Bố Quốc ban đầu thực sự đã không ưng ý với sự sắp xếp công việc của gia đình Tây cho con trai mình. Thành được bố trí ở trong một gian phòng cho công nhân thật đơn giản, bên trên bên dưới che tạm, cửa sổ rất bé, lại không có kính, chỉ được dán qua loa bằng giấy báo đã bị gió thổi thủng, bụi bẩn bay khắp trong phòng. Thế nên ông lên tiếng: “Ở đây hả? Đến gian lều của nông dân ở quê cũng còn tốt hơn đây nhiều!”
Hàng lúc ấy bực mình vô cùng. Hàng vội vàng gác mọi công việc đang làm để đi đón hai người đó, một câu cảm ơn không nói thì thôi, lại còn này nọ nữa, muốn kiếm sống lại còn hạch sách, thế là ngay tại đó Hàng buông câu: “So với gian lều của nông dân còn tốt hơn nhiều hả, vậy thì về đấy mà ở, chẳng ai cản hai người đâu!”
Bố Quốc trợn tròn mắt chẳng nói được lời nào, vốn mấy câu đó ông định nói cho con dâu nghe mà quên mất Hàng cũng đang ở đây. Bị Hàng quặc lại một câu, cơn tức giận trong lòng bố Quốc tự nhiên biến mất, và đột nhiên hiểu ra mọi chuyên. Con dâu có nhiệm vụ sắp xếp công việc chứ em trai – Hàng thì không có nhiệm vụ này, thậm chí là có quyền bảo mình đi mình phải đi ngay. “Hàng à”, bố Quốc vội vàng mỉm cười nói với Hàng, “bác không có ý đó, không có ý đó đâu. Cháu có thể sắp xếp cho chỗ nào tốt hơn không?”
Hàng trả lời rất rõ ràng: “Không được. Điều kiện ở công trường này là quá tốt rồi, còn có cả loại phòng ngủ chung, hơn hai mươi công nhân cùng ngủ chia làm ba ca, cứ một nhóm ngủ ca một, hai nhóm còn lại làm việc!”
Thành vội nói chen vào: “Bố, chúng ta tới đây làm việc để kiếm tiền, không phải để hưởng thụ mà.” Nói rồi Thành xách hành lý đi vào trước. Không còn cách nào khác, bố Quốc cũng vào theo con.
Tới lúc này Tây vẫn chưa nói câu nào, trong lòng cảm thấy khó xử vô cùng. Tây cũng định nói với em trai nhưng Hàng chả buồn nhìn chị lấy một lần, cứ cúi mặt đi thẳng vào phòng. Tây đành bước theo sau.
Trong gian phòng ấy, bố Quốc đã kịp chào hỏi người chủ thầu và mời anh ta điếu thuốc. “Người anh em à, cậu chiếu cố nhiều hơn giúp tôi nhé.” Gương mặt ông rỏ rõ vẻ nịnh nọt và khiêm nhường. Nhưng người chủ thầu chau mày gạt điếu thuốc sang bên định nói mấy câu “công bằng” nhưng đúng lúc ấy anh ta chợt nhìn thấy Tiểu Hàng vào, vội giơ tay nhận điếu thuốc và nói to: “Có gì mà quan tâm với cả chiếu cố. Người nhà của giám đốc Cố là người nhà của tôi mà.”
Vừa nghe Hàng là giám đốc, nét mặt bố Quốc lập tức thay đổi, vội gọi con dâu ra nói: “Con dâu à, lại đây, bố nói với con mấy câu.” Rồi ông lôi Tây đi ra ngoài: “Sao con không nói em trai con là giám đốc?”
“Có phải giám đốc nào cũng giống nhau đâu bố, nó chẳng qua cũng chỉ là giám đốc của công trình này thôi.”
“Giám đốc gì thì cũng là giám đốc! Con bàn với em trai viết cho anh con cái giấy đảm bảo. Dù gì nó cũng đã tốt nghiệp cấp ba, năm xưa nó cũng đỗ đại học giống thằng Quốc, nếu không vì nghèo khó không thể nuôi cả hai đứa ăn học, thì giờ đây nó cũng là cử nhân đại học rồi, cũng được như thằng Quốc làm việc và thành gia thất ở Bắc Kinh!” Sau đó ông nổi giận: “Anh con đã sớm gọi điện nhờ vả vợ chồng con, nhờ hai đứa sắp xếp, các con lại sắp xếp thế này à? Chỗ này là cho người ở chắc?”
Những câu này lọt vào tai người chủ thầu, anh ta nói chen ngang: “Bác à, bác không biết đó thôi. Ngày nay cử nhân đại học thất nghiệp đầy đường kia kìa, phải ngủ dưới hầm, sống trôi dạt, thậm chí có người còn không lo nổi bữa ăn ình, còn không bằng công nhân nữa ý.” Bố Quốc chợt đanh mặt lại lặng im. Đương nhiên anh ta nói hộ cho Hàng vì Hàng là sếp của anh ta mà. Nhưng câu nói tiếp theo của anh ta lại khiến nét mặt bố Quốc nhẹ nhàng trở lại. Anh ta nói: “Hơn nữa, xét theo điều kiện của con trai bác, từ trước tới giờ chưa làm qua việc này, tay nghề cũng không có, nên có lẽ sẽ bắt đầu bằng công việc khuân vác thôi. Khuân vác là gì hả? Tức là các công việc nặng nhọc của người công nhân. Như vác đất, chở cát, vai vác tay xách, đâu cần thì tới đó giúp. Đó là lớp công nhân ở vị trí thấp nhất, khổ nhất, là loại công nhân không có tay nghề.” Nói tới đây, anh ta lại nhìn Hàng một cái rồi tiếp lời: “Nhưng giám đốc Cố đã nói anh đây là người nhà của giám đốc, dặn chúng tôi phải sắp xếp cho tốt. Người nhà của giám đốc cũng sẽ là người nhà của tôi, tôi không nói nhiều nữa, vào làm thợ nề! Không biết có thể học. Làm gì có ai mới sinh ra đã biết hết được… Bác à, bác có hiểu thợ nề là gì không?” Bố Quốc gật đầu, chẳng nhẽ ông không biết thợ nề là gì. Ở quê xây nhà đều phải trả tiền thuê thợ nề về, thậm chí là trả nhiều tiền là đằng khác. Người chủ thầu nói tiếp: “Làm thợ nề nhanh chậm chưa tính đến, nhưng trước hết phải học kỹ thuật. Học rồi tới đâu làm chẳng được ở Bắc Kinh bây giờ thiếu nhất là công nhân xây dựng. Vì sao? Vì thế vận hội 2008 nên phải tranh thủ thời gian để xây dựng!”
Bố Quốc quay sang cảm ơn Hàng, không nói ra lời mà biểu hiện bằng một nụ cười. Hàng chẳng muốn nhìn cái vẻ nhăn nhó của ông, càng chẳng muốn nói ra mấy câu thật lòng thế nên trước mặt ông nói lớn: “Tôi còn có việc xin phép đi trước.” Sau đó đi luôn.
Với tâm trạng mừng vui lẫn lộn, bố Quốc rời khỏi công trường. Vui thì khỏi nói rồi, vì con trai được bố trí làm thợ nề. Buồn vì chỗ ở của con. Con trai cả thân thể yếu đuối, vậy mà phải ở nơi này, gió lùa khắp phòng, làm sao chịu đựng được? Nửa đêm bố Quốc nằm trong chăn ấm đệm êm ở nhà con trai thứ, cứ nghĩ mãi về con trai cả đang ngủ ra sao mà không thể chợp mắt được. Ông muốn gọi điện cho Quốc nói chuyện, bảo con về bàn với vợ liệu có thể đổi một nơi ở khác cho anh không. Nhưng ông lại lo Quốc sẽ vội vàng mà cãi nhau với vợ, hai đứa nó bất hòa thì việc của Thành càng khó hơn. Thế nên ông đành nhẫn nhịn. Đợi ngày mai sẽ đến công trường, mang cho con trai thêm tấm chăn ấm. Sáng hôm sau vừa dậy, ông lập tức nói chuyện này cùng con dâu. Lần này thái độ của con dâu cũng rất tốt. Tây lập tức gật đầu đồng ý, vội tìm trong nhà bộ chăn gối dày nhất, còn bắt xe cho bố, đưa bố tiền xe và tiền ăn trưa. Tây còn dặn tối nay bận nên có lẽ sẽ về muộn chút, không kịp nấu cơm cho bố ăn, dặn bố xuống tiệm cơm tầng dưới ăn tạm. Mồm thì đồng ý, nhưng trong lòng ông nghĩ mình về nhà làm gì cơ chứ? Vấn đề của Tây là không muốn cùng ở với bố chồng, Tây rất ngại ông. Có điều lúc ấy ông cũng có mục đích riêng trong lòng như Tây, nên còn dặn con dâu là nếu muộn quá không cần phải về nhà, cứ ngủ lại nhà mẹ đẻ cũng được, đỡ phải chạy đi chạy về. Trong lòng âm thầm nghĩ, nếu con dâu không về, con trai có thể về nhà ngủ. Tuy rằng đây không phải cách lâu dài nhưng chẳng cần, được về nhà ngủ ngày nào hay ngày ấy. Bây giờ đã là lập xuân, thời tiết cũng ấm áp dần lên. Nghe bố chồng nói vậy, Tây chỉ nghĩ là bố không muốn ở một mình với con dâu, cũng như mình không muốn ở cùng bố chồng, đặc biệt là lúc Quốc vắng nhà như lúc này. Cả hai cùng cúi mặt xuống đất chẳng ai dám ngước lên nhìn, nói linh tinh vài câu làm quà, thật là mệt mỏi, thế nên Tây đồng ý ngay với ý kiến của bố chồng.
Ăn sáng xong, bố Quốc lập tức tới công trường tìm con. Công nhân đều đã đi làm, phòng trọ khóa cửa. Nghe người xung quanh nói trưa cũng không về, vì mọi người đều ăn trưa ngay ở công trường. Ông đành trở về nhà, định bụng ăn tối xong lại qua chỗ con. Ăn tối xong, bố Quốc lại qua khu trọ, lần này ông đã tìm được Thành, và bảo là đến đón con về nhà. Nhưng Thành không đi. Thành nói: chuyện này chắc là vợ chồng em chưa biết, mà dù có đồng ý rồi Thành cũng không về vì nghĩ rằng mình lên đây đã làm phiền mọi người nhiều lắm rồi. Đứa con này rất tốt bụng, chuyện gì cũng nghĩ cho người khác trước. Không còn cách nào khác, bố Quốc đành trở về nhà, đem chiếc chăn ấm tới cho con. Đèn trong các gian trọ lờ mờ sáng, vì trời lạnh nên công nhân vội vàng chui vào chăn nằm. Thành là người mới tới, nên phải nằm ở gần cửa, và tất nhiên đó cũng là chỗ lạnh nhất. Bố Quốc nhìn cảnh tượng ấy với ánh mắt thất thần hồi lâu, trong lòng cảm thấy vô cùng buồn rầu. Hai đứa con, một tốt nghiệp đại học, một thì chưa, có và không học đại học sao khác nhau như trời và vực vậy. Con trai út có cuộc sống ra sao? Và đứa cả này thì thế nào? Mu bàn tay và lòng bàn tay đều là thịt cả.
Từ công trường trở về, ông mới nhớ ra mình quên mang theo chìa khóa. Người nông thôn không có thói quen mang theo khóa mà. Thế nên, đành ngồi chờ ngoài cửa. Có người hàng xóm qua nói ông có muốn gọi điện thoại không nhưng ông nói không cần. Quốc nói hơn mười một giờ mới trở về, bây giờ đã hơn mười giờ. Ông nghĩ rằng chỉ đợi bên ngoài khoảng một tiếng là cùng, vì thế cũng không muốn gọi cho con dâu hỏi chìa khóa, không muốn làm phiền người khác.
Thực ra lần này bố Quốc đúng là đã hiểu nhầm Tây, Tây về nhà là có việc thật chứ không phải để tránh ông. Vì nếu muốn tránh cần gì tới lúc này mới tránh. Quốc không ở nhà, nhưng liên tục gọi điện dặn vợ phải chăm sóc cho bố, vậy mà Tây lại bỏ mặc bố về nhà mẹ đẻ, đúng là tự tìm rắc rối rồi. Nhưng sự việc đúng là tình cờ, hôm nay Tây thực sự phải về nhà để bàn với bố vè hợp đồng bản quyền của cuốn sách, có hợp đồng rồi mới có thể nhờ Khải Đoạn giúp một tay, ủng hộ cho bố Tây xuất bản cuốn sách. Nếu không phải vì bận bịu chuyện của bố Quốc suốt mấy ngày hôm nay, hôm qua tan làm Tây đã trở về nhà luôn chứ chẳng về nhà mình làm gì nữa. Tây định bụng bàn với bố chuyện hợp đồng xong sẽ về nhà nhưng chính bố Quốc đề nghị không phải về, Tây thì đương nhiên mở cờ trong bụng rồi, và không về nữa. Nghĩ cho cùng cũng chẳng có việc gì cần thiết phải về nhà, cơm tối cũng đã dặn bố rồi, nước sôi cũng không để bố phải đụng tay đến, mà cũng chỉ một tối thôi mà, tối nay Quốc lại về nữa, thế thì chuyện gì có thể xảy ra được chứ?
Trong khi đó sách của bố Tây tối nay phải ký xong hợp đồng và mang bản hợp đồng về cơ quan. Cuốn sách của bố Tây vốn đã được đồng ý xuất bản, không ngờ trong cuộc họp giao ban cuối cùng, gặp ngay sự phản đối của trưởng phòng phát hành, anh ta nói rằng: “Tôi cam đoan rằng việc lựa chọn chủ đề cho sách ngày hôm nay 50% là không được. Vì sao ư? Vì không thể bán được. Theo tôi, các biên tập viên khi làm sách cũng cần chú ý lắng nghe ý kiến của bên phòng phát hành. Chúng tôi đã nói với các vị rất nhiều lần rồi, khi lựa chọn đề tài cần phải để ý tới sự quan tâm của bạn đọc, lắng nghe họ nói! Ví dụ cụ thể như, bài nghiên cứu của giáo sư gì đó về thơ Đường gì đó, mà biên tập viên Cố Tiểu Tây đang làm, liệu có bán được không? Bán cho ai xem? Đối tượng bạn đọc là ai? Đã tìm hiểu thị trường chưa? Đã tính lãi chưa? Lỗ ai chịu? Đúng là bản thảo vớ vẩn!” Anh ta không hề biết rằng tác giả cuốn sách đó chính là bố Tây. Tây cũng không muốn để ai biết vì sợ người ta nói rằng Tây tư lợi cá nhân. Lúc đó, Giai cũng tham gia họp với tư cách là phó trưởng ban, chợt thấy lo lắng. Một là thực sự lo cho cuốn sách của bố Tây, Giai biết bố Tây đặt hy vọng như thế nào cho cuốn sách ấy; còn trong thâm tâm, Giai cũng lo lắng cho bản thân mình nữa. Hiện giờ cả nhà đều đang phản đối chuyện giữa Giai và Hàng. Với tình hình này không khéo cuốn sách của bố Tây bị loại mất. Với tư cách là phó trưởng ban, dù đây chẳng phải việc liên quan tới mình thì Giai vẫn phải lên tiếng! Thế nên Giai lập tức đưa ra ý kiến: “Cuốn sách này năm ngoái đã báo cáo rồi mà, hơn nữa, nhà xuất bản cũng đồng ý để biên tập viên mỗi năm được làm một vài đầu sách học thuật không có lãi.” Trưởng phòng phát hành tranh luận lại: “Cứ cho là không có lãi, nhưng cũng không phải là bù lỗ. Ít nhất cũng phải hòa vốn chứ. Dù là sách viết về học thuật thì cũng phải là người có tư sách viết sách học thuật chứ, nói cách khác, đó phải là người nổi tiếng. Khi bán sách là bán hai thứ, hoặc là bán danh tiếng của tác giả, hoặc là bán nội dung của sách. Cuốn này chẳng có gì, cô bảo tôi bán cái gì đây?” Giai không nói lại được, nên chỉ biết nhấn mạnh một điểm là tác giả cũng là một vị giáo sư. Trưởng phòng phát hành lạnh lùng đáp: “Giáo sư thì sao? Giáo sư mà cũng được coi là danh tiếng hả? Đó chỉ là học vị, ở cơ quan nào chẳng đó có thể dọa người ta, chứ ra xã hội ai thừa nhận điều này?” Cứ tranh luận mãi điều này, cuối cùng tổng biên tập Hà Hi Nễ tuyên bố cứ xuất bản cũng chẳng sao, nhưng phải chịu nửa phí tổn, vậy là trưởng phòng phát hành đồng ý. Khi đó, trường phòng phát hành thể hiện rõ thái độ khoan dung độ lượng của kẻ đắc thắng, con nói khuyên Giai một câu: xin tài trợ. Mọi người đều ồ lên cười. Đây mà cũng được gọi là “lời khuyên” hả? Giờ ai chẳng muốn xin tài trợ, nhưng tài trợ khác nào ý tưởng điên rồ. Thế nên trưởng phòng phát hành cũng bật cười, gật đầu đồng ý. Giả sử đây là một tác giả xinh đẹp còn có thể xin tài trợ, chứ lại là nam giới, mà là người già, xin tài trợ ai cho? Sau cuộc họp, trên đường trở về phòng làm việc, Giai cứ suy nghĩ mãi, rồi đột nhiên nghĩ ra Lưu Khải Đoạn.
Ngày hôm đó, Tây và Khải Đoạn sau khi hẹn gặp nhau, Đoạn nói anh ta có thể tài trợ nhưng có hai điều kiện: một là không tài trợ cho Trần Lãm, hai là Giai phải trực tiếp tới đàm phán. Giai mỉm cười lạnh lùng, việc này đành phải làm vậy. Hiện giờ Giai quyết định, vì bác Cố, sẽ tới tìm Khải Đoạn để xin tài trợ. Tây thì chỉ biết khuyên Giai nên thận trọng. Dù Tây biết rằng nếu lần này Đoạn và Giai có thể hòa hợp với nhau, chuyện của em trai mình cũng coi như được giải quyết, nhưng cũng tuyệt đối không muốn vì chuyện này mà Giai phải lao vào chỗ nguy hiểm. Bất luận Khải Đoạn có bao nhiêu ưu điểm, Tây cũng cho rằng, anh ta rốt cục vẫn không phải bến đỗ bình yên của một phụ nữ. Tây cũng cho rằng Giai làm như vậy cốt là để ghi điểm với gia đình mình, nhưng Tây đồng thời cũng hiểu rằng, điều này không thể có tác dụng gì. Vì trước hết Tây muốn nói hết những lời này với Giai, Tây không thể vờ câm vờ điếc mà lợi dụng người ta. Giai chỉ mỉm cười nói Tây lo xa quá, và rằng Giai làm như vậy hoàn toàn chỉ vì bản thân mà thôi. Giai không muốn gia đình Tây hiểu lầm mình chỉ vì cuốn sách này không thể xuất bản được. Sau đó, Giai lập tức gọi điện cho Khải Đoạn. Khải Đoạn. trong điện thoại yêu cầu được gặp trực tiếp để thảo luận, và Giai đồng ý ngay, còn hẹn nói tứ thì trong tối nay. Hôm sau đi làm, Giai thông báo là Đoạn đã đồng ý tài trợ và dặn Tây lập tức về nhà đưa hợp đồng cho bố ký nhanh kẻo đêm dài lắm mộng.
Khi đi làm, Tây lập tức giao hợp đồng lại cho Giai; lúc tan làm lập tức về nhà mẹ. Lúc đó, bố mẹ Tây còn nhắc nhở Tây rằng Quốc không có nhà, một mình bố chồng ở nhà liệu có ổn không? Tây còn bảo đó là chủ ý của bố chồng mà. Ăn tối xong, xem tivi một lúc, Tây vào đi tắm mà không hề biết rằng lúc ấy bố chồng đang phải đợi ở hành lang ngoài cửa. Ở ngoài hành lang không có máy sưởi vì thế rất lạnh. Quốc dặn mười một giờ về mà chẳng hiểu sao mười hai giờ chưa thấy về. Bố đợi bên ngoài lạnh tới mức đứng ngồi không yên, hai chân run rẩy và vào nhau. Đúng khi ấy, đúng khi hai chân bố run rẩy va vào nhau ấy, Quốc về tới. Quốc vô cùng tức giận. Trước khi đi đã dặn đi dặn lại là phải chăm sóc bố và anh trai, đi rồi vẫn không quên liên tục gọi điện về nhắc nhở vậy mà không ngờ Tây vẫn đang tâm để bố ở nhà một mình rồi quay về nhà mẹ đẻ ở. Bố Quốc cũng có giải thích cho Tây mấy câu nhưng theo những gì Quốc hiểu về Tây cũng như cách cư xử của Tây trước đây, hỏi sao Quốc có thể tin được đây? Thiết nghĩ chắc bố cũng chẳng qua là vì muốn cho qua chuyện mà nói vậy. Nhưng trong việc này làm sao Quốc cho qua được, không thể được. Sau khi vào nhà, Quốc rửa nồi nấu cơm cho bố, chăm sóc bố, tắm rửa sạch sẽ rồi mời bố đi nghỉ, sau đó gọi điện thoại cho Tây chất vấn. Tuy nóng giận nhưng Quốc vẫn đủ tỉnh táo để gọi vào di động cho Tây. Điện thoại bàn nằm ở phòng khách, khi chuông reo, cả nhà sẽ đều nghe rõ, mà lúc đó đã là nửa đêm, cả nhà Tây cũng đi ngủ từ lâu. Nhưng di động của Tây báo “đã khóa máy”, nói cách khác, Tây đã đi ngủ. “Sao cô ấy có thể ngủ ngon lành vậy chứ!” Anh trai lên Tây lập tức đưa anh tới công trường, rồi vứt hai cha con ở đó, một mình đi về nhà hưởng thụ an bình, thật là bực mình! Không gọi được di động, Quốc chẳng kịp suy nghĩ cho kỹ lập tức gọi sang máy bàn. Đúng lúc ấy, bố Quốc lên tiếng cản lại, nói rằng làm vậy không được, sẽ làm kinh động cả tới bố mẹ Tây; nhưng Quốc nghiến răng nghiến lợi nói: Tây không coi bố mẹ mình là bố mẹ thì mình cũng không cần coi bố mẹ Tây là bố mẹ!
Gia đình Tây đang yên tĩnh chìm trong giấc ngủ. Tiếng điện thoại reo lên một hồi làm bố mẹ Tây cùng ngồi dậy, phản ứng khi nghe tiếng điện thoại reo là mẹ Tây nghĩ ngay tới bệnh nhân ở giường bệnh số 6 có vấn đề gì xảy ra. Bệnh nhân ở giường bệnh số 6 vừa được phẫu thuật cát phần lớn gan lúc chiều, trong quá trình phẫu thuật mất rất nhiều máu, bệnh rất nặng. Nghĩ vậy, mẹ Tây vội vàng mò mẫm ra phòng khách trong bóng đêm, không may đá phải chiếc ghế ngã ra đất, đau quá mẹ kêu lên “ay a”. Nghe tiếng hét, bố Tây cũng vội vạng sờ loạn lên tường, mãi mới thấy chiếc công tắc, liền bật đèn lên.
Khi mẹ Tây ra tới phòng khách, Tiểu Hạ đã nhận điện thoại, đúng là tuổi trẻ có khác, phản ứng cũng nhanh hơn. Hạ đang nói chuyện trong điện thoại: “Tây ngủ rồi ạ… vâng, tôi sẽ đi gọi ngay!” Mẹ Tây hỏi là ai Hạ lập tức trả lời, làm mặt mẹ chùng xuống, không buồn nói câu nào đi thẳng về phòng. Đã một giờ hơn rồi, Quốc gọi điện tới đây làm gì nhỉ, không để mai hãy nói? Gọi điện thoại bàn trong khi biết rõ mọi người đã đi ngủ, mai còn phải đi làm, bố mẹ Tây đều đã cao tuổi, sức khỏe không được tốt, Quốc là vậy là có ý gì đây? Lúc ấy mẹ Tây cảm thấy rất bực mình, quay về phòng rồi cố tự trấn an, cố nén nhịn. Bố Tây lại còn trách bà rằng dù là việc cơ quan cũng không cần lo lắng đến thế. Mẹ Tây giải thích rằng dù bệnh viện không xảy ra chuyện gì nhưng nửa đêm đang ngủ ngon mà điện thoại reo thế cũng chẳng thể chịu nổi. Rồi mẹ Tây nói thêm rằng chỉ vì việc hôn nhân của con gái lo không tốt nên cả đời này bố mẹ đành chịu trận. Cả hai người đều nhận ra rằng Quốc tìm Tây một cách bất thường như vậy chắc là hai đứa đã xảy ra chuyện gì rồi.
Tây mơ mơ màng màng đi ra nhận điện thoại, đầu dây bên kia Quốc nổi điên lên như giông bão ập tới. Tây chưa nghe hết câu chuyện liền dập máy, chẳng buồn giải thích câu nào. Tây đoán chắc bố chồng lại ở giữa nói gì đó xen vào, nói gì đó là không sắp xếp chỗ ăn nghỉ tử tế cho con trai đây mà. Nghĩ vậy trong lòng Tây cũng bực tức vô cùng, biết rõ thói quen sinh hoạt của bố mẹ Tây mà lại làm vậy, Quốc có ý gì đây, định đánh đắm thủng thuyền chắc?
Tây đoán không sai, chính cái lúc Tây hững hờ dập máy ấy, Quốc đã nghĩ tới chuyện ly hôn. Sáng nay, sau khi ăn sáng xong, Quốc dẫn bố cùng tới thăm anh trai, hỏi thăm lòng vòng khắp nơi mới hỏi ra được nơi Thành đang làm. Thành đang làm việc cùng một thợ nề khác. Người công nhân đó cũng rất tốt bụng, và cùng là người Sơn Đồn, nên quan tấm tới Thành lắm, cũng chẳng ngại ngần dạy Thành từng kỹ thuật một. Thành vì thế cảm thấy rất vui. Hơn nữa, người công nhân ấy cũng cảm thấy vô cùng hài lòng về Thành, nói rằng Thành rất khéo tay, nói một hiểu mười, cứ thế này chẳng bao lâu có thể tự làm được hết. Nhìn thấy anh như vậy, Quốc cũng thấy bình tâm hơn. Lúc ấy, Quốc đã bình tình lại để nghe bố kể sự việc tối hôm qua, nghe xong câu chuyện mới biết rằng bố không vào được nhà là vì quên chìa khóa chứ không thể trách Tây được. Và cũng tới lúc ấy, Quốc mới nghĩ được rằng ở nhà Tây có thể đang có chuyện quan trọng thật. Bố Quốc nói rằng, lần này gia đình Tây đối xử rất tốt, có thể thấy chỉ cần gia đình họ nỗ lực làm thì hoàn toàn có thể làm được. Đồng thời ông hỏi còn trai liệu có thể bàn thêm với Tây xem có thể bố trí cho Thành chỗ ở khác tốt hơn được không? Khu nhà tạm của công nhân này tồi tàn quá. Quốc không dám lập tức nhận lời. Người ta đã giúp anh trai sắp xếp chỗ làm, lại là một chỗ làm rất tốt, giờ lại đưa ngay ra yêu cầu mới, thực sự không tiện lắm. Ngoài ra trong lòng Quốc còn một nỗi lo, đó là không biết hôm qua, giữa đêm hôm khuya khoắt gọi điện tới nhà Tây có làm ảnh hưởng gì tới mọi người không? Thế nên, Quốc đành nhẹ nhàng nói với bố cứ để từ từ tính tiếp. Bố Quốc suy nghĩ giây lát rồi đồng ý.
Gần mười giờ Tây mới tới cuộc họp. Nước uống, hoa quả đều đã được chuẩn bị hết. Hoa quả bao gồm dâu tây, dưa hấu, dưa vàng và nước ép hoa quả. Cũng coi như là đổi món. Mùa hè ăn hoa quả mùa đông, mùa đông ăn hoa quả mùa hè, một phần thể hiện được sự tôn trọng với khách mời.
Mười rưỡi Khải Đoạn mới tới, tới để ký hợp đồng tài trợ. Nghe nói một nhân vật tầm cỡ như vậy tới cơ quan, lãnh đạo cũng thấy rất vui nhưng đồng thời cũng thấy thật kỳ lạ. Chuyện bất thường như vậy đương nhiên khiến người khác thấy kỳ lạ là phải. Một khoản tài trợ không lớn, một cuốn sách cũng chẳng phải quan trọng, lại được một người danh tiếng lừng lẫy như Khải Đoạn đích thân chi tiền tài trợ. Duy chỉ có Tây và Giai là hiểu rõ nguyên nhân cụ thể. Cũng nên cảm ơn Giai, vì suy cho cùng chính Giai đã giúp xin tài trợ cho cuốn sách của bố; và cũng nên giữ gìn tình bạn này, một tình bạn được gọi là “xưa cũ” bởi từ khi có Hàng xen vào, tình bạn giữ họ dương như không tồn tại nữa. Tây giải thích với mọi người rằng, Khải Đoạn là tuýp người chuộng các giá trị văn hóa, cụ thể là người rất thích văn học. Vì thế anh ta mới đặc biệt quan tâm tới nhà xuất bản, tới các nhà văn và các bản sách. Dù mọi người không bị thuyết phục lắm với cách giải thích này nhưng cũng chẳng biết giải thích nào hơn nên đành tạm chấp nhận vậy. Việc Khải Đoạn tới tài trợ là một sự kiện quan trọng, hầu như ai cũng thấy tò mò muốn biết tận nguyên nhân gốc rễ của nó. Nhưng chính Tây làm ọi việc trở nên mơ hồ rồi cứ thế qua đi. Vì Giai cũng không tiện ra mặt nhiều, nên Tây nhận sẽ làm mọi việc khi đó, cho đến khi Giai không thể không ra mặt thì Tây mới phải lui vào.
Tây kiểm tra từng chuẩn bị nhỏ trong buổi gặp mặt này, có thể Tây không quan tâm tới việc Đoạn sẽ tới nhưng lại không thể không để ý rằng lãnh đạo cơ quan cũng có mặt. Tổng biên tập, giám đốc nghe Khải Đoạn tới cũng muốn qua gặp mặt một chút, và đương nhiên Tây phải phụ trách chuẩn bị, và tất nhiên là cũng muốn gây chút ấn tượng với ban lãnh đạo. Đúng lúc ấy, tiếng người ồn ào từ hành lang hắt lại, trưởng phòng phát hành đang dẫn Khải Đoạn bước vào. Vừa gặp mặt Tây, Đoạn hồ hởi chào hỏi khiến mọi người xung quanh nhìn Tây đầy ngưỡng mộ, và dĩ nhiên Tây cũng cảm thấy mát mặt vô cùng đồng thời cũng thấy kính trọng và biết ơn Đoạn hơn. Mà sự kính nể này hình như cũng có sức lan truyền thì phải. Trưởng phòng phát hành lúc ấy cũng đánh mắt nhìn Tây dò hỏi vì sao không chịu nói ra mối quan hệ quan trọng như thế này? Tây chẳng nhìn lại cũng không buồn giải thích, chỉ tỏ ra thân thiết hơn với Khải Đoạn trước mặt mọi người ở đó mà thôi. Khải Đoạn như hiểu ý của Tây, không nói lời nào song nét mặt như đang phối hợp với điệu bộ của Tây, vừa tự nhiên vui vẻ, mà cũng đầy ẩn ý. Một lần nữa, Tây lại nhận ra rằng người đàn ông này thực sự rất hấp dẫn cả phụ nữ lẫn đàn ông… Khải Đoạn ngồi vào chỗ, trưởng phòng phát hành nhanh nhảu thông báo giám đốc, tổng biên tập sẽ tới ngay. Đoạn thực ra chẳng quan tâm tới việc tổng biên tập gì đó, chỉ đảo mắt ra xung quanh rồi nhìn Tây hỏi: Giai đâu? Tây bỗng giật mình, quay sang giải thích với trưởng phòng phát hành rằng, chính Giai đã có công mới được Khải Đoạn tài trợ cho cuốn sách này, sau đó vội đi tìm Giai. Xem ra chắc Giai không thể trốn được nữa, nếu Giai không chịu xuất hiện, chắc chắn Khải Đoạn sẽ tiếp tục truy vấn và sẽ khiến mọi người sinh nghi.
Giai không có trong phòng làm việc, di động lại để trong phòng mà chẳng biết chạy đi đâu nữa. Tây đợi một lát, lúc ấy, trưởng phòng phát hành liên tục gọi điện cho Tây. Tây đợi mãi mới thấy Giai về, Giai nói vừa tới phòng thiết kế kiểm tra bìa sách. Khi nghe Tây nói rõ mục đích tới tìm mình, nét mặt của Giai chợt nhăn lại khiến Tây chột dạ, và nhận ra một sự thực không thể thay đổi được: Giai không còn yêu Khải Đoạn nữa, không chỉ không yêu mà còn rất ghét. Mà một khi con gái đã ghét ai thì ghét thâm căn cố đế, ghét từ suy nghĩ tới giác quan, cảm giác này có thể hình dung đúng như người chạm phải con rắn hay con cóc vậy. Cảm nhận được điều này, tự đáy lòng Tây chợt thấy chút xấu hổ và lo lắng. Lo lắng đương nhiên là vì em trai, vì xem ra tình hình này thì Hàng và Giai khó có thể chấm dứt được; xấu hổ vì chính mình, tình hình như thế này mà còn bắt Giai đi gặp bàn bạc xin tài trợ từ Khải Đoạn, thực sự đã làm khó cho Giai rồi! Giai nghe Tây phân tích cụ thể lời ích và tác hại của việc đi hay không đi gặp Đoạn, lặng lẽ cầm điện thoại lên rồi đi cùng Tây. Rõ ràng lúc nãy Giai không mang theo điện thoại là hoàn toàn cố ý, là vì không muốn ai tìm thấy mình.
Giám đốc, tổng biên tập cùng một đoàn người đi vào hội trường, trưởng phòng phát hành cùng Khải Đoạn đứng ở cửa đón tiếp, trong lòng Đoạn vẫn đang ngóng trông. Vì sao Tây và Giai vẫn chưa tới nhỉ? Đoạn chần chừ chưa muốn ký vào hợp đồng vì muốn hỏi thêm một vài chi tiết cụ thể với biên tập viên phụ trách. Trưởng phòng phát hành nói còn thắc mắc gì có thể bàn với anh ta vì anh ta có toàn quyền giải quyết nhưng Đoạn chỉ xua tay thể hiện không đồng ý. Điều này khiến trưởng phòng thấy buồn rầu vô cùng, bản hợp đồng nằm đây, lại nhất quyết chưa chịu ký, nếu cứ thế này có khi lại công cốc mất. Đương nhiên anh không lo cho cuốn sách gì đó của giáo sư gì đó rồi, mà nếu chuyện này Khải Đoạn chịu phối hợp thì sau này về phía phòng phát hành sẽ có rất nhiều hoạt động ăn theo khác, mà nhưng hoạt động này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế ột cuốn sách mà thôi. Trong đầu anh ta cũng nghi ngờ không hiểu vì sao Khải Đoạn nhất định phải gặp Giai bằng được. Anh ta chợt lặng người nghĩ rằng: chẳng nhẽ anh ta ký hợp đồng này là vì Giai sao? Rất có khả năng là vậy! Giai rất đẹp mà! Trong đầu chợt nghĩ tới một câu nói quen thuộc là: người yêu cái đẹp đâu chẳng có! Chỉ cần là “quen thuộc” tức là chân lý. Chân lý thì khắp năm châu bốn bể đâu thể phá bỏ được. Suy nghĩ sâu thêm lại càng suy ra nhiều điều, anh ta nghĩ nhất định tranh thủ lúc nào đó bàn với lãnh đạo cơ quan, khi tuyển người cũng phải đặt “ngoại hình” là yếu tố quan trọng hàng đầu. Như bây giờ đó, ưu thế về ngoại hình có thể trở thành một phần quan trọng của bất kỳ ai. Đang miên man suy nghĩ, anh ta chợt cảm thấy Khải Đoạn ở bên cạnh đang nhấp nhổm, lập tức trở lại hiện thực, ngẩng đầu lên nhìn ra xa theo ánh mắt của Đoạn, Giai và Tây đang đi vào từ hành lang; rồi sau đó lại nhìn trộm Khải Đoạn. Rõ ràng đó không phải ý kiến chủ quan vì anh ta đã nhận ra tình yêu sâu thẳm trong ánh mắt của Khải Đoạn. Đúng thế, anh ta đoán không sai, hiện giờ đúng là thời đại của kinh tế và sắc đẹp mà. Không phải là quan điểm kỳ thị đâu nhé, nhưng nam thanh nữ tú đều được gọi là “sắc”, trước kia cũng vậy thôi mà, chỉ có điều con người không dám thừa nhận mà thôi, mà để hoàn toàn loại bỏ những trở ngại về sắc đẹp thời kinh tế thì con người phải loại bỏ triệt để những trở ngại còn lưu lại và những gì đang phát triển trên nền tảng đó!...
Bốn người: Khải Đoạn, Giai, Tây và trưởng phòng phát hành cùng vào cuộc họp. Không đợi Tây ngồi xuống, trưởng phòng phát hành đã mượn cớ gọi Tây đi cùng anh ta. Trước khi đi không quên nhét tập hợp đồng vào tay Giai, tất cả đã rõ chẳng cần thêm lời nào. Ra khỏi phòng anh ta còn khẽ đóng cửa lại. Hai người đi rồi, Đoạn cầm bản hợp đồng trước mặt Giai lên, chẳng buồn xem, lập tức ký tên mình vào chỗ ký tên còn trống, sau đó đưa bản hợp đồng lại cho Giai, cười nói: “Giai à, lần này có thể em cứ lợi dụng anh đi.”
“Sao?”
“Không sao. Anh rất vui mà. Anh luôn thích được người khác lợi dụng vì thế nếu có ai lợi dụng mình nghĩa là bản thân mình còn có giá trị. Anh chỉ không hiểu, vì sao em không thích cảm giác này.” Giai chẳng thèm trả lời. Đoạn đành quay lại chủ đề chính: “Giai à, chuyện giữa em và em trai của Tây là chơi đùa hay thật thế?”
“Từ trước tới giờ em chưa bao giờ đùa cợt với ai.”
“Anh biết… Ý anh là, em có định kết hôn với anh ta không?”
“Có!”
“Nhưng cuộc sống như vậy đâu có hợp với em. Cơm rau hai bữa, con con mẹ mẹ, chỉ hai ngày là em chán ngay. Trên thế giới này 99% gia đình đều sống như vậy, tầm thường như cuộc sống của loài kiến vậy, không nhiều hơn cũng chẳng ít đi. Chỉ có 1% nhưng người là ưu tú…”
“Đáng tiếc em không ưu tú.” Giai lập tức ngắt lời: “Em chỉ muốn là một trong số 99% người kia, kết hôn sinh con làm vợ làm mẹ của gia đình chính mình!”
“Giai à, em có biết có bao nhiêu cô gái đang nằm mơ được sánh bước cùng anh không hả?” cùng với câu nói ấy là một nụ cưới nhếch mép “… trở thành một trong số 99% người kia à?” Giai không trả lời. Đoạn bất ngờ nắm lấy tay Giai nói: “Giai à, chẳng qua chỉ là chuyện sinh con làm mẹ thôi mà. Vậy cùng anh sinh con! Anh đưa em ra nước ngoài, Mỹ, Anh, Ý hay Australia, tùy em chọn, hay ở Pháp cũng được. Ở những quốc gia đó người ta không kỳ thị những người mẹ sinh con mà không có chồng…”
“Sau đó”, Giai tiếp lời: “Em một mình nuôi con nơi xa xứ đó à? Hai mẹ con ngồi đó chờ được gặp anh trong bộn bề công việc của anh sao? Khải Đoạn, anh đúng là người ích kỷ.”
“Ích kỷ? Anh ích kỷ ở điểm nào? Anh thực sự rất yêu em, và cũng thực sự không nỡ làm hại vợ anh, nếu đây gọi là ích kỷ, vậy thì trên thế giới này có bao nhiêu người đàn ông ưu tú mà không ích kỷ chứ?”
“Thôi được, anh không ích kỷ, anh ưu tú, vậy thì em cho anh biết, em không muốn làm hòn vọng phu của một người đàn ông ưu tú như anh, em không muốn làm người thứ ba!” Nói rồi, Giai đứng dậy đi ra, trước khi đi không quên cẩn thận cất bản hợp đồng trên bàn đi. Khải Đoạn nhìn Giai đi ra, trong ánh mắt anh tràn đầy thất vọng và tức giận… sự tức giận của kẻ vừa bị mất của. Không đúng, hai vạn tệ đối với anh ta mà nói chẳng thấm vào đâu, nhưng nguyên tắc tiêu tiền của anh ta là, dù tiêu một hào cũng phải hợp lý. Nếu như thế này chẳng phải là không hợp lý sao. Sự việc không chỉ là tiền, mà là đã vi phạm nguyên tắc tiêu tiền của anh ta. Khi đó anh ta liền rút điện thoại gọi cho Tây nói rằng anh ta có chuyện muốn bàn…
Quay về văn phòng, Tây đã đợi Giai sẵn trước cửa, Giai chẳng nói lời nào chỉ nhét bản hợp đồng vào tay Tây. Tây nhận bản hợp đồng ấy mà lòng thấy xấu hổ chẳng dám nhìn bạn. Giai vẫn chẳng nói lời nào, vào bật máy tính lên làm việc. Gian phòng vẫn im ắng chỉ còn tiếng gõ bàn phím và tiếng kêu của cây máy tính hòa ngân. Một lát sau, Tây quyết định phá vỡ bầu không khí yên lặng này.
“Giai à, chuyện này đừng để bố mình biết nhé. Ông luôn cho rằng mình đang làm việc có lợi cho xã hội, nếu để ông biết phải xin tiền tài trợ, ông nhất định không chịu xuất bản nữa. Bố có lòng tự trọng rất cao, đừng chỉ thấy bố mình bình thường không thể hiện gì…”
“Bố bạn? Còn “không thể hiện gì hả”?” Không nhịn được nữa, Giai ngắt lời: “Đừng có mà nực cười vậy!”
“Giai, bạn phải hiểu cho gia đình mình chứ…”
“Mình hiểu mọi người! Vậy ai hiểu ình?” Giai tức giận quát: “Tây, bạn cũng là người trẻ tuổi, mình không ngờ bạn lại suy nghĩ cổ lỗ thế!”
“Mình đâu có.”
“Không hả? Vậy thì là gì?”
“Là vì cả hai người thôi.”
“Nếu vì chúng mình thì nên giúp mình mới phải chứ.”
“Giai à, cho dù bạn và Hàng có thể yêu nhau thật, thì tuổi trẻ cũng cần chút thử thách mà.”
“Chúng mình yêu nhau thật, cần gì mấy thứ thử thách vô nghĩa này chứ?”
…
Sau đó hai người tự dãn đi. Tối đó, Tây về nhà, cửa phòng Hàng lập tức mở ra, quả nhiên Hàng đợi chị khá lâu. Khi gặp Tây, Hàng lập tức lên tiếng muốn nói chuyện cùng chị. Tây bước vào phòng Hàng, đóng cửa lại. Hàng kể lại câu chuyện đã nói với Đoạn qua điện thoại. Trong điện thoại, Đoạn tức giận chửi mắng Hàng. Nhưng nghe xong Hàng còn tức giận hơn cả Đoạn. “Vì sao?” Tây hỏi em “Cái gì mà vì sao?”
“Vì sao phải dùng tới tiền của Đoạn?”
“Vì anh ta có tiền”
“Rất nhiều người có tiền mà.”
“Nhiều hả?” Tây há thật to miệng trả lời Hàng. Không cần nói cũng hiểu, sự phân tích của Hàng hết sức nhạy cảm và hợp lý. Hàng nói: “Chuyện này chắc chắn do chị làm. Chị biết rõ quan hệ giữa Đoạn và Giai, là chị lợi dụng Giai. Chị muốn ném Giai trở lại vào tay Khải Đoạn. Chỉ vì không muốn Giai làm em dâu mình mà chị nhẫn tâm dùng thủ đoạn này… Tây, em không ngờ chị vô sỉ thế!”
Tây chẳng nói được câu nào, vì những gì Hàng nói lại chính là sự thật. Nhưng không nên kết luận như vậy, có điều sự thật thắng hùng biện mà.
Sự thực là, việc người chủ thầu kia sắp xếp để anh trai Quốc làm thợ nề là hoàn toàn có điều kiện kèm theo, cụ thể là: giám đốc Hàng phải ký cho anh ta một chữ ký vào bản báo cáo công trình của anh ta. Nhưng vì công trình của anh ta không đáp ứng đúng tiêu chuẩn của công trình nên Hàng nhất quyết không ký. Tên chủ thầu đó cũng lập tức phản lại, bảo cáo thẳng lên rằng: “Thưa giám đốc Hàng, người nhà của anh mấy ngày nay được xếp làm thợ nề nhưng bị mọi người nói quá, nói là anh ta không biết làm gì, kiểu này chắc không tiếp tục làm thợ nề được nữa rồi!” Hàng nhìn anh ta đầy khinh miệt, rồi bỏ đi. Hàng quyết không dùng chất lượng công trình để làm vật trao đổi, đặc biết là không trao đổi với lũ tiểu nhân, có điều công việc làm thợ nề của Thành cũng coi như tan biến. Chuyện này Hàng không muốn nói với chị gái, bới nói hay không nói cũng rất khó, nói ra rồi thì làm gì đây? Mà hơn thế nữa, Hàng cũng không thích và không cần phải giải thích với chị gái.
Hai chị em Hàng và Tây nói chuyện qua điện thoại với nhau xong đều tức giận vô cùng. Tây dám chắc Hàng làm như vậy là vì Giai, là để trả thù. Tây gọi lại cho Hàng, nhưng Hàng thà nghe tiếng máy kêu còn hơn nghe điện của chị! Sao con người này lại thế nhỉ? Đã biết rõ quan hệ giữa Tây và Quốc hiện giờ như ngàn cân treo sợi tóc, chỉ khẽ chạm vào là đứt, vậy mà Hàng vẫn làm như vậy khác nào đổ dầu vào lửa. Tây lại gọi lần nữa, nhưng Hàng vẫn không bắt máy. Tây ra ngoài đường gọi bằng điện thoại công cộng, quả nhiên Hàng lập tức bắt máy. Trong điện thoại, Tây hét lớn lên: “Cố Tiểu Hàng, sao mày không nghe điện thoại của tao?” Bên kia đầu dây Hàng không trả lời, lập tức dập máy. Chẳng kịp nghĩ thêm gì, Tây chạy thẳng về nhà, bắt xe lao ngày đến nhà của Giai.
Lúc ấy, Giai đang lưu dữ liệu trong máy tính, giấy tờ chất đầy trên bàn. Vì gia đình kiên quyết phản đối nên Hàng và Giai cùng đưa ra quyết định táo bạo là mua một căn hộ. Một căn hộ cho hai người cùng sống. Trước khi bố mẹ Hàng đồng ý, họ sống chung với nhau, đợi khi bố mẹ đồng ý rồi họ sẽ kết hôn. Sau khi đưa ra quyết định này, hai người họ cảm thấy nhẽ nhõm hơn rất nhiều. Cho dù thực ra Giai đã từng sống chung với Đoạn nhưng lần này không giống thế. Với Khải Đoạn, Giai chỉ là “phòng nhì”. Còn với Hàng, Giai là tình yêu duy nhất. Hàng đã hẹn với Giai sau khi tan làm sẽ cùng cô đi xem phòng, đó là căn phòng Hàng đã lựa chọn sau bao lần cân nhắc, một nơi yên tĩnh trong thế giới ồn ào. Khu nhà đó gồm ba dãy. Dãy một và dãy hai đều có người ở. Tất cả các nhà đều có hướng chính Nam chính Bắc, cao nhất là sáu tầng. Các dãy nhà cách nhau khoảng ba mươi mét. Giai vừa đến đã cảm thấy rất thích, thích từ lúc mới nhìn từ bên ngoài, vỉa hè quanh khu nhà đó rất mềm mại khác hẳn những toàn nhà cao tầng vẫn thường thấy. Dãy nhà thứ một và thứ hai họ đều xem qua, đều là khu nhà quy hoạch, hầu như không thấy xe cộ đi lại, tất cả hệ thống giao thông được đi ngầm; còn có các câu lạc bộ thể hình, câu lạc bộ bơi lội, có dụng cụ tập thể dục, tắm hơi,… phía trước mặt là những công nhân viên nhiệt tình, nhìn qua Giai liền chủ động khoe vậy. Ở đây còn có lớp học Yoga, lớp khiêu vũ, xe đạp thể dục,… Chỉ cần là hội viên ở đây có thể được dạy miễn phí. Khuôn viên cây xanh xung quanh đây cũng rất đẹp, đâu đâu cũng có cây cỏ xanh tươi, hoa lá đang nở rộ đón chào mùa xuân về. Dưới ánh nắng rực rỡ, nhưng đoá hoa chào xuân ánh lên một sắc vàng lấp lánh loá mắt, và những bông hoa khoe sắc hồng thắm tươi như tô điểm thêm cho sắc vàng lấp lánh ấy. Một con đường nhỏ trải đá dẫn tới một khu đất cao, trên khu đất ấy được đặt mấy chiếc ghế dài. Mấy ông bà già đang ngồi đó, tắm nắng… Giai nắm chặt bàn tay Hàng, đây đúng là nơi mà họ có thể cùng nhau sống đến già. Tuy rằng Hàng không hiểu Giai đang nghĩ gì nhưng Hàng có thể cảm nhận sự mãn nguyện và vui sướng trong Giai. Thế nên Hàng dùng kiến thức chuyên môn để phân tích cho Giai: “Đừng nghĩ toà nhà cao tầng nhỏ là thuận tiện, ở đó diện tích chật, người lại ít; điều này có nghĩa là bình quân diện tích đầu người lại lớn. Hiện nay, môi trường sống ngày càng quan trọng, mà cái đó không chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ là vấn đề điện nước thôi đâu…”
Giai mỉm cười đùa: “Lại bắt đầu rồi đấy, bệnh nghề nghiệp đây.”
Hàng cũng bật cười: “Thôi, mai chúng ta tới đóng tiền đặt cọc nhé.”
“Trả tiền mặt luôn.” Giai nói vậy và cả hai quyết định thế luôn.
Trong lòng Giai đang ngập tràn hạnh phúc, cuối cùng Giai cũng có gia đình của mình. Cho dù Giai biết trước mắt vẫn còn vô số khó khăn, nhưng Giai tin rằng chỉ cần hai người họ đồng tâm hiệp lực, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn. Rốt cuộc thì hôn nhân cũng vẫn là chuyện giữa họ chứ không phải chuyện của người khác mà.
Xem toàn bộ số tiền tiết kiệm Giai mới nhận ra mình cũng có không ít tiền. Ít nhất thì Giai cũng có thể chi ra một phần ba số tiền đặt cọc nhà. Điều này càng làm Giai có thêm cảm giác thành công. Đúng lúc ấy, bên ngoài tiếng chuông cửa reo lên, Giai chợt mỉm cười vì nghĩ đó nhất định là Hàng. Chỉ có Hàng mới không thể chờ đợi thêm được nữa. Nhưng không ngờ khi mở cửa ra, người tới thăm lại là Tây. Tây tới để tìm Hàng. Hàng đâu?
Lúc ấy Hàng đang lái xe đi trên đường, không mục đích, không phương hướng, giống như lần trước đi dưới ánh điện đường. Hàng đang nghĩ tại sao Giai không nói ình biết chuyện này. Hai ngườihọ giờ có gì không nói cho nhau nghe đâu, tất cả từ công việc, cuộc sống, thậm chí cả những chuyện gặp trên đường. Ngay cả chuyện trưa ăn gì ở cơ quan, Giai đều nhắn tin cho Hàng biết, như vậy sẽ cho Hàng cảm giác tin tưởng và yêu thương mà mọi gia đình bình thường đều có, cũng như niềm tin và sự yêu thương người phụ nữ gửi gắm người đàn ông. Cảm giác này khiến Hàng càng mê đắm. Có điều, xin tiền tài trợ của Khải đoạn có thể không nói lời nào chứ? Chả cần nói cũng biết là cố tình giấu Hàng. Mà sao phải giấu chứ? Tiền đặt cọc nhà hôm qua Hàng đã góp nhặt đủ, hiện cảm thấy cũng kha khá, cũng có cảm giác thành công nhưng sao giờ nghĩ thấy nực cười đến vậy. Sự coi thường số tiền đó của Hàng khiến Hàng thấy tủi thân vô cùng. Về khía cạnh khinh trọng tiền mà nói, vào lúc này đây, chắc rằng cán cân lại nghiêng về Khải Đoạn. Hàng chìm dần trong dòng suy nghĩ, chợt trong đầu nghĩ ra rằng trong chuyện quan hệ với Giai lần này, Hàng có phần quá tự cao tự phụ. Hàng luôn cho rằng mọi trở ngại đều từ phía Giai mà ra, là Giai cảm thấy không xứng với Hàng mà chưa từng nghĩ sâu hơn, chưa từng tự so sánh mình với Đoạn xem xét một cách khách quan từ góc độ người phụ nữ mà nhìn, ai có trọng lượng hơn? Nếu cần sự trẻ trung và lòng nhiệt tình thì Hàng thắng, nhưng nếu so về tiền bạc và cuộc sống cao sang thì sao? Hàng tuyệt đối không phải là đối thủ rồi!...