Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Dương Cạnh cười nói với Thiệu Kiệt: “Chính là quán rượu này!”

Thiệu Kiệt bật cười: “Chỗ này?”

Dương Cạnh nhướng mày: “Làm sao? Chê quán rượu nhỏ à? Đồ ăn chỗ này đến cả Lý tướng cũng phải khen.”

Thiệu Kiệt cười đáp: “Sao dám chê chứ? Dạo này bánh hoa của tiệm nhà ta bán càng ngày càng đắt khách chính là nhờ cô nương Thẩm Ký này đấy.”

Dương Cạnh cũng cười: “Cái này thì ta tin, bánh hoa của Thẩm Ký cũng rất ngon.” Giọng nói còn có vẻ tự hào.

Thiệu Kiệt cười rộ lên, tên Trục Chi này vẫn cứ ngờ nghệch thế, may mà Lý tướng là người đức cao khoan dung độ lượng, chứ không thì e là tiền đồ còn trắc trở. Thiệu Kiệt lại cảm khái, thì ra quán rượu mà hắn kể là đề thơ lên vừa khéo được Lý tướng cải trang đi uống rượu nhìn thấy rồi được mời vào phủ tể tướng chính là quán rượu Thẩm Ký này. Nói vậy thì Thẩm Ký có thể coi như chỗ đất lành của cả hai ta.

Bây giờ “thơ đề tường” đã đổi thành bài “Vịnh cá sốt giấm” do một người tên là Chu Chi viết, Dương Cạnh bình phẩm một phen, Thiệu Kiệt thì chỉ đứng nghe.

Phía bên kia bức tường đề thơ, ở chỗ bóng râm dưới hàng hiên của quán rượu bày mấy cái ghế dài, có ba bốn người đang phe phẩy cây quạt, một người đang thưởng trà, một người đang đọc sách, hai người khác thì đang đánh cờ. Thế này là? Thiệu Kiệt hơi ngạc nhiên.

Hai người Thiệu, Dương vừa bước vào đã nhìn thấy cảnh buôn bán sầm uất của quán rượu nhỏ, không có bàn ăn nào trống, có người đang uống một mình, có người thì đối ẩm, còn có nhóm người ăn uống linh đình, Thẩm cô nương và người tỳ nữ của mình đều đang bận.

Thẩm Thiều Quang ngước đầu lên: “Thiệu lang quân, Dương lang quân…” Hai vị này, ông chủ nhỏ của tiệm bánh hoa và một sĩ tử thích làm thơ hóa ra lại là bằng hữu?

Hai người đều cười chào hỏi với Thẩm Thiều Quang: “Cô nương.”

Hai người này mặc dù một người đã từng cho nàng trăm lạng bạc ròng, người còn lại đã từng kiêm chức trưởng bộ phận sáng tạo quảng cáo cho quán nhưng Thẩm Thiều Quang cũng chỉ có thể cười xin lỗi họ: “Sợ là phải phiền hai vị lang quân chờ một lát rồi.”

Dương Cạnh đã quen cửa quen nẻo đi lấy thẻ chờ của quán: “Không sao, chờ một lát là được.”

Thẩm Thiều Quang bưng cho hai người hai bát bơ sữa ướp lạnh: “Trên ghế bên ngoài quán có cây quạt, có truyền kỳ do tiệm sách ở Đông Thị mới ra, ở dưới hàng hiên có bóng râm cũng khá mát, các lang quân ngồi nghỉ một lát.”

Thiệu Kiệt thế mới biết trên ghế bên ngoài quán là chỗ ngồi chờ, lần trước tới hình như vẫn còn chưa có mấy cái ghế này đâu, xem ra Thẩm Ký làm ăn càng ngày càng phát đạt.


Thẩm Thiều Quang cũng không biết tại sao trời nóng bức mà việc làm ăn lại càng lúc càng khá – chẳng lẽ là trời nóng, không có khẩu vị nên muốn tới tiệm cơm quán rượu ăn chút gì đó đậm đà hơn?

Chờ được một lúc thì cuối cùng Thiệu Kiệt và Dương Cạnh cũng có chỗ ngồi. Dương Cạnh tự nhận là khách quen, tính tình lại hào sảng kiểu “thiên kim tán tận hoàn phục lai*”, gọi không ít món ăn chiêu bài trong quán để thiết đãi bằng hữu, còn gọi thêm một bầu rượu hổ phách, Thiệu Kiệt cũng không phải người hay để ý mấy cái lặt vặt, mặc cho hắn làm.

* Trích “Tương tiến tửu” (Xin mời rượu) của Lý Bạch, nghĩa là: Ngàn vàng tiêu sạch hết rồi sẽ có trở lại.

Thiệu Kiệt nếm một đũa thịt mã não, không đã nghiền, nhét cả miếng to vào trong miệng, ăn xong cười nói: “Chà, thơm ngậy lại mềm mịn! Thoáng cái là có khẩu vị ngay. Còn chưa thấy ai có thể làm món thịt lợn vừa ngon miệng vừa đẹp mắt như vậy. Thịt này gọi là gì?”

Dương Cạnh nói tên cho hắn nghe.

“Cái tên thịt mã não này đặt rất khéo, đúng là có nét giống mã não thật.” Thiệu Kiệt khen.

Dương Cạnh cười nói: “Còn cần ngươi phải nói sao, đây cũng là cái đặc sắc của chỗ này, nhiều tên món ăn vừa lịch sự tao nhã lại vừa thú vị, chỉ nghe tên món thôi đã khiến người ta sinh ra bao nhiêu liên tưởng.”

Xong lại chỉ món canh đậu phụ bên cạnh, nói: “Món này gọi là canh hoa lau, bên trong có cho thịt gà và tôm nõn, từng sợi từng sợi mềm mịn, có phải rất giống bông hoa lau trắng muốt không? Rồi còn một món đậu phụ khác thì lại trong như gương, gọi là canh nhuyễn ngọc, cũng rất giống hình ảnh thực.”

Thiệu Kiệt gật đầu, cảm thấy bánh hoa nhà mình cũng nên đổi lại tên hết, bánh mứt táo hoa quế… quá tả thực.

Hai người tới muộn, ăn xong cũng đã muộn, dần dần đã qua đoạn thời gian cao điểm đông khách, Thẩm Thiều Quang thở phào một cái, uống chút trà xanh rồi đi tới bên này chào hỏi.

Hai người vốn đang nói chút chuyện về tình hình gần đây, thấy Thẩm Thiều Quang đi tới thì Thiệu Kiệt cười nói: “Mỗi lần tới Thẩm Ký mỗ lại có thêm chút ý tưởng, chỉ tiếc không thể cũng ở trong phường như Trục Chi để mà thường xuyên tới.”

Thẩm Thiều Quang cười nói đùa: “Lời này của Thiệu lang quân chớ để đầu bếp Vu Tam của bọn ta nghe thấy, nếu không há chẳng phải đau lòng lắm sao? Quán hấp dẫn lang quân tới đây lại không phải nhờ cơm nước…”

Thiệu Kiệt cười: “Cơm nước cũng rất tốt, nhưng cái cách buôn bán của cô nương còn tốt hơn.”

Thẩm Thiều Quang cười nói: “Nhưng nói cho cùng thì cái trước mới là thực, cái sau chỉ là hư.”


Mặc dù cũng không tính là thân quen nhưng cũng biết cô nương này không phải kiểu “nề nếp”, Thiệu Kiệt cười hỏi: “Lời này nghĩa làm sao?”

“Nếu chỉ theo đuổi cái hư thì chỉ được cái danh nhất thời, suy cho cùng cũng khó có thể kéo dài; nếu chỉ theo đuổi cái thực thì lại quá thật thà, sợ rằng khó nổi lên được.”

Thiệu Kiệt vỗ tay tán thưởng: “Cô nương nói rất hay!”

Xưởng bánh nhà mình có thể lớn mạnh, truyền thừa mấy đời chẳng lẽ chỉ nhờ vào tay nghề hay sao? Đúng là tay nghề tốt thật, nhưng cũng có phần nhờ vào việc năm đó ông tổ được nhập quan làm viên ngoại, dù rằng cái chức viên ngoại này chỉ là hư, nhưng mà cũng là chuyện hiếm thấy, được đồn thổi đi khắp nơi, ai mà không muốn nếm thử một chút bánh hoa quan viên ngoại? Mà những xưởng cùng thời đó chỉ lo thành thật làm bánh và cả những người chỉ lo thành thật làm bánh mà còn không thể mở xưởng thì đều đã bị thời gian vùi lấp từ lâu.

Ngay cả Dương Cạnh cũng nói: “Lời cô nương nói khá hợp với đạo lý “ngôn chi bất văn, hành chi bất viễn*”, lại có câu “văn dĩ quán đạo**” của Hàn công đương thời…”

* Nghĩa là lời nói không văn vẻ thì không thể phổ biến.

** Nghĩa là dùng lời văn vẻ để nói về những thứ gần gũi bình thường.

Thấy bằng hữu có vẻ sắp thao thao bất tuyệt, Thiệu Kiệt làm ra vẻ đau khổ, vuốt mặt một cái: “Trục Chi, Trục Chi, ngươi tha cho ta đi.”

Dương Cạnh bật cười, đành phải ngừng lời.

Thẩm Thiều Quang nhếch môi cười, đây đúng là một đôi học tra và học bá phiên bản hiện thực.

Thiệu Kiệt lại nghiêm túc nói: “Nói thật, với đồ ăn của bổn quán và tài năng của cô nương thì một mặt tiền nho nhỏ thế này không đủ để phát huy, cô nương có từng nghĩ tới chuyện mở một quán rượu lớn ở Đông Thị Tây Thị chưa?”

Ai mà không muốn tới CBD mở khách sạn sang trọng chứ? Nhưng mà… Thẩm Thiều Quang cười nói: “Nhi dù vừa tham vừa đói, nhưng cũng chỉ có thể ăn từng chút mà thôi.”

* CBD là viết tắt của Central Business District, chỉ trung tâm thương mại – kinh tế sầm uất của các thành phố lớn.


Thiệu Kiệt hiểu được ý của nàng, cũng không phải là không có cái chí này, chỉ là hiện tại còn chưa có điều kiện mà thôi. Cô nương vừa thông minh vừa cẩn thận, nói chưa chừng ngày nào đó thật sự có thể trở thành phú thương hàng đầu thành Trường An này.

Ba người hàn huyên với nhau mấy câu, thấy bọn hắn cũng đã uống kha khá, Thẩm Thiều Quang hỏi: “Ta lấy cho hai vị lang quân một bát xôi bát bảo được không?”

Đương nhiên hai người không phản đối.

Xôi bát bảo là một loại đồ ăn ngọt cuối bữa thường gặp ở thời hiện đại. Lúc Thẩm Thiều Quang còn bé đi ăn cỗ, dù đã ăn no thì cũng phải ăn thêm vài miếng xôi bát bảo.

Chưng xôi bát bảo không phức tạp lắm, đáy bát quét một lớp dầu, rải các loại hạt sen đã nấu chín, quả bạch quả và long nhãn, nho khô và hạt khô các loại ở đáy chén, sau đó cho gạo nếp đã nấu chín tám phần vào – nấu trước rồi mới chưng là để cho hạt gạo nếp mềm dẻo, phía trên gạo bỏ dầu chiên từ mỡ lợn và nhân đậu trộn đường, phía trên nhân đậu lại cho thêm một lớp gạo nếp, cứ như vậy cho đến khi đầy bát thì đặt lên vỉ chưng.

Sau khi chưng xong thì cho vào ngăn tủ giữ ấm, lúc nào muốn ăn thì lấy ra úp ngược lên đĩa lớn, lại tưới thêm một tầng bơ sữa – thời hiện đại thì phần lớn mọi người đều tưới nước đường phèn, cũng có người tưới nước ép việt quất dâu tây các loại, nói chung là vừa thơm vừa ngọt*.

* Tham khảo “xôi bát bảo” của Lương Thực Thu và công thức trên mạng. [tác giả]

Thẩm Thiều Quang bưng xôi bát bảo lên, cầm thìa và bát phân cho hai người, hai người Thiệu, Dương đều nói cứ để mình tự làm, bảo nàng chớ khách khí.

Thẩm Thiều Quang đang định rời đi thì lại nghe thấy mấy người đã có men say ngồi cạnh đó đang bàn tán chuyện thời tiết và tình hình chính trị đương thời.

“Năm ngoái trời hạn, lộ cả mấy tảng đá trong kênh đào quanh thành, nghe nói thánh thượng đi Hoàn Khâu tế trời cầu mưa, trời ưng thuận nên mới cho mưa xuống, ai ngờ năm nay không thiếu mưa, nhưng mà trời lại quá nóng, ta thấy ấy à…” Người nói chuyện bĩu môi lắc đầu.

“Tiết trời báo trước điềm lạ, không biết sau này thế nào.” Một người khác thở dài buồn bã.

Một người khác nói: “Các ngươi không nghe nói gì sao? Phía tây bắc thành đến cả cóc nhái cũng chẳng kêu nữa rồi, trên đường có bài đồng dao, “Cóc nhái chán, thiên hạ phản”…”

“Nghe nói những năm cuối của tiên đế…”

Dương Cạnh muốn đứng lên thì bị Thiệu Kiệt kéo lại, Thẩm Thiều Quang đã nhanh chân đi tới, cười hỏi: “Bổn quán có món xôi bát bảo rất ngon, các vị có muốn nếm thử không?”

Người thở dài buồn bã kia cười đáp: “Phải rồi, nên ăn chút cơm. Hôm nay bọn ta làm phiền bát lang, tháng sau mỗ từ Biện Châu về sẽ lại bày tiệc đáp lễ ở đây.” Lại híp đôi mắt đã say lờ đờ, cười nói với Thẩm Thiều Quang: “Cô nương làm cơm canh rất ngon.”

Thẩm Thiều Quang cười nói cảm ơn.

Quả nhiên mấy người này gọi một bát xôi bát bảo, lưỡi đã uống cho mất vị rồi, nào còn ăn được gì nữa, chỉ ăn qua loa một chút rồi lảo đảo ra về.


Thẩm Thiều Quang đứng cạnh cửa tiễn mấy người này về, quay lại thì nghe Dương Cạnh nói: “Thánh thượng vâng mệnh trời, liên quan gì tới cóc nhái đâu? Chẳng lẽ nào lại có cái lý ấy! Nếu ngươi không ngăn thì ta đã lý luận một trận cho ra trò với bọn hắn rồi.”

Thiệu Kiệt nói: “Ngươi lý luận gì với cái đám say khướt ấy? Cho dù ngươi cãi được thắng thì bọn họ muốn nói thế nào vẫn cứ nói tiếp thế thôi, đầu óc và kiến thức đâu phải ai cũng có.”

Thẩm Thiều Quang phì cười, Thiệu lang quân này châm chọc người ta cũng gay gắt lắm chứ.

Thấy Thẩm Thiều Quang cười, Thiệu Kiệt nghiêm mặt nói: “Nghe nói năm Khai Nguyên thời tiết còn hơn cả thế này, đồng cỏ khô hạn, đất đai nứt nẻ, nhưng thế thì sao chứ? Sau vẫn cứ thái bình thịnh thế đấy thôi.” Chẳng dễ gì mà vị lang quân không thích đọc sách này lại đưa ra được một dẫn chứng lịch sử như thế.

Thẩm Thiều Quang gật đầu, nói ra suy đoán của mình: “Chỉ sợ phía sau lời đồn này có bàn tay người thao túng thôi. Các ngươi ngẫm lại xem, bụng cá tàng thư*, trù hoạch khởi nghĩa, lịch sử đâu thiếu mấy chuyện thế này…” Thẩm Thiều Quang không ngại suy đoán có người tạo ra lời đồn với mục đích xấu.

* Điển tích “bụng cá tàng thư, cáo hoang gào đêm”: Khi Trần Thắng bắt đầu tiến hành khởi nghĩa phản Tần đã lợi dụng sức mạnh của quỷ thần để tạo lòng tin phục của binh sĩ bằng cách dùng bút đỏ viết lên lụa ba chữ “Trần Thắng vương” rồi cho vào bụng một con cá to, lại cho người giả bộ mua con cá này từ chợ về. Mọi người phát hiện sách lụa trong bụng cá thì bắt đầu tin phục Trần Thắng. Đêm ấy, Trần Thắng lại lệnh cho Ngô Quảng âm thầm chạy tới từ đường cạnh đó châm lửa vào lồng trúc, nhìn từ xa giống như ma trơi. Sau đó Ngô Quảng bắt chước tiếng cáo tru, hô to “Trương Sở hưng, Trần Thắng vương” (Trương Sở là chính quyền cách mạng do Trần Thắng lãnh đạo), mọi người đều cho rằng Trần Thắng làm vương là ý của trời, cho nên rất kính phục hắn.

Dương Cạnh và Thiệu Kiệt đều biến sắc, suy tư một lát, Dương Cạnh đứng lên, trịnh trọng vái Thẩm Thiều Quang một cái: “Cô nương thấy mầm biết cây*, bọn ta khó mà đuổi kịp. Mỗ nhất định sẽ bẩm báo với Lý tướng công, cẩn thận điều tra chuyện này.”

* Nguyên văn là “kiến vi trí trứ”, nghĩa là nhìn sự vật khi vừa xuất hiện đã biết được bản chất và xu thế phát triển của nó.

Thẩm Thiều Quang vội vàng né tránh, lại khách khí đáp lễ.

Xảy ra chuyện như vậy, hai người cũng không uống trà nữa, tính tiền rồi ra về, Thẩm Thiều Quang tiễn bọn họ ra ngoài.

Trước cửa, Thiệu Kiệt cười nói với Thẩm Thiều Quang: “Còn chưa đa tạ cô nương, từ sau khi học được cách bán bánh hoa của cô nương, chuyện buôn bán trong tiệm đã khá hơn rất nhiều. Lúc các huynh trưởng quản tiệm bánh còn chưa từng đạt được thành tựu như vậy, cho nên mỗ được mát mặt một phen trước ông nội và các thúc bá, huynh đệ.”

Thẩm Thiều Quang cười chúc mừng, sau đó lại nghiêm túc nói: “Cái này chủ yếu vẫn là nhờ lang quân có ánh mắt tốt, “thiên lý mã thường có, Bá Lạc lại mấy người” mà.”

Thiệu Kiệt cười ha ha, trước giờ chưa bao giờ gặp một cô nương cởi mở lại tinh quái như vậy: “Rất phải, rất phải.”

Ngay cả Dương Cạnh đang buồn bã chuyện nước chuyện dân cũng bị hai người chọc cho bật cười.

Lâm Yến giải tán nha môn, lại cùng Bạch phủ doãn và Triệu tham quân phụ trách quản lý đời sống dân chúng bàn bạc về chuyện này một hồi, sau đó ngồi xe trở về, đi ngang qua trước cửa Thẩm Ký thì theo thói quen nhìn sang, vừa liếc mắt đã thấy Thẩm cô nương đang híp mắt cười rất vui vẻ, hai vị bên cạnh có một người là lang quân của tiệm bánh ở Đông Thị hôm đó đã từng gặp, hắn cũng đang cười vui vẻ.

Lâm Yến hơi nhíu mày, cũng hơi mỉm cười, không biết bọn họ đang nói chuyện gì mà vui vẻ như vậy?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận