Thiên Sơn Mộ Tuyết

Có nằm mơ tôi cũng không ngờ, người Mạc Thiệu Khiêm đợi hóa ra là Mộ Chấn Phi.

Lúc phục vụ dẫn anh ta vào, tôi điếng người.

Tôi còn tưởng mình nhìn nhầm hoặc khói mù khiến tôi có ảo giác rồi chăng?
Nhưng người đó đúng là Mộ Chấn Phi. Dù nhìn anh ta cò phần xa lạ khi mặc com lê, đeo cà vạt chỉn chu nhưng anh ta đúng là Mộ Chấn Phi.

Hình như Mộ Chấn Phi cũng rất ngạc nhiên, nhưng anh ta chỉ đảo mắt qua tôi, sau đó lập tức quay sang Mạc Thiệu Khiêm.

Mạc Thiệu Khiêm vẫn ngồi yên vị, giọng lạnh nhạt:

- Ngồi đi.

Rồi quay đầu dặn dò phục vụ:

- Đưa món lên được rồi.

Không thể hiểu nổi tôi đang nghĩ gì vào lúc ấy, chỉ biết rằng tôi không dám
ngẩng đầu lên, hai bàn tay vặn chặt khăn ăn, như thể chiếc khăn ấy chính là cổ mình. Kể từ lúc ở bên Mạc Thiệu Khiêm đến nay, đây là lần đầu
tiên tôi gặp phải người quen, nhục nhã, ê chề đến ngạt thở, tôi gắng
gượng nói muốn đi rửa tay nhưng Mạc Thiệu Khiêm chẳng buồn ngó ngàng,
hắn thản nhiên nhìn Mộ Chấn Phi:

- Kỳ nghỉ đông này, cậu về công ty mà thực tập, anh đã bàn giao cho Thế Bang rồi, cậy ta sẽ bố trí người hướng dẫn cậu.

- Em hẹn mấy bạn trong hội leo núi rồi, kỳ nghỉ đông bọn em sẽ đi leo núi.

Mạc Thiệu Khiêm vẫn nói bằng giọng thản nhiên:

- Leo núi? Năm ngoái bị thương ở Châu Phong vẫn chưa khiến cậu nhớ đời
phải không? Cậu làm thể là thiếu trách nhiệm với hội đồng quản trị.

- Mình anh có trách nhiệm với hội đồng quản trị là đủ rồi, thưa đồng chí chủ tịch.

- Đừng tưởng chọc tức anh là anh sẽ mặc xác cậu thích làm gì thì làm, bất kể cậu có lý do gì, kỳ nghỉ đông năm nay, cậu phải về công ty thực tập.

Mộ Chấn Phi nhìn hắn rồi bật cười, trên má vẫn hiện lên lúm đồng tiền đẹp rạng ngời như thường lệ:

- Lúc đó nói sau.

Hai người họ chỉ lo nói chuyện, không một ai bận tâm đến tôi. Nhưng tôi
ngồi đó mà như ngồi trong hầm băng, thậm chí đầu ngón tay cũng lạnh
toát.

Bồi bàn rục rịch mang món lên, rót rượu vào ly cho tôi. Bấy giờ Mạc Thiệu Khiêm mới quay sang nói:

- Em vừa khỏi bệnh, đừng uống rượu. – Rồi gọi người đổi cho tôi cốc nước hoa quả.

Đến gượng cười mà tôi cũng không làm được. Bấy lâu nay, tôi cứ đinh ninh Mộ Chấn Phi được sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng có ngờ đâu anh
ta lại có dây mơ rễ má với Mạc Thiệu Khiêm, thậm chí không đơn thuần
dừng lại ở mức độ hời hợt thông thường.

Tôi tự hỏi có khi nào
anh ta là con của Mạc Thiệu Khiêm không? Không đời nào, Mạc Thiệu Khiêm
mới ba mươi hai tuổi, làm sao có con trai đang học đại học được. Mà cũng có thể là em trai, nhưng sao không cùng họ Mạc nhỉ?

Tuy tôi
không biết nhiều về Mạc Thiệu Khiêm nhưng cũng nghe láng máng sự tích bố hắn gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Vào đúng thời kỳ kinh tế
đang phát triển nhanh chóng, ông khởi nghiệp từ nhà máy hóa chất, sau
chuyển sang làm cảng container, một tay kiến lập cơ nghiệp hùng mạnh
này. Vào lúc công việc kinh doanh đang lên như diều gặp gió, ông đột
ngột qua đời. Tuy đang ở nước ngoài, nhưng chàng thanh niên trẻ Mạc
Thiệu Khiêm đã bỏ dở con đường học hành, trở về nước tiếp quản công ty.
Trước kia, hắn vốn theo học ngành Quản trị kinh doanh, khoảng hơn mười
năm gần đây, hắn càng ngày càng chứng tỏ thực lực của mình.


lịch trích ngang của đại gia tầm cỡ xưa nay thường bị thêm mắm dặm muối
khá nhiều. Người có tiền mà, TVB chiếu đi chiếu lại đến phát ngán rồi.
Tôi không khoái màn ân oán của giới thượng lưu, thực ra, Mộ Chấn Phi là
gì của Mạc Thiệu Khiêm thì có liên quan gì tới tôi? Một khi Mộ Chấn Phi
biết tường tận con người tôi rồi, cùng lắm là sẽ khinh thường ra mặt,
sau này coi nhau như người dưng là xong chứ gì?

Tôi chẳng thèm bận tâm. Nghĩ thấu đáo rồi, tôi bèn lên dây cót tinh thần, ăn một bữa thật thịnh soạn.

Giữa chừng, Mạc Thiệu Khiêm ra ngoài nghe điện thoại khoảng mười phút, bỏ
lại tôi và Mộ Chấn Phi trên bàn ăn. Tôi vẫn không hé răng nửa lời, chỉ
cắm cúi vào món canh “có cơm mồm” khoái khẩu của mình. Mộ Chấn Phi cũng
vậy, phong cách ăn uống của anh ta thật lịch sự, nhã nhặn, đâu ra đấy,
phong thái y chang vị giáo sư thường hướng dẫn chúng tôi hơ ống nghiệm
trong phòng thực hành, mọi thứ đều trơn tru gọn gàng, quả thực khiến
lòng tôi nhiều nỗi hoang mang.

Lúc trở lại bàn ăn, Mạc Thiệu
Khiêm và Mộ Chấn Phi cũng không trao đổi nhiều. Bữa cơm giữa ba người
diễn ra trong bầu không khí im ắng đến kỳ lạ. Hậu quả là tôi ních đầy
một bụng đồ ăn, không thể nào ăn nổi thêm món tráng miệng nữa. Mạc Thiệu Khiêm nói với Mộ Chấn Phi:

- Để tài xế đưa cậu về.

- Không cần đâu anh.

- Vậy cậu cứ suy nghĩ chuyện thực tập…

Lời chưa dứt, Mộ Chấn Phi đã trưng ra vẻ mặt hiếm thấy. Vẻ mặt đó dường như có nét khó chịu kiểu trẻ con:

- Được rồi mà anh rể, em biết rồi!

Tối nay, tôi bị sấm sét oanh tạc mấy lần liền nên chân tay có chút tê tê.

Lúc lên xe về nhà, tôi tỏ vẻ biết điều, ngồi ngay ngắn, mắt nhìn ra khoảng
đèn rực rỡ lung linh ngoài cửa xe, cuộc sống về đêm của thành phố này
vẫn luôn náo nhiệt như thế. Tôi biết hôm đó, chú tài xế đã nhận ra Mộ
Chấn Phi, cho nên Mạc Thiệu Khiêm mới dàn xếp “bẫy tiệc” tối ngày hôm
nay. Không biết ai đã nghĩ ra hai chữ “bẫy tiệc” hay ho ấy vì đích thị
nó là một cái bẫy, miệng mời khách dùng cơm, lòng giăng bẫy hại người.
Từ đầu đến cuối, Mạc Thiệu Khiêm vẫn thản nhiên, tôi không hiểu hắn đang nghĩ gì, xưa nay, tôi chưa lúc nào cắt nghĩa được con người hắn, muốn
đoán xem tâm trạng của hắn thế nào quả là một việc vô cùng mệt mỏi.

Có lẽ hắn chỉ đang cảnh cáo, muốn tôi hạn chế qua lại với Mộ Chấn Phi mà
thôi. Nhưng sao phải quanh co, phí sức thế, chỉ cần nói thẳng với tôi
rằng Mộ Chấn Phi là em vợ của hắn đấy, đảm bảo ngón ù té quyền của tôi
sẽ ăn đứt Na Tra. Tôi nào phải hạng không biết sợ chết, cũng chẳng phải
ngữ không biết nhục, tôi luôn chủ động tránh né tất cả những gì dính
dáng đến vợ hắn càng xa càng tốt, huống chi là em ruột của vợ hắn.

Về đến nhà, tôi sượng sùng nói:

- Sau này em sẽ không tái phạm nữa.

Hắn vừa gỡ cúc tay áo vừa liếc tôi:

- Những chuyện ngu xuẩn thế này, anh cũng không muốn giúp em giải quyết đến lần thứ hai.

Thật là oan cho tôi và Mộ Chấn Phi, tôi dám quả quyết rằng từ xưa đến nay,
Mộ Chấn Phi chưa hề có ý gì với tôi, và tôi thì cũng vậy, thật đấy!

Bây giờ, tôi lại có chút rùng mình trước khả năng kiềm chế của Mộ Chấn Phi. Tối nay, anh ta hoàn toàn tỉnh bơ. Mộ Chấn Phi mà tôi biết trước đây
không đến nỗi dửng dưng như thế. Tôi cũng chẳng hiểu nổi, hay anh ta đã
biết từ lâu rồi? Tôi tự nhận mình cũng khá kín tiếng về mối quan hệ bất
chính với Mạc Thiệu Khiêm nên trong trường không một ai hay biết, nhưng
trên đời làm gì có bức tường nào kín gió, biết đâu bấy lâu nay, chỉ có
mình tôi vải thưa đòi che mắt thánh. Nhưng sao Mộ Chấn Phi lại tỏ ra
bình tĩnh nhường này? Theo lẽ thường, đáng lẽ anh ta phải thay mặt chị
mình dằn mặt tôi mới phải chứ? Hay do bản thân Mạc Thiệu Khiêm quá ngông nghênh? Chẳng lẽ hắn không sợ bị em vợ bóc mẽ sau đó lục đục với vợ
sao? Tự dưng tôi thấy ớn lạnh, tự hỏi lúc đầu mình quen Mộ Chấn Phi thế
nào? Phải chăng anh ta đã biết mối quan hệ giữa tôi và Mạc Thiệu Khiêm
từ lâu, nên cố tình lấy điện thoại ném tôi?

Tôi thấy sợ hai gã đàn ông thâm sâu khó lường này.

Mạc Thiệu Khiêm coi chuyện này chỉ như một việc ngu xuẩn. Tôi cũng thấy mình thật ngốc, để người ta đùa giỡn trong lòng bàn tay.

Lúc ấy, Mạc Thiệu Khiêm vẫy tay gọi tôi, tôi lê bước tiến về phía hắn như
thể mình là Đáng Yêu, trong đầu cân nhắc xem có nên tiếp tục làm kiểm
điểm với hắn hay không, hay cứ bước liều qua bên đó, hy sinh chút thân
mình? Tôi vẫn đang lưỡng lự nhưng hắn không cho tôi thời gian để suy
nghĩ thấu đáo, hắn dốc sức tận dụng sự hy sinh thân mình của tôi.

Sau khi Mạc Thiệu Khiêm đi, tôi trở lại với cuộc sống yên bình trong
trường. Lên lớp, tan học, ăn cơm, lấy nước… Dường như Mộ Chấn Phi cũng
lặn mất tăm. Lúc đầu, Duyệt Oánh cũng rầu rĩ lắm, còn tôi thì toe toét
nói:

- Chẳng lẽ bắt người ta lấy nước cho tớ những một năm thật à? Đùa thôi mà, hơn nữa anh ấy sắp tốt nghiệp rồi, bận là đúng thôi.

Sinh viên năm cuối ai mà chẳng bận rộn lu bù, không lo xuất ngoại thì cũng
ôn thi thạc sĩ, không ôn thi thạc sĩ thì cũng ráo riết tìm việc, huống
chi Mộ Chấn Phi là nhân vật đình đám, tiền đồ vô cùng rộng mở. Đội ơn
trời, đội ơn đất đã cho tin đồn giữa tôi và Mộ Chấn Phi trở thành dĩ
vãng. Tôi chủ động thu hẹp phạm vi sống của mình, không thường xuyên đi
ăn ké Duyệt Oánh và Triệu Cao Hưng nữa, kẻo lại chạm mặt Mộ Chấn Phi.

Những người tôi tránh ngày một nhiều, chỉ vì chuyện thậm thụt, xấu xa này mà
đến bản thân tôi cũng không rõ rốt cuộc mình cần phải tránh bao nhiêu
người.

Thế mà tôi lại không trốn được Lâm Tư Nhàn. Không hiểu cô ấy dò hỏi kiểu gì mà lại biết được số điện thoại của tôi, mà có khi
chính tôi đã buột miệng nói cho cô ấy biết từ lần ăn lẩu dê hôm đó cũng
nên. Lần đấy, tôi huyên thuyên hơi nhiều, cả chuyện cần nói lẫn chuyện
không nên nói, tôi chẳng nhớ nổi mình đã ba hoa những gì, chỉ nhớ hôm
đó, tôi thao thao bất tuyệt không ngơi miệng, cứ sợ một khi ngừng lại sẽ để xảy ra những chuyện khó lường.

Nói đúng ra, nếu chuyện khó lường thực sự xảy ra thì muốn tránh cũng không được.

Tôi dềnh dàng ở ký túc xá nửa ngày, mãi sau mới đi chải đầy, thay quần áo,
cuối cùng không thể nấn ná thêm nữa, đành xách túi, đi gặp Lâm Tư Nhàn.

Lâm Tư Nhàn hẹn tôi ở một quán cà phê ngoài cổng Tây, gọi là quán cà phê
thôi chứ thực ra là do sinh viên tự mở, chủ yếu bán đồ ngọt và thức
uống, giá cả không đắt lắm. Tôi gọi trà sữa trân châu, Lâm Tư Nhàn chọn
trà xanh. Phục vụ bưng đồ uống lên, tôi cầm cốc trà sữa hút một hơi, sau đó cắn ống hút theo thói quen. Tôi có tật xấu hay cắn đồ vật mỗi khi
căng thằng, Mạc Thiệu Khiêm uốn nắn nhiều lần rồi nhưng tôi không sửa
được, cứ căng thẳng là thói xấu lại tái diễn.

Hôm nay, tiết trời nắng ráo, vạt nắng rực rỡ tràn qua khung cửa sổ, hắt chếch xuống chén
trà thủy tinh trong suốt đặt trước mặt Lâm Tư Nhàn, lá trà xanh non dập
dềnh, khoan thai bung mình, giãn nở trong nước. Tia nắng chớm đông dìu
dịu đậu trên khuôn mặt Lâm Tư Nhàn, nhìn cặp mắt hạnh có phần trũng sâu, tôi chợt nghĩ hình như cô ấy thiếu ngủ. Tôi ngây người nhìn, thế rồi cô ấy bật cười, móc trong túi ra bao thuốc lá, nhanh nhẹn rút một điếu,
hỏi tôi:

- Cậu hút thuốc không?

Tôi giật mình trước cử
chỉ của Lâm Tư Nhàn. Trong trí nhớ của tôi, Lâm Tư Nhàn những năm cấp ba luôn là một cô gái dịu dàng, thùy mị, nổi danh nhất khóa, sống quy củ,
nề nếp, dù thế nào đi nữa cũng không thể có thói quen hút thuốc. Tôi lắc đầu, cô ấy rút bật lửa, châm thuốc một cách điêu luyện, nói:

- Năm thứ nhất tôi đã tập hút rồi, sau đó thì không ngừng được.

Cô ấy im lặng một lúc rồi mỉm cười:

- Có rất nhiều việc một khi đã bắt đầu thì không cách nào ngừng được nữa.

Nhìn những đợt khói trào ra từ miệng cô ấy sao mà xa cách, lạ lẫm quá! Qua
làn khói vẩn vơ, gương mặt mộc vẫn mịn màng, sáng sủa như xưa, gợi tôi
nhớ về thời cấp ba. Hồi đó, hằng ngày, chúng tôi chỉ biết học hành chống chế với thầy cô và thi cử, tuổi xuân phơi phới, cuộc đời thênh thanh,
tha hồ bay nhảy. Thế mà ngày hôm nay, tuổi xanh đã là một nắm cát trong
lòng bàn tay, càng cố giữa lại càng dễ vuột mất.

Cuồi cùng, Lâm Tư Nhàn dụi mạnh đầu lọc vào gạt tàn, giọng điệu vẫn đều đều như trước:

- Đồng Tuyết này, cậu giúp tôi một việc được không?

Tôi hỏi:

- Việc gì vậy?

Dưới ánh nắng phơn phớt của ngày đông, hàng mi dài rậm của cô ấy như cánh
chuồn giăng mắc bên bờ ao sau cơn mưa mùa hạ, bơ vơ giã trời quang mây
tạnh, rối ren không một ai hiểu. Cô ấy nói:

- Bà ngoại Tiêu Sơn vừa mất tuần trước.

Tôi không kìm được, bật ra tiếng “hả”. Lần trước, Tiêu Sơn nói bà đang nằm
viện, tôi định đi thăm vì bà đối với tôi rất mực ân cần nhưng do nhát
chết, sợ chạm mặt Tiêu Sơn nên không dám đi.

- Cậu cũng biết
đấy, bố mẹ anh ấy ở nước ngoài nhiều năm, bà ngoại qua đời khiến anh ấy
rất suy sụp. Tiêu Sơn xin phép nghỉ ba ngày để chịu tang bà, đáng lẽ
phải đi học từ lâu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa về. Không ai biết anh ấy
đi đâu. Anh ấy tắt máy, không về ký túc xá, cũng không về nhà. Tôi không tìm được anh ấy, không ai tìm được cả.

Tôi thì thào nói:

- Tôi không gặp anh ấy

- Tôi biết.

Lâm Tư Nhàn nhìn tôi bằng đôi mắt đen láy mà sâu thăm thẳm.

- Tại tôi lo quá hóa quẩn, những nơi có thể tìm, tôi đều lùng sục cả rồi
nhưng vẫn không thấy bóng dáng anh ấy đâu. Tôi lo nếu anh ấy cứ bỏ học
thế này thì sẽ không giấu nổi văn phòng khoa. Tôi không muốn chuyện này
ảnh hưởng đến tương lai của anh ấy. Nếu có gặp, mong cậu hãy an ủi anh
ấy vài câu thôi cũng được.

Tôi thẫn thờ nhìn Lâm Tư Nhàn. Một
người quen sống tự cao tự đại, giờ lại nói với tôi những lời này, chắc
hẳn là vì bản thân cô ấy đang thật sự rơi vào tuyệt vọng.

Cô ấy
không tìm được Tiêu Sơn, vậy còn tôi? Tôi biết đi đâu để tìm anh đây? Từ khi chia cắt, tôi không có cách nào tìm được anh quay về.

Buổi
chiều không có tiết học, tôi đưa Lâm Tư Nhàn đi tìm thêm vài chỗ, gọi
điện cho mấy người bạn thân quen với Tiêu Sơn đang ở vùng khác nhưng họ
cũng không hề hay tin về anh. Thậm chí chúng tôi còn về trường cấp ba
cũ, nơi mà tôi cho rằng cả đời này mình sẽ không bao giờ đặt chân tới
nữa. Lúc ấy vừa vặn giờ tan học, không ít người bất chấp giá rét, đuổi
theo quả bóng rổ trên bãi tập. Bên lề sân bãi, nghe tiếng bóng đập sàn
“bang bang” quen thuộc, tôi và Lâm Tư Nhàn hoang mang dõi mắt nhìn theo
đám thanh niên tràn trề sức sống ấy.

Không thu hoạch được gì,
lúc ra khỏi trường thì trời đã sẩm tối. Tôi vừa mệt vừa đói, còn Lâm Tư
Nhàn vẫn giữ vẻ bình tĩnh lạ thường, dường như cô ấy đã quá quen với sự
thất vọng và hụt hẫng. Tôi nói:

- Thôi cứ về trước đã, tôi sẽ cố nhớ xem anh ấy còn có thể đi đâu. Nếu nghĩ ra, tôi sẽ gọi điện cho cậu.

Tôi đi xe điện về trường, vừa xuống xe, chợt thấy tuyết đang rơi. Bông
tuyết nhỏ nương theo gió lạnh, quất vào mặt như những nhát dao. Bụi
tuyết lóng lánh dưới ánh đèn đường màu cam, tựa những cánh hoa rối bời
ưu tư.

Tôi nhớ lại hôm chia tay Tiêu Sơn cũng là lúc chạng vạng
lạnh lẽo thế này. Lúc ấy, trời âm u như chực trút xuống một cơn mưa
tuyết.

Tôi vẫn nhớ như in, hôm đó trời nhá nhem tối, từ xa đã
thấy dáng anh cao dong dỏng trong bộ đồng phục đang đứng trước bồn hoa.
Nhà cậu mợ nằm trong một con ngõ nhỏ cổ xưa, giàn hoa quanh năm lá xanh
um tùm, bóng ngả xế tà, nhìn thấp thoáng từ xa trông như hàng giậu thấp
bé màu than chì. Anh đang đứng trước hàng giậu ấy, còn tôi cúi gằm mặt,
tay xỏ vào túi áo. Lúc quýnh quáng chạy xuống, tôi quên xỏ găng tay,
mười đầu ngón tay đặt trong túi mà vẫn rét cóng. Tôi không biết anh định nói gì, từ mấy ngày trước, hai đứa đã rơi vào tình trạng bế tắc kỳ quái này, tôi không muốn nói gì với anh, mà anh đối với tôi cũng lúc xa lúc
gần. Tất cả những chuyện vặt vãnh đều khiến tôi buồn. Cảm giác buồn
phiền không chỗ trút ấy xen lẫn những nỗi ưu tư phức tạp khác. Tôi nhớ
mẹ, tự nhủ giá như mình có gia đình, cuộc sống của mình đã tốt hơn biết
bao. Thế nhưng lý do khiến tôi mềm yếu là do tôi không có gia đình, tôi
chỉ có mình Tiêu Sơn, anh thừa hiểu điều đó. Tôi và anh tần ngần đừng
dưới bóng hoàng hôn một lúc lâu, tôi lo cậu sắp về, để cậu hoặc mợ thấy
tôi đứng dưới này cùng một bạn nam, có nhảy xuống sông Hoàng Hà tôi cũng không hết oan. Tôi bèn nói:

- Em phải lên nhà đây!

- Em giận anh vì đồng ý giúp Lâm Tư Nhàn làm báo tiếng Anh ở trường à?

Lời anh nói khiến trái tim tôi lập tức nguội lạnh, anh chẳng hiểu gì cả… Tự nhiên, tôi kích động đến mức chỉ muốn quay đầu bỏ chạy. Rất lâu về
trước, tôi từng làm một bài tập Ngữ văn, đề là gì thì quên rồi, nhưng
liên quan đến một đoạn trong Hồng lâu mộng, phải chọn một trong bốn đáp
án, trong đó có một đáp án viết: “Đoạn văn trên nói tính cách của Bảo
Ngọc và Đại Ngọc không hợp nhau, từ đó đã tạo nên bi kịch tình yêu giữa
Đại Ngọc và Bảo Ngọc.”

Lúc đó, tôi loại trừ đáp án này đầu tiên, còn tự nhủ: đúng là một đáp án dở hơi, nghe mà buồn cười. Bảo Ngọc và
Đại Ngọc sao có thể “tính cách không hợp nhau” được? Họ ý hợp tâm đầu
đến thế cơ mà, câu chuyện tình cảm đầy éo le của họ là do chế độ phong
kiến dã man gây ra đó chứ? Ngờ đâu đáp án chính xác lại là “tính cách
không hợp” khiến tôi vừa kinh ngạc vừa bất ngờ.

Nhưng người duy nhất khiên em Lâm[1] thổ huyết chết chẳng phải là Bảo Ngọc thì là ai?

[1] Em Lâm: chỉ Lâm Đại Ngọc, một trong ba nhân vật chính trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng.

Anh ta quá hiểu cô ấy, nhưng thật ra lại chẳng hiểu gì về cô ấy cả.

Tôi cố tỏ vẻ bình tĩnh:

- Anh và Lâm Tư Nhàn làm báo trường thì liên quan gì đến em mà em phải giận?

- Em như thế này mà bảo là không giận à?

Anh gắt gỏng:

- Sao em chẳng có chút niềm tin nào ở anh thế?

Tôi nhìn anh từ xa, đôi lông mày ấy hơi nhíu lại, hiển nhiên anh đang giận
tôi vô cớ sinh sự, trong trái tim anh, lúc nào tôi cũng là người vô lý.
Anh thừa hiểu tôi lo ngại mối quan hệ giữa anh và Lâm Tư Nhàn, bởi vì
tôi sợ có quá nhiều người coi họ như một đôi kim đồng ngọc nữ, còn tôi
chỉ là con bé Lọ Len vô tình bấu víu lấy hoàng tử, lúc nào trong lòng
cũng canh cánh nỗi lo một ngày nào đó, hoàng tử sẽ phải lòng cô công
chúa đích thực kia. Bỗng dưng tôi thấy sờn lòng:

- Mặc xác anh làm báo tường với ai, giao du với ai, chẳng liên quan đến em.

Dường như câu nói của tôi đã chặn ngang họng anh, mất mấy giây anh mới buông được tiếng cười gằn:

- Anh biết em đang nghĩ gì.

Tôi không thể chịu đựng nổi kiểu cách quái gở của anh, bèn tức tối buột miệng nói:

- Em nghĩ gì cũng chẳng phải việc của anh.

Và rồi, anh thản nhiên nói:

- Đã thế thì chia tay đi.

Trái tim tôi nhảy dựng lên như bị kim chích, dường như chẳng nghe rõ anh
đang nói gì. Trước đây, chúng tôi cũng từng xích mích vài lần, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc anh sẽ nói ra câu chia tay. Tôi mím môi, cắn
chặt hai hàm răng, ngăn mình không thốt ra những âm thanh run rẩy, ngoài mặt vẫn giữ vẻ điềm nhiên. Tôi luôn đinh ninh, có Tiêu Sơn là có cả thế giới, thế mà giờ đây, cả thế giới đã ruồng bỏ tôi mất rồi. Trong phút
chốc, lòng tự tôn lẫn bản năng rủ nhau trỗi dậy, tôi nghe thấy giọng
mình dõng dạc mà gay gắt:

- Chia tay thì chia tay.

Anh
lập tức quay gót, sải những bước dài không hề lưu luyến, để lại mình tôi nhìn theo bóng anh khuất dần, cái lạnh thấm vào người khiến tôi run lẩy bẩy.

Đã nhiều lần, cảnh hoàng hôn ngày ấy theo chân tôi vào
trong giấc mơ, tôi mơ thấy anh quay bước bỏ đi. Tôi khóc nấc từng cơn
cho đến khi choàng tỉnh, nhưng lại không đủ dũng khí đuổi theo níu kéo,
xin anh đừng chia tay nữa.

Thế rồi, rất lâu sau tôi mới hiểu,
trên đời này thế nào cũng có một người, dù những ngày anh ấy thuộc về
bạn vô cùng ngắn ngủi, nhưng để quên được anh ấy, bạn phải cần tới cả
đời.

Tôi rảo bước từ trạm xe điện về trường, không bắt taxi,
cũng không lên xe bus, cứ đi bộ cho đến khi mệt lừ. Suốt dọc đường, đầu
óc chỉ quanh quẩn nghĩ về Tiêu Sơn, bao lâu rồi tôi chưa từng nhớ anh
đến thế. Mọi khi, tôi thường cố gắng lảng tránh tên anh, giấu anh ở một
chỗ thật sâu. Có quá nhiều thứ buộc tôi phải vùi lấp những kỷ niệm về
anh, giây phút tôi được tự do hồi tưởng thực sự rất ít ỏi, chẳng mấy khi xa xỉ như tối nay.

Lúc tôi về trường thì căng tin đã đóng cửa
từ lâu. Tôi lê đôi chân đã tê cóng vì lạnh, mò ra một quán nhỏ ngoài
cổng Tây, gọi một bát mì cạo. Mì vẫn chưa được mang ra, tôi vuốt dọc
đường vân trên đôi đũa gỗ, ngồi vắt óc suy nghĩ, liệu Tiêu Sơn có thể đi đâu được? Hay anh gặp chuyện chẳng lành, hoặc anh chỉ đang trốn ở một
nơi hẻo lánh nào đó? Tôi từng mất những người thân nhất, tôi biết cảm
giác đau khổ đến mức hoảng loạn ấy mang hình hài ra sao. Không một ai có thể khuyên giải, an ủi, bởi vốn dĩ chưa ai từng trải qua cảm giác của
tôi.

Sau khi bố mẹ qua đời, tôi bỏ ăn, bỏ uống, nằm ì trên
giường mấy ngày liền, tự hỏi sao bố mẹ tàn nhẫn thế, sao không mang tôi
theo? Nỡ lòng nào bỏ tôi ở lại, để tôi gánh chịu sự đau khổ nhường này.

Khi đó, tôi đã khóc cạn nước mắt, chẳng khác nào một cái xác không hồn.

Ông chủ bưng bát mì nóng hổi, bốc khói nghi ngút lên, tôi bỗng nhớ ra một
chuyện, mặc xác những suy nghĩ của tôi có đúng hay không, tôi vẫn muốn
đi xem thử. Tôi bỏ bát mì chưa đụng đũa cùng tiền ở lại, rồi bỏ đi.

Tôi biết mình chỉ đang kiếm cớ thôi. Tôi đáp chuyến tàu cao tốc liên thành
đến thành phố T lân cận. Ngồi trên tàu, nhìn những ngọn đèn chớp nháy
vụt qua tầm mắt dọc theo tuyến đường ray bên ngoài cửa sổ, dạ dày dấy
lên cảm giác trống trải, trong đầu cũng là một mảng rỗng tênh. Thực ra,
bản thân tôi đang cố vịn vào một cái cớ, anh đã rời xa tôi bấy lâu nay,
dù anh có ở đó hay không, tôi cũng muốn thử đến xem sao.

Rời ga
lúc rạng sáng, tôi vẫy taxi, đọc địa chỉ cho lái xe. Dường như phố xác
vừa bừng tỉnh từ cơn nhập nhèm ngái ngủ. Lúc trời còn tờ mờ sáng, trong
làn hơi sương, ngọn đèn đường vẫn tỏa ánh sáng quạnh quẽ xuống phố xá
thưa thớt xe cộ. Tôi nhớ lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Tiêu Sơn
đưa tôi đến thành phố T là vào kỳ nghỉ hè năm lớp mười một. Trước đây,
ông bà ngoại Tiêu Sơn có một căn nhà cũ ở thành phố này, vỗn dĩ là để
lại cho dì út của anh, sau này dì ra nước ngoài định cư, nhà cũng để
trống từ đấy. Ngày đó, anh dẫn tôi len lỏi khắp mọi ngóc ngách của phố
phường, kể cho tôi nghe những chuyện thưở thơ bé.

Taxi dừng ở
đầu hẻm, tài xế bật đèn xe tìm tiền lẻ trả tôi. Tôi tranh thủ ngó ra
ngoài cửa xe, tự hỏi không biết quán mì năm đó có còn không. Cuộc sống
này luôn vận động, thay đổi từng ngày, chắc họ đã dẹp quán từ lâu rồi.

Rạng sáng, trời se buốt, những cơn gió lạnh thấu tim thổi tới, tôi bước men
theo con hẻm được bao bọc bởi hai bức tường xi măng cao vút màu xám xịt, trong con ngõ này hầu như toàn là những hộ gia đình sống lâu năm. Lúc
đầu, tôi suýt lạc đường, mãi sau mới tìm được cổng vào. Phòng bảo vệ vẫn sáng đèn nhưng chẳng thấy ai, bên cạnh cánh cổng sắt đóng im ỉm là cổng phụ vẫn mở toang. Có người hình như mới đi về đến cổng, đang hì hục dắt xe đạp điện, pê-đan vấp vào bậc, phát ra tiếng vang lanh lảnh. Tôi theo chân người đó đi vào, ông bảo vệ từ đâu bước ra nhưng cũng không gọi
tôi lại.

Người tôi run lên bần bật, không hề cảm thấy vui mừng, bước chân líu ríu, chẳng biết vì lạnh hay vì sợ hãi.

Những ngôi nhà cổ nằm san sát như những con thú trầm mặc, ẩn mình dưới ánh
sáng tờ mờ khi trời còn chưa sáng hắn. Tôi len lỏi giữa những lối đi,
căn nhà nào cũng một vẻ như nhau, nhìn lên chỉ thấy bầu trời sớm mai mịt mù, rét mướt. Chân đã mềm nhũn, tôi đành ngồi phịch xuống bồn hoa. Bồn
hoa phủ lớp gạch men, hơi lạnh thấm buốt đến tận xương tủy. Nhìn ra xa,
tòa nhà nào cũng có nét hao hao như thể vừa gặp qua, một vài ô cửa sổ
sáng đèn, có cụ già đã dậy sớm chạy bộ trong cái rét cắt da cắt thịt…
Tôi ngồi ở bồn hoa, bơ phờ mệt mỏi. Tôi biết, tôi khẳng định mình không
thể tìm ra.

Giá rét đang ngấm vào tận xương tủy, hai chân tê
cóng, lạnh ngắt, đùi bắt đầu co giật, nhưng tôi chẳng buồn cựa quậy.
Cảnh cô bé bán diêm gặp trước lúc chết cóng là điều cô thấy hạnh phúc
nhất đời, giá mà tôi có thể chết cóng ở đây, có khi cũng sẽ thấy những
điều hạnh phúc bấy lâu nay mình ấp ủ. Bao năm qua, tôi chôn vùi tuổi
xuân của mình, tưởng rằng thế đã đủ để khiến bản thân phiêu dạt nơi xa,
vậy mà hôm nay tôi lại chạy đến đây như một người mất trí.

Ai đó đã dùng phấn viết lên lớp xi măng sần sùi nơi góc tường màu xám đối
diện: “Hứa Hữu Hữu yêu Châu Tiểu Manh”. Dòng chữ xiêu vẹo này chỉ có thể là của bọn nhóc tiểu học. Bọn trẻ con rảnh rỗi vẫn thích bày trò lấy
phấn vẽ đầy những nét nguệch ngoạc lên góc tường nào đó ít ai để ý. Nội
dung vô cùng tai quái, ví dụ như ai yêu ai, lúc đó, chẳng biết yêu là gì đâu, cứ nghĩ chữ “yêu” thật thần bí, một khi tên mình bị ghi lên tường
thì giận dỗi đối phương mất mấy ngày. Cho đến khi hiểu rồi mới vỡ lẽ,
hóa ra chữ “yêu” đó lại khiến người ta tuyệt vọng đến thế.

Tôi
không biết mình đã ngồi đây bao lâu, trời rét căm căm, lạnh đến nỗi não
sắp đông cứng. Lúc móc điện thoại ra, dường như tôi còn nghe rõ mồn một
tiếng kêu răng rắc của các khớp xương.

Tôi gọi cho Lâm Tư Nhàn,
nghe giọng cô ấy lơ mơ, ngái ngủ. Nhìn điện thoại mới bảy giờ sáng. Lưỡi tê dại vì cóng, răng môi líu ríu vào nhau:

- Tôi đoán ra chỗ Tiêu Sơn đang ở rồi.

Cô ấy lập tức tỉnh táo và ráo riết hỏi tôi.

- Dì anh ấy có một căn hộ, cậu ghi lại địa chỉ đi.

Tôi đọc xong địa chỉ, cô ấy luôn miệng nói “cám ơn”. Có lẽ, chỉ khi bạn yêu một ai đó với tất cả trái tim mình, bạn mới có thể quan tâm đến an nguy và niềm vui của người ấy đến vậy. Tôi ngắt điện thoại bằng chút sức lực cuối cùng, sau đó gục mặt xuống đầu gối.

Bao lâu nay, tôi vẫn không đủ can đảm để đối diện với dĩ vãng, đến khi mạnh mẽ hơn thì đã không thể tìm được Tiêu Sơn nữa rồi.

Tận lúc ngồi tàu về trường, không khí ấm áp trên tàu mới khiến tôi bình
tĩnh trở lại. Bụng đói cồn cào, tôi đành đến toa nhà ăn gọi một bát mì,
chỉ trong chốc lát, đầu bếp đã làm xong.

Cả một tô mì to đùng,
nước dùng sóng sánh, lại còn mùi gia vị. Bàn ăn trên tàu trải khăn theei hoa màu trắng, đoàn tàu lướt đi êm ru, mặt nước canh chỉ hơi sóng sánh, dập dềnh, tôi vuốt nhẹ đường vân trên đôi đũa gỗ, miên man nghĩ về
thành phố tàu vừa rời ga. Tôi biết ở đầu ngõ có một hàng mì cạo rất
ngon. Tiêu Sơn từng dẫn tôi đến đó ăn thử một lần. Tôi vẫn nhớ vị cay xé lưỡi đã khiến chóp mũi Tiêu Sơn đỏ ửng, trán vã đầy những giọt mồ hôi
óng ánh.

Anh thì thầm với tôi:

- Anh biết ăn mì bằng đũa là nhờ quán này đấy.

Tôi bật cười:

- Thế bình thường anh ăn bằng gì? Dùng tay bốc à?

Anh nói:

- Đương nhiên phải dùng dĩa chứ.

Tôi nhớ mãi nụ cười của anh ngày đó, đôi mắt long lanh chan chứa bóng hình tôi.

Mùa hè năm lớp mười một là kỳ nghỉ vui nhất trong cuộc đời tôi, lúc ấy, nhờ có học bổng nên hầu như ngày nào tôi cũng kiếm cớ ra ngoài để được ở
cạnh Tiêu Sơn. Chúng tôi đi công viên chèo thuyền, anh dẫn tôi đi bơi,
dạy tôi chơi squash[2]. Thậm chí có hôm chúng tôi còn lén mua vé tàu về
thành phố T chơi.

[2] Squash: môn thể thao giống tennis, nhưng
chơi trong phòng kín, vợt ngắn hơn và bóng cũng nhẹ hơn. Người chơi đánh bóng vào vách tường có gạch mức để làm chuẩn tính điểm, có thể chơi một mình.

- Dì út đi nước ngoài, giao chìa khóa cho anh, không ai
biết chỗ này cả, có lúc một mình anh cũng trốn về đây. Hồi nhỏ, ông bà
ngoại còn sống ở thành phố T, anh ở lại thành phố này lâu nhất. Hồi đấy, mỗi kỳ nghỉ hè, bố mẹ thường gửi anh về nước, xóm cũ năm đó vui lắm,
anh có rất nhiều bạn bè đồng trang lứa, cả lũ thường bày trò chơi chung. Anh có cảm giác được về đó nghỉ hè là điều tuyệt vời nhất.

Anh mỉm cười thẹn thùng:

- Bọn nó gọi anh là thằng Tây con, vì lúc ấy mới về nước, tiếng Trung của anh không sõi lắm, tiếng Anh còn lưu loát hơn cả tiếng mẹ để. Đã thế
lại không biết dùng đũa ăn mì.

Tiêu Sơn quen cầm đũa và dao bằng tay trái, tôi thường trêu anh là đồ thuận tay trái. Lúc đó anh đang cắt cà chua trong bếp, đầu vẫn cúi gằm, nhưng miệng nói:

- Thuận tay trái thì làm sao nào? Thuận tay trái còn hơn người không biết nấu cơm.

Tôi lè lưỡi, không dám trêu anh nữa. Chẳng mấy khi có dịp chỉ hai người với nhau trong một căn hộ cũ nhưng đầy đủ tiện nghi như thế này, chúng tôi
tha hồ quậy phá. Tôi hớn hở nói mình sẽ tự nấu cơm, còn nằng nặc đòi đi
chợ mua thức ăn. Mùa hè ở thành phố T oi ả vô cùng, mặt trời giữa trưa
gắt nư đổ lửa, từ nhà đi ra chợ có mấy bước mà cả người đã đẫm mồ hôi.
Bên đường có quầy giải khát ướp lạnh, Tiêu Sơn mua cho tôi một que kem
muối:

- Ăn thử cái này xem, hồi nhỏ anh chỉ khoái loại này thôi, mấy loại kem bình thường còn lâu mới bằng được nó.

Dọc đường về, tôi vừa mút kem vừa bám theo anh. Tưởng như mình đang là một
đứa trẻ được người lớn dắt đi, chẳng phải lo nghĩ gì, cảm giác yên tâm
lạ lùng.

Về đến nhà, hai đứa mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đứng trước chiếc điều hòa cũ hóng gió, mãi sau mới tỉnh người.

Tiêu Sơn hỏi:

- Em định nấu món gì thế?

Tôi không chớp mắt, nói:

- Trứng xốt cà chua.

Cuối cùng, Tiêu Sơn vẫn phải vào bếp trổ tài, tuy tay nghề cũng chẳng khá
khẩm hơn tôi. Hai đứa chen chúc trong bếp, làm mọi thứ rối tinh lên, tôi khăng khăng nói trứng với cà chua phải cho vào cùng lúc, Tiêu Sơn cãi
phải xào cà chua trước mới đúng. Sau đó, khi dầu già lửa, thấy anh đổ cà chua vào nồi, tôi liền nhanh nhảu đổ luôn trứng vào.

Dầu đang
sôi lại gặp trứng nên nổ bắn lên tay bỏng rát, tôi la toáng lên. Tiêu
Sơn vội chụp lấy tay tôi, đưa tới vòi nước, vừa xả nước vừa sốt sắng
hỏi:

- Có đau không?

Làn nước mát lạnh xối qua mu bàn
tay, chỗ bị bỏng cũng dần se lại. Cánh tay Tiêu Sơn vẫn đỡ trên eo tôi,
lòng bàn tay anh nóng hầm hập. Cách lớp váy mỏng manh, có cảm giác tay
anh như một chiếc que hàn nóng rát khiến tôi bối rối, mất tự nhiên, tôi
thẹn thùng nói:

- Không đau nữa rồi…

Không khí trong bếp trở nên bức bối, máy hút mùi kêu vù vù. Chiều mùa hạ chìm vào lặng im,
thậm chí tiếng ti vi ở phòng khách cũng giống như đang ở một thế giới
khác. Tầng trên tầng dưới im ắng lạ thường, tim tôi đập rộn ràng, gương
mặt anh cứ thấp dần. Tiêu Sơn cao hơn tôi rất nhiều, ở khoảng cách gần
kề này, hàng lông mi dày rậm của anh chạm hẳn vào mặt tôi, còn tôi lại
trở nên đờ đẫn. Khoảnh khắc hai đôi môi gặp nhau, tôi có cảm giác cơ thể mình như một chảo dầu, nổ đoàng một tiếng, suýt thì bốc cháy.

Dường như toàn bộ nước trong cơ thể đều bốc hơi hết. Khi môi anh rời khỏi môi tôi, mặt tôi đỏ như quả cà chua. Tôi thấy anh cũng thế, thậm chí phần
cổ cũng đỏ ửng, tôi choáng váng, thở không ra hơi, như thể bị cảm nắng.

- Em phải hít thở chứ!

Giọng anh khe khẽ, khàn khàn thì thào, quả thật tôi cũng quên cả hít thở.
Nghe anh nhắc, tôi mới sực nhớ ra, rồi hít một hơi thật sâu. Tôi hấp tấp đẩy anh ra:

- Anh làm gì kỳ thế!

Cũng chẳng hiểu tại
sao tôi lại hung dữ thế, chắc do đã quá ngượng. Mặt anh đỏ bừng, tay vẫn bám siết eo tôi, gỡ không được mà thả cũng không xong. Dầu cháy xì xèo, tôi đẩy Tiêu Sơn ra, chạy qua nhấc cái chảo, mau mà chưa cháy khét, tôi cầm chảo, đảo đều trứng và cà chua, đầu vẫn chưa thôi váng đất. Còn anh vẫn im re, đứng chôn chân tại chỗ như một đứa trẻ biết lỗi. Tôi tắt
bếp, cố tỏ vẻ bình thường, quay đầu hỏi:

- Đĩa đâu anh?

Đĩa trứng xốt cà chua được bày ra bàn ăn, lúc Tiêu Sơn ăn miếng đầu tiên,
tôi mới nhớ hình như chưa bỏ muối. Thế mà tôi và Tiêu Sơn vẫn ăn hết cả
một đĩa to.

Nụ hôn đầu đời có vị chua chua ngòn ngọt như món
trứng xốt cà chua, dù không hề nêm nếm bất cứ gia vị nào, nó vẫn mang dư vị tuyệt vời nhất thế giới.

Melody

Giờ đây em mới vỡ lẽ,

Thì ra anh đã thuộc về miền ký ức rất xa.

Biết giải thích thế nào khi có người nhắc tên anh.

Bản nhạc này em soạn không dấu kết,

Biết viết tiếp thế nào đây hỡi anh>

Như hơi thở vương lại nơi con phố

Vô tình gọi nụ cười và nước mắt ngày xưa ùa về

Tim em nhói đau không sao nén được

Thì ra em chưa hề quên.

Đào Triết


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui