Uyển Mẫn không ngờ mình sẽ trở thành hàng xóm của Uông Hiểu Mạn.
Uông Hiểu Mạn vốn muốn chuyển sang khu nhà mới nhưng không thành công, chỉ đành ở lại căn nhà cũ đã được phân.
Có điều nhà của chị ta rộng rãi hơn nhà Uyển Mẫn, có hai gian trong ngoài.
Vừa tan ca làm là Uyển Mẫn đã đi xem nhà, đúng lúc gặp Uông Hiểu Mạn đang làm món sườn xào chua ngọt ở nhà.
Nhà chị ta dùng bếp gas, khi ấy bếp gas vẫn chưa phổ biến lắm, nhiều nhà vẫn còn dùng than củi để nấu cơm.
Uyển Mẫn liếc qua một loạt bệ bếp ngoài hành lang, từ bỏ ý định nấu cơm tại nhà.
Cửa nhà họ Uông để mở, TV trong phòng đang chiếu bộ phim “Cô gái bán hoa”.
Hiện giờ các chương trình truyền hình rất khan hiếm, TV ngoài tin tức ra thì cũng chỉ phát vài bộ phim điện ảnh hoặc một số tiết mục hí kịch cũ.
Cái TV kia được mua bằng phiếu mà Uyển Mẫn đưa cho.
Đổi lại, anh trai cô được vào phòng truyền thông của xưởng may mũ.
Uông Hiểu Mạn cũng không ngờ mình sẽ là hàng xóm với Uyển Mẫn.
Chị ta vốn đinh ninh chồng của Uyển Mẫn rất có năng lực, ít nhất cũng có một căn nhà riêng.
Bây giờ xem ra chị ta đã đánh giá cao chồng của Uyển Mẫn rồi.
Chỉ là, với chức vụ và tuổi nghề của Uyển Mẫn hiện nay, sao có thể được phân nhà ở chứ?
Chị ta nghi hoặc đánh giá Uyển Mẫn một lượt từ trên xuống dưới, bị thu hút bởi chiếc đồng hồ trên tay cô.
Uông Hiểu Mạn rất quen thuộc với các kiểu dáng đồng hồ hiện có ở trên thị trường, trong đó chẳng có loại nào là giống với cái Uyển Mẫn đang đeo cả.
“Uyển Mẫn, đồng hồ này của cô là làm từ xưởng nào thế?”
“Em không biết, đây là nhà em đưa em.”
“Cũng là hàng ngoại quốc à?”
“Em cũng không rõ lắm.”
Uyển Mẫn lấy chìa khóa mở cửa nhà mình.
Bức tường sơn trắng đã ố vàng theo thời gian, sơn trên cửa kính cũng bong tróc hết.
Uông Hiểu Mạn đứng ngoài nói chuyện với cô, giọng điệu dò xét: “Sắp tới cô sẽ chuyển đến đây ở hả?”
Uyển Mẫn vừa nói “vâng” vừa lên kế hoạch bài trí nhà cửa trong đầu.
Một căn nhà bé như vậy, xây tường chia đôi là bất khả thi, cho dù có phân ra thành hai gian cũng chỉ có thể dùng rèm ngăn cách, hơn nữa kê xong hai cái giường đơn là hết chỗ.
Cho dù ngăn được hàng xóm như Uông Hiểu Mạn vào thăm nhà thì cũng không thể ngăn được người thân, mà vợ chồng mới cưới lại ngủ hai giường thì kiểu gì cũng sẽ khiến người ta nghi ngờ.
Vẫn phải đặt giường đôi thôi.
Bởi vì Mục Vân Phong mãi không quay lại nên Uyển Mẫn đành phải báo cáo thật chuyện anh đi Đường Sơn với cha mẹ.
Cha Mẹ Uyển không yên tâm về Mục Vân Phong, lại càng thương con gái hơn, bảo cô tạm thời cứ ở lại nhà, chờ Mục Vân Phong trở về rồi chuyển nhà sau cũng được.
Song Uyển Mẫn vẫn cho rằng mình nên chuyển tới nhà mới.
Chuyển sớm còn kịp bố trí, hơn nữa nhà này cũng chật, cô mà ở thì anh trai chỉ có thể nằm giường xếp ở bên ngoài, sinh hoạt của mọi người đều bất tiện.
Uyển Mẫn vốn định tự mình sơn lại nhà, nhưng cô vẫn còn chưa kịp động tay thì Uyển Đình đã nhân lúc tan làm mà đi mua bả về trát tường lại cho cô.
Khung cửa sổ màu trắng cũng là anh trai sơn giúp cô.
Nhà của cô nhỏ, chỉ thoáng chốc đã sơn xong.
Uyển Đình đưa cô một bao lì xì, xem như lễ mừng cưới muộn.
Uyển Mẫn ước lượng chiều dài vào độ dài của bao lì xì, đoán chừng đây là tất cả tiền lương mà anh trai mới được phát, còn chưa nóng tay đã đưa cho cô.
Uyển Đình mới đi làm được có một tháng, chỉ sợ chỗ tiền này còn có cả toàn bộ tiền tiết kiệm của anh nữa.
Uyển Mẫn dúi lại bao lì xì vào tay anh: “Anh đừng có mà làm biếng, em không cần tiền, anh đi mua đồ cho em.” Cô lập tức đề ra yêu cầu, muốn Uyển Đình mua vải lanh trắng để cô may rèm giường và rèm cửa.
Cha Mẹ Uyển thương con gái nhỏ, chuẩn bị lấy tiền dành dụm ra mua một ít đồ dùng tạm thời cho cô.
Hai người lên một danh sách các loại dụng cụ làm bếp, từ bình gas, nồi xào, chảo rán đến các loại dao thái rau, dao gọt hoa quả… Những thứ này nhìn qua chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cộng lại thì cũng không ít tiền.
Uyển Mẫn cũng không định tự nấu cơm.
Chỗ nấu nướng quá chật chột, tiền sắm linh tinh lại nhiều, tốt nhất cứ ra nhà ăn cho tiện.
Thỉnh thoảng muốn ăn một bữa cải thiện thì cũng chỉ cần một cái bếp điện nhỏ là đủ.
Song cô biết mình sẽ không thể thuyết phục được cha mẹ.
Bọn họ cố cấp cho rằng, một cái nhà mà không nổi lửa thì không thể nào gọi là một cái nhà được.
Cô nói với Mẹ Uyển đang quản lý tài chính cả nhà: “Mẹ cứ đưa tiền cho con, để con tự đi mua là được rồi, đồ mẹ mua chưa chắc con đã thích.”
Mẹ Uyển cảm thấy con gái nói cũng có lý, bèn đưa Uyển Mẫn toàn bộ số tiền bà giữ làm của hồi môn cho con.
Bà nói: “Cái đài này con cũng mang đi đi.”
“Mẹ với cha cứ giữ lấy mà nghe, con đâu thể nào về quét sạch nhà mình thế được.”
“Cái đài này vốn là Tiểu Mục mua mà.
Nó nhờ cha con đưa con, cha con…”
Mẹ Uyển không cần nói hết thì Uyển Mẫn cũng đoán được.
Lúc ấy cô đang qua lại với Diệp Phương, vì không muốn phá hỏng mối nhân duyên tốt của cô nên cha mẹ cô nói dối.
Nhưng khi đó cho dù cô có biết đài là Mục Vân Phong đưa thì cũng chẳng thay đổi được gì.
Nhiều lắm là cô sẽ mang đài đi trả, như vậy Mục Vân Phong cũng chẳng nghèo tới mức phải đi bán áo khoác.
Tất cả đồ đạc mà Mục Vân Phong để lại cô đều cất chung trong một cái hòm sắt.
Cô tôn trọng sự riêng tư của anh, không hề lục xem, nhưng vừa ước lượng độ nặng là cô đã biết áo khoác không còn nữa rồi.
Uyển Mẫn đưa lại cho Mẹ Uyển một khoản tiền đủ để mua một cái máy may mới: “Máy may ở nhà con sẽ mang đi, mẹ mua lại cái khác nhé.”
“Không cần đâu, mẹ vẫn còn tiền mà.”
“Anh trai con năm nay cũng lấy vợ, mẹ còn nhiều việc phải tiêu tiền lắm.”
Ngày Chủ nhật, Uyển Mẫn tới ngân hàng từ sáng sớm, gửi tiết kiệm không kỳ hạn toàn bộ số tiền Mẹ Uyển đưa cho cô, chỉ giữ lại ba mươi tệ.
Chỗ tiền này là để đề phòng trường hợp khẩn cấp, cô cũng không định dùng ngay.
Ra khỏi ngân hàng, cô liền qua chợ đồ cũ, lựa mua hai cái giường tầng, lại bỏ thêm một tệ để mua một cái bàn dài đã tróc sơn rồi nhờ người chuyển tới nhà mới của cô.
Hai cái giường xếp được cô đặt bên cạnh nhau, mặt dài hơn kê sát tường.
Chẳng mấy chốc nhà mới của Uyển Mẫn đã bố trí xong.
Hai vợ chồng già nhà họ Uyển qua xem nhà, không thể nào kìm nén được sự thất vọng.
Đặc biệt là Mẹ Uyển, bà chỉ hận chính mình đã đưa tiền cho Uyển Mẫn, nếu như bà tự đi mua thì nhà đã chẳng đơn sơ tới mức này.
Nhà Uyển Mẫn tuyền một màu trắng.
Gian nhà bé như vậy, màu sắc hơi đậm là nhìn sẽ nặng nề ngay.
Ngay cả rèm cửa và rèm giường của cô cũng được may từ vải lanh trắng.
Uyển Mẫn may rèm cho cả giường trên lẫn giường dưới.
Dường dưới cô để gối và ga trải giường kẻ carô lam trắng, vì có cha mẹ tới tham qua nên cô bỏ lớp vỏ carô lam trắng của chăn ra, để lộ tấm chăn màu vàng nghệ thêu hoa dành dành.
Còn phía giường trên thì là chăm đệm và ga trải giường Uyển Mẫn mang từ nhà tới, còn có vỏ gối mà chị Mai may cho cô.
“Sao con lại kê giường tầng?”
Uyển Mẫn giải thích: “Nhà bọn con hơi nhỏ, giường trên dùng để để đồ.” Thực chất đó mới là giường của cô.
Mẹ Uyển lại thở dài: “Cho dù con có không cần tủ quần áo và chạn bát thì cũng nên sắm một bộ bàn ghế chứ.”
“Bàn ghế Mục Vân Phong trở về sẽ đóng.
Như giờ là tốt rồi mà mẹ.
Mẹ không thấy con mang mấy cái hòm gỗ từ nhà mình qua sao? Hòm mở ra có thể để quần áo, đóng vào lại ngồi được thay cho ghế.
Máy may lúc không dùng thì cũng có thể làm bàn, viết hay ăn cơm đều được.”
Mẹ Uyển thật sự không thể cười nổi.
Uyển Mẫn nhắc bà về ưu điểm của cái nhà này: “Mẹ, mẹ không thấy nhà này khá rộng rãi sao?”
Mẹ Uyển thầm nghĩ trong lòng, nhà chẳng có cái gì cả, sao có thể không rộng được?
Căn nhà này ngoài giường ra thì cũng chỉ có hòm gỗ và máy may, ngoài ra còn có một cái bàn dài đã tróc sơn kê sát tường.
Bàn phủ khăn trải màu bàn trắng, bên trên để một cái hay, trên khay đựng bình thủy tinh cùng bốn cốc thủy tinh đáy dày.
Ngay cạnh chiếc khay là một cái lọ thủy tinh, bên trong cắm mấy bông hoa, là toàn bộ chỗ màu sắc ít ỏi của cả gian nhà.
Bên bệ cửa sổ cũng có một ít hoa, hoa trồng trong chậu trắng, là Uyển Mẫn nhổ từ nhà cũ sang đây.
Ngẩng đầu lên, trần nhà cũng là màu trắng, chính giữa là một bóng đèn thủy tinh.
Uyển Mẫn vừa thay một chiếc đèn mới với công suất rất cao.
Mẹ Uyển thực sự không nghĩ ra được gì để khen cái nhà này: “Nếu hàng xóm của con sang đây xem nhà mới, không biết sau lưng người ta sẽ chê cười con thế nào đâu.”
Uyển Mẫn nói: “Lúc gian khổ sống đơn giản một chút thì có gì sai? Người ngoài cho dù có nghị luận cũng sẽ không dám nói trước mặt con.
Nếu như con đã không biết, bọn họ thích nghĩ thế nào cũng được.”
Uyển Mẫn có thể không để bụng cái nhìn của người khác, nhưng lại không thể không để tâm tới suy nghĩ của mẹ mình.
Cô đành phải an ủi Mẹ Uyển, nói khi nào Mục Vân Phong trở về, đóng đồ đạc mới, căn nhà này chắc chắn sẽ thay hình đổi dạng.
Mặc dù cô cảm thấy hiện tại nó cũng chẳng kém cỏi gì.
“Khi nào Tiểu Mục mới trở về được? Nó có gửi thư cho con không?”
“Sắp rồi ạ.” Mục Vân Phong đi hơn một tháng, đến một cái điện báo Uyển Mẫn cũng không nhận được.
Điện báo lúc này đang là tài nguyên khan hiếm.
Cô biết, không nhận được mới là chuyện tốt.
Trong lòng Mẹ Uyển cũng sốt ruột thay con gái.
Mới kết hôn được mấy ngày đã phải xa nhau, không có tinh thần bày biện âu cũng là điều dễ hiểu.
Điều duy nhất không nên làm chính là biến cả căn nhà thành màu trắng.
Mẹ Uyển tuy cũng theo thuyết vô thần, nhưng vẫn cảm thấy nhà mới phải có một chút không khí vui mừng mới tốt.
Hai vợ chồng già nhà họ Uyển lại ra xem bệ bếp nhà Uyển Mẫn, phát hiện bệ bếp này hoàn toàn không có ý nghĩa tồn tại với cô.
Bọn họ cho rằng vì Mục Vân Phong đang không ở đây nên Uyển Mẫn cũng không có tâm trạng nổi lửa.
Uyển Mẫn đưa cha mẹ ra cửa, Mẹ Uyển nói: “Hay con về nhà với cha mẹ đi, mẹ nấu mấy món ngon cho con ăn.”
“Con đang còn vài việc cần xử lý, buổi tối con sẽ về nhà sau ạ.”
Sau khi tiễn cha mẹ lên xe điện, Uyển Mẫn liền đạp xe tới cửa tiệm điểm tâm.
Chỉ còn mấy ngày nữa là tới Trung thu, người đến mua bánh đã xếp thành một hàng dài, trong số đó có rất nhiều người mua bánh Trung thu nghiền siro(1).
Cha mẹ Uyển Mẫn đều thích ăn Tự Lai Hồng Bạch(2), còn bản thân cô thì thích ăn Phiên Mao Nhi(3), trong nhà chẳng có ai thích bánh Trung thu nghiền siro cả.
Nhưng cô không biết Mục Vân Phong thích loại nào, đành mua cả Phiên Mao Nhi lẫn bánh nghiền siro, mỗi thứ nửa cân.
Cô chỉ có định mức một cân bánh Trung thu, không thể mua hơn được nữa.
(1) Bánh Trung thu nghiền siro: Một kiểu bánh Trung thu Bắc Kinh có vỏ làm từ bột mì trộn với siro trong để nguội, vì ít đường và dầu nên để được rất lâu.
(2) Tự Lai Hồng (bánh Trung thu đỏ) và Tự Lai Bạch (bánh Trung thu trắng): Những món ăn vặt cổ nổi tiếng của Bắc Kinh, được phân biệt bởi màu sắc khác nhau.
Tự Lai Hồng là bánh nướng đặc trưng bởi vòng tròn màu đỏ bên trên, còn Tự Lai Bạch có màu trắng sữa.
(3) Phiên Mao Nhi: Một loại bánh Trung thu kiểu Tô Châu có từ thời nhà Thanh, tương truyền khi đặt bánh trên bàn rồi gõ nhẹ lên mặt bàn thì lớp vỏ bánh trắng bên ngoài sẽ bay lả tả như lông ngỗng nên được gọi là “phiên mao” (lông bay).
Nhân viên cửa hàng dùng giấy nến bọc bánh lại, sau đó lại gói thêm một lớp giấy xi măng, cuối cùng phủ lên một lớp giấy dán màu đỏ rồi mới lấy dây thừng buộc chặt, chừa lại một đoạn nút kết cho Uyển Mẫn cầm.
Uyển Mẫn sợ chỉ mỗi bánh thôi chưa đủ, còn mua thêm hai quả lựu lớn mang đi.
Mua xong, cô đi thẳng tới nhà của giám đốc Phó.
Địa chỉ Mục Vân Phong viết cô đã thuộc nằm lòng rồi, không cần phải xem lại nữa.
Cô biết Mục Vân Phong lúc này nhất định không có bánh Trung thu để ăn.
Nếu như sắp tới đồng nghiệp của anh có tới khu động đất, cô có thể nhờ người ta mang theo giùm.
Nếu như không thể, cũng coi như là đưa quà cho giám đốc Phó.
Cô nghĩ Mục Vân Phong đến vùng động đất công tác, trong khoảng thời gian hẳn là phải gửi điện báo về cho đơn vị.
Tin tức giám đốc Phó biết chắc hẳn là nhiều hơn cô một chút.
Nhà họ Phó ở tầng ba.
Sau khi xác nhận lại số nhà một lần nữa để chắc chắn mình không lầm, Uyển Mẫn đưa tay gõ cửa.
Trước khi người bên trong mở cửa, Uyển Mẫn chuẩn bị sẵn một nụ cười.
Ngay cả khi nhìn thấy người ra mở cửa là Lăng Y, nụ cười của cô cũng không thu lại.
________________________________________
Bonus
Bộ phim “Cô gái bán hoa” (1972)
Bánh Trung thu nghiền siro
Tự Lai Hồng
Tự Lai Bạch
Phiên Mao Nhi