Thung Lũng Ma

Tiếng còi alarm hú ầm nhà làm tôi tỉnh giấc trong
bàng hoàng. Tiếp theo có tiếng súng nổ chát chúa sau nhà. Tôi vội ra cửa sổ, nhìn xuống vườn sau. Có những vệt đèn pin chiếu sáng ở lùm cây góc
vườn.

- "Chết chửa...!" Tôi chợt nhớ tới Dân và khẩu súng hắn cho tôi
coi mấy bữa trước... "Đã có đứa bị hắn bắn trúng rồi... Rắc rối lắm
đây... dù là một tên trộm đi nữa, cũng không ổn chút nào".

Có tiếng điện thoại reo. Chắc từ công ty alarm hoặc cảnh sát
gọi. Tôi quay lại, nhà tôi cũng đang thở dốc vì kinh hãi. Tôi nói nhanh:

- Chắc tụi Trible A, em bảo nó mình đang kiểm soát lại nhà cửa,
nếu sau năm phút mình không gọi lại thì nó báo cho cảnh sát. Để anh
xuống vườn xem sao.

Tiếng hú của alarm vẫn vang lên trong đêm vắng làm lòng tôi thực bồi hồi khó chịu. Tôi chạy nhanh xuống thang gác, tắt vội alarm rồi
phóng ra vườn. Tôi gặp Dân ở lối đi, nên hỏi ngay:

- Gì thế? Có sao không?

- Chết rồi!

Tôi hoảng quá, hỏi lại:

- Trời, bỏ mẹ rồi... đứa nào vậy?

- Không, con mèo!!!

Tôi vừa ngạc nhiên, vừa mừng. Dân kéo nhanh tôi ra góc vườn. Ánh đèn pin bật sáng, rọi trên mình một con mèo đen rất lớn, như một con
mèo rừng... đầu nó bị đạn vỡ tung, máu chảy lênh láng. Thằng cha bắn tài thực... cả một đời binh nghiệp có khác.

Trong khi đó, Dần đầu cúi thấp, khẽ nói:

- Ông cảm phiền nhé... Tôi làm việc thực thiếu suy nghĩ.

Chuyện đã thế, tôi cũng đỡ bực dọc, nên nói:

- Thôi, không sao, để tôi vào gọi lại cho tụi Trible A, không cảnh sát nó tới đây bây giờ...

Chúng tôi yên lặng vào nhà.

Trong khi tôi nói điện thoại thì Dân đứng nhìn ra ngoài vườn
sau, coi bộ nghĩ ngợi điều gì. Sau khi giải quyết mọi chuyện êm xuôi,
tôi quay sang Dân. Thấy tôi, Dân khẽ đẩy cánh cửa sau cho dịch rộng thêm ra, như muốn phân trần điều gì. Không nỡ để hắn nghĩ ngợi vì việc làm
gần như vô thức vừa qua, tôi an ủi:

- Thôi, không sao...

- Này ông Linh...

Ngoài vườn lúc này thực mờ ảo dưới ánh trăng suông. Mấy bóng
thông che khuất nửa sân sau trong bóng tối. Cây đào đã bắt đầu trụi lá,
cành vươn lên khẳng khiu. Tôi chợt có một ấn tượng rất quen thuộc với
cảnh này, mà hơn ba năm ở đây, mãi hôm nay tôi mới sực nhớ tới.


Lúc đó, Dân nói, chưa bao giờ khẽ như thế:

- Tôi đang ngủ, chợt như nghe thấy có tiếng quát tháo rất lớn ở
ngoài vườn, rồi tiếng đàn bà thét lên như đang bị ai tấn công... Cái
phản ứng bén nhạy của một tên đánh giặc, vào sinh ra tử, tôi chồm dậy,
quơ vội khẩu súng, mở cửa sau phóng ra ngoài. Lúc đó, tôi thực không để ý tới tiếng còi alarm hú trong nhà, mà chỉ dáo dác nhìn khắp vườn...
Không một bóng người, nhưng chợt lại thấy một con mèo đen đó đang hung
hăng đuổi bắt một con sóc chạy vòng quanh sân. Rồi không biết vì sao lúc đó tôi không hề suy nghĩ phải trái, nổ súng giết chết con mèo khốn nạn
kia để cứu con sóc... Sau phát đạn, con mèo chỉ chạy tới góc vườn là
chết tốt...

- Bể sọ như thế mà còn chạy được như vậy mới là lạ lùng...

Như không nghe tôi nói, Dân lẩm bẩm:

- Bậy thực...

Bên ngoài, ánh trăng vừa ló khỏi ngọn thông, chiếu sáng gần hết
chiếc sân và cả một góc vườn khiến cây đào vụt cao lên sừng sững... Tôi
liên tưởng tới một chuyện thực xa xưa... một đêm trăng tương tự như đêm
nay, nhưng lâu đến bốn mươi năm rồi... ở một nơi cách xa đây một nửa quả địa cầu.

- Ông Linh, nghĩ gì vậy... tôi thực ân hận.

Tôi nghe tiếng Dân rất là mơ hồ... cho mãi đến lúc Dân nhắc lại
câu: "Tôi thực ân hận... tôi thực ân hận..." tôi mới như chợt tỉnh,
gượng cười:

- Không đâu Dân... xin lỗi, tôi đang nghĩ đến một chuyện... À này Dân, ông nghe thấy tiếng đàn bà thét trong giấc ngủ thực sao?

Dân hơi ngạc nhiên, rồi phân bua:

- Tôi nói thực đấy... tôi nghe rõ tiếng đàn ông quát tháo, tiếng đàn bà kêu thét... ông tin tôi không?

- Tôi tin chứ...

Đồng hồ lúc đó chỉ hơn hai giờ sáng. Tôi ngồi xuống ngưỡng cửa.
Dân nghĩ ngợi sao, cũng ngồi xuống bên cạnh tôi, yên lặng nhìn ra ngoài. Có lẽ lúc này nhà tôi đã ngủ. Tôi nhìn khắp vườn, mường tượng lại cái
cảnh mấy chục năm về trước...

Tuy mới sống gần nhau, nhưng Dân rất hay tâm sự với tôi về cuộc
đời trôi nổi của anh. Thường tôi chỉ ngồi nghe. Vì thế, lúc này, nhìn vẻ áy náy của Dân, tôi không nỡ để cho anh bận tâm về chuyện không đâu,
nên nói:

- Dân bắn con mèo đó rất phải. Tôi không trách anh đâu.

Dân là người không bao giờ bỏ qua những câu nói mập mờ, nên hỏi ngay:

- Ông nói phải là phải thế nào?

Tôi nhìn ra xa... dưới ánh trăng vằng vặc:

- Câu chuyện xảy ra từ hơn bốn mươi năm trước rồi. Hồi đó, tôi

nhớ vào mùa gặt, gia đình tôi đang sống tại một trang trại ở Như Tân,
cách thị xã Phát Diệm chừng bảy cây số đường chim bay. Phương tiện di
chuyển thời đó thường dùng thuyền. Vì thế, cái trại này nằm ở góc hai
con sông tuyệt đẹp. Con Huyền Giang thì chảy về phía Tây, vào mãi tới
chợ Hói Đào của tỉnh Thanh Hóa. Con sông Vân Giang thì đổ xuống phía
Nam, ra tận cửa biển. Địa thế cái trại này thực tiện lợi. Cha mẹ tôi mới xây một tòa nhà rất lớn, có thể nói là nhất nhì vùng duyên hải. Mái
ngói đỏ, nền cao một thước hai có sân thượng, cửa kính lớn, đẹp và tân
như một tòa nhà ở giữa một thành phố lớn. Cánh đông tòa nhà là một cái
thềm dài tới hai mươi thước, ngang sáu thước, lát đá hoa xanh, được che
bởi một vòm cửa cuốn theo hình bán nguyệt, có giàn thiên môn, một loại
cây, lá nhỏ như cái tăm, dài chừng hai đốt ngón tay, bốn mùa xanh ngắt,
chạy vòng theo cái vòm cuốn này. Phía trước là một khu vườn hoa mà ông
cụ tôi săn sóc rất cẩn thận. Một gốc đào được trồng bên thềm để mùa xuân chơi hoa. Xa hơn là hàng nhãn um tùm, anh thấy nó cũng tương tự như cái vườn này, nhưng rộng hơn nhiều. Ở đây, là nơi lý tưởng để ngắm trăng
lên. Gia đình tôi thường tụ họp ngồi chơi trên thềm sau bữa ăn chiều và
vào những mùa trời ấm áp, trải chiếu ngủ qua đêm luôn. Anh cứ tưởng
tượng cái không khí của gia đình tôi lúc đó không khác gì cái cảnh được
tả trong bản nhạc Nhớ Quê Hương: "Lúc trăng đang dần nhô cao đầu trên
khóm tre già, chúng tôi quây quần vui nô đùa bên mấy khóm hoa..."

Lúc đó đã cuối mùa gặt, nhà vẫn còn đầy những thợ gặt và các cô
vò lúa, tối nào cũng vui như hội. Một buổi chiều, ông cậu áp út của mẹ
tôi từ trên thị xã xuống để nhắc gia đình tôi về dự lễ cưới của dì út
vào hai ngày sau đó. Ông ngoại sợ chúng tôi bận việc nhà rồi quên đi
chăng. Cậu tôi là một thanh niên Tây học, tính vui như trẻ nít, ăn diện
âu phục may bằng vải đũi mầu mỡ gà sang trọng. Cậu mang theo những món
quà chỉ có trên thị xã như bánh đậu xanh, bánh khảo mà trong Nam gọi là
bánh in hiệu Thiên Hương và nhất là mấy cái đĩa hát mới.

Chúng tôi đứng ngồi vòng quanh cậu để nghe những chuyện vui của nơi "tỉnh thành":

- Anh chị này, hai cái đĩa này mới về, em mua lúc xuống đây đấy.

Ông anh cả tôi cũng là tay nghệ sĩ, tuổi xấp xỉ cậu tôi, cẩn
thận bóc giấy gói ra. Mùi đĩa nhựa thoang thoảng... cái vòng tròn đỏ và
hình con chó ngồi bên cái máy hát của hảng Columbia làm mọi người say
mê. Anh tôi khẽ reo lên:

- Ồ, Tino Rossi thì nhất rồi...

Anh quay sang tụi nhỏ hỏi:

- Nhà còn kim hát không?

Dân nhớ cái máy hát thời đó chạy bằng dây thiều, đĩa bẩy mươi
tám tua, mỗi mặt phải lên dây cót một lần chứ? Kể ra nghe nhạc thời đó
cũng tốn sức lao động lắm. Kim thì một cái nghe được hai mặt, tức hai
bài hát. Chúng tôi ở xa phố, nên thường bị hết kim hát, nếu chưa kịp gửi đi mua thì phải mài lại kim cũ để chơi. Ông anh kế tôi vội đi kiểm soát lại hộp kim, mang ra đếm cũng còn được hơn mười cái. Thế cũng đủ. Đĩa
mới mà phải chơi kim cũ mài lại thì thực uổng...

Buổi tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, ông cậu và ông anh cả tôi bảo nhau:


- Này, đêm nay chúng mình phải diện thực kẻng để đi nghe Tino Rossi hát chứ.

Rồi hai ông diện đồ Tây cẩm như thực, cẩn thận kê chiếc kệ nhỏ
ra thềm nhà phía đông để đặt máy hát. Mấy hàng chiếu được trải ra trên
thềm. Mẹ tôi cho gọi tất cả mọi người trong nhà ra để cùng ngồi chơi. Cả gia đình tôi ngồi trên hai cái chiếu ở giữa thềm, bên trong là đám con
gái vò lúa, ngồi xích lại với nhau cười rúc rich. Đám thợ gặt thì chia
nhau mấy bậc thềm đi xuống vườn, ngồi hút thuốc lào vặt ngong ngóng xem ở trên định làm cái trò gì... Nước trà tầu Ninh Thái Ô-tô được hãm ra,
chia đều cho mọi người uống, rồi ăn bánh khảo và bánh đậu xanh.

Trời mỗi lúc một tối dần, ánh trăng đang lên, vàng rực một góc
trời. Cậu tôi trịnh trọng đặt cái đĩa đầu tiên vào máy. Mọi người yên
lặng... tiếng lên dây cót nghe đều đều, thực hồi hộp.

- Thưa quý vị, tôi xin giới thiệu đại danh ca Tino Rossi từ Pa-ri mới sang, xin trình bày nhạc phẩm Serenade của Schubert...

Tiếng vỗ tay rào rào như trong rạp hát thực. Rồi tiếng xè xè của kim cọ trên đĩa hát... và rồi tiếng nam danh ca thời đại vang lên...
tuyệt diệu... Bản nhạc đã hay, tiếng hát thực ấm và nhất là cái khung
cảnh nên thơ lúc đó làm tôi không bao giờ quên được... vui không tả nổi.

Trong khi mọi người nghe hát, uống nước trà tầu thì mẹ tôi ngồi
mân mê cái thiệp cưới của dì tôi... thỉnh thoảng lại đưa sát lên mắt để
xem. Dưới ánh trăng, tôi nghĩ bà làm sao có thể đọc rõ chữ... Tôi biết,
trong số các em, dì tôi được mẹ tôi thương nhất. Dì sinh cùng tuổi với
ông anh cả tôi, vừa tròn sáu tháng thì bà ngoại tôi qua đời. Mẹ tôi mang dì tôi về nuôi cùng với ông anh tôi... mỗi dì cháu một bên không khác
gì người mẹ thực... cho tới ngày khôn lớn.

Trăng lên ngang đầu, mấy cái đĩa hát cũng đã nghe hết, mọi người dần dần giải tán. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi ngủ quay ra lúc nào không hay.

Nhưng trong đêm khuya, bỗng mọi người choàng thức giấc vì tiếng
la của mẹ tôi. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy mọi người đang tụ tập trước
thềm. Cha tôi đang hỏi mẹ tôi:

- Mơ thấy cái gì mà la hoảng lên thế?

Mẹ tôi không trả lời thẳng câu hỏi, mà nói:

- Thằng Chiêu đâu, gọi tất cả canh điền đi bắt bằng được con mèo đen cho tao...

Anh Chiêu là con nuôi của cha mẹ tôi. Anh đã nghe câu ra lệnh
này mấy lần rồi, và đang dặn mấy người canh điền có mặt ở bên thềm
nhà... rồi mọi người tản ra, đuốc được đốt lên, soi rõ, xục xạo khắp khu vườn quanh nhà. Ông cậu và ông anh cả tôi thì xuống dưới vườn thu thập
mấy cái gối mây... Anh nhớ ngày xưa ở ngoài Bắc, mình đâu có gối bông,
mà đều dùng gối đan bằng mây, vuông như chồng sách để gối đầu. Những cái gối này bị mẹ tôi ném hết xuống vườn từ lúc nào không hay...

Mẹ tôi ngồi tư lự trên thềm chờ kết quả cuộc lùng bắt con mèo
đen nào đó cho tới sáng. Kết quả là không tìm thấy dấu vết con vật quái
đản này của mẹ tôi. Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục cả sáng ngày hôm sau. Mẹ
tôi bẳn gắt luôn nên không ai muốn đặt câu hỏi về vụ này với bà nữa.

Trong khi đó, gia đình tôi thu xếp về thị xã cho kịp đám cưới dì tôi. Cha tôi gọi anh Chiêu, anh Nhỏ ra cắt đặt công việc nhà. Một chiếc thuyền bồng bốn mái chèo được sửa soạn cho cuộc hành trình dài tám cây
số, và mất chừng ba tiếng đồng hồ. Loại thuyền này chúng tôi dùng để di
chuyển cả gia đình trên sông, dài chừng trên dưới mười thước, rộng non
hai thước, có mui. Bên trong trải chiếu, rộng chừng một chiếc giường
lớn. Hồi đó, cái thuyền như thế có giá như chiếc xe hơi ngày nay vậy.

Chiều hôm đó, chúng tôi bỏ trang trại để về thị xã. Khi rời bến, mẹ tôi còn căn dặn các anh người nhà phải tiếp tục lùng xét, bắt cho
bằng được con mèo đen cho bà. Lúc thường, mẹ tôi là người dễ tính, nhưng khi bà đòi hỏi việc gì mọi người phải làm nghiêm chỉnh, không xảy
chuyện lôi thôi to.

Mặt trời khuất dần sau dẫy núi Trường Sơn, sông nước thực êm
đềm. Trang trại nhà tôi, rồi làng mạc lùi dần ở phía sau. Sông rộng, đi

giữa làng sầm uất, những hàng cây hai bên bờ rủ xuống trông thực tươi
mát. Những bông dâm bụt mầu đỏ tươi đong đưa giữa bụi cây xanh đậm. Bọn
trẻ chúng tôi ngồi ngoài mũi thuyền để ngắm phong cảnh hai bên sông. Cậu tôi và các anh tôi ngồi trên mui thuyền hát nghêu ngao những bản tân
nhạc thời đó, như: "Vừng trăng sáng, soi trên hồ..."

Tiếng cười thỉnh thoảng vang lên nghe rộn rã làm sao! Trời tối
dần, chúng tôi phải vào khoang thuyền để ngủ, sợ ban đêm, ngồi ngoài
sương lạnh, hoặc vô ý lăn xuống sông, không ai biết được thì chết mất
xác...

Tôi chợp mắt được một lúc, bỗng tỉnh giấc thì thấy mẹ tôi đã ra ngoài mũi thuyền chuyện trò to nhỏ với cậu tôi và cha tôi.

Lúc đó, cậu tôi đang hỏi:

- Có thực lúc đó chị tỉnh không?

- Lúc chị thấy mẹ thì chắc chỉ là giấc mơ... Chị mơ thấy một bên là thằng cả, một bên là dì út đang nằm với chị. Mẹ từ dưới vườn đi lên
làm chị thực sửng sốt. Mẹ yên lặng ngồi xuống bên bậc thềm, nhìn chị,
nước mắt đầm đìa. Chị chưa có phản ứng gì thì mẹ đưa tay vuốt tóc dì út, rồi thằng cả... Chị thổn thức hỏi: "Mẹ về lúc nào vậy?" "- Lâu rồi!
Chịu khó nuôi em..." Chị muốn nói nhiều, nhưng không sao lên tiếng được
nữa, mà chỉ khóc... Cả hai mẹ con đều khóc. Rồi bỗng mẹ la lên: "Lính nó đến bắt mẹ đi rồi kìa... Lính nó đến bắt mẹ đi...!" Chị nhìn ra ngoài,
dưới gốc đào, một bóng đen xuất hiện. Nó hú lên những tiếng quái gỡ nghe rợn người, rồi tiến lên, định lôi mẹ đi. Mẹ lùi lại... rồi líu ríu bỏ
đi xuống mấy bậc thềm... đến nỗi chị thấy mẹ như muốn ngã... mẹ bỏ chạy
ra phía gốc đào, bóng đen gầm thét đuổi theo... Lúc đó, thương mẹ quá,
chị nhảy bổ xuống vườn để tiếp cứu... nhưng rồi chị tỉnh dậy... giữa lúc thấy mình đang đứng dưới mấy bậc thềm...

Mẹ tôi ngưng lại một chút, rồi tiếp:

- Từ cái mê tới cái tỉnh nó lạ lắm... nó như rất gần gũi, chỉ
như một khoảng khắc định thần mà thôi. Chung quanh không khác gì trong
giấc mơ, nhưng không thấy ai cả... mà chị chỉ thấy dưới vườn lúc đó, một con mèo to lớn đang đuổi bắt một con sóc nhỏ... Tiếng con mèo gào lên
dữ dội. Lúc đó, chị không suy nghĩ gì, vớ lấy mấy cái gối chạy tới ném
con mèo đen, rồi la lên gọi mọi người dậy. Con mèo chỉ chạy lẫn vào bụi
hoa thôi... chứ đâu có đi xa... sao mà mình tìm không ra...

Cha tôi cười:

- Có thể lúc đó mắt mợ hoa lên chăng!

Mẹ tôi gắt:

- Cậu nói lạ, hoa thế nào được. Thằng Chiêu nó nói cũng nghe thấy tiếng mèo gào mà...

Thời gian sau này, chúng tôi quên chuyện con mèo đen, riêng mẹ
tôi như lúc nào cũng để tâm tìm kiếm... nhưng không bao giờ bà gặp lại
nó nữa...

Trăng đã khuất sau mái nhà, khu vườn nhà tôi trở nên tối đen. Dân ngồi nghe xong câu chuyện tôi kể, rồi nói:

- Tôi thì tôi không thấy người... nhưng chắc chắn nghe thấy tiếng la hét.

Anh vừa nói, vừa bật đèn pin rọi vu vơ lên khoảng vườn rậm rạp,
rồi chiếu thẳng về phía góc vườn, nơi có xác con mèo đen, sau đó thong
thả đứng lên, nói:

- Thôi ông vào ngủ lại đi... để xác con mèo đen này tôi lo.

Tôi lên phòng nằm... nhưng chưa nóng chỗ, đã thấy có tiếng gõ
cửa gấp. Tôi bật ngồi dậy, chạy ra. Dân đang đứng đó, tay cầm chiếc đèn
pin còn bật sáng, giọng run run:

- Này ông, xác con mèo đó đâu mất tiêu... rồi...!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận