Thời xa vắng

Với Sài thế là hết. Chỉ có điều anh day dứt và mong đợi giá có ai đó, có một lần nào đó lại biết vì sao Hương đối với anh lại tàn tệ đến thế. Đã thấy yêu anh là dại dột, đã có một tình yêu khác thì cũng chỉ một lần "lịch sự" với nhau là anh sẽ tự hiểu, anh vẫn phải tự đi lang thang suốt đêm trong thị xã để chờ chuyến ô tô sáng ngày mai, nhưng Hương đừng hắt hủi đến mức như cầm bát nước mà hắt vào mặt anh ở cái đêm ấy. Ôi, tình yêu! Anh biết rằng anh cũng có một nỗi khát khao đối với những người con gái như tất cả bạn bè. Chỉ có khác, anh khác họ ở chỗ anh không có quyền, nói cho đúng anh không được phép có một tình yêu. Hương đã đến với anh như từ trên trời, Hương đến ban cho anh sự linh thiêng của tình yêu rồi lại Hương, tự Hương vứt bỏ không thương tiếc. Hương hoàn toàn có cái quyền ấy. Còn anh cũng đã ý thức được là một thằng con trai không có quyền ngửa mặt hứng chịu mọi sự nhục nhã để được bố thí một tình yêu. Cứ thẳng thắn với nhau đi. Đứng cạnh Hương anh có thể có đủ nghị lực mà nói một cách không run rẩy rằng: "Thôi từ nay chúng mình chấm dứt, chúc em sống hạnh phúc"
Sài được nghỉ tết 2 tuần. Từ khi được đơn vị cử đi học đại học đây là lần đầu tiên anh về nhà. Sự có mặt của anh lần này là niềm hãnh diện của cả họ hàng nội ngoại. Cả vùng ngoại bối chỉ có một người học Đại học là quý, Sài không phải mang gạo mang tiền đi học, ở bộ đội gian khổ là thế mà tự học có hơn một năm vào được đại học càng quý giá hơn. Ai cũng chiều chuộng và kiêng nể. Ngay cả chuyện Sài không hỏi han gì đến Tuyết mọi người cũng chỉ thở dài "Khổ, cái số nó biết làm thế nào". Bố và mẹ, anh và chú, họ hàng và làng xóm đều cảm thấy nó đã tuột khỏi tay mình. Cái quyền làm cha mẹ, trên dưới, chỉ còn ở chỗ tâm tình và khuyên bảo, nương nhẹ và âu yếm. Tất cả đang gá mình vào niềm vinh quang của chàng trai trẻ. Duy chỉ có bà đồ thấy con ngày nào cũng vác xe đap đi suốt ngày đêm, bà mắng con: "Mày cứ đi đâu cho vất vả? Từ mai ở nhà nghỉ con ạ". Nhưng ngày nào anh cũng phải đi. Đi vào huyện để anh Tính dắt đi giới thiệu với các ban ngành, đoàn thể, đi chợ và đi thăm bạn bè. Tất cả những công việc ấy thực ra không hề có ý nghĩa gì nếu không có hai lần đi và về qua xóm nhà Hương. Không đi không chịu được. Nhưng có hai lần thấp thoáng thấy bóng Hương từ phía cổng nhà cô anh đều đạp dấn lên như chạy trốn để rồi khi trở về cứ đi quanh quẩn nhìn vào phía ngôi nhà có tường hoa xây quanh. Không chỉ là sự ngượng ngùng, còn nỗi ấm ức ghét bỏ khiến anh không thể gặp Hương, không thể nói gì kể cả cái điều đêm nào anh cũng nghĩ tới: Vì sao cô ta đối với mình lại tàn tệ thế!
Hương về nghỉ trước Sài hai ngày. Ngay hôm đầu me đã hỏi: "Lâu nay cậu gì ngoài bãi có đến chỗ con không?" - "Sao mẹ lại hỏi con thế" - "Vì mẹ sợ chẳng đâu vào đâu mà mang tiếng". Hương càng thấy nhói đau và oán giận cái con người ấy. Thấy Hương ngồi lặng đâu đớn mẹ an ủi:"Thằng bé nó cũng tội. Gia đình nhà cô kia xui con làm đơn đề nghị đơn vị gọi cậu ấy về không cho học đại học vì tội chê vợ" - "Đấy là chuyện trước, mẹ thì cứ chắp chuyện nó với chuyện kia" - "Trước đâu, đến bây giờ các bà ngoài bãi mới bảo không ai bắt được nó phải đi lại với vợ. Khi đi thăm cậu ta về cô vợ sợ xấu cứ cười cười. Có người hỏi "thế nào" cô ta lại khóc với bà cô ruột vào làm cho nhà ta rằng anh ấy tệ lắm. Cả ba đêm anh ấy ngồi đọc sách, hỏi câu nào anh ấy mắng câu ấy. Khi đơn vị cho hai người cùng về quê, anh ta mua vé mỗi người ngồi một nơi đến nửa đường thì xuống bảo còn đi có việc! Rồi bà kể cho con gái biết chuyện vì sao cô Tuyết biết địa chỉ của cậu ấy. Cậu ấy đã nói thẳng với ông thủ trưởng tướng tá gì đấy là tôi không thể yêu cô ấy được, các đồng chí không cho tôi đi học thì thôi. Nhưng vì cậu ta giỏi quá không thể thay ai được, đơn vị đành cứ phải mời cậu ta đi. Không ngờ cái đoạn các bà làm thuê( họ vẫn còn làm thuê lẻ tẻ với tính chất "cái phân cái gio" giúp gia đình "người bà con") người làng bãi bịa ra Hương lại có thể tin. Cô bảo mẹ: "con bận học hành cũng chả hơi đâu mà nghĩ đến chuyện rắc rối ấy nữa. Mệt người lắm" - "ừ thôi, thiếu gì người, con lại phải đi đâm đầu vào chỗ ấy". Không hiểu sao sáu bẩy năm nay từ khi mới mười lăm tuổi không biết đã có bao nhiêu người đủ các loại "xô" vào Hương đều bị bật ra mà cô lại lao đầu vào Sài như một con thiêu thân. Ngay cả những ngày "căm thù" anh ta nhất cô cũng không thể nghĩ đến ai. Cô có thể lý giải được một phần lý do ấy vì cô còn trẻ và biết rõ cái thế của mình muốn yêu ai, lấy ai lúc nào mà chả được. Đã vội một lần gỡ mãi không ra, tội gì vội vàng nữa. Nhưng cô không lý giải được tại sao cô lại yêu Sài. Một cuộc tình không biết sẽ đi đến đâu vẫn không thể dứt bỏ. Người ta bảo mấy đêm nay, Sài toàn rủ bọn trẻ con vào chợ Bái. Cứ đi rong chơi chả thấy vào nhà ai. Đến quá nửa đêm mới kéo nhau về rúc vào ổ của bất cứ nhà đứa nào đó, năm bảy anh em nằm quay ngang, quay dọc chồng chéo lên nhau. Không hiểu sao bọn trẻ đứa nào cũng thích đi với anh Sài chơi xa thế. Mà có để làm gì đâu. Chắc buồn quá nên dẫn bọn trẻ con tha thẩn cho vui. Hương lắng nghe tất cả và hiểu cả. Cô cũng hiểu sự tác động những câu đối đáp của cô hồi đầu năm học đến đâu. Ngày nào cũng đi qua đây (và cả đêm nữa) mà anh không dám gặp Hương cũng phải thôi. Nếu ngày ây Hương biết rõ mọi chuyện như bây giờ thì đâu đến nỗi. Liệu mình có nên chủ động gặp không? Cô gạt bỏ ngay ý nghĩ này. Đã một lần chủ động rồi! Con gái như thế họ sẽ khinh thường mình. Không chủ động nhưng cô cũng đã "vô tình" đứng ở cổng mấy lần rồi. Cả mấy lần có lẽ anh vẫn qua đây nhưng có hẹn ai mà gặp. Cả hai tuần lễ, kể cả đêm 30 và ngày mùng một tết một người vẫn "vô tình" đi qua và người kia cũng "vô tình" mong đợi. Họ vẫn không gặp nhau. Suy cho cùng cũng cái nguyên do rất đơn giản và ngu ngốc: ai cũng muốn giành phần thắng về mình. Cả một thời ý thức về cái danh dự hão huyền đã trói buộc họ bỏ qua nhiều dịp khác nữa. Những giây phút có thể "hàn gắn" ấy để trôi đi ngờ đâu nó thành xa cách mãi mãi. Hai năm rưỡi nữa Hương đang học năm thứ hai của trướng Bách khoa cô tìm mọ cách đăng ký đi trại hè ở bờ biển nơi anh đóng quân. Cô biết rõ ràng như thế và không cần phải dè dặt. Cô cũng biết rõ ràng không có người con gái nào trong anh ngoài cô. Vì cô, anh đã sống những ngày tháng như đã "chết rồi".
Vừa đến nơi, bạn bè còn đang ngơ ngác trước ồn ào của sóng gió cô đã dò hỏi địa chỉ của anh và nhắn anh xin phép ra bãi biển trung tâm gặp cô. Chiều tối, một trung uý tìm đến. Anh tự giới thiệu với cô tên mình là Hiểu, trợ lý văn hoá của trung đoàn, người phụ trách trực tiếp của Sài. Anh có khuôn mặt đôn hậu, giọng nói rất thật và sự quan tâm cảu anh đối với Hương cũng rất thật. Giọng anh ngập ngừng ái ngại. Không may cho Hương lắm, đồng chí Sài lại vừa đi công tác sáng nay. Có lâu không anh? Hương ở đây thời gian bao lâu. Năm ngày với một ngày đi, ngày về. Nét mặt anh buồn buồn như có vẻ nhẩm tính. Có thể là không gặp được. Sài đi cũng phải hơn một tuần. Chỗ anh ấy công tác có xa lắm không ạ. Cũng hơi xa. Anh có thể làm ơn chỉ giúp em đến đấy! Hương đang còn phải tham gia các hoạt động của trại. Em sẽ xin phép đoàn trưởng. Gia đình anh Sài có việc rất cần em phải nói với anh ấy. Anh Hiểu nhìn lướt trên khuôn mặt sắp sửa bật lên lời cảm ơn tấm lòng nhiệt tình của anh. Anh lại ngẫm nghĩ như nhẩm tính, khuôn mặt anh cũng không giấu được nỗi băn khoăn cảm thông với cô. Hương ạ, chỗ quân sự không thể vào được đâu. Nếu Hương cho phép, tôi được coi như người anh của Hương, có dịp nào tôi sẽ nói chuyện với Hương nhiều. Còn bây giờ Hương thông cảm, tôi không thể chỉ cho Hương đến đấy được. Bỗng nhiên Hương thấy mình có lỗi, vì quá hăng hái gặp Sài, cô đã làm người thủ trưởng trực tiếp của anh phải lâm vào tình thế khó xử. Không sao đâu anh ạ, nếu khi nao anh Sài về anh nói giùm có cô em gái tên là Hương cần gặp anh ấy, nhưng thôi, để dịp khác cũng được. Vâng, tôi sẽ nói nhưng Hương phải hoàn toàn thông cảm cho tôi. Không, em hoàn toàn thoải mái thôi mà. Nói vậy mà cả năm ngày đi tắm biển cô chỉ múc nước giếng, và nhận chân "coi nhà" nằm đọc sách. Cô tự trách mình tại sao không chủ động viết mấy chữ báo tin mình sắp đến đây. Tự nhiên lù lù dẫn xác đến ai người ta biết đâu mà đón đợi. Ngày trở về Hương leo lên xe trước tiên. Một anh bộ đội đến gửi cô bạn ngồi sau Hương lá thư cho gia đình ở Hà Nội. Nghe nói anh ở trung đoàn bộ, Hương quay đầu lại vươn qua thành xe hỏi anh có thấy anh Sài về chưa. Sài ở nhà chứ đi đâu mà về, Sài văn hoá cơ mà. Thì "Sài Hương" mới tốt nghiệp sư phạm năm sáu tháng nay chứ gì. Cô bạn phía sau nháy mắt cho Hương. Sao lại gọi là Sài Hương hở anh. Không biết cô Hương cô khói nào đấy "úm" từ bao giờ đêm nằm mê hét "Hương, Hương chạy đi đâu em" cứ toáng lên nên anh em mới đặt là Sài Hương. Bộ đội các anh cũng thơ mộng thế cơ à. Ôi nghe nói ngày xưa cậu ta tưởng tượng ra cái cảnh hai người cùng học toàn là nhất nhì với nhau, yêu nhau rồi dắt nhau đi ăn kem quanh Hồ Gươm. Dắt nhau lên mây lên gió gì nữa. Thấy lãng mạn, viển vông quá nên anh em đại đội nó mới "cạo"cho một trận nên thân phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Nhưng mà cậu ta quả là có nghị lực. Vẫn tự học, chỉ có năm rưỡi học ba lớp thi đỗ đại học toàn năm cộng, xuất sắc nhất trường. Công nhận nó ít tuổi mà có chí. Vẫn cô gái phía sau... Thế bây giờ anh ấy còn mê cô Hương nữa không? Trong ruột cậu ấy có giời biết. Cậu này kín lắm. Với lại chả ai để ý vì căn bản ai cũng quý mến cậu ta. Dạy đã giỏi, giải nhất quân khu, tháng trước được đi trại hè toàn quân ở đây để báo cáo kinh nghiệm dạy học đấy. Hết dạy lại đi tăng gia, phân gio tưới tắm. Đêm đến lại cặm cụi học, thành ra không ai nghĩ cậu ta là người không đứng đắn. Từ nãy Hương vừa muốn nghe vừa muốn rầu rĩ muốn kêu lên. Anh bộ đội cứ nói. Anh nói như muốn chứng tỏ cho các cô biết sự thành thạo của anh, một người chuyên môn chữa vô tuyến điện mà cũng thông thạo mọi chuyện, kể chuyện gì cũng hấp dẫn. Sao bảo anh Sài đi công tác ạ. Chả nhẽ tôi lại bay ngay về cõng câu ta ra đây để chứng minh cho cô. Cả tháng nay ngày nào cậu ta không ăn cùng mâm với tôi. Sáng nay hai thằng cùng nhá ngô bung với nhau chả nhẽ tôi còn nhầm. Nhưng có phải Sài đúng như tôi vừa kể không đã. Hương khẽ gật đầu. Cô là thế nào với cậu ta? Là em. Anh ta nhìn Hương gật gù: Kiểu này dễ là em con ông bác lắm. Sao đến đây hàng tuần không tìm ngay. Không biết là ở đây à. Hay để tôi chạy về bảo cậu ta mượn xe đạp chạy ra đây vậy. Như xe đã nổ máy rồi. Cảm ơn lòng tốt của anh. Xe chạy, Hương phải quay mặt vào gục xuống thành ghế phía trước, cố ghìm lại để khỏi oà khóc lên thành tiếng. Trời ơi, sao lại oái oắm đến mức này. Cả một tuần nay em chờ mong khao khát ước có phép tiên nào đấy để được gặp anh mà chỉ cách một cây rưỡi cây số anh không đến để gặp em. Cái anh Hiểu kia là ai mà độc ác vô cùng. Không, con người ấy từ cái nhìn, tiếng cười, giọng nói, cử chỉ, không thể là người âm mưu lừa dối được. Nhưng mà để làm gì! Anh ấy ra dự liên hoan bế mạc trại, đến ngồi nói chuyện với Hương như một người anh trai thực sự. Hương cũng đã hỏi một chú bộ đội được biết đó là trợ lý văn hoá của trung đoàn tức là người phụ trách việc giảng dạy của Sài. Giữa anh Hiểu và anh bộ đội lém lỉnh kịa ai đúng? Hương không ưa cái vẻ ba hoa bốc đồng của anh ta nhưng tất cả những điều kể về Sài thì không thể là bịa đặt. Anh ta cũng định chạy về gọi Sài thật sự kia mà. Vả lại biết chắc chắn bọn cô sẽ đưa thư đến nhà với địa chỉ ấy các cô có thể trách cứ, làm sao anh ta dám nói dối. Mà để làm gì kia chứ! Thế thì tại sao! Tại sao Hương lại chịu nỗi hẩm hiu đến mức này!!!
Từ rất sớm Hiểu và tổ giáo viên, tổ câu lạc bộ đi rỡ khoai sọ về cân theo yêu cầu của nhà bếp. Đây là ruộng khoai duy nhất của trung đoàn. Nó là chất "bột cao cấp", lại có thể thay rau với tỷ lệ một "ăn" bốn. Với tờ chứng từ viết vào mặt trái bao "Tam đảo" anh nuôi trưởng nhận đã thu của ban chính trị sáu tạ khoai sọ làm cho cả ban vừa mừng rỡ sung sướng vừa kiêu hãnh. Bạn có mười bốn người thì anh giáo viên "dài lưng tốn vải". Một anh thư viện kiêm sử dụng âm ly, loa đài, dây dợ, băng cờ khẩu hiệu, thủ kho của câu lạc bộ. Một anh chụp ảnh kiêm sáng tác kịch, chèo độc tấu, thơ ca cho đội văn nghệ nghiệp dư. Khi họ tập trung anh kiêm luôn cả nhạc trưởng, đạo diễn, kéo đàn accócđiông, đệm ghi ta và đánh trống. Nghĩ là "đa di năng". Cả năm vị "anh hào của hai bộ phận do trung uý Hiểu trợ lý văn hoá kiêm luôn trợ lý câu lạc bộ chỉ huy. Họ là những người trai trẻ nhưng lười biếng, thường "mất hút" mỗi khi tăng gia rau và "chất bột" mà cái "rấp" của nó lại là tại quân ông Hiểu".
Thực hiện nghị quyết của trung đoàn uỷ mỗi cán bộ cơ quan phải đạt chỉ tiêu mười cân bột, hai mươi cân rau, hai cân thịt (bộ phận anh nuôi và ban Năm chịu trách nhiệm) trong năm nay thì không ai dại gì mà mấy "thằng già" lại đi cõng cả "cha con ông Hiểu". Cái lý do ban chính trị tách thành hai bộ phận tăng gia cho "gọn" thực chất là thế. Đến hôm nay anh nuôi bảo khoai bộ phận anh Hiểu, Hiểu nói luôn: "Của cả ban chính trị". Thế là mới sáu tháng, ban chính trị đã đạt tiêu chuẩn bột xuýt soát bốn ba cân đầu người. Họ cứ nằm khểnh mà chơi cuối năm chỉ cần "bắn" dăm bảy chục cân khoai "sang rau" là xong. Nhưng đời nào ban chính trị chịu thế. Rau của "ông Hiểu" đã được tạ mốt, cánh già cũng đã được mười bảy cân. Nếu đám rau của "cánh già làm cỏ đi, nước giải tưới đều cuối năm thì phải hàng tạ chứ ít của. ấy là chưa kể quân ông Hiểu đã lấy phân ủ để sang thu trồng cải, trông xu hào. "Tốt, tốt quân ông Hiểu năm nay tốt đấy". Nghe chủ nhiệm chính trị gật gù khen Hiểu cứ nghĩ trong bụng cười thầm. Ai lại ở một cơ quan chính trị mà hcỉ xem anh nào tốt hay xấu, cuối năm có được biểu dương khen thưởng hay không là ở chỗ có tích cực tăng gia hay không. Có khi sự tích cực ấy không đem lại kết quả gì vẫn còn hơn anh thức suốt đêm cả hàng tháng để viết một vở chèo. Cũng có lúc chẳng cần biết anh có tăng gia hoặc tăng gia được cái gì chỉ cần thấy anh tỉ mẩn buộc từng bó đóm tre ngâm mang theo khi diễn tập, cái bật lửa dùi nắp luồn dây dù qua rồi gài kim băng vào túi quần không bao giờ ai hỏi xin tăm mà anh lại không có sẵn cái ống đựng Appêrin bằng nhôm trắng đầy tăm, chiếc nào cũng tròn nhẵn đều tăm tắp. Người như thế nhất định có thể kết luận là chịu khó tăng gia, tăng gia nhất định giỏi. Không những Hiểu mà cả anh em ở hai bộ phận đều thấy việc tăng gia không phải khó đến mức họ không thể làm được. Đầu năm họ đã bàn nhau: cần thì giảm giờ làm việc chuyên môn để tăng gia. Không đạt chỉ tiêu tăng gia bị phê bình không thể chối cãi được, còn không đạt được hiệu quả cao trong chuyên môn chẳng mấy ai để ý. Mà thiếu gì lý do. Thôi, năm nay là năm tăng gia anh Hiểu ạ. Hiểu gạt đi. Nhất thiết phải làm chuyên môn giỏi. Còn tăng gia cũng phải nghĩ cách mà đạt chỉ tiêu. Trong cuộc bàn luận "quyết chí" ấy Sài trông có tướng nông dân hơn cả được bầu là tổ trưởng tăng gia của tổ câu lạc bộ và giáo viên. "Bầu chú Sài thì yên tâm rồi. Cần gì chú cứ hét một tiếng các anh theo răm rắp ngay.
Anh nào lơ mơ là ăn đòn đấy. Chú cứ mạnh dạn chỉ huy cho nghiêm vào". Hiểu giao việc này cho Sài với ý định khác. Sài mới được phong hạ sĩ và cũng là người mới nhất trong số anh em ở đây nhưng lại là diện "cảm tình". Chi bộ học viên quân đội ở trường đại học giới thiệu về. Chi bộ ban chính trị đánh giá Sài là quần chúng thành phần cơ bản tốt, có ý thức rèn luyện phấn đấu, nhất là trong học tập. Giao cho Sài việc này tức là tạo điều kiện cho Sài "thử thách" ở một lĩnh vực khác. Không ngờ Sài làm cho cả trung đoàn bộ ngạc nhiên và ban chính trị thì tự hào mình đã giáo dục được quần chúng có ý thức tự giác lao động cao đến thế. Với Sài, anh thấy không hề phải "cố" chút nào trong việc này. Đêm đêm anh thức từ ba giờ sáng lấy phân đem ngâm thì có vất vả gì hơn vác vồ chạy vào chợ Bái. Một mình anh làm cỏ, bỏ phân và tưới tắm cho khoai, cho rau cũng là cái sự "lủi thủi" nó quen rồi có gì phải phấn đấu. Hơn nữa ngoài việc học, đọc sách, dạy hoc ra Sài rất sợ những lúc nằm không ngủ được. Anh cũng tự đặt ra kỷ luật cho mình, không có việc gì thật cần thiết, không ra phố, không ra bãi tắm, thì giờ ấy không tăng gia còn biết làm gì nữa. Ngay cả đến Kim, cô "em gái" bao nhiêu lần trách, không thấy "tăm hơi" anh, anh cũng cố tránh để khỏi mang tiếng quan hệ phức tạp. Anh tránh né tất cả bởi vì không có ai để anh có thể san sẻ nỗi buồn về cú "đá" của Hương. Phần anh thấy nó đau như đã bị Hương "đá" thật, phần khác lại rất muốn nó không phải như thế. Có lẽ Hương chỉ hiểu lầm chuyện gì đó thôi. Nếu vậy, anh có thể yên tâm vì trước sau thế nào Hương cũng hiểu anh. Đấy là ý nghĩ thầm thì, cái nỗi đau dai dẳng từ mấy năm nay khiến khi trở lại trung đoàn công tác anh phải tự đặt cho mình cái kỷ luật "quên" để làm việc. Chỉ có công việc mới cho anh những niềm vui nhỏ nhoi. Không có nó anh lại trở thành bệnh nhân tâm thần của trạm xá, như người ta từng đồn đại về anh bốn năm trước. Những ngày năm nay thực sự anh rất vui trong kết quả một sào bắc bộ thu hoạch sáu tạ khoai sọ là năng suất chưa từng thấy. Các cán bộ của trung đoàn bộ gặp anh, ai cũng thân tình khác hẳn mấy tháng trước, khi biết anh đạt kết quả học tập cao và dạy cũng muốn rủ rê và sai bảo, muốn tâm tình và chỉ dẫn. Qua tình cảm của mọi người anh hiểu việc vào Đảng của mình, chỉ còn là ngày một ngày hai, gần như cả trăm phần trăm số đảng viên trong chi bộ đều sẵn sàng thông qua.
Chính uỷ Đỗ Mạnh gọi anh lên chơi, cho bao thuốc và bảo: "Có việc làm chỉ giới hạn cho một dự luận, của một dư luận nhưng trước mắt thế là tốt, cố gắng mà phấn đấu"
Ngày thứ sáu kể từ hôm Hương rời khỏi vùng biển này, anh thợ chữa máy của tiểu ban thông tin đi "đại tu" những máy móc ở Quân khu về mới nói cho Sài biết chuyện cô sinh viên Bách khoa đau khổ không gặp được người yêu ("Tớ xem thái độ tớ biết"). Chỉ vì có ai đó lại nói cậu đi công tác. Anh ta đã thề sống, thề chết là không hề bịa.
Cũng may cậu ta không hỏi tên. Ăn cơm chiều xong, Hiểu rủ Sài đi "lang thang". Chính anh là người đã nói với Hương như thế. Anh kể lại tỉ mỉ và chính xác những gì nghe, cả thấy và phán đoán tình cảm của Hương từ hôm đầu tiên đến đây. Càng nghe Sài càng đứng chết lặng. Có lúc Hiểu tự hỏi tại sao mình lại nỡ làm một việc độc ác, nhẫn tâm đến thế. Có hai lần đang đêm không ngủ được anh ngồi dậy định gọi Sài nói chuyện đó. Nghĩ đi nghĩ lại thấy trách nhiệm của mình lúc này khôgn thể nào làm khác được. Trước đây người ta đã láng máng chuyện của hai cô cậu nhưng do sự học tập đột xuất của nó át đi. Phần khác, người ta bảo là tâm thần, học nhiều nó "loạn" cứ tưởng tượng ra mọi chuyện nên không ai nhắc gì quan hệ nam nữ bất chính của cậu. Cố đừng để nó vỡ ra phiền lắm. Sài biết tất cả cái gì Sài có được như hôm nay là do anh, Sài gặp được anh như là cái số của người ta có đường may mắn. Với anh, Sài không phải nói gì, có khi không cần nói gì, anh cũng làm thoả mãn sự mong muốn của Sài. Sài cũng biết trong tất cả mọi việc Sài phải tự hiểu, tự làm đừng để anh phải nói nhiều, băn khoăn nhiều về mình. Tất cả sự xấu, tốt của Sài có thể coi như sự xấu tốt của anh. Anh lấy Sài về, anh phản đối tất cả những ai đánh giá Sài không đúng. Anh tìm mọi cách xin cho Sài đi học và và trước đấy cùng tổ giáo viên luyện thi cho Sài. Hai năm học ở trường sư phạm mỗi lần qua Hà Nội anh đều đến thăm và "tiếp tế" quà của ban chính trị. Nếu chỉ đến ngày hôm nay rồi mãi mãi xa anh thì suốt cuộc đời Sài cũng không thể quên, không thể có phút nghi ngờ tấm lòng của nh dành cho Sài và mọi người. Anh đang là chi uỷ viên trực tiếp theo dõi giúp đỡ Sài vào Đảng. Không thể trách việc anh đã làm. Với anh bây giờ Sài biết không cần e ngại giấu diếm bất cứ điều gì kể cả nếu anh muốn nghe kể lại cái lần đầu tiên hai đứa thổ lộ tình yêu với nhau Sài cũng sẵn sàng làm. Hai người đi bên nhau im lặng khá lâu: "Nếu viết thư cho Hương có được phép không anh" - "Về vấn đề gì?" Ôi, sao mà biết sẽ có vấn đề gì trong những lá thư gửi cho người yêu". Hiểu biết mình hơi thô bạo, dù cái thô bạo chân thành anh vẫn thấy ngượng. "Theo mình hãy im lặng đã Sài ạ" - "Đến bao giờ hở anh" - "Mình cũng chả biết thế nào. Nhưng mình hỏi thật. Sài có thật sự tha thiết vào Đảng không đã?" - "Sao bây giờ anh vẫn còn phải nghi ngờ em chuyện đó" - "Vì mình sợ cứ bắt Sài cố làm một việc mà Sài thấy khó quá. Sài đã nói thì mình đề nghị thế này. Từ nay Sài phải kiên quyết cắt đứt quan hệ với Hương" - "Sao lại..." "Rồi sau này Sài sẽ hiểu dần. Theo mình chuyện này nó khá rắc rối đấy!".
Từ đêm ấy Sài lại nằm nghĩ ra bao nhiêu chuyện thật và giả, những khả năng có thể xảy ra và ước ao có một ông giời nào đấy xuống đây cho hai người ly hôn, cô Tuyết được quyền sử dụng hết ruộng đất, vườn tược của anh, và đi lấy một người chồng không đẹp trai lắm nhưng rất khỏe mạnh giầu có, hai vợ chồng đẻ đến chục đứa con đứa nào cũng béo trắng, đi đâu cũng cả đàn cả lũ ríu rít cười đùa mãn nguyện. Còn Sài và Hương cùng xin đi Nam đánh giặc, Hương đi bên dân chính làm phóng viên cho một tờ báo nào đấy. Gặp Sài là dũng sĩ diệt Mỹ, họ giả vờ chưa hề quen nhau. Đên khi phỏng vấn xong, Hương mới oà khóc ôm chầm lấy anh mà bảo anh có biết em phải đi bộ nát cả hai bàn chân sốt rét rụng hết cả tóc và đói, và bom đạn, và muỗi vắt suốt một năm nay chịu đựng cực nhục mới đến được chỗ anh... Chỉ có điều khác khi còn ở đại đội 12 là Sài không dám ghi nhật ký, một chữ không ghi, dù biết rằng không ai xâm phạm đến. Không ghi, nhưng không đêm nào không nghĩ. Nghĩ những chuyện đó nó đỡ khổ hơn.
Hiểu nằm cạnh giường Sài, anh biết nỗi trằn trọc của Sài suốt mấy đêm liền. Bằng sự thăng trầm từng trải của một người lính anh biết rồi cũng qua đi thôi. Điều quan trọng là Sài đang được mọi người yêu mến, Sài đã có một cái nghề dạy học, mà khối bạn bè cùng tuổi thèm thuồng... Không dễ gì Sài vứt bỏ những cái đó nhất là với cái tính nhút nhát của Sài thì sẽ không có điều gì xảy ra. Cuối năm Sài được bầu là chiến sĩ thi đua duy nhất của trung đoàn bộ. Chi bộ họp nhất trí kết nạp Sài nếu hai điều kiện chưa được sáng tỏ: Đã yêu vợ thực sự chưa và kiểm tra lại vài điểm ở gia đình nhà vợ. Phó chủ nhiệm chính trị gặp riêng Sài ở phòng mình: "Cậu uống nước đi. Tình hình vợ con thế nào?" - "Báo cáo vẫn như cũ ạ" - "Nghĩa là thế nào?" - "Báo cáo thủ trưởng tôi không chê cô ấy. Nhưng vẫn khó nói chuyện với nhau" - "Thế thì không được rồi. Cậu nhớ mình là cơ quan chính trị mà vô chính trị là không được đâu. Bây giờ thế này, vừa rồi chi bộ họp đã thông qua lý lịch và đơn xin vào Đảng của cậu. Vẫn chỉ vướng mắc ở chỗ vợ con đấy. Nói thật, mình quý cậu, anh em ai cũng quý cậu. Đừng phụ lòng người ta. Bây giờ với tư cách thủ trưởng trực tiếp mình yêu cầu cậu phải yêu vợ cậu, có được không nào!" - "Dạ... được ạ" - "Có thế chứ lỵ. Nhưng mà phải thực sự đấy nhé" - "Vâng, tôi sẽ cố làm theo ý các thủ trưởng" - "Chả nhẽ chúng tớ lại xui dại cậu làm kiên quyết thì cậu được vợ được con chúng tớ được cái gì. Tớ cũng nói để cậu biết cho đến cậu là bảy anh, bảy anh ở ban chính trị từ trước tới giờ ngủng ngoẳng chuyện vợ con tớ đều dàn xếp xong hết. Bây giờ đâu vào đấy cả. Cậu còn trẻ rất nhiều triển vọng, để chuyện này lôi thôi thôi ra là mất sạch chứ chơi. Thôi mình chỉ muốn nói với cậu điều đó. Xác định được thế là tốt rồi. Cậu nói nhiều triển vọng, chúng mình tin lắm, rất tin!
Có thể nói hàng chục năm nay chưa bao giờ làng Hạ Vị có được cái hạnh phúc vững chắc như ngày này, cũng lại năm hết tết đến nhưng nhà nào cũng còn vài chum ngô, dăm ba chục ký gạo nhà nước bán ”bổ sung“ cho vùng bãi, vài thúng thóc lốc, ổ gà đẻ, một vài con lợn... Thế đã là vô cùng yên ổn và mãn nguyện. Người ta sống rảnh rang sung sướng mỗi buổi sáng còn mù mịt sương muối nhà nào cũng đổ oà ra đầu bếp, góc sân nồi dong diềng luộc lẫn với khoai lang. Khi những rổ, những sàng khoai và củ dong còn bốc khói nghi ngút lũ trẻ đã xô đến lật vạt áo lên vừa thổi phù phù vừa nhót lấy những củ to, đặt vào vạt áo, hai tay túm giữ đầu vạt khom khom chạy như thể sợ cái nóng làm vạt áo tuột khỏi tay rơi xuống. Mỗi đứa chạy đi một xó xỉnh ngóc ngách nào đấy giấu làm của riêng để dành đến buổi trưa. Chúng hí hửng với những thắng lợi ấy, đi học, đi chăn trâu hoặc chơi đùa lêu lổng đâu đó cho đến khoảng xế chiều. Lúc ấy bố mẹ mới đào mương, đắp đường, vạc bờ, cuốc góc, làm cỏ trở về tất bật với bữa cơm trưa. Ai cũng vội vàng, hối hả, chạy lên chạy xuống, hò hét con cái, tưởng là phải mổ trâu, mổ bò, hoá ra bữa cơm nhà nào cũng chỉ có nồi bánh đúc bằng bột ngô xay (bây giờ phải làm theo quy củ giờ giấc của hợp tác rồi không ai còn thì giờ để giã ngô ngâm) với khoai lang cạo vỏ, xắt từng khúc như miếng dồi, khi chín đánh tơi lẫn với bột. Một bát rau muống hoặc rau cải xào hoặc luộc chấm tương. Chỉ có thế nhưng nhà nào cũng sôi nổi đầy khí thế. Nồi bánh đúc bắc ra lấy đũa cả ”múc“ vào đĩa, vào bát đầy rào lên miệng chảy cả xuống mâm. Những đôi đũa con quành một vòng tròn trên miệng bát thuần thục nhanh nhẹn như nhà hoạ sĩ, nhà toán học vẽ các vòng tròn. Mỗi cái bát ”quành“ xong, họ chọc đầu đũa dính bột vào bát tương rồi xuýt xoa vì cái cục bột khi đặt vào mồm vẫn nóng bỏng, tuột phồng cả lưỡi, nước mắt nước mũi trào ra xụt xịt, tạo cho bữa ăn nào cũng vất vả mà đầy sức hấp dẫn. Hối hả ăn xong bữa chính, bữa duy nhất trong ngày ấy, người lao động chính và phụ trong gia đình lại tất tưởi ra đi. Ai làm đất ” phần trăm“ thì tự ý mà ra ruộng ngay. Ai theo công điểm với đội, ra ngồi ở bờ tre đầu nhà ông đồ Khang tập trung. Cũng như mọi ngày, mọi buổi, phải tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ những người đến trước thả sức tán chuyện trên giời và dưới đất, chuyện thanh cao và trần tục đến lúc van vãn mới tập trung đầy đủ theo người trong ban chỉ huy đội đi làm công việc gì đó. Cả khi đi và về và lúc làm, công việc gì được nhiều hay ít, còn phải làm nữa hay không, đã có ”ông đội“. Không biết. Chỉ biết cười đùa và tán tỉnh, cánh đồng làng Hạ Vị quanh năm ròn rã tiếng cười và tiếng nói. Đấy là cái âm thanh bất diệt của đồng quê, là nét đổi mới kể từ khi Hạ Vị xây dựng được bốn hợp tác ở cả bốn thôn. Rất hãn hữu mới có người đi ”giúp bà con“ phía trong đê. Người ta phải theo công điểm, phải chăm lo thửa ruộng ”phần trăm“, phải làm phân, chăn bò, chăn trâu cho hợp tác lấy thêm điểm dù rằng một năm một công chỉ có ba xu trong khi một cân gạo là năm hào. Nhưng người làng bãi có ”lưng“ ăn khi tháng ba ngày tám, có khoai, có dong riềng, có sắn ăn kham, ăn khổ mà vẫn vững tâm đàng hoàng, phởn phơ.
Giữa cái khí thế năm nào cũng ”đi lên“ của toàn xã (thực ra cũng có năm thất bát huyện phải ”dựng nó“ nhưng trong báo cáo của xã không năm nào chịu ” đi xuống“). Gia đình ông đồ Khang có sự sum vầy đầm ấm chưa từng thấy. Sự rộn ràng hệ trọng bắt đầu từ khi anh công vụ của huyện uỷ, người Hạ Vị, sang văn phòng uỷ ban báo cho Tính biết có một thiếu uý trợ lý bảo vệ, chi uỷ viên, của đơn vị, đang ở bên huyện uỷ xin giới thiệu xuống xã thẩm tra kết nạp Sài vào Đảng, Sài cũng về. Mấy ông giáo đang kéo cậu ta vào trường cấp ba. Tính gọi điện thoại cho cô cháu bán hàng bên bách hoá sang ngay để anh dặn dò nó đạp xe về báo cho gia đình chuẩn bị. Đặt máy xuống anh lấy giấy bút viết thư cho cửa hàng ăn soạn cơm trưa cho sáu người ăn, cửa hàng bách hoá xin một tút Điện biên bao bạc, năm gói Ba đình. Xong xuôi, anh gọi liên lạc cầm thư đi và mươi phút sau cho anh biết kết quả. Với cương vị uỷ viên trực, giải quyết nội chính, mọi yêu cầu của anh các cơ quan đều vui vẻ làm và làm đến mức anh phải ngạc nhiên. Chẳng hạn, cửa hàng ăn làm sáu xuất cơm, mỗi xuất một đồng rưỡi mà đặt lên bàn tới mười lăm chai bia.
Cá ”bỏ lò“, vịt tần, gà luộc, giò chả, nem rán, chả thịt nạc, xào bóng xúp lơ. Món gì cũng dang dở thừa thãi. ăn xong tráng miệng cam, chuối, cà phê phin... Cái chuyện nhà quê từ đầu đến chân, từ chủ tịch đến đứa mới đẻ, riêng chỉ có những bữa tiệc ở cửa hàng ăn là tỉnh thành cũng phải ”nể“. Đấy là từ khi Tính chuyển sang uỷ ban phụ trách nội chính, anh kiên quyết cho thuê làm phụ động hai người giã giò và hai người chuyên nấu cỗ trước đây ở Hà Nội nay đã trở về quê. Biết rõ công ơn của Tính nên những bữa cơm anh đặt ở cửa hàng ăn bao giờ cũng làm cho khách thoả mãn và đến hàng tháng sau vẫn còn dư vị của bữa ăn. Nó gây ấn tượng đến mức chủ tịch tỉnh phải khen: ”Cả huyện các cậu chỉ biết mỗi việc làm món ăn còn chả việc gì ra hồn. Cho chúng tớ vài người đi“.
ở nhà ngay từ non trưa được đứa cháu về truyền đạt ý định của Tính mọi người đều tíu tít mừng rỡ, cuống cuồng chạy ngược chạy xuôi. Việc đầu tiên là phải bốc hết chiếc ổ gian bên trái tràng kỷ chỗ bà đồ vẫn nằm, khiêng chiếc giường tây của nhà Tính lên trải hai lượt tranh rồi mới trải chiếu hoa. Cái ổ bên kia của ông đồ cũng được thay lớp lá chuối bằng rơm và dưới bàn tay tỉ mẩn cuả người anh cả nó phẳng phiu, gọn gàng, đẹp hẳn lên. Xong rồi, anh cả căng cái màn đôi còn nguyên hồ, xếp cái chăn bông ba cân, bọc vải hoa Trung Quốc. Cái gối trắng tinh thêu ”tương lai sáng lạn“ và hai con chim châu mỏ vào nhau bằng chỉ xanh, đỏ. Cái giường tây trông sang như giường khách của quan huyện ngày trước. ở bàn cũng được đặt bộ xuyến, tách bằng sứ Giang Tây. Một phích mặt đá hai lít rưỡi, cái gạt tàn thuốc lá cũng bằng sứ, lọ đựng chè bằng sành màu nâu. Chỉ trừ có chiếc điều bát và ống đóm tre ngâm ở chân bàn là của thời các cụ để lại còn tất cả các thứ vừa kể trên kia là vợ Tính mới mở hòm mang lên. Cả cái hòm để gian giữa nhà toàn đựng chăn màn, ấm chén, mâm bát, cả gương lược, cả vải và lọ đựng hoa, con cá chuối bằng thuỷ tinh và con trâu trong cái đĩa sơn mài. Tất cả những thứ đồ dùng, đồ chơi, đồ ngắm ấy hoặc là của được phân phối, hoặc là đồ tặng, Tính đưa về. Đưa về để cẩn thận trong hom. Thỉnh thoảng chị vợ phải mở ra xem có suy xuyển, hỏng vỡ gì, chứ tuyệt nhiên mẹ con không được mó đến nếu không có ý kiến của anh. Thành ra những thứ đó nó giống như dụng cụ của nhà khách trên tỉnh, khi nào có khách thật đặc biệt và có lệnh mới được đem ra dùng. Quét tước, lau chùi, bầy biện, mọi thứ rồi mỗi lần quay ra, quay vào mỗi người trong nhà đều nhìn vào nó như nhìn vào nhà khác, ở tận đâu xa lạ.
Vào đầu những năm sáu mươi, một thiếu uý trong quân đội đã là quý. Với Tính, sự trang trọng quý mến nó ở chỗ khác. Cả huyện này có người chưa biết anh là ai nhưng từ cụ già đến trẻ con đều biết tên thằng Sài với sự đồn đại đôi khi hơi quá lên về việc học hành đỗ đạt của nó. Có thể đến ngày nay chuyện học đại học, chuyện đi bộ đội vất vả tự học một năm ba lớp, thi vào đại học đứng thứ nhất là chuyện bình thường, nhưng vài chục năm trước nó là chuyện hoàn toàn lạ lẫm như một giai thoại khiến ai cũng muốn mình có biết chuyện ấy, biết người ấy, biết anh em, họ hàng tung tích và cả những khuyết tật của người ấy. Với thằng em như thế anh có thể nhịn ăn sáng, bớt chi tiêu may sắm và mua sẵn cho nó cái xe đạp để khi nào cần nó cứ lấy mà đi. Bây giờ nó lại sắp vào Đảng trong khi có bao nhiêu người đi trước nó ba bốn năm, luyện tập quần quật vẫn chưa vào diện ”cảm tình“. Anh hiểu sức rèn luyện và chịu đựng của nó đến mức nào! Cơm nước xong Sài và đồng chí thiếu uý về phòng anh ngủ trưa. ”Khi nào dậy hai anh em lấy xe đạp của anh lai nhau về. Anh mượn xe khác về nhà trước“.
Hiền là trợ lý bảo vệ nhưng mặt mũi không đăm chiêu im lặng cảnh giác như ta thường nghĩ. Anh cười nói cởi mở tỏ ra xuề xoà. Trong chuyến đi này hầu như là để về thăm nhà Sài, anh không hề gặp khó khăn vất vả gì trong công việc của mình. Bữa cơm trưa nay có cả trưởng ban tổ chức huyện uỷ và trưởng công an huyện, cả hai đều bảo anh cứ về xã rồi khi nào qua huyện họ sẽ kết luận thêm. Về xã cứ việc ở nhà Sài, buổi tối cả bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch kiêm trưởng công an đến ăn cơm sẽ mang con dấu theo ”làm luôn“.
Anh và Sài về đến nhà khoảng bốn giờ chiều. Mùa đông vào tầm này trời đã tím lại, lạnh heo hút. Chiếc đài Oriontôn của kho câu lạc bộ Hiểu cho mượn, anh khoác chéo qua vai kêu oam oam, tiếng to tiếng nhỏ thập thõm theo độ xóc của xe trên con đường mấp mô chạy qua cánh đồng. Những người xã viên làm lụng bên đường đều ngửng nhìn thèm thuồng và ném lên đường những câu trêu ghẹo anh chàng Sài ngồi ở phía sau. Bọn trẻ con đi học về lốc nhốc chạy theo cùng với những đứa chăn trâu, chăn bò, quất roi tới tấp vào đít con vật để nó lồng lên theo cho kịp nghe đài. Đến đầu ngõ, chúng đứng cả lại phía ngoài bờ tre xầm xì bàn tán và tranh cãi xem đài này là gì, đã là oai nhất chưa, ông Hà nhà anh Sài có đài hay không? Còn ở phía trong những đứa em và cháu ở khắp xóm đã chạy đến ngửa mặt trịnh trọng nhìn từng cử chỉ của anh bộ đội lạ và nghe đài nói. Ba bốn chục đứa trẻ, đứa cõng em trên lưng, đứa bế ở nách, có đứa bê ở bụng, đứa mặc áo vệ sinh, áo bộ đội của người lớn dài quá đầu gối, đứa mặc quần thắt dải rút lên đến ngang ngực vẫn phải bện lên mà vẫn loà xoà trùm xuống bàn chân như cái chổi quét nhà. Mặt mũi đứa nào cũng ngoen nguếch đầy mực. Đứa ”mũi bắc qua mồm“ thỉnh thoảng lại hút đánh thụt một cái nghe như húp nước canh. Khi Hiền và Sài vào nhà chúng bâu lại ở chân liếp, chân dại nhìn chỉ trỏ vào cái nơi chứa đầy bí mật mà chúng đang thi nhau khám phá. Tiếng tranh cãi ngoài sân rộn lên, tiếng trẻ khóc ồn ã. Tính phải ra quát chúng mới bồng bế nhau chạy như vịt. Nhưng tất cả vẫn thập thò bàn tán khiến Tính phải nghĩ ra cách bảo anh cả trèo lên cây cau ở đầu nhà khoác đài vào cuống buồng cau. Bọn trẻ reo lêm ầm ầm. Không những chúng nó được thoả thích mà cả xóm đêm nay được nghe đài thoả thích.
Ngay từ lúc mới đến Hiền đã chứng tỏ cho gia đình hiểu anh như một người con không cần phải khách khí. Anh gọi ông bà đồ bằng bố mẹ, xưng con và sà ngay xuống bếp mời bằng được ”mẹ cứ lên trên nhà để con với cô Tuyết nấu nướng“. Anh vừa làm vừa hỏi han Tuyết chuyện làm ăn, chuyện ông bà bên nhà, chuyện hợp tác ở quê ta, chuyện có tranh thủ đợt nào đến thăm Sài nữa không và cuối cùng còn vướng mắc gì với Sài cứ tâm sự thật. HIền chỉ hơn Sài có sáu tuổi nhưng trông anh già dặn cả con người, cả cung cách giao dịch, cư xử, khiến có cảm giác anh phải hơn Sài đến mươi, mười lăm tuổi, có đủ tư thế để người khác tin cậy, giãi bầy. Nhưng Tuyết, cũng như tất cả những cô gái ở quê đang yêu chồng, yêu một tình yêu suốt ngày đêm hốt hoảng thì dù có ấm ức đến cổ cũng không bao giờ hé răng nói nửa lời có hại đến chồng mình khi chưa có nguy cơ tan vỡ. Cô vui vẻ kể lể mọi chuyện nhưng khi đến chuyện ”nhà em“ cô vừa ”tố cáo“ vừa thanh minh ”Nhà em chắng cũng bận bịu nhiều nên không viết được thư, em cũng thấy chẳng có gì thắc mắc“- ”Cái hồi ra chiêu đãi“ chúng em vẫn vui vẻ với nhau. Vâng còn chuyện ”kia“ chúng em còn trẻ đã lo gì“- ” Em cũng yên tâm thế. Có chuyện gì, đời nào các bác, các anh ở đơn vị lại để chúng em ”mất đoàn kết“- ”Em cũng nghe đồn có cô này, cô khác nhưng ”không túm được tay, day được tóc“ em cũng coi như không“. Tính rất bực nếu cô em dâu lại loét xoét nói năng điều gì đó ảnh hưởng đến sự phấn đấu của em mình. Đã mấy lần anh vào cửa bếp: ”Lên uống nước đồng chí ạ, mặc các em nó làm“. Nhưng Hiền cũng ”cứ mặc em“ Tính đành chắp tay đi đi lại lại ở đầu nhà. Vẫn sốt ruột, anh xuống nhà ngang bảo vợ: ”Mẹ mày xuống làm với thím Tuyết hộ tôi đi. Coi như bây giờ mới lừa được con xuống xem thím xào nấu thế nào“. Vợ Tính ít nói và coi như không biết gì. Chị gọi chồng thầm thì khi anh quay ra“
”Tôi bảo bố nó này. Người ta cốt về điều tra em mình. Mình làm thế thành ra ”có tật mới giật mình“ à? Chú Sài không có tội gì cả. Nhà mình không ai vướng mắc gì cả. Có gì rắc rối là do liên quan đến bố, đến anh thím ấy. Nếu thím ấy lại bô báo chú Sài chê vợ, chú Sài hắt hủi, lãnh lẽo với thím ấy để chú Sài mất Đảng thì bố nó cũng đừng tiếc gì, cho chú ấy bỏ quách đi. Thầy mẹ nhà mình cũng thấy dại, tại mình làm khổ con mình. Thầy mẹ cũng không cấm đoán gì chú ấy nữa đâu. Bố nó liệu xem thế nào mà lo cho em“.
Cả năm không thấy vợ nói được câu gì ra hồn và thực tế anh cũng không để chj tham gia vào chuyện gì cần phải bàn bạc, suy nghĩ. ”Biết gì mà bàn“. Bây giờ xem ra cô ta lại biết đến cả chuyện điều tra, kết Đảng của Sài. Cô ta nói có lý. Vừa bình tĩnh tỉnh táo lại vừa đối phó kiên quyết với tình huống xấu. Nhưng anh vẫn không thể làm như thế, vẫn phải mắng át đi ”Tôi cấm mẹ mày hở ra với ai, nhất là chú Sài rằng mọi người sẽ cho chú ấy bỏ vợ. Cái mấu chốt đơn vị người ta đang xem xét là vấn đề vợ con nó, nó có xử sự đúng mức với đạo đức nhân phẩm của một người cách mạng không đấy“.
Cơm rượu xong, nước nôi chuyện trò đến chín rưỡi ban thường vụ Đảng uỷ xã và Hiền kéo xuống nhà Tính làm việc cho đúng nguyên tắc. Tính bảo vợ bế các con xuống bếp nằm với bà còn anh và bố ngồi lặng lẽ uống nước chè và hút thuốc lào vặt chờ tiếp khi mọi người xong việc. Trước lúc đi làm việc Hiền kéo Sài nói nhỏ: ”Cậu đi ngủ trước đi. Vào buồng mà ngủ. Cô ấy vất vả, cậu phải thương người ta. Chúc ngủ ngon“.
Sáng sớm hôm sau Tuyết dậy từ rất sớm nấu xôi và rang lại thịt gà tối hôm qua còn thừa để ăn sáng. Hiền dậy, qua cánh cửa mở anh thấy Sài đang ngồi trong buồng đọc sách. Anh rửa mặt, đánh răng bằng nước nóng do ông đồ đã pha sẵn. Xong xuôi anh vào bếp hỏi Tuyết giọng suồng sã: ”Thế nào, vui vẻ chứ?“, Tuyết ngước mắt nhìn anh cười cười rồi cúi xuống, một lúc cô quay vào lấy vạt áo chấm nước mắt. Khi quay ra cô vẫn nhìn ngọn lửa của đám củi than chưa khô reo lên rèo rèo. ”Chắc cậu ấy lại ngồi đọc sách!“- ”Không ạ. Anh ấy ngủ từ tối đến sáng“. Hiền im lặng vẻ cảm thông. Anh nghĩ ngợi rồi an ủi: ”Thôi được, cô cứ yên tâm!“- ”Vâng, em cũng nghĩ, trăm sự chỉ còn nhờ các bác, các anh giúp đỡ nhà em“. Buổi tối, Hiền và Sài đi sát vào nhau như thể che đỡ cho nhau cái buốt lạnh mênh mang của cánh đồng táp vào da thịt mỗi người. Tuy cùng ở với nhau một ban, ăn cùng một bếp nhưng mỗi người một công việc, chả mấy khi ngồi tâm sự cho nhau tình cảm tâm tư của mình. Về đây, Hiền có dịp hiểu Sài và gia đình hơn. Anh đã bộc lộ thành thật nỗi lo lắng của anh cũng như mọi người trong ban, mà Sài đã biết là ai cũng muốn vun đắp cho Sài. Vì yêu nên mới lo. Đôi khi còn sợ nếu có chuyện gì không hay xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến tiền đồ vô cùng sáng sủa mở ra trước mặt. Ai cũng tin là Sài có thể ”đi xa“. ”Đừng để cái chuyện không đáng gì phá hết tương lai của mình, Sài ạ“ Im lặng. ”Kể ra thì có thể không hợp với cậu đấy, nhưng nó ngoan, chịu thương chịu khó. Mình đi vắng, bố mẹ già lúc trái nắng giở giời không có cô ấy ai trông non, đỡ đần các cụ. Các anh chị em ai cũng có phận có phần cả rồi!“. Im lặng. Anh còn hé cho Sài biết nhận xét của địa phương rất tốt. Gia đình vợ có hơi phức tạp nhưng người ta xác nhận Sài không có liên quan và chịu ảnh hưởng kinh tế, chính trị. ”Nếu bản thân anh Sài phấn đấu tốt, đề nghị đơn vị vẫn có thể kết nạp. Sự tác động trực tiếp, có ảnh hưởng lớn đến anh Sài là bố mẹ, chú bác, anh em ruột thịt. Những người đó đều là những cán bộ đảng viên kiên cường. Gia đình cũng là cơ sở vững chắc của cách mạng“. Ngày mai qua huyện xin xác nhận thêm, chắc là cũng tốt thôi. Nó chung, lai lịch không có vấn đề gì lắm. Còn lại chỉ là chuyện quan hệ với vợ con. Nếu giải quyết chuyện này êm thấm, cơ bản coi như xong. Nói tất cả những điều tâm đắc, có thể gọi là rút hết ruột gan mình ra, Hiền thấy Sài vẫn im lặng. Từ lúc đi với nhau đến giờ, cậu ta vẫn im lặng, ”Bây giờ mình mới nói điều này. Khi đi phó chủ nhiệm dặn mình phải tìm mọi cách để các cậu yêu nhau. Yêu thực, chứ không phải yêu chung chung như trước đây. Đồng chí ấy bảo cậu đã hứa với đồng chí ấy rồi. Tớ về kiểm tra xem có đúng lời cậu hứa không. Mình thấy làm cái công việc này nó khó nói quá. Nhưng cậu thử nghĩ, nếu kết nạp cậu xong, trong cơ quan trung đoàn người ta phát hiện ra cậu yêu vợ chỉ là đối phó, thì chi bộ ban chính trị này ăn nói thế nào!“- ”Thôi, anh cứ yên tâm. Tôi biết các thủ trưởng và các anh ở trong ban ai cũng quý mến, lo lắng cho tôi. Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng các anh“, Sài còn muốn nói thêm rằng nếu tôi không làm đúng yêu cầu của các anh, khi về đơn vị thì tổ chuyên môn, chi đoàn thanh niên và ban chính trị sẽ mất thì giờ và tôi phải viết dăm bẩy bản kiểm điểm vì sao chê vợ. Cô ta không có lý do gì để tôi chê. Tình cảm không hợp ư? Tình cảm là cái gì? Bịa. Cậu chỉ bịa ra chứ làm gì có chuyện tình cảm không hợp. Nhưng anh im lặng rút khăn lau mắt. Hiền cũng an ủi, tỏ rõ sự cảm động và quý mến Sài nhiều hơn.
Tất cả đều không quan trọng gì nếu không có cái buổi sáng ngày hôm sau. Hiền đang rửa mặt ở đầu bể, thấy Tuyết ra múc nước, anh hỏi, câu hỏi như hôm trước: ”Thế nào cô em, có vui vẻ không?“, Tuyết đỏ bừng mặt cười, đánh trống lảng: ”Độ nào thì bác với nhà em đi ạ“- ”Khi nào có dịp công tác qua đây mời bác vào chơi với thầy mẹ em“- ”Bác ơi, ở chỗ đơn vị chắc độ này rét lắm nhỉ. Eo ơi, biển nó cứ ù ì suốt ngày, suốt đêm những gió là gió. Em thấy kinh kinh là“.
Bằng sự nhậy cảm của người phụ nữ, bà đồ biết là cái hạnh phúc cực nhọc vất vả đã đến với con bà. Hàng bảy tám năm giời ”ép dầu ép mỡ...“ tưởng cái số nó phải thế, không ngờ chúng nó lại bén được duyên nhau. Nói đổ xuống sông, xuống ao, giả thử trời có bắt tội ông bà làm sao thì cũng hể hả yên phận vì con cái nó không bị dang dở. Chỉ nghĩ đến thằng út long đong, mà cũng chả hay ho gì chuyện con cái ”đứt quang, gẫy đòn gánh giữa đường“. Bà cũng phải nén, chứ con Tuyết vẫn còn theo cái nòi bố nó khinh người, láo lếu, bà chỉ muốn tống quách nó đi. Dưng thôi, được đơn vị người ta xếp đặt cho thế này là hơn nhất! Khi Sài và Hiền dắt xe ra ngoài đường bà còn tất tả chạy theo, ấp cả hai bàn tay vào tay Hiền và nói những lời có lẽ chỉ có bà và Hiền mới hiểu: ”Cháu ơi, bác đội ơn cháu và các thủ trưởng lắm lắm. Chỉ có các thủ trưởng mới làm cho thằng Sài sợ, chứ bao nhiêu năm nay, cả ông lão nhà này, cả bao nhiêu người nói cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Thế là nhà bác có phúc rồi. Nhờ ơn đơn vị vợ chồng nó được vui vẻ với nhau. Thôi trăm sự nhờ cháu, nhờ anh em đồng chí bảo ban kèm cặp em. Một nhời của các thủ trưởng bằng cả vạn nhời của bố mẹ anh chị ở nhà“. Bà nói to, dặn con đứng cách đấy mấy bước ”Con đi mạnh giỏi. Đừng làm gì trái ý anh em, thủ trưởng, con nhá“. Hiền cười to, siết chặt tay bà: ”Mẹ ơi, bộ đội chúng con mà rèn thì có dữ như hùm như gấu cũng phải lành như thỏ, mẹ lo gì“. Mẹ cũng cười theo cái niềm vui hào phóng của người chỉ huy. Nước mắt rào ra từ hai khoé mắt nhăn nheo, chảy xuống cả nếp nhăn như những đường rãnh, chảy vào miệng. Bà nuốt miếng nước mặn chát vào lòng, rồi lại cười, nụ cười như mếu, bà phải vội vã quay mặt đi kẻo mủi lòng con trước lúc xa xăm biền biệt.
Thư Hương viết ngày mười lăm tháng tám, tức là vừa đúng một tháng cô rời nơi đóng quân của Sài ”... Vì kính trọng anh như người anh thực sự của em, nên em không dám có ý nghĩ nào khác và cũng chả giấu giếm anh điều gì. Em chỉ băn khoăn tại sao anh không nói thẳng với em. Nếu biết được vì lý do nào đấy, em và Sài không được phép gặp nhau, em sẽ đỡ phải ngong ngóng hy vọng suốt cả tuần lễ, để rồi khi ngồi lên xe mới giật bắn người nghe nói Sài vẫn ở nhà. Em muốn lao ra khỏi xe, nhưng không thể được. Một đứa con gái như em, nếu chưa thực sự phát điên, chưa thể làm thế. Viết mấy lá thư cho Sài để xem hư thực ra sao lại phải xé đi vì biết tính Sài rất rát, nhỡ đang có chuyện gì thì khổ thân anh ấy. Cũng may đang là dịp hè, nếu không em phải nghỉ học. Em không thể kể và chắc anh cũng không hình dung ra nỗi khổ tâm của em. Gần một tháng trời em cứ quay cuồng, quẩn quanh, không thể nào hiểu vì sao Sài không đến với em. Sài đi công tác thật hay ở nhà? Mãi hôm kia vào bệnh viện khám cái tội ”suy nhược cơ thể“ em mới gặp Kim y tá trạm xá của trung đoàn. Kim là em gái của bác sỹ khám bệnh cho em. Kim khẳng định, chắc chắn những ngày ấy Sài không đi đâu. Thú thực, em rất giận anh. Nhưng em nghĩ, một con người như anh chắc không nỡ nào lại ”độc ác với em đến mức ấy (tha lỗi cho em những lời lẽ khiếm nhã anh nhé). Kim cũng bảo anh là người rất đức độ vì chính anh đã cho Sài về chỗ mình và đưa Sài đi học. Em tin những ý nghĩ tốt đẹp của em về anh ngay từ phút gặp đầu tiên là đúng. Thế thì tại sao? Hay Sài vẫn còn giận em? Nếu vậy, em nhờ anh nói hộ là em có thể bỏ cả mùa hè đến với Sài và sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho Sài, nhưng chỉ cần Sài bảo một câu: Tôi không cần những thứ ấy là em vui vẻ làm ngay, việc gì phải lẩn tránh. Em nói với riêng anh chuyện này, chưa chắc đã phải như thế. Có một lần em hiểu sai việc làm của Sài, em không muốn có điều gì để Sài phải khổ thêm nữa. Anh có thể coi em như một đứa em gái của anh, chỉ bảo cho em điều gì đã xẩy ra và em phải làm thế nào? Em biết là anh rất bận rộn, vất vả, cố dành thời gian viết cho em ít dòng, anh nhá. Em vô cùng cám ơn anh. Anh nhắc Sài hộ em đừng hút thuốc lào nhiều. Nếu không giận em nữa hãy viết cho em vài chữ. Anh cho em gửi lời hỏi thăm sức khoẻ chị và các cháu...“
Một tháng sau, Hiền mới gửi thư cho Hương. Anh nói là vừa đi công tác về (lại đi công tác). Nhận thư Hương anh phải viết ngay. Vì phải nghĩ ra cách nói dối cả một lá thư nên mới khó. Với Sài và Hương, nếu họ cần, anh sẵn sàng bán ngay cái xe đạp Thống Nhất mới được cung cấp và cái đồng hồ là tài sản duy nhất của anh để cho họ, không một chút ngần ngừ, suy tính. Nhưng bảo anh phải giải thích mọi chuyện vào lúc này, anh không thể làm được. Anh cũng không thể khuyên bảo cô điều gì. Bảo rằng cô phải cắt đứt quan hệ với Sài? Anh không đủ sức làm như thế. Tình yêu của họ trong trắng quá, sôi nổi quá. Bảo vệ sự tiếp tục của họ ư? Anh không dám và cũng không thể làm được. Thái độ của anh từ trước đến giờ là khuyên bảo, cấm đoán được Sài điều gì hoặc che chở được đến đâu thì cố hết sức mình đến đấy. Anh ở giữa cái nhân tình thế thái của một con người cụ thể và chức trách của một trợ lý chỉ huy Sài. Nếu chỉ biết có cương vị của người chỉ huy sẽ trở thành người không có mục đích. Nhưng tại sao hai cái đó không phải là một ? Lắm khi Hiểu tự mình hỏi mình như thế. Hỏi mà không thể trả lời. Chỉ biết nếu chuyện cậu Sài và Hương vỡ lở ra thì sẽ chẳng còn gì, dù cậu ta có tài hoa đến đâu cũng không thể chấp nhận được. Không có cả sự tin cậy lẫn tình yêu thương vồ vập. Hiểu rõ cái nguy cơ của nó, đôi lúc anh phải kìm chế thô bạo để Sài không được phép bộc lộ, không được làm theo ý mình. Nếu không, khi Sài trở thành kẻ bị sa thải, bị khinh rẻ, liệu Hương còn đủ can đảm yêu Sài nữa không? Nếu cô ta vẫn đủ can đảm thì chính mình cũng vừa khâm phục sự dũng cảm của cô ta, vừa lên án cô ta một kẻ mù quáng, liều lĩnh, chưa thể đồng tình. Cô ta sẽ sống với ai khi những người như mình là chỗ dựa tinh thần cuối cùng của họ! Định bất chấp tất cả ư? Anh chưa thấy trường hợp ”ngoại lệ“ ấy. Cả tháng giời nghĩ ngợi là thế nhưng viết gì cho cô bé đây, thật khó khăn, chật vật vô cùng. Đắn đo, cân nhắc mãi anh mới viết được lá thư cho Hương, né tránh tất cả những câu hỏi của cô, nhưng vẫn hết sức chân thành. Anh nói rằng kể từ nay anh chính thức coi Hương như một cô em gái của mình. Mãi mãi anh quý mến cái vẻ thẳng thắn cương nghị mà rất dịu dàng của cô. Còn chuyện cô muốn hỏi, sẽ có dịp nào đó, anh hứa nhất thiết khi có điều kiện cho phép, anh sẽ nói tất cả. Trước mắt, Hương phải bình tĩnh tập trung học tập. Dù hoàn cảnh nào xảy ra trong quan hệ của cả hai em. Cả hai em, anh đều quý mến, đều hết sức trân trọng và đáng học nữa. Gửi thư đi được nửa tháng, anh lại nhận được thư Hương. Cô bé rất mừng rỡ vì từ nay cô có một người anh, một chỗ dựa tin cậy, một niềm an ủi lớn để cô bớt đau khổ, cô đơn. Cô cũng hứa dù cô với Sài như thế nào thì vẫn thiết tha cho cô được là đứa em của anh, để nghe anh dạy dỗ, chỉ bảo.
Dù sao, những lá thư của anh Hiểu có làm cô mừng rỡ tin tưởng đến đâu cũng không thể thay thế được nỗi khắc khoải trông chờ Sài. Anh ơi, tại sao Sài vẫn không viết thư cho em. Anh nói với Sài là đã đến lúc em không cho phép Sài im lặng nữa. Sài có biết em chết từng giờ, từng phút vì Sài không. Sao Sài lại ích kỷ, lại nhẫn tâm ”kiên trì“ im ắng đến thế. Vì lý do gì? Sài không cần viết đến dòng thứ hai thì em cũng đã chấp nhận kia mà. Không có lý do gì để Sài im lặng nữa đâu? Anh kính mến ạ, anh sẽ thay mặt em nói cho Sài hiểu tất cả những đòi hỏi của em anh nhé. Em cám ơn anh rất nhiều.
Hiểu không thể viết thư cho Hương, vì anh không thể giải thích được nữa. Vì chính anh không cho Sài biết những lá thư này. ”Hồi Tết về, em nghĩ cô ta cố tránh mặt em. Một năm rưỡi học ở trường, em đến bách khoa hai lần, cô ta đều ”đi vắng“. Em cũng nghĩ Hương tìm cách lẩn tránh. Nỗi ấm ức đã làm cho em nguôi nguôi thì Hương lại chủ động ra đây tìm em. Hay là để em viết lá thư cuối cùng nói lại tất cả những cái đó và mong Hương thông cảm cho hoàn cảnh của em hiện nay, em khuyên Hương đi yêu người khác để Hương đỡ khổ“- ”Chưa thể có lá thư cuối cùng được đâu. Cô ta cũng không cần đến lời khuyên bảo cho cô ta đi yêu người khác. Cái sách tốt nhất là cậu phải im lặng. Thôi, cố nén rồi nó quen đi, Sài ạ“.
Một lá thư nữa của Hương, Hiểu vẫn đành im lặng. Thư Hương đề ngày 15 tháng 3, tức là sau ba tháng kể từ lá thư thứ hai vẫn không được Hiểu trả lời. Cô viết như sau ”Anh Hiểu kính mến, cho đến hôm nay thì em đã hiểu vì sao anh không giải thích cho em những điều em muốn nhờ anh từ trước tới nay. Em cũng hiểu sự im lặng của anh sau hai lá thư em gửi đến anh. Em thành thật xin anh tha lỗi cho em vì đã làm anh phiền lòng. Nếu không quá khinh bỉ và chê cười, em xin anh hãy giữ mối quan hệ anh em như anh đã cho phép qua lá thư trước. Lần này viết thư cho anh, em không còn gì để đau buồn, day dứt nữa. Em chỉ còn một cảm giác rất ngượng ngùng, xấu hổ với tất cả bạn bè, với những người thân thiết, với cả chính mình. Vì quá thương người, quá tin người, quá buông thả với tình cảm của mình, em đã bị lừa dối. Rất đáng tiếc là kẻ lừa dối phản bội em, đưa em xuống đáy vực lại chính là người em vẫn thương hại về sự ngây ngô thật thà, không thể ăn gian nói dối, không thể nắm lấy hạnh phúc khi nó đã nằm sẵn trong tay mình. Suốt hơn năm năm qua em đã điên cuồng dại dột tin vào sự im lặng của Sài, những tưởng một người có chí như Sài, sẽ đang âm ỉ, nung nấu phá vỡ một cái gì đó cho chính anh ấy, cho cả em. Em sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng chờ đợi đến bất cứ khi nào Sài được ”Giải phóng“, dù chỉ mười ngày được sống tự do bên nhau, còn hơn năm năm sống kìm kẹp tù túng. Nhưng em đã quá lầm. Cũng may, mấy năm qua có thể là các anh đã giữ không cho Sài gặp em, vờn dỡn bên em với thứ tình cảm giả dối! Nếu không, hôm nay, em sẽ là gì trước sự phản bội của anh ta.
Anh Hiểu kính mến, một lần nữa xin anh tha lỗi cho những lời lẽ thiếu lịch lãm của em. Vì muốn dãi bày để anh hiểu rõ tâm trạng em, em không thể có lời lẽ nào êm nhẹ hơn mỗi khi nói về hắn. Hẳn rằng hôm nay Sài đang hí hửng với việc mình đã làm, thành tựu đã đạt được trong cái gian buồng mà ai cũng tưởng Sài sẽ phải đập đầu, cắn lưỡi mà chết. Thôi, cho em dừng bút vì nếu viết nữa, chắc chắn là em không thể ghìm nổi sự uất giận căm thù của mình. Cho em gửi lời kính thăm chị, chúc các cháu ngoan học giỏi. Nếu không thấy phiền, anh viết cho em ít dòng. Em gái của anh“.
Cô không hề giải thích về nỗi căm thù của mình. Hẳn cô cho rằng anh đã biết cả rồi, không cần nhắc lại cái việc cô cho là kết quả của một hành động ghê tởm. Vợ Sài đã có chửa được bốn tháng. Tháng trước nhận thư anh Tín, Sài biết tin ấy. Không buồn, không vui, không xao xuyến, anh dửng dưng như kẻ đi đường trông thấy người đàn bà khệ nệ vác cái bụng cao lên lùm lùm đi về phía mình. Lá thư đọc xong, lướt qua một lần xong được để giữa bàn như một thứ giấy công cộng. Ai muốn đọc chăm chú hay chỉ cần liếc qua cũng đều được cả. Có điều lạ là biết chuyện đó, anh em bè bạn trong ban không ai chúc tụng, tán tỉnh hay đùa cợt. Ai cũng có cảm giác nó như một vật dễ vỡ, dễ đổ đang để ở nơi chông chênh quá, hờ hững quá. Một tháng qua, Sài buồn hay vui, đau khổ hay sung sướng? Không cần bàn đến chuyện ấy. Chỉ biết Sài vẫn phải đều đặn lên lớp và soạn bài, sáng dậy tập thể dục và chiều tăng gia, ăn và ngủ, sinh hoạt Đoàn tối thứ sáu và học hát tối thứ năm, sáng chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa và tối sinh hoạt ban Năm, kiểm điểm thành tích trong một tuần qua. Cứ một nề nếp trật tự, không thể uể oải, vắng thiếu, nó sẽ quen đi, như Hiểu nói. Đêm nay, sau một ngày ”thay mặt“ cho bạn chính trị đi xúc than cho anh nuôi, Sài đã ngủ rất ngon lành từ lúc chín giờ. Hiểu nằm đọc thư Hương xong, ngồi dậy buông màn cho Sài, rồi ngồi nhìn khuôn mặt cau có dư tràn sức lực đang ngủ rất yên lành. Lẽ nào cậu ta phải hứng chịu tất cả những lời lẽ cay độc xỉ vả nặng nề của Hương? Anh lặng lẽ trút một hơi thở dài, lặng lẽ đứng dậy tắt công tắc ngọn đèn chụp ở đầu giường mình, buông màn năm. Gần hai giờ sau anh vẫn còn thấy tê mỏi ê ẩm cả một bên đầu. Anh dậy, lặng lẽ đi lên, đi xuống trên con đường rải nhựa chạy lên đồi, ban ngày trông như cái xoong khổng lồ đã cũ. Cậu ta đã ”yêu“ vợ để sắp sửa có một đứa con, để có một lá thư của Hương! Vốn là người điềm tĩnh, kín đáo, Hiểu chưa hé lộ chút nào để Sài biết đến lá thư thì gần hai tháng sau, anh nhận được giấy báo hỉ: Hương lấy chồng. Trước đó mấy ngày, chi uỷ cũng đã được phổ biến quyết định của Đảng uỷ liên chi ”tham, chính, hậu“ không kết nạp Sài theo đề nghị của chi bộ ban chính trị. Bản thân Sài rất tốt. Gia đình cơ bản, có ảnh hưởng rất tốt. Trước, sau cách mạng và hiện nay không hề có vướng mắc gì. Duy có mối liên quan đến gia đình vợ hết sức nặng nề. Bố vợ có nợ máu. Anh vợ cùng bố đã làm chỉ điểm bắt hàng loạt cán bộ cơ sở trong đó có chú và anh ruột Sài. Địa phương (kể cả xã và huyện) đều xác nhận Sài không chịu ảnh hưởng về kinh tế, chính trị với gia đình vợ. Nhưng muốn hay không đây là vấn đề xã hội còn đang tồn tại rất phức tạp, bắt buộc phải có thời gian để xem xét. Thời gian đến bao giờ? Sao lại có quyền hỏi và bất cứ ai cũng không thể trả lời được câu hỏi ấy. Phải có thời gian để xem xét mối ảnh hưởng với gia đình và vợ cũng phải theo dõi cả động cơ, xem có gì lệch lạc, hành động có gì thiếu dũng cảm không. Đến bao giờ? Là chi uỷ viên trực tiếp phụ trách quần chúng, nếu Sài hỏi câu ấy thì mình phải trả lời thế nào? Tất nhiên, Hiểu không bảo cậu ta không có quyền hỏi như anh tự bảo mình, nhưng anh sẽ lại nói rằng hãy kiên trì, bền bỉ, đây cũng là một thử thách xem sức chịu đựng của Sài đến mức độ nào? Có thể mươi lăm ngày sau, Sài biết chuyện mình không được kết nạp, cả chuyện Hương đã lấy chồng! Đấy là cái khả năng xấu nhất mà Hiểu đã tính đến, khiến cả tuần lễ không bữa nào anh ăn nổi hai lưng cơm. Nhưng bếp ăn của các sĩ quan ở riêng, nên tuy những chiến sĩ như Sài, vốn tinh tường, để ý từng cử chỉ nhỏ nhặt của cấp trên vẫn không hề biết vì sao người Hiểu gầy rộc hẳn đi.
Chính uỷ Đỗ Mạnh và trung đoàn trưởng ở ngôi nhà mái bằng trên đỉnh đồi. Đây là ngôi nhà duy nhất có sân trời ở khu đồi này nên anh em gọi đùa hai người chỉ huy là ”người nhà trời“. ”Người nhà trời“ lắng nghe, thấu hiểu hết mọi chuyện. Không chỉ ở trong đoàn bộ mà ở tất cả ác đại đội trong trung đoàn đều không thể giấu nổi chính uỷ một điều gì. Biết thì nhiều, giải quyết đến đầu đến đũa được là bao. Không phải ông không có đủ quyền hành và những quy chế kỷ luật điều lệnh để bắt họ phải làm cho đúng đắn, cho nghiêm ngặt, cho chính xác. Nhưng cũng có nhiều mối quan hệ dằng níu, chưa thể bất chấp bỏ qua. Nhiều khi, ông thấy mình bất lực với những việc mà ông nghĩ có thể làm khác hơn, tốt hơn nhiều, vừa thoả mãn những đòi hỏi của con người, vừa đem lại lợi ích và sức mạnh cho quân đội, cho cách mạng. Chẳng hạn như việc vào Đảng của câu Sài. Với cương vị bí thư đảng uỷ trung đoàn, cơ quan Đảng cấp trên của Đảng uỷ liên chi ”tham, chính, hậu“ nhưng ông không thể lấy quyền bí thư để chỉ thị cho đảng uỷ cấp dưới. Lại càng không dùng quyền tập thể của đảng uỷ trung đoàn làm cái việc thuộc phạm vi đảng uỷ cấp dưới có toàn quyền quyết định. Hơn nữa, việc không hoặc chưa kết nạp một quần chúng vào Đảng, không bao giờ có khiều nại kiện cáo. Chả nhẽ lại đi kiện là tôi tốt lắm, tôi cống hiến và hy sinh nhiều lắm, cấp trên phải chỉ thị cho chi bộ kết nạp tôi vào Đảng? Hoạ là anh chàng hâm! Mà dù có nhận được đơn từ ý kiến của xung quanh về việc đó thì cùng lắm cũng chỉ yêu cầu cơ sở xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, công minh chứ làm sao mà thay thế được họ. Đã không làm thay, họ có đầy đủ lý do để cấp trên không thể trách cứ. Đa số thành viên của Đảng uỷ liên chi đã quyết định và thành nghị quyết chung rồi, biết làm thế nào. Hôm ông chuẩn bị ra đi, không biết được thông báo từ bao giờ mà mãi đến khi chỉ còn hai ngày nữa rời khỏi trung đoàn, mọi người mới biết ông được điều động đi chiến trường. Sau buổi liên hoan chia tay với cán bộ trung đoàn bộ, ông bảo Hiểu và Hiền ở lại. Đêm ấy hai người ngồi với chính uỷ rất khuya để nghe ông tâm sự những điều mà ông gọi là ”nhân tình thế thái“, về cách ăn ở, đối xử và quan tâm đến nhau. Đến đêm nay, cả hai mới ớ người, nhận ra mình như một kẻ có tội trong niềm mãn nguyện về công lao của mình đối với quần chúng, cụ thể là chuyện vợ con của cậu Sài. Các anh là ai thế? Các anh ra điều kiện cho nó phải yêu vợ mới được vào Đảng. Nó ”yêu“ vợ nó theo ý muốn các anh thì lại không được vào Đảng nữa vì lai lịch nhà cô ta xấu quá. Các anh thử đặt mình vào đấy xem có phải là mình đã tạo nên bi kịch cho họ chưa? Chả nhẽ tôi lại xui nó, xui các anh là cho nó bỏ vợ đi. Tôi không làm được việc đó. Không phải tôi cũng sợ mình không có thành tích giáo dục nhân viên như các anh. Tôi sợ cái hiện tượng có vợ con, yêu đương tìm hiểu nhau hẳn hoi, kỷ niệm sâu xa và thề thốt sắt đá hẳn hoi nhưng khi đến nơi đóng quân mới, nhất là nơi phố xá đông vui, thấy con gái hơ hớ thì liền nẩy ra ý định tìm lý do bỏ vợ, bỏ con. Chuyện ấy đã có không ít đâu. Là chính uỷ của trung đoàn, tôi không cho phép mình để trung đoàn phát sinh những chuyện ấy. Vì vậy tôi phải ngăn chặn, phải răn đe khi trong môi trường xã hội xuất hiện sự đe doạ ấy. Không ngờ, để được an toàn, đỡ khỏi xì xào mang tiếng về nhân viên của mình, các anh không cần để ý hoặc ngại liên luỵ, ngại hiểu nhầm, bằng cách này, cách khác, bất kể đúng sai ”dẹp“ luôn những khúc mắc riêng tư trong bộ phận mình, trong mỗi cá nhân quanh mình. Thế là gọn. Thế là nhẹ nhàng và khôn ngoan. Nhưng các anh có nghĩ các anh đã giết một tâm hồn trong sáng, một niềm tin, một tình yêu của một con người với cách mạng, với quân đội, với xã hội tươi đẹp của chúng ta không? Tôi nói với các anh khi việc đã rồi cũng chỉ là để rút kinh nghiệm thôi. Ôi chao, tôi làm chính uỷ cũng có làm được vài ba việc cho trung đoàn, nhưng với những con người cụ thể thì toàn là chuyện rút kinh nghiệm. Khi mình rút kinh nghiệm thì đã kết thúc một con người, đã đẩy một con người từ tốt sang xấu, từ yêu thương sang thù ghét co khi đã hết cả đời người ta rồi còn gì! Các anh có cảm thấy thế không? Hãy kiên quyết, kiên quyết đến tàn nhẫn, đến độc ác, buộc tất cả mọi quân nhân chấp hành nghiêm ngặt những quy định của kỷ luật,của điều lệnh và pháp luật của Quân đội và nhà nước, của nhân phẩm và đạo đức con người xã hội chủ nghĩa. Nhưng không được phép bắt người khác thích thú với cái mình thích thú, ghét bỏ cái mình ghét bỏ. Yêu ghét ai đều do người khác chỉ huy. Ngưòi chỉ huy yêu ai, lập tức tất cả xúm vào người đó, cố áp mình vào cái danh dự của người ấy để được chú ý, được chứng tỏ mình cũng tân tiến, cũng thức thời, cũng đồng cảm sự yêu mến với chỉ huy. Chỉ huy ghét ai thì tìm cách xa lánh, ghét bỏ người, ấy là chưa kể nhân ”dậu đổ“ thì ”bìm bìm leo lên“. Xin lỗi, tôi được kể ngay cái chuyện các anh. Mờy năm trước tôi để ý và cứ buồn cười một mình về sự ”tiến bộ“ của anh Hiểu. Anh Hiền mới về chưa biết. Hàng chục năm qua chắc anh Hiểu đã biết tình cảm của tôi với anh. Có thể nói gọn thế này: Nếu cần một cán bộ cấp dưới có trình độ làm việc, làm được nhiều việc một cách thông minh và tỉ mỉ, nhanh mà chính xác, một người sống nhường nhịn và chăm lo cho đồng đội và cấp dưới hơn cả chính mình, một người sống trung thực không có kẻ ghen tị đố kị... người đó là anh, anh Hiểu ạ. Hàng chục năm nay anh vẫn thế. Nhưng tự nhiên, anh ”lạc hậu“ rồi ”tiến bộ“ là thế này. Khi có chế độ quy định sĩ quan được phép mặc thường phục ngoài giờ hành chính và những ngày nghỉ, anh như mọi anh em khác sắm được một bộ ”cánh“, cũng gọi là ”kẻng“. Một sơ mi ”đuôi tôm“ trắng tinh, một quần kaki Pháp màu be, một săng dan quai vàng. Tất cả đều sát sỉnh, hợp với cái dáng cao thon và màu da trắng trẻo của anh. Có một buổi sáng chủ nhật, tôi nhìn thấy anh Hiểu ở phố, mê quá. Nghĩ bụng giá mình còn trai trẻ, có dáng, thì cũng phải ”liều“ làm một bộ ”tủ“. Mình đen đủi, ục ịch, lại có tuổi, không thể ”đua đòi“. Nhưng trong điều kiện của từng người cho phép và không ảnh hưởng gì đến điều lệnh kỷ luật thì việc gì mà không để anh em mặc đẹp như thế. Bỗng nhiên dăm tháng sau nghe cơ quan trung đoàn bộ xì xaoflaf anh Hiểu ”biến chất“, ”cắm đuôi tiểu tư sản“, ”Hiểu xa rời quần chúng, không giản dị khiêm tốn“. Và bao nhiêu thứ chuyện xấu khác. Chủ nhiệm chính trị thì thào với tôi: ”Tư tưởng cậu Hiểu có vấn đề, anh ạ“. Tôi cười phá lên bảo: ”khốn khổ, cả đời nó có mỗi bộ quần áo thường phục, cứ để nó mặc chứ tư tưởng cái gì. Tất nhiên mặt mũi như tôi với ông có quét sơn vào cũng không thể đẹp hơn thì đành chịu. Anh em nó có một bộ để diện ngày nghỉ, kệ nó, đừng làm gì để nó ”chột“ đi. Tôi ”dẹp“ ngay chuyện đó, nhưng chính anh Hiểu, anh cũng không dám chịu trách nhiệm với sự thích thú của mình, với cái quan niệm thẩm mỹ của mình. Anh chiều chuộng mọi người, làm vừa lòng họ bằng cách cho chiếc áo ”đuôi tôm“ vào trong cái quần ”quân dụng“ rộng thùng thình, vá chằng vá đụp, để đi cuốc tăng gia, đi lấy phân, lấy gio, để ít lâu sau nó ngả sang màu khác, nhăn nhàu đầy vết ố. Còn ngày chủ nhật thì lại ”diện phố“ bằng chiếc quần màu be với cái áo quân phục đã lộn lại cổ và vá ở vai. Bằng sự cọc cạch, ”phản bội“ cái đẹp, anh Hiểu trở thành người ”giản dị“, mộc mạc ”hoà mình với quần chúng“, ”lập trường vững vàng“, ”đạo đức trong sạch“. Trở thành ”tiến bộ“ hẳn lên. Cái đó nó nguy hiểm ở chỗ là nó ngấm vào từ bao giờ, đã thành máu thịt, thành hệ tư tưởng rất sâu xa trong mỗi chúng ta, trên mọi lĩnh vực của xã hội, của đời sống con người. Vì thế, các anh mới yêu thương, lo toan cho thằng Sài như những việc các anh đã làm. Thú thật, tôi rất buồn cái cách ”sống hộ“ người khác, được gọi là ”tập thể quan tâm“ như thế. Hãy đòi hỏi ở mỗi con người sự cống hiến cao nhất khi xã hội cần, tập thể cần. Đến khi tập thể quan tâm đến người ta thì cũng phải quan tâm đến cái người ta cần, chính người ta đòi, người ta khát, chứ không phải mình quan tâm cái mình muốn ở người ta. Tóm lại, nhân việc của cậu Sài, tôi nói những suy nghĩ của tôi với các anh, chứ không phải những suy nghĩ của tôi sẽ giúp cậu ta được điều gì. Tôi đã nói với các anh ở đảng uỷ liên chi là phải xem xét và vận dụng linh hoạt trường hợp này. Các anh cũng động viên, an ủi cậu ta và cái gì mình thấy đúng đắn phải bênh vực, dám chịu trách nhiệm về nhân cách và lai lịch của cậu ta.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui