Thủy Tinh Đăng Hệ Liệt

Mùa thu, thủy triều trên Tiền Đường giang hùng vĩ tráng lệ, từ xưa đến nay được xưng tụng là một trong những kỳ quan bậc nhất trong thiên hạ. Mười tám tháng tháng tám âm lịch, tương truyền là sinh nhật của Triều thần. Sau khi nhà Tống dời đô xuống phía nam, mỗi năm một lần, quan phủ địa phương lại tổ chức đại lễ long trọng, quý tộc quan viên cùng hoàng thân quốc thích đều đến Tiền giang kiểm duyệt thủy quân. Vì vậy, đây cũng là thời gian dân chúng thập phương đổ về đông nhất. 

Tại trấn Diêm Quan, Hải Ninh, cách Lâm An ước chừng một trăm dặm, có một đài quan hải (đài quan sát biển) , quan triều đình đang đứng chờ trên tháp trấn hải, nơi này chính là cửa khẩu mà thủy triều Tiền giang dũng mãnh đổ vào vịnh Hàng Châu, có thể nói đây là địa điểm quan sát thủy triều lý tưởng nhất. 

Năm Tống Thiệu Hưng thứ hai mươi chín, năm thứ tư Kim Chính Long. (năm 1159) 

Hôm nay chính là ngày thưởng thức thủy triều, trong vòng mười dặm dọc theo hai bên bờ sông đều bày vô số hàng ăn, dòng người cuồn cuộn, vạn đầu chen chúc. Cũng có những hào thân phú thương vào bậc nhất Lâm An ngự trong các rạp kết hoa, hoặc trong các khán đài đầy màu sắc được dựng ngay trên bờ đê, kéo dài hàng dặm, cao đến mức ngước mặt nhìn cũng không thấy tới đầu người. 

Theo khói lửa ngũ sắc tràn ngập không trung, buổi kiểm duyệt hải quân được khai mạc. Chỉ thấy trên mặt sông kim qua (lưỡi mác) chói lóa, tinh kỳ phấp phới, vô số chiến thuyền phân ra hai bên bờ sông, tung hoành giao chiến, pháo lửa loạn bay, diễn tập tiến hành trong hừng hực khí thế. Tống – Kim phân tranh đã nhiều năm, hiện nay, dã tâm xâm lược phía nam của Kim chủ Hoàn Nhan Lượng không người không biết. Quan viên thuộc phái chủ chiến của Nam Tống sôi sục ma quyền sát chưởng (xắn tay áo sẵn sàng), chuẩn bị nghênh đón quân Kim nam hạ, do đó mỗi năm một lần đều thận trọng kiểm duyệt thủy quân. 

Giờ ngọ, phủ doãn Lâm An – Mạnh Hải bước lên thuyền lâu vừa tuyên bố kiểm duyệt kết thúc, vừa chủ trì nghi thức tế Triều thần. Việc hoàn tất, hắn xoay người, kiễng chân nhìn xuống nam nữ lão ấu bên dưới, phất phất tay cất giọng nói: “Kế tiếp, chính là phần các vị chờ đợi đã lâu…” 

“Lộng triều chi hí!”(trò tạp kĩ phục vụ khách đến xem thủy triều) 

Trong khoảnh khắc, quần chúng đến xem triều hết sức hứng khởi, từng đợt lại từng đợt huyên náo. Trong các rạp kết hoa, đông đảo diệu linh thiên kim cùng tiểu gia bích ngọc (con gái rượu nhà giàu có) đều xôn xao đưa đầu ra nhìn, tiếng cười như chuông bạc vang vọng đôi bờ sông. Trống lớn được đánh lên, âm vang rung chuyển cả vòm trời càng làm cho phố phường thêm phần náo nhiệt. 

“Tiếu nhị lang, oa, Tiếu nhị lang, chàng nhất định sẽ thắng!” 

“Lôi lão đại, chúng ta thề sống chết ủng hộ ngươi!” 

“Mại dô mại dô mại dô, cơ hội đặt cược cuối cùng đây, Lôi đại hồ tử cùng Tiếu nhị lang, so chiêu trên sông vô cùng gây cấn đây!” 

Nguyên lai, kể từ Đường triều đến nay, người dân Giang Nam đã hình thành phong tục “đạp lãng lộng triều”. Vô số nam thanh niên đến xem thủy triều hôm nay, tay cầm cờ nhiều màu sắc ngược dòng nước mà lên, giữa con nước triều cuồn cuộn đạp sóng lớn nghịch hải lưu, dùng việc ấy để thể hiện bản lĩnh cùng dũng khí của chính mình. Về sau, càng lúc càng hình thành các cuộc tỉ thí mang tính chất đua tranh nhiều hơn, người có thể lui khỏi đầu sóng nhưng vẫn bảo trì cờ xí trong tay không bị thấm ướt, sẽ là người chiến thắng, có thể giành được hoa hồng tiền thưởng do các hào phú Lâm An tài trợ. Cánh phụ nữ lại lấy làm vinh hạnh khi được gả cho “lộng triều nhi”. 

Tiếng reo hò ẫm ĩ lắng xuống, các tuyển thủ vào cuộc! 

Trên sông,  bất chợt một chiếc thuyền lá nhỏ chậm rãi bơi ra từ phía sau thuyền lâu của phủ doãn. Trên thuyền có một vị lam sam công tử lưng hướng về phía bờ sông, chắp tay ra sau mà đứng, tư thế cương trực, tay áo phiêu bay, phong thái ngọc thụ lâm phong. 

“Nhân buổi lễ long trọng hôm nay, bản công tử chợt đại phát thi hứng, liền xuất khẩu một bài “Túy hoa âm”, thỉnh các vị cô nương chỉ giáo.” 

Hắn vẫn đứng chắp tay sau lưng, trên mặt sông chỉ có thanh âm từ tính như sương khói phiêu bồng… 

Bát nguyệt Tiền giang truyền thịnh sự,

Đạp lãng thùy kham bỉ?

Thải xí vũ ngân đào,

Phích lịch kinh lôi,

Tiếu vịnh nam nhi chí.

Dặc dương ty trúc thanh như thủy,

Nhất nhâm hoa tiền túy.

Nguyệt ảnh trục lưu quang,

Thả cộng bồi hồi,

Khiển quyển thiên thu tuế.

Tháng tám Tiền giang truyền đại sự,

Ai dám cùng ta nghênh sóng dữ?

Sắc cờ vũ khúc giữa đào ba,

Sấm dội chớp rền,

Cười vịnh chí nam nhi.

Tiếng sáo Dặc Dương trong như nước

Để mặc hoa kia túy lúy say. 

Bóng nguyệt đuổi theo ngày tháng cũ.

Lại càng bồi hồi,

Lưu luyến mãi nghìn thu.

Nhất thời, có biết bao thư sinh âm thầm bội phục. Bài thơ này bằng trắc rất tinh tế, ý thơ tuy không thoát tục nhưng có phần phù hợp với quang cảnh. Đoạn đầu miêu tả cảnh lộng triều long trọng, đoạn sau viết theo một loại hí kịch từng một thời rất thịnh hành tại Hải Ninh – bì ảnh hí. (kịch đèn chiếu) 

Nam Tống dựng đô tại Lâm An không bao lâu, bì ảnh hí từ phương bắc nhanh chóng du nhập vào Hải Ninh, kết hợp với điệu hát Dực Dương của địa phương, đã có lúc tất cả nam nữ lão ấu đều yêu thích. Những gia đình giàu có mỗi khi tổ chức yến tiệc, mừng thọ đều hoan hỉ mời nghệ nhân đến nhà diễn xuất bì ảnh hí. Tế lễ hôm nay hiển nhiên cũng không ngoại lệ, trên bờ sông dành riêng để dựng các rạp kết hoa, quan phủ đứng ra mời đoàn hát Khâu gia nổi danh nhất hiện nay đến diễn xuất một đoạn bì ảnh hí. Đó cũng là nguyên nhân vì sao bài thơ kia được đánh giá là minh bạch như thoại, truyền đạt ứng cảnh.

Vị lam sam công tử anh tuấn lại thích đùa này có thể xuất khẩu thành thi được một bài thơ như thế, ngược lại cũng có chút thực tài, không hoàn toàn chỉ là kẻ ba hoa.

Trên bờ sông, các cô nương càng hưng phấn mà gọi lên: “Hảo từ a hảo từ! Rất hợp cảnh, quá lãng mạn, vô cùng… anh tuấn!” 

“Úc, úc! Tiếu nhị lang ca ca, mau quay đầu lại đây a!” 

Lam sam công tử theo tiếng gọi ngoảnh đầu lại: “Đa tạ các cô nương ủng hộ cổ vũ! Bất quá… tại hạ không phải Tiếu nhị lang, mà là bằng hữu thân thiết của hắn.” 

Nhẹ phe phẩy chiết phiến (quạt xếp), hắn bày ra một nụ cười vô hạn tiêu sái phong lưu cùng một bộ mặt đầy tàn nhang, nói lớn: “Tại hạ chính là… nha nội trong phủ doãn Lâm An, đứng hàng thứ tư trong  “Tiền Giang tứ thiểu” – Tích Hương tài tử Mạnh Phái Đông, thỉnh các cô nương nể mặt tại hạ mà hỗ trợ tinh thần cho Tiếu nhị ca! 

Một hồi trầm mặc đến quỷ quyệt. 

“A phi!” 

Trong nháy mắt, chỉ thấy vô số cà chua dập, trứng gà thúi ném tới như mưa. 

Tích Hương tài tử anh tuấn thích đùa ôm đầu chạy như chuột, mười phần không thể lý giải: “Không phải chứ… Tuy tại hạ tướng mạo so với Tiếu nhị ca kém một chút, nhưng văn tài so với hắn còn hơn một điểm nha, hà cớ gì? Tội tình gì chứ?” 

Quần chúng đến vây xem nổi giận, lại càng cùng lúc ném nhiều hơn. Mạnh tứ thiểu tránh cũng không tránh nổi, cuối cùng “ùm” một tiếng, nhảy xuống sông. Trên bờ tức khắc vỡ òa một trận cười vang, Mạnh phủ doãn đứng trên thuyền lâu, nhìn bộ dáng mất mặt của nhi tử, khuôn mặt già nua cũng không ngừng co giật, muốn cười lại không nỡ cười, nín nhịn đến thật vất vả. 

Đột nhiên, không biết từ nơi nào trầm bổng một khúc nhạc như làn hơi lan tỏa trên mặt sông, hòa nhã du dương, an bình hoan hỷ. Tiếng đàn ấy cũng không quá lớn, giữa đôi bờ sông ồn ào náo nhiệt vẫn ung dung cất lên, ôn nhu đến tột cùng mà tràn ngập sức lôi cuốn. 

Mọi người không kìm lòng được mà tạm ngừng mọi thanh âm huyên náo, dõi mắt tìm kiếm, chỉ thấy trên sông lại có một chiếc thuyền lá trôi đến. Trên mũi thuyền, một thư sinh trẻ tuổi mặc nho sam màu thiên thanh ngồi ngay ngắn, đang chơi đàn. Nhật quang cùng thủy quang tương giao ánh lên lấp lánh. Nét mặt hắn điềm đạm, đôi mắt khép hờ, khóe miệng hàm tiếu, phong tư tao nhã như ngọc. 

“Là Mộ Dung tam công tử!” Nguyên lai, thư sinh chính là lão tam của “Tiền giang tứ thiểu”- Mộ Dung Duật. 

Mộ Dung Duật hơi ngẩng đầu, nhưng không mở mắt, chỉ hướng bốn phía mỉm cười gật đầu. 

“Bệnh tình của Tam công tử đã có chuyển biến tốt chưa? Gió trên sông lớn lắm, cẩn thận nhiễm lạnh.” Trên bờ, biết bao nữ tử đa tình gào lên. 

Hắn nghe thấy, chỉ mỉm cười nói: “Không đáng ngại. Hôm nay đại ca cùng nhị ca trên sông phân thắng bại, ta thân là tam đệ, tất nhiên cũng muốn đến cổ vũ.” 

“Úc úc! Nhưng chẳng hay Tam công tử chàng ủng hộ Lôi đại hồ tử hay Tiếu nhị lang?” 

Câu hỏi vừa dứt, không đợi thư sinh đáp lời, một tiếng cười thô kệch đã vang lên: “Còn phải nói? Tam đệ đương nhiên là ủng hộ Lôi lão đại ta rồi!” 

Giữa tiếng hoan hô của mọi người, hỏa khí thế gia (nhà sản xuất thuốc nổ) nổi danh nhất giang hồ – Đại thiếu chủ của Phích Lịch đường, xếp hàng lão đại trong “Tiền giang tứ thiểu” – Lôi Giản, như từ trên trời giáng xuống, đáp trên chiếc thuyền nhỏ của thư sinh. Tuổi của hắn tuy không lớn, nhưng hàm râu quai nón rậm rạp che hết gần nửa khuôn mặt, khó trách hắn có biệt danh là “Lôi đại hồ tử”. (Lôi râu rậm) 

“Lôi lão đại ta đức cao vọng trọng, tiểu tử Tiếu Dương thô lỗ kia sao có thể so sánh với ta.” Tiếng cười của Lôi Giản vang vang: “Lại nói, chỉ cần so sánh trong nhóm bằng hữu của ta, tiểu tử hồ đồ kia còn thua nhiều lắm à! Các hương thân đứng trên bờ, hãy nhìn mặt mũi tam đệ mà ủng hộ ta đi! Khạc khạc!”

Tinh thần quần chúng càng thêm sôi nổi: “Lôi lão đại tất thắng!” 

“Tam công tử, a, tam công tử!” 

Giữa không khí náo nhiệt không gì sánh được đó, bất chợt từ xa xôi khoan thai truyền đến một nam âm phóng khoáng: “Hắc, Lôi đại hồ tử, ngươi dựa vào nhân khí của tam đệ thì có cái gì uy phong?” 

Lôi Giản cười mắng: “Tiểu tử hồ đồ, ngươi có tư cách nói với đại ca kết bái như vậy sao? Hơn nữa lão tử xưa nay luôn lấy đức phục người, tam đệ tự nguyện bang trợ ta, ngươi ấm ức không phục a!” 

“Ha, còn lấy đức phục người, ta buồn cười chết mất! Tam đệ nhìn không ra đại ca ngươi là một kẻ thô kệch, diện mục khả tăng (vẻ mặt đáng ghét). Nếu hắn có mắt, sao có thể không đứng về phía Tiếu nhị gia phong lưu phóng khoáng, thiên hạ vô song, vừa gặp đã yêu, vạn người ngưỡng mộ ta đây!” 

Dứt lời, chiếc thuyền không người mà Mạnh tứ thiểu bỏ lại bỗng chuyển đầu lao vun vút, như tên bắn khỏi cung, mũi thuyền phá sóng rẽ nước, trong nháy mắt nước bắn lên tung tóe như một trận mưa bạc sắc dữ dội. 

Mọi người vừa thích thú vừa kinh hãi, không ngừng hò hét ầm ĩ. 

Chỉ một thoáng, trên lâu thuyền to lớn của Mạnh phủ doãn có một người nhảy xuống, y bào hạnh sắc rạng rỡ dưới ánh dương quang, lấp lánh đến lóa mắt.

“Hắc, Lôi đại hồ tử, nói cho ngươi biết, khôi thủ (người đứng đầu) của “lộng triều chi hí” hôm nay, Tiếu nhị gia nhà các ngươi nắm chắc rồi.” 

Theo giọng nói xuất hiện một người, hạnh bào thanh niên nhẹ nhàng đáp xuống chiếc thuyền trống, khoe hàm răng trắng cười rất cởi mở. Bọt sóng tranh nhau bắn lên như mưa, cùng ánh nắng khúc xạ thành nhiều tia sáng màu cầu vồng rực rỡ. Thế nhưng, thanh niên này cơ hồ còn xán lạn hơn cả dương quang. 

Hắn khoanh tay, tùy tiện đứng ở đầu thuyền, khóe miệng ngậm một cọng cỏ cẩu vĩ ba, mái tóc đen nhánh buộc qua loa phía sau, chớp đôi mắt hồ ly mỉm cười một cách lười biếng. Dung mạo hắn không xuất chúng hơn Mộ Dung Duật, nhưng nụ cười tựa như ông trời có sụp xuống vẫn không màng kia, khiến cho toàn thân hắn tràn ngập một mỵ lực kỳ dị khó có thể nói nên lời. Bộ y bào hạnh sắc kia khoác trên người nam nhân khác có thể quá sặc sỡ phù hoa, lại phi thường phù hợp với hắn. 

“Tiếu nhị lang! Tiếu nhị lang!” Tiếng hoan hô đinh tai nhức óc vang lên, hiển nhiên trong đó chí ít hơn phân nửa là chất giọng nũng nịu của các thiếu nữ thanh xuân. 

Thanh niên này tên gọi Tiếu Dương, xếp thứ hai trong “Tiền giang tứ thiểu”, là nghĩa tử của Mạnh phủ doãn, đệ tử của một trong “Thế ngoại ngũ tuyệt” – Đại Đức Thiện tông Thánh cư sĩ, nhân xưng “Thần nhãn” Tiếu nhị lang! 

“Các vị đại thẩm, cô dì, tỷ tỷ, muội muội, đa tạ các vị đã ủng hộ ta! Tiếu nhị gia nhất định không phụ lòng mong đợi của các vị, các vị hãy chờ xem!” 

Phun nhánh cỏ, hắn cười hì hì hướng tứ phía chắp tay thi lễ, cùng lúc nhận được vô số tiếng reo hò chói tai. Trên chiếc thuyền đối diện, Lôi Giản hận đến nghiến răng ken két, tay đột nhiên giương lên, một quả phích lịch đạn (thuốc nổ) mạnh mẽ như sao băng lao đến: “Tiểu tử hồ đồ, ngươi kiêu ngạo đủ chưa a, ta đánh!” 

“Thì ta tránh!” 

Tiếu Dương phản ứng rất nhanh, chân vận lực một chút, nội lực vừa tụ lại, hắn không chần chừ một khắc phi thân ra xa mấy trượng. Khi quả phích đạn bay đến cũng đã muộn mất, vẽ thành một đường cung rơi tõm vào lòng sông. 

Chớp mắt, chỉ nghe “ầm” một tiếng, một cột nước bắn lên, phích lịch đạn không hổ là vũ khí nổi danh nhất trên giang hồ, sau khi rơi xuống nước vẫn bùng nổ dữ dội! 

Giữa cơn mưa lửa sóng bạc chấn động, một cánh tay run run rẩy rẩy trồi lên khỏi mặt sông: “Cứu mạng a!” 

Một tiếng kêu thảm thiết kéo cực kì dài, Tích Hương tài tử thật vất vả mới từ dưới nước lội lên, những tưởng sắp bò lên được trên thuyền, nào ngờ bị một quả phích lịch đạn nện ngay vào mặt, đáng thương, khuôn mặt đậu hoa trong nháy mắt nổ thành cục than. 

Mạnh phủ doãn đứng trên thuyền lâu thấy rõ tất cả, khuôn mặt già nua xấu hổ đến đỏ bừng. Nhà ta sinh phải một tên dở hơi, mất mặt gì đâu! Không thể để trò hề này kéo dài, hắn vội vàng tằng hắng một tiếng: “Chư vị, thời gian không còn sớm, thủy triều chẳng mấy chốc sẽ đến, chuẩn bị bắt đầu tỷ thí!” 

Lúc này, từ xa đã mơ hồ vọng lại tiếng thủy triều đang đến gần, tiếng dội như sấm rền, ầm ầm không dứt. Bỗng chốc, trên mặt sông xuất hiện một đường chỉ trắng, khí thế cực nhanh, càng đến gần càng thô to, cuồn cuộn khuấy động. 

Thuyền trên sông đã sớm nhốn nháo tránh đi, chỉ còn lại các vị “lộng triều nhi” can đảm. Ngoại trừ Lôi đại hồ tử cùng Tiếu nhị lang tiếng tăm lừng lẫy, còn có mấy trăm tay bơi điêu luyện tại địa phương. Bọn họ xõa tóc, cởi trần, tranh nhau nhảy xuống nước, đón đầu thủy triều ngược dòng bơi đi. 

Tiếu Dương ném ngoại bào, meo meo cười mèo nói: “Lôi đại hồ tử, Tiếu nhị gia nhà các ngươi phải hạ thủy nha!” Lập tức “ùm” một tiếng, nhảy vào trong nước. 

Trên bờ truyền đến vô số thanh âm tán thưởng xen lẫn tiếc hận: “Oa! Vóc người Tiếu nhị lang thật đẹp! Sao không thoát y chậm một chút!” 

Lôi Giản mặt đầy mồ hôi hột, vừa mới xả vạt áo, liền nghe trên bờ có người hô: “Lôi lão đại, cởi chậm một chút, cởi chậm một chút a!” Hắn “phi” một tiếng, nhanh chóng nhảy xuống nước. 

Giữa tiếng cười đùa, đầu triều đã xuất hiện rất gần, sóng lớn kéo dài hàng vạn nhận (1 nhận = 7m – 8m), sấm rền xuyên thấu màng tai. Các vị “lộng triều nhi” trồi lên rồi ngụp xuống giữa lòng sông, phất cờ đạp nước, trong tay đủ loại cờ xí đầy màu sắc tung bay phấp phới giữa một trời bọt nước trắng xóa. 

Kỳ thực, múa cờ như thế có chút nguy hiểm, cũng chỉ có cao thủ khinh công tuyệt đỉnh mới có khả năng vừa bảo toàn tính mệnh đồng thời duy trì cờ xí trong tay không bị bọt sóng thừa cơ tóe ướt. Dù sao, phần thưởng lớn như vậy sao có thể dễ dàng giành được. 

Ngọn triều dâng lên càng lúc càng nhanh, trước mặt đã hóa thành một bức tường nước vĩ đại. Ngay sau đó, thủy triều cũng gấp gáp tuôn đến, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Bất chợt nghe một tiếng sét đánh, như long trời lở đất, sóng nước xô vào nhau, ngọn sóng trùng trùng điệp điệp dựng lên như đầu non tuyết phủ, cảnh tượng kinh tâm động phách! 

Trong khoảnh khắc, đầu sóng mãnh liệt vươn cao nuốt chửng vô số kẻ lộng triều, trên bờ một trận kinh hô.  May mắn nhóm người này cũng có vài phần bản lãnh, không lâu sau, lại từ dưới nước bơi lên, nhưng cờ trong tay đã thấm ướt quá nửa. 

Hiện giờ, chỉ còn lại Lôi đại hồ tử và Tiếu nhị lang, thi triển khinh công tuyệt đỉnh đạp sóng lớn mà đi, cờ trong tay vẫn như cũ tung bay phấp phới, không có lấy nửa giọt nước bắn trúng! 

“Khẩn trương hồi hộp căng thẳng, tỷ thí đã đến hồi gây cấn nhất! Lôi đại hồ tử và Tiếu nhị lang, ai mới là người chiến thắng cuối cùng? Sau đây sẽ do tại hạ – Tích Hương tài tử đại nạn không chết, tìm được đường sống trong cõi chết, vì chư vị thuyết minh tình hình!” Mạnh tứ thiểu vừa được lão cha vất vả cứu lên lâu thuyền, không cam chịu nhàn rỗi lại nhảy ra, nửa bên mặt còn đen sì bụi khói. 

“Theo đánh giá của tại hạ, Lôi lão đại có ưu thế ở chỗ da thô thịt dầy thể lực phi thường, còn Tiếu nhị ca đây, nội lực hùng hậu, sức chịu đựng bền bỉ, cho nên ‘hưu chết sẽ về tay ai’ vẫn rất khó nói a!” 

Nói cả buổi chẳng khác nào chưa nói, trên bờ tiếng khinh bỉ truyền đến từ tứ phía.

——— 

“… Tiểu sư đệ?” 

Trên bờ sông, trong rạp kết hoa của Khâu gia, một thanh niên mặc y sam lam sắc khoanh chân ngồi ngay ngắn, nét mặt nghiêm nghị, đôi mắt chăm chú theo dõi Tiếu Dương đang vận lực đạp sóng đến không chớp mắt. 

Triệu Uyển ngồi bên cạnh quan sát hắn thật lâu, không rõ hắn rốt cuộc đang ngủ hay đang nhìn Tiếu Dương đến xuất thần. Nàng thử vươn tay huơ huơ trước mặt hắn: “Ngươi còn ngồi bất động ở đây làm chi? Mau gọi Tiếu sư huynh nhà ngươi trở về a, bọn họ sắp lên đến bờ rồi… Ách, ngươi không muốn đi?” 

“Cũng không phải…” 

“Vậy là chuyện gì?” Triệu Uyển cau mày. 

“Ngồi xếp bằng lâu quá, chân tê.” Thanh niên ngẩng đầu, vẻ mặt ngốc bẩm sinh bày ra biểu tình vô tội. 

“…” Sau ót Triệu Uyển xếp một tầng mồ hôi. 

Dưới gầm bàn, nghệ nhân chế tác bì ảnh nổi danh nhất trấn Diêm Quan, Hải Ninh – Khâu sư phụ – đang say bí tỉ ôm một hồ lô rượu đã cạn rỗng lè nhè: “Ách, Uyển nhi, đem thêm một bình Hương tuyết thuần tới đây, ta còn muốn uống…” 

Triệu Uyển căm phẫn trừng mắt, cuối cùng phát điên lên: “Uống uống uống, uống cái đại đầu quỷ ngươi! Bao nhiêu tuổi rồi mà còn làm bộ dáng đó, đừng tưởng cứ lăn qua lăn lại ăn vạ ta sẽ cho ngươi uống tiếp!” 

Lại liếc nhìn bộ mặt đồng cảm của thanh niên, Triệu Uyển giận dữ quát lên: “Còn tiểu mộc đầu ngươi nữa, mau đi gọi cái tên sư huynh thích nháo động của ngươi trở về! Sư phụ uống say rồi, vẫn còn một đống lớn đạo cụ diễn xuất cần thu thập, chỉ dựa vào một mình ngươi căn bản mang không hết, nhanh nhanh gọi hắn về làm khuân vác.” 

Tiếng rống như sư tử Hà Đông của sư tỷ uy lực kinh người, kẻ vốn phản ứng chậm chạp như cũng có phần Mục Thiếu Hoài nuốt không trôi. Xoa xoa lỗ tai bị chấn động đến phát đau, hắn chậm chạp đứng dậy, giũ tay áo định cất bước. “Bịch”, một bóng trắng nho nhỏ từ ống tay áo của hắn rơi xuống mặt bàn, nhanh như chớp chạy trốn mất. 

Sau một khắc, tiếng thét chói tai như bị tâm thần của Triệu Uyển vang vọng khắp trong ngoài rạp kết hoa. 

“Chuột! Có chuột a a a a a…!” 

“Cái kia… Kỳ thực là Tiểu Bạch do ta nuôi, rất thông minh, ngươi đừng sợ…” 

“A a a a a…” 

“Nó thực sự rất thông minh…” 

“Đóng cửa thả Chiêu Tài ra a a a a a!” 

“Uyển nhi, Chiêu Tài ở nhà không có đem theo.” Khâu sư phụ giả say cũng nghe không nổi nữa, đành đứng dậy lựa lời khuyên giải. Ai, có ai đi diễn xuất còn mang mèo theo cơ chứ! (Tên con mèo có nghĩa là phát tài =^^=)

———- 

Lúc này, thi đấu lộng triều đạp sóng đã đến hồi kết. 

Giữa con sóng khổng lồ bài sơn đảo hải, Lôi Giản và Tiếu Dương dũng cảm tài cao, phất cờ trong tay, nghênh diện cùng ngọn triều hung mãnh mà bơi đi, chốc lát được đầu sóng nâng lên, chốc lát lại bị nhấn chìm trong bụng sóng, một thân võ công đủ để xưng kinh thế hãi tục. Sóng như đồi tuyết, cờ ngũ sắc tung bay, cảnh tượng tráng lệ này, có được khi toàn bộ sức mạnh của con người và tự nhiên tương giao, có thể gọi là kỳ quan cái thế, khiến người xem dọc theo đôi bờ sông không khỏi say mê. 

Giữa tiếng nước ầm vang, Tiếu Dương lại lướt qua một cơn sóng, trong lòng biết thủy triều đến đây bắt đầu thối lui, mà cờ trong tay vẫn không ướt, đang hoan hỉ, bỗng nhiên nghe tiếng Lôi Giản cười dài nói: “Đúng là tiểu tử hồ đồ a, xem phích lịch đạn của lão tử đây!” 

Lôi Giản vừa quát vừa vọt thân theo đầu sóng nhảy lên, thuận thế chưởng vào cán cờ, từ đầu cán cờ rỗng ruột bắn ra một chuỗi đạn sấm sét! 

Thiếu Dương suýt chút nữa tròng mắt lọt ra ngoài: “ Không phải chứ? Lôi đại hồ tử ngươi lại chơi chiêu này! Còn mang theo ám khí! Gian lận, cái này tuyệt đối là gian lận!” 

“Hắc, tiểu tử hồ đồ, về mặt điều gian khiển trá ngươi còn kém ta xa lắm!” 

Trong tiếng cười, đỉnh triều nhanh chóng rút đi, Lôi Giản bắt lấy khoảnh khắc này, phích lịch đạn trong tay lập tức bắn ra, sáng lóa như sao băng xuyên qua mặt trăng. Chỉ thấy liên tiếp hơn mười quả đạn liên hoàn phóng ra,  va vào mặt nước liền phát nổ, khói lửa mịt mù, trong nháy mắt, mặt sông vừa trở nên yên ả lại bị khuấy động thành một trời mưa như thác đổ. 

Tiếu Dương dùng tốc độ nhanh nhất để đánh giá tình thế, lách người tránh khỏi bọt nước và cột khói, cho đến khi nhận thấy cờ ngũ sắc trong tay sắp bị nước tóe ướt, nhất thời không còn cách nào khác, âm thầm vận nội lực, ra sức ném cờ lên không trung cao đến hơn mười trượng. 

Tức khắc, loạt phích lịch đạn hoàn toàn thất bại. Tiếu Dương đạp bọt sóng, tung người lên giữa không trung, thỏa sức cười lớn: “Lôi đại hồ tử, chớ trách ta không giữ thể diện cho ngươi! Chỉ bằng mấy quả đạn lép này, muốn bảo Tiếu nhị gia ta lùi bước, có phần quá trẻ con đi!” 

Hắn từ không trung nhìn xuống, chớp mắt đã trông thấy Mục Thiếu Hoài trên bờ sông, hai mắt lập tức sáng ngời, cao giọng nói: “Tục ngữ nói rất hay, ‘lai nhi bất vãng phi lễ dã’ (có qua mà không có lại là thất lễ vậy). Ha ha, Thiếu Hoài mau ném binh khí cho nhị ca của ngươi!” 

Mục Thiếu Hoài vô cùng buồn chán ngồi chồm hổm trên bờ đê, theo phân phó của sư tỷ đợi đến khi bọn họ lên đến bờ, nghe tiếng gọi chợt kinh ngạc, sau một lúc mới nhận ra người kia gọi mình, ngẩng đầu ngơ ngác trả lời: “…Hả?” 

Tiếu Dương nhìn vẻ mặt ngốc của hắn, vừa tức giận lại vừa buồn cười, cười mắng: “Ngươi thật đúng là ở đâu cũng có thể phiêu diêu được! Oa…” 

Giữa tiếng kinh hô, Lôi Giản cười sằng sặc nói: “Tiểu tử hồ đồ, chúng ta còn chưa kết thúc đâu! Xem ngươi còn có thể trốn đến nơi nào!” Bàn tay giơ lên, phích lịch đạn lại liên tiếp đánh tới. 

Lúc này, cờ được Tiếu Dương ném lên khoảng không đã rơi xuống gần, hắn đang đứng trên đầu sóng, vươn tay đón lấy, đột nhiên nhìn thấy trước mắt một quả phích lịch đạn sắp đánh trúng. Dù cho may mắn tránh được, lá cờ kia chắc chắn vẫn bị rơi vào nước, cuộc tỷ thí này xem như thất bại. Giữa thời khắc như chỉ mành treo chuông đó…   

Khá khen cho ngươi Tiếu Dương, quả không hổ danh là đệ tử tục gia (không xuất gia) xuất chúng nhất của đương kim Thiền Tông!

Dưới chân, thủy triều chưa hoàn toàn rút lui bắt đầu cuồn cuộn dâng lên, ba đào trải hàng vạn khoảnh (1 khoảnh = 100 mẫu Trung Quốc; khoảng 6.7 ha), bọt trắng tung tóe, như mây bạc quá bộ qua bờ ngọc. Cuồng phong chợt nổi, mang theo hơi nước ẩm ướt, vụng trộm vén mái tóc dài của Tiếu Dương. 

Thanh niên đang nhảy giữa không trung, mái tóc rối bời tung bay trong gió, hắn ngẩng đầu, nụ cười lười biếng xán lạn dưới ánh dương quang hừng hực cháy lệnh người ta không thể nhìn thẳng vào.  

“Lôi đại hồ tử, ngươi tính sai rồi!” Nâng tay bắt lấy cán cờ đang rơi giữa khoảng không, Tiếu Dương cười đến kiêu ngạo càn quấy: “Phải biết rằng, Tiếu nhị gia nhà các ngươi a, có thể biến mọi thứ không có khả năng thành có khả năng… 

Chính xác, ta là một nam nhân trong truyền thuyết!” 

Lúc ấy, hắn đang ở giữa không trung, nội lực trước đó dùng để phi thân đã cạn, nội lực mới chưa kịp vận, phích lịch đạn không ngừng bắn tới, hắn liền cầm cán cờ, trở tay cuốn tất cả hơn mười quả phích lịch đạn vào trong lá cờ! 

“Cuốn cờ phản công! Cuốn cờ phản công!” Trên bờ, cao cao tại khán đài, Mạnh tứ thiểu đảm nhiệm giải thích chứng kiến được một pha kích động, hô đến khàn giọng: “Tiếu nhị ca vĩ đại! Nội lực phật môn thiền tông mà hắn kế thừa đã phát huy tác dụng! Giờ khắc này, hắn được linh hồn của ‘Thế ngoại ngũ tuyệt’ hộ thân. Bây giờ hắn không chiến đấu một mình, hắn không phải chỉ có một người!” 

“Thắng lợi thuộc về Tiếu nhị ca, thuộc về ‘Tiền giang tứ thiểu’, thuộc về các hương thân của Diêm Quan Hải Ninh.”

Sự thực, chiêu thức ấy của Tiếu Dương thoạt nhìn đơn giản, nhưng đòi hỏi phải sử dụng lực đạo vừa phải không được sai một ly. Dù chỉ dùng thừa một phân khí lực cũng đủ để làm những viên đạn kia dưới va đập cực nhỏ mà nổ tung. Tiếu nhị lang nổi danh khắp chốn, quả nhiên không phải hạng người tầm thường! 

Quần chúng bốn phía bởi màn biểu diễn gần như thần thoại này mà nín thở một lúc, cuối cùng bùng nổ tiếng hoan hô như sấm.

Trên bờ đê dài, Mục Thiếu Hoài bị tiếng hét khản giọng của Mạnh tứ thiểu dọa run lẩy bẩy, một lúc sau mới sực tỉnh. Duỗi duỗi chân đánh đánh tay, khởi động cái chân tê rần do ngồi xổm quá lâu, hắn chậm chạp đứng dậy, nhìn quanh quất, cuối cùng nhận ra sau lưng mình đang đeo cây dù giấy màu đỏ – binh khí mà sư huynh bảo hắn ném cho. 

“Sư huynh, binh khí tới đây, bắt cẩn thận!” Không kịp nghĩ nhiều, hắn vung tay đem dù ném đi thật xa.

“… Không phải chứ? Tốt xấu gì cũng để ta chuẩn bị tâm lý a!” 

“Hây!” 

Thế bay của dù rất gấp, nhanh như chớp lao thẳng đến khoảng không mà Tiếu Dương đang rơi xuống, thậm chí mang theo cả tiếng gió rít gào. Nếu bị nện trúng, hậu quả… Thật sự không cần phải nói nhiều! 

Tiếu Dương xanh mặt, không ngừng kêu rên. Sư đệ ngu ngốc, xem phản ứng lề mề của ngươi này… Rốt cuộc ngươi đang giúp ta hay hại ta a! 

Các thiếu nữ trên bờ kinh hãi hét lên, có người che mặt không nỡ nhìn nữa. 

“Ha ha, Tiếu nhị lang, cái này gọi là ‘Tự tác nghiệt không thể sống’!” Cách đó không xa, Lôi Giản ra sức phất cờ đạp nước, đích đến đã càng lúc càng gần. 

“Phi! Ngươi đừng vội cao hứng!” Tiếu Dương trầm giọng hô, đúng lúc cây dù lao tới trước mắt lập tức vận lực, tung một chưởng hùng hậu mà cấp bách đánh xuống mặt nước dưới chân. Thoáng chốc, sóng bạc trỗi lên, hắn mượn phản lực của sóng lớn, dưới tình huống cơ hồ lực bất tòng tâm, thân thể lại một lần nữa phóng lên không trung. 

Dương quang chói lóa, hắn vừa nheo mắt vừa buông lơi nụ cười lười biếng vốn có: “Các cô nương, hãy mở to đôi mắt, nhìn cho kỹ Tiếu nhị lang đã xoay chuyển tình thế ra sao!” Giữa tiếng cười lanh lảnh, lá cờ trên tay hắn được căng ra, hơn mười quả phích lịch đạn bị cuốn bên trong lập tức rơi xuống, lúc này, cây dù cũng vừa vặn lao vào bên dưới đường rơi của đạn. 

“Ta xoay!”

Trong tích tắc điện quang thạch hỏa đó, mọi người chỉ thấy cây dù đỏ thắm bỗng chốc bung ra, mở rộng như mặt lưới. Tiếu Dương tập trung nội lực, cây dù xoáy tròn, nghênh đón toàn bộ chuỗi đạn rơi xuống!

Cuồng phong hòa khí lực lưu chuyển, dưới khả năng điều khiển nội lực tuyệt diệu của Tiếu Dương, lấy mặt dù làm trọng tâm, tạo thành một cơn lốc vô hình trên không. Những quả đạn bị lốc xoáy hút vào rồi bắn ngược ra ngoài, bay thẳng đến chỗ của Lôi Giản!

“Đạn lép trả lại cho ngươi! Tiếu nhị gia nhà các ngươi không hám của lạ!”

Một lần nữa ném cờ của mình lên cao, tiếng cười sảng khoái của Tiếu Dương lạc vào lòng sông. Hắn mở dù che chắn bên người, ung dung chờ đợi…

“Ầm ầm” một tiếng nổ lớn, hơn mười quả phích lịch đạn đồng loạt oanh tạc trên đỉnh đầu Lôi Giản, sức công kích của chúng làm khơi dậy một cột nước cao ngút trời. Lôi lão đại đáng thương không những cờ xí trong tay bị xối ướt sũng, ngay cả bộ mặt râu quai nón cũng cháy sém, một đám khói khen khét từ đỉnh đầu lượn lờ bốc lên.

“Oa, Lôi đại hồ tử, ngươi sẽ không phá tướng đi? Thật làm người ta áy náy nha.” Tiếu Dương giơ dù đỏ lên ngăn cản bọt nước bắn đến, hì hì cười giễu cợt đại ca kết bái. 

Chiếc dù như lộng che bằng lụa, đỏ đến lóa mắt. Hắn cười hờ hững để lộ ra hàm răng trắng, vẻ mặt lười biếng rạng rỡ dưới ánh mặt trời chói chang. 

… Kiêu ngạo đến cực điểm, ngông cuồng đến cực điểm, cũng đẹp mắt đến cực điểm!

“Tiếu nhị lang! Tiếu nhị lang!” Trên bờ đê, các thiếu nữ hoan hô vang dội.

Mục Thiếu Hoài đang chồm hổm trên đê, thấy sư huynh bơi đến, khóe miệng tủm tỉm cười.

“Ngươi nhớ kỹ cho lão tử! Tiểu tử hồ đồ…” Lôi Giản vừa chửi mắng, vừa chìm xuống nước. Trên mặt sông “ục ục” nổi lên mấy đám bọt khí.

“Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim (huynh đệ động lòng, chém sắt cũng đứt). Thiếu Hoài, đa tạ ngươi vào thời điểm mấu chốt đã giúp ta một tay! Oa ha ha ha…” Trong tiếng cười dài, Tiếu Dương vươn mũi dù đón lấy lá cờ đang từ trên không rơi xuống, bơi về đích.

“Hừ, đệ tử của Thánh cư sĩ sao… Hảo công phu!”

Trên rạp cao, một hồng y nhân đứng chắp tay, xa xa quan sát Tiền giang tứ thiểu một phen thi triển thân thủ, phân cao thấp lộng triều, khóe môi dẫn ra một tia cười lạnh lẽo. Dung mạo hắn tú dật, khí độ cao ngạo, một thân cẩm y (áo gấm) đỏ rực.

“Mặt khác, đoàn hát bì ảnh Khâu gia vốn dĩ… Ha ha, Hải Ninh Diêm Quan thật sự là tàng long ngọa hổ a! Quả là “vô tâm sáp liễu, liễu thành âm”*, sự việc càng lúc càng trở nên thú vị.” Thấp thoáng đằng sau những lớp rèm che, nụ cười của hồng y thanh niên âm lãnh tựa đao phong. Vươn tay, hắn để mặc một tiểu kim xà chậm rãi bò lên lòng bàn tay.

(*: Nguyên văn: Hữu ý tài hoa hoa bất phát/Vô tâm sáp liễu, liễu thành âm =Cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc/Vô tình gieo liễu, liễu lên xanh, ý nói những việc không lường trước được)

Thân rắn mang sắc của vàng ròng óng ánh trong bóng tối, tiểu kim xà thè lưỡi, phát ra tiếng “tê tê”. Nó mở to mắt, đồng tử đỏ như máu, không khác một yêu ma. 

Chú thích:

1. Sông Tiền Đường có tên cổ là sông Chiết, xuất hiện sớm nhất trong “Sơn hải Kinh” (một tư liệu địa lý thời cổ đại của Trung Quốc), ngoài ra còn có tên sông Tiệm. Thời Tam Quốc, tên Tiền Đường bắt đầu được sử dụng, nhưng lúc đó sông Tiền Đường chỉ dùng để chỉ đoạn sông chạy qua huyện Tiền Đường (Hàng Châu ngày nay). 

Tiền Đường là con sông lớn nhất tỉnh Chiết Giang. Sông dài 668 km, chạy qua bốn tỉnh là Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến và thành phố Thượng Hải, cuối cùng đổ ra biển Thái Bình Dương, tổng diện tích lưu vực 55.558 km2. 

2. Thủy triều trên sông Tiền Đường:  Đoạn sông Tiền Đường đổ ra biển cũng chính là nơi xảy ra hiện tượng thủy triều dâng nổi tiếng. Giải thích hiện tượng này, các kỹ sư thủy lợi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do cửa sông Tiền Đường loe ra như hình cái loa. Cửa vịnh Hàng Châu rộng tới 100 km, nhưng càng hướng về phía đất liền lòng sông càng hẹp, đến đoạn ở thị trấn Cẩm Phố độ rộng chỉ còn 20 km, tới thị trấn Diêm Quan(Hải Ninh) còn 11 km, đến cửa đập Hàng Châu chỉ rộng có 1 km. 

Sóng từ biển Đông vào vịnh Hàng Châu, vì mặt sông bỗng nhiên thu hẹp nên đột ngột dâng cao làm cho mặt sông sủi bọt trắng xóa, nước bề mặt thay đổi không ngừng. Thủy triều có thể dâng cao đến 8 mét so với mặt sông, trời đất dường như điên đảo, cảnh tượng vô cùng hùng vĩ. 

Thủy triều ở cửa sông Tiền Đường mặc dù rất hùng vĩ, nhưng cũng gây ra nhiều tai ương cho dân chúng. Chính vì thế từ bao đời nay, nhân dân sống quanh vùng luôn phải chiến đấu với những ngọn sóng hung dữ này. Họ đã dựng nên con đê biển to lớn để chống chọi với nước sông Tiền Đường. 

3. Tục lệ thưởng triều dâng vào tháng Tám âm lịch: Bắt đầu từ đời Đường. 

Đời Nam Tống tục lệ này trở nên hết sức sôi nổi. Lúc đó tất cả các hoạt động như duyệt thợ lặn, tế triều, xem triều và biểu diễn với thủy triều… đều tập trung vào ngày 18 tháng 8 âm lịch hàng năm. Đúng ngày này, người dân ở phủ Lâm An (Hàng Châu ngày nay) đều đổ ra bờ sông xem triều dâng. Bờ sông dài hơn mười dặm kín đặc người, xe ngựa chạy qua đều ùn tắc. 

4. “Bát nguyệt thủy triều, tráng quan thiên hạ vô” đây là câu thơ nổi thiếng của Tô Đông Pha.

Đời Bắc Tống tiếp tục kế thừa truyền thống khoa cử từ đời Tùy, cuộc thi ở địa phương đến Trung thu là phát bằng. Thế nhưng năm đó ở Hàng Châu, gần đến ngày rồi mà kết quả vẫn chưa được công bố. Thí sinh mặc áo dài xếp hàng đứng đợi ngoài cửa, mặt trông ngóng vào trong phủ. Tô Đông Pha thấy vậy vô cùng thông cảm. Ông liền cầm bút viết nên bài thơ nói hộ nỗi lòng của thí sinh! Ông hy vọng quan chấm thi nhanh chóng hoàn thành công việc, để mọi người có tâm trạng thoải mái xem triều dâng ngày 18 tháng 8. 

5. Bì ảnh hí (kịch đèn chiếu) là một loại nghệ thuật tương tự như múa rối của Trung Hoa, dùng ngọn đèn chiếu hình ảnh của các nhân vật được cắt từ da (bì) hoặc giấy các-tông lên một tấm lụa mỏng. Nội dung kịch thường là các câu chuyện dân gian. Người biểu diễn vùa điều khiển nhân vật vừa hát một làn điệu đặc trưng của từng vùng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui