Tiêm Tra Sưa Cua Tôi Toan La Dân Năm Vung Hê Liêt

Vệ Thanh quét virus trước khi mở tập tin được gửi từ email không rõ danh tính. Phải nói đúng hơn là nghi ngờ danh tính, bởi vì cái tên này hắn đã từng giao tiếp bên Anh Quốc, nên không rõ có phải là anh ta hay không.

"Viết lại đoạn hội thoại mà hôm bữa tôi và anh đã cùng nhau thực hiện ở bệnh viện đi. Nếu sửa đúng hết toàn bộ lỗi ngữ pháp và từ vựng trong câu, tôi sẽ bao anh một chầu kem Haagen Dazs. Chỉ sửa bốn câu đầu, câu cuối không đến nỗi quá tệ nên du di cho qua. Vị chi mỗi câu hai mươi lăm điểm."*

Hóa ra tay này biết tỏng hắn cố tình phát âm tiếng Anh sai bét để trốn tránh trách nhiệm, nên đã chơi khăm hắn bằng cách tương kế tựu kế, tức là cũng sử dụng cách nói "word by word" như hắn.

Vệ Thanh nhếch miệng cười. Hắn nghe lại cuộc hội thoại, rồi đánh máy chỉnh sửa bài essay được giao. Chưa đầy nửa tiếng là đã hoàn thành. Hắn bèn gửi email qua cho người kia chấm điểm.

"Ting..."

Email được hồi âm thật nhanh. Ba câu khen ngợi súc tích và một câu chót để lại số điện thoại. Một số điện thoại ghi danh ở trong nước, không phải là mã vùng ở Anh Quốc.

Thoáng chút ngạc nhiên, xen lẫn nỗi nghi ngờ, Vệ Thanh cau mày gọi đến số điện thoại trên.

- Là tôi, Hayden đây. Venn vẫn khỏe chứ? - Qua giọng nói của Hayden, Vệ Thanh có thể cảm nhận được nỗi vui mừng của anh ta.

- Anh học nói tiếng Việt à?

- Ừ, mất gần cả năm mới nói được như thế này. Bởi tôi biết có người cố tình nói tiếng Anh sai bét. - Hayden kéo vali ra cổng Số Năm. Anh đã đặt taxi thông qua ứng dụng Uber, nên vừa ra khỏi cổng là sẽ có người tới rước đi ngay. - Tôi có thể gặp anh ở quán coffee nào không?

- Ở gần đây, Starbucks OK không?

- Đừng có nhại lại tôi, anh bạn. Anh cũng biết tôi không rành tiếng Việt mấy mà. - Hayden vừa đặt chiếc vali nặng trĩu vào trong cốp xe giúp cậu tài xế nhỏ con, vừa cất giọng bông đùa người bạn có khuôn mặt dễ mến. - Tôi uống Starbucks ngán rồi. Muốn uống ở quán địa phương mấy món nước mới.

- Chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc mấy giờ?

- Chiều nay. Khoảng chừng lúc bốn giờ. Tôi còn phải tắm rửa và chợp mắt một lát. Số nhà của tôi là...

Vệ Thanh đã bật chức năng ghi âm cuộc hội thoại, nên chẳng cần lấy giấy bút ra chép lại địa chỉ cho khỏi quên. Hắn luôn dùng nó để giúp bản thân thoát khỏi những lời tố cáo vô căn cứ của kẻ thù. Cấp Trên biết rất rõ điều đó, ấy vậy mà vẫn không ăn nói kiêng dè gì.

Nơi sân nhà, mai vàng thi nhau nở rộ. Chậu cây dạ lan hương đang thiếp ngủ dưới cái nắng xuân ấm áp. Những hàng cây si tỏa bóng râm mát rượi xuống khoảng sân rộng thênh thang; ở đây có cái chòi nghỉ với phần nóc lợp bằng vật liệu thôn dã, bên trong chòi là một kệ sách đựng đầy ắp sách Đông Tây kim cổ.

Ở trong chòi nghỉ, đám trẻ đương ngồi nghe ca khúc "Đâu rồi Lăng Quang Trung" do đôi song ca Duy Quang - Khánh Ly trình bày để học môn Lịch sử. Bài thơ do Nguyễn An Phong sáng tác, và người phổ nhạc là nhạc sĩ Xuân Điềm.

Vệ Minh thì nằm vắt vẻo trên chiếc võng xếp. Cậu ta đang đọc cuốn sách "Nhà giả kim". Chiều nay cậu ta sẽ nấu lẩu bò thập cẩm và làm một vài món ăn Á Châu để làm tiệc Tất Niên, hắn không có ý định nhập tiệc với gia đình của đứa em trai.

Mỗi lần nghe nhạc phẩm này, Vệ Minh lại nhớ đến một đoạn trong ca khúc "Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông" - Nhạc phim "Tam Quốc diễn nghĩa":

"Tranh đấu nửa đời, rốt cuộc thị phi, quyền lực biến mất sau cái ngoảnh đầu..."

Thuở còn bé, cứ hễ coi đến cảnh công thành hay đánh giáp lá cà là cậu lại bật khóc như mưa. Khóc, không phải vì kinh sợ mưu thần của Gia Cát Khổng Minh, mà khóc là vì chứng kiến cảnh tượng những binh sĩ đương khỏe mạnh chết như ngã rạ trên chiến trường trong khi tuổi đời hãy còn quá trẻ. Vệ Thanh thường hay mắng cậu còn nhỏ mà đã mang tính nết đàn bà. Chắc có lẽ anh trai của cậu không hề hay biết rằng, cậu thực sự mang trong mình phân nửa tính nết đàn bà ngay từ khi sinh ra đời. Một chút nhạy cảm, chút trắc ẩn, chút sầu bi theo vận nước nổi trôi, chút bản năng làm "Hiền Mẫu" khi ở gần một đứa trẻ dại, chút hờn ghen lúc mới biết yêu; mặc dù những cái một chút ấy, có đôi khi cậu không nhớ ra để hành động cho đúng mực hơn.

Anh ta và em trai ở trong tòa nhà riêng. Tính tình cũng không hợp nhau mấy nên hiếm khi nào ăn chung mâm và trò chuyện lâu hơn mười lăm phút. Những ngày cận Tết Nguyên Đán, cả hai buộc phải giáp mặt đôi bên thường xuyên theo lời căn dặn của song thân. Nhưng cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ, sự giả tạo trong giao tiếp chỉ tổ khiến cho tình cảm anh em mong manh của họ thêm rạn nứt.

Trong quán cà-phê đương phát nhạc phẩm "Mùa xuân đầu tiên" do đôi song ca Thế Sơn - Như Quỳnh trình bày. Những lời tâm tình đẹp đẽ mà nhạc sĩ Tuấn Khanh gửi gắm trong ca khúc được giọng hát tuyệt vời của cô chú làm cho thêm mỹ miều hơn.

- Chào. Gợi ý món nước cho tôi đi. - Hayden chỉ tay lên tấm bảng chi chít chữ và đầy ắp hình ảnh minh họa đẹp mắt.

- Uống nước mía nhé?

- Sugarcane?

- Nó đấy. - Vệ Thanh quan sát sắc mặt của tên ngoại quốc kia một đỗi, rồi quyết định mua hai ly nước mía vắt hạnh cỡ lớn nhất. - Anh đói bụng chưa?

- Tôi cảm thấy chưa đói lắm.

- Nói vắn tắt: Tôi chưa thấy đói lắm. - Vệ Thanh buộc phải "sửa lưng" Hayden.

- "Cảm thấy" không cần thiết sao?

- Trong một số trường hợp thì điều này đúng. - Vệ Thanh hút một ngụm nước mía mát lạnh, rồi thong thả nhai đậu phộng rang bùi. - Chúng ta đi ăn hủ tíu nhé?

- Chúng ta không ăn phở hả?

- Tôi thích ăn hủ tíu hơn. Với lại theo tôi thì hủ tíu ăn ngon hơn phở. Chỉ tiếc là hiện nay nó bị món phở lấn lướt nên chẳng có ai đoái hoài tới nữa.

- Thế thì đi ăn thử đi. Ở Anh Quốc cũng có nhiều nhà hàng Việt bán có món phở là ăn được hà, mấy món nước khác ăn không ngon.

- Cái này. - Vệ Thanh chỉ vào ly nước mía. - Gọi là đồ uống. Trong văn chương có thể lấy chữ "món nước" để tránh câu bị lặp lại một chữ quá nhiều lần. Nhưng ngoài đời nên gọi là đồ uống thì dễ phân biệt với món ăn hơn.

Hayden gãi đầu cười trừ. Khuôn mặt mang những đường nét đặc trưng của đàn ông Âu Châu giúp cho anh ta trông thật anh tuấn và sang quý.

Quán hủ tíu mà Vệ Thanh dẫn Hayden tới ăn nằm trong một con hẻm nhỏ xíu. Khách ăn ngồi kín khoảnh sân lát gạch tàu. Những chiếc xe gắn máy được xếp san sát nhau như cá mòi đóng hộp. Phải khéo léo lắm, thân hình trai tráng của hai người mới lách vào bên trong quán được.

Cũng may quán này đã đổi sang bàn cao và ghế inox, nên cặp chân dài của Hayden không bị vướng phải khổ nạn. Anh ta đánh vần từng từ từng chữ trong tờ thực đơn, rồi nhe răng cười đợi người bạn tóc nâu gọi gì thì ăn luôn món đấy cho đỡ nhức đầu. Bây giờ anh ta mới phát hiện, cặp mắt của Venn là hai mí, hôm bữa bị mất ngủ nên chỉ còn có mí rưỡi, thành thử anh nhìn lầm ra mí lót. Một cặp mắt rất đẹp và sắc sảo, nó là điểm nhấn "cứu vớt" cho khuôn mặt rất đỗi bình thường của Vệ Thanh.

"... Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa

Hoa bay đến bên người rồi ngại ngần hoa theo chân ai..."

- Nhạc sĩ Minh Kỳ rất yêu thành phố ngàn thông, vì đó là nguyên quán của ông ấy mà. Tôi thường nghe ca khúc "Ai lên xứ hoa đào" do cô bác Hoàng Oanh - Trung Chỉnh song ca. Ngoài ra ông ấy còn cùng người bạn Lê Dinh viết nên ca khúc "Đà Lạt hoàng hôn", người hát hay nhất bên nam có Tuấn Vũ và bên nữ có Thanh Tuyền. Chưa kể đến là còn bài hát "Thương về miền đất lạnh", có ca sĩ Hương Lan hoặc Như Quỳnh hát rất hay. - Vệ Thanh lấy làm tiếc nuối khi nghĩ đến cái cảnh thành phố ngàn thông có thể trở nên "trọc lóc" vì bàn tay quy hoạch kém cỏi và thiếu tầm nhìn. Du khách đến đây là vì ngàn thông và thiên nhiên tươi đẹp cùng bầu không khí lành lạnh, trong lành, chứ không phải là để ngắm những khối bê-tông xây dựng mất trật tự và không hài hòa với quang cảnh.

- Tôi chắc chắn sẽ đến đó, để đem về một nhành mai.

Vệ Thanh phì cười, rồi đưa mắt nhìn cây mai nơi cổng vào của quán hủ tíu gia truyền. Những bông mai vàng như thể ánh lên dưới nắng xuân thanh bình, hương thơm thanh tao của hoa hòa lẫn với mùi nước lèo ngọt ngào tự dưng khiến hắn nhớ đến những cái Tết đã qua.

- Rồi, hủ tíu tới rồi nghen quý vị bàn Số Tám. Phát lộc phát tài nguyên năm hen!

Ông chú bị tâm thần nhẹ, không quấy phá gì, mà chỉ cười suốt ngày nên gia đình không nỡ đưa vào nhà thương điên. Nhưng cũng phải uống ba cữ thuốc mỗi ngày để làm dịu thần kinh.

Hayden và Vệ Thanh mỉm cười cảm ơn. Rồi sửa soạn đũa, muỗng để bắt đầu dùng bữa.

- Tui bàn Số Bốn thì sao đây cha Sạc-Lô?

- Số Bốn hả? Số Bốn thì... thì... cả năm tiền vô túi nhiều đến nỗi phải đi trốn. Để đừng có bị quấy rầy nữa.

Ông chú kia cười hề hề, coi bộ khoái chí lắm. Rồi bất ngờ nhấc cái bao cám Con Cò lên đưa cho thằng bạn trạc tuổi.

- Sầu riêng chính hiệu Cái Mơn.

Ông chú tưng tửng mừng ra mặt. Cứ luôn miệng xuýt xoa khen ngon, khen thơm. Rồi bỗng dưng cất giọng nhỏ xíu hỏi:

- Anh Năm còn trái nào nữa không? Đưa luôn cho tui đi. Để tui sầu nguyên năm giùm cho.

- Đ* má! Mày còn lôi thôi nữa tao cho mày ăn cù lôi bây giờ. - Ông chú bật cười mắng, mà đôi dòng lệ đã chảy xuống tự bao giờ chẳng hay. Một con người lành lặn thì giả làm người tu hành để trục lợi, còn một con người bị khiếm khuyết lại cố gắng thay đổi bản thân để vươn lên trong cuộc sống từng ngày, từng giờ.


Ông chú tưng tửng chắc hiểu thằng bạn chỉ nói giỡn, nên cười toe toét khoe hàm răng vàng như bắp ngô của mình, rồi hăm hở xách bao cám Con Cò xuống nhà dưới. Một lát sau, chú bưng dĩa đựng trái sầu riêng đi lên nhà trên, đoạn đặt lên bàn thờ, rồi đốt ba nén nhang thơm mời người mẹ quá cố về ăn.

- Má nó mất rồi. Ai cho gì nó cũng đòi cúng cho má nó trước rồi mới lấy xuống ăn. Hồi đó bà Sáu còn sống nó cũng mời bả ăn trước, chừng nào bả ăn xong thì nó mới lấy phần còn dư đó ăn. Nó khùng chứ nó có hiếu còn hơn cả vạn đứa đứng dạy đời người ta cách sống đẹp. - Ông chú "bình thường" ngậm ngùi nói với đứa con trai mới lên tám. Nhưng, có lẽ chú muốn giải thích cho hai người hiểu, chứ không phải là đang răn dạy con mình.

Hayden nhìn tô hủ tíu một đỗi. Rồi từ tốn xịt nước tương vào tô. Cọng hủ tíu mềm, mà lại dai, nó ngộ ở cái chỗ đó, sắc màu trắng ngần của chất bột gạo miệt Cửu Long giang thứ thiệt. Rau ăn kèm chỉ có vài loại, nhưng toàn là thứ anh ăn được vì mùi không quá nồng như húng lủi, ngò gai, quế vị,... - Mấy loại rau ăn kèm với món phở. Trong tô có bao tử phá-lấu, xíu mại viên, đồ lòng luộc xắt sợi, thịt ba chỉ thái lát, chả quế, trứng cút, tôm luộc, thịt nạc dăm,... còn một vài thứ khác mà anh ta chưa từng nếm qua trước đây. Anh hăm hở cầm đũa lên trộn đều, rồi gắp rau giá vào trong tô. Vệ Thanh giúp anh làm một chén nước tương ớt xắt lát để chấm với các thứ.

Trên đài đương phát sóng ca khúc "Đầu Xuân lính chúc" do Nhật Trường trình bày. Người yêu cầu chương trình "Vui Xuân cùng Lính" gửi nhạc phẩm tới cô nữ sinh mới về nước là chàng Hải quân Tăng Trường Sa:

"... Người yêu lính

Nếu em biết cho rằng

Đời quân nhân sống đây đó không ngừng

Vì như thế năm ngoái anh sai hứa với em

Tết không về, chắc em ghét anh nhiều lắm

Và giờ đây Xuân trời rực rỡ

Xuân mình vừa nở

Em anh vừa ý chưa?..."

- Để xem cô ấy trả lời thế nào? - Một bác gái quay qua hỏi khẽ bà bạn.

Chương trình tạm dừng vài phút để kết nối với cô "người yêu của lính" Nguyễn Hoàng Thường Khanh.

Một gái có khuôn mặt tròn trịa mặc áo dài màu vàng như sắc hoa mai tươi tắn khoan thai bước lên sân khấu.

- Cô Nguyễn Hoàng có điều chi muốn nhắn gởi đến đại tá Tăng không vậy? - Xướng ngôn viên ân cần hỏi. Anh ta có giọng nói thật đầm ấm và dịu dàng, cộng thêm khuôn mặt điển trai dễ mến nên hiện thời rất đắt show.

- Dạ, em chỉ muốn nhắn gửi với người thương của mình rằng: Xin anh hãy đứng về phía nhân dân. Bất cứ thứ chi cũng chỉ là nhất thời, nhưng Đất nước và Dân tộc này mới là mãi mãi.

Xướng ngôn viên của chương trình không tỏ thái độ gì sất. Ánh mắt cương nghị của anh ta vẫn bình thản đến lạ. Phong trào đả đảo tổng thống Hác Đăng Khánh đang lan rộng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Anh tin kính cố tổng thống Bàng Đông Quân, nên không cảm thấy người được cụ ấy đề bạt trước khi mất là một sự lựa chọn sai lầm.

- Cô Nguyễn Hoàng có muốn gửi ca khúc nào đến đại tá Tăng không? - Xướng ngôn viên mỉm miệng cười. Một điệu cười vô cùng khách sáo.

- Dạ, em muốn gửi đến anh ấy ca khúc "Không bao giờ quên" do ca sĩ Ngọc Lan trình bày. Và ca khúc thứ hai là bài "Tình yêu và Thủy thủ" do ca sĩ Mai Lệ Huyền hát. - Đôi mắt của cô nữ sinh buồn man mác như mặt biển ngày mưa.

Hayden cảm thấy bầu không khí trong quán bỗng chốc sôi nổi hẳn. Chẳng ai lên án hay đả kích Nguyễn Hoàng Thường Khanh hay Hác Đăng Khánh, họ chỉ tập trung bàn luận xem ai sẽ lên chức tổng thống vào nhiệm kỳ tới, và người kế nhiệm chức đề đốc Hải quân của Tăng Viên Bách liệu có phải là chuẩn tướng Giả Nam Phong hay không?

- Trời, nhắc mới nhớ nghen! Sao không thấy chuẩn tướng Giả đâu ha? Nghe nói cậu ấy sắp lấy vợ mà sao không thấy nhờ chương trình nhắn gởi điều chi hen? - Một bà bác cất giọng hỏi ông chồng.

- Có mấy thằng chó đẻ lên nói nhăng nói cuội nên chuẩn tướng Giả mới mất trắng cái Tết, không còn tâm trí đâu để mà làm đám hỏi cả.

Chương trình kết thúc với tiết mục kéo Quốc kỳ và tưởng niệm các tử sĩ Quốc gia đã hy sinh trên khắp mọi miền đất nước và biển đảo, cũng như tri ân đến những thương-phế binh đã đánh đổi máu xương cho dân tộc. Bài hát "Hùng ca Sử Việt - Xuất quân" và "Hùng ca Sử Việt - Chiến sĩ vô danh" do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vang lên như những điểm nhấn hào hùng sau ba tiếng tươi vui và lắng đọng của chương trình.

- Anh có biết cha tôi sợ nhất điều gì không?

Hayden lắc đầu thật khẽ. Cái muỗng múc xíu mại của anh ta được trả về cái tô hủ tíu.

- Đó là các con của ông ấy sống không có lý tưởng, không có ước mơ, không có hoài bão, suốt ngày chỉ biết tin theo những gì người khác nói, lấy lý luận và kinh nghiệm của người khác làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình, và đớn hèn khi không dám nêu lên chính kiến vì sợ gặp phải rắc rối và rước vạ vào thân. Như cụ Phan Bội Châu đã từng thốt lên trong bài thơ "Sống" rằng, "Sống mà như thế đừng nên sống. Sống tủi làm chi, đứng chật trời!" Tôi khâm phục tổng thống Hác ở chỗ, anh ta dám sống theo quan điểm và tư tưởng của mình, và dám đứng ra nhận lỗi lầm, chứ không hề hèn nhát trốn tránh.

Hayden nhìn thấy đôi mắt Vệ Thanh ngấn lệ. Anh hiểu hắn đang tự trách bản thân vì đã không sống đúng như những gì mà cha ruột răn dạy, bởi sống như thế rất là khó, chẳng khác nào bắt bản thân một mình dong buồm ra giữa bão tố, và kết cục có khi...

- Anh có muốn ăn thêm món chi nữa không?

- Trứng gà non.

- Không phải hột gà đâu đấy.

- Tôi biết... - Hayden kéo dài giọng. Anh ta có nhìn thấy ảnh minh họa trong cuốn thực đơn. - Đặt mua giùm tôi đi, bạn hiền.

Sau khi rời khỏi quán hủ tíu, Vệ Thanh và Hayden cùng nhau tản bộ trên con phố đầy lá me bay. Trời đã xế trưa, vốn là một đất nước nhiệt đới cận xích đạo, nên cái nắng vô cùng gay gắt và oi nồng. Khuôn mặt trắng sứ của Hayden lấm tấm mồ hôi và đỏ bừng như một con tôm bị luộc chín trong nước sôi. Anh ta thuê một căn nhà phố một tầng lầu nhỏ gọn, nằm trên đại lộ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên; giá thuê rất phải chăng, gia chủ khá thoải mái và niềm nở nên mặc dù bị rào cản ngôn ngữ, đôi bên chưa xảy ra chuyện mích lòng gì.

- Sáng mai tôi sẽ gửi bảng điểm cho anh. Hy vọng anh đạt trên điểm C. - Hayden vẫy tay chào tạm biệt Vệ Thanh, rồi thong dong mở cửa và bước vào nhà.

Vệ Thanh ghé qua công ty kiểm tra sổ sách. Nhân viên đã nghỉ Tết từ mùng Hai mươi ba, tới mùng Sáu mới vào làm lại, nên ở đây vắng hoe như chùa bà Đanh. Để bảo đảm an ninh cho công ty, hắn thuê bảo vệ trực theo ca với mức lương cao gấp ba lần ngày thường, chưa kể đến còn được thêm tiền phụ cấp và quà cáp này nọ, nên nét mặt của họ vô cùng rạng rỡ và thư thái.

Chào xã giao vài câu với họ xong, Vệ Thanh rẽ vào hành lang bên trái, để đi thang máy lên phòng làm việc của mình.

Dù muốn hay không, bầu không khí và quang cảnh trong công ty vẫn gợi cho Vệ Thanh cảm giác về ngày tận thế. Với những thanh âm hoạt động rầm rì của máy móc, và tiếng quạt thông gió kêu o o trên đầu, cộng hưởng với tiếng gót giày da thuộc của hắn nện xuống mặt sàn trải thảm nhung, tất cả mang đến tai hắn một cảm giác cô liêu và quạnh quẽ đến lạ lùng, mặc dù nơi đây là sở hữu của gia đình hắn.

Ở lại công ty đến đúng giờ tan sở như mọi ngày thì Vệ Thanh mới xách cặp táp ra về. Bác sĩ của em trai hắn khuyên cậu ta tạm thời đừng đi làm, cũng như là suy nghĩ quá nhiều, vì vết mổ ở ổ bụng cần đầu óc và tâm trí thoải mái thì mới mau chóng lành lặn, bình phục, nên công việc phần đông là do hắn phụ trách.

"Đinh."

"Cộp... cộp... cộp..."

Những cụm mây trắng xóa thơ thẩn dạo chơi trên thinh không đầy nắng. Vài con én chao nghiêng theo đường đi của cơn gió độc hành. Có một cái bong bóng hình chuột Mickey bay lơ lửng vô định trong không trung, không biết là của đứa bé nào làm mất đây? Bãi cỏ dưới chân Vệ Thanh xanh rì, những bông hoa dại e ấp nép mình sau hòn đá rêu phong, dáng vẻ của chúng nom thật mong manh làm sao.

- Mới tới à? - Đôi chân vừa bước ra khỏi cổng công ty, Vệ Thanh đã gặp thêm một người quen.

Cấp Trên đương ngồi tựa mông trên nắp capo của chiếc xe Ferrari đỏ mận, trên tay cầm ly Latte mua từ quán Starbucks bên kia đường và nằm đối diện công ty nhà họ Vệ.

- Đi chơi với bạn trai vui không?

Vệ Thanh ngồi xuống cạnh Cấp Trên, ly nước mía ban nãy mua vẫn còn hơn nửa ly vì nước đá tan ra. Có một áng mây đen đang vây lấy nền trời xuân sắc. Có một cơn giông tố ẩn trong giọng nói chua chát của gã trai tóc bạch kim.

"Chợt nghe tiếng phone rung nhẹ trên đôi bàn tay

Chợt nghe phút giây chờ đợi trôi qua thật nhanh

Và nghe tiếng nói run run nghẹn ngào của em

Chào anh thế thôi..."

Là ca khúc "Cỏ dại nơi ven đường" do ca sĩ Lương Bằng Quang trình bày. Sau cái hôm đi hát karaoke, Cấp Trên đã tìm hiểu dòng nhạc teen, và đã kiếm được một số bài khá bắt tai để làm vốn đi hát karaoke. Chứ dòng nhạc Vàng rất khó hát đối với gã, vì lời bài hát dài và phải cần làn hơi khỏe để nhấn nhá đúng cách mới hát không bị lệch tông.

- Mua chi cả lít nước mía thế? - Cấp Trên cất giọng hờn mát.

Vệ Thanh nhìn bàn tay của gã trai tóc bạch kim đặt trên eo mình mà chợt thấy đắng miệng. Sao càng lúc hắn càng mang cảm giác mình mới là hạng trai bao cao cấp vậy?


- Anh có từng đón Giao Thừa với người thân không?

- Tôi không có người thân... - Cấp Trên vuốt ve yết hầu của Vệ Thanh. Đôi mắt sâu ấy hơi híp lại khi nói từng chữ một. Rồi bất thình lình, cái mũi cao đẹp đẽ khẽ cọ lên cái mũi không xuất sắc của hắn. Một nụ hôn chớp nhoáng thoáng qua như gió xuân mơn trớn cánh mai vàng. Ai đó trong nhóm bảo vệ gác cổng đã bật nhạc phẩm "Xuân miền Nam" cho đỡ buồn, giọng hát thánh thót và đặc sắc của bộ tứ huyền thoại Khánh Ly - Hoàng Oanh - Hương Lan - Phương Hồng Quế đưa đẩy khung cảnh mơ mộng ở đây về miền miên viễn.

- Thế về nhà tôi nhé? Đôi mình cùng đón Giao Thừa và... - Vệ Thanh lặng người đón nhận nụ hôn chính thức thứ hai của mình và gã trai ngoại quốc. Mai cho gã ta là hắn đã súc miệng với nước súc miệng rồi, chứ không là... nồng nàn hương hủ tíu Nam Vang thập cẩm mất!

- Mốt nhớ dẫn tôi đi ăn hủ tíu nghen?

Vệ Thanh đương bấm số để nhắn cho bác tài xế nhà mình đừng có tới đón hắn, nghe thế chỉ lắc đầu cười trừ. Rồi tiếp tục cuộc điện thoại.

Cấp Trên ngắm nghía đám mây trắng xóa trên nền trời xuân thanh bình. Một nụ cười an nhiên chợt hiện trên môi gã. Nét cười mà gã đã đánh mất từ khi trưởng thành, và bước vào con đường kế thừa sự nghiệp của cha gã.

Con đường với hàng lá me bay đã không còn thưa người như ban trưa. Trời bắt đầu ngả về chiều, nên nắng không còn gắt gỏng như cô gái đương giận dỗi vì người yêu trễ hẹn. Những vệt khói trắng xóa in trên nền trời của những chiếc máy bay chở khách để lại. Tết rồi, ai nấy đều chạy xe bớt hối hả hơn, tiếng còi giục giã khó ưa đã vơi đi nhiều, lòng người hòa nhã và dễ thương hơn ngày thường.

Cấp Trên hướng dẫn cho Vệ Thanh cách sử dụng radio của xe mình. Mỗi hãng và dòng xe đều có một dàn máy và bộ loa riêng nên không phải chạy nhiều xe là sẽ rành rọt. Sau khi loay hoay chừng mười lăm phút, rốt cuộc hắn cũng biết cách sử dụng. Hắn chọn bài nhạc yêu thích mang tên "Mộng chiều xuân" do ca sĩ Lệ Thu trình bày. Cấp Trên nghe được một đoạn, liền gật gù khen hay, nụ cười nửa miệng của gã sao bỗng dưng trông vô cùng tài tử và đáng yêu vô cùng.

...

"Cạch."

Vệ Minh và An Kỳ liếc mắt thấy Cấp Trên bước vào cùng Vệ Thanh thì vô cùng sửng sốt. Ôn Thần đi một cặp, không biết lại sắp sửa gieo rắc tai ương gì lên đầu hai người đây?

- Chiều nay ăn lẩu hả? - Cấp Trên cười cười hỏi. Rồi sà vào gian bếp, mở tủ lạnh khui một lon trà chanh ra uống. Gian bếp trông rất tươm tất và sạch sẽ, lại thoang thoảng hương hoa tươi dìu dịu và mùi trà sen ủ trong bình trà, nên mang tới cảm giác vô cùng ấm cúng, thân mật.

- Tối nay anh ta ở lại đây dùng bữa với nhà mình. - Hai chữ "Nhà mình" phát ra từ miệng Vệ Thanh nghe khiên cưỡng khôn cùng.

Vệ Minh nêm lại nồi nước súp lẩu nóng hôi hổi thơm lựng, rồi thoăn thoắt thả hành củ vào trong nồi lẩu. Công việc chế biến cậu sẽ giao lại cho đầu bếp và phụ bếp, vì cậu đã hứa sẽ dẫn các con đi chơi hội Xuân vào khuya nay, nên muốn giữ sức.

- Tôi ra ngoài với Cấp Trên một chút nhé? - An Kỳ nựng khuôn mặt xương xương của vợ cưng. Rồi vỗ mông cậu một cái.

- "Ra ngoài" thì được. Chứ đừng có "Vào trong". - Vệ Minh nửa đùa nửa thật. Tay của cậu vẫn không ngừng vo viên cá thác lác.

An Kỳ chắp tay lạy Vệ Minh ba cái, tỏ ý "Cho tôi xin".

Cấp Trên đứng tựa nửa bên vào bức tường. Hai tay gã đút vào đút quần. Trên miệng ngậm điếu xì-gà đương phả ra làn khói thuốc lá thơm nồng. Điệu bộ trông cực kỳ ngả ngớn và đểu cáng.

- Chúng ta đi thôi. - An Kỳ đưa cho Cấp Trên cây kem bơ do vợ cưng tự làm.

An Kỳ thấy Cấp Trên dẫn đường cho mình một cách vô cùng tự nhiên như thể tư dinh này anh ta làm chủ thì chỉ biết bó tay. Tính cách gã muôn thuở như một, chẳng hề thay đổi gì sất.

- Tôi nghe nói anh đang học thi để lấy bằng Đại học Kinh tế.

- Ừm, có chi không?

- Hỏi chơi thôi. Chứ tôi với anh đâu có chuyện gì để nói đâu?

- Có đấy. Anh là người đã xóa bỏ "Cột mốc Ba năm" phải không? Anh khiến tôi và vợ cưng...

- Anh nghĩ nó chấm dứt thật sao? - Cấp Trên lấy ngón trỏ miết cánh môi An Kỳ. Nụ cười nửa miệng của anh ta chơi vơi như mảnh trăng lưỡi liềm cuối tháng. - Vẫn có người muốn dựng hiện trường giả nhằm tống anh vào tù để... Well, không ăn nhanh là kem bơ tan hết đấy.

An Kỳ cắn một miếng kem bơ mềm mịn, cảm nhận vị thanh mát và ngọt ngào của nó đọng trên đầu lưỡi. Vợ cưng của anh có ăn bao nhiêu cũng vẫn gầy như que củi.

- Theo ý của anh thì tôi nên đề phòng ai?

- Cục cưng của anh...

An Kỳ phá lên cười. Anh không nghĩ đấy là câu trả lời nghiêm túc.

Cấp Trên rít một hơi xì-gà. Trong làn khói hão huyền, hình như An Kỳ thấy anh ta đang cười đắc ý.

- Tôi không phải Trọng Thủy, và vợ tôi càng không phải Mị Châu.

"Chụt."

Nụ hôn bất ngờ của Vệ Minh khiến An Kỳ choáng váng. Anh cứ ngỡ đó là "quà mừng năm mới" của Cấp Trên, suýt chút nữa thì anh đã thụi cho vợ cưng một đấm.

- Định đánh tôi à? - Vệ Minh lườm đức ông chồng. Trên tay cậu là một khay thức ăn và đồ uống tự làm.

- Tôi đã bảo cục cưng của anh rồi mà. - Cấp Trên cười đến lả người. Đuôi mắt của gã hằn rõ những nếp nhăn xếp lớp như cánh quạt giấy.

Vệ Minh đưa cho mỗi người một cái bánh bao hấp kẹp với món gầu bò nấu súp để ăn lót dạ. Ngoài ra sợ hai tên này già chuyện khát nước, nên cậu còn đưa cho họ hai ly nước dừa xiêm thêm chút đường cát ngọt lịm.

- Vợ của anh đảm đang thật đấy.

An Kỳ chỉ cười cười mà không ừ hử chi. Cấp Trên thấy thế bèn ra hiệu cho anh theo gã vào đình mát nghỉ chân. Xung quanh đình mát là một cái đầm trồng toàn sen Thái đỏ rực, mùi hương của chúng bát ngát đến nỗi chiếm trọn bầu không khí nơi đây. Ngồi lâu có cảm tưởng, bản thân đang được ướp trong tinh dầu hoa sen nguyên chất.

- Tôi không biết tại sao lại có người muốn vu khống tôi là kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu ma túy.

- Giành quyền thừa kế chăng?

- Ha... - An Kỳ cười khan. An Đình Luận đã viết rất rõ trong bản di chúc, nếu không may anh chết bất đắc kỳ tử, người thừa kế tài sản sẽ là hai đứa con trai của anh. Ông ấy đã ra tòa và nhờ luật sư quay clip làm chứng bản thân soạn di chúc trong tình trạng thần kinh khỏe mạnh và hoàn toàn tỉnh táo. Nên chẳng có ai có thể sửa đổi hoặc bác bỏ bản di chúc ấy được cả.

Cấp Trên ngoạm một miếng bánh bao lớn, rồi rút khăn ướt ra lau miệng. Cái cằm không bao giờ để râu ria mọc lún phún.

- Anh có từng nghe nhạc phẩm "Nỗi đau dịu dàng" do ban nhạc Thúy Hà Tú biểu diễn không? - Không đợi Cấp Trên trả lời, An Kỳ đã nói tiếp. - Nhạc sĩ Lê Hựu Hà viết lời Việt cho bản nhạc "Killing me softly with his song" vô cùng tinh tế. Ở lời gốc, "Giết chết tôi một cách nhẹ nhàng bằng giai điệu của anh ấy", sang lời Việt, ông ấy chuyển thành "Bóp nát sức sống em bằng tiếng ca"; vừa gọn, vừa sát nghĩa mà lại rất hay và êm đềm. Rất hiếm người nào dịch thuật xuất sắc như ông ấy, nên phải khen ông ấy là người cực kỳ giỏi tiếng Việt. Nhiều người học cao cho dữ, chứ dịch thuật hết sức dở tệ, không dài dòng, lê thê, thì cũng cộc lốc, thô thiển. Tôi lấy ông ấy và nhạc sĩ Phạm Duy, Nhật Ngân, Khúc Lan, Ngọc Bích làm tấm gương để học tiếng Anh đấy.

- Sự học phải mất cả đời cũng chưa chắc thành công. Ngu thì dễ, chứ khôn thì rất là khó. - Cấp Trên biết mình đã bị Vệ Thanh nắm thóp. Có thể sau này hai người không thành một đôi, nhưng trở thành một cặp tri kỷ thì ắt hẳn sẽ được. Dẫu sao, gã cũng là một con người bằng xương bằng thịt, máu nóng chảy trong huyết quản và cần không khí sạch để duy trì sự sống lâu dài.

Cấp Trên nhấp một hớp nước dừa, anh có thể thấy sau đó cánh môi của anh ta toan mấp máy, nhưng rồi lại ngậm chặt miệng.

Vệ Thanh đã bước đến chỗ họ tự bao giờ.

oOo

Bản nhạc "Xuân tha hương Xuân lạc xứ" do ca sĩ Chế Linh trình bày vang lên trong phòng ăn tập thể của trại giam Số Chín Ba.

- Bà nội cha thằng cai tù! Nó mà bật bản "Xuân này con không về" cũng do ông này hát là tao cho nó thành kép chánh của bài luôn.


Lương Hảo cắm cúi cố nuốt cho trôi bữa cơm Tết. Biết anh bị hàm oan, nên những người quản ngục và nhân viên trong căn-tin chiếu cố rất nhiều. Ơn nghĩa này, không biết tới kiếp nào anh mới đáp đền nổi.

Chợt có ai đó bật nhạc phẩm "Nhớ mẹ" do ca sĩ Lâm Nhật Tiến trình bày, làm cho mấy tên tù nhân mặt mày non choẹt bưng mặt khóc nức nở, bữa cơm đủ đầy hơn ngày thường cũng chẳng thèm đoái hoài tới. Thành Cát Tư Hãn có tàn độc và bạo ngược đến đâu trên chiến trường, cũng phải quỳ gối dưới chân mẹ của mình để nghe bà ấy trách phạt hay khuyên răn; bà ấy là người đã cầm roi đánh mắng Thiết Mộc Chân khi thấy ông ta hắt hủi Bột Nhi Thiếp vì nghi ngờ Truật Xích không phải con ruột, người trị được Khả Hãn của Mông Cổ chỉ có hai người đàn bà ấy: Một là thân mẫu Kha Ngạch Luân và Hai là người vợ Bột Nhi Thiếp.

Mẹ của Lương Hảo đã ly hôn với cha anh năm anh mới chín tuổi. Bà ấy nghe tin anh bị bắt thì vô cùng đau khổ. Hễ mỗi lần tới lịch năm nuôi là lại hớt hải chạy lên đây thăm anh thật sớm, đem theo bao nhiêu là quà và nhu yếu phẩm, cùng một ít tiền tiêu vặt bà dè sẻn từ tiền lương hưu hàng tháng của mình. Có nhiều người mỗi bận xem phiên tòa thấy người mẹ của tội phạm ra sức bào chữa cho con mình thì chửi mắng mù quáng, hay tệ hơn nữa là áp câu "con hư tại mẹ" lên đầu lên cổ người đàn bà đáng thương ấy. Ai có mang nặng đẻ đau, có rờ bụng mình hàng giờ hàng giây vì sợ hư thai, có lo lắng khi hôm nay con mình không đạp nhiều như hôm trước - Dẫu mỗi lần đạp là mỗi lần đau, song niềm vui vì được làm mẹ đã khiến họ không còn cảm nhận được những cơn thống khổ đến từ chuyện mang thai nặng nhọc - Thì họ mới hiểu sự mù quáng ấy bắt nguồn từ tình thương vô bờ bến của một người mẹ. Có lẽ thấm nhuần được nét đẹp ấy, nhạc sĩ Y Vân đã viết nên một khúc ca tuyệt mỹ mang tên "Lòng mẹ", và thật may khi những ca sĩ có giọng hát bất hủ như Thái Thanh, Hoàng Oanh, Như Quỳnh đã cất giọng hát khúc ca này, vì đã làm cho nó thêm phần diễn cảm hơn.

Những giọt nước mắt nóng rẫy đã nhỏ vào dĩa cơm tự bao giờ mà Lương Hảo chẳng hay biết. Anh xúc vội mấy muỗng cơm đưa lên miệng nhai lấy nhai để, rồi nuốt nhanh xuống bao tử.

"Khụ... Khục... Khục..."

- Có sao hôn anh Hảo? - Một cậu thiếu niên bị bắt vì tội ăn cắp vặt khẽ khàng hỏi thăm anh. - Anh cũng nhớ má hả? Em cũng nhớ má nữa. Má em mà còn sống chắc em không đi rình mò nhà người ta để kiếm cái bỏ bụng đâu.

- Sau này...

- Dạ?

- Nếu cậu mãn hạn tù cùng lúc với tôi, tôi sẽ kiếm chú Tư để bác ấy truyền nghề sửa xe hơi lại cho cậu...

- Thiệt hả anh? Trời ơi, vậy thì còn gì bằng! - Cậu thiếu niên mừng quá kêu lên. - Em mà có tiền, em sẽ tậu cho má một mảnh đất đường hoàng trong nghĩa trang, chứ không phải nằm đậu trong khu đất nhà người ta đâu. Lần nào họ làm ăn bết bát, cũng lôi má em ra chửi cả. Họ nói má em ám quẻ nhà họ...

Bản nhạc đã kết thúc từ lâu. Nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi trong đầu những tên tù nhân hãy còn lương tri và sự sám hối...

oOo

Ngôi nhà của đại gia đình Mạnh Cường được xây dựng trên mảnh đất rộng vài héc-ta. Gia đình hắn sống bằng nghề trồng cây ăn trái và cung cấp lá dong, lá chuối đã năm đời nay. Việc trở thành cảnh sát công lực của hắn đã làm tía má hắn hãnh diện không sao kể xiết, cứ đi đâu cũng khoe hết cả.

Cánh cổng sắt thiết kế theo kiểu cổng đôi và đẩy vào phía trong để không gây nguy hiểm cho người đi bộ trên vỉa hè. Phía trên cổng lắp một giàn hoa giấy hồng đậm, những bông hoa mỏng manh như tờ giấy quyến, không hương chỉ có mỗi sắc.

Tuy là những ngày cận Tết, nhưng Mạnh Cường lại không diện quần áo đẹp. Hắn "bụi đời" với mình trần và quần cộc, để tiện cho việc nhà. Nồi bánh tét nấu đợt Hai, đợt Một là của bà cụ hàng xóm sống bằng nghề nấu bánh tét, miếng đất đã theo con trai cụ đi kết nghĩa với Long Tứ rồi, nên cụ chẳng còn nơi nào để nương náu và làm bánh, tía má hắn thấy tội nghiệp mới đưa cụ về đây ở và cho mượn chỗ nấu bánh đem bán.

Tào Việt Bân khoanh tay thưa tía má Mạnh Cường và cụ bà bất hạnh. Ở xứ cậu không có động tác khoanh tay khi ra mắt với người lớn, nhưng cậu nghĩ nhập gia thì phải tùy tục, nên vừa cúi đầu vừa khoanh tay thưa cho phải phép hơn.

- Nhìn cậu giống nhạc sĩ Anh Việt Thu quá! - Ông Mạnh buột miệng cảm thán. Thằng nhỏ mặt mày trông hiền lành, dễ thương ghê.

- Dạ, là ai vậy hả bác? - Tào Việt Bân ngượng ngùng hỏi. Bà Mạnh coi bộ ưng bụng lắm, nên chốc chốc lại quay sang nháy mắt với cụ bà bán bánh tét.

- Muốn lấy ảnh đặng so sánh giống nhứt thì xem hình nền của video "Nhạc sĩ Anh Việt Thu tuyển tập hay nhất". Ông ấy lấy bút hiệu Anh Việt Thu là vì em trai của ông ấy tên Việt Thu, nên ông mới chọn cái tên này để bày tỏ tình thương của một người anh lớn trong nhà với cậu em nhỏ. Tôi rất mến mộ ổng vì ổng chuyên sáng tác nhạc giới thiệu về miền Tây tụi tui.

Mạnh Cường giải vây cho cậu bạn ngoại quốc, ba của hắn có tật mỗi khi cao hứng là sẽ nói liên tu bất tận như thác đổ, dám hết Tết rồi mà ông ấy vẫn còn nói ấy chứ. Anh ta kéo Tào Việt Bân đi coi tát đìa. Không quên khoe rằng lát nữa sẽ đãi cậu ta một bữa cá lóc nướng trui và tôm càng hấp trong trái dừa bao bể bụng.

Chòm xóm tới tát đìa thoải mái, ai bắt được cái gì thì của người nấy, gia đình Mạnh Cường không bắt phải chia lại cho nhà của họ. Khung cảnh náo nhiệt đến độ khiến trái tim người con trai xa xứ được sưởi ấm.

Tào Việt Bân say mê theo từng động tác lanh lẹ và chuẩn xác của mọi người. Cậu hào hứng huơ tay "chỉ điểm", rồi thích thú ồ lên khi nhìn thấy con vật ấy nằm gọn trong tay người bắt. Những con tôm, con cá tươi chong giẫy đành đạch trong chiếc rổ đan lát bằng chất liệu dân dã.

- Nè, cậu Bin ơi!

- Dạ?

- Cô có học làm kim chi muối cho con nè. Không ngon bằng kim chi chính hiệu Đại Hàn, nên con ăn đỡ nghen?

Cầm hộp kim chi do bà Mạnh tự tay làm, Tào Việt Bân bỗng dưng rơm rớm nước mắt. Cậu sụt sùi cảm ơn bà Mạnh. Rồi đứng đợi phản ứng của Mạnh Cường. Nhưng không thấy hắn đâu cả.

- Nó đi chợ rồi. - Bà Mạnh bật cười trước vẻ mặt ngơ ngác của Tào Việt Bân. Tát đìa có cái gì vui mà khiến nó mê mẩn đến nỗi thằng con bà đi tám đời vương, nó cũng chẳng hay biết nhỉ?

Tào Việt Bân đành ngồi chồm hổm xem cảnh tát đìa để giết thì giờ. Hộp kim chi bà Mạnh đem cất vào tủ lạnh cho khỏi hư. Tự dưng cậu muốn nhảy xuống dưới bắt cá cùng mọi người quá. Cái nét dân dã thân yêu ấy khiến cậu muốn vứt bỏ lớp trang phục sang trọng và giáo điều đang mặc trên người để khoác lên bộ quần áo thôn dã bình dị.

Bóng râm của cây trứng cá như chiếc lộng che mát cho người trai trẻ xứ Đại Hàn. Vài đứa bé mặt mày nhễ nhại mồ hôi chạy đến bắt chuyện với cậu. Giọng nói ngọng líu ngọng lô của sắp nhỏ làm cậu bùi ngùi nhớ đến thuở ấu thơ sống cùng ông ngoại ở vùng nông thôn Jeonbuk.

Mạnh Cường đã đi chợ về, mang theo mấy ly sinh tố bơ bổ dưỡng, thơm béo. Anh ta mua cái này cho đàng gái hai bên nội - ngoại và Tào Việt Bân. Mấy đứa nhỏ thì lâu lâu mới có dịp uống nước ngọt thả ga, nên không có đứa nào hưởng ứng "lời kêu gọi" uống sinh tố bơ của hắn cả.

- Một số phương ngữ ở miền Tây mà người miền khác chắc chắn không hiểu và ít nghe nói đến là "quởn xo", "bất quá", "miệt", "rặt", "ùm", "mác-tăng-xít", "lăng quằn lít quỵt", "mánh mung", "đá cá lăng dưa",... Biểu họ cắt nghĩa cho anh hiểu thì không thể được, bởi ngôn ngữ ấy đã ăn sâu vào trong máu xương đồng bào miệt Cửu Long giang đến nỗi không thể giải thích một cách rõ ràng cho người miền khác hiểu.

- "Quởn xo" có nghĩa là gì? - Tào Việt Bân hỏi hắn, sau khi hớp một ngụm sinh tố bơ thơm mát.

- "Quởn xo" có nhiều nghĩa lắm. Khi nào mà anh nghe thấy họ nói chữ ấy mà miệng trề ra cả thước hoặc liếc một cái sắc lẻm, thì nó có nghĩa rằng họ không chấp nhận ý kiến của anh. Ví dụ như: Anh nói sẽ mượn tiền nhà băng để mở quán cà-phê, mặc dù mức lương hàng tháng rất thấp, tháng nào cũng hụt tiền, không có dư lấy được một đồng. Anh sẽ nghe thấy câu, "Mày nói chuyện nghe quởn xo hà. Bộ làm như dễ ăn lắm vậy." Còn một nghĩa khác, "quởn xo" dùng để diễn tả người có tính cách thẳng như ruột ngựa hoặc là người nông cạn, chưa suy nghĩ hoặc không biết ất giáp gì sất mà đã bộp chộp mở miệng trả lời. Và một nghĩa nữa, đó là dùng để nói về những người có lối sống chân chất, không màng đến chuyện thiệt hơn, và cách dùng từ trong câu của họ rất nhẹ nhàng và bình dị. Ví dụ như: Anh qua nhà họ mượn vài lon gạo. Không những đưa gạo cho anh, họ còn dúi thêm trái bầu, vài ba con cá rô kho tộ họ bắt được khi đóng đáy để bữa cơm của anh đầy đặn hơn. "Trời, ăn cơm không sao mà no được hả chú Út? Để tui sai thằng con xuống dưới bếp mang lên dĩa cá rô kho tiêu với chén canh bún cho chú đem về ăn trưa hen?" "Chị Tư nói sao nghe quởn xo quá, làm tui mắc cỡ gần chết... Mấy năm nay nước bị nhiễm mặn, ruộng vườn quê mình te tua tùm lum tà la. Vật giá cái gì cũng leo thang hết. Chị với anh Tư cứ lo cơm cho tui hoài sao có đủ tiền đóng học phí cho sắp nhỏ đây. Rồi rủi hổng đi học thêm tụi nó bị "đì" thì sao?"

- ... Hết chưa?

- Còn hàng chục cái nghĩa khác nữa, mà chỉ có dân miền Tây chính cống mới hiểu thôi. Có nói tới sáng mốt cũng không hết chuyện.

Lỗ tai của Tào Việt Bân đánh điện báo khổ chủ biết đừng hỏi thêm chi nữa, hãy để tụi nó nghỉ ngơi một lát cho bớt lùng bùng trước khi tiếp nhận dữ kiện mới. Cậu hớp một ngụm sinh tố bơ để trấn an mảnh tinh thần đang phiêu diêu nơi miền cực nhọc.

- Tôi cứ nhớ mãi một câu chuyện trong quân đội. Năm ấy, tiểu đội của tôi gồm có bốn người: Một thằng Bắc, một thằng Nam, một thằng đất Thần Kinh và một thằng xứ Nẫu. Mỗi bận nói chuyện với nhau là cãi lộn chí chóe vì hiểu sai ý. Sau này tiểu đội của tôi sát nhập với mấy tiểu đội khác thành một trung đội. Từ đó đủ chuyện bi hài diễn ra mà không bút mực nào ghi chép được hết.

Chỉ huy trưởng của trung đội săm soi cái đầu hớt lởm chởm của cậu trai đất võ Bình Định.

"Ai hớt tóc cho cậu này lại giùm tôi coi. Tóc tai gì mà y như Ronaldinho vậy."

Một cậu đeo kính thuốc trong bọn hăng hái giơ tay xung phong.

Nom bộ dạng thư sinh và rụt rè ấy, người chỉ huy trưởng cũng cảm thấy an tâm phần nào, bèn ngoắc cậu ta theo mình đi nhận đồ nghề hớt tóc.

Ước khoảng hơn nửa tiếng sau, người chỉ huy trưởng quay lại, chưa kịp lên tiếng gì sất thì đã nghe một tràng kể lể từ cậu trai đất võ Bình Định. Tới hồi định thần lại được thì mới phát hiện đầu cổ của cậu ta toàn là máu. Cái câu mà anh ta thường hay nghe là "cái đầu máu" bây giờ được diễn tả hết sức trực quan và sinh động.

"Nó hót cái gì vậy?"

Biết mình lỡ lời, viên chỉ huy trưởng chữa thẹn:

"Cậu trình bày lại cho tôi nghe rõ đi. Tại sao mặt mũi lại máu me không thế này?"

Cậu trai xứ Nẫu giận dỗi không nói, chỉ hậm hực đưa mắt nhìn cậu đeo mắt kính, hiện đang tái mét mặt mày vì lỡ cắt phạm vào đầu người bạn chưa kịp quen. Hối hận lắm đa, mà không biết cách nào để hàn gắn.

Rồi không biết thằng nào bắt nhịp, bỗng cả đám bị liệu mà cất cao giọng hát:

"Hót đi chim! Hót đi chim! Hót cho mặt trời hồng quê ta

Hót đi chim! Hót đi chim! Hót cho đời nhọc nhằn trôi xa..."*

"Nín!" Chỉ huy trưởng và cậu trai đất võ quắc mắt nhìn cả đám. Không gian lập tức im phăng phắc.

Tội đồ đeo mắt kính bước lên thưa với người chỉ huy trưởng về nguyên nhân tại sao lại làm bị thương đồng đội. Nghe xong, anh ta chỉ còn ngửa mặt kêu Trời.

"Bị viễn thị mà sao không nói với tôi một tiếng? Mắt nhìn gần không rõ mà còn tài lanh xung phong cắt tóc nữa!"

"Mày gọt đầu tạo rầu, sạo hổng bỏ lồng hẹo rầu thả trôi sổng luôn đị?"

Sau hôm ấy, cái cậu khởi xướng tiết mục hát theo Quang Linh bị phạt phải trực đêm ba tháng. Đám hùa theo bị bắt phải lau dọn bếp ăn, nhà tắm và hành lang hai tháng. Ấy thế mà cậu ta vẫn ngứa miệng hát tiếp.

"Anh Hứa Văn Cường... Anh ơi anh ơi anh trực chung với em đi anh ơi... Đừng bỏ em một mình mà... Quân khu mình đóng bên rừng vắng... Khi nhạn khuất bóng chân mây. Yêu tinh xuất hiện, oan hồn vẩn vương."

"Tao bị mày hại phải đi lao động công ích hai tháng trời chưa đủ mệt sao? Mà còn phải theo hầu mày ban đêm nữa?

"Đừng bỏ em một mình

Trời lạnh quá trời lạnh quá sao đành

Đừng bỏ em một mình..."

Mạnh Cường bịt tai lại. Nhưng tiếng ca rên rỉ xen lẫn âm sắc oán thán như oan hồn trinh nữ của nó vẫn lọt vào màng nhĩ của hắn.

"Đừng... bỏ... em... một... mình..."


Cô Thanh Lan mà nghe nó hát bài "Đừng bỏ em một mình" chắc bỏ nghề luôn mất! Giọng của cô nghe liêu trai bao nhiêu, thì giọng của nó nghe liu điu* bấy nhiêu.

"Tao... tao... đồng ý... Tao lạy mày. Mày làm ơn mày làm phước mày đừng có hát nữa." Dấu phẩy trong đầu Mạnh Cường bỗng dưng chạy biến sau màn ca hát của cậu trai yêu âm nhạc. Dám chừng hắn quên nốt luôn cả dấu chấm than và dấu chấm hỏi!

Sống chung và sinh hoạt với nhau tròn ba mươi chín tháng, Mạnh Cường rút ra được một điều, rằng phương ngữ miền nào cũng hay và đặc sắc cả, vì thế đừng nên áp đặt phương ngữ thông dụng ở quê mình lên người miền khác và đánh đồng chữ nào mình không biết là họ nói sai. Và cũng vì lý do đó mà hắn cực kỳ ghét những ai vỗ ngực tự khen tiếng nói nơi mình sinh ra là đúng nhất, chuẩn nhất. Phương ngữ mỗi miền như một nhánh sông lớn, cùng đổ ra biển lớn tiếng Việt, tạo thành âm sắc dân tộc thiêng liêng. Không nên nghiêng về miền nào khi biên soạn sách giáo khoa, mà hãy nên trân trọng sự khác biệt giữa phương ngữ từng vùng.

- Cậu ta hiện giờ làm nghề gì vậy Cường?

- Giảng viên thanh nhạc.

- Hả?

- Không tin à... Ban đầu bọn tôi cũng đâu có tin. Tới chừng nó đứng lên hát một cách nghiêm chỉnh trong một tiết mục của chương trình mừng Quốc khánh, thì bọn tôi mới biết giọng hát của nó xuất sắc đến nhường nào...

Món tôm luộc trong trái dừa hãy còn lâu lắm mới chín. Mấy ông bợm nhậu sàng hết bên này rồi tới bên kia để coi củi lửa. Trong bếp, các mợ các cô đang xé gà và chặt vịt làm gỏi, các bà các cụ xúm nhau gói bánh, sên mứt, quấn chả giò và làm một số món khác cần đến đôi bàn tay khéo léo và rành nghề bếp của mình. Sắp nhỏ thì chạy lăng xăng trên mảnh đất mới vừa phát hoang mấy hôm trước để chơi trò "Cá sấu lên bờ". Út Mập mới tròn ba tuổi chạy không lại các anh, các chị nên đành ục ịch đi lên nhà trên xem phim hoạt hình một mình.

- Định phát lì xì cho cả xóm hả? - Mạnh Cường cản Tào Việt Bân lại để hỏi cho ra lẽ. Trong xóm của anh có tới hai mươi mấy đứa con nít, phát hết cả xóm chắc mất cả hai tháng lương.

- Ừm. - Tào Việt Bân đáp bằng giọng mũi. Đi từ thiện chi xa, họ ở ngay trước mắt cậu mà.

- Đem theo bao nhiêu phong bao?

- Năm mươi. Anh có muốn lấy một cái không?

- Tôi già rồi...

Mạnh Cường giúp Tào Việt Bân gom đám nhỏ lại. Đếm kỹ mới biết nay trong xóm có thêm năm đứa nữa. Và còn ba đứa nhỏ đang nằm ngủ trong nôi.

- Bạn con là triệu phú bên Hàn hả? Sao mà phát cho mỗi đứa cả hai trăm thế? - Bà Mạnh kéo con trai lại hỏi nhỏ.

- Con cũng không rõ nữa mẹ ơi... - Mạnh Cường cười khổ. Hắn tưởng đâu cậu ta cho mỗi đứa chừng năm mươi đồng là cùng. Ai dè...

- Người ta hào phóng như vậy, để mẹ vô biểu mấy cô trong trỏng sửa soạn mâm cơm coi được mắt chút.

Tào Việt Bân lấy mo cau lót mông để ngồi xem ông Mạnh kiểm tra món tôm càng xanh luộc trong trái dừa chín chưa. Đôi mắt to tròn ấy chăm chú dõi theo từng động tác của ông Mạnh, nhìn thân thiết như cha con ruột vậy. Tự dưng Mạnh Cường bật cười, hóa ra cậu ta không khó ưa và khó gần như những gì mà đồng nghiệp bên Hàn lẫn bên đây đồn đại.

oOo

- Bất quá thì tôi thua anh một chầu nhậu.

- Sự thật giống như chiếc chìa khóa. Anh phải tự tay tra chìa vào cánh cửa Hoài nghi để kiểm tra xem nó có đúng là chiếc chìa khóa mà anh đang tìm không. Nếu không đúng thì hãy cất chiếc chìa khóa ấy lại, để dành khi nào có cánh cửa Hoài nghi khác thì sẽ đem ra thử tiếp. Có như thế mới bảo đảm rằng mình không bị dắt mũi. Còn nhờ người khác kiểm chứng giùm thì...

Người đàn ông kia bình thản nhấp một ngụm sữa đậu nành pha với bạc hà thơm cay. Anh ta đợi đối tác nói tiếp, chứ không muốn lên tiếng trước.

- Nếu tin tức đó "không may" gây bất lợi với người mà anh nhờ kiểm chứng, họ sẽ đổi trắng thay đen ngay lập tức nhằm bảo vệ quyền lực của mình. Thậm chí, anh còn có thể bị gán ghép đủ thứ tội và tống vào ngục để diệt khẩu. Cho nên, nếu muốn thấy Sự thật, hãy tự mình kiểm chứng, chứ đừng trông cậy vào ai cả. Ngay cả Đấng Thế Tôn cũng không bao giờ và chưa từng bắt người khác phải tin lời mình.

Người đàn ông nghe xong, khe khẽ hát một đoạn nhạc lạ tai:

"... Thanks America, for your open arms

Grand merci la France, pour vos bras ouverts

Thanks Australia, for your open arms

Merci Canada, pour la liberté..."*

oOo

Đoàn Chí Viễn đón cái Tết trong quân khu của Nguyễn Giai Kỳ. Những cái Tết xa nhà của hắn đã lên con số Mười.

Quân khu những ngày giáp Tết đượm trong một bầu không khí hoài niệm xa xăm về ngày thơ ấu đã qua. Không pháo nổ, chẳng hoa hòe. Đứa ngoài Bắc xa vắng nồi bánh chưng xanh, nẫu miền Trung và thằng trong Nam thương nhớ mùi bánh tét quê nhà. Những con đường rừng ở các vị trí chiến lược mai vàng đã khoe sắc thắm. Vài con hoẵng, con hươu còn sót lại sau các đợt tàn sát của thợ săn thơ thẩn dắt díu nhau về chốn cũ để đón Tết. Sóc rừng chuyền cành thoăn thoắt, trong miệng ngậm đầy những hạt dẻ dại to béo. Có đôi nấm mồ hoang chết trong chiến tranh không rõ của lính hay của dân được toán quân nhân trong quân khu thay phiên nhau tảo mộ hàng năm, khói hương hòa lẫn với màn sương mù giăng giăng nơi cánh rừng của vùng đồng bằng màu mỡ.

Một cậu trai trẻ đương trình diễn trên sân khấu dã chiến do đám anh em trong trung đội bày trí. Cậu ta hát nhạc phẩm "Thư xuân" theo tông giọng của ca sĩ Anh Khoa:

"Mùa xuân lại về đây

Giữa cây rừng xanh lá

Tha thướt ngàn cành hoa

Xuân núi rừng kém vui

Nhưng lòng anh lính trận

Vẫn nghe bao rộn ràng..."

- Thầy muốn nghe tôi hát bài gì? - Kết thúc bản nhạc, cậu lính trẻ cất giọng hỏi Đoàn Chí Viễn. Tràng pháo tay của các binh sĩ trẻ hãy còn chưa ngớt.

- "Phiên gác đêm xuân", tôi rất thích nghe ca khúc này qua giọng hát của bác Anh Khoa. - Đoàn Chí Viễn trả lời mà mắt cứ dán chặt vào nền trời xuân trong văn vắt. Sao bỗng dưng hắn thèm được ngắm khoảng trời xanh trong ấy ở sau hè nhà mình thế nhỉ? Nơi có bầy trao trảo ồn ào ngày nào cũng đậu trên cây mù u bên nhà bác Chín, bầy vịt xiêm của chú Tư hàng xóm hàng ngày lội qua khúc sông có nhánh rẽ vào mé mương nhà hắn, mấy con chó chỉ chực chờ "xực mông" đám con nít hái trộm trái cây trong vườn nhà chủ chúng, cô Năm bán xi-rô đá bào ca cải lương ngọt còn hơn thứ xi-rô đựng trong mấy cái chai thủy tinh mà cô bày hàng nữa...

"Đón Giao Thừa một phiên gác đêm

Chào Xuân đến súng xa vang rền

Xác hoa tàn rơi trên báng súng

Ngỡ đâu pháo bay, ngờ đâu hoa lá rơi..."

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết ra ca khúc "Nhớ một chiều xuân" để bày tỏ nỗi niềm nhớ mong người con gái da nâu mà mình từng gặp gỡ và hẹn ước khi đi công tác ở thành Vienne. Cuộc đời sáng tác của cụ có ba tri kỷ: Đứng đầu là cô Hà Thanh, kế đến là bác Anh Khoa, và cuối cùng là cô Giao Linh. Những giọng hát vượt thời gian này đã điểm tô thêm nét đẹp cho những bài hát giàu tính nhân bản và ca ngợi hòa bình của cụ.

Cậu lính trẻ lại gảy khúc nhạc khác, nó là một liên khúc kết hợp giữa hai nhạc phẩm bất hủ "Phút giao mùa" và "Ngày đầu một năm", hai bài hát này đều do ca-nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh sáng tác và trình bày, để kết thúc phần trình diễn của mình. Người sẽ tiếp tục chương trình là một ban nhạc mới thành lập, gồm sáu thành viên, trong đó tay trống là trung tá của quân khu này.

- Tôi ghét nhất những kẻ hát mà sửa lời của nhạc sĩ, cũng như lên sân khấu mà trang điểm quá đậm, nữ giới thì ăn mặc hở hang và lòe loẹt, nên rất ít khi nào nghe nhạc Vàng do thế hệ sau này trình diễn. Còn một điểm nữa, Bolero chỉ là một trong vô vàn giai điệu của nhạc Vàng, nên gọi nhạc Bolero là hoàn toàn trật lất và sai bét. - Đoàn Chí Viễn vỗ tay khen ngợi thật lòng, rồi bắt chuyện với chàng ca sĩ nghiệp dư. Trên sân khấu, nhóm nhạc đang chơi bản "Đồn vắng chiều xuân" do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác. Vẫn như cũ, hắn thích nghe bài hát này qua giọng ca của bác Anh Khoa và bác Nhật Trường. Bác Duy Quang hát cũng rất hay nhưng hắn không cảm thấy hợp giọng bằng.

- Thầy thích ca sĩ nào nhất? - Cậu lính trẻ có phong thái tài tử chợt hỏi. Những ngón tay thon mềm ngày nào nay đã trở nên thô kệch sau những giờ làm nông và học cách chiến đấu - phòng thủ - tự vệ.

- Anh Khoa không phải là ca sĩ hát hay nhất trong dòng nhạc Vàng, nhưng ông ấy là một trong những người hát đúng lời mà tác giả soạn ra nhất. Thế nên, tôi thích ông ấy, vì ông ấy biết tôn trọng "chất xám" của người làm nghệ thuật, chứ không phải tùy tiện sửa lời vì đủ mọi lý do như một số ca sĩ trẻ hiện nay. - Đoàn Chí Viễn cất giọng trầm buồn. - Chỉ tiếc là nay ông ấy đã bị mất giọng do tuổi tác cao rồi. Nên nhiều người chê bôi ông ấy hát nghe thấy ghê và mắc mệt.

- Ai cũng có một thời thôi, rồi sẽ vụt tắt như ánh sao băng lướt ngang qua vòm trời đêm hiu quạnh. Có lẽ ca khúc "Kiếp ve sầu" của nhạc sĩ Lam Phương đã tiên đoán đúng về hoàn cảnh của bác ấy lúc này, nên thời còn trẻ, bác ấy đã hát bằng tất cả sự tê tái và buồn bã. - Cậu lính tài tử nhếch miệng cười buồn.

- Hát nhập tâm, tức là anh kể chuyện bằng giọng hát của mình, nên những âm điệu trong bài sẽ thay đổi khác nhau, chứ không phải là diễn tuồng một cách giả tạo và suồng sã. Hoàng Oanh, Thanh Lan, Anh Khoa, Nhật Trường, Duy Khánh, Hùng Cường, Ngọc Lan là một trong những người hát nhập tâm nhất, nên có khi anh nghe họ hát mà tưởng như khóc, lúc lại là điệu cười mỉa mai đầy chán đời, rồi có bài thì họ hát mà như đang vừa cười vừa tâm tình cho anh hay. Có nhiều người ráng bắt chước theo mà trớt quớt, không những lố lăng mà còn thô kệch, bởi vì chỉ có cảm xúc thật thì anh mới có thể truyền đạt và biểu diễn một cách tự nhiên đến thế.

- Tôi tính sau này xuất ngũ sẽ mở phòng trà. Hy vọng thầy sẽ tới xem ban nhạc của tôi biểu diễn.

Đoàn Chí Viễn vỗ vai cậu lính trẻ, tỏ ý "Chắc chắn mà."

Nhưng điệu cười buồn thảm hơn cả giọng ca của Anh Khoa hiện lên trên khuôn mặt xuân xanh phơi phới ấy, khiến cho vị thượng sĩ trung niên bỗng dấy lên một dự cảm không lành.

oOo

Chú thích:

1/ Đoạn hội thoại nằm ở "Hồi Ba: Bình thản bước qua cuộc đời (b)".

2/ Bài hát mang tên "Thương quá Việt Nam" do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác.

3/ Liu điu có nghĩa là con rắn nước.

4/ "Bước chân Việt Nam" do đôi nhạc sĩ Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng sáng tác. Bản hợp ca quy tụ rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Ngọc Lan, Duy Quang, Như Quỳnh, Lâm Nhật Tiến, Khánh Ly, Elvis Phương, Thùy Dương, Mạnh Đình,...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận