Lê Hổ thấy y cứ thần thần bí bí, không khỏi chau mày.
Cậu phát hiện nói chuyện với cái anh Nguyễn Trãi này đặc biệt hao hơi tổn sức. Quả thực. Cái người kia nói chuyện cứ lòng và lòng vòng, úp úp mở mở, không biết là có ý gì.
“ Cái cô mới chạy ra khỏi phòng cậu ấy chứ còn ai? Ăn cơm trước kẻng rồi đấy hử? ”
“ Cái ông điên này! Nói gì đấy! ”
Lê Hổ quạu lên, vung quyền toan đấm thì bàn tay của Nguyễn Trãi đã chộp cứng lấy mạch môn của cậu chàng.
“ Ồ? Hai người nếu đã yêu thương nhau thực lòng, còn chờ gì mà không cưới phứt đi cho rồi chứ còn chờ thằng khác đến hốt mất à? ”
Nguyễn Trãi hỏi, nhưng ngữ điệu chẳng thể hiện vẻ ngạc nhiên gì hết.
Có lẽ y đã đoán ra được điều gì.
Lê Hổ mới thở dài:
“ Mọi chuyện không đơn giản. Đôi lúc không phải người ta muốn là được. Thử hỏi thế gian, ơn nghĩa và ái tình, thì bên nào nặng bên nào nhẹ? ”
Cậu chàng thừa biết, trong lòng Ngọc Lữ có mình. Nhưng trong lòng nàng, cũng có cả u cậu – bà Thương. Một bên là ơn cưu mang, một bên là tình trai gái. Một bên là nghĩa nặng nửa kiếp, bên kia là hạnh phúc nửa đời, biết buông ai bỏ ai?
Canh bạc này… phải đánh bên nào, chỉ có thể do Ngọc Lữ tự lựa chọn.
Còn cậu? Vui vì lòng hồng nhan có mình, mà cũng buồn vì nàng phải khó xử.
U cậu tại sao lại không muốn con của mình hạnh phúc? Nhưng chuyện cưới hỏi này liên quan đến thể diện của Hổ Vương Đề Lãm, quan hệ của hai nhà. Một là không thể hấp tấp làm bừa, hai là không thể từ chối quá thẳng thừng, ba là dù có từ chối cũng chưa chắc gì Hổ Vương đã đồng ý. Huống hồ thời bấy giờ chuyện cưới xin vẫn là cha mẹ đặt đâu con ngồi nấy.
Ai cũng có giằng xé riêng.
Nguyễn Trãi bèn cười, rồi hỏi:
“ Hỏi hay lắm. Vậy ta cũng muốn hỏi cậu một câu. Giữa một số người thân của cậu, với thiên hạ thương sinh, thì cậu buông ai bỏ ai? ”
“ Ông… ta… ”
Lê Hổ cứng họng.
Nguyễn Trãi thấy vậy, mỉm cười nhỏm dậy, kéo nón che đầu:
“ Ba hôm nữa tái ngộ, cùng lên Tràng An. Giờ xin cáo biệt! ”
Nói rồi nhảy phốc đi, không thèm lí đến Lê Hổ đang ngồi bệt ra, mặt ngơ như ngỗng ỉa.
Nguyễn Trãi lách mình mấy cái, chạy dọc bờ ruộng một hồi thì đến miếu thành hoàng. Y kéo nón xuống, nhấc chân bước qua cửa miếu.
“ Người đó thế nào? ”
Đi ra từ góc tối của miếu hoang, chính là người biến mất trên giang hồ hơn một năm nay: Bạch Thanh Lâu!
“ Tốt lắm. Không phải hạng giả nhân giả nghĩa. Có thể đào tạo. ”
Nguyễn Trãi hạ nón, quảy sạp lên. Đoạn lại hướng ánh mắt về góc trong miếu, hỏi:
“ Thương thế cô ta ra sao rồi? ”
“ Đỡ nhiều rồi. Tiếc là vẫn hôn mê bất tỉnh. Aizz. Cũng chẳng rõ đến lúc nào cô nàng ấy mới tỉnh lại, giải được oan khiên cho Quận vương. ”
Bạch Thanh Lâu tựa lưng vào cột, thở dài.
Thường thường, hai người một người ra kiếm ăn, thì một người ở lại miếu lo liệu thương thế cho “ cô ta ”. Bạch Thanh Lâu làm thầy thư pháp, lại cố tình kìm bút lực, thành ra không có gì đặc biệt. Chỉ có Nguyễn Trãi tự nhiên lại thích sắm vai thầy tướng số, chiêu bài lại dị hợm chả giống ai, thành ra mới bị dân trong vùng điểm mặt.
Còn nhân vật “ cô ta ” này là ai, mà lại nắm được bí mật liên quan đến cái chết oan khuất của Quận Gió?
“ Ta còn cứ lấy làm lạ, Lam Sơn sặc mùi mực Tàu từ bao giờ! Té ra là có một đám chuột con từ Quốc Tử Giám chạy ra đây! ”
Ruỳnh!
Dứt lời, hai cánh cửa miếu đã bắn tung cả, đập ngã cả tượng thành hoàng trên ban thờ.
Bạch Thanh Lâu và Nguyễn Trãi cùng hít sâu vào một hơi, nhìn nhau cười khổ một cái. Người thì rút kiếm, kẻ thì lấy một cành tre dày độ hai ngón tay ra thủ thế.
Ánh mắt cả hai mười phần ngưng trọng…
Vì họ biết, kẻ đến tuyệt đối là một đại địch mà dù có liên thủ lại hai người cũng chưa chắc có thể toàn mạng mà rời khỏi miếu.
Người bước vào điện khí vũ hiên ngang, ánh mắt anh khí bức người, chính là Hổ Vương Đề Lãm.
“ Hổ Vương tiền bối… lần trước xuống núi ông nổi điên đánh đến tận cửa, không phải đã giải quyết ổn thỏa với Tế Tửu rồi sao? Tại sao bây giờ còn làm khó dễ? ”
Nguyễn Trãi đứng ra một bước, nói.
Hổ Vương Đề Lãm từng đánh vào tận cửa Quốc Tử Giám, trong thiên hạ rất hiếm người biết. May mắn hồi ấy Nguyễn Trãi theo Nguyễn Phi Khanh vào kinh, đúng dịp xem được cảnh náo nhiệt đó.
Nào ngờ lời vừa dứt, gân xanh ở cổ Hổ Vương đã căng phồng cả lên. Tiếng gầm của ông đanh như sấm:
“ Mẹ kiếp! Các ngươi mà giữ lời thì đã không xuất hiện ở đây! Đừng lèm bèm! Tiếp của ta ba quyền, thì ta tha cho! Không lại bảo bản vương bắt nạt đám hậu sinh các ngươi! ”
“ Khốn thật! Đúng là không nói lí! ”
Nguyễn Trãi vừa nghĩ đến đó, thì đầu quyền đã dí sát mặt, không còn cách nào đành đề ngọn tre lên chống đỡ, toan dùng xảo lực dẫn quyền của Hổ Vương sang chỗ khác.
Nào ngờ…
Ầm!
Kình lực của Hổ Vương bộc phát quá nhanh.
Kình lực chưa bị dẫn đi, đã lồng lên như chớp chạy khỏi mây, ngựa hoang đứt cương. Nguyễn Trãi chỉ thấy trước mắt tối sầm cả lại.
Toạc!
Kình lực xuyên thấu qua người, làm lưng áo nổ tung!
Đầu quyền của Hổ Vương hãy còn cách ngực Nguyễn Trãi một đoạn, nắm đấm còn chưa tung ra hết đã thu lại.
“ Đáng sợ… ”
Nguyễn Trãi bật lui lại mấy bước, ánh mắt hơi cứng lại.
Quyền chưa đấm vào người đã khiến lồng ngực y ê ẩm.
Đối thủ này của y mạnh! Rất mạnh!
“ Hai đấm sau sẽ không nương tay như thế nữa đâu. ”
Lúc Nguyễn Trãi còn đang cảm thán, thì thanh âm của Hổ Vương đã vang lên, lạnh ngắt.
“ Mời Hổ Vương! ”
“ Không được! Bổng của ngươi đã đứt! Lấy tạm cái này mà đánh đi! ”
Hổ Vương khoát tay, lại móc trong túi ra một thanh kim loại ngắn ngủi, chỉ độ gang tay đổ lại.
Toàn thân đen bóng…
Ánh kim loại đen bóng, nuốt lấy ánh sáng, trên đời chỉ có một thứ kim thiết duy nhất có những đặc tính này.
“ Đồng đen? Đây có phải…? ”
“ Người miền xuôi các người gọi nó là giáo Mê Linh! Năm xưa có người nhờ bản vương giữ hộ. Nay y đã mất, còn giữ làm gì? ”
Nói rồi ném cho Nguyễn Trãi.
Đến liếc xéo một cái cũng chẳng thèm.
“ Một trong tám đại thần khí của Thánh Tổ để lại mà ông ném đi như ném cành cây hòn sỏi. Hổ Vương, khí độ này của ông Nguyễn Trãi xin bái phục. ”
“ Phí lời! Trên đời làm gì có binh khí nào phù hợp với ta bằng đôi nắm đấm này? ”
Hổ Vương nhếch mép, đáp.
“ Cũng đúng. ”
Nguyễn Trãi cười, đáp.
Nói đoạn, đưa tay sờ sờ một hồi, phát hiện được một cái chốt ở đuôi gậy, bèn vặn một cái.
Kịch!
Một đoạn bổng khác trượt ra, rồi đoạn thứ hai, thứ ba. Mãi đến khi vừa bằng một thanh cương tiên thì Nguyễn Trãi mới vặn chốt khóa lại không để giáo Mê Linh dài ra thêm nữa.
“ Giáo Mê Linh, gồm nhiều đoạn đồng đen mỏng, đoạn to nuốt lấy đoạn nhỏ, có chốt mở, điều chỉnh dài ngắn tùy ý. Là bổng, là kiếm, là côn, là giáo đều được! Năm xưa đánh trận Như Nguyệt, Thánh Tổ đem bảo vật tặng cho Lý Thường Kiệt. Ông dùng hình thái cây giáo ra trận, nên được gọi là giáo Mê Linh. Quả nhiên không khác gì cổ thư ghi chép lại. ”
Nguyễn Trãi vung thử binh khí mấy cái, lại tiếp:
“ Nhưng có hơi nặng một chút. ”
“ Còn một chốt mở lưỡi dao, sao ngươi không dùng? ”
Hổ Vương trầm giọng.
“ Học trò nhỏ sợ máu. ”
Nguyễn Trãi nhún vai, cười.
Vù!
Hổ Vương cười đáp lại, quyền còn nhanh hơn tiếng cười mấy phần. Nguyễn Trãi chỉ nghe kình phong thổi đến như vạn mã bôn đằng, nhưng lần này đã có phòng bị, vung tay đẩy roi sắt ra, chém nhanh mấy cái.
[ Thân roi muốn phong tỏa kinh mạch của ta, đầu roi muốn điểm khóa huyệt đạo của ta. Thằng nhóc này có thực tài… ]
Hổ Vương vừa nghĩ, vừa xoay cổ tay một cái. Nội kình thổ ra, chấn văng cương tiên bằng đồng đen, nhưng thế công cũng phải ngừng lại một thoáng. Nguyễn Trãi thừa cơ nhảy lui lại hai bước, đề roi thủ thế.
Bạch Thanh Lâu chặc lưỡi, than:
“ Anh Trãi quá nhân từ. Nếu vừa rồi thừa thế tấn công, là có thể ép Hổ Vương đánh ra chiêu thứ ba rồi! ”
Nguyễn Trãi nói:
“ Được giao thủ với một trong bảy tông sư là kì ngộ khó gặp, cần gì phải chơi cái trò gian trá đó? ”
Nhưng trong bụng thì nghĩ thầm:
[ Vừa rồi ánh mắt Hổ Vương lóe lên sắc như đao, rợn cả gáy. Nếu ban nãy ép ông ta ra chiêu, người mất mạng sẽ là mình. ]
Võ công của hai người Bạch Thanh Lâu và Nguyễn Trãi đều cao hơn bọn Ngũ Thư không chỉ một bậc. Một người là đệ tử giỏi nhất phái Nôm, người kia là đệ tử giỏi nhất phái Hán của Quốc Tử Giám. Chỉ luận võ công thì có thể so với Bốn Tinh của sơn trang Bách Điểu, đối trăm chiêu với trang chủ Bách Điểu Sơn Trang Phan Chiến Thắng cũng không thành vấn đề.
Nhưng đối thủ của y hôm nay còn mạnh hơn xa Phan Chiến Thắng.
Ấy là Hổ Vương Đề Lãm.
Năm xưa y đánh thẳng vào Quốc Tử Giám, một đôi nắm đấm đánh bại cả Tế Tửu lẫn Tư Nghiệp. Cũng may lúc đó Quận Gió và Khiếu Hóa Tăng đang đến vãn cảnh hồ Văn, mới kịp thời liên thủ ra tay chế trụ.
Hổ Vương gầm khẽ một tiếng, mép nhếch lên để lộ răng nanh nhọn hoắt:
“ Tiểu tử này võ công được đấy. Xem ra muốn hạ chú mày thì không đấm lung tung tùy tiện được. ”
Bạch Thanh Lâu nghe vậy, thoáng chấn kinh.
Một đấm tùy tiện đã khó mà cản nổi như thế, đến lúc lão nghiêm túc lên thì còn đến mức nào?
Nguyễn Trãi đưa tay còn lại vuốt lên ngọn roi một cái, rồi nói:
“ Không biết hôm nay Hổ Vương cho học trò mở rộng tầm mắt ra sao đây? ”
Trong lòng thì thầm nghĩ:
[ Thầy (*) vẫn dạy, cao thủ thực sự lúc đánh ra thường không còn bị bó buộc vào chiêu số nữa. Không phải họ xóa bỏ chiêu thức, mà từng chiêu từng thức học được đã sớm ăn vào máu thịt. Một chiêu thuận tay đánh ra cũng đã là tổng hòa của sở học cả đời. Hổ Vương tuyên bố từ bỏ lối đánh này, liệu có phải phía trên vô chiêu vẫn còn một cảnh giới cao hơn của võ học hay chăng? ]
“ Biết ngay thôi mà… ”
Hổ Vương nhe răng.
Đoạn, chân lão nhún nhún mấy cái, như thể con nai con hoẵng đang chạy.
Bất giác…
Khí thế của ông hoàn toàn thay đổi.
Chính xác là thu liễm lại… sâu lắng lại như rừng rậm…
“ Trên của vô chiêu, là vô thế. ”
Hổ Vương gầm lên, rồi tung ra một đấm.
Khí thế của chiêu số như hổ dữ, như voi rừng, như giao long, như hạc trắng, như sói rừng, như hươu nai, như khỉ vọoc…
Không thể đọc được!
Cơ thể con người có thể làm được một số động tác hữu hạn…
Nhưng cái ý cảnh, khí thế mà võ giả mô phỏng ra, thì vô hạn…
Thế nên mới có các môn các phái, các chiêu các thức khác nhau, nào phải chỉ vẽ ra thế cho vui cho đẹp??
Mà trong đấu võ, có những trường hợp, rõ ràng có thể thấy rõ mồn một chiêu số của đối thủ, lại không sao nhấc tay động chân mà đỡ gạt né tránh. Ấy là lúc thế của mình bị thế của đối thủ áp đảo, gọi nôm na là ngợp. Đấu võ, ấy là tối kị.
Không thể đọc được thế của đối thủ, tức là không thể phá giải…
Tức thời, Nguyễn Trãi bị thế của Hổ Vương chèn cho không cựa nổi một ngón tay.
Vù!
Nắm đấm của Hổ Vương dừng ngay trước trán Nguyễn Trãi, phá tung mũ, làm tóc y bay phần phật.
Đoạn, Hổ Vương chậm rãi thu tay lại, lại vung cánh tay ném trả cho Bạch Thanh Lâu nửa đoạn kiếm gãy…
Thì ra lúc nãy, Bạch Thanh Lâu liều mình lao lên, định dùng chiêu “ Bát Đao Phân Mễ Phấn ” để giải nguy cho Nguyễn Trãi. Đây là một câu đối cổ, nghĩa là dùng tám nhát dao chia hạt gạo thì sẽ thành bột. Ý nghĩa thô sơ, nhưng kì thực đối này làm theo lối chiết tự rất hiểm. Chữ BÁT (八) chồng lên chữ ĐAO (刀) thành chữ PHÂN (分), chữ PHÂN (分) ghép với chữ MỄ (米) thành chữ PHẤN (粉). Bạch Thanh Lâu nghĩ Hổ Vương là người miền núi, không đọc được chữ Hán, sẽ khó lòng nhìn ra phép chiết tự của kiếm chiêu này.
Nào ngờ ông vẫn phá được dễ dàng, còn buộc y gãy kiếm thụ thương mà lui.
Hổ Vương khịt mũi, nói tiếp:
“ Thằng ranh, kiếm được đấy! Nhưng còn kém đời trước một chút. Còn một chiêu cái gì mà Thiên Lý Kim, lần sau đánh nốt là được. ”
Bạch Thanh Lâu cười khổ:
“ Là Thiên Lý Trọng Kim Chung. ”
Câu ấy nghĩa là cái chuông vàng mang đi ngàn dặm sẽ rất nặng nề. Cũng như vế ra, chữ THIÊN (千) chồng lên chữ LÝ (里) thành chữ TRỌNG (重), chữ TRỌNG (重) ghép với chữ KIM (金) thành chữ CHUNG (鍾). Tương truyền là hai câu đối trong truyện Trạng Lợn.