Thiếu Lâm Tự Đệ Bát Đồng Nhân
Tác giả: Cửu Bả Đao
Chương 1 Phần 1.
Người dịch: Công Tử Bạc Liêu
Nguồn: Vip.vandan
Ở cổng Nhũ gia thôn, một lão nhân kể chuyện ngồi giữa bảy, tám cái ghế.
Lão nhân nhân phe phẩy quạt, kể mấy câu chuyện lặp đi lặp lại trong suốt năm mươi năm nay, từ câu chuyện lịch sử như Tam Quốc cho đến chuyện giang hồ như về kì hiệp Cầu Nhiêm Khách đời Đường, từ thích khách liệt truyện đời Đông Chu xa xưa đến Dương gia tướng của tiền triều. Trẻ con trong thôn lúc nào cũng thấy thú vị, chăm chú nuốt từng lời như ngày hôm qua, hôm kia hoặc trước nữa.
Một con chó già gầy giơ xương vẫy đuôi nằm dưới chân lão nhân, liếm cái chân cụt của chủ.
Một thiếu niên chân trần chừng mười sáu tuổi vuốt cái cổ lưa thưa lông của con chó, nhân lúc lão nhân dừng lại uống nước, liền bổ sung những chỗ hấp dẫn được kể sơ sài, ví như Dương Ngũ Lang ngộ ra Phục Ma côn pháp trong Đồng nhân hạng của Thiếu Lâm tự như thế nào, Thanh long yển nguyệt đao của Quan Vũ lưu lạc về đâu, càng khiến câu chuyện của lão nhân thêm phần hấp dẫn.
Từ lúc năm tuổi, thiếu niên đã thích nghe lão nhân kể chuyện, nắm rõ từng tình tiết câu chuyện cùng tinh thần trung hiếu tiết nghĩa như lòng bàn tay, đồng thời là bằng hữu thân thiết của lão nhân. Thiếu niên có cái tên rất kì lạ: Thất Sách.
Lão nhân đỗ tú tài từ lúc mười lăm tuổi, là người duy nhất của Nhũ gia thôn trong vòng trăm năm nay được vào thành Lâm An học hành, kiến đa thức quảng, là bậc trưởng thượng được cả thôn kính trọng. Nhưng đọc nhiều sách cũng không mang lại tiền bạc hay quan chức cho lão nhân, hơn năm mươi năm trước, người Mông Cổ diệt triều Nam Tống, đổi tên triều đại thành Đại Nguyên, lão nhân ở nhà dạy học bị quân binh Mông Cổ chiếm thôn chặt chân cảnh cáo, từ đó chỉ kể chuyện ở đầu thôn, không dạy người khác đọc sách viết chữ nữa. Thời cục bất ổn, những kẻ ngu si vô tri ở hương thôn mới không tạo thành uy hiếp cho triều Nguyên.
“Chữ không cần viết nữa, sách có thể đốt thay củi nhưng tấm lòng trung hiếu tiết nghĩa, vì nước vì dân nhất định phải đời đời tương truyền. Khụ, có câu rằng thời thế tạo anh hùng, Thất Sách, con thấy đúng không?” Lão nhân nhìn đám trẻ, nở nụ cười méo mó.
Mỗi lần lão nhân hỏi Thất Sách câu này có nghĩa là câu chuyện đến hồi kết.
“Phi dã, anh hùng chân chính ở thời nào cũng có thể vượt lên hoàn cảnh để tỏa sáng, câu bách vô nhất dụng thị thư sinh chính là ý này.” Thất Sách vỗ lưng con chó, một đáp một xướng với lão nhân.
“Vì sao Thất Sách?” Lão nhân phe phẩy quạt, muốn rít hơi thuốc, tiếc rằng yên thảo đều bị gom hết vào kinh thành, không thể hút thoải mái. Đám trẻ con nhìn Thất Sách, đợi chờ gã lặp lại trả lời hôm nào cũng nói.
“Vì anh hùng không sợ gì cả, thời thế không thuận thì anh hùng cũng có thể nghịch lại ông trời.” Thất Sách khảng khái đáp, “dù bóng tối bao trùm, tất cả không còn hy vọng, mọi người đều khuất phục thì anh hùng vẫn có thể lãnh đạo những người chỉ biết nghe theo người khác, vươn vai chống lại lịch sử.”
“Nói đơn giản là xuôi chèo mát mái không thể hiện được sự mạnh mẽ của cánh buồm, mọi thành tựu rực rỡ đều do dũng khí mà ra, không liên quan gì đến xảo hợp.” Lão nhân nheo mắt mỉm cười, nhìn đôi chân cụt rồi nhìn Thất Sách.
Lão nhân kể chuyện xong, đám trẻ cũng giải tán, chỉ còn lại Thất Sách và con chó, cùng ánh tịch dương rực lên như than hồng.
“Lão sư phụ, sáng sớm mai con sẽ lên Thiếu Lâm tự.” Thất Sách nhìn con chó mù dở với vẻ luyến tiếc.
Con chó này có thể coi là thân nhân bầu bạn với lão nhân mười ba năm nay, cũng đã già lắm rồi.
“Thời cuộc này, ta thấy Thiếu Lâm tự cũng không phải chốn tử tế gì, Thất Sách, con còn cha mẹ phải phụng dưỡng cơ mà.” Lão nhân không tán đồng khao khát của Thất Sách: lên Thiếu Lâm tự học võ, luyện lấy một thân công phu hành hiệp trượng nghĩa.
“Lão sư phụ, lẽ nào những câu chuyện sư phụ kể đều là giả?” Thất Sách vung quyền múa cước dưới ánh chiều tà, chính là pho Phục Hổ quyền gã tưởng tượng ra. Thất Sách từ bé quen với việc đồng áng, tuy dáng vẻ gầy gò nhưng thân thể tráng kiện, múa may loạn xạ cũng phát ra tiếng gió vù vù.
“Anh hùng thật sự đấy, giả thế nào được?” Lão nhân thở dài. Thiếu niên này lớn lên theo câu chuyện lão kể, thường mè nheo lão kể cho nghe những truyền thuyết giang hồ hoang đường, tính cả thôn thì gã có duyên phận với lão hơn hết nên được lão lén dạy mấy chữ Hán, có điều không được để người khác biết, tránh gặp phải phiền hà không đáng. Hiện giờ gã quyết tâm lên Thiếu Lâm tự học nghệ, lão ngăn được ư?
“Cha mẹ có năm đệ đệ của con lo lắng, sau này con vượt qua được Thập bát Đồng nhân trận của Thiếu Lâm tự để hạ sơn, lúc cướp giàu giúp nghèo sẽ mang về cho thôn thêm chút bạc, làm rạng rỡ tổ tông một phen.” Thất Sách vung tay, cười hì hì.
Một cô bé giận giữ chạy tới đối diện Thất Sách đang trong tư thế trồng chuối, cất tiếng mắng mỏ: “Thất Sách! Ta nghe cha mi nói ngày mai mi sẽ lên Thiếu Lâm tự quỷ quái gì đó ở Hà Nam bái sư học nghệ, đúng không?” Cô bé giận run người.
“Đúng!” Thất Sách cảm giác những gì cô bé nói hết sức vô vị, việc này chẳng phải đã nói rồi ư, nhắc lại làm gì?
Cô bé tên Hồng Trung, là thanh mai trúc mã cùng tuổi với Thất Sách, cả hai từ bé đã chơi chung, cả ngày đánh đấm gây náo loạn, cãi nhau rồi lại làm hòa, giống như những đôi nam nữ trong thôn lớn lên sẽ thành hôn.
Tên Thất Sách cùng Hồng Trung bắt nguồn từ hứng thú của mẫu thân hai đứa. Mẫu thân Thất Sách và Hồng Trung mỗi khi nông nhàn lại cùng nhau đánh bài. Lúc mẫu thân Thất Sách mang thai đánh mạt chược, bụng thầm mong con Thất Sách, bèn thầm nhủ nếu bốc được sẽ lấy Thất Sách đặt cho tên con làm kỉ niệm, qua ba lượt nhẫn nại, sau cùng thật sự bốc được Thất Sách, thắng hết số trứng gà của bạn cùng bàn đánh bài. Còn về mẫu thân Hồng Trung cũng vậy, thiếu lá Hồng Trung là bài sẽ đại tứ hỉ, kết quả bốc trúng, cô con gái trong bụng liền được đặt tên này. Hai ván bài đó không chỉ diễn ra cùng một ngày, mà cùng một bàn chơi, số mệnh cả hai được cho là tốt đẹp từ trong bụng mẹ, hết sức hòa hợp, người trong thôn đều nhận định cả hai sẽ gắn bó với nhau.
“Vì sao nhất định phải đi, ở lại thôn chăm chỉ nuôi gà, làm ruộng, chăn trâu không được sao?” Hồng Trung tức giận.
“Nếu cả đời có thể nuôi gà chăn trâu yên lành thì ta cũng chấp nhận, nhưng bọn quan binh xấu xa đó ai biết lúc nào sẽ đến thôn khám xét. Nam nhi chí tại tứ phương, thiên hạ anh hùng xuất Thiếu Lâm, đương nhiên phải đến Thiếu Lâm một chuyến!” Thất Sách lộn mấy vòng, mặt cũng đỏ lên.
“Mi đưa ta đi!” Hồng Trung kêu lên.
“Mấy trăm năm nay Thiếu Lâm tự không thu nữ đệ tử, cũng sẽ không phá lệ cho mi đâu, Hồng Trung.” Thất Sách cảm thấy buồn cười.
“Khi nào mi quay về?” Gương mặt Hồng Trung bắt đầu xanh lét.
“Lúc nào qua được Thập bát Đồng nhân trận, Mộc nhân hạng là về, nếu may mắn vào được Đạt Ma viện tu luyện bảy mươi hai tuyệt kĩ sẽ về muộn hơn vài năm. Võ công không phải thứ đi đường tắt, đúng cách thì mười năm có thành tựu, trăm năm sẽ đại thành, mi tưởng đại hiệp muốn là làm được sao?” Thất Sách ngoài miện nói một đằng, trong lòng nghĩ một nẻo. Có khi gã chính là kì tài tập võ trăm năm khó gặp, ngộ tính siêu phàm cũng nên, chỉ mấy tháng sẽ học sạch võ công của Thiếu Lâm!
Thất Sách không khỏi đắc ý, trong truyền thuyết giang hồ do lão nhân kể có vô số thiên tài như thế, ví dụ vào triều đại trước ở Quảng Đông, Cái vương Tề Thiên Quả vì muốn cứu Trương Thế Kiệt nên cùng với Độc Tý hiệp Trương Giảo lãnh đạo Cái Bang tử thủ Thanh Châu, chống chọi với làn mưa tên từ biển bắn vào.
“Thất Sách, con phải nghĩ cho kĩ.” Lão nhân cho tay vào túi áo, móc ra một cuộn yên thảo khô quắt.
“Phải, nghĩ, cho, thật, kĩ!” Hồng Trung giận run người.
“Đời người không phải là gõ bàn tính.” Thất Sách vỗ vỗ đầu Hồng Trung, hai năm trước cô cao hơn gã nửa cái đầu hiện đã thấp hơn nửa nắm tay, “làm đại hiệp đơn giản như vậy thì không còn ý nghĩa gì nữa.”
Hồng Trung không thể phản bác nhưng vẫn nổi giận.
“Lão sư phụ, đợi khi con hạ sơn làm nên đại sự, sư phụ sẽ có chuyện mới để kể, hơn nữa nhân vật chính còn là đại anh hùng do sư phụ dạy dỗ nên.” Thất Sách nhìn vầng tịch dương, tỏ ra hào khí.
“Thất Sách à, giang hồ hiểm ác, con thích dùng thành ngữ loạn xạ như vậy lấy đâu ra còn mạng.” Lão nhân thở dài, con chó ngẩn ra nhìn Thất Sách.
“Muốn làm anh hùng phải tỏ ra như vậy mới được.” Thất Sách toét miệng cười hết sức thoải mái.
Tịch dương cùng lão nhân đều không hưởng ứng, gã vẫn còn là trẻ con.
Một đứa trẻ vô tri ôm mộng giang hồ hiệp nghĩa, lòng đầy những điều tốt đẹp.
oOo
“Thất Sách, đi đường cẩn thận, nhớ đừng lạc đường.” Mẫu thân nám chặt tay Thất Sách.
“Đã quyết tâm rèn luyện, dù gian khổ cũng phải cắn răng chịu đựng.” Phụ thân cầm cái cuốc lên.
“Thất Sách, đừng dùng thành ngữ loạn xạ.” Lão nhân kể chuyện dặn.
“Chá biết rồi, đó gọi là họa bắt nguồn từ miệng, trẻ con không biết giữ ý.” Thất Sách có phần hưng phấn.
Từ biệt lão nhân rồi, cha mẹ bắt hai con gà mái không đẻ trứng đưa cho Thất Sách, gã liền nằm trên cỗ xe trâu vận chuyển ngũ cốc vụn, tính cách đi nhờ xe đến dưới chân Tung Sơn ở Hà Nam.
Lúc đó là năm Chí Chính thứ ba triều Nguyên, thiết kị Mông Cổ chinh chiến tứ phương, không hề gặp địch thủ, diệt Nam Tống đã năm mươi năm. Giữa thời buổi tham quan hoành hành, muốn mang hai con gà đi làm lễ bái sư học võ thật sự không dễ, Thất Sách hiểu rõ tâm ý yêu thương của cha mẹ, cảm kích các đệ đệ, muội muội đảm nhiệm việc đồng áng khiến gã không lo lắng gì, để gã thực hiện mộng tưởng. Nói cho cùng gã thật sự tự tư, nhưng từ cổ đến giờ người thành đại sự không quan tâm đến tiểu tiết, Thất Sách không cấn cá nhiều, chỉ cần tập được võ công thượng thừa, chỉ cần trở thành tiểu hiệp là về nhà, khiến cha mẹ nở mày nở mặt.
Tung Sơn thuộc Ngũ Nhạc, do hai dãy núi tổ thành, dãy phía đông được gọi là Thái Thất, dãy phía tây là Thiếu Thất, gồm ba mươi sáu đỉnh núi, đỉnh nào cũng nổi danh. Thiếu Lâm tự tọa lạc dưới Ngũ Nhũ phong phía sau rừng trúc rậm rạp ở Thiếu Thất sơn, vì thế có tên là Thiếu Lâm. Thiếu Lâm tự thành lập vào năm Thái Hòa thứ mười sáu đời Hiếu Văn đế nhà Bắc Ngụy, còn khi võ kĩ của họ nổi danh là vào đời Tùy mạt. Lúc đó mười ba võ tăng Thiếu Lâm nhận lời Tần vương Lý Thế Dân tham gia dẹp loạn Vương Thế Sung, bằng vào tuyệt nghệ siêu phàm bắt sống cháu Vương Thế Sung là Vương Nhi Tái, bức lão hồ ly họ Vương đầu hàng. Luận công ban thưởng sau thắng lợi, Thiếu Lâm được rất nhiều ruộng đất, bạc trắng, lại được ban vinh dự “Lập tăng binh”, “Tửu nhục”. Từ đó võ công Thiếu Lâm dương uy thiên hạ, các lộ anh hùng đều kính ngưỡng.
Đi nhờ liền mấy chuyến xe trâu chở lương thực, sau cùng cũng đến chân Ngũ Nhũ phong, Thất Sách xách hai con gà nhảy xuống, đi chân trần tới nghìn bậc thang dẫn lên Thiếu Lâm. Nghe lão nhân kể chuyện nói rằng đường lên núi gồm một nghìn chín trăm bốn mươi chín bậc, nếu không thể đi liền một mạch đến chùa tức là thể chất quá kém, đừng vào chùa thì hơn, tránh làm ảnh hưởng đến chiêu bài Thiếu Lâm.
Thiếu niên nông thôn như Thất Sách không có gì nhưng tinh lực rất thịnh vượng, nhấc chân chạy thẳng lên, đồng thời quan sát dấu in trên nền đá. Lão nhân nói mỗi ngày hòa thượng Thiếu Lâm đều gánh nước lên chùa mười lần cho đến khi hai vai ổn định, hạ bàn vững chãi, nước trong thùng không sánh giọt nào ra ngoài mới đủ tư cách khiêu chiến Thập bát Đồng nhân trận để hạ sơn. Vì vậy trên bậc đá có dấu chân của chúng tăng để lại qua nhiều năm tháng.
“Kì quái, sau chỉ có mình mình đi, không thấy tăng nhân nào gánh nước nhỉ?” Thất Sách hồ nghi, nhìn trước nhìn sau, chỉ thấy dãy bậc đá vươn lên cùng rừng tùng xanh biếc ôm gọn hai bên.
Đang lúc Thất Sách hoài nghi phương thức huấn luyện võ tăng của Thiếu Lâm được lão sư phụ nhắc tới là thật hay giả thì thấy trước quán xem bói chứ ở giữa đường có một cột trúc treo tấm bảng rách đề bốn chữ “tự tự chân kim” (lời lời đáng giá như vàng). Lá cờ rũ xuống phất phơ theo gió, gian quán này đơn giản đến mức không có nửa chiếc bàn ghế.
Thất Sách biết chữ nên dừng bước.
Một vị trung niên đại thúc ngồi xổm dưới gốc cây cạnh đó ăn bánh nướng, thấy Thất Sách liền cười ha hả, vẫy tay gọi: “Tiểu huynh đệ, lên Thiếu Lâm học võ công hả?” Đại thúc này dáng vẻ như tú tài thi hỏng nhưng ánh mắt hiển hiện nét thông minh.
“Đúng vậy.” Thất Sách quan sát đại thúc.
“Nhìn tiểu huynh đệ này, mang theo mỗi hai con gà, thật lòng khuyên một câu là tiểu huynh đệ chớ nên đâm đầu học võ công gì đó, để gà lại cúng tế cho ngũ tạng của mình còn hơn.” Đại thúc không đứng dậy, mặt dính dầy hạt vừng rắc trên bánh nướng.
“Đại thúc nói sao? Hai con gà không đủ học phí ư?” Thất Sách hiếu kì. Nghe nói học phỉ chỉ mang tình tượng trưng, dù sao hòa thượng cũng không ăn thịt gà, gà mang đến chùa sẽ được tặng lại cho nông gia nghèo khổ dưới chân núi.
“Chỉ hai con gà nhỏ nhoi, mấy tên xú hòa thượng đó có bao giờ thèm để ý? Cứ đem trả tiền xem tướng cho đại thúc thì vừa đủ.” Đại thúc cắn một miếng bánh, cười ha hả.
Cùng lúc, từ phía bậc thang vang lên tiếng thở hồng hộc, từ xa xuất hiện một toán hán tử khiêng một chiếc kiệu lớn, màn kiệu vén lên hé lộ hình ảnh một gã mập phe phẩy quạt, gương mặt đỏ lựng méo xệch vì nóng.
Đại thúc vột đặt nửa cái bánh nướng chưa ăn xong xuống gốc cây, đứng dậy phủi sạch bụi đất trên người.
“Khách đến rồi!” Đại thúc cười hì hì nghênh đón chiếc kiệu.
Thất Sách chưa từng đi đâu xa nhà hơn mười dặm, lần này chỉ dựa vào dũng khí của người nhà quê, một mình lên Tung Sơn Thiếu Lâm tự, nhưng gã biết rằng còn nhiều điều nhỏ nhặt thú vị không thể tìm hiểu được chỉ qua việc nghe lão nhân kể chuyện, vì thế gã xách hai con gà đứng sang một bên hiếu kì quan sát đại thúc bắt chuyện với gã mập.
“Công tử gia, ngài lên Thiếu Lâm học võ công?” Đại thúc cười tươi rói, cúi người chặn kiệu lại.
“Thì sao? Cút ngay cho ta.” Gã mập tỏ vẻ bực mình.
“Công tử gia thể phách tráng kiện, lên Thiếu Lâm học không đầy ba tháng tất sẽ luyện thành bảy mươi hai tuyệt kĩ chân truyền, dương danh giang hồ nên tiểu nhân lớn mật, nhân lúc này hỏi công tử gia có muốn đặt trước biệt hiệu may mắn vang động giang hồ chăng?” Đại thúc vái dài.
“Biệt hiệu may mắn, vang động giang hồ?” Gã mập tỏ ra nóng lòng.
“Đúng vậy, nếu công tử gia dựng nên sự nghiệp trên giang hồ nhưng không có danh hiệu như sấm động bên tai cho các giang hồ hào khách truyền tụng, chẳng phải đáng tiếc lắm ư?” Đại thúc cười tươi rói, dáng vẻ đúng với tiêu chuẩn của giang hồ thuật sĩ. Gã mập phe phẩy quạt, ném một nén bạc xuống. Nén bạc lăn tròn dưới chân đại thúc khiến Thất Sách trợn tròn mắt.
“Nói đúng lắm, thưởng cho ngươi một nén bạc, nói danh hiệu đi.” Gã mập cầm đĩa nho lên ăn. Thất Sách chạy một lúc nên cổ họng khô rang, nhìn thấy bồ đào Tây Vực chưa một lần được thưởng thức, bất giác nuốt nước bọt.
“Xin hỏi tên của công tử gia. Tiểu nhân muốn biết tên chữ và sinh thần của công tử gia để đặt một biệt hiệu tao nhã xứng với ngài.” Đại thúc khom lưng nhặt bạc nhét vào ngực, cười híp mắt đứng cạnh lá cờ “chữ chữ xứng với vàng mười.”
“Tai ngươi xứng đáng nghe tên của đại gia hả? Lẽ nào mặt mũi ta không ra gì?” Gã mập nổi giận, ném một chùm bồ đào vào mặt đại thúc đoán chữ.
Đại thúc không nổi giận, nhìn ngắm gương mặt gã mập thật kỹ. Gã mập thong thả ăn bồ đào, nhân cơ hội này, bốn hán tử khiêng kiệu được nghỉ ngơi. “Công tử gia, thân hình tráng kiện của ngài có uy thế hàng long phục hổ, ngồi kiệu bốn người khiêng tạo thành phong thái phú quý, hào khí vung tay càng bất phàm…” Công phu tâng bốc của đại thúc đã luyện đến mức xuất thần nhập hóa, nói tiếp, “vậy gọi là Kim Kiệu Thần Quyền Tiền La Hán, khí thế thật hết sức vang lừng, công tử gia thấy thế nào?”
Gã mập hài lòng gật đầu, ném tiếp một chùm bồ đào xuống đất: “Không ngờ tên thầy bói kiết xác như ngươi lại nghĩ được danh hiệu đáng giá như thế. Đi nào.” Gã mập vỗ tay, bốn hán tử nhấc kiệu lên, tiền hô hậu ủng tiến về Thiếu Lâm tự. Bốn hán tử cước lực rất khá, Thất Sách ngầm bội phục.
Đại thúc xem bói nhặt bồ đào dưới đất, cười hì hì ngắt mấy quả đưa cho Thất Sách: “Ăn đi, tiểu huynh đệ có vẻ khát nhỉ.” Thất Sách không khách khí, gần như nuốt chửng, thầm nhủ bồ đào đúng là ngon quá, tương lai trở thành đại hiệp vân du tứ hải, phải đến đất trồng bồ đào là Tây Vực một phen.
Gã ăn bồ đào xong định đi luôn, đại thúc nằm dưới gốc cây hóng mát, xem ra chuẩn bị ngủ một giấc. “Đại thúc, để râu rậm thêm chút nữa trông sẽ cao thâm hơn, rồi che cái quạt này lên mặt, lông quạt sẽ che mờ gương mặt.” Thất Sách nhìn đại thúc một lúc, rồi quay người bước tiếp.
“Nói đúng lắm.” Đại thúc nhìn con gà trong tay Thất Sách, tỏ vẻ hảo tâm, “tiểu huynh đệ kiến nghị miễn phí, đại thúc không ngại tặng cho tiểu huynh đệ một danh hiệu, nên gọi là…”
“Không cần, danh hiệu vừa nãy đại thúc đưa ra rất khó nghe, cháu không thích.” Thất Sách cười ha hả.
“Không thu ngân lượng cũng không nghe sao?” Đại thúc vặn người, chụp nón rộng vành lên che đầu.
“Đa tạ, không cần đầu. Đại hiệp chân chính không cần danh hiệu vớ vẩn làm gì.” Thất Sách tỏ vẻ nghiêm túc, nhấc hai con gà lên, tiếp tục tiến bước.
Đại thúc ngẩn người, nhìn qua vành nón thân ảnh thiếu niên đi mỗi lúc một xa, bất giác thở dài, định nói ra tình cảnh sa sút của Thiếu Lâm để ngăn gã không lãng phí hai con gà, đồng thời muốn xem thiếu niên chất phác này có giữ được mình trong sạch giữa thời loạn lạc hay lại bị loạn thế nuốt chửng.
“Tiểu tử, quên không hỏi tên cậu?” Đại thúc đứng dưới gốc cây gọi to.
“Cháu họ Nhũ, Nhũ trong nhũ đầu (núm vú), tên Thất Sách, Thất Sách trong bài mạt chược. Còn đại thúc tên gì?” Thất Sách không ngoái đầu lại, lai con gà rung lắc dữ dội theo tay gã.
“Lưu! Lưu Cơ!” Đại thúc ve cằm, thầm cân nhắc đề nghị để râu của Thất Sách.
Đại thúc nhìn theo bóng Thất Sách, bấm ngón tay tính toán, từ bỏ quan chức rời khỏi quê hương Thanh Điền đi vân du đã ba năm bảy tháng, đến giờ mới nghe được những lời không dự liệu được. Dù thế nào ông ta cũng không tính được khi hai người gặp lại nhau nhiều năm sau, cùng đứng trong thời đại lịch sử loạn lạc.