Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Ngày xuân, tam tôn luận hào kiệt

Dưới trăng, tiên nữ hái hoa sen

1391

Thành Thăng Long đương độ vào Tết về, mưa xuân lất phất ngoài hiên, đào thắm rộ khắp ba sáu phố phường.

Chẳng là năm trước thái thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Quý Li cự giặc Chiêm Thành ở Thanh Hoá, trúng phải kế trá bại của kiêu hùng Chiêm Thành là Chế Bồng Nga chết nhiều tướng binh. Quý Li chạy về xin thêm chiến thuyền, Nghệ Tông bèn cử Trần Khát Chân cầm quân cự địch. Quân Đại Việt thắng to, Bồng Nga tử trận, rửa được mối thù Duệ Tông chiến tử năm nào.

Thành thử dịp Tết năm nay, binh tướng cả nước được cho về nhà ăn Tết những năm ngày.

Hồ Xạ bèn rủ hai anh em kết nghĩa là Hồ Đỗ và Phạm Lục Bình ngồi thuyền dạo hồ Tây. Trên hồ, rợp bóng thuyền to thuyền nhỏ. Tiếng đàn, tiếng ca dẻo ngọt như mứt tết của các ả đào đất Long thành nhẹ nhàng đùa giỡn mặt sóng. Khói trầm từ chùa Trấn Quốc bên hồ phảng ra, thơm ngào ngạt.

Hồ Đỗ đứng ở đầu thuyền chỏ vào một đám hội múa lân bên bờ hồ, tấm tắc:

“ Nè! Chúng bay coi cái đám đằng kia diễn Khổng Lồ sang Tàu kìa. Chẹp, con rết đẹp dữ. ”

Gánh này múa rất nghề, dân đi lễ hay du xuân bâu đến xem đông nượm như nêm. Tay múa chính cạo trọc đầu, mặc cà sa cất giọng đứng giữa tràng múa. Giữa những dải lụa múa xập xình giả làm sóng nước, một con rết thân đỏ lòm do hai ba người cùng múa cứ giãy lên, nhe nanh phun nọc phì phì đe doạ.

Phạm Lục Bình nhẹ giọng:

“ À. Ấy ắt là con lân hồi Trung Thu, được sửa lại một thành con rết thôi. Quốc gia đang buổi khó, vui Tết mà không quên tiết kiệm là đúng, đáng hoan nghênh. ”

Nói xong lại lấy ấm trà ra, tự rót cho mình một chén mà nhấp.

Người diễn Khổng Lồ thấy Ngô Công chồi lên cản, bèn co chân hươ tay, miệng lẩm nhẩm đọc như người ta làm phép. Rồi vung gậy tầm xích, cao giọng:

“ Bớ chư thần Bắc quốc, thiên tử các người đã đồng ý cho ta kho đồng. Hà cớ gì cử Ngô Công đánh lén? Lại tưởng dân Nam ta ít phép đấy chăng? ”

Nói đoạn phất tràng hạt. Ngờ đâu diễn lâu, mồ hôi trơn ướt, khiến chàng hạt văng ngay vào đầu rết.

Xạ thấy vậy nói ngay:


“ Cứ như lần trước ta xem thì phải đến lúc cuối, Khổng Lồ ném tràng hạt ra thì rết mới chết. Lần này còn chưa cao trào mà đã gặp cảnh khép màn, xem gánh múa này giải quyết ra sao. ”

Đột nhiên nảy ra vấn đề, nhưng tay diễn vai Khổng Lồ không núng tí nào. Y hạ chân xuống dậm hai cái, chắc là mật hiệu của gánh hát với nhau, rồi ứng tấu nói:

“ Phật ta có đức hiếu sinh, tràng hạt vừa rồi chỉ là cảnh cáo. Nhược bằng loài rết nhà mi còn không chịu tỉnh ngộ, thì phải ăn một gậy. ”

Ba người đóng con rết biết ý, bèn lắc đầu rết phì phì, tỏ ra giận dữ. Nói rồi một người bỗng cao hứng, lại biết chút chữ nghĩa bèn đáp ngay:

“ Sư An Nam chớ vội cười, ấy là tại mấy hôm trước có con thạch sùng đái vào bát cơm, thánh thượng ăn phải nên còn lẩm cẩm lú lẫn. Đồng đen là kì kim thánh thiết, chỉ có ai ngu si tăm tối mới đem cho đám man di các người. ”

Mọi người nghe xong cười ầm cả lên, biết ngay gánh hát giở trò chọc vua phương bắc.

Mấy đứa làm sóng nước bắt đầu chạy nhanh, lụa xanh uốn khúc liên hồi thể hiện biển cả cuộn trào càng dữ. Phía nhà bè lại cho nổi trống thùng thùng dồn dập thêm, đốt pháo giả làm tiếng sét nổ.

Đùng! Đùng! Đoàng!

Pháo nổ giòn tan, chỉ thiếu một chút là bằng tiếng cười của đám trẻ đang đứng xem.

Sau đó người diễn Khổng Lồ vung gậy tầm xích, đánh một hồi với rết. Hai bên quần nhau dữ dội. Thế rồi mọi thứ lại trở về với kịch bản y như trong truyện cổ. Con rết thua, ôm đầu lặn mất. Khổng Lồ đem đồng về nước, đúc ba món bảo vật cho phật môn nước nam. Riêng cái chuông đồng thì không giữ được, bởi chuông vừa đánh thử một tiếng, vàng bạc từ các nước lân bang mà cụ thể là con trâu vàng trước cửa kho đồng Trung Quốc đã ba chân bốn cẳng chạy sang Đại Việt.

Cuối vở diễn, Khổng Lồ ném chuông xuống hồ tây, rồi lấy một con trâu bằng giấy sơn vàng thả xuống hồ. Nước hồ ngấm vào khiến con trâu mủn dần ra, rồi theo sự dập dềnh của làn sóng mà tan ra, hoà vào làn nước trong xanh cùng với ánh mặt trời.

“ Từ ấy, hồ Tây, hay đầm Xác Cáo còn có tên nữa là hồ Kim Ngưu. Về cái tên đầm Xác Cáo, thì ngay ngày mai chúng tôi sẽ diễn vở Long Quân diệt Tam Tinh để giải thích. Mong bà con chòm xóm nhớ ghé lại đón xem… ”

Người dẫn truyện đệm một câu kết thật êm, rồi các nghệ nhân chính kéo nhau lên chào khán giả.

Ba người Hồ Xạ cũng vỗ tay tán thưởng, đoạn ghé thuyền vào sát bãi sen nghỉ chân. Nay sen đang vào độ khép bông, phải hai tháng nữa mới lại có hoa về. Hồ Xạ đón chén trà của Lục Bình, vừa nhấp vừa thưởng cảnh. Thứ trà xanh ướp theo phương pháp bí truyền của danh tướng Phạm Ngũ Lão, ngửi chỉ thoang thoảng nhẹ nhàng mà nếm rồi thì cứ thơm tho ngấm cả vào gan ruột. Cả đám ngồi hóng gió một lúc, sau lại kéo nhau lên bờ, ghé vào hàng nước của một lão làm thêm miếng trầu cho thơm miệng.

Bà lão hàng nước miệng bỏm bẻm nhai, môi đỏ những nước trầu. Thấy ba người lên bờ, nhìn phục trang và cách đi đứng thì đoán là quân nhân đang nghỉ Tết, bèn đặc biệt têm cho ba miếng trầu cánh phượng. Lão đưa trầu qua, lại nhắm mắt khẽ ngửi hương trà còn vương lại trên áo ba người, khen

“ Chè của mấy chú ngon ghê, già mà đem thứ tầm thường này ra thì phải xấu hổ. ”

Hồ Xạ và Lục Bình từ tạ một cách khiêm tốn, chỉ có Hồ Đỗ là oang oang cười, nói:


“ Bà cụ này có cái mũi khá ghê, nói chẳng phải khoe chứ trà của thằng em tôi phải ngon nhất nhì cái xứ Kinh Bắc này rồi. Thôi, cụ có rượu đó không cho tôi xin hai đồng uống đỡ lạt miệng. Từ sáng đến giờ toàn chè là chè, chưa được giọt cay cay nào vào mồm đây. ”

Bà lão đon đả rót luôn cho Đỗ một bát to. Y không nói không rằng bưng lên uống một hơi cạn sạch. Cụ nức nở:

“ Chú này uống rượu khá quá, hơn đứt ông già nhà tôi. ”

“ Rượu ngon thế này mà cụ ở nhà không uống được hơn gấp mười thằng Đỗ này ấy à? Cụ tự ủ đúng không? ”

Có câu miếng trầu là đầu câu chuyện. Bốn người nhai trầu, tán gẫu một hồi, lại quen thân hơn.

Được một chốc, bỗng có một nhóm ba bốn thanh niên ghé quán. Trông dáng vẻ thì hình như là người từ trấn khác đến Thăng Long. Họ kéo băng ghế đối diện nhóm Hồ Xạ, gọi thêm xị rượu rồi giở cân thịt đem theo ra nhậu. Tết nhất, chẳng mấy nơi mở cửa làm ăn. Chỉ có quán nước của bà lão này là vẫn bán. Cả đám mới rủ nhau ghé lại mua rượu nhậu chơi cho qua bữa trưa.

Bà cụ hàng nước vừa ngồi têm trầu, vừa hỏi:

“ Nghe cụ nhà ta giải ngũ về, hay kể tên Chế Bồng Nga người Chiêm là một vị vua kiệt xuất. Chẳng những anh dũng thiện chiến, cầm binh như thần, lại khéo léo trong việc trị quốc an dân. Vốn là già không tin. Song từ khi hắn dẫn quân đánh vào Thăng Long được tới bốn lần thì cũng hơi hãi. May mà y đã chết. Nay có các vị tướng lĩnh mới từ chiến trường về, có thể để già thoả trí tò mò được chăng? ”

Nhóm Hồ Đỗ chưa kịp tiếp lời, thì bỗng phía bàn đang nhậu có người lên tiếng:

“ Chế Bồng Nga là cái thá gì? So với trang chủ Bách Điểu Sơn Trang bọn ta thì chỉ đáng xách dép! ”

Năm ấy Hồ Đỗ, Hồ Xạ với Lục Bình chỉ có mười sáu tuổi, nóng nảy thành tính, hiếu thắng nổi danh cả cái đất Thăng Long này. Ba người nghe đối phương tâng bốc trang chủ của mình lên, giống như nói kháy quân nhân bọn họ là lũ giá áo túi cơm vậy. Thế là máu trong người cứ sôi lên sùng sục.

Phải nhắc tới chuyện trong quân ngũ nhà Trần thời ấy, hung danh của Chế Bồng Nga thịnh tới độ Lê Quý Li nghe thấy cũng phải kiêng dè bốn phần. Y cầm quân chiếm Thăng Long tới bốn lần, trận chiến ở thành Đồ Bàn còn giết chết cả Trần đế thời ấy là Duệ Tông. Trên chiến trường y hung hãn như mãnh hổ, nơi trướng bồng lại nham hiểm tựa hồ li. Có thể nói, ngoại trừ nhà Minh hùng cứ ở phương bắc thì Chế Bồng Nga đích thị là đại địch của nhà Trần khi ấy.

Hồ Xạ nhếch mép cười khẩy, phản pháo ngay:

“ Vòm trời của con ếch đúng là mãi mãi chỉ bằng miệng giếng. ”

“ Mày nói cái gì? ”

Đám người Bách Điểu Sơn Trang đập mạnh vào mặt bàn, đứng phắt dậy. Sơn trang Bách Điểu là một phái rất mạnh của bạch đạo, hùng cứ cả một trấn Thái Nguyên. Đến cả quan phủ cũng sợ bọn họ một phép, gặp dịp đến chầu trang chủ cũng phải khiêm nhường lễ độ chứ không dám hách dịch như bình thường.


Đệ tử sơn trang đi lại trên giang hồ, được cả nể, đâm ra coi trời bằng vung. Nhân sĩ võ lâm cả trấn Thái Nguyên nể mặt trang chủ bọn họ, nên mới không chấp nhặt. Thế là lâu dần thành quen, nay được cử đến Thăng Long nhưng vẫn giữ thói cũ.

Phía bọn Đỗ, Xạ cũng tuốt ngay khí giới khỏi vỏ. Phạm Lục Bình nắm Thư Hùng kiếm, đầu đen gác sau lưng. Hồ Xạ với tay mó lấy ống tên, những ngón tay đặt vào phần lông vũ ở đuôi tiễn. Hồ Đỗ ngày ấy còn chưa học được thần công của Lý Thân. Y thủ thế dùng một thanh đao to bản, dài chừng ba thước ta.

Thấy đám Hồ Đỗ muốn chơi cứng, đám người Bách Điểu sơn trang cũng rút luôn binh khí ra đeo vào tay. Binh khí độc môn của sơn trang là Kê Trảo, ấy là một loại bao tay có gắn ba lưỡi dao hẹp và dài, nhọn hoắt như cựa gà chọi.

Bà lão bán quán thấy chỉ vì một câu hỏi vu vơ của mình mà hai bên đột nhiên gay gắt như chó với mèo như nước với lửa, thì chột dạ. Bà lão vội lên tiếng van lơn:

“ Tôi lạy các cậu, các cậu cho tôi xin. Thanh niên các cậu sức dài vai rộng, các cậu để bà già này kiếm miếng cơm manh áo đi. ”

Cả đám nghe vậy mới ngừng tay, cũng thấy thương bà lão già cả, ngày Tết mà còn ngồi đây bán quán. Bên phía Bách Điểu Sơn Trang hất cằm, thách:

“ Canh hai đêm nay có dám tái đấu ở chỗ này không?? ”

“ Chỉ sợ chúng mày chạy! ” – Hồ Đỗ trầm giọng, từ từ nhét đao trở vào vỏ.

Xong xuôi, hai bên trả tiền cho bà hàng nước rồi tản đi, hẹn ai mà thua sẽ phải dập đầu xin lỗi và đền đối phương một cân bạc trắng.

Vụ lùm xùm với đám người Bách Điểu Sơn Trang cũng khiến ba người Hồ Xạ cụt hứng, chẳng muốn nhàn rỗi du xuân nữa. Thấy mặt trời cũng bắt đầu đứng bóng, Phạm Lục Bình bèn kéo hai người kia về nhà, định bụng sẽ làm bữa cơm ăn cho chắc bụng tối còn ứng chiến.

Cả ba vừa chạm gót tới ngõ, thì đã thấy ngoài cổng có buộc một thớt chiến mã. Da bóng, bốn chân cứng cáp. Ấy ắt là loại chiến mã có thể phi qua đèo, băng qua suối mà cứu chủ nhân.

Phạm Lục Bình thầm nghĩ:

[ Từ khi cụ cố mất, nhà mình không có ai ra làm quan (*) cả. Không biết con ngựa này của ai. ]

Hồ Xạ cũng phát hiện sự lạ, âm thầm cảnh giác. Chỉ có Hồ Đỗ là vỗ đánh đét vào mông ngựa, liếm mép:

“ Con này mà thịt lên chắc ngon lắm. Miếng nào miếng nấy chắc nình nịch thế này cơ mà. ”

Con chiến mã như nghe hiểu tiếng người, đột nhiên tung vó đá hậu đánh bốp một cú ngay giữa bụng Hồ Đỗ. Chiến mã rất khoẻ, Hồ Đỗ ăn một đạp xong, bay đánh vèo ra sau rồi ngã lăn kềnh ra đất. Y ôm bụng, kêu không lên tiếng, phải lăn lê dưới đường một lúc mới đứng lên được.

Cũng may là Đỗ da dày thịt béo, nên không tổn hại nội phủ. Hai người kia cười lăn, vội vàng đỡ hắn lên dìu vào nhà.

Lúc này ở gian khách phòng đã có một người thanh niên tuổi chạc hai mươi đang ngồi nói chuyện với Phạm phu nhân. Hai chén trà đặt ở giữa hai người hãy còn toả khói nghi ngút. Thanh niên ấy vận một bộ giao lĩnh màu xanh tím, thắt lưng buộc cẩn thận, đầu vấn khăn vuông.

“ Lục Bình, về rồi hả? Ngồi xuống đây tiếp khách. ”


Phạm phu nhân thấy bóng con ngoài cổng, vội vàng đứng dậy gọi vọng ra. Phạm Lục Bình ra dấu nhắn Hồ Đỗ Hồ Xạ tự mình đi ra phía gian sau, bởi Phạm phu nhân không thích hai người này lắm. Bà muốn con mình phải giao du với những bậc quyền cao chức trọng, tài nghệ siêu quần trong quân để sau này còn thăng tiến.

Lục Bình tiến gần, nay mới có cơ hội được nhìn kỹ người thanh niên nọ. Trông y rất đỗi anh thư quắc thước, mày kiếm sắc và thanh, đôi mắt sáng như mắt cú vọ. Dù dùng lễ vãn sinh để đối đáp Phạm phu nhân, nhưng từng cử chỉ lời lẽ của y vẫn mang một chút phong độ của bậc đại tướng. Chỉ tiếc là nét kiêu ngạo trên khoé môi thì không giấu được.

Biết người này xuất chúng, Phạm Lục Bình cũng không dám quá thờ ơ. Y lục lọi trí nhớ mình xem dạo gần đây trong quân có vị tướng tài nào trẻ tuổi như vậy hay không, và một cái tên xẹt qua đầu y.

Phạm phu nhân thấy con không nói gì, bèn mở lời:

“ Cháu nó là vậy đấy, kiệm lời lắm. Lục Bình á, chắc con biết tướng quân Trần Khát Chân rồi, mẹ đoán là không cần giới thiệu lại đâu. Hai người cứ thong thả chuyện trò việc công việc nước, bà lão này là phận nữ nhi góc bếp không tiện nhiều lời. ”

Trần Khát Chân chắp tay, cúi mình:

“ Phạm phu nhân chờ chê cười, Khát Chân may mắn lập công mới được đề bạt. Bản thân tôi luôn lấy Điện Suý thượng tướng làm tấm gương để noi theo, nhưng phúc bạc chưa có dịp may được diện kiến con cháu của lão anh hùng Phạm Ngũ Lão. ”

Phạm phu nhân khách sáo lại mấy câu, rồi lui.

Còn lại mỗi hai người với nhau, Phạm Lục Bình mới cau mày, hỏi:

“ Anh hùng đánh bại Chế Bồng Nga hôm nay đến tìm tên tiểu tốt tầm thường này, thật đúng là rồng đến nhà tôm, khiến tệ xá bừng sáng… nhưng thôi, kẻ ngu này không nhìn ra mục đích chính xác, song cũng mạo muốn phán đoán rằng Trần Khát Chân anh cũng không tìm đến chỗ tôi để nghe mấy lời khách sáo hoa mĩ này đâu. ”

Trần Khát Chân thu lại vẻ tươi cười cung kính, bình thản:

“ Không hổ là con cháu Phạm lão tướng quân. Người như Lục Bình mà phải làm một tiểu tốt vô danh chẳng phải hoang phế tài năng lắm ư? ”

“ Ý tướng quân đây là? ” – Phạm Lục Bình nheo mắt lại, vẻ cảnh giác.

“ Lê Quý Li được thánh thượng trọng dụng, song lòng có vẻ còn có dị tâm chứ không hết dạ phụng sự thánh thượng. Chi bằng chúng ta hành thích lão ta, giúp Nghệ Tông bệ hạ nhổ đi một cái gai trong thịt. Khi ấy chẳng những ta có tiền đồ vô lượng, mà con đường thăng tiến của Lục Bình cũng thênh thang. ”

Trần Khát Chân nhấp một ngụm trà, mắt nhắm lại.

(*) Đính chính: hậu nhân của Ngũ Lão sau đầu quân cho nhà Tây Sơn là Phạm Ngũ Thư, ở đây sẽ được đồng nhất với Phạm Lục Bình. Để giải quyết hiện tại có 2 cách:

_ Đổi tên, sau khi nhà Hồ diệt vong.

_ Biến Lục Bình thành nhân vật hư cấu xây dựng dựa trên hình ảnh nhân vật có thực trong sử Việt ( giống trường hợp của Lí Tồn Hiếu trong thuyết Đường).

Cảm ơn vì đã đọc


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận