Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Bà Thương thở dài…

Bà cũng hiểu tại sao ông phải đi đường vòng chứ không thể nói thẳng cho con gái được. Lúc này cô nàng Phạm Ngọc Trần phải vào cái tuổi nửa cô nửa bà, sẽ nghe lời cha mẹ hay sao? Chẳng phải trước đây ít lâu, thì Lê Lợi con bà cũng y như thế, bà Thương không lựa lời dạy được mới phải bày vẽ ra cả một chuyện Hóa Châu dài dằng dặc đến thế hay sao?

Tuy nhiên, bà lại không tính tới rằng thằng quý tử nhà mình lại thực sự dẫn dân tạo phản, rốt cuộc chẳng ai còn sống cả.

Không biết có phải quả báo do ông trời trừng phạt không, mà bệnh hen của bà cũng vì thế mà ngày một nặng.

Hổ Vương nhìn bà ho khùng khục, thở dài lấy từ trong bọc ra một ít thuốc thang, nói:

“ Ở đây có ít đồ bổ, chị chú ý giữ gìn sức khỏe. ”

Ông chặc lưỡi một cái, lại tiếp;

“ Biết sức chị thế này, thì em đã vác luôn thằng Lợi về, coi như một công đôi việc. ”

“ Sao mà thế được? Thằng Lợi còn đang ở tiền tuyến đánh giặc, mà đang buổi nước lửa giằng co ác liệt. Nó mà quay về, tôi không nhìn mặt đâu! ”

Bà Thương nói xong, lại gập người ho.

Hổ Vương biết tính bà, bèn đổi qua chuyện khác:

“ Đứa học trò em gửi lại đây thế nào rồi chị nhỉ? ”

“ Thằng Lê Lai phải không? Mắt nhìn người của bác được đấy. Nó là người trung hậu, lại nhanh nhẹn tháo vát. Bây giờ chắc đang ở chỗ thằng Nguyễn Xí đấy. ”

Bà Thương chậm rãi.

Hai người lại nói mấy chuyện linh tinh, rồi Hổ Vương mới bảo:

“ Lợi hãy còn một người anh, tuy là cậu ấy chậm một chút, nhưng lúc này còn đang được một lúc yên ả thì chị cũng nên giao bớt việc cho cậu ta, để con được báo hiếu cho mẹ. Chứ chị lao lực thế này, em lo lắm. ”


Bà Thương bèn nói:

“ Lê Trừ không có lòng tham quyền thế, giao việc cho nó thì cũng yên tâm. Nhưng mình không sợ kẻ trên có hai lòng, chỉ sợ người dưới có dạ khác, lúc ấy Lam Sơn chia năm sẻ bảy, mỗi phe thờ một người, tự nhận làm chính thất thì đúng là chuyện tai hại. ”

Hổ Vương nghe thì nhíu mày, đoạn cũng cười:

“ Té ra không phải mình em thấy Hậu Trần không phải bậc chân mệnh thiên tử. Nay chị đã sắp xếp như vậy, cũng tức là cách làm của nhà đế vương, hẳn là đã định Lê Lợi là thái tử rồi đây. ”

Câu này ông dùng công phu truyền âm, tiếng nói chỉ như tiếng muỗi, đặng tránh tai vách mạch rừng.

Hổ Vương tuy không sợ, song Lam Sơn vẫn thuộc vào Đại Việt, vẫn phải chịu sự quản hạt của vua. Ngộ nhỡ những lời đại nghịch này bị truyền ra, thì thực không có chuyện gì tai hại hơn.

Bà Thương bèn cười, đoạn nói:

“ Bác Lãm đã đến thì hãy thư thư mấy ngày, tôi nay đau bệnh triền miên không tiếp lâu được, xin về nghỉ trước. ”

Hổ Vương dậy đỡ bà, thì thấy bà đã ghé tai ông nói nhỏ:

“ Chuyện bác nói chị cũng đã đoán được. Công bằng mà nói, Trùng Quang hay Giản Định nếu có nhân tài như Đặng Dung, Đặng Tất, Cảnh Dị, Cảnh Chân phù trợ thì làm vua thời bình không phải là chuyện không thể.

Tiếc là thời nay loạn lạc nhiễu nhương, mà hoàng đế nhà Đại Minh là kẻ đại trí, tâm cơ sâu không thấy đáy. Muốn đấu lại với hắn, một vua bình thường là không đủ, mà phải là bậc minh quân sáng suốt hơn người. Đáng buồn là cả Trùng Quang lẫn Giản Định đều chưa được, trăm họ còn phải lầm than thêm mấy năm. Chỉ tiếc cho bậc kì tài như cha con Đặng, Nguyễn Cảnh. ”

“ Thời loạn thờ nhầm chủ, như lấy bảo kiếm đi cày, đao báu đập sắt. Rốt cuộc cũng gãy đôi, dã tràng xe cát. ”

Hổ Vương cũng nói.

Lại nói đến Phạm Ngọc Trần.

Trước những lời lẽ gay gắt của Đinh Lễ, cô nàng tỏ ra chán nản, nhưng lại không muốn đi tìm cha, càng không muốn tới chỗ Nguyễn Xí tìm Lê Lai vì thể nào cũng chạm mặt Đinh Lễ. Cô nàng nghĩ mãi, rồi cũng đi tìm Ngọc Lữ tỉ tê chuyện trò.


Trịnh Ngọc Lữ thấy cô nàng tự nhiên lại đến tìm mình, đoán là giữa Ngọc Trần và Đinh Lễ lại có chuyện xảy ra. Thành thử cả buổi tối, cô cứ để Ngọc Trần kể chuyện mình, bản thân thì chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng lắm Ngọc Lữ mới chêm vào hai ba câu để đưa chuyện.

Ngọc Trần uống cạn chén trà đặc, lại nhìn trăng, nói:

“ Nãy giờ em kể phần em nhiều rồi, chị cũng nói phần chị đi. Sao mà chị với anh Lợi lại phải lòng nhau vậy? ”

Trịnh Ngọc Lữ hơi đỏ mặt, song cũng lần lượt thuật lại ngắn gọn chuyện hai người gặp nhau ở Khoái Châu ra sao, Lê Lợi uất ức kêu gọi dân phu lao dịch phản kháng thế nào, rồi thất bại thảm thiết đến mức nào…v.v…

Phạm Ngọc Trần nghe xong, kinh ngạc thốt lên:

“ Té ra còn có chuyện này. ”

Đoạn, cô nàng lại kéo áo Ngọc Lữ, nói:

“ Thế thì em lại thấy lạ. Khởi điểm của anh Lợi thấp như thế, Lam Sơn hào kiệt như mây, sao lại lọt vào mắt xanh của chị được? ”

Thì nàng bèn cười:

“ Phải rồi, lúc đó chàng quả thực rất tệ, văn võ đều không bằng người, hành sự lại nhanh nhảu không cân nhắc được mất. Thế nhưng, chàng làm được một chuyện người trong thiên hạ không ai làm nổi. ”

“ Chuyện gì? ”

Phạm Ngọc Trần không khỏi thấy tò mò.

Rốt cuộc là chuyện kinh thiên động địa cỡ nào mà khiến cho Trịnh Ngọc Lữ nói rằng trên cả thế gian không ai làm nổi?

Trịnh Ngọc Lữ không trả lời ngay, mà lại hỏi:

“ Thế cô Trần có biết lúc tôi vừa mới cứu chàng khỏi chết vì đòn roi sai dịch ở chỗ mỏ đá, chàng đã nói gì không? ”


“ Nói gì? ”

Ngọc Lữ bèn tiếp:

“ Lúc ấy những người dân lao dịch này cũng không tốt đẹp gì lắm. Ma cũ bắt nạt ma mới mà. Anh chàng bị đánh nhừ xương, lại bị dân đen tranh thủ lấy hết phần cơm, vừa đau vừa đói. Sau khi được chị chữa khỏi cho, anh chàng bực lắm, định bụng mặc kệ đám dân khổ sai ở đây. ”

Phạm Ngọc Trần nghe thế, không khỏi nghi ngờ mà hỏi:

“ Tự tư như thế thì có gì là khó, mà chị bảo cả thiên hạ này không ai làm được? ”

Trịnh Ngọc Lữ cười, đáp:

“ Để yên chị kể tiếp cho mà nghe. Lúc ấy chàng rủ chị đi trốn cùng, nói rằng có cao thủ đang làm việc ở gần đây, xong công chuyện sẽ đến đây giải cứu. Chị bèn hỏi: “ tại sao có bao nhiêu người ở đây mà chỉ chịu cứu mình tôi? ”. Thì chàng đáp rằng: “ Người ta kính tôi một thước, thì tôi kính lại một trượng. Cả một xóm này chỉ có chị tốt với tôi, tôi không nỡ nhìn chị ở lại đây chịu cảnh phu phen. Chốn này lại rồng rắn lẫn lộn, chỉ e ”. Chàng nói đến đây thì ngừng, không nói lời xui xẻo. ”

Phạm Ngọc Trần nhủ bụng:

[ Mình vẫn chẳng thấy có gì đặc biệt cả… Hay là đây là yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng? ]

Nhưng lần này cô nàng không xen vào nữa, mà yên lặng ngồi chờ.

Trịnh Ngọc Lữ bèn nói tiếp:

“ Lúc ấy, chị bèn nói với chàng: “ Cậu chưa kính người khác tí nào, đã đòi người ta kính nể mình một thước, có phải buồn cười không? Nếu người ta cũng nghĩ như cậu, cậu kính người ta một thước, người ta kính lại một trượng… thì không phải người ta đối xử với cậu như vậy là chuyện hiển nhiên hay sao? ”.

Chàng nghe xong thì không nói gì, nhưng từ hôm đó trở đi, chàng ta cẩn thận theo dõi những người bị bắt làm phu dịch ở đấy, cũng thu liễm cái kiêu ngạo của cậu lớn Lam Sơn lại. Quả nhiên sau vài ngày, thái độ của mọi người với chàng cũng thay đổi, mà chàng cũng chậm rãi quyết định chuyện nổi lên làm loạn.

Một mặt thì chàng thuyết phục người dân, đánh thức tôn nghiêm của họ, mặt khác thì lại len lén đến sau làng, để kí hiệu lại cho cao thủ kia – cũng tức là Ngũ Thư. ”

Phạm Ngọc Trần nói:

“ Anh Lợi chuẩn bị sẵn đường lui cho mình phải không? ”

Ngọc Lữ bèn lắc đầu, cười đáp:

“ Ngược lại là khác. Chàng cố tình để lại một tin tức giả, là bản thân đã về Lam Sơn trước, Phạm Ngũ Thư không cần phải đến đón. Lúc chị phát hiện chuyện này, phải âm thầm báo lại cho y, bằng không giờ chị thành quả phụ rồi đấy. ”


“ Anh ta tự chặt đường lui của bản thân??? Thế thì càng ngốc, chứ ưu tú ở chỗ nào?? ”

Trịnh Ngọc Lữ lắc đầu, nói:

“ Ấy mới là điều đáng quý. Em thử nghĩ xem, những người lao dịch khổ sai đó với chàng không thân không thích, cũng chẳng ai có tài võ tài văn đủ sức cáng đáng chuyện gì lớn lao to tát cả. Nếu như xét lợi và hại, thì chàng có cứu họ cũng chẳng ích được cái gì. Chàng không cứu họ, thì cũng chẳng mất cái chi. Trước sau gì chàng cũng có Ngũ Thư đón về Lam Sơn an toàn. Đúng không? ”

“ Chuyện này… ”

Phạm Ngọc Trần tự hỏi lòng, nếu như bản thân ở vào tình thế như Lê Lợi, sẽ làm thế nào.

Câu trả lời là… nàng không biết.

Nàng không biết tại sao phải đặt bản thân vào vị thế của Lê Lợi.

Ngọc Lữ bèn nói tiếp:

“ Sở dĩ chàng tự cắt đứt đường lui, là bởi tự biết bản thân lúc ấy chưa đủ văn tài võ lực gánh vác trọng nhiệm. Nhưng… nếu như trong vô thức biết bản thân vẫn còn đường rút, thì liệu có hết lòng cầu thắng hay không? Lê Lợi làm vậy, là tự đặt bản thân vào thế “ không thắng không được ”… Bởi nếu chàng thất bại, thì những người đi theo đều sẽ chết. ”

“ Và anh ta thất bại thật? ”

Lúc hỏi câu này, ánh mắt Phạm Ngọc Trần hơi sáng lên, như thể có chút mong chờ.

Đáng tiếc, câu trả lời của Ngọc Lữ lại không giống như những gì cô đang muốn nghe.

“ Đúng vậy. ”

Nàng thở dài, đoạn nói:

“ Dựa vào một nhúm khổ sai, sao mà đánh lại quân Minh thiện chiến? Kết cục không nói cũng biết, để răn đe, bọn chúng kéo quân đến đàn áp, lùa hết nông phu nổi loạn ra đồng rồi cứ thế mà thảm sát. ”

Như thể nhớ lại cảnh đồng thây suối máu khi đó, Trịnh Ngọc Lữ khẽ rùng mình một cái.

Phạm Ngọc Trần cũng hít một hơi thật sâu, rồi hỏi:

“ Thế thì làm sao mà anh ta thoát thân được? ”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận