Lúc này, Nội Tam Tăng mới xuất thủ.
Ba người đồng này đại diện cho tam ấn trong Phật Môn, tức là chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, niết bàn tịch tịnh.
Chư hành vô thường tức là tất cả mọi sự vật đều biến đổi không ngừng.
Chư pháp vô ngã nghĩa là tất cả mọi sự vật đều không có bản ngã chân thật.
Niết bàn tịch tịnh tức là bản thể của vạn hữu là vô phân biệt, lìa khỏi mọi hình tướng, mọi tri kiến, mọi khái niệm.
Trong năm năm phá trận vượt tháp, hai người Tạng Cẩu mới chỉ ép được ba vị xuất thủ đúng hai lần mà thôi.
Lần thứ nhất, tùy tiện một chiêu, cả hai đã ngã lăn kềnh.
Chiêu của lão phát ra, là chiêu mà không phải chiêu, là thức mà không phải thức. Nhanh cũng không nhanh, chậm cũng không chậm, yếu cũng không yếu, mạnh cũng không mạnh. Nhìn như chưa xuất thủ, nhưng kì thực đã đánh tới người. Tóm gọn bằng một chữ “ vô ”.
Lần này là lần thứ hai!
Liệu hai người có đỡ nổi?
Đáng tiếc là không.
Chỉ thấy người đồng nọ quát lên một tiếng:
“ Tịnh! ”
Thanh âm không to, cũng không nhỏ.
Không phải Sư Tử Hống, cũng không phải Vạn Lí Truyền Âm…
Chỉ biết là tiếng đến tai nhỏ bé, tiếng trong lòng lại như sấm động ngang tai!
Cả hai chỉ kịp kêu một tiếng, đã ngã ngồi trên mặt đất, thở không ra hơi…
Ba người đồng nọ lúc này mới nói:
“ Hai vị tiểu thí chủ, mời về. Đầu tháng sau chúng ta tái kiến. ”
Nói rồi chỉ tay về phía cửa tháp…
Hai người dắt nhau rời tháp, không hề biết rằng chốc lát nữa, mười tám người đồng còn nghênh đón một kẻ khác muốn phá trận vượt tháp!
Dưới chạc cây bồ đề…
Tạng Cẩu tựa lên thân cây, ánh mắt bâng quơ nhìn ra quãng sân đầy nắng, tay khoanh trước ngực…
Không biết đang nghĩ gì.
“ Cẩu! ”
Hồ Phiêu Hương đột nhiên ló từ sau gốc bồ đề, tiếng cười như chuông bạc:
“ Vẫn còn khúc mắc chuyện phá trận hả? ”
“ Ừm. Đã năm năm rồi, manh mối đã ở trước mắt, mà xa tận chân trời. ”
Tạng Cẩu thở dài.
Hai người lên núi Tung Sơn đã được năm năm có lẻ.
Đời người lại có mấy lần cái năm năm như thế?
Năm năm lại là ngắn hay dài?
Với người có thù nhà, nợ nước như Tạng Cẩu, năm năm vẫn là quá ngắn…
“ Lại như ông cụ non rồi đấy. ”
Hồ Phiêu Hương đến bên Tạng Cẩu, rồi cũng tựa vào thân cây. Đầu vai hai người ở rất gần nhau, cậu chàng tưởng như có thể ngửi thấy mùi hương trên tóc cô bạn. Hồ Phiêu Hương đưa tay, vén tóc qua vành tai…
“ Chúng ta cũng đâu còn nhỏ nữa. ”
Tạng Cẩu nói, giọng bình tĩnh.
Hồ Phiêu Hương le lưỡi:
“ Dục tốc bất đạt. Nếu đã là di nguyện của thánh tổ, thì có muốn cũng chẳng thay đổi được gì. Tớ thấy nên tập trung nghĩ cách vượt qua được ba ông sư kia thì hơn. ”
“ Có lẽ Hương nói đúng. ”
Trưởng thành, là bớt một chút ham chơi.
Cũng không còn dễ mất tập trung như hồi còn bé nữa.
Mà như thế, thì mối thù nhà chưa trả, nợ nước chưa đền lại dấy lên trong lòng Tạng Cẩu.
Năm năm đã qua…
Kẻ thù của cậu chàng, Mạc Thúy, vẫn còn đang sống nhăn ngoài kia.
Mỗi lần nghĩ đến đấy là cảnh thôn làng cháy rụi, máu chảy thành sông, kẻ kêu cứu người mắng chửi từ từ biến thành xác không hồn hết người này đến người khác lại hiện về trong đầu.
Tạng Cẩu có trí nhớ hơn người, lại hay cả nghĩ.
Bây giờ không còn cái ham vui trẻ con nữa, những suy nghĩ này hiện lên ngày một nhiều, càng lúc càng thường xuyên hơn.
“ Hương này… ”
“ Chuyện gì? ”
Hồ Phiêu Hương biết ngay cậu chàng đang cả nghĩ.
Năm năm sớm tối kề cận, thành ra cô nàng đã quá quen với những lúc thế này.
Tạng Cẩu lên tiếng:
“ Cậu từng nghĩ đến chuyện nếu người sống không phải chúng ta thì sao chưa? Liệu những người khác có thể phá giải được bí mật Cổ Loa hay không? ”
Không ít lần cậu chàng từng nghĩ…
Tại sao mình lại là người duy nhất sống được khỏi trận càn quét của Mạc Thúy?
Nếu lúc đó người sống không phải một đứa nhóc vắt mũi chưa sạch, mà là một người tài ba cơ trí thì sao?
Hồ Phiêu Hương thở dài, đoạn lấy vỏ đao gõ một cái lên đầu cậu chàng, nói:
“ Tớ nói lần này là lần thứ quỷ mới đi đếm là bao nhiêu. Đi được xa chừng này, kì ngộ là không thể thiếu, song điều tiên quyết vẫn là do chúng ta là chính chúng ta, hiểu không. Thầy chọn Cẩu làm đệ tử vì Cẩu là bản thân Cẩu, một đứa nhóc tì ngố ngố, lương thiện đến độ vượt ngàn dặm đường đưa thư cứu dân, không ngại làm kẻ địch của cả thiên hạ. Hiểu không? Cẩu không tin vào mắt thầy à? ”
“ Vẫn biết thế, nhưng mà… ”
Tạng Cẩu muốn nói cậu chàng vẫn thấy áy náy, khúc mắc trong lòng, nhưng không sao cắt nghĩa nổi nguyên do. Những lời Hồ Phiêu Hương nói nghe cũng có lí thật, nhưng đó là lí tính. Còn về cảm tính, cậu chàng vẫn thấy như mình mắc nợ, mình đáng lẽ không đáng được sống vậy.
“ Không có nhưng với nhị gì cả! ”
Hồ Phiêu Hương nói, rồi chỉ ra phía cổng:
“ Hôm nay là rằm tháng tám! Là Trung Thu! Biết điều thì xuống thị tứ với tớ một chuyến! Bằng không tớ cho ăn cơm với không khí cả tháng! ”
Tạng Cẩu thấy cô nàng lại bắt đầu giở tính trẻ con thì làu bàu:
“ Mình có còn là trẻ con nữa đâu. ”
“ Nhưng cũng chưa phải người lớn! Sao? Không thích à? ”
Thấy Hồ Phiêu Hương đứng chống nạnh, má phồng lên vẻ sắp nổi nóng, Tạng Cẩu bèn giơ hai tay lên đầu hàng.
“ Thật là. Đến tuổi cập kê rồi mà hành xử vẫn như đứa bé… ”
“ Cập kê thì cập kê chứ! Tớ thích thế này… ”
Hồ Phiêu Hương lè lưỡi, đoạn quay ngoắt đi, hỏi:
“ Mà Cẩu thấy tớ cài trâm có được không? ”
Con gái đến tuổi cập kê, tức là tuổi cài trâm, theo quan niệm xưa tức là đến tuổi được lấy chồng. Đông qua xuân đến, mải mê phá trận ở Thiếu Lâm, vậy mà Hồ Phiêu Hương đã lớn lúc nào không hay.
Tạng Cẩu thầm nghĩ…
Trước giờ hai người vẫn thân nhau, nhưng gần đây lại có gì đó khang khác…
Nhưng rốt cuộc khác ở chỗ nào, thì Tạng Cẩu không biết. Cậu chàng cũng tạm thời không đi tìm hiểu thêm. Việc công trên người còn chưa đâu vào đâu, thành ra cũng chưa muốn nghĩ đến chuyện khác. Nhưng sâu xa hơn, trong vô thức, Tạng Cẩu cũng sợ một khi biết rồi, thì quan hệ giữa hai người sẽ không còn được như trước đây nữa.
Lá khô lất phất rơi xuống, nhẹ nhàng phủ lên bước chân xa dần xa dần, bóng lưng thiếu nữ khuất sau những bậc thang…
“ Thí chủ. Thí chủ. ”
Tiếng chú tiểu quét lá khiến Tạng Cẩu giật mình bừng tỉnh khỏi suy nghĩ miên man.
“ Sư phụ gọi tôi à? ”
“ Đúng vậy. Nữ bằng hữu của ngài đã đi rồi, ngài không định đuổi theo hay sao? ”
Tạng Cẩu ngẩn người.
Người nói vô tâm, người nghe hữu ý chăng?
Chiều…
Hai người Tạng Cẩu xuống núi, vào một thành gần đó dạo chơi. Bấy giờ khắp nơi giăng đèn kết hoa mừng Trung Thu, không khí hết sức nhộn nhịp. Từ trên tầng cao của tửu lâu nhìn xuống, đèn lồng đủ màu nối đuôi nhau thành một dòng sông vàng. Sông nước quanh quanh dát ánh trăng thu, lão nhà thuyền nằm ngủ quắc cần câu bên mép nước.
Hồ Phiêu Hương chuẩn bị sẵn một bàn tiệc rượu, bày biện trên thuyền con neo bên mép nước, đoạn cùng đối ẩm với Tạng Cẩu. Cô nàng tửu lượng kém, uống vài chung là ngà ngà say, hai má ửng hồng lên vì hơi rượu. Men say khiến đôi mắt càng thêm long lanh, trong vắt như ánh hồ Tây…
Tạng Cẩu cũng tự nhấp mấy chung, vừa uống vừa lim dim mắt nhìn ra xa.
Bỗng có một chiếc thuyền hoa đậu lại sát thuyền con của hai người. Sau đó trên thuyền bước xuống mấy gã thanh niên ăn vận kiểu văn nhân, chính đang vừa nhìn hai người vừa phe phẩy quạt xếp.
Đoạn, một người trong bọn lên tiếng:
“ Đêm trung thu mà huynh đài lại ngồi uống một mình với mĩ nhân, thực là chẳng biết cái ý tao nhã, khác nào kẻ nông phu lỗ mãng? Bọn ta đây thấy thực uổng cho ánh nguyệt, sông thu, càng tiếc kiều dung như họa, nên mới mạo muội lên thuyền. Trước là xin hai vị chớ trách. Sau là một lòng ham thích ngâm thơ xướng họa không kiềm chế được nên muốn cùng nhau vịnh xướng cho thỏa cái ý thơ, làm tiết trung thu thêm phần vui vẻ, mong chớ chê tài hèn… ”
Lời nói rườm rà, cái ý xúc phạm lại không uyển chuyển hàm xúc, không thể che giấu nổi. Đây quả thực là kẻ dốt đặc cán mai đang khoe chữ, nghe hắn khua môi múa mép khiến cho tâm trạng của hai người Tạng Cẩu Phiêu Hương xuống còn nhanh hơn sóng Bạch Đằng…
Tạng Cẩu biết đối phương thấy cậu chàng ăn vận trông như nông phu bình thường, nên có ý nói kháy mình quê mùa ít chữ, không xứng với Hồ Phiêu Hương, bèn lên tiếng:
“ Không biết các vị muốn ngâm xướng thế nào? ”
Cậu chàng xuất thân nông dân thật, bình thường cũng không quá chú tâm vào chuyện thi từ ca phú, nên có thể không so được với con nhà danh gia như Hồ Phiêu Hương. Nhưng lần này đối phương đến tận nơi gây sự, không dọa một phen e là không đuổi nổi mấy con ruồi phá quấy.
Hồ Phiêu Hương đảo mắt một cái, rồi nói:
“ Hay là tiểu nữ vịnh một nửa bài trước, rồi mọi người làm tiếp thành bài, ai làm nhanh hơn thì là tài ba, thế nào? ”
Mắt phượng long lanh, mày ngài khẽ chớp, khiến cả lũ thần hồn điên đảo, vội vàng đồng ý thật mau. Tạng Cẩu ngồi bên cạnh thì giật mình một cái, biết mỗi lần Hồ Phiêu Hương đảo mắt là lại có ý trêu người ta một chặp ra trò.
Thấy đối phương đã lò mò vào bẫy, Hồ Phiêu Hương mới thản nhiên đọc:
“ Kim ba tự hải mạn không lưu,
Hà Hán vi vân đạm đạm thu.
Vũ hậu trì đài đa trữ nguyệt,
Khách trung tình tự bất thăng thu. ”
( Dịch nghĩa:
Sóng vàng như biển, tràn ngập tầng không,
Dòng Ngân Hán lưa thưa mây đọng lại.
Sau trận mưa, ao đài chứa đầy ánh trăng,
Nỗi lòng nơi đất khách khôn xiết vẻ thu!)
Tên nào tên nấy đều mong được một lời tán thưởng, nét cười của mĩ nhân, bèn nhao nhao làm thơ phụ họa. Đáng tiếc là học hành chưa tới, thi ý vụng về, lời thờ tầm thường, có cố chắp thành bài cũng vá chằng vá đụp như miếng giẻ rách không dùng vào việc gì được.
Lúc này Tạng Cẩu mới ho khan một cái, đọc nốt nửa bài thơ:
“ Nguyện bằng thiên thượng thanh quang dạ,
Biến chiếu nhân gian tật khổ sầu.
Trường sử quốc gia đa hạ nhật,
Ngũ hồ quy mộng đáo biển chu. ”
( Dịch nghĩa:
Xin nhờ cái đêm trong sáng ở trên trời kia.
Soi thấu nỗi đau khổ của thế gian này.
Mãi mãi làm cho nước nhà được những ngày nhàn hạ,
Thì giấc mơ quay về Năm hồ sẽ tới được chiếc thuyền con.)
Ý thơ thì không phải nói, vì nguyên bản hai nửa vốn là cùng một bài. Bút lực thì là của cùng một người, nên càng không cần phải bàn thêm. Cả đám nọ vừa nghe xong liền hổ thẹn, tự thấy ý thơ của đối phương siêu phàm, cho dù có kém Thi Thánh Thi Tiên thì cũng không quá xa. Nhất là nửa sau của Tạng Cẩu càng có cái khí khái anh hùng, đau nước thương nòi, quả thực là cao siêu hơn chúng nhiều.
Hồ Phiêu Hương nghe xong, gật gù, đoạn rót rượu mời Tạng Cẩu một chén. Cậu chàng thì vẫn còn áy náy chuyện hai người vay thơ mượn chữ, nên cứ ho khan mãi.
Đám người kia tự cho là học cao, đâu thể vì một bài thơ mà bỏ đi được? Cả bọn bắt đầu ngâm vịnh những bài mình tâm đắc nhất, hi vọng có thể đả động được phương tâm của người ngọc. Nhìn cả đám đứng lố nha lố nhố, tranh nhau lên giọng ngâm thơ, khiến Tạng Cẩu và Hồ Phiêu Hương vừa thấy bực mà vừa thấy buồn cười.
Đoạn, Tạng Cẩu bèn hắng giọng:
“ Các vị đại ca quả là học rộng tài cao, tiểu đệ bái phục. Sẵn có bài thơ này làm lúc rảnh rỗi, mong được các vị bình giảng. ”
Mấy tên thư sinh đều nói lời khiêm tốn, nhưng trong dạ thì âm thầm chuẩn bị tinh thần, hít sâu hóp bụng, quắc mắt căng tai như thể sắp lâm trận vậy. Hồ Phiêu Hương thấy vậy thiếu chút thì phì cười, song chỉ che miệng, liếc mắt về phía chúng một cái. Tức thì cả bọn như ngựa mất cương, tên nào tên nấy đều hừng hực đấu khí. Tạng Cẩu thấy vậy cũng chỉ biết khen là lợi hại, cho dù võ công của cậu chàng có cao hơn nữa, ở phương diện này cũng phải thua dưới một nét cười của Hồ Phiêu Hương.
Tạng Cẩu tằng hắng một cái, cốt yếu là để đỡ xấu hổ, rồi đọc:
“ Trầm thuỷ yên tiêu khách mộng thanh,
Hàn đăng vô ngữ bạng nhân minh.
Ngân hà cảnh cảnh lưu đương hộ,
Hoàng diệp tiêu tiêu lạc mãn thành.
Yểm hoạ trì đài thu trứ sắc,
Thuỷ ngân thế giới nguyệt đa tình.
Khởi nhân nhất bệnh thương hào khí,
Thuỵ khởi cuồng ca tứ bích kinh. ”
( Dịch nghĩa: Khói trầm tan, giấc mộng đất khách cũng tỉnh,
Ngọn đèn xanh làm thinh, sáng cạnh người.
Sông Ngân vằng vặc đã xế ngang cửa,
Lá vàng xào xạc rơi xuống đầy thành.
Mùa thu điểm xuyết bức tranh ao đài,
Vầng trăng đa tình trong lòng nước bạc.
Há vì một cơn ốm mà tổn thương hào khí,
Ngủ dậy hát vang kinh động cả bốn bức vách!)
Kì thực hai bài hai người vừa ngâm… đều là thơ của Nguyễn Phi Khanh.
Té ra Hồ Phiêu Hương biết cậu chàng không ưa thơ ca họa phú, nhưng không dằn mặt thì mấy tên này chẳng để hai người được yên, bèn nghĩ ra kế này. Tạng Cẩu không thích thi ca, nhưng trí nhớ thì quả thực là kinh khủng. Thơ từ mà Nguyễn Phi Khanh ngâm vịnh trong lúc truyền dạy thủ pháp bắn phi châu, cậu chàng nghe qua một lần là nhớ ngay.
Bài trước là Trung Thu Cảm Sự.
Bài sau là Bệnh trung hoài Hồng Châu kiểm chính Nguyễn Hán Anh “Thu dạ” vận.
Cả hai Nguyễn Phi Khanh đều từng ngâm trước mặt Tạng Cẩu rồi, thành ra mới có chuyện hôm nay…
Mấy tên thư sinh rởm tự thấy ý cảnh bài thơ cao siêu, sợ mình nói linh tinh thì chỉ càng thêm xấu mặt, bèn lui cui cáo từ trở về thuyền. Hai người Tạng Cẩu nhìn theo bóng thuyền xa dần, rồi mới quay sang nhìn nhau. Bốn mắt đối diện, in nơi đáy mắt là hình bóng của một thiếu nữ và một thiếu niên…
Đoạn, cả hai cùng bật cười.
Tạng Cẩu nói:
“ Cũng may Hương nghĩ ra kế mượn tạm thơ của bác Khanh, bằng không bảo tớ tự rặn ra thơ lúc ấy, không bằng để tớ ra tay đánh cho cả lũ bỏ chạy. ”
Hồ Phiêu Hương bĩu môi:
“ Còn không phải vì trước giờ cậu lười đọc ấy hả? May mà mấy tên này chỉ là phường giá áo túi cơm, chứ gặp người hay chữ thật thì có mà bể mánh! ”
Tạng Cẩu lại đột nhiên làm mặt nghiêm trang, nói:
“ Nếu tao nhân mặc khách là mấy tên này, tớ thà làm kẻ thất học. ”
“ Cung môn bán yểm kính sinh đài,
Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,
Xuân hoa như hử vị thuỳ khai? ”
( Dịch nghĩa:
Cửa cung khép hờ, lối đi rêu mọc,
Giữa ban ngày mà sâu lặng, ít người qua lại,
Muôn tía nghìn hồng rực rỡ suông mà thôi,
Hoa xuân đẹp như kia vì ai mà nở?)
Hồ Phiêu Hương đột nhiên lim dim mắt, rồi ngâm.
Tạng Cẩu ngẫm thơ thấy là lạ, bèn hỏi:
“ Này, tớ không nhớ bác Khanh từng ngâm bài này bao giờ. ”
“ Tất nhiên là không! Bài này là Cung Viên Xuân Nhật Ức Cựu của Trần Thánh Tông mà. Bác Khanh có vô liêm sỉ như cậu đâu mà đi chép thơ. ”
Hồ Phiêu Hương lè lưỡi trêu, đoạn cố tình rót mấy chung liền cho Tạng Cẩu, nói là phạt. Hai người lại cười một tràng, ánh trăng mờ mờ khảm lên mặt nước, long lanh tan vỡ, khiến bóng hai người hòa làm một.