Sau khi hỏi thăm tình hình bà ngoại, Tuyết chần chừ một lúc rồi nói với bà Ngà.
“Mẹ với Ngọc về nghỉ đi, để con vào thay cho”.
Biết con gái không được khỏe nên bà vội ngăn cản.
“Đâu được, cũng trễ rồi, con nghỉ ngơi đi”.
“Dù sao con cũng không ngủ được”.
Tuyết buồn bã đáp.
Bà Ngà đoán biết ý tứ trong lời nói của con nên nhẹ nhàng hỏi.
“Tuyết, con lại có chuyện không vui sao?”
Tuyết rất muốn kể hết những ấm ức trong lòng mình với mẹ, nhưng nghĩ lại thì không muốn bà lo lắng thêm nên lại thôi.
Cô chỉ đành thở dài.
“Haiz, dạ không có gì, lát nữa con sẽ đến bệnh viện, mẹ nhắn địa chỉ cho con đi”.
Tuyết cúp máy rồi bước vào phòng tắm thay đồ.
Cô gọi con Mễ lên dọn phòng cho mình, không kèm lời đe doạ rằng phải sắp lại cho đúng vị trí.
Con Mễ cúi đầu dạ thưa không ngớt.
Mễ đi theo Tuyết từ nhỏ nên dù thế nào cũng sẽ làm vừa ý hơn.
Tuyết vào thay ca, bà Ngà và Ngọc trở về.
Bà ngoại của cô cũng đã ngủ.
Tuyết nhìn bà nằm lọt thỏm giữa chiếc giường trắng, xung quanh là vô số dây truyền được ghim vào cơ thể ốm yếu già nua, chiếc máy đo ở đầu giường thì vang lên âm thanh ổn định vốn có của nó.
Tuyết thấy thương bà vô cùng.
Cô quan sát quanh phòng rồi đi ra hành lang lấy vào một cái ghế.
Cô ngồi xuống bên cạnh giường và lấy một quyển sách ra đọc để giết thời gian.
Đồng hồ điểm 2h20 sáng, ngoài hành lang tối om chợt vang lên tiếng rào rào của xe kéo.
Tuyết nghĩ chắc có ca cấp cứu nên cũng không quan tâm mấy, cô vẫn chăm chú đọc sách.
Rồi đèn trong phòng đột nhiên nhấp nháy.
Cô thấy chỗ điện chập chờn nên tính bỏ sách xuống đứng dậy ra ngoài quan sát.
Dẫu biết bệnh viện sẽ có máy phát điện mini khi cần nhưng cô không muốn có bất cứ sự ngắt quãng nào vì bà của cô vẫn đang thở máy oxy.
Cô nghĩ vẫn nên đi hỏi điều dưỡng một chút.
Nhưng Tuyết vừa bước ra khỏi phòng bệnh thì cô nhìn thấy phía xa cuối hành lang có một đám khói xám đen đang bay đến.
Tuyết nhìn thấy nó nhưng cô phải vờ như không thấy.
Cô chậm rãi xoay người, khép cửa phòng bệnh lại, rồi giữ khuôn mặt tỉnh bơ đi ra phía quầy lễ tân để gọi ý tá trực ban.
Ngoài quầy lễ tân lặng lẽ không một bóng người, những tấm biển chỉ dẫn có dây treo trên trần nhà khẽ đung đưa, nhịp nhàng một cách ma quái, cứ như theo cái cách một ai đó đang ngồi đánh đu.
Tuyết nhìn không gian yên lặng chết chóc này mà người lạnh toát mồ hôi.
Hành lang vắng tanh này chỉ có Tuyết và đám khói đó.
Tuyết hít thở một hơi lấy bình tĩnh, giả vờ dáo dác gọi y tá, mặc kệ đám khói kia đang càng lúc càng gần sát mình.
Từ trong đám khói vang vọng ra một tiếng nói vừa the thé vừa trầm ồm.
“Ta biết cô có thể nhìn thấy ta, nói chuyện với ta đi.
Cô tên là gì?”.
Tiếng nói khiến Tuyết cứng đờ người trong vài giây, tim cô bỗng đập nhanh liên hồi.
Cô cảm thấy cơ thể đang run lên vì sợ nhưng cô phải tỏ ra bình tĩnh nhất có thể.
Đám khói đó cứ thế mà lướt đi xung quanh Tuyết.
Nó toả ra một luồng khí lạnh lẽo khiến cô không ngừng nổi gai óc.
Giữa tâm nó còn có vài tia sét chớp nháy không ngừng.
Nó làm cho không khí xung quanh như đặc quánh lại.
Tuyết thấy hô hấp trở nên khó khăn.
Cô định xoay người chạy về phòng bệnh nhưng cả người đột nhiên không di chuyển được.
Tuyết bắt đầu hoảng loạn thì có một giọng nói khác vang lên.
“Này cô, sao cô không bấm chuông đi?”
Cô hoàn hồn nhìn ngoắt ra phía sau.
Đó là một bác sĩ nam.
Tuyết ấp úng trả lời nhìn người trước mặt.
“À… à… được”.
Vị bác sĩ nói tiếp.
“Đây này, bên màu xanh là gọi điều dưỡng, bên màu đỏ là gọi bác sĩ.
Buổi tối chúng tôi sẽ ở phòng trực chứ không ở quầy, nhưng cô nhấn chuông là sẽ có người đến.
Cô ở phòng nào? Người nhà của bệnh nhân nào?”.
“À, tôi ở phòng 505, bệnh nhân là cụ bà Nguyễn Thị Liên, 87 tuổi”.
Tuyết cố gắng trả lời nhưng không giấu được sự run rẩy trong giọng nói.
“Bà cụ có gì bất thường không?”.
Vị bác sĩ hỏi theo nghiệp vụ vốn có.
“À không, lúc nãy tôi thấy điện chập chờn, mà bà tôi đang thở oxy, tôi lo nguồn điện không ổn định nên tính đến hỏi có máy phát điện dự phòng không”.
“Được rồi, chúng tôi có loại máy nhỏ cho từng phòng riêng, tôi sẽ gọi điều dưỡng đến lấp cho bà.
Cô về phòng đi”.
Tuyết còn chưa kịp nói “Cảm ơn” thì người kia đã rời đi, cô nhìn theo bóng lưng anh ta mà trong lòng cô lại có chút bực bội.
“Màu xanh, màu đỏ sao? Hắn đùa với mình chắc”.
Tuyết cũng không dám nán lại lâu mà nhanh chóng về phòng.
Cô không muốn lại chạm trán cái đám khói đen kia.
Chừng 10 phút sau thì có hai y tá đến chuyển máy phát điện cho bà Liên, vị bác sĩ kia cũng đi theo.
Anh ta nhìn Tuyết định hỏi cái gì đó nhưng lại thôi.
Mọi người rời đi, Tuyết lại ở trong phòng một mình.
Cô đóng sát cửa phòng bệnh lại.
Cô định sẽ nằm xuống chiếc giường trống cạnh cửa sổ một lát cho đỡ mỏi lưng.
Nhưng sau đó cô chợt muốn hét toáng lên.
Cái đám khói kia nó đang bay là là ngoài cửa sổ, cô chỉ cách nó qua một tấm kính.
Tuyết sợ hãi bật dậy, kéo rèm lại.
Cô đến ghế ngồi bên giường của bà, không dám lại gần cửa sổ nữa.
Cô sợ một phần nhưng lại khó chịu một phần, cô càng ngày càng hay gặp những cái thứ không sạch sẽ đó.
Cô muốn thoát khỏi chúng.
Tầm 10h sáng hôm sau, Bà Ngà vào bệnh viện thay ca.
Bà đem cho Tuyết một chút nước đậu đỏ, thứ cô thích uống mỗi khi bị mất ngủ.
Bà Ngà vuốt vuốt mái tóc đen dài của con gái một cách âu yếm, bà thương cho cô con gái này của bà.
Đáng lý ra nó nên là một đứa trẻ bình thường, nó có thể là một kiện tướng đấu kiếm như mơ ước, nó có thể làm thiết kế kiến trúc, hoặc một hoạ sĩ lừng danh.
Khiếu thẩm mỹ và tư duy màu sắc của con bé là thiên phú.
Nó có thể làm nhiều thứ nó muốn, nhưng bây giờ đến việc đi qua đường nó còn phải có người đi cùng thì thật sự bà cảm thấy bất công với nó.
Bởi thế bà luôn dịu dàng với Tuyết hết sức có thể, mà Tuyết cũng chỉ có thể điềm tĩnh khi bên cạnh bà Ngà.
Bà quan sát cô một lúc rồi đề nghị.
“Tuyết, con vẫn mất ngủ sao? Có nên khám qua không con, sẵn đang ở bệnh viện”.
“Con chỉ là không buồn ngủ thôi mẹ”.
Tuyết từ chối.
“Mẹ nghe ba con nói, hôm qua con lại nổi nóng à?”.
Bà sốt sắng hỏi tiếp.
“Dạ, có chút khó chịu thôi, mẹ đừng lo quá”.
Tuyết nhẹ nhàng đáp.
“Tội nghiệp con gái tôi, thôi lần sau mẹ sẽ chỉ bảo cô Hồng và con Mễ chăm sóc con, không cho mấy đứa lạ đến nữa”.
Bà Ngà ôm cô vào lòng mà vuốt ve, an ủi.
Tuyết cứ thế ôm mê một lúc mới buông ra.
“Con về chuẩn bị lên công ty đây.
Chiều nay, con có hẹn đối tác”.
“Được, con về cẩn thận.
Không ổn thì phải báo với mẹ, biết chưa?”.
“Dạ con biết rồi”.
Tuyết rời đi, phía sau cô là một ánh mắt đang dõi theo.
Là Thiên, vị bác sĩ nam trực ca tối qua.
Anh ta nhìn theo Tuyết một lúc rồi lấy điện thoại ra bấm số gọi.
“Alo, Kỳ à? Tôi nghĩ đã gặp em gái của cậu”.
Thiên báo cáo.
“Cậu đang ở bệnh viện sao?”.
Kỳ tỏ giọng hiếu kỳ, sao lại khéo như vậy.
“Đúng, tối qua tôi có ca trực.
Tôi thấy cô ấy không đến độ như cậu nói nhỉ”.
Thiên nhận xét sơ bộ, với anh thì thần sắc của Tuyết cũng khá tốt.
Kỳ cười lớn bảo.
“Đó là cậu chưa chọc vào nó thôi.
Cậu cứ tiếp xúc đi rồi biết”.
“Được, cũng khá mong chờ đó”.
Thiên cũng không chịu thua bạn mình.
“Hy vọng cậu không chạy mất dép như những người khác”.
Thiên cũng không vừa gì mà tự tin đáp lại.
“Tất nhiên, tôi là ai chứ”.
Kỳ chợt nảy ra một ý tưởng, anh đề nghị.
“À này, sẵn tối nay đến nhà tôi ăn cơm đi, tôi giới thiệu một chút”.
Thiên không chần chừ mà đồng ý ngay.
“Được, tan làm tôi sẽ ghé”.
Cũng đã lâu rồi anh không gặp lại ông Phú, ân nhân đã cứu anh năm xưa.
Thiên cúp máy, anh đi vào phòng làm việc hoàn tất thủ tục giao ban.
Vì tối qua anh đã trực nên hôm nay có thể về sớm một chút.
Anh định sẽ ngủ bù một chút sau đó sẽ đi mua gì đó làm quà biếu cho bữa cơm tối nay.
Thiên nhớ lại lời Kỳ mô tả, vậy mà tối qua anh còn nỡ bảo Tuyết phân biệt màu nút chuông, anh hy vọng cô cũng không để bụng.
Cô tiểu thư ương bướng này tốt nhất nên tạo thiện cảm chứ đừng nên gây hấn.
Nhưng Thiên chợt nhớ đến biểu cảm tối qua của Tuyết, lúc anh đến thấy cô đứng bất động ngay quầy lễ tân, trông biểu cảm dường như đang sợ thứ gì đó.
Là sợ hãi cao độ chứ không phải hoảng hốt đơn thuần.
Thật là thú vị.
Thiên nở một nụ cười bí ẩn..