Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn

Vẫn là thời tiết đầu xuân, ban ngày trời nắng ấm, gió thổi qua êm dịu. Cách mành nhìn ra, trong đình yên tĩnh không một tiếng động, chỉ có chú vẹt ở cuối hành lang thi thoảng mới miễn cưỡng lười nhác vỗ vỗ cánh, khiến cái chuông vàng ở chân nó kêu leng ceng một hồi.
Ngủ đã được một lúc lâu khiến người cũng cảm thấy mệt mỏi, lười biếng không chịu dậy, thế là nàng gọi cung nữ bên người: "Hương Ngâm." Đi vào lại không phải là Hương Ngâm, một hình ảnh quen thuộc tiến đến dọa nàng giật mình, quên mất phải hành lễ: "Hoàng thượng..."
Tóc mai khẽ rủ xuống, trước mặt Hoàng đế như vậy là quá thất lễ, hoàng đế lại chỉ cười bảo: "Trẫm thấy nàng ngủ say, nên không cho ai đánh thức nàng." Hắn cực kì nuông chiều nàng, trong mắt lại lộ ra ý tứ giống như nàng là vật báu hắn vất vả lắm mới tìm được.
Ai ai cũng cho rằng nàng được sủng ái nhất lục cung. Bởi vì tháng bảy tuyển tú, tháng 12 được sắc phong Hòa tần, đồng thời Đồng Giai thị được phong làm quý phi. Đồng phi là muội muội của Hiếu Ý hoàng hậu, từ sau khi Hiếu Ý hoàng hậu qua đời thì nàng ta nắm quyền quản lý hậu cung. Vào ngày đó còn có một quý nhân được phong Lương tần, nàng ấy là mẫu thân của Bát a ca nhưng vì xuất thân thấp hèn nên từ trước đến này hoàng đế không hề để ý tới. Lần này được sắc phong lên tần trong cung đều đồn đại là do Bát a ca không ngừng tranh đấu. Vị Bát a ca này có dung mạo phong thái giống hoàng đế nhất trong các vị a ca, mới 18 tuổi đã được phong Bối Lặc.
Sắc phong là việc hỉ, Đồng Quý Phi làm chủ, các nàng ba người mở tiệc chiêu đãi vài vị chủ nhân hậu cung: Vinh phi, Nghi phi, Đức phi, Huệ phi đều được mời. Cả một gian phòng tiếng nói cười ồn ào náo nhiệt. Đây là lần đầu tiên nàng gặp Lương tần. Lương tần là người yên tĩnh, đến cả nụ cười trông cũng rất lạnh nhạt hờ hững. Nàng cảm thấy vị Lương Tần này trông rất quen mắt, chỉ là không nhớ nổi đã thấy qua ở đâu. Trong bữa tiệc chỉ thấy có Nghi phi là quan tâm tới Lương tần, nàng thật sự không hiểu nổi, hai con người tính cách khác nhau như thế sao có thể kết bạn?
Sau này nghe nói là do Bát a ca thân với Cửu a ca, nàng cũng chẳng để tâm vì lâu nay hoàng đế không thích phi tần hậu cung bàn luận chuyện triều chính.
Nàng đắm chìm trong suy nghĩ, thần sắc trên mặt phảng phất có tia hoảng hốt. Hoàng đế nắm chặt tay nàng, chợt nói: "Trẫm dạy nàng viết chữ."
Hoàng đế thích dạy nàng viết chữ, mỗi lần đều là viết thơ hắn sáng tác. Thậm chí còn có một lần dạy nàng viết tên hắn. Nàng học rất chậm nhưng hắn luôn bằng lòng dạy nàng viết. Lúc dạy nàng, hắn thường im lặng, cũng không thích nàng nói chuyện, chỉ lặng lẽ nắm tay nàng. Viết viết vẽ vẽ, cực kì chuyên tâm, cứ như đó là chuyện quan trọng nhất trên thế gian. Bút lông mềm mại uốn lượn, những chữ viết ra đều cong cong vặn vẹo, nét ngang thì giống như con giun, nét sổ giống cành cây. Có lúc nàng không nhịn được bật cười, nhưng hắn cũng chẳng lấy làm phiền. Có lúc hắn bỗng xuất thần, trong mắt có một tia hoảng hốt không thể giấu được. Trong ấn tượng của nàng, Hoàng thượng tuy dịu dàng hòa nhã nhưng tâm sâu không lường được. Không ai dám phỏng đoán tâm ý của hắn, nàng cũng không dám. Phi tần trong hậu cung nhiều như thế, hắn lại chiếu cố nàng như vậy, ai ai cũng bảo là nàng có phúc lớn.
Thật ra nàng là người thích náo nhiệt, nhưng Hoàng đế lại không thích. Nàng chỉ đành im thin thít trước mặt hắn. Hắn thích nàng mặc xiêm y màu xanh biếc. Vải lụa may mặc mà Giang Ninh, Tô Châu, Hàng Châu cống nạp đều thưởng cho nàng lụa màu xanh, xanh lam như hồ nước, xanh lá sen, xanh lục nhạt... Vải cống, lụa Oa, gấm vóc, gấm Phủ, lanh, thổ cẩm, tơ tằm, lụa Hàng Châu... y phục bốn mùa nhiều như thế, tuổi mười bảy ai mà không thích sắc hồng? Nhưng vì hắn không thích nên nàng cũng chỉ đành ăn mặc mộc mạc như hoa sen.
Năm thứ hai vào cung, nàng hạ sinh một vị tiểu cách cách, trong giấy tờ ở Tông Nhân phủ ghi lại là vị cách cách thứ mười tám, nhưng sinh ra mấy tháng liền chết non. Nàng đau khổ cùng cực, khóc đến thương tâm. Hắn bãi triều vội vàng đến chỗ nàng, thấy nàng buồn bã bi ai, trong mắt hắn có sự thương tiếc vô hạn. Ôm lấy nàng, thể hiện một nỗi đau khó nói mà nàng không thể hiểu. Từ trước tới nay hắn chưa từng nhìn nàng như vậy, đau xót như vậy, tuyệt vọng đến vậy, cứ như không phải là mất đi một cách cách, mà là mất đi thứ hắn quý trọng yêu thương nhất trên đời. Tuy hắn có nhiều cách cách, a ca, nhưng lúc này hắn thương tâm đến vậy, cơ hồ như còn đau hơn cả nàng.
Nàng khóc đến nghẹn ngào, nước mắt thấm ướt áo bào của hắn, hắn chỉ lặng lẽ ôm chặt nàng, cuối cùng nói: "Ta nợ nàng nhiều đến thế."
Sau đó vài ngày, Nội Vụ phủ phụng ý chỉ phong Lương tần lên làm Lương phi. Vương thị buột miệng nói: "Cuối cùng cũng là do nhi tử không ngừng tranh đấu, tuy hoàng thượng không để ý đến nàng ta nhưng cũng vì Bát a ca mà nể mặt nàng." Nàng không hiểu vì sao trong lòng bỗng thấy buồn bã, Vương thị lúc này mới biết lỡ lời, vội cười bảo: "Muội muội vẫn còn trẻ như vậy, hoàng thượng quan tâm, năm sau chắc chắn sẽ hạ sinh một vị tiểu a ca."
Thế nhưng nàng lại không sinh được ai nữa. Phi tần trong hậu cung trông mong nhất chính là sinh được hoàng tử, nhưng sinh được hoàng tử thì sẽ có tất cả hay sao? Vậy Lương phi tuy là sinh được Bát a ca đó, nhưng nàng ấy không phải vẫn cô đơn hay sao? Ngoài những lần triệu tập các cung, rất hiếm khi thấy nàng đi lại trong cung.
Hoàng đế có tuổi, nhớ lại tình xưa, khi rảnh rỗi thường thích đến hậu cung cùng các phi tần ôn chuyện, có Đức phi, Nghi phi, Huệ phi... nhưng trước nay chưa từng nghe nói tới hắn đến chỗ Lương phi.
Những ngày này trong cung, sóng yên biển lặng. Phi tần đối đãi với nàng rất khách khí vì biết nàng được hoàng thượng sủng ái. Sự sủng ái này có thể coi là thiên trường địa cửu, cả đời không hết. Nàng cùng Vương thị nói chuyện cực hợp ý nhau do tuổi tác cả hai không chênh lệch nhiều. Có lần nhàn hạ ngồi trong cung của Đồng quý phi, mọi người ồn ã nói chuyện, Nghi phi bỗng cười bảo: "Mọi người nhìn xem, hai người họ thật giống chị em ruột." Nói thật ra thì nàng cùng Vương thị không hề giống nhau, chỉ là khuôn mặt đều là hình trái xoan.
Đức phi cười bảo: "Hoàng thượng thích mặt trái xoan, tiếc là mặt ta tròn, mấy năm trước còn được coi là xinh đẹp thanh tú, bây giờ chỉ đành coi là cái bánh nướng thôi." Cười đến mức Nghi Phi không nhịn được, suýt nữa phun ra một ngụm trà.
Thật ra Đức phi vẫn còn rất xinh đẹp. Khuôn mặt tròn trịa, năm đó vẫn sáng ngời như mặt trăng. Nữ nhân hậu cung có ai là không đẹp? Hoặc nói là, ai đã từng không đẹp?
Cứ nghĩ như vậy trong lòng lại hiện lên một tia bối rối, hoang mang. Tuy hoàng đế đối với nàng trước sau như một, ngày ấy còn đặc biệt tranh thủ lúc nghỉ ngơi buổi trưa qua thăm nàng, trên mặt tràn đầy ý cười hỏi: "Hôm nay là sinh nhật nàng, Trẫm đã kêu Ngự Thiện phòng chuẩn bị mì Ngân Ti. Lát nữa Trẫm sẽ ăn cùng với nàng."
Nàng run rẩy một chút rồi mới cười đáp lời: "Hoàng thượng nhớ nhầm rồi, thần thiếp sinh vào tháng mười, bây giờ mới vừa qua tết Đoan Ngọ thôi."
Hoàng thượng "ồ" một tiếng, trên miệng vẫn nở nụ cười, chỉ là trong mắt lại có một tia hoảng hốt mà nàng không thể hiểu nổi. Nàng sẵng giọng: "Hoàng thượng nhớ sinh nhật của ai vậy, cố ý đến đánh lừa thần thiếp."
Hoàng thượng cười, chỉ nói: "Trẫm bận bịu nhiều việc, nhớ nhầm mất rồi."
Sau khi hoàng đế đi rồi, nàng tới cung của Nghi phi, thật khéo gặp Nghi phi đang tiễn Lương phi ra. Vì thường ngày ít qua lại, nàng cố ý cười một tiếng gọi: "Lương tỷ tỷ."
Xưa nay Lương phi rất khách sáo, xa lánh, lúc này gật gật đầu xem như đáp lễ.
Nghi phi dẫn nàng đến cạnh lò sưởi, vừa hay có một cung nữ dâng lên điểm tâm. Nàng nhìn thấy có mì Ngân Ti, liền cười nói: "Hóa ra hôm nay là ngày sinh của Nghi phi tỷ tỷ", rồi lại đem chuyện Hoàng thượng nhớ nhầm ngày sinh ra kể một lượt. Nghi Phi dường như có chút cảm động, qua một hồi lâu mới thở dài một hơi. Nghi phi là người vốn thẳng thắn cởi mở, rất ít khi có tâm trạng phiền muộn, nàng thấy vậy liền cảm thấy buồn bực một hồi.
Hoàng đế vốn ngại quy tắc rườm rà trong cung nhưng một năm lại có đến nửa năm dừng chân trong Sướng Xuân Viên. Hoa viên lớn như vậy, cảnh xuân tươi đẹp. Phong cảnh bốn mùa đẹp như tranh vẽ. Mùa thu có lá phong đỏ như lửa, vây quanh đình giữa hồ, giống như cả hoa viên đều đang được chiếu bởi ánh đuốc sáng ngời. Ngồi thong dong trên thuyền, phía dưới là hồ nước xanh như ngọc bích, hai bờ đều là lá phong đỏ, rợp bóng xuống mặt hồ trong vắt. Sóng vỗ táp táp vào mạn thuyền.
Hoàng đế sai người chuẩn bị bút mực, xưa nay hắn thích những màu thanh nhã, trên ngự án giữa thuyền chuyên tâm vẽ nên sắc trời ánh nước chung quanh. Viết thêm lên một bài thơ, rồi ngâm nga từng câu cho nàng nghe. Tuy nàng chẳng hiểu gì nhưng hắn cũng không giải thích, chỉ vừa ngâm vừa cười, toát ra một vẻ hân hoan vô cùng.
Hắn chợt nảy ra một ý nghĩ, bảo nàng: "Trẫm vẽ cho nàng một bức tranh." Nàng biết hắn thích sự đoan trang nên ngồi xuống một cách quy củ, cực lực thể hiện sự thong dong nhàn nhã trên mặt. Hắn chăm chú nhìn nàng thật lâu, ánh mắt chăm chú dán chặt vào nàng. Giống như lá phong đỏ rực hai bên bờ, tầm mắt như muốn đốt cháy người ta vậy. Sau một lúc lâu hắn mới cúi đầu xuống tờ giấy trắng, dùng mực nhạt phác họa các nét. Ngòi bút phác qua phác lại tự nhiên. Đột nhiên cổ tay hắn dừng lại, không vẽ tiếp nữa.
Nàng vốn ngồi rất gần ngự án, liếc mắt qua thấy trên giấy mỏng đã phác họa lên khuôn mặt, khuôn mặt quen thuộc đến như vậy...
Nàng hỏi: "Hoàng thượng vì sao không vẽ nữa?"
Hoàng đế đem bút lông đặt lên nghiên mực "cạch" một tiếng dứt khoát, mực văng ra khắp nơi, thản nhiên bảo: "Không vẽ nữa, chẳng có gì hay ho."
Nàng biết hắn tức giận, nàng cũng không tới hỏi rõ trắng đen. Nàng cũng giận dỗi, đặt giấy lại ngự án, thỉnh an một cái rồi cáo từ: "Thần thiếp cáo lui."
Đối với tính tình trẻ con của nàng, từ trước đến nay hắn đều nhân nhượng cho qua, thậm chí còn mang chút ý nuông chiều, luôn là cười cười nhìn nàng hờn dỗi một cách quá đáng. Lần này lại quay đầu sai Lương Cửu Công: "Tiễn Hòa tần xuống thuyền."Trong nháy mắt nàng thấy cực kì thất vọng, chung quy vẫn là đang còn trẻ, cảm thấy bị bẽ mặt. Rời thuyền xuống một chiếc thuyền nhỏ tiến vào bờ, nàng vẫn chưa hết căm phẫn. Bước lên bậc thềm xanh nàng bất chợt ngẩng đầu, chỉ thấy thấp thoáng có người đang gạt liễu đi, nàng tưởng là thái giám hầu hạ, liền muốn hắn đi gọi cung nữ của nàng, nàng gọi: "Này, ngươi qua đây."
Người nọ nghe nàng gọi, theo bản năng quay đầu nhìn qua. Nàng giật mình, người này chắc chắn không phải thái giám, tuổi chừng ba mươi, một thân trường bào gấm đen, trước ngực có họa tiết màu xanh. Trên đầu chỉ đội chiếc mũ gấm đen, nhưng eo thắt dây lưng màu vàng, rõ ràng là một vị hoàng tử.
Tên thái giám theo tùng vị hoàng tử này đã tiến lên thỉnh an: "Thỉnh an Hòa tần."
Lúc này vị hoàng tử kia mới biết thân phận của nàng, nhanh nhẹn bình tĩnh khom người hành lễ: "Dận Chân xin thỉnh an mẫu phi." Hắn có đôi mắt đen và sâu thẳm. Chư vị hoàng tử có diện mạo không giống nhau, Dận Chân thì có đôi mắt trong veo vô cùng.
Nàng rất khách khí đáp: "Tứ gia xin đứng lên, vẫn luôn nghe Đức phi nhắc đến Tứ gia suốt." Thật ra vị Tứ gia này từ nhỏ do Hiếu Ý hoàng hậu nuôi dưỡng, lại có chút xa cách với thân mẫu. Thế nhưng gặp nhau như thế này đành phải cố tìm ra vài câu để che dấu sự quẫn bách của bản thân.
Tứ a ca vẫn giữ bộ dáng thong dong như cũ: "Dận Chân đang muốn vào hoa viên thỉnh an ngạch nương." Đôi mắt đen nhánh không đoán được ý tứ gì. Từ lâu nàng đã nghe nói Tứ a ca khó lường, khó nắm bắt nhất, hóa ra đúng là vậy.
Theo quy củ, phi tần hậu cung cùng các hoàng tử trưởng thành nên ít gặp gỡ, tránh được thì tránh. Trong lúc nàng đang vội vàng lại gặp Tứ a ca, suy cho cùng vẫn là không ổn. Huống hồ tuổi nàng còn trẻ, so với vị hoàng tử trước mặt này nàng còn trẻ hơn vài tuổi. Nàng bị hắn gọi một tiếng mẫu phi chỉ cảm thấy không được tự nhiên cho lắm. Hắn chợt đứng thẳng lên nói: "Dận Chân cáo lui."
Nàng cũng không nhớ rõ lắm, chỉ biết hoàng hôn ngày đó bao trùm khắp nơi, ánh hồng ánh tía chiếu rọi lên những chiếc lá phong đỏ rực như lửa, càng làm sắc đỏ tràn đầy chung quanh, trông như pháo bông nở rộ tứ phía vào mỗi đợt Tết Nguyên Tiêu vậy. Người ta vẫn gọi thế là "Vạn thọ vô cương" (sống lâu muôn tuổi). Mỗi năm đều đốt để đổi được một nụ cười của hoàng đế. Nàng đột nhiên nghĩ đến, "vạn thọ vô cương", thật sự có "vạn thọ vô cương" sao? Nàng nhớ tới khuôn mặt của hoàng đế, gầy gầy thanh tú, nếp nhăn nơi khóe mắt, ánh mắt thâm sâu khó dò. Nhưng hoàng tử Dận Chân kia, khuôn mặt sáng sủa, ánh mắt trong vắt, giống như nước trong hồ, bình tĩnh thong dong, dưới đáy còn gợn lên một loại sức sống mãnh liệt.
Nàng quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một con quạ kêu a a, vỗ cánh bay về phía cánh rừng nơi xa. Hoàng hôn phủ lên bốn bề, khu lâm viên thắng cảnh đẹp đẽ kia từ từ mờ nhạt, như mộng như ảo.
Những ngày sau đó vẫn như cũ sóng yên biển lặng. Sự tranh đoạt trong triều dần truyền tới hậu cung. Khi phế truất thái tử, hoàng đế gần như già đi chục tuổi chỉ sau một đêm. Mấy ngày liền người không ăn không ngủ, bệnh một thời gian dài. Các vị a ca không ngừng tranh giành, phe ủng hộ Bát a ca vẫn là đông nhất. Hậu cung tuy không tham dự vào chuyện triều chính, nhưng trong lòng hoàng thượng luôn ưu phiền không vui, nàng cũng thường nhận ra. Có một đêm, hoàng thượng bỗng tỉnh giấc, bàn tay lạnh như băng của hắn phủ lên mặt nàng. Nàng bừng tỉnh sau giấc ngủ, mắt nhập nhèm, hắn cúi đầu xuống gọi nàng một tiếng: "Lâm Lang."
Đây là lần đầu tiên nàng nghe thấy cái tên này. Hơi thở thô ráp của hoàng đế thoảng qua. Lòng bàn tay hắn có vết chai do kéo cung, vuốt ve khuôn mặt nàng rồi hắn xoay người, nặng nề chìm vào giấc ngủ.
Sau đó, nàng cũng quên mất.
Năm Khang Hi năm mươi bảy tuổi, nàng được phong làm Hòa phi. Sự sủng ái hơn hai mươi năm vẫn chưa dứt, cũng coi như là ngoại lệ rồi. Ngày sắc phi đó cực kì náo nhiệt. Vài vị phi tần thân thiết trong hậu cung chuẩn bị tiệc rượu, nàng cũng uống rất nhiều, sau cùng có hơi say say.
Buổi tối tẩy trang, nhìn vào trong chiếc gương thủy tinh, hai gò má của nàng vẫn như cũ đỏ hồng tươi đẹp như hoa đào. Nàng buồn bã nhìn chính mình trong gương, vẫn rất đẹp. Ba mươi sáu tuổi rồi nhưng vẫn trông như chỉ hơn hai mươi. Sắc đẹp phai dần thì sự yêu chiều cũng dần mất đi, thế nhưng nàng lại vẫn xinh đẹp như trước, vẫn mãi luôn như thế.
Lại qua bốn năm nữa, hoàng đế cũng đã già. Nhưng cứ cách mấy ngày là lại đến nói chuyện cùng nàng. Nàng uyển chuyển bẩm tấu, xin được nuôi dưỡng một vị hoàng tử. Hoàng đế nghĩ nghĩ rồi bảo: "Trẫm hiểu ý của nàng, các hoàng tử đều đã lớn cả rồi. Trong mấy vị hoàng tôn (cháu) Trẫm sẽ chọn ra một vị cho nàng dưỡng, cũng giống nhau cả thôi."
Trầm ngâm một lát lại nói tiếp: "Hoằng Lịch, nhi tử nhà Lão Tứ cũng rất được, ngày mai trẫm sai người đưa vào cung cho nàng nhìn một chút." Hoàng đế xưa nay vốn cẩn thận, lại nói: "Trong cung nhiều thị phi, chỉ bảo giao cho nàng cùng quý phi cùng nuôi dưỡng là được." Đồng quý phi địa vị tôn quý, như thế này sẽ đỡ được nhiều lời đồn đại, lòng nàng bỗng có chút chờ mong.
Vị hoàng tôn mang nhũ danh là "Nguyên Thọ" kia có một đôi mắt đen nhánh sáng ngời, vô cùng hiểu lễ nghi, lại còn hiểu chuyện và đáng yêu nữa. Có hắn đến, dường như trong cung đầy ắp tiếng cười. Mỗi ngày từ thư phòng trở về với nàng đều khiến nàng quên hết thảy mệt mỏi phiền não.
Có một hôm hoàng đế đến đây, Nguyên Thọ cũng vừa khéo vừa học xong. Hoàng đế hỏi hắn Sinh Thư, tuy tuổi hắn còn nhỏ nhưng lại cực kì hiếu học, lại còn trẻ con nên ngâm nga lanh lảnh đọc "Ái liên thuyết": "Thủy lục thảo mộc chi hoa, khả ái giả thậm phiền. Tấn đào uyên minh độc ái cúc; tự lí đường lai, thế nhân thịnh ái mẫu đan; Dư độc ái liên chi xuất ứ nê nhi bất nhiễm... (Hoa của cây, cỏ trên sông rất được yêu thích, Đào Uyên Minh thời Tấn chỉ thích hoa cúc. Từ thời Đường, ai ai cũng lại thích mẫu đơn, chỉ có mình tôi thích hoa sen, trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn...)."
Hoàng đế ngồi xếp bằng trên tràng kỷ, vừa cười mỉm vừa nghe, trong lòng tràn đầy sự yêu mến.
Sau khi Nguyên Thọ về nhà rồi lại hồi cung, trước tiên hắn thỉnh an nàng, rồi trình lên vài viên hương nhu: "Dâng lên thái thái tránh bị cảm nắng."
Trong ngôn ngữ dân tộc Mãn gọi tổ mẫu* là "Thái thái", đứa nhỏ này lại gọi nàng như thế, nàng bật cười ôm hắn vào lòng hỏi: "Là ngạch nương ngươi bảo ngươi dâng lên?" Đôi mắt đen trong vắt của Nguyên Thọ nhìn nàng rồi đáp: "Không phải, là a mã."
* Tổ mẫu: bà nội
A mã mà hắn nói đương nhiên chính là Tứ a ca Dận Chân. Nàng khó tránh khỏi nao nao trong lòng, Nguyên Thọ nói tiếp: "A mã hỏi chuyện Nguyên Thọ ở trong cung, rồi nói rất nhớ thái thái."
Nàng bỗng nhớ lại rất nhiều năm về trước, dưới sắc trời đỏ rực trong Sướng Xuân Viên, Tứ a ca cao lớn đứng đó, ánh mắt đen sâu xa. Tay nàng vuốt vuốt đuôi sam đen nhánh của Nguyên Thọ, khe khẽ thở dài.
Việc cuối cùng cần đến cũng đến, ngày 13 tháng 11 năm Khang Hy thứ sáu mốt, hoàng đế băng hà tại Sướng Xuân Viên.
Phi tần đều ở trong cung, chư vị hoàng tử phụng di chiếu, là Tứ a ca Dận Chân kế thừa hoàng vị. Nàng cũng không quan tâm đến tất cả những chuyện này vì kể từ thời khắc nàng nghe thấy tin dữ kia nàng đã biết, đời này của nàng đã hết. Từ nay về sau, nàng là một thái phi, một người không có nhi tử mà nương tựa, một thái phi bốn mươi tuổi.
Trên danh nghĩa tuy là Đồng quý phi cai quản lục cung, nhưng hơn phân nửa việc hậu cung lại do nàng quyết định. Hoàng đế băng hà, nàng khóc lóc thảm thiết, khóc một thời gian dài, đau đớn đến chết lặng. Nhập cung hơn hai mươi năm có thừa, nàng được hưởng hết sự sủng ái từ hắn, nhưng rồi vẫn có ngày hôm nay, vẫn có ngày phải rời ra hắn. Nàng không biết là mình khóc vì quá khứ, hay khóc vì tương lai của nàng nữa, có lẽ, nàng cũng đâu còn tương lai?
Mỗi ngày ngoài khóc lóc nàng còn phải cố gắng lên tinh thần đi kiểm lại di vật của tiên đế. Tổng quản cung Càn Thanh Cố Vấn Hành hai mắt sưng đỏ, cầm một hộp bằng gỗ trắc bẩm báo: "Đây là chiếc hộp Vạn tuế gia đặt ở cạnh gối..." Còn chưa nói hết đã nghẹn ngào không nên lời.
Nàng nhìn thấy chiếc hộp tinh xảo kia, khóa kín nghiêm mật, chỉ sợ bên trong là vật gì quan trọng liền bảo với Cố Vấn Hành: "Thứ này giao cho bên..." Lời vừa ra khỏi miệng đã nghĩ thấy không ổn, nàng nghĩ nghĩ rồi sửa lại: "Vẫn là nên mời hoàng thượng tới."
Cố Vấn Hành run run, hiểu được nàng nói đến hoàng đế hiện tại, mặc dù không hợp quy củ nhưng vẫn hiểu rõ sự quan trọng của sự việc, có thể đây là vật gì quan trọng, chính hắn cũng sợ bị liên quan nên tự mình đi thỉnh ngự giá.
Hoàng đế mặc cả người quần áo tang. Trên mặt trắng bệch không một chút máu, hắn đi vào trong điện thỉnh an thái phi. Nàng cũng nghiêng nghiêng người đáp lễ, chỉ thấy hắn ngước mắt lên, trong mắt đều là tơ máu sau mấy ngày túc trực cạnh linh cữu không ngủ. Ánh mắt hắn đã muốn rũ xuống. Đôi mắt sáng sủa trong suốt của Nguyên Thọ hóa ra là giống hắn.
Trong điện ảm đạm, nhìn ra mành trướng chung quanh đều một mảng màu trắng, như phủ một tầng khói bụi, tất cả đều u ám tối tăm. Hoàng hôn chiếu vào lại càng làm cảnh vật nhuốm màu buồn bã. Nàng ngừng lại một chút rồi bảo: "Chiếc hộp này là di vật của tiên đế, đặt cạnh gối trên giường, có lẽ là vật quan trọng cho nên mới đặc biệt mời hoàng thượng đến xem."
Hoàng đế "ồ" lên một tiếng, thái giám tổng quản Tô Bồi Thịnh ở sau lưng tiến lên tiếp nhận. Hoàng đế còn phân phó: "Mở." Tính tình hắn xưa nay nghiêm túc, một lời nói ra, Tô Bồi Thịnh không dám hỏi thêm, lập tức lấy chiếc kim đồng nạy cái khóa nhỏ.
Trong hộp lót vải lụa vàng, nhưng không hề có công văn chỉ dụ gì, chỉ thấy một chiếc túi có thêu hoa văn kim tuyến. Nàng cực kì ngạc nhiên, hoàng đế cũng bất ngờ, duỗi tay ra cầm chiếc túi lên xem. Trên mặt túi ở giữa có thêu hoa văn rồng bằng kim tuyến, phía dưới có kết tua rua màu vàng, rõ ràng là vật dụng của tiên đế. Hoàng đế không chần chừ mở chiếc túi ra, bên trong là một miếng ngọc bội màu trắng, chạm vào thấy mát lạnh, trên mặt có khắc mấy chữ vàng mảnh dẻ, chính là: "Tình thâm bất thọ, cường cực tắc nhục; khiêm khiêm quân tử, ôn nhuận như ngọc". Phía dưới miếng ngọc lại có một đoạn tóc của nữ tử, mềm mại mượt mà, phảng phất một mùi hương như có như không.
Nàng cảm thấy cực kì xấu hổ, nhẹ nhàng ho khan một tiếng: "Hóa ra không phải là văn thư gì quan trọng."
Hoàng đế bảo: "Đã là vật tùy thân của tiên đế thì chắc có ý nghĩa sâu xa nào đó, xin mẫu phi cất giữ thay." Thế rồi đem túi dâng lên, nàng nhận lấy mới chợt nhớ ra như vậy không đúng quy củ, lặng lẽ liếc mắt nhìn hoàng đế, ai dè hắn cũng đồng thời ngước nhìn lên, mắt nhìn thẳng nàng, trong lòng nàng không tránh run rẩy một phen.
Đến ngày liệm thứ hai, trước mặt linh cữu tiên đế đã xảy ra chuyện. Hoàng đế là nhi tử của Đức phi, Đức phi tuy chưa được phong hiệu thái hậu nhưng danh vị cũng đã định. Mỗi ngày khóc than trước linh cữu đều là Đức phi đứng đầu chư vị phi tần. Thế nhưng hôm đó, Đức phi vừa mới tiến vào đại điện, Nghi phi lại sai người mang đệm mềm của mình đến, đặt trước Đức phi. Chư vị phi tần đương nhiên hỗn loạn một trận.
Nàng quỳ gối giữa đám người, trong lòng vẫn là một sự nghi hoặc chết lặng. Nghi phi coi rẻ tân đế (hoàng thượng hiện tại) như vậy sẽ mắc phải tội gì? Tuy trong cung có vài nghi vấn đối với di chiếu, nhưng ai cũng không dám ngang nhiên hỏi, Nghi phi làm vậy không để cho tân thái hậu chút thể diện, tựa như cho hoàng đế một cái tát mạnh mẽ.
Lúc hoàng hôn nàng đi thăm Nghi phi, từ khi Nghi phi ốm bệnh nhẹ tới nay, vẫn râm ran không dứt bệnh, Nghi phi thấy nàng liền buồn bã nói: "Muội muội tốt, nếu như tỷ tỷ có thể đi cùng tiên đế, coi như là phúc phận của tỷ tỷ." Trong lòng nàng dâng lên một chút lạnh lẽo, tiên đế băng hà, thái phi các nàng phải chuyển đến Tây Tam Sở, hơn nữa, nàng không có con cái, những ngày dài dằng đẵng từ nay về sau lấy gì mà sống qua ngày? Tuy vậy lời thốt ra lại là an ủi Nghi phi: "Tỷ tỷ hãy vì Cửu a ca, nên giữ gìn sức khỏe." Nhắc tới nhi tử yêu thương, Nghi phi không khỏi thở hổn hển: "Đúng là tỷ chỉ lo cho Lão cửu..." Sau một lúc lâu, đột nhiên rơi lệ: "Cuối cùng vẫn là Lâm Lang có phúc, có thể đi trước tiên đế một bước."
Mới đầu nàng cũng không để ý, thế nhưng cứ như sấm rền bên tai, đằng sau là âm thanh mưa gió gào thét. Cái tên này trong trí nhớ của nàng vừa mơ hồ vừa rõ ràng, dường như là rất quan trọng. Nhưng hết lần này đến lần khác nàng không nhớ ra là đã nghe thấy ở đâu, vì vậy bật thốt lên hỏi: "Lâm Lang là ai?"
Nghi phi dừng một lát, nói: "Là ngạch nương của Bát a ca... Muội ấy cũng đã mất mười một năm rồi, cũng tốt, còn hơn hôm nay như tỷ trơ mắt nhìn người ta là dao thớt, còn ta là miếng thịt cá."
Kinh tâm động phách đến như vậy... cũng không phải nằm ở câu dao thớt hay thịt cá kia, mà là nàng đột nhiên nhớ đến năm Khang Hy năm mươi năm tuổi, cũng vào một đêm lạnh giá tháng mười một, khắp trời là tuyết trắng. Lương Cửu Công - thái giám lo liệu những việc hàng ngày cho hoàng đế sai người đến báo, hoàng đế long thể không khỏe.
Nàng không quản tuyết dày, dẫm tuyết đi đến thỉnh an thăm hỏi, ở buồng ngoài thấp thoáng nghe thấy cuộc đối thoại của Lương Cửu Công cùng ngự y, vụn vặt nghe được câu được câu chăng, chắp vá với nhau thì gần như thế này: "Vạn tuế gia hình như gặp ác mộng, sau đó mới không dễ dàng gì thiếp đi. Tin báo tang từ Trữ Tú cung đã tới rồi......... Lúc đó Vạn tuế gia nhổ ra một ngụm máu tươi......... Nhổ ra nhiều đến mức cả chiếc áo đều là......... Ngài xem, bây giờ đều khô thành màu tím cả rồi........."
Tiếng của ngự y càng nhỏ hơn: "Là do quá đau lòng nên máu mới không về tim........."
Hoàng đế cũng không gặp nàng, vì thái giám bẩm báo Bát a ca đã đến. Nàng đành quay về, sau này nghe nói Bát gia tại ngự tiền khóc to mấy canh giờ, khàn cả giọng, đến cổ họng cũng đau rát. Hoàng đế thấy con mình như vậy không khỏi thương tâm, đến bữa tối cũng không ăn, liên tiếp mấy ngày đều ăn rất ít. Nhưng sau đó lại có chuyện, thái tử mới phục vị không lâu bị phế truất, từ đó sức khỏe hoàng đế suy yếu, không còn được như xưa.
Nàng nhớ rõ ràng, trong cái đêm khuya tĩnh lặng đó, nửa đêm trong giấc mộng, hoàng đế từng gọi một tiếng "Lâm Lang". Những việc liên quan tới cái tên này bỗng dào dạt ào đến cuồn cuộn như sóng biển, quá khứ đã qua ầm ầm sụp đổ. Tất cả những thứ mà nàng đã có... Nữ tử mặt mũi bình thản đó chợt hiện lên rõ ràng trong kí ức. Hình dáng rõ nét, quen thuộc đến mức muốn tránh cũng không tránh được.
Hóa ra là nàng, hóa ra lại là nàng ta...
Sủng ái hơn hai mươi năm của nàng... hóa ra lại là của nàng ta...
Tựa như một câu chuyện cười buồn cười nhất thế gian, tất cả những gì nàng cố chấp tin tưởng, hóa ra không có chút gì thuộc về chính mình. Nàng nhớ đến trên trang giấy trắng kia, hoàng đế từng nét, từng nét bút phác họa lên hình dáng đó, mặt mày sinh động biết bao. Hoàng đế vì sao tức giận, bởi vì đặt bút xuống lại cực kì lưu loát mà vẽ nên khuôn mặt kia, tựa như đã vẽ hàng nghìn lần, hàng vạn lần ở trong tim. Cho nên mới vung bút lên liền phác thành, không chút chần chờ.
Hoàng đế giấu kĩ đến vậy, giấu diếm được chính mình, giấu diếm được tất cả mọi người, chỉ sợ ngay cả bản thân mình cũng hoảng hốt là đã giấu được rồi. Chính là không lừa nổi trái tim, không lừa được kí ức tại nơi sâu nhất trong tim, nơi đó đã in lại rất rõ ràng. Chỉ cần vừa cầm bút lên sẽ liên bất tri bất giác phác họa nên kí ức.
Nửa đời người này, hóa ra lại là một câu chuyện cười. Nàng được vị đế vương kia sủng ái nửa đời, sự sủng ái này lại chẳng có một phần thuộc về nàng. Nàng còn có cái gì? Nàng đúng là chẳng có gì trong thâm cung vắng vẻ này.
Ngày hôm đó nàng khóc trước linh cữu tiên đế, không phải là gào khóc đứt ruột đứt gan, cũng không phải là nước mắt ròng ròng thống khổ, mà là im lặng rơi lệ...
Dường như nước mắt cả đời người đều chảy hết trong một khắc này. Nàng không biết mình đã quỳ trước linh cữu bao lâu, chỉ thấy hai mắt đau đến mức không thể mở mắt, tê dại, không còn sức lực. Trong lòng là một sự chết lặng vô vọng. Qua lễ khâm liệm, những phi tần đến Càn Thanh cung khóc lóc càng ngày càng ít, hóa ra đau thương quá sâu sắc vẫn có thể chậm rãi lành lại.
Hoàng hôn chiếu vào bên trong điện, đem bóng hình cô đơn của nàng kéo thành một dải dài lẻ loi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui