Tiệm Đồ Cổ Á Xá

1

Năm 1057, nhà thái học của phủ Khai Phong.

Một dải gồm, góc Đông Bắc cổng Chu Tước của nội thành phủ Khai Phong chính là nơi phồn hoa nhất, náo nhiệt nhất Đông Kinh. Nơi đây vì có dòng sông Thái chảy qua nên tạo thành một khúc quanh hết sức ưu nhã, thế nên được đặt tên là vịnh Thái Hà.

Vịnh Thái Hà rất phồn hoa, nơi đâu cũng có thể thấy các loại kiến trúc hàng quán, càng kỳ lạ hơn là, nơi đây đồng thời có cả cống viện, nhà thái học, quốc tử giám, giáo phường, y quán, kỹ viện, sòng bạc, từ thượng cửu lưu cho tới hạ cửu lưu, hầu như đều tập trung ở khu vực này, phong cảnh độc đáo khiến nơi đây trở thành khu vực giàu có nổi tiếng nhất Đông Kinh.

("Cửu lưu" là cách gọi gộp các phái Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia)

Vương Tuấn Dân vừa mới bước vào độ tuổi đội mũ, cùng bạn thân là Sơ Ngu Thế chầm chậm bước ra từ học phủ thâm nghiêm bên bờ nam vịnh Thái Hà, hòa vào đám người náo nhiệt dưới ánh trăng ở vịnh Thái Hà.

Vương Tuấn Dân mười bảy tuổi đã vào nhà thái học, trở thành thái học sinh của học phủ cao cấp nhất này. Đương nhiên, nếu không phải mười hai năm trước Phạm đại nhân Phạm Trọng Yêm đưa ra cải cách Khánh Lịch tân chính, xây dựng nhà thái học Tích Khánh viện, thì bây giờ không biết chàng còn đang học Thi Thư ở đâu nữa.

(Khánh Lịch tân chính: tức cải cách chính trị tiến hành vào những năm Khánh Lịch (1041-1048) thời Tống Nhân Tống triều Bắc Tống Trung Quốc)

Nhà thái học có nơi ăn ở, chỉ cần đóng đủ học phí thì bao gồm cả ăn ở trong đó. vất vả ba năm đèn sách ở nhà thái học, đây là lần đầu tiên Vương Tuấn Dân bị người ta lôi ra ngoài để du ngoạn vịnh Thái Hà nổi tiếng này, bỗng chốc bị cảnh tượng đông đúc náo nhiệt vui như trẩy hội làm cho sững sờ. Trong đám đông còn nhìn thấy rất nhiều người vận áo liền bằng vải tơ trắng, tay áo rộng cổ tròn như bọn họ, đây là thái học phục của thái học sinh. Vương Tuấn Dân tình mắt phát hiện ra có mấy học tử mặc thái học phục ngang nhiên đi vào thanh lâu kỹ viện, bất giác cảm thấy bức bách thay họ, hận một nỗi không thể thay đi bộ đồ trắng trên người.

Nhưng chàng cũng biết thời thế bây giờ là như vậy, ngoài phố chợ thường xuyên lưu truyền những câu chuyện về tài tử giai nhân quấn quýt, đau lòng. Phần lớn những tác giả không rõ tên ấy đều là bạn học của chàng.

"Khang Hầu, đang nghĩ gì thế?". Sơ Ngu Thế đã đi được mấy bước mới phát hiện ra người bên cạnh không đi theo mình nên bất giác quay đầu lại gọi.

"À, Hòa Phủ, chỉ là đang nghĩ ngày mai thi thượng xá rồi mà bây giờ chúng ta vẫn còn ra ngoài chơi, không hay lắm".

(Thượng xá: Thời Tống thái học chia thành nội xá, ngoại xá và thượng xá, học sinh dựa vào thời hạn và điều kiện nhất định để lần lượt thi lên)

Vương Tuấn Dân và Sơ Ngu Thế có quan hệ tốt nhất hai người không chỉ là đồng hương mà còn là bạn cùng phòng.

"Cậu học ngu người rồi à, ra ngoài hít thở không khí có tác dụng cho ngày mai phát huy tốt chứ". Sơ Ngu Thế cầm chiếc quạt gấp trong tay đập vào vai chàng, bộ dạng chẳng quan tâm.

Vương Tuấn Dân chần chừ một lát, cuối cùng không muốn làm bạn mất hứng nên rảo bước đi theo.

Trong nhà thái học chia ra làm tam xá, cụ thể là ngoại xá, nội xá và thượng xá. Học sinh mới vừa vào nhà thái học sẽ được học tập ở ngoại xá, trải qua kỳ thi riêng mỗi tháng một lần và thi chung một năm một lần đạt yêu cầu, sẽ do học quan quan sát và đánh giá hành vi cử chỉ hàng ngày, người đạt yêu cầu có thể được vào ở nội xá, trở thành nội xá sinh. Nội xá sinh hai năm thi một lần, người ưu tú sẽ được vào thượng xá. Còn thượng xá sinh hai năm một lần đều có thể tham gia bình chọn, phải được nhiều bình chọn loại ưu thì mới có thể trở thành thượng đẳng thượng xá sinh, được nhận chức quan. Nếu có một môn đạt loại trung bình, thì sẽ là trung đẳng thượng xá sinh, miễn kỳ thi của bộ Lễ, tiếp nữa là hạ đẳng thượng xá sinh, miễn thi khoa cử.

Có thể nói, trong nhà thái học, ngoại xá, nội xá và thượng xá trực tiếp chia học sinh thành ba cấp thượng, trung, hạ. Hơn thế thượng xá không phải ai cũng có thể vào được, thượng xá sinh hầu như là đỉnh cao nhất trong kim tự tháp thái học, bọn họ đương nhiên nhận được sự chỉ đạo của những học quan cần mẫn nhất, ưu tú nhất trong nhà thái học, ở nơi tốt nhất, thư phòng đẹp nhất, ở trong nhà thái học lúc nào cũng hếch mũi lên trời.

Áo vải trắng liền thân của thái học phục là kiểu áo nam dáng dài liền thân gấu áo có đường vắt ngang, từ trên xuống dưới rất đơn giản, nhìn không có gì khác biệt với kiểu áo của các sĩ tử bình thường, nhưng trên đường vắt ngang màu đen có đường viền màu thẫm không rõ ràng. Tất cả mọi người trong thành Đông Kinh đều biết, chỉ có học sinh của nhà thái học mới có thể mặc kiểu áo dáng dài có viền mép như thế, lại còn dùng màu sắc không bắt mắt để phân đẳng cấp của thái học sinh.

Vương Tuấn Dân cúi đầu nhìn phần viền màu chàm ở gấu áo đó, nhớ ra trước đó là màu xanh lam, hiện tại là màu chàm, hy vọng sau không lâu nữa thì có thể đổi thành màu nhìn có vẻ nền hơn nhưng lại đại diện cho sự vinh quang của thượng xá sinh là màu xanh cổ vịt.

Đương lúc nghĩ ngợi miên man, Vương Tuấn Dân cũng không để ý đến ánh mắt của người đi đường, hai ngườỉ bọn họ vốn dĩ tướng mạo đường hoàng, thân hình nổi bật, lại mặc thái học phục đại diện cho nội xá, cực kỳ bắt mắt. Đại bộ phận học sinh của nhà thái học đều là con em nhà quyền quý, nếu không cũng là những học tử xuất sắc hàng đầu được tiến cử, vào nội xá của nhà thái học, tuy vẫn chưa phải là thượng xá, nhưng cũng được coi là đã đặt nửa chân lên ngưỡng cửa của triều đình. Cho nên hai người bọn họ đi trên đường, thỉnh thoảng lại bị hứng trọn ánh mắt lúc thì ghen tỵ lúc thì ngưỡng mộ của người đi đường.

Vương Tuấn Dân cùng Sơ Ngu Thế đi xuyên qua không biết bao nhiêu con ngõ nhỏ, đến khi chàng phát giác xung quanh vắng lặng, thì mới chú ý ra rằng họ đã ở trong một con ngõ rất vắng vẻ. Chỉ là rồ ràng nơi này vẫn là phụ cận của vịnh Thái Hà, vì những tiếng rao bán ồn ào lẫn tiếng ăn nhậu kia vẫn vẳng lại hết sức rõ ràng từ nơi không xa.

Trái lại trong con ngõ này lại có không ít cửa hiệu, phần lớn là đồ cổ và thư họa. Vì ngành này có luật thép là "không xem màu dưới ánh đèn" cho nên sau khi màn đêm buông xuống liền lần lượt đóng cửa tiệm, còn lúc ban ngày hẳn là rất náo nhiệt. Chỉ là ở đây đã đóng cửa hết rồi còn đến làm gì?

Vương Tuấn Dân đang định hỏi thì thấy trước cửa một tiệm đồ cổ đèn lồng vẫn sáng, dưới ánh đèn mờ ảo chàng chỉ kịp nhìn thấy trên tấm biển cửa tiệm có hai chữ "Á Xá" thì bị Sơ Ngu Thế kéo tuột vào trong tiệm.

Chưa kịp nhìn rõ cách bài trí trong tiệm thì Vương Tuấn Dân đã ngửi thấy một mùi thơm thấm vào ruột gan, ngọt ngào mà không chán ngán, mát lành dễ chịu, giống như có thể gột rửa được mọi thứ vẩn đục trong nội tâm chàng, khiến tâm trạng của chàng lập tức dễ chịu hẳn lên. Tiệm đồ cổ này thật xa xỉ, mặc dù không biết mùi thơm này là loại hương liệu nào, nhưng chắc chắn không phải thứ rẻ tiền.

Vương Tuấn Dân chủ động đưa tay sờ túi tiền dắt ở eo, phụ thân chàng chẳng qua chỉ là một phán quan nhỏ ở phủ Khai Phong, ăn bổng lộc sống qua ngày, còn phải chăm lo trên dưới, cho chàng học ở nhà thái học đã là cực hạn rồi. Nói gì tới trong nhà còn ba tiểu đệ chưa lớn, chàng cũng phải tiết kiệm mới phải. Bởi vì quyết tâm không muốn mua đồ nên Vương Tuấn Dân lại tình tâm được để thưởng thức cổ vật trong tiệm, vừa ngắm vừa tấm tắc khen ngợi.

Trong tiệm bài trí tao nhã, dễ chịu, các loại đồ cổ được sắp xếp hợp lý, không có cảm giác chờ giá cao mới bán như ở chợ, ngược lại giống như bước vào căn phòng lớn của nhà giàu có, mỗi một cổ vật đều hoa lệ, quý giá, có giá trị liên thành.

Sơ Ngu Thế không thảnh thơi như Vương Tuấn Dân, hắn lập tức lao tới chỗ đặt cổ vật thư phòng, bới bới chọn chọn. Ngoài một số thứ như ngọc bội, quạt, thái học sinh bọn họ đều thích những vật trong thư phòng ngày ngày có thể dùng tới, nói gì tới trong tiệm đồ cổ thường có những cổ vật thư phòng được văn nhân sĩ tử dùng rồi, chẳng ai biết thật giả, nhưng trước kỳ thi có thể mua về làm vật may mắn, phù hộ thi đỗ các môn, đối với Sơ Ngu Thế mà nói còn có ích hơn việc ôn lại sách vở.

"Chủ tiệm! Vật chiều nay tôi mới xem, chén rửa bút bằng bạch ngọc vân mây mà Lý Bạch đã dùng, có còn không?". Sơ Ngu Thế vội vã móc ngân phiếu trong ngườỉ ra: "Lần này tôi đủ tiền rồi".

Vương Tuấn Dân đứng bên không biết nên phản ứng thế nào, mặc dù cổ vật trong tiệm này nhìn qua đều không tồi, cổ hương cổ sắc, cổ vật bán ở đây cũng có niên đại, nhưng chén rửa bút mà Lý Bạch đã dùng cũng hơi quá nhỉ? Có điều chàng cũng biết tính của bạn mình có khuyên cũng không khuyên nổi, dù sao nhà Sơ Ngu Thế cũng có tiền, cũng chẳng quan tâm tới chút chi phí này.

Mặc dù nghĩ như vậy, nhưng Vương Tuấn Dân cũng chẳng thể có thiện cảm với gã chủ tiệm đồ cổ này, từ lúc gã bước ra từ gian trong, chàng liền rời mắt đi, không quan tâm tới việc trả giá nữa mà thờ ơ nhìn qua kệ bày đồ cổ bên cạnh.

Ánh mắt chàng bỗng nhiên bị một miếng ngọc hình người trong góc thu hút. Chàng tò mò bước lại gần, phát hiện ra đó là một miếng ngọc Ông Trọng chỉ to bằng ngón tay cái.

Ngọc Ông Trọng là loại ngọc bội xua đuổi tà ma, Ông Trọng vốn là một đại lực sĩ thời Tần Thủy Hoàng, tên Nguyễn Ông Trọng, tương truyền sức lực vô hạn, vũ lực hơn người, Tần Thủy Hoàng lệnh cho Nguyễn Ông Trọng đem quân đóng giữ Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Sau khi Nguyễn Ông Trọng chết Tần Thủy Hoàng đã cho đúc tượng đồng, đặt ở ngoài Tư Mã môn của cung Hàm Dương. Người Hung Nô đến Hàm Dương triều kiến thiên tử, từ xa nhìn thấy tượng đồng này còn tưởng là Nguyễn Ông Trọng thật, không dám lại gần.

(Sách sử của Việt Nam có chép, vốn dĩ Ông Trọng tên thật là Lý Thân, còn gọi là Lý Ông Trọng, người ở làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Ông Trọng người cao hai trượng ba thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, bèn sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (một huyện thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm)

Vì vậy người đời sau đúc Ông Trọng thành tượng đồng hoặc điêu khắc thành người đá, đặt ở miếu trước cung và trước lăng mộ để trừ tà. Dần dần, người thế gian bắt đầu đeo ngọc Ông Trọng để trừ tà, ngọc Ông Trọng và Tư Nam bội, Cương Mão rất thịnh hành ở thời Hán, đều được gọi là "trừ tà tam bảo".


"Khổng Tử không bàn đến bốn điều: quái dị, dũng lực, phản loạn, quỷ thần", Vương Tuấn Dân vốn không tin những điều này, nhưng cảm thấy miếng ngọc Ông Trọng màu trắng được điêu khắc rất mộc mạc, tự nhiên, nên không kìm được cầm lên để ngắm nghía cho kỹ.

(Trích thiên "Thuật nhi", sách "Luận Ngữ")

Miếng ngọc Ông Trọng này áp dụng phong cách chạm khắc thời Đại Hán gọi là Hán bát đao, phong cách cổ điển chất phác mà súc tích. Vài nhát dao đơn giản là chạm trổ ra được dung nhan người thanh niên, ánh ngọc sáng bóng, có nét rắn rỏi, cương nghị thu hút tâm hồn. Lỗ thủng của miếng ngọc này hình chữ nhân, từ đỉnh đầu cho tới phần bụng, chia làm hai bên ở phần eo, dây tua màu đỏ thể hiện hình chữ nhân cũng được xỏ từ đỉnh đầu thò ra hai bên eo rồi buộc lại, như thế khi đeo ngọc Ông Trọng có thể đứng thẳng, lỗ xuyên hình chữ nhân thế này cũng là một ký hiệu rõ ràng của ngọc Ông Trọng thời Đại Hán.

Vương Tuấn Dân vuốt ve không dứt được, miếng ngọc Ông Trọng này có niên đại đã từ lâu, dây tơ mặc dù còn mới nhưng trên thân miếng ngọc có vô số vết nứt, còn bị ngấm màu đỏ như máu, nhìn giống như máu tươi của ngọc ông Trọng, có cảm giác kỳ lạ khó diễn tả thành lời.

"Ai da, Khang Hầu, sao cậu lại xem thứ này?". Sơ Ngu Thế đã mua xong chén rửa bút, ôm hộp gấm đi ra, thấy miếng ngọc Ông Trọng trong tay Vương Tuấn Dân liền kêu lên.

"Làm sao?". Vương Tuấn Dân chau mày, ánh mắt nhìn lên gã chủ tiệm đi bên cạnh, giật mình khi thấy khí chất đối phương không hề giống người bình thường. Người này mặc cổ phục thời Tần Hán, áo thâm rộng, bó lấy thân, vạt áo màu đen thả dài tới bàn chân, càng tôn lên khuôn mặt đẹp như ngọc của gã, chẳng khác nào nhân vật phong nhã bước ra từ bức tranh cổ. Khí chất nho nhã này cho dù là Thái thường bác sĩ của nhà thái học cũng không sánh được, huống gì gã còn chưa búi tóc, nhìn cái là biết vẫn chưa đến hai mươi tuổi.

(Thái thường bác sĩ: Một chức quan cổ, quản lý việc tế tự của Thái thường tự, tương đương quan thất phẩm)

"Miếng ngọc Ông Trọng này nghe đồn mang lại vận hạn cho người đeo đấy". Giọng Sơ Ngu Thế nói đầy khoa trương: "Trương Soái Chính, cậu biết chứ? Chính là gã luôn tranh chức học dụ nội xá với cậu, đợt trước không tin tà ma đi mua miếng ngọc Ông Trọng này về, liên tiếp đen đủi, ngay cả chức học dụ nội xá cũng bị cậu tranh rồi, sau đó đành phải trả lại miếng ngọc Ông Trọng này đấy".

Chức học dụ nội xá là lựa chọn một trong những người ưu tú nhất trong các nội xá sinh, khi học quan không có thời gian rảnh rỗi thì học dụ nội xá sẽ thay họ chỉ bảo bài vở cho các nội xá sinh khác. Vương Tuấn Dân là học dụ nội xá, mỗi tháng đi phát tiền trợ cấp thì mới tới báo danh, từ trước tới giờ không để tâm xem ai tranh giành với mình. Có điều Trương Soái Chính chàng cũng có chút ấn tượng, xét cho cùng người ưu tú trong nội xá sinh cũng chỉ có mấy người đó, đều được liệt vào danh sách dự bị lên thượng xá, cho dù Vương Tuấn Dân không để tâm những chuyện đó thì cũng biết mấy người này.

Nhưng trọng tâm không phải chuyện này, Vương Tuấn Dân không để tâm tới lời khuyên can của Sơ Ngu Thế, chàng chìa tay về phía gã chủ tiệm im lặng nãy giờ: "Miếng ngọc Ông Trọng này bán thế nào?".

Gã chủ tiệm cười thản nhiên, nói: "Bạn cậu đã nói miếng ngọc này mang lại vận xui, sao cậu vẫn muốn mua?".

"Thật sự mang lại vận xui cho người đeo sao?". Vương Tuấn Dân chau mày lại, chàng tưởng gã chủ tiệm này có thể bốc phét một cái chén rửa bút bình thường thành vật thi nhân từng dùng thì đương nhiên sẽ bịa ra các kiểu lai lịch cổ quái kỳ dị để bán miếng ngọc Ông Trọng này đi chứ.

Nhưng gã chủ tiệm không trả lời thẳng vào câu hỏi của chàng mà tiếp tục nói: "Ngọc vốn là đá, tích tụ thiên địa linh khí mà sinh ra ngọc, qua tay người thợ đẽo gọt tỉ mỉ trở thành vật trang sức. Ngọc bội có thể trừ tà, cũng nhờ vào ngọc hấp thu linh khí của trời đất. Nhưng vì ngọc gánh đỡ các tai nạn thay cho chủ nhân, nên linh khí hao tổn gây ra rạn nứt thậm chí vỡ vụn. Ngọc có linh tính, nhưng ngược lại cũng có tà tính, ngọc vỡ rất dễ gây ra những thứ chẳng lành".

Gã không nói miếng ngọc Ông Trọng này sẽ mang lại vận xui cho người đeo nhưng từng câu từng chữ đều đang ám chỉ.

Vương Tuấn Dân cúi đầu nhìn miếng ngọc Ông Trọng trong tay, chàng biết những vết rạn trên thân ngọc không phải hoa văn của đá vốn có, mà là vết rạn thực sự, thậm chí ngay cả màu đỏ cũng ngấm vào rất sâu.

Nhưng chàng rất thích nó, phải làm sao bây giờ? Ngọc khí và người cũng phải xem duyên phận, trong cửa tiệm ngập tràn đồ cổ quý giá này chàng chỉ đưa mắt nhìn một cái đã ngắm trúng nó, là muốn chiếm hữu nó, giống như bẩm sinh nó vốn thuộc về mình vậy.

"Miếng ngọc Ông Trọng này bán thế nào?". Vương Tuấn Dân bắt đầu băn khoăn xem số tiền mình có thể dùng là bao nhiêu, sau khi làm học dụ nội xá chàng có một phần trợ cấp.

Gã chủ tiệm mỉm cười, nói tùy ý: "Nếu cậu muốn có vậy thì cầm đi. Đối xử tốt với nó là được, nếu thực sự ghét bỏ thì nhất định không được tùy tiện vứt đi".

Vương Tuấn Dân vui mừng cảm tạ, lập tức đeo miếng ngọc vào eo, cảm thấy tối nay ra ngoài thật đúng đắn.

Sau khi ra khỏi Á Xá, Sơ Ngu Thế vẫn phàn nàn vài câu, nói miếng ngọc này tà ma lắm, dặn chàng phải cẩn thận.

Nhưng Vương Tuấn Dân không hề để tâm, nếu đã thích một vật gì đó đương nhiên sẽ thích tất cả những thứ thuộc về nó.

Bất kể là ưu điểm hay khuyết điểm.

2

Hôm sau là thi thượng xá, Vương Tuấn Dân cảm thấy khá tốt, chàng nộp bài là biết chắc mình sẽ thi được lên thượng xá. Nhưng Sơ Ngu Thế bên cạnh đang bò lên bàn thở dài, rõ ràng không chắc chắn gì cả.

Vương Tuấn Dân suy nghĩ về kế hoạch cuộc đời mình, năm nay chàng vào được thượng xá của nhà thái học, trong một năm thì không thể tốt nghiệp được, kỳ thi năm nay thì không kịp rồi. Cũng may bây giờ hai năm có một kỳ thi, chàng có thể đợi kỳ thi vào hai năm sau.

Vừa nghĩ ngợi vừa thu dọn bút, mực trên bàn, Vương Tuấn Dân cảm thấy có người dừng lại trước mặt chàng, ngẩng đầu lên thì phát hiện ra là Trương Soái Chính. Người này đang nhìn xuống eo chàng với thần thái hết sức lạ lùng, chắc chắn là nhận ra miếng ngọc Ông Trọng này.

Hai người mặc dù là quan hệ cạnh tranh nhưng chưa từng nói chuyện với nhau bao giờ. Vương Tuấn Dân cũng không biết nên chào hỏi cậu ta thế nào, còn Trương Soái Chính cũng không dừng lại lâu, mà chỉ nhìn chàng một cái rất lâu rồi quay người rời đi.

"Khang Hầu cậu không sao chứ? Hôm nay thi cử không có gì bất thường đấy chứ?". Sơ Ngu Thế bước tới quan tâm hỏi han, thấy sắc mặt bạn mình vẫn như thường mới yên tâm nói: "Không xảy ra chuyện gì bất ngờ là được rồi, haizzz, sao cậu lại nghĩ không thông mà ngắm trúng miếng ngọc Ông Trọng này chứ?".

"Cậu làm bài thế nào?". Vương Tuấn Dân biết bạn mình thích càm ràm, nếu không chuyển chủ đề e rằng cậu ta sẽ nói cả tiếng không ngừng.

"Khó nói lắm". Sơ Ngu Thế thở dài, cầm quạt gấp gõ vào lòng bàn tay, cúi đầu than thở: "Thôi, nếu không vào được thượng xá thì tôi về nhà học y. Cậu biết đấy tôi thích đọc sách y nhất....".

Vương Tuấn Dân vỗ vai cậu ta, cũng cảm thấy bất lực, con người ai cũng có số mệnh của mình.

Không lâu sau, cổ bảng danh sách công bố những người thi đỗ từ nội xá lên thượng xá, quả nhiên Vương Tuấn Dân thi đỗ thượng xá sinh, còn cái tên Sơ Ngu Thế không xuất hiện trên bảng danh sách. Vương Tuấn Dân còn chú ý thấy tên Trương Soái Chính ở ngay cạnh tên mình, có thể thấy học quan đánh giá hai người không thua kém nhau là bao.

Có thể chuyển vào thượng xá là tiến gần với kế hoạch của bản thân thêm một bước, Vương Tuấn Dân lấy làm vui mừng lắm. Nhưng phải xa bạn thân Sơ Ngu Thế lại khiến niềm vui này nhạt đi vài phần. Sơ Ngu Thế lại chẳng hề để tâm, nói gia đình vẫn tiếp tục để cậu ta học thái học, lý tưởng học y của cậu ta tiếp tục bị đẩy lùi lại.

Thượng xá sinh đều có một phòng riêng, Vương Tuấn Dân đã thay áo dài có viền mép màu xanh cổ vịt, ít bị người khác làm phiền nên càng vùi đầu vào học hành, trong kỳ này ở thượng xá chàng đã lờ mờ đứng vị trí đầu bảng, chỉ là chàng ít giao du đi lại trong thượng xá nên danh vọng không bằng Trương Soái Chính.


Vương Tuấn Dân cũng không để tâm, lúc rảnh rỗi chàng thường bị Sơ Ngu Thế kéo ra ngoài uống trà, về nhà thăm phụ mẫu và các tiểu đệ, thậm chí ngay cả chức học dụ thượng xá cũng không tranh với Trương Soái Chính, mà hoàn toàn tập trung vào kinh sử điển tích, quên cả bản thân. Nháy mắt đã hơn một năm trôi qua, sắp tới kỳ thi thượng xá bình khảo hai năm một lần rồi.

Phải biết là những phu tử chấm bài thi của thượng xá bình khảo đều là trọng thần trong triều đình, chỉ cần phát huy xuất sắc trong bài thi, để lại ấn tượng cho họ, như thế khi tham gia kỳ thi khoa cử sắp tới chàng sẽ nhận được sự giúp đỡ rất lớn. Trong lòng mỗi người trong thái học đều ngầm hiểu như vậy, trên thực tế mỗi lần thi thượng xá bình khảo trong thái học tổ chức trước kỳ thi khoa cử, cũng tương đương với tiểu khoa cử, người giành được thứ hạng tốt, chỉ cần phát huy bình thường thì chắc chắn sẽ có tên trên bảng khoa cử.

Vương Tuấn Dân càng ngày càng nỗ lực học hành, đêm nào cũng là người chăm chỉ cuối cùng ở phòng học.

Đêm nay, chàng vừa làm xong một bài văn, dụi dụi mắt xong chàng dùng tay phải đã mỏi rã rời vuốt ve miếng ngọc Ông Trọng theo thói quen.

Đây đã là hành động vô ý thức của chàng, bắt đầu từ ngày mua ngọc Ổng Trọng về nó chưa từng rời xa chàng nửa bước, mỗi lần đầu ngón tay chạm vào vân ngọc bóng mượt của miếng ngọc, đều khiến tâm trạng mệt mỏi phiền não của chàng bình tâm lại ngay lập tức. Giống như bất luận chàng học hành muộn thế nào cũng luôn có người ở bên chàng vậy.

Vương Tuấn Dân nhắm mắt lại, dùng đầu ngón tay vẽ theo vết rạn trên ngọc Ông Trọng, miếng ngọc tốt như thế này không ngờ lại bị người ta vu cho là mang lại vận xui cho chủ nhân? Trên thực tế từ lúc chàng đeo miếng ngọc Ông Trọng này, đã thuận lợi thi vào thượng xá, chức quan của phụ thân dù không thể nói là thăng cao nhưng cũng đủ chi tiêu cho cả gia đình, có thể nói cuộc đời thuận buồm xuôi gió.

Cứ miên man nghĩ, cộng thêm mấy ngày không được nghỉ ngơi đầy đủ nên Vương Tuấn Dân cứ thế mà ngủ vùi, cho đến lúc đột nhiên cảm thấy cơn đau thấu tim gan dội lên từ tay phải.

"A, khụ khụ". Vương Tuấn Dân giật mình tỉnh giấc giữa cơn mơ, kinh hãi phát hiện ra mình đang ở giữa biển lửa, cơn đau khiến chàng vừa tỉnh dậy chính là lúc ngọn lửa đang liếm vào tay áo phải của chàng. Chàng vội vã phẩy lửa xung quanh, lăn lộn trên mặt đất để dập lửa trên người, cánh tay phải đau đớn và nhiệt độ giống như đang ở dung nham địa ngục khiến chàng tỉnh táo nhận ra mình không phải đang nằm mơ. Chàng muốn lớn tiếng kêu cứu nhưng vừa mở miệng đã bị sặc khói rồi có cảm giác khó thở ngay sau đó.

Tại sao lại như vậy? Chàng chỉ ngủ có một giấc tại sao tỉnh dậy lại sắp bị thiêu sống đến nơi?

Có lẽ nào chàng vẫn đang nằm mơ?

Ý thức dần dần rời xa, trong cơn mê man Vương Tuấn Dân lờ mờ cảm thấy có người đang cố sức lôi chàng ra ngoài, nhưng sức người ấy quá bé nhỏ, giống như ốc sên di chuyển vậy.

Là ai thế? Lẽ nào là bạn học ở phòng học? Nhưng chàng nhớ rõ chỉ có mình chàng học khuya ở phòng học thôi mà.

Tay chân Vương Tuấn Dân mềm nhũn, không còn chút sức lực nào, cảm thấy mình như một mớ phiền toái. Chàng mở miệng định bảo người đó cứ đi đi mặc kệ chàng, nhưng chưa kịp nói gì chàng đã chìm vào bóng đen.

3

"Ai da, Khang Hầu cậu phải nhìn thông suốt, chủ bộ đại nhân của nhà thái học cũng không truy cứu trách nhiệm của cậu, cậu phải chịu khó dưỡng thương đi". Sơ Ngu Thế nhìn Vương Tuấn Dân nằm tĩnh dưỡng trên giường bệnh, nghĩ lại vẫn thấy sợ, hỏa hoạn to như vậy nhưng bạn thân mình chỉ bị thương ở tay phải, thật là thoát chết trong gang tấc.

Có điều nhìn sắc mặt lạnh như băng của chàng, Sơ Ngu Thế thở dài an ủi: "Tay phải cậu bị thương, mặc dù không bị thương vào gân cốt nhưng kỳ thi thượng xá bình khảo và thi khoa cử tháng sau cũng không tham gia được rồi. Đừng để tâm, cậu vẫn còn trẻ, hai năm sau còn có cơ hội mà".

"Đều là lỗi của tôi". Vương Tuấn Dân nhắm mắt lại, cổ họng chàng vì hít phải nhiều khói nên giọng cũng lạc đi. Thực ra chàng không để tâm tới việc không tham gia thi cử được, một mình có thể thoát thân trở về từ bờ cõi sống chết thì đối với những việc khác cũng thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Mặc dù ban nãy chủ bộ đại nhân tới thăm chàng có đùa rằng cuối cùng bọn họ có thể nhân cơ hội này để xây dựng lại phòng học, nhưng Vương Tuấn Dân suýt chút nữa gây ra họa lớn vẫn thấy hối hận vô cùng, chàng vô thức nắm lấy miếng ngọc Ông Trọng đặt ở bên gối.

Sơ Ngu Thế hiểu rõ chàng, mắt đảo một vòng, trầm giọng nói với vẻ nghiêm trọng: "Thực ra thế này Khang Hầu ạ, chuyện này tôi thấy rất kỳ lạ. Phòng học lúc đó chỉ có mình cậu. Nếu do ngọn đèn dầu trên bàn cậu gây ra hỏa hoạn, vậy làm sao cậu chỉ bị thương một cánh tay phải thôi? Sớm đã thành than rồi chứ?".

"Chỉ có mình tôi?" Vương Tuấn Dân sững lại, vội vã truy hỏi: "Tôi nhớ có người cứu tôi ra, người ấy sao rồi?".

"Hả? Cậu nói Trương Soái Chính á? Cậu ta không sao, nghe nói lúc cậu ta xông vào thì phát hiện ra cậu ở cửa thư phòng, chỉ bị xém tí tóc với vạt áo thôi". Giọng Sơ Ngu Thế đầy vẻ hoài nghi: "Khang Hầu, đừng trách tôi nghĩ nhiều, thượng đẳng thượng xá sinh chỉ có một người, chỉ có cậu mới đủ sức cạnh tranh với Trương Soái Chính. Liệu có phải cậu ta ra tay hãm hại cậu không? Để cậu bị thương không thể tham gia bình khảo, ít nhất cũng khiến cậu hoảng loạn tinh thần. Sau đó thấy lửa cháy nghiêm trọng nên mới vào cứu cậu? Nếu không làm gì trùng hợp tới mức nửa đêm vẫn ở đó?".

Ở cửa? Không phải ở cạnh bàn sao? Vương Tuấn Dân sững sờ, lúc sau mới phát hiện ra bạn mình đang nói thuyết âm mưu rất hùng hồn, nên khẽ phản bác: "Hòa Phủ, cậu đừng nói linh tinh. Lần này may mà có Trương huynh, đợi tôi dưỡng thương khỏi rồi sẽ đi bái tạ cậu ta".

Sơ Ngu Thế ngượng ngùng cười cười, ánh mắt dừng lại trên tay trái Vương Tuấn Dân, giật mình nói: "Tôi biết rồi, chắc chắn do miếng ngọc Ông Trọng này cậu mới đen đủi như vậy. Mau vất nó đi".

Tay trái Vương Tuấn Dân run rẩy, sau đó mỉm cười thiếu tự nhiên: "Nói linh tinh gì thế? Tôi mệt rồi, cậu cũng về ôn bài đi, mấy hôm tới là thi nội xá rồi đấy".

Sau khi đẩy Sơ Ngu Thế đi, Vương Tuấn Dân không nghỉ ngơi ngay mà cúi đầu nhìn miếng ngọc Ông Trọng trong tay.

Có lẽ do chàng lăn lộn giãy giụa trong biển lửa, có lẽ do gần ngọn lửa quá phải chịu nhiệt độ quá cao, nên các vết rạn nứt trên miếng ngọc Ông Trọng càng nhiều hơn. Những vết ngấm sâu giống như máu tươi càng khiến miếng ngọc Ông Trọng trông thảm hại vô cùng.

Chàng thực sự rất yêu thích miếng ngọc này, thậm chí ngay cả trên mặt nó có bao nhiêu vết nứt, ở chỗ nào, nhắm mắt lại chàng vẫn nhớ rõ. Đầu ngón tay lướt qua những vết rạn tích lũy trên miếng ngọc, Vương Tuấn Dân vẫn đeo nó ở bên eo.

Kỳ thi thượng xá bình khảo năm nay, Trương Soái Chính giành được đánh giá cao nhất.

Vương Tuấn Dân luôn muốn trực tiếp cảm tạ ơn cứu mạng của Trương Soái Chính, nhưng lại sợ ảnh hưởng tới việc học hành của cậu ta, vì vậy cứ đợi đến sau khi kết thúc thi khoa cử mới mang lễ tạ tới phòng riêng của cậu ta.

Thực ra phòng riêng của Trương Soái Chính ở chếch đối diện, nhưng đây là lần đầu tiên Vương Tuấn Dân gõ cửa.

Lúc Trương Soái Chính mở cửa, Vương Tuấn Dân thấy cậu ta đang thu dọn đồ đạc, không giống như tạm thời về nhà ở mấy hôm mà đã cho tất cả sách vở trên giá đặt vào rương hòm.

"Huynh định... chuyển đi à?". Vương Tuấn Dân hỏi trong vô thức, ngay sau đó nhớ ra tên tự của Trương Soái Chính, liền mỉm cười nói: "Chúc mừng Bất Nghi huynh, lần này chắc chắn có tên trên bảng vàng". Thu dọn đồ đạc kỹ lưỡng thế này không phải là thi hỏng sau này không học ở thái học nữa thì chính là thi quá tốt sau này không cần học nữa. Mặc dù Vương Tuấn Dân không giỏi ăn nói nhưng đương nhiên chàng cũng không cho rằng Trương Soái Chính sẽ thi hỏng.

Nói đùa sao, thượng đẳng thượng xá sinh làm sao thi hỏng được chứ? Cứ nghĩ tới bản thân ngay cả kỳ thi cũng không tham gia được, Vương Tuấn Dân bất chợt thần sắc tối sầm, nhưng vẫn gắng gượng tinh thần, thành khẩn cảm ơn: "Hôm đó may mà có Bất Nghi huynh cứu giúp, mấy hôm trước sợ làm phiền nên hôm nay tôi mới tới cảm tạ". Nói xong liền đưa lễ tạ.

Trương Soái Chính đương nhiên chối từ, khéo léo nói: "Cứu người là việc nghĩa không thể không làm, đổi lại là người khác trong đó tôi cũng vẫn cứu, Khang Hầu không cần làm vậy. Huống hồ lúc tôi phát hiện thì Khang Hầu đã ở cửa rồi, việc tôi làm chỉ là sức mọn mà thôi".


"Ở cửa?" Vương Tuấn Dân ngẩn người, Sơ Ngu Thế trước đó có nhắc chàng chuyện này, chàng cũng tưởng rằng bạn mình nhớ nhầm nên không để tâm. Nhưng lúc này đương sự nhắc lại lần nữa, khiến Vương Tuấn Dân không thể nghi ngờ.

Lẽ nào người đó là do mình nảy sinh ảo giác giữa biển lửa? Chủ bộ đại nhân cũng nói không có ai khác bị thương, trong ngọn lửa như vậy nếu có người khác cứu chàng chắc chắn cũng bị lửa thiêu bị thương không nhẹ.

Vương Tuấn Dân nén sự nghi hoặc trong lòng, kiên quyết yêu cầu Trương Soái Chính nhận lấy lễ tạ. Thực ra bọn họ đều là người đọc sách, có tặng cũng chẳng phải vàng bạc châu báu gì, mà chỉ là mấy quyển sách đơn lẻ mà Vương Tuấn Dân đặc biệt đổi được. Nói đáng tiền thì cũng không đáng lắm, nhưng có tiền cũng không mua được.

Trương Soái Chính thoái thác không được đành miễn cưỡng nhận lấy. Ánh mắt cậu ta liếc thấy miếng ngọc Ông Trọng ở eo Vương Tuấn Dân, bèn làm bộ nói chuyện phiếm: "Khang Hầu, cậu đừng trách tôi nhiều lời, miếng ngọc Ông Trọng này tôi cũng từng không tin tà ma nên đeo nó một dạo, thực sự việc gì cũng không thuận. Có lần đi đường suýt chút nữa bị xe ngựa đâm vào, nếu không phải con ngựa đúng lúc đó vấp phải hòn đá ngã xuống trước thì không chừng tôi đã bị con ngựa điên đó xéo gãy cổ".

Trương Soái Chính vừa nói vừa thấy kinh hồn, rõ ràng nghĩ lại vẫn thấy sợ: "Bây giờ mặc dù cậu miễn cưỡng giữ được mạng nhưng xét cho cùng lại lỡ mất kỳ thi khoa cử lần này. Trước đây triều Thái tổ mỗi năm thi một khoa cho đế triều Chân Tông hai năm một khoa, sau này không chừng ba năm một khoa hoặc thậm chí dài hơn".

Vương Tuấn Dân mím môi, cũng không biết phải nói gì. Đúng lúc này có bạn học khác tới thăm, mối quan hệ của Trương Soái Chính trong nhà thái học này là tốt nhất, Vương Tuấn Dân thấy không có cách nào hòa nhập được với bọn họ nên cáo từ.

Về tới phòng riêng của mình Vương Tuấn Dân sờ miếng ngọc Ông Trọng đeo ở eo, khi ngón tay lướt trên những vết rạn nứt, trong đầu lại vụt lên những lời Trương Soái Chính nói, trong lòng không tránh khỏi dấy lên những khúc mắc.

Miếng ngọc Ông Trọng đã bị thương như thế này thì cũng không hợp đeo hàng ngày rồi.

Cuối cùng chàng tiếc nuối vuốt ve miếng ngọc, sau đó đặt nó vào cái hộp sơn bên cạnh, hoàn toàn không phát hiện ra sắc ngọc của miếng ngọc Ông Trọng vốn bóng mịn bỗng dưng tối hẳn lại....

Kỳ thi khoa cử thi đình công bố danh sách ngay sau đó, Trương Soái Chính đỗ giáp khoa, đủ vào hàng tiến sĩ, nhưng không đỗ trạng nguyên. Học trưởng của bọn họ là Lưu Huy đỗ thủ khoa.

Vị học trưởng năm nay mới hai mươi bảy tuổi này, cũng là một truyền kỳ trong nhà thái học, người này hành văn trau chuốt, hoa mỹ, dùng nhiều điển cố thành phong cách, được người thế gian ca tụng, mấy năm trước đã trở thành danh sĩ kinh thành. Nhưng kỳ thi trước người chủ trì thi tiến sĩ là Âu Dương Tu lại căm ghét phong cách văn chương hào nhoáng này, ông ta đề xướng phong cách mộc mạc, bình dị. Nghe nói trong kỳ thi khoa cử đó Âu Dương Tu bình đọc văn chương, bài thi đương nhiên không đề tên nhưng ngay lập tức ông ta nhận ra văn phong của Lưu Huy, liền cầm bút đỏ phê từ đầu đến cuối. Lưu Huy thi không đỗ kiên quyết nghỉ ở thái học, về quê dùi mài đèn sách, trải nghiệm nỗi khổ dân gian, hành văn dần dần chân thành mộc mạc, cuối cùng trong kỳ thi năm nay được ngự khảo quan Âu Dương Tu khen ngợi đánh giá, một bước giành thủ khoa.

Vương Tuấn Dân có được bài văn trạng nguyên mà người khác chép lại, đọc đi đọc lại nghiên cứu nhiều lần, cũng thấy hổ thẹn không bằng.

Sơ Ngu Thế tham gia kỳ thi nội khảo thứ hạng cũng không lý tưởng, cậu ta nghỉ ở thái học, về nhà đọc sách y. Người xung quanh thấy cậu ta quá ngốc nghếch nhưng trong lòng Vương Tuấn Dân lại thấy ngưỡng mộ cậu ta.

Có thể tìm được việc mình thích thú và kiên trì làm nó đến cùng, ở một góc độ nào đó rất đáng khâm phục rồi.

Vương Tuấn Dân lòng không tạp niệm, vùi đầu học hành. Chỉ là lần này không chăm chăm đọc sách nữa mà ngoài thời gian đọc sách cậu cố gắng đi nhiều nơi hơn. Thiên "Nho hiệu" sách "Tuân Tử" có viết: "Văn chỉ nhi bất kiến, tuy bác tất mậu; kiến chi nhi bất tri, tuy thức tất vọng; tri chi nhi bất hành, tuy đôn tất khốn". Chàng dần dần tự thân trải nghiệm những điều trong sách viết, chứ không đơn giản là tìm hiểu về mặt chữ nghĩa.

(Dịch nghĩa: Chỉ nghe nói mà không tận mắt chứng kiến thì tuy kiến thức có rộng nhưng tất có sai lầm; có chứng kiến mà không tìm hiểu, thì tuy biết nhưng tất có xằng bậy; chỉ biết mà không thực hành, thì tuy có chăm chỉ nhưng tất gặp khó khăn)

4

Thoáng cái đã hai năm trôi qua, đợt thi thượng xá bình khảo lần này đương nhiên Vương Tuấn Dân là thượng đẳng thượng xá sinh duy nhất, sau đó kỳ thi khoa cử Tân Sửu năm Gia Hựu thứ sáu đã tới trong sự kỳ vọng của mọi người.

Vương Tuấn Dân đã hai mươi lăm tuổi, ở trong nhà thái học cũng xếp hàng độ tuổi khá cứng rồi, nếu năm nay chàng không thi đỗ thì sẽ nghỉ ở thái học, làm chức sư gia tầm thường, hoặc ở lại thái học làm học chính hoặc học lục bình thường, nhận mức bổng lộc cỏn con. Các tiểu đệ ở nhà đều đã lớn, những món cần chi tiêu càng ngày càng nhiều lên, chàng không thể nào tiếp tục là gánh nặng của gia đình được nữa. Huống hồ chàng luôn lấy cớ dùi mài kinh sử, không lấy vợ, cũng vì lo rằng gia đình không lo nổi tiền sính lễ.

(Học chính và học lục: Là học quan trực thuộc Quốc tử giám thời Tống Nguyên Minh Thanh, phụ trách quản lý quy củ và kiểm tra kỷ luật của trường học)

Lúc thu dọn dụng cụ trường thi, Vương Tuấn Dân mở hộp sơn ra, nhìn thấy miếng ngọc Ông Trọng đã bị chàng bỏ quên từ lâu, cầm trong tay một lúc cuối cùng chàng vẫn lấy nó ra, đặt trong hộp dụng cụ học tập.

Kỳ thi hội thuận buồm xuôi gió đúng như Vương Tuấn Dân dự đoán, khi làm bài thi xong chàng biết mình chắc chắn có tên trên bảng, còn về thứ hạng thế nào lại do ông trời sắp đặt.

Mệt mỏi ngủ trong thư phòng hai ngày, trước khi danh sách thi đình công bố, Vương Tuấn Dân dự tính về thăm nhà. Sau khi ra ngoài cửa chàng bỗng thấy mỗi một người đi qua chàng đều âm thầm chỉ chỉ trỏ trỏ. Từ trước đến giờ chàng không giao du với ai, đương nhiên cũng không để tâm tới họ, nhưng trong nhà thái học, các học tử khi gặp chàng đều nhìn chàng với ánh mắt kỳ lạ, khiến chàng ngờ vực mà chậm bước lại, tiếng bàn tán cũng dần dần vang tới tai chàng.

"Nghe có người nói Vương Tuấn Dân này là trạng nguyên kỳ thi năm nay đấy".

"Có thể, Vương Khang Hầu là người đứng đầu thượng xá thái học mà".

"Vậy cũng không đúng... bảng vàng còn chưa công bố, tiếng tăm đã đồn xa thế này, tôi e tám phần có người không muốn cậu ta trúng cử".

"Cũng phải, nếu như chủ trì đại nhân để tránh phiền phức hoặc cảm thấy Vương học trưởng cố tình phô trương thanh thế lại gạt cậu ta ra thật đấy chứ".

"Còn gì nữa. Chủ trì đại nhân của kỳ thi Tân Sửu năm nay là Giới Phủ đại nhân Vương An Thạch, ông ấy ghét nhất là những kẻ mua danh chuốc tiếng, lần này có người thảm rồi".

Vương Tuấn Dân nghe những lời vừa ngưỡng mộ, lại ghét bỏ hay cười nhạo ấy, giống như có người đang vô hình đánh vào đầu mình một cú, trong đầu cứ ong ong trống rỗng, suýt chút nữa không có sức mà đứng.

Chàng nghiến răng không muốn mất mặt trước người khác, gắng gượng lê thân về phòng riêng của mình.

Cả người lạnh băng ngồi trước bàn học hồi lâu, Vương Tuấn Dân mới giơ tay lên vuốt mặt, thấy tay mình ướt đẫm, cũng không biết là mồ hôi mặt hay mồ hôi tay.

Không khiến người khác ghét là kẻ tầm thường, đương nhiên chàng hiểu đạo lý này. Nhưng vấn đề chắc chắn do chàng, nếu không tại sao người ta chỉ đồn tin về chàng, chứ không đi đồn người khác?

Kỳ thi hai năm trước, tình hình của Trương Soái Chính cũng như chàng bây giờ, nhưng hoàn toàn không có ai đồn đại gì về cậu ta cả.

Vì thế... tất cả đều công cốc rồi sao? Tình hình thế này, người bình thường đều không để chàng đỗ tiến sĩ đâu nhỉ?

Áp lực lớn lao dồn nén mấy năm trong lòng đã hoàn toàn bộc phát, Vương Tuấn Dân gần như đánh cược được ăn cả ngã về không ở kỳ thi lần này. Gần hai mươi năm vất vả đèn sách lẽ nào là vô ích sao? Có lẽ do ảo giác, tiếng bàn tán bên ngoài càng lúc càng lớn, ồn ào khiến chàng hoa mắt chóng mặt.

Vương Tuấn Dân tinh thần suy sụp không thể khống chế được sự phẫn nộ trong lòng nữa, chàng đứng dậy gạt đổ tất cả đồ dùng trên bàn, bỗng chốc vang lên những tiếng loảng xoảng giòn tan trong phòng, nhưng lại khiến tiếng bàn tán bên ngoài im bặt.

Vương Tuấn Dân thở hổn hển ngã ngồi ra ghế, đuôi mắt liếc nhìn miếng ngọc Ông Trọng quen thuộc bị đánh đổ đang xoay tròn trước mắt chàng.

Con người vào những lúc yếu đuối nhất luôn vô ý muốn oán trời trách người. Vương Tuấn Dân nhớ ngay tới lời đồn về vận xui mà miếng ngọc mang lại, lại nhớ tới bản thân hai năm qua chẳng xảy ra chuyện gì, chỉ có lúc thi cử mới để miếng ngọc vào trong hộp đồ dùng, kết quả... kết quả như thế này....

Mặc dù biết chuyện này chẳng hề liên quan tới miếng ngọc Ông Trọng nhưng nếu ai ai cũng giữ được bình tĩnh thì trên đời chẳng tồn tại thành ngữ "giận cá chém thớt" làm gì.

Vương Tuấn Dân cúi người nhặt miếng ngọc Ông Trọng lên, định cầm ném nó vào tường để trút giận, nhưng khi lòng bàn tay chạm vào chất ngọc nhẵn nhụi thì xúc cảm bị lãng quên từ lâu lập tức khiến chàng tỉnh táo trở lại.


Chàng hít một hơi sâu, từ từ mở lòng bàn tay ra, cúi đầu nhìn miếng ngọc Ông Trọng nằm lặng lẽ trong tay mình.

Dây tơ của miếng ngọc đã bị ố bẩn, vẫn còn lem nhem vết cháy xém. Từ sau trận hỏa hoạn đó chàng cũng không hề nghĩ tới chuyện thay dây cho nó. Vương Tuấn Dân vuốt ve miếng ngọc với vẻ nhung nhớ, cảm thấy miếng ngọc vốn mát lạnh này đang hòa hợp với nhiệt độ cơ thể mình.

Có lẽ do vừa bị rơi xuống đất nên miếng ngọc có thêm vài vết nứt so với ký ức. Vương Tuấn Dân khẽ thở dài, tâm trạng kích động cuối cùng cũng bình tĩnh lại, chàng nhặt hộp sơn lên, đặt miếng ngọc trong tay mình vào đấy, rồi dọn dẹp hết đồ đạc lung tung dưới đất.

Cũng phải, chàng vẫn là phải rời đi, ở lại nơi đây chẳng phải khiến người ta chê cười sao? Các học quan nhìn thấy chàng e rằng cũng không thoải mái, đợi bảng vàng công bố rồi đến từ biệt họ sau vậy.

Thật là... đáng tiếc đã phụ sự kỳ vọng của chủ bộ đại nhân rồi...

Tâm trạng chán nản thu dọn tay nải, Vương Tuấn Dân về nhà giữa ánh mắt của bao người, đóng cửa không tiếp khách, vùi đầu vào ngủ. Mấy ngày trôi qua trong vô tri vô giác, cho đến ngày công bố bảng vàng, chàng nghe thấy khắp phố vang lên tiếng kèn trống bắn pháo ăn mừng, sắc mặt rất khó coi. Cũng không biết bao lâu trôi qua, bỗng nhiên chàng nghe thấy tiếng pháo nổ ngoài cổng, lại có người xông vào cửa nhà chàng lớn tiếng chúc mừng: "Đỗ rồi! Đỗ rồi! Đại thiếu gia đỗ rồi!".

Mọi chuyện xảy xa quá đột ngột, đến khi Vương Tuấn Dân hoàn toàn tĩnh trí thì chàng đã thi đình xong, ngắm hết phố uống xong rượu, không biết đã mấy ngày trôi qua rồi.

"Khang Hầu, coi như cậu tỉnh rồi". Sơ Ngu Thế bật cười, cậu ta cảm thấy bạn mình thực sự quá buồn cười. Có điều đặt ở vị trí ấy mà nói, nếu hôm nay cậu ta cũng có thể có được vinh dự này thì e rằng biểu hiện của bản thân cũng không khá hơn bạn mình là bao.

"Tôi... thực sự đỗ trạng nguyên rồi?". Vương Tuấn Dân vẫn không dám tin, nhưng lờ mờ trong ký ức, chàng thật sự tới tiền điện cảm tạ thánh thượng, với thân phận là thám hoa sứ, chàng cùng hai vị thiếu niên đồng bảng khác được dạo chơi và thưởng hoa ở ngự viên, tham dự tiệc thám hoa ở vườn hạnh. Cảnh tượng chúc rượu đan xen giống như những bức tranh không rõ nét, khiến người say sau tiệc rượu là chàng khó mà xâu chuỗi chúng lại với nhau được.

"Đúng đúng đúng, nhất giáp là vị trí đầu tiên, không phải trạng nguyên thì là gì nữa? Vương thủ khoa à". Sơ Ngu Thế đưa cho chàng bát canh giã rượu vừa mới sắc, nheo mắt cười nhìn vị tân khoa trạng nguyên này. "Lần này may mà có Lâm Xuyên tiên sinh, nếu không phải ông ấy ngắm trúng bài văn cậu viết, ra sức đề cử thì e rằng cái danh trạng nguyên cũng nguy hiểm".

Vương Tuấn Dân một hơi uống hết bát canh giã rượu hơi đắng, cơn đau đầu đã dịu đi rất nhiều. Lâm Xuyên tiên sinh chính là Vương An Thạch Vương đại nhân, Vương Tuấn Dân vẫn cảm thấy không vui vì những lời ra tiếng vào trước kỳ thi, nên chau mày nói: "Chẳng phải làm khó Lâm Xuyên tiên sinh rồi sao?".

"Không có gì, Khang Hầu à, cậu là chân tài thực học, trước đây có người cố ý truyền tin hại cậu, bây giờ khác nào được ông trời định mệnh đâu, những lời đồn lại trở thành những câu chuyện đẹp". Sơ Ngu Thế nói với vẻ không để tâm. Ánh mắt cậu ta dừng lại bên chiếc hộp sơn đang mở bên cạnh nhìn thấy ngay miếng ngọc Ông Trọng từng khiến cậu ta có ấn tượng sâu sắc, nên bất mãn nói: "Khang Hầu, sao cậu vẫn giữ miếng ngọc Ông Trọng này? Suýt chút nữa cậu bị thiêu chết, rồi lại bị những lời đồn làm hại, còn thiếu nước chết là xong. Người học hành coi trọng nhất chính là danh tiếng và tính mạng, cả hai thứ cậu đều suýt mất, lẽ nào không phải là vận xấu do miếng ngọc Ông Trọng này mang lại sao? Tôi thấy, vẫn nên nhẫn tâm mới được".

Vương Tuấn Dân ngóc đầu lên, chàng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, lời của cậu bạn thân chàng cũng đã nghe thấy, nhưng đầu óc vẫn chậm chạp chưa thể lý giải được. Một hồi sau chàng mới ngập ngừng: "Hay là... trả lại cho gã chủ tiệm đồ cổ ấy..."

"Còn trả gã ta làm gì? Để miếng ngọc Ông Trọng này tiếp tục hại người à? Thôi đi, cậu không nỡ vứt thì để tôi làm thay". Sơ Ngu Thế lập tức cầm lấy miếng ngọc, quyết tâm giúp bạn thân thoát khỏi nỗi ám ảnh vận xui.

"Chuyện này...", Vương Tuấn Dân muốn gọi bạn lại, nhưng bất chợt tự hỏi lòng, lẽ nào chàng không có ý định vứt bỏ miếng ngọc Ông Trọng này sao? Thừa nhận đi, trên thực tế chàng cũng thấy vận đen bám đuôi mình, chỉ là không muốn tự tay vứt miếng ngọc này đi, không muốn làm người xấu mà thôi.

Vì thế, chàng lặng lẽ nhìn bạn thân bước ra khỏi cửa, đôi mắt từ từ nhắm lại.

Đúng vậy, chàng đã là tân khoa trạng nguyên rồi.

Phải ngủ một giấc thật ngon, khi tỉnh dậy cuộc đời chàng sẽ hoàn toàn khác với trước đây.

Thực ra Sơ Ngu Thế muốn đập tan miếng ngọc này ra, nhưng cũng sợ miếng ngọc tà ma này sẽ bám lấy mình vì thế sau khi ra khỏi Vương gia, cậu ta liền tìm một ngõ nhỏ, tiện tay vứt miếng ngọc ở đấy.

Sau khi Sơ Ngu Thế vừa ngân nga hát vừa bỏ đi không lâu, một chàng trai mặc áo dài màu đen kiểu thời Tần Hán đi tới và dừng lại, cúi người nhặt miếng ngọc Ông Trọng lên.

Gã nhẹ nhàng dùng tay lau những vết bụi bẩn bám trên miếng ngọc Ông Trọng, nhìn trên thân ngọc có thêm vài vết nứt, gã khẽ thở dài.

"Đồ ngốc, ngươi đỡ nạn cho người ta nhưng lại bị hiểu nhầm thành vật xui, thật là tại sao phải khổ như vậy chứ..." Chàng trai dường như đang đối thoại với miếng ngọc Ông Trọng nhưng cũng giống như đang tự nói thầm với mình. Một lúc sau chàng trai đột nhiên ngẩng đầu lên nhìn về phía đầu ngõ.

Không một bóng người..

Quả nhiên là gã đa nghi sao?

5

Năm 2013.

"Ối giời ơi, suýt chút nữa bị chủ tiệm ngày xưa phát hiện ra chúng ta đang nhìn trộm", bác sĩ thở phì phò, ban nãy vừa làm một chuyến du hành vượt thời gian khiến anh mệt nhoài nằm vật ra sàn nhà Á Xá, trong đầu vẫn còn ong ong.

"May mà la bàn dịch chuyển kịp thời". Lục Tử Cương cũng không khá khẩm hơn là bao, anh đang đứng với lấy hai chai nước lọc.

Bác sĩ ngồi dậy đón lấy một chai uống một liền mấy ngụm, lúc này mới có tinh thần cười hê hê: "Đây là lần đầu tôi thấy chủ tiệm mặc đồ cổ trang, lần trước chúng ta xuyên không về thời Đường có gặp được gã đâu".

"Sau này phải chú ý, chủ tiệm vẫn luôn có ký ức, nếu anh ấy có ấn tượng về chúng ta không chừng lịch sử sẽ xuất hiện nhiều ngã rẽ, tội của chúng ta sẽ to lắm đấy". Lục Tử Cương nhẫn nại dặn dò giải thích.

"Biết rồi, biết rồi", bác sĩ tùy tiện đáp. Đối với anh mà nói gã chủ tiệm mất tích kia mới là gã chủ tiệm thực sự, gã chủ tiệm trong quá khứ không liên quan tới ký ức của anh, nói gì tới bạn bè của gã. "Đúng rồi, ban nãy chủ tiệm cầm thứ gì trong tay thế?".

Lục Tử Cương tinh mắt và rất nhanh nhẹn, nên nhớ lại đáp: "Có lẽ là ngọc Ông Trọng".

"Ngọc Ông Trọng?".

"Đúng vậy, tôi còn nhớ kiếp trước khi tôi ở Á Xá, chủ tiệm từng nói chuyện này với tôi. Miếng ngọc Ông Trọng vốn là vật tùy thân trừ tà của Hán Vũ đế, sau này lưu truyền qua tay nhiều người, mặc dù vết nứt khắp thân nhưng không giống những miếng ngọc bình thường khác bị tà vật xâm chiếm, nó vẫn có thể bảo vệ chủ nhân tránh khỏi vận xui".

Lục Tử Cương uống một ngụm nước, tiếp tục nói: "Nhưng đáng tiếc là, mỗi người có được miếng ngọc Ông Trọng này đều tưởng rằng nó mang lại vận xui, sau này chủ tiệm đều nói trước với họ là miếng ngọc nứt này sẽ mang lại xui xẻo, những người kia miệng nói không để tâm nhưng rồi đều vứt bỏ nó. Con người luôn là vậy, mãi chẳng thể nhìn thấu chân tướng sự việc. Nhìn phục sức của những người trên phố có lẽ là giai đoạn trung kỳ thời Bắc Tống. Chủ nhân của miếng ngọc Ông Trọng thời ấy có lẽ là một trạng nguyên. Haizzz, sau khi vứt miếng ngọc đi chưa đầy hai năm bệnh điên bùng phát rồi chết. Sau khi chết còn bị người ta vu cáo cho có quan hệ mờ ám với gái thanh lâu. Cuối cùng quỷ oan bám lấy thân, mất cả tính mạng, thanh danh bị hủy hoại. Thật đáng tiếc cho miếng ngọc Ông Trọng đã vì hắn mà thêm nhiều vết nứt".

Lục Tử Cương năm đó là thợ khắc ngọc nổi danh trong thiên hạ, đương nhiên vô cùng yêu thích ngọc khí, nhớ tới miếng ngọc Ông Trọng thương tích đầy mình, Lục Tử Cương khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi ân oán từ kiếp trước, giọng điệu cũng bực tức hơn.

"Hả? Sao chủ tiệm không nói thật với khách chứ?". Bác sĩ không hiểu.

Lục Tử Cương lập tức nhìn bác sĩ với ánh mắt như thể nhìn mấy tên dở người: "Bán miếng ngọc nát lại còn tâng bốc dùng miếng ngọc này có thể tránh nạn, người ta không coi anh là gian thương chắc? Có tên ngốc mới tin".

Bác sĩ tỏ vẻ tin lời, hứng chí đứng dậy nhìn khắp xung quanh: "Ở đâu thế? Miếng ngọc Ông Trọng này là đồ tốt, tôi cũng muốn!".

Lục Tử Cương vặn chặt nắp chai, nở nụ cười khinh bỉ, nói thản nhiên: "Ai mà biết được! Có lẽ ở góc nào đó trong Á Xá... cũng có thể vẫn đang lang thang trong tay những người khác nhau...".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận