để ra ngoài, không phải ru rú ở nhà cậu mợ
nữa. Càng giáp Tết, trong lòng tôi càng ứ nghẹn cảm giác bơ vơ, lạc
lõng. Mợ không ngơi miệng bàn những thứ cần sắm sửa trong dịp Tết, cô em họ mè nheo đòi mua laptop mới. Mấy năm trước, máy tính xách tay vẫn
chưa phổ biến như bây giờ, thế mà em họ tôi đã có một chiếc laptop hiệu
Lenovo rồi, nhưng nó bảo bạn bè ở lớp đều dùng Sony Vaio dòng mới nhất,
cậu tôi đã hứa với nó, nếu nó lọt top hai mươi của lớp thì cậu nhất định sẽ mua. Trong khi đó, thành tích của con bé luôn đứng vững ở hàng thứ
ba mươi mấy, thế là nó bĩu môi, ra vẻ hờn dỗi. Cậu nói:

- Bĩu
môi cái gì? Nhìn chị con kìa, xưa nay có đòi đồ linh tinh đâu. Bố bảo
mua cho chị con chiếc điện thoại mà con bé còn bảo không cần đấy.

Lúc ấy, sắc mặt mợ thoáng sa sầm, tôi luống cuống nói:

- Soái Soái còn nhỏ mà cậu, vả lại máy tính cũng giúp ích cho việc học hành, em ấy nào có đòi linh tinh.

Con bé níu tay cậu, nhõng nhẽo:

- Bố, bố xem chị cũng nói thế mà.

Lòng tôi thấy vô cùng chua xót. Mới tết năm ngoái thôi, tôi còn kéo tay bố
mẹ nũng nịu, thế mà bây giờ, mặc kệ tôi muốn gì, cũng chẳng có lấy một
người quan tâm.

Lúc ấy, tôi mẫn cảm với mọi thứ xung quanh, tôi mặc cảm, tự ti, chỉ muốn bỏ ra ngoài, để không phải buồn lòng thêm nữa.

Bình thường, chúng tôi hay tập luyện ở nhà Tiêu Sơn. Nhà Tiêu Sơn rất rộng
mà lại chỉ có ông bà ngoại. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ
hòa nhã của ông bà. Trong thư phòng khép kín, không khí điều hòa ấm áp,
chúng tôi thường đọc oang oang lời thoại như thể xung quanh chẳng có ai. Còn ở dưới bếp, bà ngoại bận làm ít bánh trái rồi bưng lên cho chúng
tôi. Có lúc là xôi ngó sen, thỉnh thoảng là bánh nếp, nhiều khi là xí
muội… Những món ấy đều ngon tuyệt. Bà ngoại Tiêu Sơn là người miền Nam,
món ngọt bà làm luôn đậm đà hương vị quê hương, vì tôi là bạn nữ duy
nhất nên được bà quan tâm đặc biệt, bữa nào tôi cũng ních đến no căng
bụng

Dạo đó, tôi chưa hoàn toàn thích ứng với khí hậu miền Bắc,
tiết trời khô hanh đến mức tôi thường xuyên chảy máu cam. Có hôm tập
kịch ở nhà Tiêu Sơn, đang đọc lời thoại, đột nhiên có bạn kêu lên:

- Trời ơi, Đồng Tuyết, bạn chảy máu cam kìa!

Tôi vừa cúi đầu thì một giọt máu tươi từ mũi nhỏ xuống vạt áo len, bám trên chiếc áo len màu trắng, trông thật ghê rợn. Tôi mắc bệnh sợ máu, vừa
nhìn thấy liền bủn rủn tay chân, sau đó, Tiêu Sơn đưa tôi vào nhà tắm,
vấn tóc tôi lên, lấy nước lạnh vỗ mạnh vào hõm gáy. Bà ngoại cầm khăn
mặt thấm nước nhỏ xuống từ cổ tôi nói:

- Trời ạ! Đứa bé này có tội tình gì đâu, sao lại khổ thế!

Lòng bàn tay mát rượi của Tiêu Sơn vỗ dòng nước lạnh buốt lên cổ tôi, cậu ấy vỗ bôm bốp mà máu vẫn không ngừng tuôn xuống bồn rửa mặt. Vòi nước mở
hết cỡ, tiếng nước xối xả đập vào tai càng khiến tôi choáng váng, mắt
đăm đăm nhìn những vệt máu đỏ bị dòng nước cuốn phăng đi hết đợt này đến đợt khác. Chốc chốc cậu ấy lại hỏi:

- Sao rồi, sao vẫn chưa đỡ?

Bà ngoại trách cậu ấy bộp chộp, sau đó bà cầm tay tôi bấm huyệt, bấm được một lúc thì bảo Tiêu Sơn:

- Tay cháu khỏe, cháu ấn vào đây là máu sẽ ngừng chảy.

Tay cậu ấy thực sự rất khỏe, cậu ấy gồng mình ấn làm tôi đau chảy cả nước
mắt. Thấy tôi rơm rớm, cậu ấy luống cuống buông tay ra, bà ngoại liền
mắng yêu:

- Cái thằng này đúng là tồ, tay con gái, phải nhẹ nhàng chứ!

Máu với nước mắt tôi vẫn chảy ròng ròng, tôi nói:

- Bà ơi, bà đừng trách cậu ấy, cậu ấy chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng bấu chặt cháu thôi.

Thế mà cậu ấy lại phá lên cười:

- Bấu chặt á? Nói gì kỳ thế?

Bà ngoại phát cho cậu ấy một cái, mắng:

- Cái thằng này còn cười à!

Tôi chẳng nhớ tối hôm đó máu cam đã ngừng chảy như thế nào, chỉ nhớ sau đó
mũi tôi bị nhét hai cục bông gòn, còn được ăn món bánh nướng mứt táo
thơm lừng của bà. Bà ngoại vừa động viên tôi ăn, vừa nói:

- Táo tàu bổ máu lắm, cháu ăn nhiều vào.

Tôi mãi mãi khắc ghi những ngày tập kịch ấy, hơn nữa là vì tấm chân tình
của bà ngoại Tiêu Sơn dành cho tôi, bà thực sự đã dành cho tôi những
điều tốt đẹp nhất.

Mới giáp Tết mà chúng tôi đã thuộc lời thoại
làu làu như cháo chảy. Một hôm tập xong, vẫn còn sớm, không biết ai đã
nêu ý kiến rủ cả lũ đi trượt băng. Tôi là người miền Nam nên không biết
tí gì về môn trượt băng. Nhưng sau bao ngày tập kịch, tình bạn giữa mấy
người trong nhóm đã trở nên bền chắc như thép nung, nên họ sống chết kéo tôi đi cho bằng được, Tiêu Sơn cũng nói:

- Có chúng tớ đây rồi, cậu ngã sao được?

Đeo giày trượt băng xong, tôi chẳng biết phải di chuyển thế nào. Được hai
đứa bạn nắm tay, tôi dè dặt đi từng bước về phía trước, chỉ cần bọn họ
đi hơi nhanh một chút là tôi đã giật thót tim, gào toáng lên. Họ bực
mình, bèn quay ra gọi Tiêu Sơn:

- Cậu đỡ bạn ấy đi.

Rồi quay sang nói với tôi:

- Tiêu Sơn trượt băng đỉnh nhất đấy!

Tiêu Sơn rất nhẫn nại, cậu ấy vừa trượt làm mẫu vừa chỉ tôi những động tác
cơ bản, giống như đang nói về một bài toán bình thường vậy. Qua kỳ nghỉ
đông này, cả tổ mới trở nên thân thiết với tôi, thỉnh thoảng tôi cũng
hỏi cậu ấy vài bài toán, cậu ấy giảng giải rõ ràng, đâu ra đấy, hơn nữa
còn chỉ cho tôi cách giải ngắn gọn nhất. Trượt được vài vòng, cuối cùng
tôi cũng hiểu sơ sơ cách trượt, thấy tôi đã trượt vững rồi, cậu ấy bèn
thả lỏng tay ra.

- Cậu cũng có chút năng khiếu bẩm sinh đấy!

Được cậu ấy khen, tô thấy ngường ngượng.

- Không phải đâu, tại trước kia tớ cũng hay trượt patin, nên biết cách giữ thăng bằng.

Đôi giày patin đầu tiên của tôi là món quà sau lần bố đi công tác ở Mỹ về,
tôi vẫn nhớ đôi giày ấy có màu hồng phấn, bố rất thích mua đồ màu hồng
cho tôi, bởi trong lòng bố, con gái lúc nào cũng trắng hồng, mềm mại.
Đôi giày màu hồng ấy hơi to, tôi đi phải được vài năm. Về sau, trong
nước cũng bán loại tương tự nhưng kiểu dáng đơn giản hơn rất nhiều. Bố
cũng là người dạy tôi trượt patin. Hồi ấy, bố kéo tay tôi, hai bố con
loanh quanh trong sân bóng rổ trước nhà, phải mất vài ngày Chủ nhật, tôi mới trượt vững.

Tôi mất đà, ngã phịch xuống nền băng, Tiêu Sơn đỡ tôi dậy, bực mình nói:

- Đầu óc lại để đi đâu thế? Học chưa xong mà còn phân tâm, sao cậu toàn thế này nhỉ?

Tôi chỉ biết câm như hến. Thỉnh thoảng tôi nhờ cậu ấy giải thích mấy bài
đọc hiểu Tiếng Anh, cậu ấy nói một thôi một hồi mà tôi vẫn ù ù cạc cạc,
những lúc như thế, cậu ấy thường tỏ vẻ bực dọc, chắc chắn cậu ấy sẽ thầm mắng tôi đã dốt còn không biết đường chăm chỉ. Từ nhỏ đến lớn, chưa một ai chê tôi dốt, trước đây các thầy cô thường khen tôi có năng lực tiếp
thu tốt, thế mà trước mặt cậu ấy, tôi đích thị là một đứa đần độn không
hơn không kém, chỉ vì cậu ấy quá thông minh.

Tiêu Sơn cầm tay,
kéo tôi trượt chầm chậm, sợ tôi ngã thêm lần nữa nên cậu ấy nhất quyết
không buông tay tôi ra. Hôm ấy, gió hiu hiu thổi, phả vào mặt không lạnh lắm nên tôi cũng quên khuấy việc phải đội mũ, trên đầu chỉ quấn tạm một chiếc khăn quàng. Tôi chưa từng nắm tay cậu con trai nào lâu đến thế,
mặc dù lúc đó tôi và Tiêu Sơn đều đeo găng tay. Lần cuối cùng tôi cầm
tay con trai là từ đợt biểu diễn văn nghệ mừng ngày tết Thiếu nhi mùng
Một tháng Sáu khi còn học tiểu học. Nghĩ thế, tim tôi đột nhiên đập rộn
ràng, nó đập rất nhanh khiến người ta manh nha nhận ra sự khó chịu. Tính cách Tiêu Sơn xưa nay vốn cởi mở, phóng khoáng, cậu ấy nắm tay tôi như
nắm tay một đứa em gái hoặc một bạn gái cùng lớp mà thôi. Trên thực tế,
tôi cũng chỉ là bạn cùng lớp, Tôi không quay sang nhìn cậu ấy nữa, cố
gắng tỏ ra thật tự nhiên.

Trượt băng xong, chúng tôi rủ nhau đi
uống trà sữa. Cốc trà sữa nóng hổi, tỏa mùi thơm ngào ngạt ủ trong lòng
bàn tay thật ấm áp. Mọi người bắt đầu bàn tán rôm rả xem Tết đi đâu
chơi, có người gợi ý Tết nên đi lễ chùa, chỉ mình tôi lặng thinh ngồi
uống trà sữa mà không góp chuyện. Đang hút hạt trân châu, bỗng Tiêu Sơn
nói:

- Này, mặt cậu nẻ rồi kìa!

Tôi xoa mặt, thấy da
mình nổi cục cưng cứng, hơi ngứa. Từ bé đến giờ, tôi chưa từng bị nẻ,
không ngờ đúng lần đầu tiên lại nẻ ngay trên mặt. Nghe người ta nói, khi bị nẻ, da sẽ tróc ra rồi mưng mủ, nếu nẻ trên mặt, chẳng phải mặt mày
sẽ hốc hác, vàng vọt ư? Tôi gồng mình ấn cục đông cứng ấy xuống, chẳng
thiết gì đến trà sữa nữa, chỉ mong ấn bẹp được nó…

Tiêu Sơn nói:

- Đừng ấn nữa, cứ sờ vào sẽ càng tệ thêm, nhà tớ có mỡ trăn, mai tớ sẽ cho cậu một ít, dùng mỡ trăn bôi vài lần là đỡ ngay.

Hôm sau Giao thừa mất rồi, ngay từ đầu, cả lũ đã thống nhất từ Giao thừa
cho đến mùng Năm Tết sẽ không tập tành gì hết, dù sao cũng phải ăn Tết
nữa chứ. Tôi đinh ninh cậu ấy chỉ nói lấy lệ thế thôi, không ngờ hôm Ba
mươi mà cậu ấy vẫn chạy ra ngoài. Vừa rời giường chưa được bao lâu, tôi
bỗng nghe thấy thấy tiếng điện thoại đổ chuông. Em họ còn đang ngủ, mợ
sợ ồn ào làm con bé thức giấc, liền vội vã chạy ra nhấc máy. Nghe một
hồi rồi mợ mới gọi tôi:

- Tìm cháu này!

Tôi ít khi nói
số điện thoại nhà cậu cho người khác biết, chỉ ngại mợ không vui. Nghĩ
bụng không biết mới sáng sớm ngày Ba mươi mà ai đã gọi điện tìm mình?
Tôi đang thắc mắc thì giọng của Tiêu Sơn cất lên, cậu ấy nói:

- Số điện thoại nhà cậu khó tìm thật đấy, phải hỏi lớp trưởng mới ra.

Mợ đang ngồi ở sofa kế bên, nửa quan tâm, nửa hờ hững, đảo mắt về phía
tôi, chắc bởi trước giờ chưa từng có bạn nam nào gọi điện đến nhà tìm
tôi, tôi cứ lo mợ hiểu nhầm, bèn luýnh quýnh hỏi:

- Hôm nay không tập cơ mà?

- Cậu quên rồi à? Hôm qua tớ hứa sẽ đem mỡ trăn cho cậu bôi, cậu ra lấy đi này.

Tôi luống cuống vì bất ngờ:

-Ơ, nhưng…

Cậu ấy nói:

- Tớ đợi cậu ở cửa trạm tàu điện ngầm Phúc Hưng Môn nhé.

Trạm ấy gần nhà cậu mợ nhất, từ đây đến đó mất có mười phút, tôi vội vàng quyết định:

- Được, cậu đợi chút, tớ đến ngay.

Cúp điện thoại, tôi giải thích với mợ rằng kịch bản có chút thay đổi, vừa
rồi bạn cùng lớp gọi điện thông báo, bảo tôi sang lấy. Tôi cũng chẳng
hiểu sao phải nói dối mợ, nhưng chẳng lẽ lại bảo có một bạn trai đem mỡ
trăn cho tôi, thế nào mợ cũng nghĩ xiên nghĩ vẹo, đành giấu còn hơn.

Mợ không để ý nhưng cậu lại hỏi:

- Cháu đi đâu lấy?

- Nhà bạn ấy ở Hồi Long Quan, hơi xa ạ!

Tôi vẫn thản nhiên bịa chuyện. Thực ra, nhà Tiêu Sơn ở Công Chủ Phần, với
cả cậu ấy đã nói sẽ đợi ở trạm xe điện, nhưng tôi vẫn nói dối trôi chảy.

- Nếu tắc đường, chắc cháu không về kịp bữa trưa.

Tôi muốn dành chút thời gian đi lang thang một mình, dù phải tha thẩn trong siêu thị vẫn còn tốt hơn, ngày hôm nay tôi chỉ muốn ở một mình.

Mợ nói:

- Nhớ về sớm nhé, còn đón năm mới nữa.

Lúc thay giày ở bậu cửa, chuẩn bị ra ngoài thì cậu bước tới, dúi cho tôi tờ một trăm tệ, tôi không cầm, cậu nói:

- Cầm đi, nếu bên đó tắc đường, không về kịp bữa trưa, cháu mua tạm hamburger mà ăn.

Dùng dằng mãi khiến mợ chú ý, mợ cười nói:

- Cậu cho thì cháu cứ cầm đi, nào phải người dưng.

Mợ đã nói thế, tôi đành nhận tiền.

Tôi cầm tờ một trăm tệ đến trạm xe, từ đằng xa đã thấy Tiêu Sơn. Cậu ấy rất cao, tay chân dài ngoằng trông rất nổi bật. Tôi chạy đến trước mặt Tiêu Sơn, trời lạnh thế này mà cậu ấy chẳng thèm mặc áo phao, áo khoác ngoài còn mở phanh ra, bên trong quấn khăn quàng cổ ca rô. Thấy tôi, cậu ấy
liền nhoẻn miệng cười, khoe hàm răng trắng bóng.

- Đến nhanh thế!

Hôm nay tôi đội mũ nhưng lại quên quàng khăn, dọc đường chạy tới đây, gió
thốc vào mặt rát ơi là rát, đặc biệt là những chỗ bị nẻ. Tôi vừa xoa mặt vừa hỏi:

- Mỡ trăn đâu?

Hỏi thế rồi mà hai tay cậu ấy vẫn yên vị trong túi áo.

- Tớ chưa ăn sáng, cậu mời tớ ăn sáng đi!

May có một trăm tệ cậu cho. Tôi nói:

- Tớ mời cậu vào McDonald’s nhé!

Cậu ấy cũng không kén chọn:

-Ừ!

Không ngờ, nhìn Tiêu Sơn gầy thế mà lại là vua phàm ăn đích thực. Một mình
cậu ấy ăn liền hai suất, vậy mà vẫn còn thòm thèm, may cậu ấy không đòi
ăn thêm, không thì một trăm tệ của tôi không đủ để trả. Cậu ấy ăn rất
nhanh, nhưng uống thì lề mề, có hai cốc Coca mà nửa ngày mới uống xong
một cốc. Tôi vốn ăn chậm, dần dà cũng giải quyết xong phần của mình,
trong khi cậu ấy vẫn thong thả thưởng thức đồ uống. Ngồi chung với con
trai trong hoàn cảnh này, tôi chẳng biết nói gì hơn. Chỉ thấy mí mắt
Tiêu Sơn cụp xuống, dường như tâm trí đang đổ dồn vào đầu ống hút, hàng
mi khẽ rung rinh như thể trên ấy có tinh linh tàng hình đang ẩn mình
nhảy múa. Bỗng nhiên tôi không dám nhìn thêm nữa, bèn rút một tờ giấy ăn trong hộp ra, ngồi gấp linh tinh.

Cho đến khi tôi gấp được một chú thiên nga béo mập, Tiêu Sơn bất ngờ phì cười, rồi bỏ ống hút xuống.

- Con gì thế này, vịt con xấu xí à?

Tôi bực mình, béo mấy thì nó vẫn là thiên nga, không phải sao?

Cậu ấy giật phắt con thiên nga, mở ra gấp lại.

- Cậu gấp sai rồi.

Nhờ có bàn tay của cậu ấy, con thiên nga trở nên xinh đẹp hơn rất nhiều.
Lúc cậu ấy đi rửa tay, tôi đấu tranh tư tưởng mãi, sau cùng lén lút bỏ
con thiên nga vào túi áo khoác. Vừa vặn lúc Tiêu Sơn quay lại, cậu ấy
gọi tôi.

- Đi thôi!

Rời khỏi cửa hàng đang ấm áp, nơi
đầu phố đón gió đông lạnh thấu xương, cậu ấy đưa tôi mỡ trăn được đựng
trong một lọ thủy tinh nhỏ có nắp xoay, vô cùng tinh xảo. Mỡ trăn màu
vàng nhạt, có dạng lỏng như kem.

Tôi chỉ nói:

- Cảm ơn cậu!

Cậu ấy hỏi tôi:

- Nhà cậu gần đây à?

Tôi gật đầu.

Ngừng lại vài giây rồi cậu ấy nói:

- Thôi đành vậy, tớ ngồi xe điện về.

- Vậy tớ cũng về đây.

- Tạm biệt!

- Tạm biệt!

Tôi quay người lững thững cất bước, hai tay đút trong túi áo khoác. Một bên là lọ mỡ trăn, cứng cứng; bên kia là con thiên nga giấy, mềm mềm. Đi
được mấy bước, bỗng nghe có người gọi tên mình, tôi quay lại, thấy cậu
ấy đã bắt kịp mình từ lúc nào, còn cười toe toét, khoe hàm răng trắng
bóng.

- Quên không nói với cậu, ngày mai năm mới vui vẻ!

Hôm nay là Giao thừa rồi, tôi cũng mỉm cười, nhẹ nhàng nói:

- Năm mới vui vẻ!

Tôi đứng nhìn cậu ấy xoay gót bước đi, hòa mình vào dòng người hối hả. Cậu
ấy sải những bước chân dài, nhanh thoăn thoắt, dù bầu trời âm u, mù mịt
nhưng tôi vẫn thấy mây rẽ lối rọi xuống một vần hào quang bao quanh
khiến thân hình cậu ấy tỏa sáng rực rỡ. Dù giữ biển người tấp nập, tôi
vẫn nhận ra bóng lưng cậu ấy chỉ bằng một cái chớp mắt.

Ngày hôm đó, tôi lang thang một mình ngoài phố rất lâu, đợi hoàng hôn buông,
trời nhá nhem tối mới về nhà cậu. Mợ đang làm cơm, cậu cũng xuống bếp
phụ giúp một tay, cô em họ nằm trên sofa phòng khách xem ti vi, bầu
không khí sum vầy ấm cúng của gia đình càng khiến tôi thêm phần lạc
lõng. Tôi vào bếp chào cậu mợ một câu rồi lẳng lặng về phòng mình.

Tôi lấy con thiên nga từ trong túi ra, nhìn nó nhăn nhúm rúm ró, tôi sửa
lại đôi cánh cho cân rồi kẹp vào quyển nhật ký. Tôi không muốn viết nhật ký nữa, chỉ cầm bút ghi lại ngày tháng hôm ấy lên mình con thiên nga.

- Đồng Tuyết ơi, sinh nhật vui vẻ!

Tôi tự nhủ với lòng mình. Tiếng ti vi ngoài phòng khách ồn ào, cửa sổ nhìn
ra con đường nhỏ của chung cư có tiếng xe đang tiến vào, âm thanh hết
sức mơ hồ, mọi vật xung quanh đều trở nên huyên náo. Ở tuổi mười sáu,
lần đầu tiên tôi đón sinh nhật một mình, không bánh kem, không quà cáp,
không có bố mẹ nở nụ cười ấm áp chúc tôi sinh nhật vui vẻ. Thế rồi tất
cả những sinh nhật về sau, tôi đều trải qua một mình.

Học kỳ mới bắt đầu, vở kịch Người lái buôn thành Venice của chúng tôi chỉ giành
được một lượng phiếu bầu nhỏ nhoi, thua xa vở Romeo & Juliet do Lâm
Tư Nhàn thủ vai chính. Lâm Tư Nhàn, người cũng như tên, có phong thái
nhã nhặn, ngoại hình xinh đẹp, tính tình cởi mở. Cô ấy là cán sự môn
Tiếng Anh của lớp chúng tôi, từng đại diện cho trường tham gia cuộc thi
Tiếng Anh phổ thông toàn thành phố. Có người nói cô ấy là khoa khôi
nhưng trường tôi có rất nhiều bạn gái xinh xắn, thế nên ai mới là hoa
khôi mãi sau vẫn chưa thấy hồi kết. Có điều, vai Juliet của cô ấy thực
sự khiến mọi người vỗ đến sưng cả tay, quả thật rất xuất sắc, nổi trội
hơn hẳn, khiến bạn nam diễn vai Romeo hoàn toàn bị lép vế. Về sau, cô
giáo luống tuổi người Anh khăng khăng gộp mấy nhóm thành một và phân lại vai diễn cho vở Romeo & Juliet, Tiêu Sơn đóng vai Romeo, Lâm Tư
Nhàn vẫn là Juliet. Vở kịch năm đó thực sự đã tạo nên tiếng vang, nam
thanh nữ tú, phát âm tiếng Anh vừa chuẩn vừa tao nhã, cứ hai năm một
lần, trường tôi lại tổ chức đón tiếp trường bạn và đại biểu nước ngoài
đến tham quan hữu nghị, vở kịch đó được chọn làm tiết mục chính.

Chỗ nẻ trên mặt tôi đã đỡ nhiều, mỡ trăn cực kỳ hiệu quả dù mùi của nó hơi
gây gây, nhưng bôi mấy lần là đỡ ngay, dùng chưa hết lọ thuốc mà vết nẻ
trên mặt đã biến mất.

Học kỳ mới lại rục rịch chuyển chỗ ngồi,
Tiêu Sơn không ngồi sau tôi nữa. Ra chơi mười phút, cậu ấy vẫn tận dụng
thời gian đi chơi bóng rổ, hoạt động ngoại khóa của cậu ấy rất nhiều,
vừa tập Romeo & Juliet với Lâm Tư Nhàn, vừa tham gia bồi dưỡng học
sinh giỏi thi Olympic… Trong khi đó, tôi dồn hết tâm sức vào việc học
hành, học kỳ sau đã bước sang lớp mười hai rồi. Thỉnh thoảng, tôi vẫn
hỏi mượn vở Tiếng Anh của cậu ấy, sở dĩ là vì cậu ấy ghi chép đầy đủ lại rõ ràng, trong lớp tôi không ít người cũng mượn vở cậu ấy để chép bài.

Tôi thích nhất tiết Toán, vì tôi là học sinh cưng của thầy Bôn, còn Tiêu
Sơn chính là học sinh khiến thầy đau đầu nhất. Thành tích của Tiêu Sơn
tuy cao thật, song cậu ấy không phải dạng học sinh biết nghe lời. Thầy
cho một bài mẫu, gọi tôi và Tiêu Sơn cùng lên bảng làm. Cùng một đề bài
nhưng hai chúng tôi luôn giải bằng hai cách khác nhau. Tôi luôn chọn
cách làm chắc chắn nhất, còn phương pháp của Tiêu Sơn thường ngắn gọn và súc tích nhất. Chính tính cách ngại dài dòng của cậu ấy khiến người ta
có cảm tưởng cách giải của cậu ấy giống như một thế kiếm đầy bất ngờ
trong kiếm hiệp, trong khi tôi vẫn theo trình tự cũ, giảm thiểu sai sót
một cách tối đa. Sở thích của thầy Bôn là chứng kiến cảnh cạnh tranh
giữa hai chúng tôi. Nếu lần nào tôi làm tốt hơn, kết quả ra nhanh hơn
Tiêu Sơn, thầy sẽ dành cho tôi nụ cười rạng rỡ và những lời khen có
cánh. Còn trường hợp Tiêu Sơn giải nhanh hơn, thầy sẽ khoanh tay đứng
một bên, dõi theo từng bước tính toán của tôi, hệt mấy lão sư phụ cổ
quái trong tiểu thuyết kiếm hiệp, chỉ lo đệ tử cưng của mình bại trận
dưới tay kẻ khác. Nói thực lòng, tôi thích được đứng cạnh Tiêu Sơn trên
bục giảng, chúng tôi sánh vai trước bảng đen, nghe tiếng viên phấn dưới
tay mình cọ vào bảng kêu ken két, lồng ngực cũng nảy sinh một cảm xúc
khó tả mỗi lần liếc thấy đối phương sắp cho ra kết quả cuối cùng. Bụng
bảo dạ phải tập trung hòng vượt mặt cậu ấy nhưng lần nào chúng tôi cũng
đều bất phân thắng bại, nếu có thắng thì cậu ấy cũng chỉ nhỉnh hơn tôi
một chút.

Có lần chúng tôi vừa làm xong bài, ai về chỗ người nấy, thầy giáo rất hài lòng, nói:

- Cho hai đứa giao hợp lại mới là cách giải hoàn mỹ nhất.

Thật ra thầy chỉ buột miệng nói nhầm vậy thôi, thế mà cả lớp phá lên cười.
Mặt tôi đỏ lựng như quả cà chua, một lúc lâu vẫn không ngẩng lên nổi. Về sau, cả lớp cứ nhắc đi nhắc lại câu này, thậm chí người ngoài cũng biết câu nói nổi tiếng ấy của thầy. Nhưng chẳng có mấy ai lôi tôi và Tiêu
Sơn ra chòng ghẹo, Tiêu Sơn là người hướng ngoại và thông minh, trong
khi tôi là một học sinh gương mẫu quá cứng nhắc và bảo thủ. Ngược lại,
người ta thường xuyên gán ghép Tiêu Sơn với Lâm Tư Nhàn.

Mấy đứa con gái luôn miệng trêu Lâm Tư Nhàn:

-Juliet ơi, Romeo của cậu đâu rồi?

Nhiều khi Tiêu Sơn cùng đám con trai đứng ở hành lang, thấy Lâm Tư Nhàn đi
lướt qua dưới tầng, bọn con trai ới nhau, gào toáng lên:

- Này Juliet, Romeo ở đây này!

Lâm Tư Nhàn là người cởi mở, những kiểu trêu đùa thế này chưa từng khiến cô ấy phật ý, nhiều lần còn ngước lên, đáp lại bọn con trai trên tầng bằng nụ cười tươi rói. Tính cách Lâm Tư Nhàn vừa dịu dàng vừa ôn hòa, cô ấy
có khá nhiều bạn bè, không những chỉ chơi với con gái, mà con trai cũng
thân chẳng kém.

Nhân dịp sinh nhật mình, Tiêu Sơn mời cả lớp đi
ăn Pizza Hut, cậu ấy cũng vừa đoạt giải ở kỳ thi Olympic. Giáo viên chủ
nhiệm mừng lắm, chắc mẩm sang năm, Tiêu Sơn sẽ đỗ trường đại học nổi
tiếng nên cũng đồng ý cho cả lớp được một ngày thoải mái. Đó là bữa liên hoan vui vẻ nhất, thậm chí liên hoan chia tay cấp ba cũng chưa vui
bằng. Bởi lẽ bấy giờ, bọn tôi vẫn đang là học sinh lớp mười một, chẳng
mấy chốc sẽ phải đối mặt với năm lớp mười hai khổ luyện nên hôm nay ai
nấy đều cố vui hết mình. Ngày qua ngày chỉ biết học và học, hiếm khi dôi ra một khoảng thời gian tự do ngắn ngủi như thế này.

Ăn xong,
thầy chỉ nhiệm cùng các thầy cô khác về trước, bọn tôi bèn bấm nhau
chuyển sang hàng đồ nướng chiến đấu tiếp, ăn thì ít còn uống là chủ yếu. Đám con trai lén lút gọi bia, bọn con gái uống Coca. Bây giờ, tôi chẳng nhớ nổi hôm đó ăn những món gì, chỉ nhớ có một cậu bạn học tên Hầu Ngọc Đông, thường gọi là Khỉ, uống đến say mèm mà vẫn đòi Tiêu Sơn cụng với
cậu ta thêm một cốc nữa. Tiêu Sơn bị Hầu Ngọc Đông chuốc cho vài cốc, dở khóc dở cười không muốn uống tiếp, Lâm Tư Nhàn bèn giúp cậu ấy giải
nguy.

- Đừng ép Tiêu Sơn, uống nữa là say đấy.

Hầu Ngọc Đông tỏ vẻ đau khổ bưng mặt:

- Oh Romeo, Romeo! Wherefore art thou Romeo[2]?

[2] Ôi, Romeo, Romeo! Sao chàng lại là Romeo chứ?

Cả bọn cùng phá lên cười bởi kiểu phát âm eo éo của Khỉ, cậu ta nói:

- Romeo không uống thì Juliet uống vậy, cậu đỡ hộ cậu ấy cốc này đi.

Bấy giờ bọn con trai đã ngà ngà men bia, nhiều đứa rú lên, Lâm Tư Nhàn dõng dạc nói:

- Uống thì uống.

Cô ấy vừa cầm cốc bia, Tiêu Sơn liền giật lấy:

- Thôi, để tớ uống.

Tiêu Sơn ngửa cổ, từ từ uống cạn cốc bia trong tiếng vỗ tay của bọn con gái
và tiếng huýt sao của lũ con trai. Uống hết cốc bia, Khỉ liền khoác vai
cậu ấy, cười toe toét:

- Đấy, phải phong độ như thế chứ!

Tôi ngồi một góc, cắm cúi ăn cánh gà nướng, cay đến nỗi uống hết cốc nước này đến cốc nước khác, lâu dần thấy bụng dạ lạo xạo.

Ngày hôm đó, lúc tàn cuộc cũng đã muộn lắm rồi. Từng tốp rủ nhau về nhà, tôi chẳng cùng đường với ai, bụng bảo dạ phải nhanh chân lên, biết đâu còn
kịp chuyến tàu cuối, bỗng Tiêu Sơn đuổi theo, nói:

- Tớ về cùng cậu.

Tôi hỏi:

- Nhà cậu ở phía tây cơ mà?

Cậu ấy trả lời:

- Bố mẹ tớ về rồi, hôm nay tớ về nhà mình.

Rồi cậu ấy giục tôi:

- Nhanh lên, không là lỡ chuyến tàu cuối đấy!

Chúng tôi phóng tới ga tàu điện ngầm bằng tốc độ chạy thi cự ly một trăm mét. Vừa xuống cầu thang đã nghe tiếng loa thúc giục hành khách lên tàu, hai đứa chạy bạt mạng, mũi chân vừa chạm đến vạch phân cách đã nghe tiếng
píp píp từ cánh cửa. Thấy cửa tàu sắp đóng, Tiêu Sơn liền nhảy vọt lên,
quay người kéo tay tôi, lôi vào. Cánh cửa phía sau đang từ từ khép lại,
may mà tóc tôi không bị quấn vào cửa. Tiêu Sơn vẫn nắm chặt tay tôi, cơ
thể tôi theo quán tính nghiêng về phía trước, bị cậu ấy ôm gọn vào lòng.

Tai tôi áp lên ngực cậu ấy, dưới lớp áo phông mềm mại là tiếng trái tim đập dồn như trống trận, thình thịch, thình thịch… còn nhanh hơn cả tôi. Vừa nãy chạy vội quá nên đến giờ hai đứa vẫn còn thở hổn hển, dáng người
dong dỏng cao của cậu ấy thoang thoảng mùi rượu, hơi thở phảng phất ngay trên đỉnh đầu khẽ lay động mái tóc của tôi, bay xòa vào da mặt. Tôi có
cảm giác cái nóng hầm hập đang chạy dọc từ mang tai lan đến cổ, trong
phút giây ngắn ngủi, dường như tôi mất hết mọi khả năng phản ứng, bất
giác ngẩng lên, Cậu ấy cũng đang nhìn tôi, đôi mắt đen láy, sâu thẳm và
sáng ngời, ánh mắt chẳng khác nào bầu trời đầy sao, ào ào đổ ập xuống
người tôi. Những ngôi sao ấy khiến tôi hoa mắt chóng mật đến quên cả hít thở.

Không biết chúng tôi đã đứng như thế bao lâu, mãi sau Tiêu Sơn mới buông tôi ra, cánh tay theo đà trượt xuống, nắm tay tôi. Tôi
không dám ngẩng đầu, cứ vùng vằng mãi nhưng tay cậu ấy vẫn giữ thật
chặt, cậu ấy nói:

- Bên kia còn chỗ ngồi.

Chúng tôi ngồi cạnh nhau, vì là chuyến tàu cuối cùng nên hành khách chỉ lác đác vài
người, chừa lại cả khoảng không rộng thênh thang. Chẳng ai để ý đến
chúng tôi, nhưng tôi biết chắc chắn mặt tôi đang rất đỏ, bỗng nhiên có
cảm giác bất an. Cậu ấy không nói gì, cũng không chịu buông tay, tôi rón rén rụt tay lại, cuối cùng cậu ấy cũng lên tiếng:

- Sao thế?

Tôi ấp úng nói:

- Thế này không đúng lắm.

- Phải rồi.

Bỗng nhiên cậu ấy bật cười:

- Chúng mình ngồi ngược chuyến rồi.

Tôi trợn tròn mắt khi nghe tiếng loa báo trạm dừng, đúng là ngồi ngược
tuyến thật. Tôi cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo cậu ấy, vội vội vàng vàng
cầm vé tháng xông vào, ai mà biết được cậu ấy lại vào nhầm ga, ngồi nhầm tàu, đến tôi cũng lú lẫn theo cậu ấy mất rồi.

Vậy mà cậu ấy vẫn cười ngặt nghẽo, giống như đang vui lắm. Tôi không hiểu sao Tiêu Sơn
lại vui đến thế, nhưng tôi vĩnh viễn khắc ghi nụ cười tươi rói của ngày
hôm ấy, vẻ mặt rạng rỡ cùng nét tươi vui. Trong ánh đèn xe trắng nhờ,
khuôn mặt Tiêu Sơn giống như sự giao thoa giữa ánh sáng mông lung và
bóng tối trầm mặc, ngần ấy năm trôi qua, cậu ấy không ngừng hiển hiện
trong giấc mơ của tôi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui