Thọ Khang Bảo Giám


* Đời Thanh, ông Viên ở Thiểm Tây.

Do giặc Sấm (Lý Tự Thành)[73] dấy loạn, cha con thất lạc, trôi nổi, ngụ tại Giang Nam, muốn cưới thiếp sanh con.

Vừa mua được vợ, rước về nhà ông Viên, cô ta xoay lưng về ánh đèn, khóc lóc.

Ông Viên gạn hỏi, cô ta đáp: “Chẳng có gì khác.

Chỉ vì trong nhà đói nghèo, chồng muốn tìm cái chết, cho nên thiếp bán thân để chồng được sống.

Thiếp nghĩ tới vợ chồng tình sâu nghĩa nặng trước nay; vì thế, khôn ngăn đau thương vậy”.

Ông thương xót,xoay lưng ngồi đợi sáng.

Ngoài số tiền bán thân ra, còn tặng thêm một trăm lạng, trả người vợ cho chồng, bảo họ hãy buôn bán.

Vợ chồng họ khóc lóc ra đi.

Về sau, họ muốn tìm một cô gái chưa chồng, tặng cho ông Viên để sanh con, nhưng tìm đã lâu chẳng được.

Ngẫu nhiên tới Dương Châu, gặp một người đem một đứa bé khôi ngô muốn bán; do vậy, họ bàn riêng với nhau: “Ta chưa tìm được cô gái nào.

Trước hết, hãy mua đứa trẻ này về hầu hạ ông Viên, có gì là không được?” Bèn mua lấy, vượt sông, tặng nó cho ông Viên.

Ông Viên nhìn kỹ, thì ra là đứa con đã bị thất lạc.

Báo ứng thần kỳ như thế đó!* Đời Minh, Văn Định Công Lục Thụ Thanh là người xứ Vân Gian.

Năm Tân Sửu, ông lên miền Bắc.

Khi ấy, quận thủ là Vương Công Hoa nằm mộng thấy trong sân của miếu Thành Hoàng có nhiều cây to đều vang ra tiếng tán thán ông ta là bậc thiện sĩ.

Do vậy, gọi bố vợ của ông ta là ông Lý đến hỏi: “Thường ngày, Thụ Thanh đã làm những việc thiện nào?” Ông ta thưa không biết rõ, [chỉ biết Thụ Thanh] đối với chuyện tà sắc chẳng cẩu thả mà thôi! Về sau, [Thụ Thanh] đỗ đầu kỳ thi Hội, con là Ngạn Chương đậu Tiến Sĩ vào năm Kỷ Sửu.* Đường Cao thuở trẻ đọc sách dưới đèn, có cô gái lả lơi chòng ghẹo, xé giấy dán cửa sổ.

Ông dán lại xong xuôi, đề thơ rằng: “Đào chỉ song dung dị bổ, tổn nhân âm chất tối nan tu” (Giấy dán song, xé rồi dễ vá; tổn đức người, há dễ đền bù?) Về sau, một vị Tăng đi qua cửa nhà ấy, thấy có một tấm biển đề chữ Trạng Nguyên, hai bên treo hai ngọn đèn, trên đèn viết hai câu ấy, lấy làm lạ, hỏi han.

Sau này, quả nhiên Đường Cao đỗ Trạng Nguyên.* Đời Minh, Trương Úy Nham ở Giang Âm nằm mộng thấy mình tới một tòa nhà cao, tìm được một danh sách ghi tên người đỗ đạt, trong ấy có nhiều dòng bị bỏ trống.

Hỏi người bên cạnh, họ bảo: “Đấy là danh sách người dự thi năm nay”.

Hỏi vì sao nhiều tên bị bỏ trống.

Đáp: “Thi cử thì cứ ba năm khảo hạch [đức hạnh] một lần, phải là kẻ tích đức, không lầm lỗi thì mới có tên.

Những chỗ bị khuyết là tên của những kẻ được ghi tên từ trước, do gần đây mới phạm lỗi nên bị xóa tên”.

[Người ấy] chỉ vào một hàng sau đó, bảo: “Ông bình sinh chẳng có dâm nghiệp, có lẽ sẽ được ghi bổ sung vào đây, hãy nên biết tự thương xót mình”.

Khoa thi năm ấy, quả nhiên đỗ hạng một trăm lẻ năm.* Đời Minh, thư sinh họ Tôn ở Ninh Ba, nhà nghèo, đi dạy vỡ lòng cho trẻ.

Suốt năm, chẳng qua là được trả mấy lạng bạc.

Về sau, mất chỗ dạy học, bèn ở nhờ nhà họ Trương ở Đường Tây, sao chép [sách vở để lấy tiền công sống qua ngày].

Đứa tớ gái nhà ấy chờ đêm thâu tìm đến rủ rê chim chuột.

Ông nghiêm khắc cự tuyệt.

Đứa tớ gái bèn dan díu với một thầy giáo khác cùng sống trong nhà ấy.

Đến tiết Đoan Ngọ, ông giáo ấy xin thôi dạy học vì bị sanh ghẻ lở, trị mãi không lành.

Ông được cử làm gia sư để thay thế.

Về sau, gặp người chú tại cửa sông, người chú bảo: “Do con ta bị bệnh, ta cầu đảo Thành Hoàng.

Đên nằm mộng thấy Thành Hoàng ngồi trên điện, gọi nha lại đem sổ ghi tên kẻ đói rét ra sửa.

Người hầu đọc tên để thần xem xét.

Đọc hơn mười mấy tên, tới tên của cháu, ta ngầm hỏi nha lại: “Họ Tôn do duyên cớ gì mà được sửa chữa?” Nha lại đáp: “Người này năm bốn mươi sáu tuổi, lẽ ra phải bị chết đói trong khi lưu lạc bên ngoài.

Do đêm Mười Tám tháng Tư năm nay, cự tuyệt ả nọ dụ dỗ làm chuyện dâm bôn.

Vì vậy được tăng thêm tuổi thọ hai kỷ (hai mươi bốn năm), sửa thành được ghi tên trong sổ hưởng lộc.

Ta rất mừng cho cháu vậy”.

Về sau, ông được người theo học càng đông.

Mỗi năm thu được hơn trăm lượng bạc.

Đến năm ông bốn mươi sáu tuổi, nhằm đúng năm Vạn Lịch 36 (1608), giá gạo vọt lên rất cao, người chết khá đông, nhưng ông vẫn dư dả.

Đến khi con ông đã trưởng thành, nhà đã giàu to.

Đến tuổi cổ hy (bảy mươi), ông không bệnh tật mà mất.* Văn Hy Công Đào Đại Lâm lúc mười bảy tuổi, dung mạo đẹp đẽ, đi thi Hương.

Ở chỗ trọ, có cô gái hàng xóm đến [dụ dỗ] ăn nằm; ba lần tìm đến, ông đều ba lượt từ khước, rồi tìm chỗ trọ khác.

Chủ chỗ trọ ban đêm nằm mộng thấy thần bảo: “Ngày mai có bậc tú sĩ đến, chính là người sẽ đỗ đầu.

Do người ấy lập chí đoan chánh, có thể không loạn dâm cùng đứa con gái dâm bôn, Thượng Đế đặc biệt cho đỗ đầu”.

Chủ chỗ trọ kể chuyện nằm mộng với ông Đào, ông Đào càng thêm gắng sức.

Sau đó, ông Đào đỗ Bảng Nhãn, làm quan tới chức Đại Tông Bá[74].* Cha ông Thời Bang Mỹ là nha tướng tại Trịnh Châu.

Tuổi đã sáu mươi mà không có con.

Một lần, áp tải quân lương tới Thành Đô, vợ bảo hãy mua thiếp đem về.

Ông tìm được một cô gái rất đẹp, ngó thấy cô ta dùng vải trắng buộc tóc.

Hỏi han, cô ta khóc đáp: “Cha thiếp vốn là người xứ Đô Hạ, làm lính hầu cho phó quan của châu này, [bị chết], đưa quan tài đến đây thì không [đủ tiền để] trở về, [mẹ phải] đem bán thiếp để lo tang ma”.

Cha ông Bang Mỹ thương xót, đem tiền giúp đỡ bà mẹ, trả lại con gái.

Lại còn lo liệu thỏa đáng cho họ trở về.

Khi trở về nhà, ông kể chuyện này với vợ.

Bà vợ bảo: “Giúp người ta trong cơn nguy cấp, đức hạnh rất lớn; chuyện nạp thiếp tôi sẽ lo liệu cho ông”.

Không lâu sau, bà vợ hoài thai.

Một đêm, mộng thấy một người sắc vàng tía ngồi đoan nghiêm giữa nhà.

Sáng ra bèn sanh Bang Mỹ.

Bang Mỹ đỗ đầu kỳ thi Hội, làm quan tới chức Lại Bộ Thượng Thư.* Đời Minh, cha của Triệu Bỉnh Trung, [Bỉnh Trung] là Trạng Nguyên năm Mậu Tuất (1598) trong niên hiệu Vạn Lịch, làm ấp duyện[75].

Có người do thừa kế chức tước của cha mà làm Chỉ Huy Sứ bị tù oan.

Ông Triệu dốc sức giúp đỡ mới được thả.

Chỉ Huy Sứ cảm kích, hổ thẹn vì không thể đền ơn, bèn dâng con gái làm hầu non cho ông.

Ông Triệu xua tay bảo: “Đó là con gái nhà đàng hoàng, không thể được”.

Người ấy cứ nài ép, lại xua tay: “Không được”.

Rốt cuộc chẳng thuận theo.

Về sau, con ông (Triệu Bỉnh Trung) ngồi xe công, trên đường có người bám vào kiệu của ông nói: “Đây là vị Trạng Nguyên nhà ông Không Được Phép”, nói mấy lượt như thế.

Khi thi đậu, Bỉnh Trung quay về, kể chuyện cùng cha.

Ông bố thở dài nói: “Đó là chuyện hai mươi năm trước, ta chưa hề kể với ai.

Thế mà thần minh lại nói với con”.* Ông Lữ Cung làm gia sư tại nhà nọ, ban đêm thường đọc sách.

Có góa phụ trẻ tuổi ở gần nhà bỗng nương theo ánh trăng tìm tới [gạ gẫm].

Ông nghiêm khắc cự tuyệt.

Hôm sau, cô ta lại sai thị tỳ cầm sang biếu hai con cá bằng ngọc.

Ông đập nát ngọc.

Đứa tớ gái hổ thẹn lui về.

Về sau, ông làm tới chức Cung Bảo, chưa hề kể với ai chuyện này.

Ngẫu nhiên, trong khi dạy học có nhắc tới, trọn chẳng tiết lộ danh tánh của người ấy!* Đời Tống, ông Hoàng Tĩnh Quốc làm phán quan ở Nghi Châu.

Một đêm, bị dẫn vào cõi âm.

Viên quan trong cõi âm hỏi: “Ở Nghi Châu có một chuyện tốt đẹp, ông có biết hay không?” Sai nha lại đem sổ cho xem.

Thì ra có thầy thuốc tên là Niếp Tùng Chí, vào ngày tháng năm đó, đến chữa bệnh tại một nhà nọ ở Hoa Đình.

Vợ người bệnh ấy muốn dan díu với ông, Tùng Chí tận lực cự tuyệt.

Thượng Đế sắc truyền Tùng Chí được tăng thọ hai kỷ, con cháu hai đời đều đỗ đạt.

Tĩnh Quốc quay về, kể với Tùng Chí.

Tùng Chí đáp: “Tôi chưa hề kể chuyện này với vợ con, không ngờ đã được ghi chép trong sổ sách cõi âm”.

Về sau, quả nhiên Tùng Chí sống thọ, con lẫn cháu đều đỗ đạt.* Đời Minh, Mao Lộc Môn vào độ tuổi nhược quan (hai mươi tuổi) sang Dư Diêu học, ở trọ nhà họ Tiền ngay trước cửa miếu thờ Thành Hoàng.

Có đứa tớ gái xinh đẹp, hâm mộ phong thái của chàng Mao.

Một đêm, mò tới thư phòng, [giả vờ] gọi kiếm mèo.

Lộc Môn bảo: “Vì sao cô một mình tới đây gọi kiếm mèo?” Đứa tớ gái cười đáp: “Tôi chẳng phải là gọi tiểu miêu (mèo con), mà là thích Đại Mao”.

Lộc Môn nghiêm mặt, đáp: “Cha sai ta đi xa cầu học.

Nếu vô lễ xâm phạm cô, ngày sau, làm sao nhìn cha được? Lại còn có mặt mũi nào nhìn gặp chủ nhân của cô?” Đứa tớ gái hổ thẹn lui ra.

Về sau, Lộc Môn thi đỗ vào khoa Mậu Tuất (1538) trong niên hiệu Gia Tĩnh, làm quan tới chức Phó Sứ, thọ chín mươi tuổi.* Viên nha lại họ Cố ở Bắc Tân Quan, Hàng Châu, vâng lệnh quan sang Giang Nam lo việc.

Ban đêm, ông dừng thuyền bên bờ sông tại Tô Châu, thấy một thiếu phụ toan trầm mình, bèn ngăn lại, hỏi han.

Cô ta đáp: “Chồng thiếp do thiếu quan lương[76] mà bị bắt giam, tánh mạng sẽ mất trong sớm tối, không nỡ lòng thấy chồng chết trước, cho nên tự tận”.

Ông Cố mở túi tiền, biếu cô năm mươi lạng bạc.

Cô ta cảm tạ, rời đi.

Khi trở về, thuyền lại đi qua chỗ ấy, ông đến quán rượu ngồi, khéo sao đối diện cửa quán chính là nhà của thiếu phụ ấy.

Vợ kể chuyện ấy với chồng, mời ông về nhà, bày rượu tiếp đãi.

Chồng bảo vợ: “Cái ân cứu mạng do nghèo nàn chẳng báo đáp được.

Nàng hãy ngủ với ông ta để đền đáp”.

Do vậy, họ giữ ông Cố ngủ lại.

Nửa đêm, người vợ đến chỗ ông Cố ngủ [toan ân ái].

Ông Cố dứt khoát cự tuyệt, khoác áo trốn về thuyền.

Khi ấy, trong thành Hàng Châu bị hỏa hoạn, cháy rụi mấy chục nhà.

Mọi người thấy trong ánh lửa có vị thần mặc giáp vàng, tay vung vẩy lá cờ đỏ vòng quanh một ngôi nhà.

Lửa cháy tới đó, bèn dồn ngược lại.

Khi lửa tắt nhìn xem thì ra là nhà ông Cố, mọi người đều cho là vì âm đức mà ra!* Đời Minh, Văn Nghị Công La Luân đi thi Hội.

Thuyền đi qua Tô Châu.

Đêm nằm mộng, [La Luân] thấy Phạm Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đến thăm, bảo: “Trạng Nguyên năm sau thuộc về tay ngươi”.

Ông Luân khiêm tốn từ tạ, chẳng dám nhận.

Ông Phạm bảo: “Chuyện ở lầu nọ vào năm nọ, quả thật đã gây tiếng vang rất lớn.

Dùng chuyện này để báo đền ngươi vậy!” Do đó, La Luân nhớ năm xưa đã từng cự tuyệt kẻ nữ dâm bôn ở lầu ấy.

Giấc mộng đúng là chẳng hư vọng, đến khi thi Đình, quả nhiên đậu hạng nhất.* Đời Minh, Mạc Văn Thông ở Vân Gian chuộng làm lành, sống cách quận thành hai dặm.

Nhà ông ta nhiều đời theo nghề nông.

Một hôm, cầm hai mươi lạng bạc vào hương trấn mua thóc giống, đậu thuyền ở Hoàng Phố.

Thấy có hai người trói một cô gái, muốn dìm xuống bến sông.

Ông Mạc hỏi thăm, họ đáp: “Đây là con gái của chủ nhân tôi.

Chủ nhân tôi xét thấy cô này tư tình với kẻ khác, nên sai đem dìm xuống dòng nước chảy xiết!” Ông Mạc nói: “Cô gái nhỏ này thì biết gì chớ? Lại chẳng chính mắt thấy chuyện đó, không chừng là chuyện chẳng thật, mong hãy thả đi, xin đền hai mươi lạng”.

Cô gái được cứu thoát, dập đầu trước ông Mạc, xin theo hầu hạ chiếu chăn.

Ông Mạc bảo: “Há có phải vì ta yêu mến dung mạo của cô! Mà là đặc biệt thương xót cô trẻ tuổi bị chết mờ ám đó thôi! Nay trời đã tối mịt, mà thuyền ta nhỏ hẹp khó dung.

Cô hãy mau lên bờ, đi đến chỗ có ánh đèn là được rồi”.

Đêm ấy, trở về nhà, mộng thấy thần bảo: “Ông cứu mạng người khác, âm đức sâu nặng.

Trời báo đáp cho ông có con cháu hiền hòa”.

Về sau, con ông là Thắng do đậu khoa thi Minh Kinh[77], được làm quan.

Cháu là Hạo, đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương.

Con Hạo tên là Ngu cũng đậu Cử Nhân.

Con của Ngu là Như Trung cũng đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương, đậu Tiến Sĩ vào năm Mậu Tuất (1538) trong niên hiệu Gia Tĩnh, làm quan tới chức Phương Bá[78].

Cô gái ấy bỏ trốn, được một văn sĩ thâu nhận, sanh sáu đứa con trai, một đứa trong số ấy bằng tuổi với Ngu.

Hà Tam Úy viết bộ Thiện Nhân Truyện đã chép chuyện này!* Tường sanh họ Liễu nhập học tại đất Hàng, do sang thăm người thân, mắc mưa, tìm chỗ ngủ tạm tại một vườn hoang.

Trước đó, đã có một thiếu phụ đụt mưa tại đấy.

Liễu sinh suốt đêm không có ý lạ gì khác, ngồi ngay ngắn dưới mái thềm bên ngoài.

Đến sáng bèn bỏ đi.

Người đàn bà ấy chính là vợ của tường sanh họ Vương.

Cô ta cảm phục đức hạnh của Liễu sinh bèn kể chuyện với chồng.

Ông chồng đâm ra nghi ngờ.

Về sau, Liễu sinh đi thi Hương, bài văn của chàng đã bị loại.

Trong khoảnh khắc, bỗng lại thấy đặt trên bàn.

Quan giám khảo kinh dị, đọc kỹ bài văn ấy, chẳng thấy có ý hay nào, lại loại bỏ.

Về sau, sắp đem các quyển bài thi đạt điểm trình lên chủ khảo, lại thấy quyển bài thi của Liễu sinh ở trong số ấy.

Do vậy nghĩ tên học trò này ắt có âm đức, bèn cùng trình lên.

Rốt cuộc Liễu sinh đậu hạng bảy mươi mốt.

Khéo sao, [bài thi của] Vương sinh được xếp cùng phòng với Liễu sinh[79].

Khi tấn yết (thí sinh đến triều bái quan giám khảo sau khi thi đậu), Vương sinh có mặt.

Vị chủ khảo của phòng ấy kể rõ nguyên do chọn lựa Liễu sinh; nhân đấy, cật vấn.

Liễu sinh nghĩ không còn chuyện nào khác, bèn thưa lại chuyện đụt mưa.

Vương sinh cảm thán, đón vợ về sum họp, lại đem em gái gả cho Liễu sinh tục huyền.* Đời Minh, Cố Tá làm châu lại[80] tại Thái Thương, biết nỗi oan của người bán bánh họ Giang bèn bẩm lên quan.

Được thả ra, ông Giang dẫn con gái tới nhà ông Tá, thưa: “Không có gì để đền đáp, xin hãy nhận đứa con gái này làm thiếp”.

Ông Tá nhất quyết từ chối.

Về sau, nhiệm kỳ nha lại đã hết, ông Tá làm việc tại nha môn Thị Lang.

Một hôm, ông tới nhà riêng của quan Thị Lang.

Phu nhân của quan Thị Lang trông thấy ông Tá, bèn nói: “Ông chẳng phải là Cố đề khống[81] ở Thái Thương ư? Có biết tôi hay không?” Ông Tá ngạc nhiên.

Phu nhân nói: “Tôi là con gái người bán bánh.

Về sau, được bán cho một thương nhân.

Thương nhân nuôi tôi như con gái.

Tôi được gả làm vợ lẽ cho tướng công, sau đấy, trở thành chánh thất (vợ cả).

Thường hận không có cách nào để báo đền ân đức.

Tôi sẽ nói với tướng công chuyện này”.

Quan Thị Lang sau khi đã biết rõ chuyện này, [tâu lên hoàng đế].

Vua Hiếu Tông [nhà Minh] hết sức khen ngợi, thăng cấp cho Cố Tá làm chức Lại Bộ Chủ Sự[82].* Vào năm Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Thuận Trị nhà Thanh, Từ Lập Trai ở Côn Sơn là người đỗ đầu khoa thi Đình.

Vừa mới thi đỗ không lâu, có người đến van vái tại miếu Thành Hoàng; do đó, bèn ngủ lại miếu.

Nửa đêm, thấy thần oai nghiêm thăng tòa, gọi người ấy bảo: “Ngươi có biết duyên do khiến cho ông Từ đỗ Trạng Nguyên hay không? Họ Từ nhiều đời chẳng dâm, tích lũy đức hạnh đã lâu, cảm động lòng trời.

Nay đỗ Trạng Nguyên mới chỉ là khởi đầu [cho những sự báo ứng tốt lành về sau].

Công danh tuy kín nhiệm, quả báo sáng vằng vặc.

Ta nói cho ngươi biết tường tận, hòng khiến cho những kẻ mê mờ đối với chuyện đứng đầu trong muôn điều ác (tức tà dâm) đều giác ngộ”.

[Thành Hoàng] nói xong, [thuộc hạ] thét dẹp đường, rời đi.

Người ấy kính cẩn ghi lại để truyền bá rộng rãi.

Về sau, [em trai ông Từ] là Kiện Am thi đậu trong khoa thi năm Canh Tuất, [người em kế là] Ngạn Hòa thi đỗ trong khoa thi năm Quý Sửu.

Ba anh em ruột đều đỗ Trạng Nguyên, con cháu nối tiếp nhau đỗ đạt.* Đời Minh, ở huyện Tiền Đường, ông Lục Tả Thắc là người hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, học rộng, nghe nhiều, những hạnh tốt đẹp không thể kể xiết, nhưng âm đức của ông ta người khác càng khó biết tới.

Ông đã từng trọ tại một căn nhà riêng của người bạn.

Tối đến, có một phụ nữ xinh đẹp lén lút tìm tới [giở trò quyến rũ].

Ông Thắc nghiêm khắc cự tuyệt, chẳng chấp thuận.

Cô ta xấu hổ, lui ra.

Hôm sau, ông bèn mượn cớ rời đi, không ai biết chuyện.

Đức hạnh, phẩm đức của ông Thắc tuy chưa tỏ lộ rõ rệt, nhưng con cháu ông ta đều do được tuyển làm Hiếu Liêm hay đỗ các kỳ thi Minh Kinh mà vang danh khắp làng nước.

Chắt là Tông Giai đậu Giải Nguyên trong khoa thi Hương, kế đó đỗ khoa thi Hội[83].

Con cháu đều rạng rỡ, thi đậu hạng cao, chưa hề gián đoạn.

Quan Thị Ngự Ngô Thanh Đàn ở Thạch Môn là học trò của ông Thắc, từng nghe kể chuyện này bèn chép lại.

Hiện thời, [chuyện này] được chép trong bộ Cảm Ứng Thiên Đồ Thuyết, Vương Cú ở Kim Đàn đã soạn bài ký.* Đời Minh, Mạo Khởi Tông từ bé đã kiền thành tụng niệm Cảm Ứng Thiên.

Năm Mậu Ngọ đi thi Hương, hôn mê như đang nằm mộng, cảm thấy thần giúp sức viết xong văn sách, đỗ đạt trong kỳ thi Hương, nhưng rớt kỳ thi Hội, phải quay về.

Ông phát nguyện viết chú giải thêm cho sách Cảm Ứng Thiên.

Do vậy, nghĩ tới chuyện hiếu sắc là chuyện hết sức tổn đức.

Vì thế, đối với điều “kiến tha mỹ sắc” (thấy sắc đẹp của kẻ khác) đã chép đầy đủ các chuyện báo ứng.Người giúp chép lại là La Hiến Nhạc ở Nam Xương.

Năm Tân Dậu, ông La được chọn vào học trường huyện.

Đến tháng Giêng năm Mậu Thìn, ông La mộng thấy ba vị tiên, một là cụ già đầu bạc áo vàng [đứng giữa], hai thiếu niên mặc áo tía đứng hầu hai bên.

Ông cụ lấy ra một quyển sách, nhìn thiếu niên bên trái, bảo: “Ngươi đọc đi”.

Người đứng bên trái đọc rõ ràng rất lâu, ông La trộm nghe, thì ra là toàn bộ lời chú giải của ông Mạo đối với hai câu “kiến tha mỹ sắc…”.

Đọc xong, ông cụ bảo: “Đáng thi đậu!” Cụ xoay qua nhìn người đứng bên phải, bảo: “Ngươi hãy làm một bài thơ vịnh”.

Người ấy liền vịnh rằng: “Tham tương chiết quế Quảng Hàn cung, tu tín tam thiên sắc thị không.

Khán phá thế gian mê nhãn tướng.

Bảng hoa nhất đáo mãn thành hồng” (Cành quế cung trăng toan muốn bẻ, phải tin trần thế, sắc là không.

Nhìn thấu tướng mê trong thế giới, bảng hoa nức tiếp khắp toàn thành).

Ông La tỉnh giấc, gởi thư cho Mạo Khởi Tông, thuật cặn kẽ chuyện trong mộng, bảo: “Ngài sẽ thi đậu, nhưng hai chữ Bảng Hoa khó hiểu”.

Khi niêm yết kết quả khoa thi, quả nhiên ông Mạo đỗ cao.

Về sau, ở thư phòng của Trần Tông Cửu, ông Mạo thấy trong sách Loại Thư có chú giải về hai chữ Bảng Hoa như sau: “Vào thời Đường, khi bộ Lễ yết bảng, sẽ gọi những họ hiếm thấy là Bảng Hoa”.

Họ Mạo (冒) [do hiếm thấy] quả thật tương ứng [với chữ Bảng Hoa]..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui