Tiêm Tra Sưa Cua Tôi Toan La Dân Năm Vung Hê Liêt

Vệ Lô Địch và Tần Hối đặt mua vé toa giường nằm cũng như không. Với chiều cao quá khổ của Vệ Lô Địch thì kích thước giường nằm quả thật quá nhỏ, mặc dù kích thước là 80x190. Còn Tần Hối là ngủ say mà xém lăn luôn xuống sàn.

- Cậu có vẻ không thích chú ấy?

- Anh Ba hiểu lầm em rồi. - Tần Hối cười khổ.

- Thế thì vì sao mà cậu mặt ủ mày chau suốt vậy? - Vệ Lô Địch vừa giũ chăn vừa hỏi. Hương nước xả vải ngòn ngọt thoang thoảng khắp không gian toa tàu chật hẹp.

- Nếu em nói là em ghen thì sao?

Sắc mặt Vệ Lô Địch tái mét.

- Đùa thôi. Xem mặt anh Ba kìa. - Tần Hối ôm bụng cười ngả nghiêng ngã ngửa. Rồi va đầu vào cạnh giường một cái "Cốp".

- Mẹ mày! Thằng cô hồn các đảng. - Vệ Lô Địch co chân đạp vào mặt Tần Hối.

- Anh Ba vui bên tình mới quên mất em bị bệnh viêm xoang kinh niên à? Trở trời hay thời tiết lạnh là lại đau đầu như búa bổ. - Tần Hối đưa lọ thuốc giảm đau bào chế từ cây thuốc Nam rồi nén lại dưới dạng viên con nhộng cho Vệ Lô Địch xem.

Vệ Lô Địch chậm chạp nhớ ra căn bệnh trầm kha của Tần Hối. Rồi chậm chạp trở về giường nằm, vờ như mình bị mất trí nhớ đột xuất.

- Anh Ba.

- Tao ngủ rồi. Đừng có làm phiền.

- Trời, ngủ "gồi" sao mà trả lời tui được vậy cha. Dậy! Dậy!

- Gì nữa đây?

- Sao anh Ba ăn no ngủ kỹ mà vẫn giữ được cơ bụng vậy?

- Mày thử ngày nào cũng gánh nước, chẻ củi rồi cuốc bộ tới trường gần một cây số xem có mập nổi không?

- Em mất hết hai múi rồi. - Tần Hối rầu rĩ báo tin. - Uổng công tập gym suốt mấy năm qua... Rốt cuộc cũng đổ sông đổ biển...

- Đổ vô miệng mày chứ đổ đâu? Ăn cho cố vô rồi ngồi đó than thở. - Vệ Lô Địch cằn nhằn mấy phút, rồi nằm xuống nghỉ lưng.

Cả đêm hôm qua, Vệ Lô Địch đã thử ân ái với Phương Vũ. Nhưng rốt cuộc mọi dự kiến đều tanh thành mây khói. Hai thằng già, đã kinh qua không biết bao nhiêu truân chuyên và trắc trở, cũng như mùi vị thất tình lục dục nơi trần thế. Bây giờ lại ngượng ngùng như đôi cô dâu-chú rể đêm Tân hôn. Thật là...

Phương Vũ dở khóc dở cười, đáp rằng:

""Cứng" hổng nổi. "

"Thương vậy?"

"Chỉ còn gần em một giây phút thôi

Một giây nữa thôi là xa nhau rồi

Người theo cánh chim về vui với đời

Để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi..."

Phương Vũ ôm lấy cơ thể trần truồng của Vệ Lô Địch, rồi khe khẽ hát cho anh nghe nhạc phẩm "Phút cuối" mà hai người từng nghe qua giọng ca Anh Khoa. Dưới ánh trăng Thượng Huyền leo lét và ngọn đèn cầy cháy dở trong ly nến thơm, hai mảnh linh hồn thất lạc nhau muôn vạn kiếp, rốt cuộc cũng đã tìm về với nhau trong sự tiếc nuối vì sự lỡ làng của tuổi tác đôi bên.

Không có khoái cảm của buổi hoan lạc, cũng không có đau đớn tột cùng như thể bị xé ra làm hai mảnh, hết thảy giác quan trên cơ thể Vệ Lô Địch đều chỉ tập trung ghi nhớ dấu ấn của Phương Vũ theo cách của riêng nó. Trai già của anh nếu chỉ lớn hơn anh chừng mười tuổi thì đỡ quá, vì nếu một mai trai già có ra đi khi cạn tuổi Trời, thì số năm mà anh chờ ngày tái ngộ sẽ không dài tới mười lăm năm.

...

Hai người thay phiên nhau vào nhà vệ sinh súc miệng, chỉnh trang quần áo, rồi ngồi đợi thêm một tiếng nữa là tàu sẽ về ga. Giấc ngủ chập chờn đêm qua đã khiến đầu óc hai người quay mòng mòng như thể lênh đênh trên chiếc bè lá suốt một tuần liền.

Uống đỡ cử thuốc giảm đau đầu đặc trị của Tần Hối, Vệ Lô Địch nhẫn nại ngồi chờ thuốc phát huy tác dụng, trong lúc rảnh rỗi ấy thì anh tựa đầu bên cửa sổ ngắm phong cảnh đang lướt qua bên đường. Chạm vào mắt anh nhiều nhất là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp; kế đấy là con lộ bằng đất nhỏ xíu, sình lầy, có đôi đứa trẻ mục đồng dắt trâu về nhà sau một ngày cấy cày lạnh thấu xương, chúng vừa đi vừa trò chuyện líu lô.

"Tu... Tu... Tu..."

"Xình xịch... Xình xịch... Xình xịch..."

Chiếc xe Jaguar rước hai người đậu trong một bãi giữ xe có tính phí theo giờ, giá cước cũng rất phải chăng, nên không khiến cánh lái xe khó chịu nhiều.

- Ghé hàng cháo sườn ăn đi. Kêu hai gã kia luôn giùm tôi. - Vệ Lô Địch quay sang nói với Tần Hối.

Tần Hối đang tống vali và ba-lô vào trong cốp xe, nghe thế liền ngoáy đầu lại và nhăn hàm răng cười. Không biết điệu cười ấy ẩn chứa hàm ý gì đây?

Các gian hàng sử dụng chung mặt bằng, nên không phân chia ra khu vực, gọi món xong muốn ngồi đâu cũng được. Để khắc phục tình trạng khách ăn xong đi luôn, ở đây bắt buột khách phải trả tiền trước, rồi cầm số lại bàn ngồi chờ nhân viên bưng tới hoặc là đứng đợi tại quầy nhận thức ăn.

Gã tài xế và tay lơ xe rảo một vòng chọn món trước. Rồi người thì mua một hộp cơm gà xá xíu, kẻ thì mua xôi nấu ăn với thịt kho tàu và trứng lòng đào. Tiền ăn và nước uống sẽ do Vệ Lô Địch trả.

Vệ Lô Địch mua hộp cháo sườn, trứng bắc thảo và hai ký tóp mỡ thắng giòn. Anh ngó sang chỗ Tần Hối, y hiện đương bị gã bán đồ nhậu tìm cách hỏi số điện thoại cho cô em gái - Cô ta thối tiền cho khách, nhưng mắt lại len lén đảo về phía y. Tội nghiệp ông anh trai lo em gái ế chồng, đành phải hạ mình đi cầu cạnh người khác.

- Thoát được rồi. - Tần Hối nhún vai thông báo. - Cho số kia. Người bên mình.

- À. - Vệ Lô Địch cười tủm tỉm. Tưởng đâu sang năm Tần Hối có vợ rồi chứ.

Tần Hối mua ủng hộ hai anh em nửa ký gà, vịt xác chiên và một hộp trứng cút lộn xào me. Hai anh em đi đường xa mà toàn lựa các món "Ru ta ngậm ngùi" thế này, chắc chưa về tới Diệp Trầm, đã rẽ bước sang ngang cả lũ.

Bốn người nhóm lại thành một bàn lớn. Vừa ăn uống lấy sức, vừa thi nhau kể những mẩu chuyện vui trong cuộc đời mình.

Trong khu buôn bán đương phát bản nhạc "Trên đỉnh mùa đông" do đôi danh ca Nhật Trường và Thanh Lan trình bày. Trời mới hết Thu mà lòng người đã vội vã sang Đông rồi...

- Anh gì đó ơi! Ngồi xuống đây dùng cơm với bọn tôi đi.

Mạnh Viễn Đông rối rít cảm ơn, rồi kéo ghế ngồi xuống. Trên tay anh ta là hộp cơm heo quay và một ly trà chanh.

- Giờ này du khách đi ăn dữ lắm. Đi riêng lẻ chủ quán không thích tiếp. - Mạnh Viễn Đông phân trần. Rồi gắp một đũa cải mèo xào lên ăn. Khi Nhật Trường hát tới nốt cao nhất, anh ta khẽ nhắm đôi mắt hẹp dài lại, tận hưởng cảm giác phiêu theo điệu nhạc.

Vệ Lô Địch bật cười, rồi khẽ khàng lắc đầu. Đoạn tiếp tục thổi muỗng cháo nóng hôi hổi.

- Ca sĩ Duy Quang là con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, bác ấy và cô Ngọc Lan thường hay song ca, bài hát của họ mà tôi thích nghe nhất là "Trên đỉnh mùa đông". - Mạnh Viễn Đông ngại ngùng bày tỏ.

- Tôi thích bác ấy hát bài "Em hiền như ma soeur" hơn bác Elvis Phương. - Nhậm Khai Phú cất giọng phụ họa.

- Mỗi người một gu mà. Đâu thể ép người ta nghe bài hát mình thích được. Nhưng, nếu cảm thấy nhạc phẩm và người trình diễn hay quá, tôi sẽ mạo muội làm phiền mọi người vài phút để giới thiệu về nó. - Tần Hối nói đoạn, xúc một muỗng trứng cút lộn lên ăn với tóp mỡ mà anh Ba bỏ tiền mua. Rồi hút một ngụm nước tăng lực hiệu Red Bull.

- Nhà anh mấy người? - Trần Thiệu Tổ thân mật hỏi.

- Nhà tôi có ba anh em, nhưng em trai tôi đã bị tai nạn lao động chết hồi năm ngoái.

Mạnh Viễn Đông nói đoạn, cúi mặt xuống bới bới hộp cơm. Dáng vẻ vị kỹ sư tài hoa hơn tuổi trông khắc khổ khôn cùng. Cái chết uẩn khúc của em trai và cách hành xử của nghi can gây ra vụ án đã khiến cho đầu óc anh ta nổ tung. Một mặt anh ta muốn lật tẩy trò hề chính trị mà chúng đã gieo rắc trên đầu Mạnh Viễn Chinh, một mặt lại muốn gán tội lên đầu gã nghi can kia cho hả cơn giận; sau đó kéo cả nhà khăn gói ra nước ngoài sống ẩn cư.

Vệ Lô Địch đưa mắt nhìn Mạnh Viễn Đông, không biết đang xâu chuỗi sự việc gì trong đầu.

- Tôi xin lỗi. Thành thật xin lỗi anh... - Trần Thiệu Tổ rối rít xin lỗi. Anh ta cảm thấy vô cùng buồn bực bản thân vì đã gợi đến ký ức đau thương cho người đàn ông ấy.

- Ồ, xin anh đừng bận tâm đến. Cũng tại nó bất cẩn quá thôi. Nghe thằng bạn rủ đi khai thác "khoáng sản" nhanh "giàu" lắm thì cả tin đi theo. Lãnh kết cục ấy cũng đáng lắm.

- Hồi còn sống ở Hoàn Khởi Điển Ba, tôi cũng từng đi mót than vụn đem đổi lấy gạo đỡ đần gia đình. Năm ấy cỡ đâu chín, mười tuổi... - Nhậm Khai Phú bồi hồi kể. - Ai ngờ thủy điện xả lũ đột ngột, không kịp chạy, may phước có người đóng viện phí hộ, không là thầy u tôi phải gán căn chòi rồi.

- Nghe đâu thủy điện ở chỗ đó bị chính phủ tháo dỡ, thay bằng nhà máy năng lượng gió, công suất thấp hơn nhưng an toàn hơn gấp nhiều lần. - Mạnh Viễn Đông nhớ đến bài báo gây xôn xao khắp cả xóm năm đó, ai nấy đều biết tổng thống Bàng Đông Quân rất mạnh tay với những kẻ coi thường tính mạng đồng bào, hình luật hà khắc bây giờ non phân nửa là do một tay ông ta biên soạn.

- Ừ, nguyên dàn cho xả lũ đột ngột đã bị lãnh án tù chung thân và phạt đánh mỗi người ba roi trước toàn dân làm gương. Chắc giờ họ cũng sắp mãn hạn tù. Hai mươi mốt năm rồi chứ đâu phải ít. - Nhậm Khai Phú xắn miếng thịt kho tàu ngậy mỡ, rồi ăn cặp với xôi nếp. Chỗ này bán món thịt kho trứng ngon quá, chắc gã phải mua vài ký về biếu cha mẹ mới được.

Nhậm Khai Phú xin phép Vệ Lô Địch cho gã ghé nhà một lát. Anh liền vui vẻ đồng ý, dẫu sao anh cũng đang rảnh rang, về Diệp Trầm cũng chẳng có ai chờ đón.

Bộ tứ đi trên con đường đất khô hanh. Những phiến lá vàng nằm chỏng chơ nơi ấy, điểm chút sắc màu cho con lộ nâu đất cằn cỗi. Những cây bông gòn thả những chùm bông trắng phau xuống mặt đất, cơn gió chớm đông làm chúng xoay mòng mòng trước khi rơi xuống.

Cổng nhà Nhậm Khai Phú trồng một giàn bông ti-gôn tím sẫm đan xen với hoa giấy hồng rực, nom cứ như cổng nhà ai vào ngày làm đám cưới vậy, trông vui mắt vô cùng. Hàng rào để mặc cho đám bìm bìm, trầu bà và hồng leo làm "tổ". Sân trước còn trồng cả nhãn lồng và khế ngọt, cùng vài bụi duối có hương vị ngồ ngộ. Một hòn non bộ rất đẹp được bày trí gần cửa ra vào phòng khách.

Ông bà Nhậm đã ngoài sáu mươi, dáng người phốp pháp, coi bộ được vợ chồng con giai chăm nom kỹ lưỡng lắm nên trên người không có "mùi già". Tuy thế răng lợi cũng không chống cự được quy luật khắc nghiệt của thời gian, nên mỗi người phải sử dụng một bộ răng giả, chắc vì vậy mà anh ta mới nhờ chủ quán lựa khối thịt kho tàu nào ninh nhừ nhất để thầy u dễ xơi.

- Em đem vào hâm nóng rồi dọn cơm cho thầy u ăn dùm anh. - Nhậm Khai Phú trở lại chất giọng địa phương vốn có của mình. Anh ta đưa cho vợ một túi bánh mứt mua trên bản Cloy Ur, và một túi đựng thức ăn mua trong khu chợ ẩm thực trên phố thị.

Vợ của Nhậm Khai Phú khẽ gật đầu, rồi nhanh bước xuống nhà sau. Trước khi đi, chị ta cúi đầu chào từng người trong bọn Vệ Lô Địch.

Vệ Lô Địch nhìn cung cách hành xử của cô ta, lại nhớ đến nghề giáo mà cô ta đang theo đuổi, khuôn mặt ít cười thế này không biết học sinh có chịu đựng nổi hay không nhỉ? Làm giáo viên mà mang bộ mặt của cảnh sát hình sự hay điều tra viên lên lớp thì thách đứa nào ham học nổi.

oOo

Vệ Minh bật ca khúc "Đô-rê-mon" của ca sĩ Phạm Hiểu Huyên và "Alibaba" của ca sĩ Lưu Thu Nghi cho bọn trẻ nghe. Đây là những bản nhạc Hoa dựa trên giai điệu nhạc ngoại quốc dành cho thiếu nhi. Mỗi bận nghe lại "Đô-rê-mon" phiên bản nhạc Hoa là cậu lại được một trận cười sảng khoái, vì nội dung của nó và giọng ca sĩ trình bày vô cùng dí dỏm, hài hước. Có câu nói mỗi đứa trẻ là một thiên thần nhỏ sống trong thế giới thần tiên của mình ngay trên mặt đất*, quả đúng thật, bởi trẻ nhỏ không nghe cái này lại xọ cái kia trong đầu.

Vệ Khương đang đứng lắc lư theo điệu nhạc, hay nói đúng hơn là tập thể dục, nhưng vì tay chân ngắn cũn cỡn nên nhìn hệt như con lật đật mũm mĩm. Ông nội cục mỡ nhìn cháu trai qua màn ảnh nhỏ mà cứ mỉm miệng cười suốt. Lưu Dĩnh Phương đang ngồi ăn trái cây dầm kế bên bỗng cảm thấy hôm nay Trái Đất quay ngược chiều mất rồi; tiệc sinh nhật của bà sẽ diễn ra vào ngày Mười lăm, tháng Mười một, cũng tức là vào tối ngày mai, địa điểm tổ chức là Marina Bay Sands, khách mời khoảng một trăm người, chủ yếu là đối tác, bạn kinh doanh lâu năm và họ hàng gần xa. Chuyên cơ chở Vệ Hồng Sương và Vệ Thanh sẽ tới phi trường vào tối nay.

oOo

Phùng Bác Văn thong dong rảo bước đến bên hồ sen không hoa cũng chẳng lá. "Sen" bây giờ bị trở thành cái tên để gọi, chứ không còn hồ sen theo nghĩa gốc nữa.

Ơi người xa lạ kia ơi

Nửa đêm câu cá trong hồ không sen

Có chăng đang vướng sầu đông

Nên mượn việc rỗi mà xua nỗi lòng?

Phùng Bác Văn khe khẽ hát theo nhạc phẩm "Sầu đông" do Nguyễn Hưng trình bày phát ra từ chiếc loa bán kẹo kéo:

"Chiều nay gió Đông về

Dừng chân trên bến xưa

Đời trai gió sương

Về thăm cố hương

Mà sao phố phường... vắng

Tình sầu lạnh buốt đêm trường..."

Vệ Minh đang đứng mua kẹo kéo với Uông Trác. Hình như hai người không nhìn thấy y, nên không đưa mắt nhìn về phía y hay cất tiếng chào hỏi.

Thời này mà vẫn có người thích ăn kẹo chỉ hồng và kẹo kéo, Phùng Bác Văn tưởng đâu món quà quê ấy đã chìm nghỉm và biến mất mãi mãi dưới làn sóng trào lưu ẩm thực hiện nay. Có vài món thiên hạ khen đáo để, y cắn đúng một miếng rồi nhổ ra, vì không chịu được cái mùi "tả pí lù" của nó. Ấy thế mà các thứ bánh trái bình dân lại không bao giờ khiến y phát ngán.

Uông Trác chắc vẫn chưa được "trả bằng", nên bọn họ dùng taxi làm phương tiện di chuyển. Biển số của chiếc taxi ấy y không thấy rõ vì nghịch đường, nhưng logo và tên thương hiệu của hãng xe thì có, một hãng khá nổi tiếng trong nước.

- Hây... - Phùng Bác Văn gãi gãi chiếc cằm lún phún râu ria của mình, rồi xoay lưng lại, tiếp tục đứng hóng mát bên hồ sen u tối.

"Rắc." Hai cánh tay của Phùng Bác Văn bất ngờ bị ai đó bẻ ngoặt ra sau. Nhanh đến mức y không kịp rút súng ra chống cự.

Phùng Bác Văn cảm nhận họng súng của đối phương đặt dưới cằm của mình.

- Salut, comment ca va? - Cấp Trên liếm môi.

- Très bien, et toi?

- Toujours bon. - Cấp Trên khẽ khàng luồn tay vào túi quần của Phùng Bác Văn. Rồi miết ngón trỏ lên đũng quần y. - Định chơi trò hai mang à? Anh đâu phải mèo mà có chín mạng.

Phùng Bác Văn để mặc cho đội Cảnh sát Quốc gia dẫn độ mình đi. Y biết mình sẽ bị nhốt ở đâu, nhưng không buồn lo sợ, cùng lắm thì cắn lưỡi chết thôi...

Chiếc xe đưa Phùng Bác Văn đến trại tạm giam bí mật của chính phủ Hác Đăng Khánh. Xung quanh lớp lớp là lính tráng trang bị quân trang tận răng, tất cả đều che kín mặt, nhìn thoáng qua cứ ngỡ là phiến quân khủng bố.

Hác Đăng Khánh đã có mặt ở trong phòng. Chú hiện đương đọc sách "1Q84" do nhà văn Haruki Murakami chắp bút. Dáng vẻ rất bình lặng như mặt biển mỗi khi trời đứng gió.

- Trai đẹp tới rồi nè. - Cấp Trên bỡn cợt nói. Đoạn bước tới giao khẩu súng mà Phùng Bác Văn được cấp khi làm điều tra viên cho Hác Đăng Khánh. Chú chỉ liếc sơ qua một cái, nhưng không chạm vào nó.

Phùng Bác Văn khoan thai ngồi xuống chiếc ghế mà Cấp Trên đã chỉ định. Rồi cất giọng xin nước uống.

- Nước ép trái cây nhé? - Hác Đăng Khánh gấp cuốn sách lại và đặt trên bàn.

- Vâng, tùy hỷ.

Hách Đăng Khánh đích thân đi rót nước ép trái cây cho y uống. Khuôn mặt hiền hòa và đôi mắt sáng ngời ấy, khiến Phùng Bác Văn phải bâng khuâng về những lời đồn đoán xoay xung quanh người đàn ông đứng tuổi này. Trông ông chú chẳng có vẻ gì là quân bán nước hay phường rửa tiền cả.

- Uống không? - Hác Đăng Khánh trỏ vào cái bình thủy tinh đựng hỗn hợp các loại quả mọng và trái cây ép. Cấp Trên lắc đầu, đoạn ngồi xuống cái ghế đối diện với Phùng Bác Văn, miệng anh ta khẽ mở, dường như toan nói điều gì đó rồi lại thôi.

Cấp Trên cực kỳ đẹp trai. Đấy là lần đầu tiên mà Phùng Bác Văn phải dành lời khen ngợi ấy cho một người đàn ông, bởi trước đây y chỉ dùng tính từ "Xinh đẹp" với chị em phụ nữ.

- Cảm ơn ngài. - Phùng Bác Văn mỉm miệng cười.

- Không có chi. - Hác Đăng Khánh hòa ái đáp. Rồi nhấp một ngụm nước ép giàu vitamin.

- Anh phụ trách công việc giám định ADN của nạn nhân phải không? Sao lại giấu tấm bằng bác sĩ vậy chứ? Anh tính bắt chước Black Jack à? - Cấp Trên gác cằm lên vai Phùng Bác Văn.

Phùng Bác Văn không đáp, chỉ trầm ngâm nhấp từng ngụm nước ép quả. Vị chua chát tràn ngập trong khoang miệng của y.

- Đổi lại là tung tích của con trai ngài được chứ? - Phùng Bác Văn tung ra lá bài quyết định. Y không muốn biến nơi này thành hội bàn Đào, bởi y không phải là Quan Vân Trường.

Hác Đăng Khánh đưa mắt nhìn Cấp Trên.

- Lưu Bang còn bỏ vợ con, cha mẹ, ông bà, tổ tiên lại khi quân binh Hạng Vũ bao vây để thoát thân một mình cho nhanh...

- Bất nghĩa, bất nhân, bất hiếu, bất trung, bất nhẫn, bất tín... Ông ta có đủ hết. Ấy thế mà lại là người thắng cuộc.

- Hạng Vũ cũng đâu có tốt lành gì? Ai không vừa mắt thì lôi đầu ra tra tấn, xử tử. Phạm Tăng can không được riết nổi bướu độc mà chết luôn, chết vì bệnh thì ít mà chết vì uất thì nhiều. Anh mà cư xử không khéo thì sẽ biến tôi thành Phạm Tăng đệ nhị đấy. - Câu nói của Cấp Trên khiến mọi người phải bật cười. - Thôi, tối rồi, ngủ sớm cho "khỏe" nha anh bạn họ Phùng.

Một toán Vệ binh bước vào phòng, rồi lạnh lùng áp giải Phùng Bác Văn đi.

Cấp Trên xin phép cáo lui trước. Hác Đăng Khánh mệt mỏi gật đầu chấp nhận, rồi ngả lưng ra ghế chợp mắt một lát.

- Tôi gửi cho anh địa chỉ. - Gã bạn thân của Cấp Trên đang rửa tay trong nhà vệ sinh chợt níu gã lại nhắn.

- Quan trọng lắm sao? - Cấp Trên vừa kéo khóa quần, vừa hỏi thằng bạn. Khuôn mặt hoàn hảo của gã phản chiếu trong tấm gương bám bụi. Một đóa hoa anh túc đã dùng máu tươi để điểm trang cho vẻ ngoài và địa vị của mình.

- Phải, vô cùng quan trọng.

Cấp Trên hiếu kỳ tra thử địa chỉ trên điện thoại di động.

- Dịch vụ cung cấp ảnh... thờ???

- Để anh sáng trước khi ra khỏi nhà đốt nhang cúng nó. Bị lú rồi hay sao mà lúc nào cũng giở hình ra xem hết vậy?

- Em yêu gọi đến đấy. - Cấp Trên nháy mắt với gã bạn thân. Rồi hăm hở lỉnh ra ngoài xe nghe điện thoại, mặc cho đám cận vệ bám theo hụt hơi.

...

Hác Đăng Khánh sực nhớ đến cuộc gọi nhỡ của Tăng Trường Sa. Không biết anh ta có giận lẫy khi chú gọi lại trễ như vậy không.

Nhạc chuông vang lên, là bài "Thủy thủ và Biển cả" do bác Hùng Cường hát. Người bắt máy đương nhiên là Tăng Trường Sa.

- Thưa tổng thống, ngài đã gặp ba tôi chưa?

- Ngài đề đốc cáo bệnh nên xin phép gặp tôi trễ hơn hai tuần.

- "Xin phép" sao? - Tăng Trường Sa nhếch miệng cười. - Đây không phải là thời đại phong kiến, chúng ta đang sống trong xã hội tư bản chủ nghĩa.

- Vào đề chính đi.

- Chúng tôi phát hiện hai xác chết không rõ lai lịch và quốc tịch dạt vào đảo Song Tử. Nghi ngờ có liên quan tới chuyện bắt cóc con gái Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đánh bom tại rạp chiếu phim Happy Hour.

- Anh Trường.

- Vâng, có chuyện gì?

- Anh... nghĩ tôi là con người như thế nào? Là vua Lê Chiêu Thống hay vua Nguyễn Phúc Ánh?

- Hãy nhớ những gì mà Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã từng nói với cha mình, "Thần không sợ đánh, thần chỉ sợ lòng dân không theo thôi". Mất lòng dân là mất tất cả. Hồ Quý Ly là một ví dụ cụ thể và cay đắng nhất. Bây giờ, chỉ cần ngài quả quyết với tôi một câu rằng, "Ngài đứng về phía nhân dân", tôi và thằng em ở đây chấp nhận đổ máu vì ngài. Giống như Dương gia tướng ngày xưa vậy, hết lòng phụng sự Quốc gia, mặc cho vua Tống và Tần Cối tỉa từng người một sau khi đại cuộc thành... Tổ chức trưng cầu dân ý đi.

- Chín mươi phần trăm là muốn đạp tôi xuống rồi. Khỏi cần tổ chức cũng biết.

Ở bên kia đường truyền, Tăng Trường Sa buông xuống một tiếng thở dài nặng nề như chiếc mỏ neo thả xuống lòng biển sâu. Rồi buồn bã nói:

- Anh biết không, Biển lặng chẳng tạo nên Thủy thủ tài ba. Tôi không biết người đứng sau lưng anh đang tính toán cái gì, nhưng nên đề phòng gã như vua Trần đề phòng Hồ Quý Ly thì muôn sự mới yên.

- Theo anh Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần là đúng hay sai? Thời xưa là đại nghịch bất trung, nhưng...

- Lịch sử phần đông là do bên thắng cuộc biên soạn, hệt như một tách trà đã được gạn hết lớp cặn bã và xú uế, nên tôi luôn có cái nhìn trung lập đối với mọi sự kiện diễn ra trong Lịch sử qua lời kể của tiền bối và hậu thế. Nhưng chẳng có ai bịt kín được Sự thật mãi mãi, hệt như một dòng nước chảy, bằng cách nào đó nó sẽ thoát khỏi sự kìm nén và thể hiện vai trò vốn có của mình, là cất lên tiếng nói của Sự thật, mặc dù Sự thật ấy không phải lúc nào cũng nghiêng về phía Chính nghĩa...

Hác Đăng Khánh trầm ngâm một đỗi, rồi nhấp một ngụm trà hoa ngâu. Cấp Trên để lại điếu xì-gà ở chỗ chú, không biết có phải là muốn tạo chứng cứ ngoại phạm cho mình không? Con người này như gió đùa nhân thế, chẳng thể nào đoán biết được tương lai gã sẽ là bạn hay thù.

Hai anh em họ Tăng vốn dĩ là mồi thơm để đám lẳng lơ nổi tiếng bằng những scandal hèn hạ dựa hơi. Nhưng thay vì sa vào bẫy tình mà chúng lập ra, hai người lại không kiêng nể gì mà thẳng tay vạch mặt tất cả. Hai cô gái đã và sẽ làm dâu nhà họ Tăng, không thể vượt qua cặp mắt tinh như ó biển của họ, nếu sống lạng quạng và không đứng đắn, kết cục không biết sẽ thê thảm đến nhường nào.

- Tổng thống.

Là Âu Dương Thuần Nhã, hay gọi một cách ngắn gọn là Mateo Nhã.

- Chúng ta đi uống rượu được không?

Hác Đăng Khánh mỉm miệng cười đồng ý. Trên thế giới này vẫn có những nơi dành riêng cho quan chức và nguyên thủ Quốc gia sinh hoạt mà tránh được ánh mắt công chúng, không phải là một nơi bệnh hoạn, mà là một quán rượu nhỏ để mọi người nhấm nháp thức uống yêu thích và nói chuyện phiếm.

- Một Bombardino. - Hác Đăng Khánh gọi thức uống như thường lệ.

- Một Sorrel. - Sau một lúc ngó nghiêng bảng thực đơn treo sau lưng gã bartender, Âu Dương Thuần Nhã quyết định chọn nó.

Hác Đăng Khánh ngồi bóp vụn vỏ đậu phộng ra, rồi thong thả cho từng hạt vào miệng nhai. Mateo Nhã vẫn im lặng uống rượu Whiskey với chút đá lạnh trong lúc chờ đợi ly cocktail Sorrel, đôi mắt y như thể bi ̣hút sâu vào mặt nước trong ly thủy tinh tròn.

Trong quầy rượu đang phát bản nhạc "The Crow, The Owl and The Dove" của ban nhạc Nightwish.

"Đừng gửi gắm tình yêu nơi tôi

Đừng gửi gắm sự tin tưởng nơi tôi

Dù là sự khôn ngoan hay lòng kiêu hãnh, tôi chỉ muốn giữ lấy sự trong sáng thôi..."

- Sau tất cả mọi chuyện, anh muốn giữ lấy cái gì cho mình?

- Câu hỏi hay đấy, anh Nhã. - Hác Đăng Khánh cười buồn. - Tôi chỉ muốn giữ lấy sự bình yên mà thôi. Đúng là vị trí này chẳng hợp với tôi một chút nào cả.

Mateo Nhã bất ngờ ngoắc bồi bàn lại, gọi một dĩa bánh quy May mắn. Rồi đẩy nó về phía Hác Đăng Khánh.

- Chọn một cái thử xem. - Mateo Nhã bốc một cái lên rồi đập vỡ nó. Mảnh giấy trắng lấp ló sau mớ bột vụn, nhưng anh ta không vội cầm lên đọc.

Hác Đăng Khánh thấy thế, cũng chậm chạp làm theo Mateo Nhã.

"Hai người đều ngu như nhau", những con chữ trên mảnh giấy trắng ngần đập vào mắt hai vị nguyên thủ Quốc gia.

Không hẹn mà gặp, cả hai lập tức xoay người tìm kiếm Cấp Trên. Nhưng anh ta không còn ở đây nữa, chỉ còn mùi xì-gà xen lẫn hương nước hoa sang trọng thoang thoảng trong không gian trầm buồn của quầy rượu vắng khách...

oOo

An Kỳ chạy xe qua một xóm Đạo để thăm người bạn thân. Nhưng không gặp. Thế là anh đành chạy thử xuống phố thị để tìm gặp vợ anh ta hỏi chuyện. Chi ̣ấy là một cô gái xinh đẹp, tuổi đời đã áng chừng ba mươi tư, nhưng cái tuổi chẳng ăn nhập gì với vóc người và khuôn mặt cả, nom chị ấy hết sức trẻ trung và tươi tắn như một khóm hoa mẫu đơn rung rinh trong cơn gió nhẹ.

- Đây là địa bàn của Cốt Ẩn, Sói con lạc đàn qua đây làm chi? - Cô gái mặc sườn xám đang xăm mình cho khách khẽ hỏi.

- Viên Đạn Bạc có ở đây không thím Hai?

- Đang giải quyết hậu quả với Bò Cạp Điên. Ngồi xuống đi. Đứng hoài mỏi chân. - Bướm Bạc cất giọng đều đều nhưng nghe như thể ra lệnh.

- Vâng.

Trong tiệm được bày trí hết sức tươm tất, ba bức tường vẽ tranh Graffiti độc đáo và đầy phá cách, sàn nhà lót gạch nền nguyên khối chống trơn màu ghi xám "bụi bặm", trên trần treo những chiếc đèn lục bình tinh xảo, và mảng xanh do các chậu cây cảnh có kích thước không đồng đều mang lại cảm giác thư thái cho người nhìn. Chiếc cầu thang xoắn ốc hở bậc, tay vịn là một khối sắt đúc dạng thuôn tròn gắn cố định vào vách kính, bậc thang là những miếng ván nhựa giả gỗ nhạt màu. Trải dọc theo lối lên cầu thang là những bức ảnh do khách xăm gửi đến hoặc do vợ chồng cô sưu tầm được; bức tường ở phía này mang màu xám trầm buồn, hoàn toàn tương phản với ba bức tường kia.

- Hai vợ chồng chị vẫn chưa muốn có con sao?

- Súng của anh ta chỉ dành để bắn bên ngoài, không phải bắn bên trong. - Bướm Bạc bĩu môi. Khiến gã khách hàng cười sặc sụa, gã ta còn cười được là vì chưa hiểu được nghĩa bóng thực sự trong câu nói của cô gái giang hồ này.

- Cậu đói bụng chưa?

- Hơi hơi.

- Sợ tôi tẩm độc thì chịu khó quẹo vào con hẻm thứ Hai tính từ đây đi vô, sẽ thấy hàng bán bánh căn, bánh khọt ngon lắm, giá rất rẻ, lấy rau thoải mái. Ăn xong bận về mua giùm tôi mỗi thứ năm cái.

An Kỳ không hảo mấy món đó cho lắm, nên ghé mua giùm thím Hai mấy cái bánh mặn, rồi chạy vào khu chợ cách tiệm của thím Hai một cây số tìm hàng quán ăn trưa.

- Anh là ai?

- Tôi là Viên Thùy. - Viên Thùy kéo ghế ngồi xuống.

- Một tô bún riêu giò heo và một lon Coca kèm tẩy. - An Kỳ quay qua đặt món với nhân viên.

- Người này chắc anh quen nhỉ?

An Kỳ đưa mắt nhìn hai anh em họ Kha, rồi khẽ nhếch miệng cười. Người mà anh không hề muốn nhận là "quen" đã xuất hiện một cách vô cùng "tình cờ" và bất ngờ.

Kha Ngạn đi thẳng vấn đề:

- Có một người bên tôi đột nhiên mất tích.

- Liên quan gì tới tôi?

- Đương nhiên đâu có liên quan tới anh, mà là người yêu của anh. - Kha Thế Dũ vừa đặt xong món, liền bước đến chỗ họ đang tranh cãi mà cất tiếng giải thích. - Người yêu của anh có dính dáng tới Cấp Trên, một kẻ tâm thần muốn đả phá trật tự đất nước này.

- Đả phá bằng cách nào? Anh thử "đả phá" một ngôi nhà gạch nung bằng cuốc, xẻng thử đi. Người bị thương đầu tiên chính là anh, chứ ngôi nhà chẳng hề bị tổn hại gì sất. Với một người lãnh đạo giỏi, thì mọi lời lẽ xuyên tạc chẳng nhằm nhò gì sất, còn một Quốc gia đang trên đà có vấn đề thì...

- Tại sao anh không dùng "cần cẩu" hay "máy ủi" làm ví dụ đúng đắn hơn? - Kha Thế Dũ cật vấn.

- Bởi lẽ nhân dân chính là "cần cẩu" và "máy ủi". Anh không nghe cụ Nguyễn Trãi từng nói sao? "Đẩy thuyền đi cũng là dân, mà lật thuyền đi cũng là dân". Đất nước đang có vấn đề mà bản thân anh là người hành pháp lại không dám nhìn nhận thẳng, há sao còn đi bắt bẻ lời nói của tôi?

Tuy rằng âm lượng của mỗi người không quá lớn, nhưng sự gay gắt trong giọng nói của từng người đã khiến chủ quán chú ý. Ông chú bước vội đến bàn của họ, rồi thấp giọng mời đi.

- Về nhà tôi nói chuyện. Đừng làm ảnh hưởng đến thực khách nơi đây. - An Kỳ mệt mỏi nói.

Căn Homestay mà An Kỳ đang cư ngụ nằm trên một sườn đồi xanh rì bóng thông reo. Ngăn cách giữa nhà riêng của gia chủ và nhà trọ của anh là một thủy cảnh nhân tạo, bên trong trồng nhiều loài cây thủy sinh độc đáo như cỏ đuôi chồn, dương xỉ,... Ngoài ra gia chủ còn nuôi một đàn cá bảy màu sặc sỡ để tạo thêm sinh khí.

Ca khúc "Hibiki no Shibare" khe khẽ truyền đến tai họ, là một trong những bài hát của bộ phim "Siêu nhân Gao" đình đám một thời. Ắt hẳn con trai chủ nhà đang xem phim trong bếp, bởi cửa sổ phòng bếp trổ ngay sau phòng khách căn Homestay, để bảo đảm tính riêng tư cho chủ và khách, họ xây thêm một cái giếng trời thoáng đãng nhằm ngăn chia không gian, nơi đấy trồng một cây khế ba mươi năm tuổi không sai quả mấy, chắc có lẽ là do khí hậu.

"Xoạt."

An Kỳ kéo cửa sổ sang bên trái, hòng chặn âm thanh bên ngoài truyền vào. Cửa sổ được thiết kế dưới dạng cửa lùa và có các chấn song gỗ trò chỉ.

- Muốn uống gì không? - An Kỳ vừa rửa tay với xà phòng, vừa hỏi. - Trong tủ lạnh có bia, nước ngọt và... sữa trái cây. Thích gì lấy nấy uống đi.

Kha Thế Dũ nghe thế, bèn lấy một hộp sữa trái cây ra uống. Hai người kia không bận tâm đến.

- Anh đã từng gặp Cấp Trên chưa? - Viên Thùy xoay xoay chiếc nhẫn đang đeo trên ngón trỏ.

- Rồi.

Ba người kia không tỏ thái độ bất ngờ, bởi vẻ bất lực đã hiện rõ trên khuôn mặt phong sương của từng người.

- Đây là cuộc chiến cuối cùng, anh nên bảo cậu ấy thoát ra trước khi quá trễ. Với tư cách một người chịu ơn của cậu ấy, tôi thật lòng mong mỏi anh nhắn đến cậu ấy câu này.

- Như thể rơi vào bể bê-tông sắp đông vậy, không dễ dàng gì mà có thể nói rút là rút ra liền đâu. - An Kỳ lạnh nhạt nói. Rồi đổ ngũ cốc ra tô lớn, sau đó rưới sữa chua và xắt trái cây. Đã hơn một giờ trưa mà anh vẫn chưa có cái gì bỏ bụng.

Cũng nội trong ngày hôm đó, hai cha con họ Thẩm ghé nhà An Kỳ. Họ nấu một nồi hủ tị́u Nam Vang ngọt lịm tim, với những nguyên liệu rất ngon miệng mà hết sức dễ tìm như xương heo, sườn non, tôm khô, khô mực, củ cải, củ sắn, củ năng,...

- Hận? Chà... - Thẩm Hạc Hiên nói đoạn, bỗng cúi xuống cắt móng chân. - Cậu còn trẻ, gặp lại mối tình đầu mới vỏn vẹn không quá hai năm mấy, nên không hiểu về tình yêu đâu. Cậu Minh chăm bẵm hai cây que củi kén ăn nhà cậu thành hai đứa trẻ tròn trịa, tươm tất và mạnh khỏe, mà không một lời kể công hay móc mỉa "vợ cũ" của cậu rằng cô ta không bằng mình. Đấy là yêu đấy.

Đợi cho An Kỳ "tiêu hóa" hết những gì mình nói, Thẩm Hạc Hiên mới phân tích tiếp:

- Đám "Triết học Mạng" thích định nghĩa về mọi thứ, tỷ như Tình yêu, Cuộc sống, Đạo đức,... trong khi số đó còn chưa trải đời thực sự một lần nào. Sở dĩ những bản nhạc Vàng thời xưa trở nên bất hủ là vì người viết đã trải qua hết thảy nỗi đau trong cuộc sống, từ thất bại trong sự nghiệp, hôn nhân đổ vỡ, nỗi buồn chiến tranh, sinh ly tử biệt và vô số những khoảnh khắc tang thương khác, nên từng câu, từng chữ mới thấm đẫm triết lý nhân sinh một cách vô cùng bình dân và không khiến người nghe cảm thấy bị "dạy đời". Văn chương cũng vậy, điểm danh lại những tác gia lớn của thế giới thì ta sẽ thấy đa phần đều trải qua những hoàn cảnh như tôi đã nói ở trên, nên họ mới có thể áp cảm xúc của nhân vật đúng với tình huống trong truyện, chứ không phải lố lăng thái quá hay ngu xuẩn kỳ cục như những tay viết "gà mờ" tràn lan hiện nay. Bởi vì chỉ có thâm nhập và trải nghiệm cuộc sống, anh mới có thể đem đến cái "hồn" cho nghệ thuật nói chung và văn chương cùng âm nhạc nói riêng. Và anh sẽ không ngại tạo ra các cuộc tranh luận trong tác phẩm của mình, nhằm khiến bạn đọc buộc phải suy nghĩ và phản biện lại các quan điểm mà anh nêu ra. Văn chương thực sự không ru ngủ độc giả, nó bắt họ phải tìm tòi, phản bác và trăn trở, để rồi từ đó độc giả sẽ bước tới một chân trời mới mang tên Tư tưởng Tự do, nơi họ sẽ tìm lại được Bản ngã và Tiếng nói Nội tâm mà hoàn cảnh sống đã vùi chôn đi mất.

- Tôi cũng chẳng thích định nghĩa về bất cứ cái gì khi mà bản thân chẳng hiểu về nó.

- Một khi cậu đã hiểu về nó, cậu không thể nào dùng ngôn từ để diễn giải. Cũng như nhiều người dạy sửa xe rất hay, nhưng đến khi thực hành lại thua học trò của mình, bởi lẽ họ chỉ nắm được lớp chữ phác họa lên nó, chứ không nắm được cái đã cấu tạo ra nó... Xin lỗi cậu nghen! Bệnh cũ tái phát. - Thẩm Hạc Hiên kịp thời ngăn chặn buổi học Triết tự phát sắp sửa hình thành.

- Ba nói nữa hồi anh ta điên luôn. - Thẩm Ý Hiên bụm miệng cười. An Kỳ cũng bật cười theo. - Thôi, nước lèo con nêm rồi đó. Ba lại xem có cần bỏ thêm gì không?

- Thì mày múc cho mỗi người một tô đi. Còn đứng đó hỏi nữa. - Thẩm Hạc Hiên quê độ càu nhàu.

Cả ba quây quần bên bàn ăn đúc bằng ván nhựa giả vân gỗ thưởng thức món hủ tíu Nam Vang. Bây giờ là tiết Lập Đông, nhiệt độ ngoài trời dần hạ thấp xuống hơn mấy ngày trước.

Thẩm Hạc Hiên ở lại dọn dẹp gian bếp sau bữa ăn tối. Ông "đuổi" An Kỳ và con trai lên nhà trên, để mình không bị vướng víu tay chân trong lúc "hành sự".

- Tôi chọn ca khúc "Toi jamais" do nữ danh ca Catherine Deneuve là bởi tôi hiểu mối tình của mình sẽ đi về đâu nếu yêu A Trác. - Thẩm Ý Hiên phồng miệng nói. Yêu đơn phương có thể là nỗi đau suốt kiếp của người này, nhưng lại là đức tin của người khác, mà việc gột bỏ đi đức tin của một người vốn dĩ là một việc hết sức khó khăn. - Còn ông già tía của tôi thì là bài "Ngàn năm vẫn đợi" của cố ca sĩ Ngọc Lan, chuyển thể từ nhạc phẩm "Dakishimete". Không cần nói thì anh cũng hiểu rồi đấy, ngàn năm vẫn đợi, đợi ông già tía của Vệ Minh quay trở lại...

Thẩm Ý Hiên thích Uông Trác bởi cái nụ cười hiền của anh ta. Rồi như thể bị nguyền rủa, hình ảnh người đàn ông mới chớm tuổi trung niên ngồi nơi hiên nhà tràn ngập nắng sớm, bàn chân anh ta khẽ chạm mặt nước đục ngầu phù sa đã khiến y mê mẩn. Tính ra ngay cả Cổ Tường Quang cũng không biết xuất thân của Uông Trác, cái vỏ bọc mà anh ta đang mang trên người không biết đã là lớp thứ mấy, song trực giác của y mách bảo rằng, hiện thời anh ta là chính mình, chứ không phải giả danh ai khác.

Còn An Kỳ, anh cũng không biết rằng mình thích Vệ Minh ở điểm nào. Chỉ biết là từ một người không thích tham gia mạng xã hội ảo, anh lại có thể ngồi hàng giờ trước Webcam để thấy cậu trẻ "mê trai" ấy. Khuôn mặt chẳng có nét nào là đủ xuất sắc để được người dễ tính khen "Đẹp", lại còn hay bắt chước các kiểu "Kawaii" thịnh hành trong những năm ấy, nên lần nào cũng khiến anh ôm bụng cười bò. Nhưng hễ ngày nào không gặp, anh lại lặng người bên chiếc máy tính, thầm ngồi đếm thời gian, thầm cầu mong cậu trẻ ấy xuất hiện.

"Ngày mai tôi gửi ảnh khỏa thân cho cưng xem nha? Nhớ lên sớm đấy."

Y như rằng, cậu trẻ có mặt sớm hơn thường ngày những một tiếng đồng hồ. Tay vẫn còn bưng hộp cơm đầy vung, chứng tỏ chưa kịp ăn uống gì đã vội chuồn lên phòng "ngắm trai".

Giờ mà hỏi tại sao hai người thương nhau, cả anh và cả cậu cũng chẳng ai có thể trả lời được, chỉ biết yêu là yêu thôi. Dẫu cho tính cách của người kia gàn dở và kỳ khôi thế nào, người còn lại vẫn vui vẻ chấp nhận, thậm chí còn "hùa" chung cho có đôi có cặp nữa. Chẳng tuyệt đẹp và lung linh như những bộ đôi nổi tiếng trong những cuốn tiểu thuyết đam mỹ được đông đảo độc giả đón nhận trên mạng. Hai con người vốn bình sinh không hoàn hảo, nhờ ở cạnh nhau mà mỗi ngày mỗi trở nên hoàn hảo, hoàn hảo theo cách định nghĩa của riêng họ, không sao y khuôn đúc ai hết.

Hai cha con nấu sẵn một nồi súp cua nui sò cho An Kỳ ăn sáng, rồi âm thầm rời đi. Chủ nhà đứng trên lầu nhìn theo bóng lưng bọn họ, nửa muốn gọi báo cảnh sát nửa lại thôi, vì thấy cách ăn mặc và hành xử của họ chẳng giống phường đạo chích lắm; nhưng chắc phải xuống nhắc nhở cậu trai thuê nhà một phen, rằng nên hạn chế đưa người lạ về nhà, dạo rày giáp Tết cường đạo mọc lên như nấm sau mưa, không cẩn thận là đôi bên dễ xảy ra xích mích với nhau thì phiền phức to.

Ủ mình trong lớp chăn ấm, An Kỳ vẫn đương say giấc. Tách trà an thần mà Thẩm Hạc Hiên pha cho anh đã phát huy công dụng của mình.

Mãi đến tám giờ sáng, An Kỳ mới thức dậy. Anh thừa biết Thẩm Hạc Hiên sẽ pha trà an thần cho mình uống, đơn giản là vì ông ấy không muốn cuộc chia tay trở nên lâm ly bi đát, cũng như là không muốn khiến cho đôi bên khó xử nếu như ông ấy lỡ miệng thốt ra điều gì đó. Một con người nhạy cảm đến kỳ quặc, song cũng vô cùng đáng thương và tội nghiệp. Bởi những hành động ấy xuất phát từ việc ngăn chặn trái tim ông ấy tổn thương thêm lần nữa vì tin lầm người.

Tuy rằng rất muốn được lắng nghe tiếng chim hót trong nắng sớm, nhưng vì nhiệt độ khá lạnh nên An Kỳ không đủ "nghị lực" mở cửa sổ. Anh đành tìm "con chim" khác...

Vệ Minh im lặng nghe An Kỳ hát "Đời tôi chỉ yêu một người"*. Anh cố bắt chước giọng hát của bác Anh Khoa, nhưng càng cố thì càng lệch giọng. Sau rốt, anh nín thinh khi nghe vợ mình cười một tràng hết sức giòn giã.

- Tôi hát "Tuổi xuân cho em" cho cưng nghe nha? Đó cũng là một tình khúc nổi tiếng của bác Anh Khoa.

Vệ Minh thay đổi ngôi xưng sang "Anh" vài chỗ để hợp với "vị trí" của hai người.

"Anh cho em tất cả một mùa xuân

Làn tóc mai, ánh mắt và môi cười

Cùng yêu mến, cùng đau thương

Trên con đường

Ôi rừng cao ngất như tóc em

Ôi rừng xanh thẳm như mắt anh..."

"Ting."

An Kỳ tắt lò vi sóng, rồi đeo găng tay vào để lấy thố súp cua nấu với nui sò ra. Người thương của anh vẫn nức nở hát, như thể muốn dốc cạn cả tình yêu vào tai anh.

An Kỳ cao hứng hát lại ca khúc "Đời tôi chỉ yêu một người" cho vợ cưng nghe:

"Đời tôi chỉ yêu một người

Và một hình bóng đã ăn sâu lòng tôi

Đường xưa lạnh vắng ướt vai

Mưa rơi phố nhỏ tóc ai

Ước mộng đẹp duyên thắm đôi

Đời tôi chỉ yêu một người

Để rồi thương nhớ mãi cho nhau người ơi

Vì đâu ngày ấy chúng ta quen nhau để rồi cách xa

Bây giờ ngày vui đã qua..."

"Đúng là hôm đó tôi thất thố thật. Gặp người ta trong cái hoàn cảnh oái oăm ấy, đầu óc bỗng dưng quên béng rằng người ta đã có gia đình, chứ không phải còn thời cặp kê với mình, nên hành động cứ như lúc hai đứa còn yêu nhau, bao nhiêu yêu thương là bấy nhiêu tức tối cứ thế vỡ òa ra... Thời hạn mà người ta yêu tôi chỉ vỏn vẹn một năm, còn tôi thì vô cực. Nhưng, yêu không có nghĩa là chiếm hữu cho bằng được người đó, mà là được chứng kiến người đó hạnh phúc. Chắc đó cũng là lý do khiến Vệ Minh chùn bước, bởi vì khi nhìn thấy hai cậu con trai của anh, cậu ấy tưởng rằng anh đã có vợ con đề huề nên không muốn chen chân làm người thứ ba." Đấy là những lời bộc bạch mà Thẩm Hạc Hiên thốt ra trong bữa ăn tối. Cũng có thể là muốn ngấm ngầm khuyên nhủ An Kỳ đừng nên vì chuyện quá khứ mà nghi ngờ Vệ Minh.

Vệ Minh hát xong, đột nhiên "nhường sóng" cho hai đứa con trai của An Kỳ. Cậu muốn anh gần gũi với chúng hơn.

An Kỳ thoáng giật mình hai đứa con trai nom sao lạ quá. Không bầy hầy, ngáo ngơ như hồi ở với anh. Đầu tóc cắt tỉa gọn gàng, áo quần không một nếp nhăn, khuôn mặt phúng phính và tròn trĩnh. Nghe Vệ Minh kể lại rằng, cứ đúng một quý là cậu lại dẫn các con đi tẩy răng và khám răng-hàm-mặt để nếu răng sâu hay khớp hàm phát triển không đúng, có thể niềng và trám răng kịp "thời điểm vàng".

- Ba ơi. - An Dĩ Mai vẫy vẫy tay gọi cha. - Ba đang ăn món chi vậy ạ?

- Ba ăn súp cua. Còn các con?

- Dạ, chú Minh nói một lát nữa tụi con sẽ ăn bò né với bánh mì nướng giòn, rồi sau đó cả nhà đi bảo tàng chơi.

- Ui, sao Dante nhéo tui. - Vệ Khương bực mình gỡ hai cái càng cua đang kéo gò má của bé con.

- Mỡ nhìn ú nu. - An Dĩ Thâm nghiêm mặt nói. - Phải bớt ăn lại.

- Ú đâu mà ú. Tại tui xương to chứ bộ. - Vệ Khương chột dạ cãi. Tháng này Boo mỡ bị cắt giảm khẩu phần kha khá, vì tội lên hơn hai ký-lô.

An Kỳ nhìn Vệ Khương tròn ủm đang cãi nhau chí choé với hai anh em họ An mà phì cười. Đúng là trẻ con, nay giận mai hòa.

Anh, rốt cuộc cũng đã có nơi để mong về rồi...

oOo

Chú thích

1/ Người viết: Khuyết danh, theo trang web "Từ điển Danh ngôn".

2/ Tên chính xác của nhạc phẩm này là "Đời tôi chỉ một người" do nhạc sĩ Huỳnh Anh sáng tác. Nhưng về sau mọi người hay gọi theo lời đầu tiên của ca khúc nên mới bị biến thành "Đời tôi chỉ yêu một người".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui