Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Lại kể chuyện về Lê Hổ ở Lam Sơn…

Nguyễn Súy thấy tướng cầm thương hai đầu nhảy ra, đang định động thủ, thì bỗng nhiên phát hiện bản thân đã bị vây trong sát khí bừng bừng của đối thủ. Ánh mắt Lê Sát như mắt sói, khóa chặt lấy nhất cử nhất động của y. Thân bất động, nhưng ý cảnh và khí thế đã động. Chỉ cần Nguyễn Súy hơi lơ lỏng, đầu thương kia sẽ cắm phập vào yết hầu của gã ngay lập tức.

Hai bên giằng co nhau một lúc, thì Nguyễn Súy lên tiếng:

“ Hôm nay bản tướng đến đây là để mời Kim Ngô tướng quân sang doanh trướng của bọn ta một chuyến. Trùng Quang đế và Đặng đại nhân có chuyện cần bàn. ”

Lê Hổ bèn lên tiếng:

“ Đặng đại nhân? Có phải là Đặng Dung, con trai độc nhất của quốc công Đặng Tất đó không? ”

Hồi đánh thành Cổ Lộng, Đặng Dung tuy bị quân Minh làm hỏng đôi chân, nhưng tàn mà không chịu phế, đã nghĩ ra kì kế phá địch. Nếu không phải quân Ai Lao đánh lén thì có lẽ đã đánh hạ được thành Cổ Lộng rồi.

Đối với người có tài có chí như thế, Lê Hổ tự nhiên là có ấn tượng tốt.

Mà Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng lại là người thế nào mà được nhân tài như Đặng Dung phò trợ, quả thực Lê Hổ cũng muốn nhận thức một phen xem là rồng hay lân.

Nhưng bản thân cậu chàng đã nhận lời Trần Ngỗi, cũng đã nói rõ là sẽ tin tưởng ông, thành thử không tiện sang gặp.

Cậu chàng đang định từ chối khéo, thì bỗng phía sau có tiếng huyên náo.

“ Thánh thượng giá lâm. ”

Sau khi thông báo xong, vị hoạn quan nọ lập tức lủi ra sau Nguyễn Quỹ. Nơi này toàn là tướng lĩnh xông pha trận mạc, khí thế bức người, hoạn quan bình thường như gã quả thực không sao thở nổi, phải lánh phong mang. Mà trong ba tướng, chỉ có Nguyễn Quỹ là hắn thấy thân cận nhất mà thôi.

Trần Ngỗi đã quyết định ra khỏi chùa.

Điều này Lê Hổ quả thực không hề ngờ tới.

Cậu chàng quay đầu lại, đoạn toan quỳ xuống hành lễ, thì đã có bàn tay to bè chai sạn đưa ra ngăn lại. Ngẩng đầu lên, chỉ thấy Trần Ngỗi đã mặc long bào mão cổn chỉnh tề, râu ria đầu tóc được cắt tỉa gọn gàng sạch sẽ, thần sắc sáng lạn. Tuy là còn gầy guộc hốc hác, nhưng đã không còn cái vẻ chán chường tuyệt vọng của mấy ngày trước nữa.

Nguyễn Súy thấy hành vi của Lê Hổ, đoán biết cậu đã chọn phe, bèn quay người toan bỏ đi, thì Trần Ngỗi đã lên tiếng ngăn lại:

“ Nguyễn tướng quân xin dừng bước. ”

Nguyễn Súy tuy đã đứng lại, nhưng không thèm ngoảnh mặt về phía Trần Ngỗi, mà quay lưng về con đường lên núi. Nguyễn Quỹ thấy vậy bèn quát:

“ Phạm thượng! Đại nghịch bất đạo! ”

Nguyễn Súy tuyệt nhiên không chịu kém, lạnh lùng lên tiếng:

“ Ta đứng lại đây. Nhưng ta không phải thần tử của hắn, hắn cũng không phải là hoàng đế của ta! Đứng lại, là vì ta là người nước Nam, còn hắn đánh bại giặc bắc ở bến Bô Cô giúp ta rửa hờn tẩy nhục mà thôi! Có chuyện gì thì mau nói đi, bản tướng còn phải trở về doanh thưa chuyện với thánh thượng và Đặng đại nhân, đừng làm lỡ chuyện của ta! ”

Nguyễn Quỹ vẫn chưa chịu thôi, mà quát ngay:

“ Thánh thượng còn đang ở đây, thằng ranh con Quý Khoáng là cái thá gì mà xưng vương xưng đế? ”

Trần Ngỗi bèn phất tay, để y ngừng nói…

Đoạn, ông lên tiếng.

Một lời nói ra, tuyệt nhiên không một ai có thể ngờ được:

“ Nguyễn Súy tướng quân quá lời. Hôm nay Trần Ngỗi ra tận đây, là muốn tướng quân chuyển lời ta đến Đặng Dung và Trùng Quang. Rạng sáng ngày mai, mời hai người đó lên điện thờ Đại Thắng Minh hoàng đế để nói rõ ngọn ngành. Binh mã muốn mang bao nhiêu lên núi cũng được. Bọn ta tuyệt đối sẽ không dùng một binh một tốt để ngăn cản! ”

“ Thánh thượng, chuyện này không đùa được đâu!! ”

Nguyễn Quỹ vội la toáng lên.

Lời Trần Ngỗi vừa nói có hai chỗ không ổn…

Thứ nhất: ấy là gọi Trần Quý Khoáng là Trùng Quang. Như thế chẳng khác nào công nhận tính chính danh của y, nhận định y là một ông vua ngang hàng với mình cả.

Thứ nhì: cho đối phương đem quân lên thành đông.

Phải biết bây giờ Trần Ngỗi mang cái tiếng tệ bạc, sát hại trung thần, hết chim bẻ ná trên đầu. Đại thế về cơ bản đã vào tay Trần Quý Khoáng và Đặng Dung, cũng may là có vài tướng và mẹ y dấy binh ở sông Hát kéo quân đến trợ chiến mới tạm thời ổn định được đại cục.

Nhưng lúc này cho đối phương dẫn đại binh lên thành đông…

Ngộ nhỡ binh biến, thì chẳng phải thành Tràng An mất trắng vào tay quân của Trùng Quang, mà Trần Ngỗi còn có nguy cơ sẽ bị bắt hay sao?

Nguyễn Quỹ quả thực không sao hiểu được…

Tại sao vua của mình lại làm cái chuyện ngốc nghếch đến thế…

Bản thân Nguyễn Súy cũng kinh ngạc không thôi.

Có câu “ của rẻ là của ôi, của cho là của nợ ”, thế nhưng thế này thì có khác gì đem cả giang sơn dâng cho người ta?

Lẽ nào lời thế nhân nói là sự thật? Kì thực Trần Ngỗi quả thực khó mà gọi là tài cao bắc đẩu, ngồi được trên ngai rồng, tái lập được nhà Trần kì thực đều là do Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đứng sau hậu thuẫn?

Dù thế nào đi nữa…

Thì điều kiện mà Trần Ngỗi đưa ra có thể nói là trăm lợi, vô hại đối với phía Trùng Quang đế.

Thế nên, y bèn nói:

“ Nếu đã vậy, ta xin chuyển lời giúp ông. ”

“ Làm phiền tướng quân rồi. ”

Trần Ngỗi nói, đoạn xoay người bỏ đi, không quên ra hiệu để Lê Hổ đi theo mình.

Cả đoàn vua tôi rồng rắn kéo nhau, đi đến đền Đinh Tiên Hoàng.

Đền Đinh…

Trước tượng Đại Thắng Minh Hoàng Đế, hiện tại đã có sáu nén hương trầm, mùi thơm nhàn nhạt thổi vào trong cơn gió.

Trong đền lại lần nữa chỉ có hai người là Trần Ngỗi và Lê Hổ.

Trên đường đi tới đây, Lê Hổ cũng đã suy nghĩ nhiều.

Tại sao Trần Ngỗi lại đưa ra điều kiện tốt như thế cho Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng?

Lẽ nào y không cần đến giang sơn gấm vóc này nữa hay sao?

Ý nghĩ này thực quá sức điên rồ. Trên đời này lại có người chê làm vua, chê vinh hoa phú quý hưởng mười đời không hết, chê quyền thế chí cao vô thượng hay sao?

Thế nhưng, lúc này Trần Ngỗi lại hỏi Lê Hổ một câu…

Một câu hỏi bản thân cậu chàng cũng không ngờ là y sẽ hỏi mình.

“ Cậu có biết vì sao ta lại ra điều kiện như thế hay không? ”

Lê Hổ biết hay sao? Cậu chàng cũng chẳng thể nào hiểu được trong đầu ông ta nghĩ gì lúc ấy? Chính Lê Hổ cũng đã vật lộn với câu hỏi này trong suốt chặng đường tới đền đấy thôi.

Nhưng nhìn ánh mắt Trần Ngỗi, cậu chàng lại im lặng…

Nhìn ông như thể đang trông chờ vào một thứ gì đó ở Lê Hổ…

Như thể ông đã đoán trước được cậu chàng sẽ trả lời đúng ý mình vậy.

“ Tại sao… ”

Thấy cậu chàng lâm vào trầm tư, Trần Ngỗi lại tiếp. Nhưng có cảm giác ông không nói chuyện với cậu, mà nói cho chính bản thân mình nghe nhiều hơn.

“ Hổ. Cậu từng cứu mạng ta, giúp ta đến được Yên Mô Mô Độ an toàn, dấy nghĩa với Trần Triệu Cơ. Sau đó ở sông Vân lại liều chết hộ giá, đến giờ chuyện ấy ta vẫn canh cánh trong lòng. Ta trước giờ vẫn thắc mắc, rằng Trần Ngỗi này có tài gì, đức gì, mà bao nhiêu người nguyện quyên sinh… ”

Im lặng.

Yên tĩnh đến độ tưởng như có thể nghe được cả tiếng khói hương bốc lên, mồ hôi rơi xuống…

Nhưng cái yên lặng này, kì thực chỉ là vẻ ngoài mà thôi.

Giống như lửa đỏ gói trong tờ giấy, nhanh thôi, sẽ cháy lan ra ngoài, nuốt chửng cả tờ giấy…

Lê Hổ phát hiện Trần Ngỗi đã không xưng là trẫm nữa.

Điều này càng khiến cậu chàng thấy ngờ vực.

Kì thực, cậu chàng đã sớm nghĩ tới một khả năng, chẳng qua vì nó quá phi lí nên mới gạt sang một bên.

Trần Ngỗi lại lên tiếng:

“ Vào chùa Nhất Trụ tĩnh tâm ít lâu, tạm thời không cần lo chuyện quốc gia đại sự, ta mới có thời gian nghĩ thật kỹ mọi chuyện. ”

Nói đoạn, cười dài một tiếng…

Tiếu thanh pha một chút bi thương, một chút bất đắc dĩ, nhưng đại đa phần lại là thanh thản đến lạ…

“ Có lẽ thực chất là ta nhận vơ… Người ta chẳng phải hi sinh vì ta, mà là tuẫn quốc! Sở dĩ họ muốn ta sống, ấy là vì họ gửi gắm nơi ta nguyện vọng chưa thể hoàn thành. Nực cười thay… Ta đáng lẽ phải là hi vọng cuối cùng của người ta, thì bây giờ lại bất lực đến vậy. Giản Định đế một thời gầm ra lửa hét ra sấm, nay kêu trời trời chẳng thấu kêu đất đất không nghe… Ta còn mặt mũi nào gặp Triệu Cơ, gặp những người đã bỏ mạng cho ta được sống? ”

Lê Hổ thở dài…

Xem ra, người đứng trước mặt cậu đã chết tâm.

Xuất hiện hôm nay, chẳng qua là một dạng hồi quang phản chiếu đặng làm nốt chuyện cần phải làm mà thôi…

“ Thánh thượng đừng cả nghĩ quá. Đấy âu cũng là suy nghĩ một phía của người mà thôi. Có câu sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người. Bản thân những người đã ngã xuống chưa chắc gì đã nghĩ như thế đâu. Huống hồ, đâu phải người kêu trời không thấu kêu đất không nghe? Các tướng dấy binh ở sông Hát, thần cũng đã nói là tin lời ngài, không phải sao? ”

Dẫu biết Trần Ngỗi đã không còn đấu ý, nhưng Lê Hổ vẫn khuyên can an ủi một phen. Biết đâu lại có kì tích xuất hiện, Trần Ngỗi phấn chấn trở lại thì sao?

Nhưng Trần Ngỗi đã đáp:

“ Ta tất nhiên là biết chuyện đó. Nhưng đáp án này khiến ta thấy bình tâm, vậy có lẽ là đủ rồi. ”

Hai người lại im lặng thêm một chốc…

Đoạn, Trần Ngỗi lên tiếng:

“ Tướng quân còn chưa trả lời câu hỏi của ta… ”

Lê Hổ bỗng nhiên nghĩ tới lời u mình từng dạy khi nói về chuyện cho Lê Sát đến Hoa Lư chuyến này.

Lam Sơn cũng chống Minh, Hậu Trần cũng chống Minh. Miễn là đều kháng Minh cả, thì theo ai mà chẳng được?

Lê Hổ chậm rãi lên tiếng, dè dặt nhấn rõ từng tiếng:

“ Lẽ nào thánh thượng quả thực định nhường ngôi báu cho Trần Quý Khoáng hay sao??? ”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui