Thiết Cốc Môn

Vùng thâm sơn hoang vắng, sương phủ mây che, song Văn Đồng đang phẫn uất, người như điên cuồng cứ đi mải miết vào trong sâu, chàng còn muốn làm sao đi sâu hơn nữa để tránh khỏi nợ trần gian thế tục.

Vì người giết hại cha ruột chàng lại, chính là người trước kia đã có ơn nuôi dưỡng chàng mà chàng cứ đinh ninh là cha ruột.

Người luôn luôn gặp phải những sự việc trớ trêu không thể tượng tưởng được,riêng chàng là nạn nhân lãnh cảnh tang thương.

Ân và oán, yêu và hận luôn đi đôi, khiến giờ đây chàng không biết phải xử trí làm sao?

Thời gian lại vô hình trôi qua, ánh trăng đã lên đến đỉnh đầu, Văn Đồng bỗng ngửa mặt lên trời rít lên một tiếng não nùng ai oán.

Nhưng không ngờ sau âm thanh của chàng, tiếp theo là một tiếng thở dài xuyên qua cánh rừng vọng vào mang tai chàng. Tiếng than đột ngột trong đêm trường vắng vẻ ấy, khiến Văn Đồng không khỏi giật mình, chàng đưa mắt nhìn về bốn phía, tứ bề vẫn im lặng như tờ, không thấy một bóng người. Trong rừng mười trượng trở lại, dù cho một chiếc lá khẽ rơi, cũng không khỏi lọt qua mắt chàng, thế mà chàng đã cố tâm tìm xem vẫn chẳng thấy gì cả.

Nếu tiếng than ấy xuất phát từ một người đứng cách xa ngoài tầm mắt, thì công lực đã đến mức cao siêu thế gian hạn hữu vậy.

Đang lúc phân vân không hiểu có phải chàng đã nghe lầm chăng thì tiếng thở ra ấy lại khẽ phát ra. Giờ chàng không còn hoài nghi nữa lẹ làng tung mình nhảy lên đọt cây cao nhìn ra quả thấy cách nơi chàng đứng và mươi trượng trên chỏm đồi cao, có một người đang đứng im lìm, tà áo phất phơ như hình lão tăng nhập định.

Thật kỳ lạ, mắt chàng vừa trông thấy người xuất hiện trên đồi cỏ ấy, mặc dù chưa biết kẻ ấy là nam hay nữ, nhưng trong lòng chàng đã xúc động vô cùng, chàng có cảm tưởng như kẻ ấy đồng một hoàn cảnh như chàng, cũng bị trời xanh sắp đặt sự việc não nề để rồi chán đời tìm cõi thâm sơn thanh vắng làm bạn với trăng sao.

Ý nghĩ đồng tình khiến cho chàng không còn do dự được nữa, liền tung mình lên cao hướng về phía đồi núi lướt tới. Đến khi chàng đã thấy rõ người mà có lẽ rằng đồng hoàn cảnh với mình thì ngạc nhiên đã đến với chàng, chàng dừng bước lại sững sờ nhìn vào người ấy.

Thì ra đứng trước mặt cách chàng mấy bước là một vị tăng nhân trung niên, gương mặt đầy đặn, mi dài mũi thẳng, mình khoác áo cà sa màu vàng nhợt, cổ mang một xâu chuỗi bồ đề trông hình dáng có vẻ dễ thân đáng kính.

Dưới ánh trăng thanh vị cao tăng nghiêm trang ấy vẫn đứng yên như pho tượng đã. Văn Đồng từ lòng mừng khấp khởi, đã bién thành một nỗi thất vọng vô biên, chàng cứ đứng nhìn sững sờm giây lâu không thốt được nên lời. Hai người đứng đối diện nhau, không ai mở lời nói với nhau cả, thời gian trôi qua rồi lại trôi qua Sau cùng Văn Đồng cũng không thể chịu được nữa, giọng buồn rầu hỏi :

- Đại sư vừa rồi dùng “Phạn âm tam thanh” trong giới Thiền môn để tương triệu, không hiểu có việc gì chăng?

Thì ra trong lúc đứng yên nãy giờ Văn Đồng đã nhớ ra hai tiếng thở dài ấy, nếu là tăng nhân tức đã sử dụng môn “Phạn âm tam thanh” cửa phật chứ chẳng phải lối thở ra tầm thường vậy.

Môn tuyệt học trong cửa thiền này, võ lâm lâu nay vẫn tuyệt truyền, nên đã tặng là thần công đệ nhất đẳng, sở dĩ Văn Đồng đoán ra cũng nhờ sư phụ chàng kể lại đó thôi, chứ từ khi chàng ra đời đến giờ, chưa từng gặp ai biết sử dụng cả. Trung niên tăng nhân đâu thể để được một thiếu niên còn nhỏ tuổi đang đứng trước mặt mình đã nhận được môn thần công này, lại còn nói rõ tên của môn thần công ấy nữa, vừa nghe đôi mắt của tăng nhân mở ra, hai luồng nhãn quang sáng chói, nhìn vào mặt Văn Đồng một cách nghi ngờ, thật lâu đôi nhãn quang ấy từ từ dịu lại, đoạn mỉm cười nói :

- Thí chủ tuổi nhỏ tài cao, thật hiếm có trên đời, sau này có thể vì xã tắc phò nguy cứu khổ nhưng không hiểu tại sao nãy giờ lại chạy rông vào thâm sơn một cách liều lĩnh, và thốt ra tiếng rít uất ức trong lòng.

Vừa nói đến đấy, bỗng nghe có tiếng cười lanh lảnh như chim hót vang dội khắp chín từng mây, tiếp theo là tiếng nói :

- Bụi trần nhơ nhớp, phiền não quá nhiều như ta đây thảnh thơi cùng gió trăng, tiêu diêu tự tại.

Lời vừa dứt đã thấy một vị đạo trưởng dung mạo phương phi, tóc râu đều bạc trên không nhẹ nhàng xuống, đứng sát bên người trung niên tăng nhân.

Văn Đồng đứng nhìn một tăng một đạo, im lặng không nói một lời. Vị đạo nhân vừa đưa tay vuốt râu vừa nhìn Văn Đồng mỉm cười, đoạn quay sang trung niên tăng nhân nói :

- Giả hòa thượng, hôm nay ma quỷ đã đến bên người, ngươi có gì sắp dặt chăng?

Trung niên tăng nhân nghe nói ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt nhìn đạo sĩ. Đạo sĩ thấy thế bật cười ha hả nói :

- Giả?hòa thượng, chớ nên nhìn trừng vào ta làm gì, đã hưởng sáu năm thanh tịnh, giờ cũng nên vận dụng thần kinh tí chớ.

Trung niên tăng nhân cười nhạt :

- Giờ đã thanh tịnh không nhiễm lấy trần phàm, ma đâu lại có thêt xuất hiện được, kẻ xuất gia không nên nói dối, vậy đạo sĩ bảo ma đến bên người cũng không hề hay biết...

Trung niên tăng nhân cười nói :

- Lão đạo sĩ, dù ngươi có nói khoác hay nói gì đi nữa bần tăng này xin rủa tai đế chờ nghe cho biết.

Đạo sĩ đưa mắt nhìn sang Văn Đồng một cái, đoạn nói :

- Đại pháp bất truyền lục nhĩ, việc này không thể cho người thứ ba nghe được.

Nói dứt ông bật cười một tràng dài, đoạn dùng lối “Truyền âm nhập bí” nội gia thượng thặng công phu nói với trung niên tăng nhân :

- Giả hòa thượng, con của sư huynh ngươi Triệu Chấn Cương, nghe nói đã chấp chưởng ngôi vị Chưởng môn nhân, của Thiết Cốc môn rồi đấy.

Trung niên tăng nhân bỗng “à” lên một tiếng ròi cũng thi triển lối truyền âm nhập mật nói :

- Lão đạo sĩ, tin tức này ngươi nghe từ đâu đấy?

Đạo sĩ nhếch mép cười nhạt rồi vẫn dùng lối truyền âm nhập mật đáp :

- Việc này xin lượng thứ cho tôi không thể nói được, song tin tức bảo đảm trăm phần trăm thật.

Trung niên tăng nhân cười lớn :

- Lão đạo sĩ, dù cho tin tức có chính xác hay không đi nữa đối với ta nào có quan hệ gì? Đủ thấy “Ma giáo bọn người” bốn chữ ấy không những khoác lác, lại còn vô nghĩa nữa.

Thần sắc đạo sĩ vẫn như cũ, nghe nói chỉ mỉm cười, vẫn dùng lối truyền âm nhập mật nói :

- Ngươi chớ nên đắc ý, có biết nhãi con đứng trước mặt là con của Triệu Chấn Cương sư huynh ngươi chăng?

Trung niên tăng nhân vẫn như không có gì tỏ ra xúc động đáp :


- Ta xem ngươi thật là lắm chuyện thôi, cho dầu nhãi con ấy là con của Triệu Chấn Cương thật đi nữa, đối với hòa thượng này có can hệ gì.

Đạo sĩ nghe nói buông tiếng cười ha hả :

- Giả hòa thượng, ngươi có biết nhãi con tuy là con của Triệu Chấn Cương, song lại lấy họ của ngươi chăng?

Trung niên tăng nhân nghe nói đôi mày liền nhíu lại, lòng ông đang phẳng lặng bỗng giao động nên sóng gió. Ông ta im lặng đưa mắt nhìn vào mặt Văn Đồng một hồi rồi đôi mày từ từ nhíu lại, suy nghĩ giây lâu, vẫn dùng lối truyền âm nói với đạo sĩ :

- Việc này cũng có thể nhìn nhầm người lắm chứ?

Đạo sĩ đưa mắt nhìn tăng nhân, miệng nở một nụ cười bí mật, đoạn quay người sang Văn Đồng lên tiếng hỏi :

- Thí chủ có phải Vũ Văn đại hiệp, tân Chưởng môn của Thiét Cốc môn mà gần đây giang hồ đã đồn đãi đó không?

Văn Đồng không khỏi ngạc nhiên, thầm nhủ :

- “Tại sao vị này lại nhận ra ta kìa?”

Chàng đưa mắt nhìn lên thấy ông ta đang nhìn mình mỉm cười, vội vàng cung tay thi lễ nói :

- Tại hạ chính là Vũ Văn Đồng, đạo trưởng cùng vị đại sư này không hiểu xưng hô thế nào?

Đạo sĩ mỉm cười đáp :

- Bần đạo Tri Phi, còn vị hòa thượng này tức Huệ Trí đại sư, chủ trì Tích Vân tự ở bên trái ngôi núi này.

Ông ngưng giây lát, đôi mắt đưa sang nhìn Huệ Trí đại sư một đoạn tiếp :

- Bần đạo đã mười mấy năm nay ít qua lại giang hồ, lúc ấy lịnh tôn Triệu đai hiệp...

Lời nói vừa đến đây, bỗng nghe Văn Đồng trầm giọng lớn tiếng :

- Im... xin nhị vị tha thứ cho tại hạ thất lễ vậy!

Dứt lời thì người chàng cũng tỏ ra xúc động vô cùng. Chàng quay người lại cất bước ra đi.

Huệ Trí đại sư đột nhiên cất tiếng :

- Xin thí chủ tạm dừng bước lại.

Văn Đồng tuy dừng bước, nhưng đầu vẫn không quay lại lạnh lùng nói :

- Đại sư nếu không có việc gì cần yếu, tốt hơn chớ nên mở lời.

Huệ Trí đại sư trầm giọng niệm câu phật hiệu đoạn lên tiếng :

- Thí chủ xin chớ nóng nảy, bần tăng có một người bạn cũ vốn với lịnh tôn Triệu đại hiệp cùng...

Văn Đồng bỗng nhiên quay mặt lại quát lớn :

- Im miệng, Triệu Chấn Cương.

Nói đến đây hình như chàng không thể thốt thêm được một tiếng nào nữa vọi vã quay người chạy như điên cuồng. Bỗng bóng người xẹt qua, trước mặt Văn Đồng cách độ năm trượng.

Huệ Trí đại sư đã đứng đấy mỉm cười. Văn Đồng thấy thế liền bước lại vừa kinh dị vừa giận giữ quát :

- Người...

Huệ Trí đại sư vẫn mỉm cười nói :

- Bần tăng chưa nói hết sao thí chủ lại rủ áo ra đi như thế?

Văn Đồng bực tức :

- Chẳng lẽ đại sư lại cưỡng ép tại hạ ở lại sao?

Huệ Trí đại sư nghiêm trang :

- Xin thí chủ chớ phẫn nộ, thật ra bần tăng không hiểu tại sao mỗi khi nói đến lịnh tôn Triệu...

Lời nói của ông ta đến đây bỗng nhiên ngưng lại, không phải bị người ta cắt đứt, nhưng lúc ấy đôi mày của ông ta đã nhíu lại hẳn, hình như ông ta đang nghĩ ngợi điều gì và đang nghe ngóng điều gì. Tri Phi đạo nhân cũng đã phát giác ra, ngạc nhiên hỏi :

- Ai? Ai đã đến!

Nhưng đối với Văn Đồng, chàng hình như chưa hề phát giác ra điều gì cả.

Đêm càng khuya, canh ba cũng sắp tàn. Bỗng xa xa vọng lại một tràng cười ha hả tiếp theo là một bóng người, phi nhanh như điện chớp, phút chốc đã đến trước mặt mọi người. Dưới ánh trăng trong, ba người đưa mắt trông ra, thấy kẻ đến ấy là một cụ già ngoài trăm tuổi nhưng thân hình vẫn còn vạm vỡ, da mặt hông hào, mình mặc áo vải trắng.


Ba người nhìn vào vị khách vừa xuất hiện một hồi, nhưng người nào người nấy đều tỏ ra ngơ ngác vì không ai từng quen biết qua. Cụ già như không thèm đếm xỉa gì đến ba người cả, ông ta đi vòng xung quanh ba người một vòng, rồi về đứng lại chỗ cũ ngửa mặt lên trời lớn tiếng nói :

- Việc ấy nếu già này không xử thì ai đến xử cho?

Hình như ông ta đã đoán biết không ai có thể lên tiếng trong lúc này, nên đưa mắt nhìn về Huệ Trí đại sư cùng Tri Phi đạo trưởng, đoạn tiếp tục nói :

- Kẻ xuất gia tức là đã tuyệt thị phi, đoạn lục thức, không còn đếm xỉa gì về việc thế tục nữa, thế mà hai ngươi trái ngược, vì thế, bảo sao ta chẳng ghét kẻ xuất gia.

Ông ngưng giây lát, lại đưa mắt nhìn về phía hai người tiếp :

- Mỗi bận khi già gặp hòa thượng hay đạo sĩ, bất luận quen hay lạ, cũng phải tiếp ta một chưởng cái đã, sau chưởng ấy chết hay sống còn xem thử đối phương có may mắn chăng.

Huệ Trí đại sư nghe nói liền mỉm cười. Tri Phi đạo trưởng lên tiếng nói :

- Nếu thí chủ bảo rất ghét những kẻ xuất gia, có lẽ bần đạo cùng vị đại hòa thượng này cũng không ngoài lệ ấy.

Cụ già quái gỡ liền cười lên ha hả :

- Đúng thế hai ngươi cũng không ngoài lệ ấy.

Tri Phi đạo trưởng không hề nóng nảy, miệng mỉm cười cúi đầu nói :

- Chúng tôi chưa thỉnh giáo, thí chủ thượng tánh đại danh?

Cụ già cười lớn :

- Già này ngay cả sống bao nhiêu tuổi cũng không nhớ nữa, huống hồ chi là tên với họ, vì ta không tên không họ, nên thiên hạ thường gọi ta là Vô Danh lão nhân, ha ha... đạo sĩ này đột nhiên lại định hỏi tên họ, có lẽ muốn đánh lạc trí nhớ của ta vừa rồi chứ gì.

Ngừng giây lát ông, quay sang Văn Đồng nhe răng cười, ra dáng đùa giỡn nói :

- Già này tuổi đã cao đến thành tinh rồi, cháu có cảm thấy quái lạ không?

Mặc cho cụ già lên tiếng hỏi, Văn Đồng vẫn đứng ngơ ngác, hình như đứa trẻ vừa mở mắt cảm thấy việc gì cũng lạ lùng cả...

Tri Phi đạo trưởng bị cụ già đùa cho một hồi không hiểu lời nói vừa rồi là thật hay chơi, đôi mắt đã lội vẻ bực tức, nhưng chẳng biết tại sao rốt cục ông cũng cố nén giận, mỉm cười nói :

- Nói thế thí chủ vẫn áp dụng điều lệ đã nói vừa rồi để hành sự.

Cụ già đáp :

- Việc ấy là hẳn nhiên rồi, còn đợi phải nói nữa sao.

Tri Phi đạo trưởng vẫn mỉm cười :

- Vậy thì bần đạo xin lãnh giáo, thí chủ cứ việc ra tay đi.

Cụ già đưa mắt nhìn sang Huệ Trí đại sư đoạn chậm rãi nói :

- Hai người chuẩn bị nhanh đi.

Huệ Trí đại sư giờ lên mới tiếng :

- Theo ý của thí chủ, có phải muốn đồng một lúc ra tay cả hai người chăng?

Cụ già bỗng cười lên sang sảng :

- Đúng, đúng! Ý lão là thế ấy...

Huệ Trí đại sư đưa mắt liếc sang Tri Phi đạo nhân đoạn dùng truyền âm nhập bí nói :

- Này đạo sĩ, người này nếu không ngông cuồng, thì cũng là kẻ điên, nếu ra cứ để y đùa bỡn thì làm sao chịu được.

Tri Phi đạo trưởng cũng vội dùng lối truyền âm nhập bí đáp :

- Điên hay cuồng, lát nữa ra tay thì sẽ biết ngay, chúng ta cần chi phải nóng nảy trong lúc này.

Văn Đồng đáng lẽ muốn rời khỏi nơi đây khi nãy, nhưng giờ tính hiếu kì lại nổi lên, chàng cứ đứng yen một bên để xem sao cho biết. Cụ già quái gỡ đưa đôi mắt nhìn về hai người như soi mói vào tim can, rồi bỗng cười lên ha hả nói :

- Hai người có lẽ tưởng đâu già này nếu không điên cũng là cuồng phải chăng, ta đã kêu các ngươi chuẩn bị sau chẳng thấy chuẩn bị gì cả thế.

Đại sư cùng đạo trưởng nghe cụ già nói rõ trong ý nghĩ mình không khỏi giật mình ngạc nhiên thầm nhủ :

- “Xem vậy thì người này đâu phải là loạn trí...”


Cụ già lên tiếng đáp :

- Nếu luận về võ công của hai người, cũng là đệ nhất cao thủ võ lâm đương thời vậy, song nói đến mức siêu phàm nhập thánh thì hai ngươi vẫn còn xa lắc, bởi thế nên già này mới bảo hai ngươi chuẩn bị là vậy, không nên quá tự kiêu, và lời ta đã dứt, hai ngươi cứ liệu lấy.

Lời nói đã khiến cho hai vị thế ngoại cao nhân vừa nghe nói đã phải sợ sệt, vội vã đưa mắt trao đổi cho nhau, rồi đồng thanh lên tiếng nói :

- Lòng tốt của thí chủ bần tăng, bần dạo xin cảm tạ, hơn nữa chết sống vẫn có số, vậy thí chủ cứ việc ra tay đi.

Cụ già nghiêm giọng :

- Một chưởng nhất định sống chết, vậy là qua đắt, mà nhị vị đã nhất quyết?

- Thế đã biết vậy, không còn cách nào hơn.

- Khá đấy... Ha ha ha!...

Tràng cười chưa dứt, cụ già đã từ từ đưa chưởng ngang ngực và chầm chậm đẩy ra...

Cuồng phong nổi dậy, tứ bề toàn tiếng ào ào của chưởng gió. Hòa thượng cùng đạo sĩ cảm thấy như không còn đứng vững được, mặc dù chân của hai người đã tận dụng nội lực bấm lún xuống đất sâu quá nửa thước.

Biết không thể duy trì được lâu, cả hai cùng hợp lực, bốn chưởng đồng thời đẩy mạnh ra, nhưng cảm thấy bao nhiêu chưởng lức của mình đều như rơi cả vào nơi vô hình vô thể, im tăm bặt dạng, mà họ vẫn thấy cụ già đứng trơ trơ như pho tượng đồng, bất di bất dịch. Cả hai bắt đầu lo ngại và bối rối, vội thu chưởng về, định cùng liều thế thứ hai, thì bỗng cụ già ngửa mặt cười vang.

- Thôi, thế đủ rồi, có đánh thêm vài trăm chưởng cũng chẳng lung lay được lão đâu.

Và bỗng nghe bên tai có tiếng nói nhỏ như muỗi kêu, cụ già dùng lối truyền âm nhập bí thượng thừa tiếp :

- Lai lịch của lão phu, hòa thượng cứ về sau chùa giở cuốn lưu bút thì sẽ rõ, còn bây giờ đâu thân phận của hòa thượng không thể để cho nhãi con này biết được, hơn nữa vừa rồi nhãi con cũng đã biết rõ ân oán của đời nó, vậy hai người nên lập tức rời khỏi đây ngay!

Lời nói vừa dứt, bỗng hai người lại cảm thấy có một luồng gió nhẹ thoảng qua.

Tăng nhân cùng đạo sĩ vốn là hai kỳ hiệp võ lâm đương thời, nói về công lực có thể còn cao hơn Văn Đồng một bực, thế mà luồng gió nhẹ ấy vừa đến người đã khiến cho mình họ rúng động, người cứ lảo đảo lùi về phía sau như mình bị ai xua đuổi.

Sau khi bị gió phong thổi đến, Huệ Trí đại sư như đoán ra cụ già ấy là ai rồi, nên lập tức chắp hai tay cung kính nói :

- Bần tăng xin nghe theo lời dặn của lão tiền bối, sau này nếu rảnh, mời tiền bối đến bỉ tự một chuyến, tiên sư có một...

Cụ già không để nói hết liền xua tay :

- Đi thôi!

Tri Phi đạo trưởng đưa mắt liếc nhìn Văn Đồng rồi khẽ nói với Huệ Trí đại sư :

- Giã hòa thượng, nơi đây có lẽ không còn việc của hai chúng mình nữa, vậy ta đi thôi!

Huệ Trí đại sư liền chắp hai tay cung kính xá cụ già một cái, đoạn cùng đạo sĩ quay người ra đi.

Văn Đồng thấy thế vội vã cất bước chạy theo hai người.

Nhưng bóng trắng vừa thoáng qua, cụ già đã nhanh như hồn ma tung mình đến trước mặt chàng cản lại.

Văn Đồng liền dừng bước nhưng gọi lớn :

- Xin lão trượng tránh đường cho.

Cụ già bỗng ngửa mặt cười ha hả.

- Nhãi con chớ nên hấp tấp làm gì, lão phu đang định chỉ cho người một con đường đi.

Văn Đồng nghe nói ngạc nhiên, mắt trân trân chăm cụ già, Nhưng giây lâu, cụ già vuốt râu mỉm cười nói :

- Nhãi con có lẽ đang phân vân tại sao lão phu lại biết tâm sự của ngươi, có phải thế chăng?

Văn Đồng đáp :

- Tại hạ khó tin rằng lão trượng có thể đọc được tâm sự của tại hạ.

Cụ già nghe nói bật cười lớn :

- Nhải con, ngươi tưởng lão phu buông lời nói khoét sao? Nói cho ngươi đang buồn bực, tức tối vì thân thế, nên đang đêm chạy như điên cuồng vào chốn thâm sơn cùng cốc này để mong vơi bớt lòng phẫn uất, có phải thế chăng?

Văn Đồng nghe nói không khỏi giật mình đứng đờ người ra, chàng không hiểu đối phương là người hay là thần thánh, lại có thể một hơi nói rõ cả tâm sự của ta ra, hình như ông ta đã tận mắt chứng kiến vậy...

Đang lúc nghĩ ngợi, bỗng lại nghe tiếng cụ già cười nói :

- Phàm hễ điều gì cũng phải ra xét cho tận gốc rễ như thế mới tránh khỏi được sự phiền não, giờ đây ngươi không chịu đi truy xét sự việc, cứ cắm đầu rước lấy sự buồn có phải là ngu lắm không?

Đôi mày Văn Đồng nhíu lại, trầm giọng nói :

- Mấy lời của lão trượng vừa rồi, có phải định sỉ nhục tại hạ chăng.

Cụ giag đưa mắt nhìn Văn Đồng giây lát, rồi bỗng bật cười ha hả tiếp :

- Cứ cho là lão phu đã lỡ lời đi, nhưng lịnh tôn chưa chết, lịnh đường lại khỏe mạnh...

Những lời bất thần này khiến cho Văn Đồng xúc động toàn thân đến run rẩy, vội vã hỏi :

- Những lời của lão trượng nói có thật?

Cụ già vẫn mỉm cười nghiêm giọng :

- Lời nói của lão phu không bao giờ ngoa.


Văn Đồng vui mừng đến tột độ, đôi giòng lệ nóng bất giác tuôn trào, chàng liền đưa tay ra chụp lấy tay cg, lòng đầy cảm xúc hỏi :

- Lão trượng có biết gia phụ, gia mẫu hiện giờ ở đâu chăng?

Cụ già lắc đầu, Văn Đồng thấy thế, liền đứng đờ ra như chết, đôi tay nắm cặt lấy cụ già từ từ buông ra, lát lâu bỗng chàng kêu lên một tiếng đau khổ :

- Người... thì ra nãy giờ người chỉ đùa cợt thôi!

Cụ gia mỉm cười nhìn vào gương mặt trắng nhợt của Văn Đồng, nghiêm nghị :

- Lão phu đã đùa cợt với ngươi lúc nào?

- Tại hạ hỏi nơi ở của song thân, tại sao người lại lắc đầu bảo rằng không biết?

Cụ gia cười ha hả :

- Lão già Lý Tôn cứ khen ngươi là thông minh, nhưng ta xem ngươi lại ngu đến tột bực, lão phu bảo rằng không hiểu nơi toạ lạc của lịnh tôn, lịnh đường mà ngươi lại tưởng lão phu đùa cợt.

Nhãi con, ngươi không nghĩ kỹ thử xem. Khi nãy lão phu đã bảo rằng lịnh tôn, lịnh đường chưa chết, tức cũng như gián tiếp bảo rằng lão phu đã gặp qua họ hoặc đã biết nơi họ trú thân, sao ngươi buộc miệng lão là đùa cợt.

Văn Đồng nghe nói mặt mày ửng đỏ chàng ấp úng rồi hỏi :

- Tin cha mẹ tại hạ chưa chết, không hiểu lão tiền bối đã nghe được nơi đâu vậy?

Cụ gia lại bật cười :

- Nhãi con còn nhớ lúc nãy không phải lão đã nói muốn chỉ cho ngươi một con đường đi đấy sao?

Văn Đồng gật đầu.

Cụ gia tiếp :

- Nếu ngươi gặp được một người thì người ấy sẽ cho ngươi rõ nơi toạ lạc của lịnh tôn, lịnh đường ngay.

Văn Đồng mừng khấp khởi, liền lớn tiếng hỏi :

- Ai?

Cụ gia vẫn chậm rãi đáp :

- Tử Vong cốc chủ!

- Thưa tiền bối, Tử Vong cốc chủ là ai?

Đôi mắt Cụ gia như mơ màng nói :

- Trước đây bốn mươi năm, võ lâm Trung Nguyên bỗng xuất hiện một vị thiếu phụ bịt mặt, võ công của nàng không những cao tuyệt mà hành tung còn xuất quỷ nhập thần, vì thế nên các tay cao thủ của võ lâm Trung Nguyên thảy đều bị bại dưới tay nàng cả.

Ngưng giây lát, đột nhiên ông lại buông tiếng thở dài tiếp :

- Nhân vật bí mật danh vang bốn bể, chấn động võ lâm này bỗng nhiên mất tích không còn thấy nữa. Bởi trong võ lâm chưa ai được thấy qua gương mặt chính của nàng. Ta cũng chưa được biết qua tên họ, cứ nghe nàng tự xưng là “Tử Vong cốc chủ”, vì thế mà người trong võ lâm đều gọi nàng là “Tử Vong cốc chủ” cả, hiện giờ nàng chết sống thế nào, nhân vật võ lâm ngày nay chỉ có vài ba người biết được mà thôi!

Văn Đồng đưa mắt nhìn lên mặt cg bỗng nói :

- Có phải lão tiền bối là một trong những người ấy chăng?

Cụ gia vuốt râu mỉm cười như đắc ý :

- Đúng thế, lão phu tức là một, bà ấy tự xưng là Tử Vong cốc chủ bởi vì nơi ở của bà ta là Tử Vong cốc, bốn mươi năm đột nhiên mất tích trên giang hồ bởi vì bà đã lui về ẩn giật trong cốc Tử Vong ấy, không hề bước chân ra ngaòi một bước.

Văn Đồng chận đầu :

- Lão tiền bối tưởng cũng đã biết Tử Vong cốc là ở đâu rồi chứ!

Cụ gia cười ha hả :

- Nếu lão phu không biết thì còn nói với nhãi con làm gì?

Văn Đồng vui mừng không kể xiết, hai tay nắm chặt lấy cánh tay gân guốc của cụ già.

Cụ gia từ từ nói :

- Cốc Tử Vong nằm về phía Tây dãy núi Lạc Sơn, địa thế vừa bí ẩn vừa hiểm nghèo, năm ấy nếu ta không được bản đồ của Tử Vong cốc chủ tặng cho, thì dù có tìm đến nơi cũng vô phương biết được đường vào tuyệt cốc ấy.

Vừa nói ông vừa móc trong người ra một tấm da dê đã cũ mềm trao cho Văn Đồng tiếp :

- Đây là thảo đồ chỉ đường vào cốc Tử Vong đấy, ngươi cất đi mà dùng, giờ ta đi thôi!

Tiếng nói vừa đứt thì người ông cũng đã bay bổng lên không, uốn mình một cái đã lướt mình đi mất dạng.

* * * * *

Từ Vu Sơn đến vùng Lạc Sơn, cách xa đến mấy trăm dặm, cũng nhờ chặng đường này đều là vung quê hẻo lánh, rừng núi hoang vu, ít kẻ qua lại, hơn nữa Văn Đồng lòng nòn như lửa đốt không màng ăn uống cứ mải miết thi triển khinh công chạy nhanh, buổi trưa ngày thứ hai chàng đã đến nơi Cụ gia quái gở đã chỉ điểm, sơn cốc Tử Vong thật là một vùng thâm cốc bí ẩn, hiểm nguy, bốn bề núi cao vời vợi, không có đường ăn thông qua lại. Đến sát bên chân núi, chàng ngước mắt nhìn lên, thấy cảnh vật trước mắt khác hẳn đất Trung Nguyên.

Một khoảng đất trống trong vùng thung lũng độ ngoài trăm mẫu. Bây giờ là buổi trua đúng giờ ngọ mặt trời chiếu gắt trên đỉnh đầu, thế mà sương mù vẫn che phủ một lớp trắng xoá, tựa hình như khuất lấp cảnh vật bên trong.

Văn Đồng, cực nhọc mất hết mấy tiếng đồng hồ mới leo đến núi, bởi đường vào cốc không có, đành phải bò lên đỉnh núi để lần xuống bên trong, lối đi toàn là những trụ đá to lớn cao ngất trời, nếu một kẻ công phu tầm thường thì đừng hòng qua khỏi nơi này được.

Khi lên là Văn Đồng đã mất hao rất nhiều sức lực, nhưng đến khi xuống lại còn khó khăn hơn nữa, vì dốc núi dựng ngược, không có chỗ dựa chân. Chàng đành phải dùng lối Du Long thuật, cùng Bích Hổ công liều lĩnh phi người xuống đáy.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận