Thịnh Thế An Ổn

Tạ Trì Lễ, ông nội của nàng, là thầy dạy của đương kim Hoàng đế, con trai thứ của dòng đích tôn đời thứ năm nhà họ Tạ tại Yến Tử Hồ, bên trên còn một người anh tên Tạ Tông Hoa.

Nhà họ Tạ tại Yến Tử Hồ khởi nguồn không cao, nghe nói ông cố tổ nhà nàng chỉ là người bán hàng rong bình thường nhưng đầu óc thì lại rất linh hoạt, tính tình kiên định và sẵn sàng chấp nhận đấu tranh học hỏi để tiến tới. Sau đó may mắn cưới được con gái của tú tài Lạc Bách, bà cố tổ của nàng, từ đó con cháu Tạ gia mới thoát khỏi hàng ngũ dân đen thất học và biết được vài chữ thánh hiền. Qua mấy thế hệ vun đắp, không hề thiếu con cháu nhà họ Tạ tham gia khoa cử rồi nhận lĩnh những công việc trong phòng thu chi hay thầy dạy học. Đến sau này khi Tạ Trì Lễ ra đời thì nhà họ Tạ tại Yến Tử Hồ đã qua mấy đời củng cố và phát triển, có truyền thống gia giáo nghiêm khắc, nên đã tạo dựng được tiếng tăm không nhỏ tại địa phương.

Đến khi triều đình đời trước rối loạn, Thái tổ Quân Vô Uy phất cờ khởi nghĩa, Tạ Trì Lễ dẫn đầu một số con cháu xuất sắc trong dòng họ đồng cam cộng khổ phụ giúp Thái tổ, vào sinh ra tử chắn đao chắn tên cho Thái tổ, thậm chí có lần còn suýt chết. Thái tổ Quân Vô Uy sau khi khoác hoàng bào cũng đối xử với ông rất tốt, phong cho ông Trì Lễ công (Công ở đây là tước đầu trong năm tước của phong kiến: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam).

Đến lúc này, các thế gia tại Kinh thành cũng đã bao phen chìm nổi, các gia tộc cũ dần suy tàn, các thế lực mới hình thành, mà Tạ gia cũng chen chân để trở thành một trong số đó.

Khác với một số người hăm hở muốn chứng tỏ bản thân trên triều đình, tổ phụ nàng cùng hai vị huynh đệ thân thiết lại lấy lý do cần tĩnh dưỡng thân thể mà dần dần rút lui khỏi triều chính. Tất cả những điều này đều được Thái tổ Hoàng đế ghi nhận, rồi bánh ít đi bánh quy lại, tuy tổ phụ nàng và vài huynh đệ đều an nhàn hưởng lộc triều đình, nhưng con trai họ đều được Hoàng đế trọng dụng.

Nếu tính gia phả họ Tạ tại Yến Tử Hồ, tổ phụ của nàng là dòng đích tôn, ông bà cố của nàng sinh được hai nam một nữ. Tổ phụ nàng là con trai thứ, nàng còn một ông bác và một bà cô ruột. Ngoài ra còn một số người con do thiếp thất sinh nhưng đều ở tại quê nhà Yến Tử Hồ chứ không có ai ở Kinh thành.

Tổ phụ của nàng cả đời chưa từng nạp thiếp. Tổ mẫu nàng sinh ba con trai, một con gái. Con gái lấy chồng xa tận Hoài Nam, phụ thân nàng Tạ Xương Duyên là con trai trưởng, Nhị thúc là Tạ Uyên Bảo, Tam thúc là Tạ Hãn Phong. Trừ Tam thúc ra thì phụ thân nàng và Nhị thúc đều giữ những chức vị quan trọng trong triều.

Hai ông bà lão về đến nhà thì ngày hôm sau liền mời cả nhà ông bác sang ăn cơm.

Sau giờ ngọ, Tạ lão phu nhân trong Sùng Đức Viên vẫn chưa thức dậy. Tạ Ý Hinh đang ôm Tạ Mịch Hãn chơi ở một góc thì thấy mama tâm phúc của Văn thị sắc mặt không vui đi vào, thấp đầu rỉ tai Văn thị vài câu. Tạ Ý Hinh chỉ nghe được loáng thoáng là quản sự mua hàng ở phòng bếp gì đó.

Nàng nghiêng đầu, cố nhớ lại chuyện năm đó, hình như là có người tố cáo quản sự phòng bếp và quản sự mua hàng cấu kết với tiểu thương để ăn chặn không ít bạc trong phủ.

Nàng nhớ, năm đó khi biết được việc này nàng vô cùng cao hứng, còn bày mưu cho họ làm lớn chuyện đến trước mặt tổ mẫu. Lúc ấy Văn thị bị khiển trách, còn bị chia nửa quyền quản gia cho Quản thị. Đương nhiên, bản thân Tạ Ý Hinh cũng không được khen mà còn bị phạt cấm túc suốt một tháng, nhưng lúc ấy nàng vẫn rất vui vẻ bởi có thể làm cho Văn thị sống không yên.

Giờ ngẫm lại, mình khi đó thật đúng là ngu không thể nói, hơn nữa không hề biết nhìn xa trông rộng, chỉ chăm chăm hơn thua ba chuyện lông gà vỏ tỏi trong thế giới nhỏ hẹp của mình.

Văn thị là chủ mẫu đương gia nhà họ Tạ, nàng làm xấu mặt Văn thị thì chẳng khác nào tát Tạ gia một bạt tai, huống chi lúc ấy cả nhà ông bác cũng có mặt ở đó. Tuy họ cũng không thật sự là người ngoài, nhưng dù gì cũng làm mất thể diện nhà nàng.

Nghĩ nghĩ, Tạ Ý Hinh nắm tay em trai đi theo.

Khi hai tỷ đệ đi tới Thanh Vân viên, Văn thị mặt xanh mét ngồi ở chủ vị, cách bà chừng một trượng có hai người đàn ông trung niên mặt đầy mồ hôi đang dập đầu liên tục.

“Nô tài có tội, nô tài có tội, xin chủ tử thương tình nô tài nhiều năm tận tâm phụng dưỡng mà tha cho nô tài một lần đi.”

Bốp, chén trà trên tay Văn thị đập lên đầu một người, “Tận tâm phụng dưỡng là vậy đó hả? Ngẫm lại xem, mấy năm nay các ngươi ở phòng bếp tham ô tổng cộng bao nhiêu bạc rồi?” Lão gia nhà bà một năm bổng lộc tổng cộng cũng chỉ được chừng một ngàn hai trăm lượng bạc, thế mà số bạc hai kẻ phòng bếp và quản sự nho nhỏ kia tham ô tính ra cũng tương đương như thế. Thật đúng là không thể tha thứ!

Bà thật sự tức giận mà cũng thất vọng bởi bà khá tín nhiệm hai người Trương quản sự và Phương thu mua này. Bà biết tính họ cũng hơi táy máy nhưng không ngờ họ lại tham lam đến độ này. Giờ bị kẻ khác bắt được bím tóc, thật đúng là khiến bà mất thể diện!

Chứng cứ thì đã rõ rành rành, nhưng tiếp theo phải xử lý thế nào mới là khó. Phạt nhẹ thì không đủ răn đe, phạt nặng thì khác nào tự tát vào mặt mình?

“Phu nhân, đại tiểu thư cầu kiến.”

Văn thị nghe vậy càng căng thẳng, những lúc thế này con bé tới làm gì?

Bà biết con bé này rất thích kiếm chuyện với mình, tuy hai ngày qua trông có vẻ hòa nhã hơn, nhưng ai mà biết được --

Văn thị vừa nghĩ vậy vừa bảo người hầu mời đại tiểu thư vào.

Văn thị kêu người dâng trà và chuẩn bị điểm tâm cho con trai xong mới hỏi, “Con lại đây có việc gì quan trọng không?”

Tạ Ý Hinh nhấp trà, liếc mắt nhìn hai quản sự đang quỳ, “Mẫu thân có việc cứ xử lý trước đi, chuyện của nữ nhi chậm chút cũng không sao.”

Tạ Ý Hinh tỏ thái độ bàng quan khiến Văn thị thở phào một hơi nhẹ nhõm. Con bé không nhúng tay là tốt nhất chứ không thì sợ là tình huống sẽ càng phức tạp, và rất có khả năng là bà cũng sẽ chẳng có kết quả gì tốt.

Cuối cùng bà quyết định bắt hai người kia phải nộp lại khoản bạc tham ô đồng thời đuổi ra khỏi phủ, coi như giải quyết xong chuyện này.

Hai kẻ kia lén thở phào, lau mồ hôi túa ra trên đầu, nghĩ bụng dù gì vẫn còn bí mật giữ lại được một ít ngân lượng nên cuộc sống sau này cũng không quá khó khăn, họ không bị đánh chết đã xem như là nể tình rồi, vì vậy lập tức dập đầu tạ ơn.

Tạ Ý Hinh chỉ nhìn chứ không nói lời nào, thầm lắc đầu. Văn thị vẫn còn nhân từ quá, đối với thứ nô tài lừa thầy dối chủ thế này gặp nàng là chắc chắn sẽ không rộng lượng tha thứ như vậy đâu. Nàng nhớ, lúc nàng vừa mới gả đến An Quốc Hầu phủ nắm quyền quản lý cũng có một quản sự phòng thu chi dùng nhiều thủ đoạn để ăn chặn không ít bạc. Lúc ấy nàng cho người xét nhà, chỉ để lại cho hắn một vài vật phẩm quý trọng và chút ít vàng bạc rồi sắp xếp xe ngựa đưa cả nhà hắn về quê. Ai lúc đó chẳng ca ngợi nàng rộng lượng nhân từ? Nửa tháng sau thì nhận được tin cả nhà quản sự kia chết hết do gặp phải sơn tặc trên đường về quê, người nghe cũng chỉ chép miệng nói một câu gia đình kẻ này đúng là xui tận mạng.

Sau khi người hầu dẫn hai tên kia đi rồi, đại sảnh lại trở về vẻ yên tĩnh.

“Hinh nha đầu tìm mẫu thân có chuyện gì?” Văn thị mỉm cười hỏi.

“Mẫu thân chọn được quản sự mới chưa?” Tạ Ý Hinh hỏi.

Thì ra vừa rồi không nhúng tay là chờ hỏi câu này? Văn thị cười miễn cưỡng, “Chưa có. Hinh nha đầu hỏi vậy là có người phù hợp à?”

“Không có.” Tạ Ý Hinh bình tĩnh nhìn bà rồi nói tiếp, “Chẳng qua con có ý tưởng này định nói với mẫu thân thôi.”

Văn thị sửng sốt, cười hỏi, “Ý tưởng thế nào? Con nói đi.”

“Chuyện kiểu Trương quản sự thì cứ vài năm phòng bếp lại xảy ra một lần, có cấm cũng cấm không được, hạ nhân có trung thành đến đâu mà làm chuyện này thì cũng bắt buộc phải thay. Mẫu thân không thấy đau đầu à?”

“Sao lại không! Trước đây ta chọn hai người này làm quản sự và thu mua chính là vì lợi dụng họ có hiềm khích với nhau nên hẳn sẽ canh chừng lẫn nhau. Ai ngờ hai năm qua hóa ra chúng lại lén lút cấu kết làm một chỗ thế này!”

Việc này chứng tỏ không có kẻ địch vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn.

Phương pháp tách quản sự và thu mua làm hai người, người này canh chừng người kia là biện pháp thông dụng, từ hoàng gia tới dân chúng đều dùng cách này. Nhưng sự việc giống như hôm nay vẫn cứ phát sinh, có cấm cũng không có tác dụng. Kẻ thu mua thì dung túng cho tiểu thương đẩy giá lên trời để đút túi phần chênh lệch giá, hoàng thượng làm sao biết được, có khi giá trứng gà trong hoàng cung cao tới hai lượng bạc một quả. Cho dù phía kiểm nhận không bị mua chuộc để đồng phạm thì giá cả lên xuống hàng ngày hắn cũng không giám thị nổi.

“Mẫu thân, nếu đã cấm mà vẫn không được, chẳng thà chúng ta thay đổi biện pháp, giao toàn quyền giám thị và thu mua cho một người phụ trách thôi.”

“Như vậy sao được? Không ai canh chừng thì hắn càng dễ tham ô hơn chứ?”

“Mẫu thân, nước quá trong ắt không có cá. Chúng ta giao cho một người phụ trách cả giám thị lẫn thu mua, cứ mỗi tháng đưa cho hắn một số bạc cố định, bạc còn dư chúng ta cũng không lấy lại mà cho hắn hết coi như tiền thưởng. Cứ như vậy, để được nhiều tiền thưởng, chúng ta việc gì phải sợ hắn không tận tâm tận lực?” Vì không để mất công việc béo bở này, người nọ nhất định sẽ toàn tâm toàn ý làm tốt nhiệm vụ đây.

Văn thị nghe xong thì ngẩn ra, ngẫm kỹ liền cảm thấy phương pháp này rất tốt. Trước đây phòng bếp muốn mua đồ bao nhiêu tiền thì cứ đi phòng thu chi lĩnh ra bấy nhiêu bạc, thanh toán xong thì phần chênh lệch phải trả lại đầy đủ chứ không đút túi được xu nào nên đương nhiên là bọn họ sẽ vắt hết óc để chấm mút. Giờ có biện pháp này thì chỉ cần mình quan tâm tỉ mỉ một chút, hàng hóa bắt buộc phải so sánh giữa ba cửa hiệu, bọn họ nhất định hội tận tâm để có thể có được chút tiền thưởng chênh lệch.

“Sao Hinh nha đầu nghĩ ra được cách này vậy? Rất mới lạ, mẫu thân chưa từng nghe bao giờ.” Văn thị khen ngợi. Nếu bà áp dụng một cách có phương pháp thì đừng nói là ba năm hay năm năm mà thậm chí là tám năm hay mười năm sau phòng bếp cũng sẽ không phát sinh những chuyện mệt mỏi rắc rối này. Đến lúc đó liệu ai còn không khen bà giỏi quản lý gia đình?

Tạ Ý Hinh cười cười. Thật ra nàng không phải là người sáng tạo ra biện pháp này mà là Ân Từ Mặc, chẳng qua nàng thấy cách này tốt nên lấy dùng thôi. Lúc trước, Ân Từ Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã quản gia chu đáo khiến ai cũng khen. Nghĩ đến đây, Tạ Ý Hinh không thể không thừa nhận, Ân Từ Mặc quả thật có bản lĩnh.

“Mẫu thân còn bận nhiều việc, nữ nhi không quấy rầy nữa. Hãn nhi, đi qua bà nội với tỷ không?” Tạ Ý Hinh nhìn sang cậu bé nãy giờ vẫn ngoan ngoãn im lặng ngồi một bên.

“Dạ!” Thằng bé lanh lảnh trả lời, sau đó trượt soạt một cái khỏi ghế, phóng tới Tạ Ý Hinh, “Tỷ tỷ bế --”

Đợi hai tỷ đệ đi xa, Văn thị mới hạ giọng hỏi, “Nhũ mẫu thấy sao?”

“Ta thấy đại tiểu thư có vẻ đã trưởng thành và hiểu chuyện rồi.”

“Mong là vậy!” Văn thị cười cười.

Tạ gia hiếm con, đặc biệt là nhánh nhà nàng, tới giờ tổng cộng cũng chỉ có năm đứa nhỏ. Đại phòng – lão gia nàng – có hai đứa, nhị phòng – Nhị thúc – có ba, còn tam phòng – Tiểu thúc Tạ Hãn Phong – thì còn chưa đón dâu.

Văn thị không phải là kẻ hẹp hòi nên thật ra cũng không e ngại gì kế nữ Tạ Ý Hinh, hơn nữa vì thân thể bị tổn thương lúc sinh Hãn nhi nên sợ là khó có thêm con cái nữa. Nếu hai tỷ đệ thật sự có thể tương thân tương ái thì đúng là không còn gì tốt hơn.

Tạ Ý Hinh dẫn Tạ Mịch Hãn đi vào Sùng Đức Viên, mới tiến cửa thuỳ hoa đã nghe được tiếng cười đùa vọng ra thì đoan chắc là bà bác đã dẫn các thẩm thẩm và đường muội tới rồi. Nhà ông bác con cháu thịnh vượng, chỉ riêng lớp cháu ngang hàng với nàng đã có bảy người, ba nam bốn nữ, nhiều hơn nhánh nhà nàng.

Trong phòng, một cô bé vừa ăn điểm tâm vừa tò mò hỏi, “Bà thím, bà với ông chú đi lễ chùa lần này có gặp được đại sư Tuệ Dung không?”

“Gặp chứ.” Tạ lão phu nhân cười hớn hở khiến cô bé kia mắt sáng ngời đầy hâm mộ.

“Vậy có phải đại sư có chòm râu bạc dài phất phơ như thần tiên không?” Cô bé tò mò hỏi thăm thêm.

Tạ Ý Hinh nghe đến tên đại sư Tuệ Dung thì bước chân hơi ngập ngừng. Nàng nhớ kiếp trước không biết vì lý do gì mà đại sư luôn tỏ ra kính trọng Ân Từ Mặc, có tới hai lần nói tốt giúp ả nên ả thoát hiểm, hơn nữa sau đó thuận lợi bước lên được đài cao chín tầng kia.

Nhưng nàng chưa kịp suy nghĩ sâu xa vấn đề này thì nha hoàn đứng bên ngoài nhìn thấy hai tỷ đệ nàng liền mỉm cười hòa nhã vén mành mời hai người vào trong.

Nàng và đệ đệ vừa cúi chào xong thì bà bác mặt mũi hiền lành đã kéo vào lòng hỏi han thân mật.

“Hinh nha đầu đến rồi đấy à. Nghe nói hai ngày nay cháu bị bệnh, giờ đã tốt hơn chưa?”

“Bà bác, cháu không sao ạ, chẳng qua thời tiết oi bức nên người mỏi mệt biếng ăn chút thôi.” Trời mùa này nóng bức, tuy trong góc phòng có đặt chậu băng nhưng Tạ Ý Hinh không thích đụng da đụng thịt với người khác nên len lén dời thân.

Nàng nghĩ mình làm vậy không ai biết. Nào ngờ, hai vị lão phu nhân liếc nhau rồi cười hớn hở, cảm thấy sau khi bệnh một hồi thì Hinh nha đầu đã trưởng thành và hiểu được cách xử sự uyển chuyển, chứ nếu trước kia thì con bé đã nói thẳng toẹt ra không thích.

“Hinh nha đầu đã hiểu biết rồi.” Bà bác cười khen ngợi.

Tạ Ý Hinh chỉ cười thản nhiên. Kiếp trước, nàng ỷ mình là đích nữ Tạ gia nên vô cùng cao ngạo không coi ai ra gì, chỉ cần hơi tí không vừa ý là đùng đùng giận dữ ngay mà không bận tâm đến cảm thụ của người khác. Nếu dùng một câu để diễn tả thì nàng là người không biết cách đối nhân xử thế, chính vì thế đã tạo ra không ít kẻ thù ngay mặt hoặc ngấm ngầm, mà Vương Tuyết Chi là một trong số đó. Khi đó nàng nào biết, sau này Tạ gia phải gánh chịu tất cả những hậu quả xấu do cái tính tình ngang ngược bất kể mọi thứ của nàng tạo ra.

“Cũng đến lúc nên biết rồi, sắp sửa cập kê lập gia đình còn gì.” Tạ lão phu nhân cũng gật đầu.

“Bà bác, bà nội, con không lấy chồng đâu, con ở với ông nội bà nội cả đời luôn.” Tạ Ý Hinh vờ bất bình kêu lên.

“A, sắp lấy chồng, sắp chống lầy.” Vài cô bé cậu bé hớn hở gào to chọc ghẹo.

“Cái đám này, gào nữa đi, chút nữa không cho ăn canh đậu xanh mã thầy bây giờ!” Tạ Ý Hinh trừng mắt, nghiến răng kèn kẹt uy hiếp. (* mã thầy: củ năng)

Mấy đứa nhỏ nghịch ngợm vừa thấy nàng trừng mắt liền làm mặt quỷ thè lưỡi trêu nàng, rồi cười ha ha chạy tản ra.

Hai bà lão nhìn đám con cháu chơi đùa thân thiết, rồi quay sang nhìn nhau cười.

“Thời gian trôi nhanh thật, mới bữa nào vừa làm lễ mừng năm mới xong, giờ chớp mắt đã vào hạ rồi.”

“Chứ gì nữa, vẫn còn nhớ lúc chúng ta làm tiểu cô nương gả vào đây, đảo mắt đã thành bà già lụm cụm cả rồi.”

Lúc hai lão phu nhân ngồi cạnh nhau cảm thán thời gian trôi nhanh, đại nha hoàn Huyên Thảo của Tạ lão phu nhân bắt đầu hướng dẫn người hầu bưng canh đậu xanh mã thầy vào. Tạ Ý Hinh gom hết cả đám đường đệ đường muội lại rồi cùng đi về phía phòng khách.

Buổi tối, Tạ lão phu nhân kể cho Tạ lão gia nghe chuyện quản sự phòng bếp hôm nay. Tạ lão gia trầm ngâm một lát rồi trong mắt hiện lên ý cười nói một câu, “Không vào hang thì không bắt được cọp.” *

* Nguyên văn: 不聋不哑不做家翁 Không điếc không câm không làm cụ ông

“Lão gia, ông tính vậy thật à --” Tạ lão phu nhân nhìn bạn đời, ngập ngừng.

Tạ lão gia nghiêm trang, “Không phải ta tính vậy, mà vì nếu tình thế sau này đúng như lời đại sư Tuệ Dung nói thì hy vọng duy nhất cứu được Tạ gia chính là một trong những đứa cháu này. Cho dù chỉ là một tia hy vọng ta cũng không muốn bỏ qua.” Tạ lão gia không có nói cho bạn già biết, một năm trước đại sư Tuệ Dung đã cho ông biết Tạ gia nhà họ sẽ gặp tai họa lớn.

Phượng tinh ở phía Tây đã đổi chỗ, Phượng tinh mới mọc từ từ lóe sáng lên, mà Phượng tinh cũ lại dần dần mờ nhạt đi. Vốn dĩ chuyện Phượng tinh đổi ngôi cũng không liên quan gì đến nhà họ Tạ, nhưng đại sư Tuệ Dung nói Phượng tinh mới mọc lại va chạm với Tạ gia. Lúc Phượng tinh mới đắc thế thì Tạ gia sẽ dần dần thất thế, đến lúc Phượng tinh mới thật sự hình thành trọn vẹn thì đó cũng là lúc Tạ gia bị diệt vong.

Ông vốn dĩ cũng bán tín bán nghi, nhưng tháng trước ông lại nhận được tin có người xin xăm trong chùa đã rút được lá xăm “Đế vương Yến” trăm năm nay chưa ai rút được. Cô gái đó là ai ông không biết, mà đại sư Tuệ Dung cũng cực kỳ kín miệng không tiết lộ Thiên Cơ.

Lúc ấy đại sư Tuệ Dung nói cho ông việc này cũng là vì cảm thông và nhớ công ông cống hiến cho Đại Xương, muốn ông mau sớm tính toán đường lui để giữ lại huyết mạch cho Tạ gia.

Nhưng vài ngày trước, Đại sư Tuệ Dung gửi thư bảo ông lên chùa một chuyến. Đến tối khi cùng pha trà đàm đạo, đại sư cho biết, Phượng tinh cũ lúc trước có hiện tượng khác thường, không những không tối đi mà còn dần dần sáng ngời, lập thành thế đối kháng với Phượng tinh mới mọc. Đến đây thì vận mệnh tương lai lại mờ mờ ảo ảo không thể tính toán.

Lúc ấy ông có hỏi tương lai nhà họ Tạ sẽ thế nào, Đại sư Tuệ Dung cũng chỉ lắc đầu dặn một câu: tất cả hy vọng đều đặt trên vai con cháu Tạ gia, nếu ông muốn bảo vệ Tạ gia thì đừng bám vào khuôn phép cũ xưa mà bồi dưỡng con cháu đời sau.

Ông nghe vậy thì giật mình, có ý tưởng gì đó chợt lóe trong đầu rồi biến mất, mấy ngày qua cứ mãi cân nhắc lời dặn của Đại sư Tuệ Dung. Ông xưa nay rất quan tâm việc bồi dưỡng con cháu, nhưng Đại sư Tuệ Dung vẫn nhấn mạnh vào điểm ấy, đặc biệt là vài từ “đừng bám vào khuôn phép cũ”, chẳng lẽ người cháu có thể mang đến hy vọng cho Tạ gia lại không phải là mấy đứa cháu trai mà ông vẫn nghĩ, mà là --


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui