Sư phụ bảo có thời gian người sẽ về thăm tôi, nhưng mấy năm sau đó, tôi vẫn chưa được gặp lại người.
Thái sư phụ nói rằng người đang đi đánh giặc, nơi đó rất xa, xa đến nỗi thái sư phụ cũng không biết đó là nơi nào cả.
Tôi lớn gan lớn mật suy đoán, có lẽ đời thái sư phụ cũng chưa từng đi qua nhiều nơi lắm.
Một điều may mắn là sư phụ có viết thư cho tôi.
Thư được một con chim ưng đưa tới, nó rất lớn, lúc cánh nó giang rộng ra hệt như một đám mây đen kéo đến, mỗi lần tới đây thì trên chân đều buộc một cái ống đựng thư bằng trúc.
Con chim ưng kia lúc hạ cánh xuống luôn có một bộ dáng như phải mang gánh nặng ngàn dặm xa xôi, nó cũng rất không khách khí với tôi, khi tôi vui sướng nhào tới, nó thường nghiêng đầu liếc mắt nhìn tôi, đợi đến lúc tôi buộc thư hồi âm và túi thuốc lên chân nó, nó liền hung hãn vỗ cánh, biểu thị sự phản kháng của mình.
Tôi đành giải thích với nó: "Những thứ thuốc này đều hữu dụng, bổ khí dưỡng sinh, tiêu độc khử trùng, lại còn có thể trị thương nữa, sư phụ chinh chiến khổ cực, giúp tao mang đến cho người, chờ tao trở thành nữ thần y rồi, tao sẽ tự đi tìm người, không cần làm phiền đến mày nữa."
Cũng không biết là con chim ưng kia nghe có hiểu không, tuy rằng không tình nguyện, nhưng nó vẫn mang túi thuốc bay đi, qua mấy tháng sau, túi thuốc lại được mang trở về.
Túi thuốc bị mang về không phải trống không, thường thì sư phụ sẽ thả vào đó một viên đá màu nho nhỏ, hoặc là một nắm lông chim ngũ sắc, hoặc là thứ gì đó thú vị khác.
Tôi đọc thư của sư phụ, trong thư chưa bao giờ sư phụ đề cập đến tình hình chiến sự căng thẳng, cả trang thư chỉ là một vài chuyện nọ kia, mới đầu, người kể đại quân dừng chân nghỉ tại Ba Thục, nơi này núi non trùng điệp, sông nước mênh mông, phong cảnh đẹp vô cùng, bãi đá trên sông có những viên đá màu phát sáng về đêm, trên núi có rất nhiều chim sẻ lông ngũ sắc, rất thú vị. Người còn nói, những thứ thuốc kia rất hữu hiệu, tôi làm rất tốt.
Tiếp qua một năm, trong thư sư phụ lại viết, người đã tùy quân đến quan ngoại, quan ngoại có hồ Dương Lâm, có người nói ngàn năm chưa cạn nước, ánh mặt trời chiếu lên những chiếc lá kim óng ánh sắc vàng. Còn có cả cồn cát miên mang, dưới ánh trăng cát bồi như tuyết, những đoàn lạc đà lúc lắc lục lạc trải qua, Nguyệt Nguyệt có từng thấy qua lạc đà chưa nhỉ? Ta dùng gỗ dương khắc cho con một con, để con biết được chúng có hình dáng như thế nào.
Ði kèm thư là một con lạc đà được tạc từ gỗ, bốn cái chân dài, trên lưng có hai quả núi, ánh mắt rất to, ngẩng đầu nhìn trông rất thần khí.
Mỗi lần ở cuối thư, sư phụ đều viết, chờ ta có thời gian, sẽ trở về thăm con.
Tôi đem mấy món đồ kỳ thú đó cẩn thận cất vào một cái hộp gỗ, lại đem mấy lá thư đọc đi đọc lại đến nỗi thuộc lòng, buổi tối khi ngủ thì để chúng dưới gối đầu, hy vọng lúc thức dậy, sư phụ sẽ đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi.
Chờ một lần như vậy, cho tới bảy năm.
Mười lăm tuổi năm ấy, thái sư phụ đột nhiên nói với tôi, người muốn đi dạo chơi.
Tôi nhìn người hỏi: “Núi Bạch Linh không tốt sao? Sư phụ nói sẽ trở về thăm chúng ta, thái sư phụ đi rồi, thì sẽ không gặp được sư phụ mất.”
Thái sư phụ lại bắt đầu giở thói xấu ra, thấy ngày xuân cỏ đã mọc cao, liền lăn qua lăn lại trên mặt đất.
“Ta mặc kệ ta mặc kệ, ta đã ngần này tuổi rồi, nếu không ra ngoài du ngoạn thì sau này đi cũng chẳng nổi.”
Tôi nhìn thái sư phụ thở dài, nói: “Con không có nói là không cho người đi nha, mau đứng lên, dưới đất lạnh lắm.”
Thái sư phụ đứng lên, phủi hết cỏ bám trên người, lại như chợt nhớ đến điều gì, hỏi tôi: “Vậy ngươi thì làm sao bây giờ?”
Tôi lạnh nhạt: “Thái sư phụ lại đột nhiên nhớ đến con hay sao?”
Thái sư phụ: “…”
Tôi còn nói: “Chờ người đi rồi, con muốn xuống núi làm nghề y.”
Thái sư phụ lập tức nói: “Núi Bạch Linh không tốt sao? Từ Trì nói sẽ trở về thăm chúng ta, nếu ngươi đi rồi, thì sẽ không gặp được nó đâu nhé.”
Tuy rằng tôi đã sớm chuẩn bị, nhưng mà vẫn nhịn không được mà trừng ông ấy một cái: “Con sẽ viết thư cho sư phụ, báo cho người biết con đang ở đâu.”
“Ngươi trừng ta ngươi trừng ta ngươi trừng ta.” Thái sư phụ ôm ngực.
Tôi thở dài một tiếng, thái sư phụ tuổi càng cao, thì hành vi lại càng như con nít, tôi chỉ có thể làm bộ như chẳng thấy gì, đối với mọi hành động khác lẽ thường của ông đều trực tiếp xem nhẹ. Thói quen đó sau này lại khiến cho rất nhiều người không hài lòng về tôi, nói tôi tuổi còn nhỏ lại già dặn như vậy, làm gì cũng vui buồn chẳng biểu hiện, tâm cơ nhất định rất sâu. Mỗi lần nghe được những lời đánh giá như vậy, tôi rất muốn cho bọn họ trông thấy thái sư phụ của mình, gặp phải một trưởng bối thích ăn vạ như vậy cũng thực đau đầu, năm tháng giục người ta già đi, còn thái sư phụ lại giục tôi trưởng thành sớm.
“Con muốn làm nữ thần y, không xuống núi chữa bệnh sao được? Không phải người bảo muốn đi sao? Ngay cả bao cũng chuẩn bị rồi kìa.” Tôi lý luận, nói xong chỉ chỉ cái bao lớn mà thái sư phụ đã lén giấu sau cánh cửa.
Thái sư phụ liền cười ‘hơ hớ’, nói với tôi: “Không vội, trước tiên thái sư phụ cùng ngươi xuống núi sắp xếp chỗ ở, để sau này có muốn tìm người thì cũng biết đường mà tìm.”
Tôi suy nghĩ một lát: “Chúng ta chờ Ưng Nhi đến đây rồi hãy đi, nếu không lần sau nó đến truyền tin thì sẽ không tìm được con mất.”
Thái sý phụ phiền não: “Cái con chim đó thật hung dữ, không biết có chịu đi theo chúng ta không nữa.”
Tôi lấy cái lọ bạch ngọc ở trong ngực ra, lại móc lấy cái lồng chim bằng cành liễu mà tôi đan từ trong đống cỏ sau cửa ra: “Con đã chuẩn bị cả rồi, hạ Thập nhật túy thế nào?”
Sý phụ ‘ô’ một tiếng, đột nhiên ôm lấy tôi: “Nguyệt Nguyệt, con thật sự là niềm kiêu ngạo của thái sư phụ đấy.”
Ðợi đến khi Ưng Nhi đến, thì bị chúng tôi hạ thuốc mê xong bỏ vào lồng mang đi.
Tôi và thái sư phụ xuống núi, thái sư phụ nói nếu làm nghề y, thì nên đến nơi có nhiều người, hai người càng đi càng xa, ban đầu là chốn sơn dã, người ở rất thưa thớt, sau đó đến đường lớn, người liền nhiều lên.
Dọc đường đi tôi đều nghe thấy mọi người bàn tán về sư phụ mình, nói Từ Trì Từ Bội Thu chiến công ra sao, phong thái thế nào, mấy năm nam chinh bắc chiến, thường thắng bất bại, lui địch ra ngoài biên giới, hơn hai mươi tuổi liền được phong làm tướng quân, không hổ là hổ con của tướng môn.
Bội Thu là tên tự của sư phụ tôi, nam tử qua hai mươi tuổi mới có tên tự, điều này sư phụ từng đề cập trong thư với tôi.
Ngày đó tôi và thái sư phụ nghỉ chân ở khách điếm, có một đám thiếu niên sắp đi nhập ngũ đang tụ tập đàm luận chuyện sa trường, lúc nói đến sư phụ tôi, âm thanh dần sôi nổi, họ nói sư phụ dụng binh như thần, chiến công hiển hách, lại trẻ tuổi trác tuyệt, được hoàng thượng phong làm đại tướng quân trẻ nhất trong triều ta, không biết có bao người kính ngưỡng.
Tôi nghe thấy mà kích động, nhịn không được muốn tiến tới nói một câu: “Người là sư phụ ta!”
Thái sư phụ ở bên cạnh thấy gương mặt đỏ bừng của tôi, liền bảo: “Khiêm tốn, khiêm tốn.”
Tôi liền cúi đầu ‘dạ’ một tiếng, nhưng trong lòng rất vui sướng, cảm thấy sau khi xuống núi, mình đã cách sư phụ gần hơn rất nhiều.
Cuối cùng tôi và thái sư phụ đặt chân tới Diêm thành, trên đường đến đây tôi đã xem bệnh và kê thuốc ột vài người bệnh, hiệu quả vô cùng tốt, có con của một bà lão còn đương trường quỳ xuống, vừa dập đầu vừa nói: “Cô nương là Bồ Tát chuyển thế, là thần y.”
Tôi vui đến tột cùng, liền quay đầu nói với thái sư phụ: “Hắn gọi con là thần y kìa.”
Thái sư phụ khụ khụ hai tiếng: “Hắn quá mức cao hứng, cho nên thần chí không rõ.”
Tôi “…”
Sau đó ngẫm lại, thái sư phụ nói cũng đúng, một người gọi tôi là thần y thì tính cái gì? Ít nhất thì cũng phải giống sư phụ vậy, đi đến đâu đều có người nhắc tới mới tính đúng không?
Ở Diêm thành, thái sư phụ thuê cho tôi một gian phòng nhỏ, lại hỏi tôi: “Biết tiền dùng để làm gì không?”
“Thái sư phụ, sư phụ đi rồi, hằng năm con đều cùng người lấy thảo dược đi chợ đổi tiền để mua nọ kia.” Tôi nhắc nhở ông.
“Ừm, nhưng bây giờ người đã đi chữa bệnh, lấy thảo dược bán lấy tiền, vậy thì chữa bệnh bằng gì đây?”
Tôi đút hai tay vào tay áo đáp: “Con thu tiền khám, kẻ có tiền thì thu nhiều một chút, để giúp cho người không có tiền.”
Thái sư phụ ‘ừ’ một tiếng, đột nhiên ôm lấy tôi: “Cái gì con cũng biết cả, con thật sự là niềm kiêu ngạo của thái sư phụ mà.”
Tôi “…”
Hết chương 2.