Còn hai ngày nữa mới được nghỉ tết nhưng nhà xuất bản đã vắng tanh. Tây tiễn một cộng tác viên vừa tới bàn về bản thảo ra cầu thang, do dự ở cửa cầu thang một lúc Tây quyết định không quay về phòng làm việc của mình ở phía Đông mà hướng sang phía đầu ngược lại. Ban biên tập số 3 nằm ở đầu phía Tây. Quốc gọi điện thoại nói tối nay muốn mời Tây ăn cơm ở nhà, xem ra là muốn bù đắp cho Tây chút vết thương lòng. Thế là Tây nghĩ tới Giai. Tây rất muốn nói chuyện cùng Giai, nhưng chưa có lý do. Lần này có thể có lý do rồi, mời Giai tới ăn cơm do Quốc nấu.
Tây vừa đi sang bên phòng Giai vừa nghĩ nên nói gì. Giai rất thích ăn món ăn do Quốc nấu, nhưng chắc chắn sẽ không vì bữa cơm này mà đi với Tây, mà hóa giải những hiểu lầm trước đó. Chuyện diễn tiến tới mức này có phần không ngờ tới, Tây không ngờ vì chuyện này Giai lại có hành động mạnh mẽ đến thế, xin chuyển sang ban biên tập số 3, bỏ cả chức phó ban đang làm. Thử nghĩ cho Giai mà xem, người ta phản đối mình là em dâu người ta, thì phải tránh chứ, bạn tránh người ta, người ta vẫn muốn nhòm tới bạn, thật khó chịu. Thế nhưng Giai có thể nói chuyện với Tây không, nói xong Tây có đi cũng chỉ là lính, không quyền chức, tới đâu vẫn chỉ là một biên tập viên, chẳng thiệt thòi gì, còn Giai thì sao, đi rồi từ một phó trưởng ban giờ thành biên tập viên thường, mỗi tháng mất đi hơn 1.000 tệ tiền lương! Nói một cách công bằng thì Tây đã khiến người ta thiệt hại về kinh tế, nhưng sự tổn thất về tình cảm còn lớn hơn cả tổn thất về tiền bạc. Đó là kể từ lúc ấy Tây đã mất đi một người bạn thân là Giai. Trước kia, mỗi khi có chuyện gì Tây đều muốn tâm sự cùng Giai, dù là chuyện không thể giải quyết được, cứ nói ra cũng thấy thoải mái hơn. Hay ví như chuyện Quốc bắt Tây cùng về quê ăn tết, mà nếu về thật, thì chí ít Giai cũng sẽ cùng Tây đi siêu thị mua đồ, và thế là chuyện buồn lại thành chuyện vui. Hai người cùng nhau đi siêu thị không những rất có ý nghĩa mà còn rất tiện nữa chứ, tranh thủ than thở về Quốc và gia đình Quốc luôn. Giờ thì không thể thế nữa rồi. Tây không có nhiều bạn, mà thực tế thì nếu xét một cách nghiêm ngặt ra có mấy ai là có nhiều bạn đâu. Đó không phải là những người bạn mà có thể giao tiếp trong cuộc sống, mà là những người có thể hiểu lòng nhau, có thể đáp ứng được nhu cầu chia sẻ ở mức cao, những người bạn như vậy không nhiều, và không thể có nhiều. Có thể nói là cả đời khó có được một người như thế cũng nên. Tây và Giai là những người bạn ở “tầm cao” như vậy đó. Tình bạn của họ đã hơn chục năm, từ khi còn là thiếu nữ cho tới bây giờ. Tất nhiên trong suốt thời gian ấy có không ít hiểu lầm cần được làm rõ. Khi 2 người có mâu thuẫn với nhau, ai ít đau khổ hơn, người đó nên chủ động làm lành hơn. Mâu thuẫn lần này giữa họ, xét về công việc, Giai mất đi vị trí phó trưởng ban, xét về tình cảm mất đi người mình thích, mà lại sắp đến tết rồi, đơn côi lẻ chiếc, rõ ràng là đau khổ hơn Tây rất nhiều. Thế nên việc Tây chủ động đi làm lành là cần thiết và nên làm. Thế nên Tây quyết định đi, trước khi về quê nhà Quốc, Tây muốn tâm sự với Giai. Tây đi lần này cũng tự nhiên có lý do là Quốc chuẩn bị bữa cơm mời Giai tới ăn. Người ta có ý chẩn bị cơm mời Giai chẳng nhẽ Giai lại không đi, thế khác nào không nể tình. Còn Giai chắc chắn không thế. Nghĩ là vậy, Tây lập tức quyết định đi nhanh tới ban biên tập số 3.
Giai ngồi một mình trong phòng biên tập, miên man nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Trước mặt là một trung tâm mua bán rất lớn. Vào dịp Giáng sinh có căng biển quảng cáo thật to “Giáng sinh giảm giá hơn 20%”, bây giờ hai chữ “Giáng sinh” đã được thay bằng ba chữ “Tết nguyên đán”, sau chữ “giảm 20%” còn thêm một dấu chấm than rất to và ấn tượng, như một lời chào đón “Tết nguyên đán vui vẻ”. Tết nguyên đán không đặc biệt bằng Giáng sinh. Tiếp sau đó, khi Tết nguyên đán qua đi, lại thay bằng “chào đón Tết nguyên tiêu”, dấu chấm than cũng được thay bằng một chuỗi chữ lặp đi lặp lại. Có thể ông chủ cửa hàng cho rằng dấu chấm than không ấn tượng bằng niềm vui mà chuỗi này liên tiếp chuỗi kia tạo ra.
Đối với Giai mà nói, Tết là những ngày tháng chán nản. Đó là chuỗi ngày tô đậm thêm sự cô đơn, lẻ chiếc của Giai, khiến cho Giai muốn trốn mà chẳng có chỗ nào để trốn. Không thể về nhà, vì đó đâu còn là nhà của bố nữa mà là nhà của bố với người phụ nữ khác và những đứa con của hai người. Bây giờ, những đứa em đó đang ở trong căn phòng Giai ở khi xưa. Nếu Giai về nhà sẽ phải ở phòng khách. Làm thế Giai thấy phiền mà cả nhà cũng phiền. Những Tết trước, dù sao Giai cũng có Khải Đoạn, dù anh không ở bên nhưng ít ra Giai cũng có chốn về của tình thân, đấy là chưa nói tới việc Đoạn chi tiền cho Giai đi du lịch nước ngoài coi như một sự bù đắp. Khoảng thời gian trước Giai cũng háo hức chờ đón năm mới lắm chứ, Giai cùng Hàng đều háo hức chờ đón, cũng bàn nhau sẽ đón tết như thế nào. Bảy ngày nghỉ, cả hai bàn rất nhiều kế hoạch chi tiết. Nói ra mới biết, Hàng có nhiều cảm nhận rất giống Giai về dịp tết, tuy rằng bố mẹ Hàng rất hoàn mỹ nhưng xét một cách nghiêm ngặt thì đối với một thanh niên 26 tuổi như Hàng , nhà của bố mẹ đâu có thể coi là nhà của mình. Hàng nên có mái ấm của riêng mình. Bình thường trong công việc có bạn bè đồng nghiệp, nhưng tết đến, công việc, bạn bè đều chẳng còn khiến Hàng cảm nhận được nỗi đau của sự cô đơn trên đời. Giai và Hàng rất giống nhau ở điểm này, chỉ tiếc hai người không thể…
Để ngăn cản Giai và Hàng, mẹ Tây thậm chí đã giới thiệu bạn trai cho Giai trước mặt Hàng. Cũng vì lý do này mà nhất nhất mời Giai tới nhà. Nhưng đúng là phí công vô ích. Giới thiệu bạn trai cho Giai trước mặt Hàng tức là cắt đứt hy vọng của Giai, mà cắt đứt hy vọng của Giai tức là cắt luôn đường rút cho Hàng. Trong buổi hẹn sắp đặt hôm ấy, mỗi chi tiết, mỗi câu nói đều có ngụ ý riêng. Ví dụ, mẹ Tây hỏi Giai năm nay bao nhiêu tuổi, khi Giai trả lời, Tây liền tiếp lời nhắc nhở: vậy nên nhanh lấy chồng thôi, tuổi tác rất quan trọng. Giai hơn tuổi Hàng đó cũng là thực tế. Người mẹ Tây giới thiệu là bác sỹ khoa xương trong bệnh viện, khi ấy mọi người cùng ngồi ở phòng khách, ti vi đang mở bài hát của nhóm S.H.E “Anh là ánh sang, là nguồn điện, là câu thần thoại duy nhất… YOU ARE MY SUPERSTAR… Anh là ngôi sao sáng nhất trong cuộc đời em, anh là người duy nhất em yêu, em tôn thờ và em sẵn sàng hi sinh tất thảy…” Lúc đó, Tây khua tay với chiếc điều khiển và tắt ti vi đi, rồi nói: “Ai là duy nhất của ai chứ? Đó chỉ là những lời nói dối khi còn yêu đương!” Đó cũng là câu nói Tây muốn nhắc nhở Giai với ý rằng: đừng cho rằng tình yêu có thể chiến thắng mọi thứ. Sau đó, mẹ Tây bắt đầu giới thiệu về bác sỹ khoa xương. Giai chỉ dám khẽ liếc nhìn Hàng cái. Còn Hàng chẳng dám nhìn ai, tập trung gọt lê khiến Giai thất vọng vô cùng. Vị bác sỹ này hiện là tiến sỹ, lớn hơn Giai 15 tuổi, đã ly hôn nhưng chưa có con. Tây như sợ Giai không vui nên hỏi lại: không tìm được ai chưa kết hôn hả mẹ?
Giai lễ phép nói: “Cháu đã lớn tuổi thế này, người nhiều tuổi hơn cháu mà chưa kết hôn thì hiếm lắm”.
Lúc đó Hàng cố kìm nén mãi cũng đành thốt lên: “Sao cứ phải là người hơn tuổi?”.
Tây lườm Hàng nói: “Chẳng sao cả, xưa nay vẫn thế thôi. Mẹ nói tiếp đi!” Mẹ Tây nói tiếp: “Anh chàng đó rất giỏi nghiệp vụ, làm việc lại cần mẫn, có trách nhiệm…”
Tây lại chen lời, đây cũng là lời nói thật lòng: “Mẹ, Giai tìm chồng chứ không tìm bác sỹ! Trước tiên mẹ phải hỏi xem thu nhập của anh ta là bao nhiêu, có nhà có xe chưa, bố mẹ tính cách thế nào chứ!...”
Giai ngắt lời nói giả vờ chân thật ấy: “Cháu muốn người lớn hơn tuổi một chút thôi!”
Tây nói: “Đàn ông nhiều tuổi hơn đàn bà có vấn đề gì đâu. Có người cũng hơn tới năm mươi tuổi nữa đấy!”
Hàng cố tranh luận: “Thực tế là thế, giống như Rosaline (1) Marguerite Duras (2), hay phu nhân của John Moses Browning (3), họ hơn chồng đâu phải là chút ít, mà có khi hơn tới mười mấy, hai mấy tuổi liền!”
Tây nói: “Mấy người em nói đều là người nước ngoài. Chúng ta là người Trung Quốc, người Trung Quốc có cái lý của người Trung Quốc, theo tập tục thường là nam hơn tuổi nữ, đàn ông tám mươi tuổi vẫn có thể cưới vợ hơn hai mươi, nhưng ngược lại thì em thử nghĩ xem. Nước dãi nhấn chìm em luôn!”
Giai vô cùng biết ơn sự bảo vệ âm thầm của Hàng, cảm ơn Hàng đã ở bên Giai đấu tranh với mẹ và chị cùng mình, nhưng Giai vẫn cảm thấy rất ngại không thể nán ngồi thêm nữa đành đứng dậy chào ra về. Hàng xung phong đi tiễn. Lúc ấy trời đã tối, lại nối gió to, mọi người không ủng hộ những cũng chẳng ai dám phản đối. Tây đành đề nghị cùng đi tiễn. Thế nên ba người cùng đi. Sau khi lên xe, Tây ngồi ở ghế phụ bên cạnh còn Giai ngồi phía sau. Suốt chằng đường chẳng ai nói gì, khắp trong xe là bầu không khí ngột ngạt khó tả. Đưa Giai về đến nhà, hai chị em lại cùng ra về, Tây bắt đầu nói chuyện. Toàn bộ câu chuyện sau này Hàng mới kể lại cho Giai nghe:
“Hàng, em có ý gì đó?”
“Ý gì?”
“Cái gì mà đàn bà hơn tuổi đàn ông không sao…”
“Thì có liên quan gì?”
“Nếu em không có ngụ ý gì thì chẳng liên quan gì!”
“Em nói đấy! Chẳng phải chị cũng vì điều này mà nhất định cùng em đi tiễn cô ấy sao?”
“Đúng đấy.”
“Nếu thực sự em có ý định này, chị nghĩ rằng làm như thế chị có thể cản em chắc?”
“Hàng. Đừng có mà làm liều! Chị nói cho em nghe, Giai không phải là một cô gái mới hai mấy tuổi đâu để em muốn chia tay là chia tay, em có thể không quan tâm nhưng nó không thể bị tổn thương lần nữa!”
Hàng không biện mình điều gì. Ngừng một lát, Tây nói nghiêm túc: “Giai đẹp thật, thực sự rất đẹp, đến chị đây là phụ nữ còn thích nó, thích được đi cùng nó, bên cạnh có người bạn xinh thế chị cũng tự hào lắm chứ huống hồ là em. Chị rất hiểu. Nhưng theo chị, làm bạn bè bình thường, chơi với nhau thì có thể, nhưng nếu yêu nhau thì không được!”
Hàng vẫn im lặng. Tây đẩy Hàng một cái. “Em vẫn ngây thơ lắm!”
“Chị, chị đừng làm loạn lên, em đang lái xe đấy!”
Tây bắt đầu bực mình: “Chị nói cho em biết, thực ra Giai vẫn chưa quên hẳn Khải Đoạn. Nếu không với điều kiện của nó hiện nay lấy ai mà chẳng được.” Hàng khẽ rùng mình, đương nhiên cái “rùng mình” này đã lọt vào mắt của Tây, Tây nói tiếp: “Em có rất nhiều thứ mà Khải Đoạn không có, tuổi trẻ, sức khoẻ, tương lai,… nhưng em có dám bảo đảm sẽ có được tương lai như Khải Đoạn không? Mà về cơ bản thì cái mà người phụ nữ coi trọng chính là sự nghiệp của đàn ông.”
“Sao chị biết em sẽ không thành công?”
“Ý chị là, phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu có tìm thì tìm người nào sẵn sàng đồng cam cộng khổ với mình ý.”
“Em cảm thấy Giai là người có thể đồng cam cộng khổ. Nếu cô ấy chỉ thích tài sản của Khải Đoạn đã không trả lại toàn bộ nhà cửa xe cộ cho ông ta.”
“Em đúng là ngốc mà! Điều đó chứng tỏ nó vẫn còn hi vọng ở Khải Đoạn. Vợ chồng ly hôn còn phải chia nhà chia cửa, nó thì không những không phân chia, thậm chí là chủ động trả lại hết. Vì sao?... Hôm nay chị nói cho em biết, nếu Đoạn cưới nó, nó sẽ lập tức đồng ý quay lại, hai người đó thực sự chưa hoàn toàn chia tay nhau. Nếu lúc này em xen vào, đến khi ấy người đau khổ sẽ là ai? Em tự nghĩ đi!”
“Đấy là chị tự nghĩ thế!”
“Đấy là chị nghĩ rất khách quan! Nói thật, nếu không phải là Giai, là chị chị cũng làm vậy. Vì chị không thể chứng minh tình yêu thực sự của chị với em. Hàng à, em và Giai đang đùa với lửa đấy. Em chưa có bạn gái, vẫn độc thân. Giai thì thất tình, cô đơn lẻ chiếc. Cả hai đều muốn tìm một người tri kỷ, cái này gọi là gì? Gọi là uống thuốc độc! Cho dù có thể tạm thời giải khát, nhưng đợi độc tính phát ra, cả hai đều phải uống thuốc giải!” Hàng vẫn yên lặng không nói một lời khiến Tây càng thêm sốt ruột: “Hàng này, bệnh tim của mẹ không tốt lắm! Em thích uống gì để giải khát chị chẳng quan tâm nữa, nhưng còn mẹ nữa, em phải nghĩ đến mẹ!”
Về đến nhà, mẹ đang nghe điện thoai, hai chị em bước vào đúng lúc mẹ vừa gác máy. Mẹ nói: đúng lúc Hàng về, mẹ cũng đang có chuyện muốn nói, có một cô vừa gọi điện hẹn giới thiệu cho con một người. Chẳng đợi mẹ nói hết, Tây lạnh lùng hỏi: “Bao nhiêu tuổi hả mẹ?” “22”. “Trẻ quá! Hàng thích mẫu các chị gái cơ!”
Hàng chẳng buồn nói đi thẳng vào phòng, đóng sầm cửa lại. Mẹ chỉ thở dài ngao ngán, còn Tây lại tiếp tục nói: “ Nếu không có việc gì đừng để tâm tới nó nữa!” “Mẹ à, mẹ mau giúp Giai liên hệ với bác sỹ khoa xương này đi! À đúng rồi, đừng nói chuyện của Giai với Khải Đoạn cho ai biết mẹ nhé, nói ra người ta lại ngãng ra.”
Bố lúc ấy đang đọc báo cũng nói thêm vào: “Người đâu phải là thánh, ai cũng mắc sai lầm, sai thì phải sửa, làm sao hoàn thiện được. Quan hệ với Khải Đoạn là Giai đã sai, nếu sai thì…”
“… Nếu sai sửa saii lại thành đồng chí tốt! Nhưng bố à, nếu có người muốn giới thiệu “đồng chí tốt” với con trai bố làm con dâu bố nghĩ sao?... Có thể đồng ý không?... Bố, là người mà, cũng phải suy nghĩ chứ!”
Lúc ấy, Hàng từ trong phòng mở mạnh cửa ra, đứng trước cửa chỉ vào mặt Tây mà nói: “Chị! Em không động đến chị chị đừng có mà lắm chuyện!”
Hai chị em cãi nhau. Chẳng cần nói cũng biết hai bố mẹ đang đứng về phía Tây rồi…
Chuyện xảy ra ngày hôm ấy và những gì Hàng kể lại sau đó khiến Giai nhận ra một đạo lý từ thời xa xưa rằng: hôn nhân tuyệt đối không chỉ là việc của hai người. Tình yêu Giai dành cho Hàng không dao động cũng chẳng đổi thay, nhưng đồng thời Giai cũng nhận đồng thời Giai cũng nhận ra thái độ của gia đình Hàng với chuyện này cũng sẽ không dao động và không thay đổi. Cũng cho là Hàng sẵn sàng bỏ gia đình vì Giai, nhưng nếu vậy liệu có hạnh phúc thực sự không? Tất nhiên là không rồi. Suy nghĩ cho cùng, Giai chỉ có một lựa chọn là bỏ.
Khi quyết định chia tay với Hàng, Giai đồng thời xin chuyển sang ban biên tập số 3. Giai không thể chịu đựng được ngày ngày phải giáp mặt với chị gái Hàng - Tiểu Tây. Đối với Giai việc đó khác nào là sự giày vò khổ đau. Chức phó trưởng ban biên tập số 6 chẳng liên quan tới Giai, Giai làm biên tập là tốt rồi; trưởng ban biên tập số 3 - Mỹ Phu là một người phụ nữ nổi tiếng khó tính, điều này cũng chẳng hề chi, chỉ cần Giai làm tốt công việc của mình, chị ta có khó tính đến mấy cũng làm gì được Giai chứ?
Tây Mở cửa phòng biên tập số 3, lập tức trông thấy Giai đang thẫn thờ trước cửa sổ. Giai gầy đi nhiều, nhìn nghiêng cơ thể Giai thật mỏng manh. Tây bước lại gần, trong lòng khẽ thở dài.
“Giai à” Giai quay đầu lại, cười thật gượng gạo, không trả lời cũng chẳng hỏi điều gì. Tây đành phải trơ mặt ra hỏi trước: “Tối nay bạn có hẹn gì không?” “Bạn có việc gì hả?”
Tây nghĩ một lúc, định không vội mời Giai tới ăn cơm nên nói rằng: “Tết này tớ phải về quê với Quốc.” Giọng nói Tây trầm buồm. Cách tốt nhất để an ủi người khác chính là nói về sự bất hạnh của mình, ngờ đâu Giai chỉ gật đầu chẳng biểu lộ cảm xúc gì. Tây lại nói tiếp: “Tết này bạn định thế nào?”
“Trực ban.”
Tây lại thở dài. Trực ban ngày tết có nghĩa là suốt bảy ngày nghỉ ấy, một mình Giai sẽ trốn trong tòa nhà trống không này. “Ừm. Cũng không dễ gì. Giai này, sau này bạn lấy chống nhớ lấy mình làm gương, điều kiện đầu tiên và tối thiểu là phải có xe và có nhà nhé!”
Tây vốn định nói mấy câu đùa làm nóng bầu không khí ngột ngạt ấy, nào ngờ mặt Giai chỉ đanh lại hơn, lạnh lùng đáp: “Tây, bạn biết mà, mình và Hàng không còn gì nữa!” Quả nhiên Giai đã hiểu câu nói của Tây sang một ý khác.
Tây thở dài lần nữa, quyết định đi thẳng vào vấn đề, nếu không cứ theo quan hệ của họ lúc này thì mỗi câu ấy nói ra lại được hiểu theo một ý khác ngay.
“Giai à, tối nay nếu bạn chưa có hẹn gì, tới nhà mình nhé.” Tây vội bổ sung ngay “Là nhà của mình ý. Quốc bảo mình mời bạn, anh ấy nói rằng sẽ tự tay vào bếp làm thức ăn mời chúng ta, ở nhà!...
Anh ấy đang chuẩn bị làm rồi.
Giai ngẩng lên nhìn Tây hỏi: “Sao anh ấy lại mời mình?”
Tây ngẩn người không biết nói sao: “Đương nhiên là vì bọn mình… Giai à, giữa chúng ta có một chút hiểu lầm…”
Giai xua tay ngắt lời: “Giữa chúng ta không có hiểu nhầm nào hết!”
Bao nhiêu điều giữ kín trong lòng bỗng Tây thốt ra hết lúc ấy. Không hiểu nhầm ư? Quá hiểu nhầm ấy chứ! Chẳng nói đâu xa, chuyện Giai và Hàng cho dù Tây không phản đối thì sao. Nếu Tây ủng hộ chuyện của họ liệu có thành không? Cái này đến phút cuối mới biết được. Bố mẹ Tây thì nhất định không đồng ý rồi. Từ khía cạnh này có thể thấy, Tây nên giúp đỡ Giai, nếu không đến lúc phải chia tay lại lãng phí thời gian, mà thời gian với một phụ nữ hơn ba mươi tuổi như Giai thì còn có thể lãng phí không chứ. Mà về tình cảm thì lại càng đau khổ hơn. Nói xa hơn chút thì cái buổi họp dạo đó, Tây làm cho Giai thật sự “khó xử”. Thực ra Tây không muốn làm vậy với Giai, chẳng qua là lần đó trong lòng Tây cũng không vui, chuyện gia đình. Lần đó, Tây vì Quốc mà mất ngủ cả đêm, lúc ấy quả thật Tây không hề tập trung vào công việc!... Khi Tây giải thích tất cả những điều này thì chuông điện thoại reo lên. Quốc gọi tới nhắc Tây lần nữa về bữa cơm tối nay, dặn Tây bất luận thế nào cũng phải về nhà ăn cơm, và không cần mua thêm gì nữa. Trong điện thoại, Tây cũng không nói là mời Giai về nhà ăn cơm, lý do là thế này: một là cho đến lúc ấy Tây vẫn chưa dám chắc Giai có nhận lời về ăn cơm hay không; hai là sao nói thế được bây giờ. Giai đang ở bên cạnh, nếu Tây nói Giai cũng về cùng khác nào tự khai mình đã nói dối chuyện Quốc mời Giai về nhà ăn cơm. Hơn nữa cũng không nhất quyết phải nói cho Quốc biết, Quốc nấu ăn thì đương nhiên ngon rồi. Dù Giai đi cùng thì cũng chỉ là thêm bát thêm đũa thôi. Nói chuyện với Quốc là Tây đã quyết định thế rồi, còn cần nói gì nữa về nhà rồi nói. Sẽ nói khi ngồi bên bàn ăn trong cái nồng nàn của hương vị thức ăn và sự ấm cúng của không khí gia đình; chứ nói những câu ấy ra ở văn phòng thế này vừa khó nói lại vừa dễ gây phản tác dụng. Dập máy xuống, Tây tươi cười nói với Giai: “Anh Quốc đấy. Lại gọi điện tới hỏi xem cậu có đi được không. Anh ấy đã chuẩn bị hết rồi dặn mình không cần mua gì nữa, còn nói bạn nhất định phải đi.”
Giai rất cảm động. Cảm động vì tấm chân tình của Quốc với Tây. Vì sao Quốc mời Giai ăn cơm? Hẳn là vì Tây rồi. Nói không chừng đây cũng là điều kiện mà Tây đặt ra với Quốc nếu không Tây không chịu về quê Quốc. Qua đó cũng thấy được thành ý của Tây đối với Giai. Nói cách khác, Giai có đi hay không giờ không chỉ là chuyện của Giai nữa mà còn liên quan tới cả người khác. Thêm vào đó, cứ cho là bỏ qua mọi lý do mời cơm đi, bản thân Giai cũng rất mong muốn được ở nhà và ăn một bữa cơm như vậy! Tây như hiểu ý dặn thêm: “Trưa nay chúng ta không ăn gì nhé, để dành bụng tối ăn cơm!” Giai đành gật đầu, cái gật đầu này không cần đến lời rủ rê vừa nãy. Mong muốn một bữa ăn ngon của Giai thực sự mãnh liệt hơn người khác mà.
Chiều hôm ấy, cả hai cùng làm việc ở văn phòng cho tới tối, một là vì công việc quả thật quá nhiều, ai cũng muốn giải quyết xong xuôi trước tết ăn tết cho ngon, hai là vì bữa cơm không hẹn trước tối nay. Về muộn một chút, chậm một chút, nhưng về đến nhà trước mặt đã là một mâm cơm đầy!
Quốc một mình ở nhà chuẩn bị “tiệc”. Cái gọi là tiệc ấy chẳng qua là số thức ăn thừa Quốc đi đãi khách mang về. Quốc biết Tây không thích ăn đồ thừa, nhưng Quốc cũng không có ý định bắt Tây ăn, Quốc định để mình ăn dần dần. Nhưng rồi lại nghĩ sắp về quê ăn tết tới nơi, một mình ăn sao hết nên lại gọi Tây về ăn cùng. Chứ nếu ăn không hết mà đổ đi thì thật là lãng phí. Đều là đồ ăn ngon cả. Cho thức ăn vào đĩa rồi cho vào lò vi sóng. Một con cá mới ăn một bên mình, Quốc dùng đũa lật phía bên còn nguyên thịt lên nhìn qua như còn nguyên. Quốc đặt đĩa cá vào lò vi sóng, đó là món ăn cuối cùng, hiện đang trong lò quay. Vừa mở cửa lò thì Tây và Giai về đến hỏi ngay đã có thức ăn chưa. Thấy phía sau Tây có cả Giai, Quốc chợt ngớ người ra. Nhưng cả hai đều không để ý tới thái độ của Quốc, đi thẳng vào nhà vệ sinh. Cái bụng đói meo cộng với mùi thơm của thức ăn khiến họ không thể chần chừ nữa.
Ba người cùng ngồi vào bàn ăn.
Thức ăn thừa dù có khéo làm đến đâu vẫn nhận ra là thức ăn thừa. Tây đã nhịn không nói ra, nhưng giờ không thể nhịn nổi nữa, đập đũa xuống bàn quát: “Anh Quốc, anh có ý gì đấy hả?”
“Anh không biết Giai đến… em không nói mà…”
Giai nghe vậy quay sang nhìn Tây, chẳng phải Tây nói Quốc mời Giai đến sao? Tây không dám quay sang nhìn bạn, càng giận Quốc hơn. “Trong điện thoại anh nói là mời em ăn một bữa thịnh soạn cơ mà?”
“Thế này chẳng nhẽ chưa đủ thịnh soạn sao? Tôm cua cá thịt cái gì cũng có.”
“Còn dặn em không phải mua gì nữa. Anh định nhờ em ăn thức ăn thừa hộ anh hả!”
Tây chẳng còn mặt mũi nào nhìn Giai đành trút giận sang Quốc coi như cách để xin lỗi Giai: “Đây toàn là do anh đi ăn hàng thừa mang về đúng không? Không biết đã dính nước bọt của bao nhiêu người nữa, đấy là không biết có ai mắc bệnh viêm gan B không nữa!”
“Đều được giải độc qua lò vi song hết rồi.”
Giai vội can: “Tây à, anh Quốc không sai, báo chí vẫn khuyên thức ăn thừa nên gói vào đấy thôi.”
Tây càng chẳng dám nhìn Giai, chỉ ước lúc này có cái lỗ nào để chui xuống. Nếu ở nhà có tiệc thật thì coi như Tây nói dối trót lọt, coi như là bữa ăn đó chuẩn bị cho Giai, đó sẽ là lời nói dối vô hại. Giờ thì hay rồi, mãi mới mời được người ta đến nhà, thế mà trên bàn lại toàn đồ ăn thừa. Ăn đồ ăn thừa là thói quen của Quốc. Bình thường có thừa một thìa canh cũng không đổ đi, phải để lại cho bữa sau. Nếu không để lại thì húp hết luôn lúc đó, dù căng bụng vẫn cứ húp vì sợ lãng phí. Nói ra thì Quốc lại khăng khăng rằng sợ lãng phí có gì là sai đâu? Vấn đề là ở chỗ, Quốc đã ăn no rồi, nếu ăn tiếp thì thở cũng chẳng nổi, không khéo còn đau bụng. Có lần ăn no quá Quốc còn bị nôn hết ra, phải tới bệnh viện khám hết 500 tệ! Tây chán chẳng buồn nói với Quốc nữa liền cầm đĩa thức ăn thừa dồn vào một góc và nói: “Đồ ăn thừa không ăn được. Bây giờ báo chí nói rồi không nên ăn đồ ăn thừa, có rất nhiều chất Nitrite trong đó…”
Quốc lập tức phản đối: “Không thể cái gì cũng tin ở báo chí. Hôm nay thì nói ngủ quay đầu về hướng Đông là tốt, mai lại bảo hướng Tây tốt hơn, hôm sau nữa lại nói hướng Bắc, đến ít hôm nữa em xem xem thể nào cũng bảo hướng Nam là tốt nhất! Nếu cứ nghe báo nói, chúng ta nên lắp cái giường xoay tròn!”
Tây quay sang cười nhạt với Giai: “Bạn thấy chưa? Cái con người này thật chẳng hiểu biết gì.”
Giai nói với Quốc: “Rau thừa thì không nên ăn vì thực sự có chất Nitrite trong đó.” Để dàn hòa, Giai lại quay sang nói với Tây “nhưng thức ăn có Protein thì không sao mà…”
Quốc vẫn chưa chịu thôi “Rau cũng không sao! Ở quê anh xóm nào, nhà nào cũng vậy, đời này qua đời khác ăn thế có sao đâu, trưa ăn thừa tối ăn lại, tối ăn thừa sáng sau ăn lại cũng chẳng thấy ai chết vì ngộ độc cả.”
“Người ở thôn anh hả? Đừng lấy mấy người ở thôn anh ra mà nói còn tốt hơn! Cả thôn anh đều là ví dụ điển hình của sự phản khoa học! Không phải bệnh này thì lại bệnh khác, tuổi thọ trung bình mới khoảng năm mươi mà cũng khoe.”
“Được, vậy anh không nói thôn anh nữa, thôn anh nghèo, lạc hậu, người nghèo thì không có quyền ăn quyền nói. Chúng ta lấy người giàu làm ví dụ nhé, Hàn Quốc, người Hàn Quốc giàu có đúng không? Thức ăn của người Hàn Quốc thì sao? Kim chi. Kim chi là món gì? Đều là các thành phần lên men, so với rau thừa thì có gì khác hả?”
Lúc đó, Tây không nghĩ ra được lời nào để bác lại, Quốc thấy vậy cười đắc ý, cầm đũa gắp một miếng thật to cho vào mồm. Tây bèn kéo Giai đi, nói là đi ra ngoài ăn. Đứng giữa hai vợ chồng Giai thực sự rất khó xử, đi không được mà ở lại cũng không xong.
“Cô ấy bảo em đi, em cứ đi đi! Quốc liếc nhìn Tây một cái rồi quay sang nói với Giai.
Giai cố dàn hoà thêm: “Anh cũng đừng bực quá! Nói thật trong chuyện này em thấy anh cũng không đúng mà.”
“Anh có gì không đúng?”
“Anh có thói quen sống của anh, Tây cũng có thói quen sống của Tây. Nếu quả thực kinh tế không mạnh, chúng ta cũng nên tiết kiệm chút, nhưng tình hình hiện nay của hai người đâu đến mức đó.”
“Vì thế nên cần lãng phí hả?”
Tây nói với Giai: “Anh ấy là thế đây, nói không lại là quay sang chủ đề khác.” Rồi quay sang nói với Quốc: “Nếu anh muốn biến dạ dày mình thành thùng rác thì cứ việc, còn em không thích!”
Giai lại khuyên: “Thôi, bạn nhịn một câu đi!”, rồi lại quay sang Quốc nói: “ Không phải em bảo anh nên lãng phí, anh nghĩ xem một người cả đời được ăn bao nhiêu bữa cơm chứ? Ăn một bữa bớt một bữa, vậy vì sao không tự hưởng thụ chút đi. Em nghĩ rằng nếu có điều kiện con người nên học cách hưởng thụ cuộc sống.”
Quốc vẫn cố nhét đầy mồm thức ăn thừa: “Hưởng thụ cuộc sống cần gì phải học? Đợi khi nào anh có nhiều tiền tiêu không xuể đã…”
Tây bực mình quá nói luôn: “… Đi ăn tào phớ đi, mua hai bát, ăn một bát đổ một bát!” Quốc tức quá chẳng nói nên lời. Giai nhân cơ hội này đứng dậy xin phép về, Tây vội đuổi theo sau.
“Giai à, bạn ình giải thích…”
“Không sao, không sao mà, chỉ là bữa cơm thôi mà.”
Giai vốn không định để Tây giải thích. Vì nếu để Tây giải thích, Tây sẽ phải nói sao đây? Về đến nhà, Tây lại quát ầm lên với Quốc: “Anh biết không, khó khăn lắm em mới mời được Giai đến đây ăn cơm. Em định nhân cơ hội này làm lành với nó, kết quả thì sao, đều là tại anh đấy!...”
Quốc chẳng nói gì, mặc cho Tây quát tháo. Trong lòng Quốc cũng thấy buồn vô cùng vì bộn bề hiểu lầm trong quan hệ giữa hai người đó.
Chị gái phải về quê ăn tết khiến Hàng thấy hơi tiếc. Không phải là vì Hàng xót chị, Hàng với Tây vẫn chưa làm lành từ chuyện của Giai. Điều khiến Hàng thấy tiếc là, họ, mà chủ yếu là Quốc, nếu không về quê ăn tết mà về nhà, thì ít nhất vấn đề cơm nước của cả nhà tết này đã được giải quyết, anh rể rất giỏi chuyện này mà. Nhà ăn ngày tết đâu có làm việc, bố mẹ Tây cũng đang đau đầu vì chuyện này, và cũng vì thế mà cãi nhau. Dù là tết, hàng ngày mẹ vẫn phải tới bệnh viện khám bệnh, về nhà chỉ mong được nghỉ ngơi. Còn bố thì không biết nấu nướng gì. Không phải bố không thử học, nhưng kết quả là thành công một nửa, mà không, đến “một nửa” cũng không nổi. Món ăn bố nấu thực sự rất khó ăn, lại còn làm loạn hết nhà bếp lên nữa, nồi niêu dao dĩa la liệt khắp bếp. Khắp mặt đất chẳng còn chỗ để đi, nấu cơm xong thì Hàng với mẹ lại phải đi theo dọn dẹp. Về khoản này Hàng phục anh rể vô cùng, cùng là đàn ông sao anh rể lại có thể làm được thế không biết? Nói ngay như chiều nay, hai vợ chồng anh chị về chào cả nhà, lúc về đã hơn 5 giờ, thế mà một mình anh vào bếp loáng cái 6 giờ đã xong đúng giờ cơm. Cơm canh đúng bốn món. Vào bếp xem không những không lộn xộn đồ nấu mà thậm chí còn gọn gàng hơn cả lúc trước khi anh rể vào. Hàng không biết nấu nướng và cũng không thích nấu, có lẽ đây là gen di truyền từ bố mẹ. Nhưng Hàng lại thích ăn ngon, có vẻ cũng được một nửa trình độ của chuyên gia ẩm thực. Đi ăn với bạn bè toàn do Hàng thử món ăn, Hàng thử món thì đúng là tiền nào của nấy. Cũng vì để thử nên Hàng được ăn vô số món ăn mà lẽ ra không dễ được ăn. Biết thử món kể ra cũng là cái tài.
Lúc này, anh rể đang rửa bát trong bếp để cả nhà ngồi nói chuyện ở phòng khách. Chị sắp đi rồi mà. Cho dù ở ngoài mẹ là một chuyên gia rất có uy, lời nói đầy trọng lượng, nhưng khi về đến nhà, bản năng “người mẹ” lại hiện hữu, mẹ tất bật suốt vì chuyện chị phải về quê. Tìm mua cả đống thuốc, dặn dò tỉ mỉ: Berberine, rất cần thiết, ăn uống cũng phải cẩn thận, phải giữ gìn vệ sinh. Viên sủi Vitamin C dùng khi mới bị cảm, nhưng nếu sốt thì phải tới bệnh viện, nếu không có bệnh viện thì phải tới trạm xá, xét nghiệm máu, truyền dịch. Dầu gió cũng cần mang theo, đến nhà chồng chẳng nhẽ không làm gì, điều kiện còn thiếu thốn, nếu tay bị lạnh thì bôi vào…
Hàng nghe mẹ dặn gạt đi: “Mẹ, chị về nhà chồng ăn tết mà, nghe mẹ nói như tiễn con đi trường chinh ý.”
Tây liếc nhìn vào bếp rồi khẽ dặn: “Nói bé thôi, đừng để anh rể nghe được!”
Mẹ Tây lại thở dài: “Đúng rồi. Họ quanh năm ngày tháng vất vả ở đó, con cũng nên về ăn tết, có vấn đề gì đâu. Chuẩn bị là chuẩn bị vậy, chứ cũng đừng có mà tiểu thư quá.”
Bố Tây quay vào bếp gọi lớn: “Quốc, ngày mai các con phải đi tàu hôm nay tranh thủ về nghỉ sớm đi. Cứ để đấy.”
Nghe thấy vậy, Quốc cười, nói vọng từ trong bếp ra là sắp thu dọn xong rồi. Mẹ Tây đưa ra một giỏ mứt hoa quả bảo đây là Hàng mua về nhà “đem về chia cho bọn trẻ con. Nhà đấy nhiều trẻ con.” Tây lập tức nhận, kêu nhiều thế rồi đặt xuống đất chẳng buồn xem. Mẹ Tây chau mày nhìn Tây, rồi lại mang ra một túi to khác: “Đây là số quần áo ở nhà không mặc hết, đều khá mới cả đấy.” Tây luôn miệng từ chối: nhiều quá, không mang hết được! Còn Quốc vội cúi xuống nhận túi đồ: “Con cảm ơn”. Tây đần cả mặt chẳng biết nói gì. Mẹ Tây nhìn Tây rồi lại quay sang nói với con trai: “Hàng! Con tiễn anh chị đi” Hàng nói: “Không cần thế, mai con tiễn anh chị ra bến xe mang ra luôn thể. Giờ con không muốn đi, cả ngày nay bận rộn suốt ở công trường rồi.”
Quốc vội nói: “Không cần đâu, có tí đồ thế này không cần phải chở. Những đồ này tối nay con mang về luôn, còn phải đóng gói nữa.”
Tây nói: “Nhưng ngày mai em nhất định đưa anh chị đi nhé! Em phải đi đấy, nếu không anh chị không đi nổi đâu. Số đồ đạc của anh chị đủ để mở một siêu thị nhỏ đấy!”.
Taxi đỗ tại khu đô thị, Tây và Quốc dỡ đồ xuống xe, phân công Quốc dỡ đồ còn Tây đứng trông đồ, chỉ trông thôi đã khó chịu.
“Mãi mới được nghỉ tết mà còn mệt hơn cả đi làm. Lê từng bước nặng nhọc trên chặng đường dài hết tàu hoả lại ô tô, cái này không phải là đón tết mà là qua cửa ải. Đúng là qua cửa ải nhận tội, hơn nữa là tiêu tiền để mua tội.” Quốc chẳng nói gì, mặc cho Tây lải nhải. Thực tế Quốc đã được lợi thì trong lời nói cũng phải nhường Tây chút chứ. Nếu không như vậy thì quan hệ vợ chồng sao cân bằng được. Tây vẫn tiếp tục lải nhải: “Anh nói xem, chính phủ vẫn nói nước ta đang hội nhập mọi nơi, sao không hội nhập luôn cái phong tục tết này đi. Như nước Mỹ ấy, bố mẹ nuôi con đến mười tám tuổi, sau đó bye bye, chẳng ai nợ ai nữa. Nếu nhớ thì tới thăm nhau, có việc thì ai nấy lo. Sẽ chẳng có ai vì những chuyện thế này mà trách người ta không có tình người, là bất hiếu... Ngày xưa còn tốt hơn bây giờ, ngày xưa còn tuyên dương “con có hiếu”, con cái mà có hiếu với cha mẹ được tuyên dương làm quan. Còn chúng ta bây giờ thì sao, cả hai đều không được! Bây giờ, hiện đại thì chẳng bằng Mỹ, mà truyền thống thì chẳng được như xưa…”
Quốc vẫn chẳng nói gì, nên Tây nói chỉ để mình nghe. Giờ Quốc áp dụng chính sách “không nói”.
Ngày hôm ấy, Hàng lái xe đưa anh chị ra bến xe, cốp phía sau chất đầy hành lý, vẫn còn một ít không nhét hết nên để ở ghế sau xe. Suốt đường đèn đỏ, đi mãi mới được nửa đường, đột nhiên Tây hét to lên là quên chứng minh thư ở trong ngăn kéo bàn ở cơ quan. Hai vợ chồng mua vé giường nằm, mà vé giường nằm thì cần phải có chứng minh thư. Mà cho dù không phải kiểm tra thì cũng nên mang theo chứng minh thư bên mình để phòng nhỡ may xảy ra chuyện gì. Việc này giờ chỉ có thể nhờ Giai, vì lúc này chỉ còn có trực ban là Giai ở lại công ty. Nhưng làm sao có thể nhờ người ta đây? Trước đây cũng rất thân nhau, nếu bữa cơm mời tối hôm qua mà thành công, thì hôm nay cũng dễ mở lới. Cứ nghĩ tới là lại thấy giận Quốc.
“Đều tại anh cả.”
“Ơ, em quên chứng minh thư sao lại đổ lên đầu anh.”
“Nếu không vì đống thức ăn thừa tối qua của anh, thì hôm nay em có thể đã nhờ Giai được.”
“Em nghĩ là Giai xấu tính như em hả?... Mau lên, gọi cho Giai đi.”
Hàng đang ngồi lái xe phía trước nghe vậy chẳng nói câu nào, cũng không hề biểu lộ thái độ gì. Thực ra, ngoài việc Tây ngại nhờ Giai giúp còn có một lý do khác nữa là không muốn Giai gặp mặt Hàng. Đương nhiên Hàng hiểu điều này, nên mới không nói lời nào. Trong lòng không muốn gây chuyện với chị gái nữa, Hàng bây giờ cũng đã quyết định lựa chọn lại, tết này, Hàng đồng ý xem mặt con một đồng nghiệp của mẹ ở cơ quan do mẹ giới thiệu. Hàng cũng đã từng quen biết sơ sơ cô gái đó. Mẹ muốn hai người tìm hiểu nhau kỹ hơn, chủ định tết này tới nhà cô gái đó thăm bố mẹ cô.
Chẳng còn cách nào khác, Tây đành đồng ý trơ mặt ra gọi điện nhờ Giai. Giai nhận lời ngay tức khắc là sẽ mang thẳng đến bến xe cho Tây, và hẹn gặp nhau ở trạm bán vé. Lúc đến sẽ liên lạc bằng điện thoại. Bấy giờ Tây mới thở phào nhẹ nhõm.
Bến xe đông nghịt người, đâu đâu cũng thấy nhân viên an ninh đang giữ trật tự, loa phát thanh liên tục nhắc nhở mọi người bảo quản hành lý. Mọi người đi theo hàng dọc. Tây đeo ba lô của mình, tay kéo một chiếc va ly, Hàng cũng xách một chiếc va ly. Còn Quốc vác một chiếc túi rất to trên lưng, chiếc túi nặng đến mức oằn cả bên lưng, bên tay kia xách một chiếc túi khác cũng to chẳng kém, trông như bị khổ sai, còn đâu là hình ảnh của một nam tử hán đầy anh tú. Trông chẳng khác nào một dân công! Khiến Tây rất xót xa. Tây chẳng dám nhìn Quốc, mắt không nhìn nhưng lòng cũng chẳng yên.
Giai đã có mặt ở trạm bán vé, đang ngó nghiêng bốn phía. Tự nhiên mắt Giai sáng lên, Giai nhìn thấy Hàng đang đi cùng vợ chồng Tây. Giai không ngờ Hàng cũng ở đây. Giai giơ tay khua vẫy và lớn tiếng gọi, trong tiếng gọi ấy tràn đầy niềm hân hoan. Kể từ sau khi quyết định chia tay, đây là lần đầu tiên Giai và Hàng gặp nhau. Vì bản thân nghĩ chuyện này thế là kết thúc nhưng thật không ngờ gặp nhau rồi Giai mới nhận ra tất cả vẫn chưa hết, vẫn như khi xưa ấy. Giai là vậy, và cũng cảm nhận được rằng Hàng cũng như mình. Để tránh nghi ngờ, Giai chỉ nhìn Tây không nhìn sang Hàng, đồng thời cố hỏi lảng sang chuyện khác: “Mang gì mà nhiều thế!?
Tây nói: “Đấy, ai mà biết thì đó là áo gấm về quê, ai không biết thì bảo đây là chạy loạn.”
Hàng và Giai nghe vậy mỗi người ngoảnh mặt sang một bên, chỉ sợ cười ồ lên trước mặt mọi người. Lúc ấy mà cười thì chẳng khác nào đổ dầu vào lửa. Lúc đó, mặt Quốc đã đanh lại như đá. Hàng đặt hành lý xuống chạy đi mua vé tiễn, Giai nhờ mua thêm một chiếc nữa vì thêm người tiễn thêm vui. Khôn ngờ họ mang nhiều đồ thế, biết vậy mua vé tiễn sớm hơn không. Tết đến bến xe Bắc Kinh rất đông người, chen lấn xô đẩy. Lý do này rất xác đáng, nhưng cả Giai và Hàng đều hiểu rõ rằng nguyên nhân thực sự là cả hai đều không muốn chia tay nhau ở đây.
Tất cả đã vào đến bến đợi, ở đây vắng hơn phòng chờ bên ngoài nhiều. Không chỉ ít người hơn mà vào trong này trong lòng cũng thấy thoải mái hơn. Nhân dịp này, Giai thông báo cho Tây là có một tác giả gọi điện tới tìm Tây, Tây phẩy tay dặn: nếu là tìm mình, bảo với họ là sau tết sẽ gặp nhau. Nghiễm nhiên là “Phong tiêu tiêu hề dịch thuỷ hàn (1)!” Giai và Hàng lại không thể nhịn nổi cười, ánh mắt bắt gặp nhau, cảm xúc cũng như khẽ giao thoa. Tây như cảm nhận được điều gì đó liền ngước lên nhìn hai người. Giai vội vờ như không có việc gì dặn dò Tây: “Nhớ là có tất cả sáu túi hành lý nhé. Kinh nghiệm của mình là ra khỏi nhà mà không nhớ mang theo những hành lý nào là không được, phải đếm từng cái, đến lúc đếm từng cái, thiếu một cái rồi mới nhớ xem thiếu cái gì, có thế mới không bị mất.”
Nghe Giai nói vậy, Hàng như cảm thấy cái gì đó thân thương quen thuộc bao quanh. Đó chính là sự cẩn thận và tự lập của Giai. Ngay sau đó, Hàng so sánh người con gái mà mẹ giới thiệu với mình, Hàng nhận thấy ở cô gái đó cái gì cũng tốt, đó là chỉ ngoại hình, về ngoại hình đó là “cô gái đẹp nhất”. Song càng nhiều tuổi hơn, Hàng càng hiểu rõ bản thân mình cần điều gì. Cô gái ấy ngoài ngoại hình đẹp ra, các phương diện khác đều thiếu, thậm chí có điều còn khiến người ta khó chịu. Ví dụ như, hai người mới gặp mặt nhau chưa lâu, vẫn chưa đâu vào đâu, đã bắt phải phục vụ cô ta. Nào là mua vé máy bay, mua đồ cho nhà cô ta, nghe qua thì đều bắt Hàng phải trả tiền. Cái này thật quá đáng, cô ta nghĩ mình là ai chứ, là công chúa Tarandot (2) chắc? Mọi đàn ông đều tình nguyện móc ví tiền ra dâng lên cho cô ta chắc? Loại con gái này thật phiền toái, chút thiện cảm cơ bản cũng không có, lấy đâu ra sự tự lập của một người có tri thức mà Giai có chứ. Lúc này khi nghe Giai và chị mình nói chuyện, Hàng có thể khẳng định rằng, câu nói sau đó của anh rể chính là một lời cảm ơn, một lời cảm ơn được thốt ra thật chân thành và sâu sắc: “Em xem Giai đó, cùng là phụ nữ với nhau cô ấy hơn em bao nhiêu. Em thì, ra khỏi nhà mà đến CMT cũng quên.”
Sợ Tây không vui, Giai vội nói: “Sao em so được với Tây chứ. Tây có ông xã yêu chiều thế kia.”
Tây đáp trả luôn: “Là bạn không muốn để người ta chiều thôi, chứ bạn muốn được người chiều chẳng quá dễ ý chứ.” Cũng chỉ là câu nói tốt, là câu nói tán dương hóm hỉnh, nhưng không ngờ tác dụng ngược lại, câu nói ấy đã chạm tới nỗi đau của Giai. Tất cả mọi người ở đó, kể cả Giai đều nghĩ ngay tới Khải Đoạn. Tây vội chuyển câu chuyện sang đề tài khác, nhưng đã muộn rồi, nét mặt Giai đã biến đổi. Thời gian còn lại, Giai chẳng nói câu nào nữa.
Tiễn hai vợ chồng Tây lên xe, Hàng lái xe đưa Giai về. Trên đường về, hai người hầu như chẳng nói lời nào. Những xúc cảm lúc mới gặp nhau khi nãy vẫn còn, nhưng Khải Đoạn như đám mây đen chen vào giữa họ. Về phía Hàng, nguyên nhân khiến Hàng quyết định chia tay Giai đâu phải vì bố mẹ, mà chính là vì Khải Đoạn. Bố mẹ và chị đã nói rằng: Giai bỏ Đoạn chỉ vì anh ta không chịu cưới Giai. Khi sắp về đến nhà xuất bản, Hàng mở miệng nói nhưng ánh mắt hướng về phía trước chẳng dám nhìn Giai:
“Giai à, nếu giờ đây Khải Đoạn đã ly hôn và đề nghị kết hôn với em, em có đồng ý không?”
“Anh đoán xem?”
“Anh không biết.”
Giai mỉm cười lạnh lùng, cũng không trả lời thêm, chỉ nói hai tiếng cảm ơn khi xuống khỏi xe sau khi Hàng đã đưa Giai đến tận cơ quan.
Giai bước về phía toà nhà, lên mấy bậc cầu thang. Cầu thang rộng thênh thang, hàng ngày nơi đây luôn tấp nập người qua lại. Vậy mà lúc này chỉ còn mỗi Giai ở đây. Bóng Giai lả dưới ánh nắng chiều nghiêng nghiêng trên bậc thang, mỗi bước Giai đi lên, cái bóng ấy cũng di chuyển lên theo. Gió thổi tóc Giai bay bay, giống như một lá cờ đang bay, lá cờ ấy như bao lá cờ khác chỉ chờ gió to lập tức bay ạnh mẽ trong dáng vẻ mềm mại.
“Giai!” Lúc ấy Giai đã bước tới bậc cuối cùng của cầu thang chợt nghe tiếng Hàng gọi sau lưng. Giai quay đầu lại, Hàng nói:
“Đến giờ rồi, ăn cơm nhé!”
“Tối nay em có việc rồi.”
“Việc gì?”
“Mua đồ. Mua đồ ăn chứ. Một mình ăn tết cũng phải cho ra tết chứ. Thậm chí là một mình ăn tết càng phải hoành tráng.”
Nói xong Giai đi luôn, biến mất sau cánh cửa kính to…
(1) Câu thơ trong bài “Dịch thuỷ tống biệt” của Lạc Tân Vương. Phong tiêu tiêu hề dịch thuỷ hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.
Tạm dịch là: Gió hiu hiu nước sông Dịch lạnh; Tráng sĩ ra đi không trở lại.
(2) Nhân vật công chúa trong tác phẩm kịch nổi tiếng của nhà văn Ý – Carlo Gozzi.