Tiền Kiếp

“Lý Thường Kiệt à? Nhiệm vụ lần này nghe có vẻ hay ho đấy!” – Huy và Viên cùng có một suy nghĩ như nhau. Hai đứa nhìn nhau cùng mỉm cười, dù biết có lẽ nhiệm vụ cũng chẳng dễ dàng gì đâu, Trần Lãm mà lại!

_ Lý Thường Kiệt thì sao chú? Nhiệm vụ lần này đi đánh giặc hộ ông ấy ở âm phủ à?

_ Âm cái đầu đất hai đứa! Bộ chú điên hay sao tiễn hai đứa xuống âm phủ?

_ Thế liên quan gì ông ấy?

_ Mấy đứa có biết trận đánh trên sông Như Nguyệt?

_ Biết chứ chú!

Nhắc đến Lý Thường Kiệt, bất cứ con người Việt Nam nào cũng biết sự tích hào hùng đẩy lùi quân Tống xâm lược bờ cõi nước ta vào giai đoạn 1075-1077. Lý Thường Kiệt không những là con người kiệt xuất về trí tuệ mà còn dũng nghĩa có thừa, khi trước đó còn dám hành quân đánh sang tận nước Tống hòng huỷ đi đường hậu cần của địch. Cùng với Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo, Thái uý Lý Thường Kiệt xứng danh những danh tướng hàng đầu của Việt Nam ta. Huy hào hứng vào câu chuyện:

_ Trận Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đẩy lùi 60 vạn quân Tống, tiêu diệt gần hết quân địch rồi chủ động giải hoà thả kẻ thù về nước, ai mà không biết chứ chú!

_ Tốt! Đầu óc chưa dốt đặc! Vậy lúc đánh ông ta có bài thơ gì ấy nhỉ?

_ Nam Quốc Sơn Hà! Cái này con biết! (Viên chen vào)

_ Bài thơ ấy thế nào?

_ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư

Tiệt Nhiên Địa Phận Tại Thiên Thư

Như Hà Nghịch Lỗ Lai Xâm Phạm

Nhữ Đẳng Hành Khan Thủ Bại Hư

_ *Bốp bốp* - Khá! Khá lắm! Đầu óc chưa phải đậu hủ thối!

Giáo sư Lãm vỗ tay đứng bật dậy. Huy và Viên ít nhất cũng thuộc lịch sử, điều này làm ông ta hài lòng. Cũng nhờ thái độ hào hứng của Huy và Viên, giáo sư Lãm cũng thấy hứng khởi hơn. Ông ta cười tươi, chắp tay ra sau nhìn về phía cửa sổ, mắt mơ mơ màng màng còn miệng thì thao thao bất tuyệt về Lý Thường Kiệt:

_ Lý Thái Uý không những cơ trí bất phàm, dũng võ có thừa mà còn là bậc kỳ tài về đạo thuật!

_ Hả? Lý Thường Kiệt ổng là đạo sĩ????

_ Để chú nói mấy đứa nghe....Trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nhắc đến sự kiện sông Như Nguyệt này....Đó là một đêm đầu năm 1077, Lý Thường Kiệt cho người ẩn nấp trên đền thờ Đức Thánh Tam Giang, đợi đêm xuống cất giọng ngâm bài thơ trên khiến quân Tống bị chấn nhiếp tinh thần dẫn đến bại trận tan tác...

_ Đúng rồi! Sách lịch sử sách giáo khoa của con cũng được học vậy!

_ Còn theo Việt Điện U Linh Tập! Đêm trước ngày đánh trận, trong lúc Lý thái uý ngủ, trong mơ có hai người khôi ngô tuấn vĩ đến bái lạy Lý thái uý, xưng danh Trương Hống-Trương Hát xin theo phò trợ đánh giặc. Quả nhiên, sau khi ngài tỉnh dậy, trên sông Như Nguyệt bỗng nhiên vang rền 4 câu thơ trên khắp bốn bề. Lý Thường Kiệt nhận ra đó là thời cơ nên kéo quân đánh bại quân Tống.

_ Trương Hống-Trương Hát là ai chú?

_ Là hai thuộc tướng trung thành của Triệu Việt Vương Triệu Quang Phục. Sau khi Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tích dùng gian kế kết thông gia đánh úp bại vong, Trương Hống-Trương Hát vì tận trung với Triệu Việt Vương đã cùng 100 gia binh uống thuốc độc tự tử ở sông Cầu-hay còn gọi là sông Như Nguyệt đấy!

_ Quào! Trung thành dữ!

_ Vì tấm lòng son sắc của họ, thiên giới thương tình sắc phong làm Đức Thánh Tam Giang, đền thờ Trương Hống-Trương Hát nằm ngay sông Như Nguyệt.

Đáng khâm phục! Đó là những gì Huy và Viên nghĩ sau khi nghe giáo sư Lãm thuyết minh. Thật ra trong những tiết học lịch sử ở trường phổ thông, Huy và Viên có nhớ mang máng về Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục vốn ban đầu đi theo Lý Nam Đế, sau Lý Nam Đế bị Trần Bá Tiên nhà Lương (Trung Quốc) đánh bại, ông ta trao quyền lại cho Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục xưng danh Triệu Vương Việt, có hai thượng tướng xuất chúng, võ nghệ hơn người và cơ trí toàn tài, chính là Trương Hống-Trương Hát.

Nhờ hai vị tướng này và bản lĩnh của mình, Triệu Việt Vương vào năm 550 đánh bại Trần Bá Tiên, xưng danh Dạ Trạch Vương lừng lẫy bốn phương. Về sau, cháu của Lý Nam Đế, Lý Phật Tích muốn giành lại ngôi vua nên dùng gian kế cho con trai cưới con gái của Triệu Việt Vương, sau đánh úp giết Triệu Việt Vương vào năm 571 giành ngôi vua. Cuối cùng sau đó bản thân Lý Phật Tích cũng bị giặc ngoại xâm đánh bại dẫn đến Việt Nam rơi vào vòng tay làm chư hầu phương Bắc.

_ Vậy sau đó sao nữa chú?

_ Lý Thường Kiệt lên kế hoạch đem quân ra đánh, cho Chiêu Văn và Hoằng Chân 4 vạn quân đánh nhử địch. Tướng Tống khi đó là Quách Quỳ tưởng đây là quân chủ lực nên thân chinh đánh sang. Chiêu Văn và Hoằng Chân sau cùng cố giữ vững trận hình đã chiến tử sa trường!

_ Tội vậy!

_ Tội nhưng là đại công lao! Lý Thường Kiệt dẫn đội quân khác đánh vào bản doanh của phó tướng Tống là Triệu Tiết, giết sạch quân Tống rồi đánh úp lên Quách Quỳ khiến hắn bại tan tác.

_ Lợi hại! Ủa nhưng liên quan gì đạo thuật!

_ Đó! Giờ mới tới chuyện quan trọng nè! Còn theo Đế Vương Dị Sử, Lý Thường Kiệt thật ra....

_ Để em nói tiếp cho anh Lãm!

Một giọng nói vang lên sau lưng Huy và Viên. Hai đứa định thần lại nhìn thì ra người vừa nói là anh Phú. Theo sau anh Phú là Y Văn, anh ta hất hất cái đầu búi cao, giơ tay mỉm cười chào Huy và Viên. Giáo sư Lãm thấy Phú và Y Văn đến, ông ta hoan hỉ xoa tay cười nói:

_ Tốt! Đủ đội hình! Phú tiếp đi chú em!

_ Vâng! Theo Đế Vương Dị Sử trang 143, Lý Thường Kiệt tên Ngô Tuấn. Tuổi trẻ binh thao võ lược, kinh sử toàn tài. Năm 14 tuổi may mắn gặp được một vị tiên sinh, người này thấy Ngô Tuấn hơn người nên thu nhận làm đệ tử chân truyền

_ Mà người này là ai vậy anh Phú?

_ Đó là Cát Ưu, là biểu đệ của Cát Sào Phủ, giáo chủ khai lập ra Linh Bảo Phái đời Bắc Tống. Người này chu du khắp thiên hạ truyền giáo

_ Biểu đệ là em họ anh nhỉ? Mà có liên quan gì trận sông Như Nguyệt?

Huy vén cằm lên suy nghĩ! Nó đang cố nhớ xem trong các bộ phim TVB về tiên hiệp hay kiếm hiệp của tụi Tàu có ai tên Cát Ưu, Cát Sào Phủ hay Linh Bảo Phái không? Không, chẳng có chút ấn tượng nào cả, ắt hẳn đây là môn phái nhỏ và kém danh tiếng rồi. Sao bằng Mao Sơn hay Toàn Chân Giáo được. Anh Phú trả lời Huy và Viên

_ Ừ! Về cơ bản thì Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Điện U Linh Tập đã che giấu 2 điều

_ Điều gì ạ?

_ Thứ nhất: Lý Thường Kiệt là đạo sĩ, dùng trận pháp để thắng trận trên sông Như Nguyệt

_ Hả? Sao phải che giấu anh?

_ Vì Linh Bảo Phái là môn phái đến từ Đại Tống, nếu để kẻ nào biết ắt suy ra Lý Thường Kiệt là gian tế của Đại Tống cử sang

_ Nghiêm trọng vậy à?

_ Chứ hai đứa nghĩ sao? Năm đó Tống xâm lược ta mà! Để kẻ xấu miệng đồn thổi thì Lý thái uý thân bại danh liệt!

_ Hiểu! Còn cái thứ hai?

_ Thứ hai: Chiêu Văn và Hoằng Chân không chết trong trận chiến đó!

_ Hả? Không chết thì đi đâu?

_ Đi Chiêu Hồn!

What the hell? Có phải anh Phú bị lú lẫn không vậy? Giữa lúc đánh trận mà Chiêu Văn và Hoằng Chân đi chiêu hồn? Theo vốn hiểu biết ít ỏi của Huy về Đạo giáo, chiêu hồn thuật chỉ dùng khi gọi người đã khuất lên có điều cần trao đổi hoặc gọi họ lên cúng tế bái lễ an ủi vong linh đã khuất. Ngoài hai mục đích đó ra các trường hợp chiêu hồn khác đều được quy vào cấm pháp hoặc tà lý. Kiến thức này không phải ai khác, chính anh Phú đã dạy nó trong thời gian hai tháng gần đây.

_ Giữa đánh trận đi chiêu hồn? Không phải là tà thuật chứ?

_ Là tà thuật!

_ Hèn gì phải giấu nói họ chết rồi.

_ Tà nhưng là chính!

_ WTF? Là sao?

_ Là tà thuật theo khái niệm môn phái của anh, nhưng mục đích là chính đáng!

_ Mục đích gì cơ? Mà họ chiêu hồn ai?

_ Theo Đế Vương Dị Sử, tuy đền thờ Đức Thánh Tam Giang ở sông Như Nguyệt bờ phía bên quân Lý Thường Kiệt đóng quân, nhưng xác của họ và 100 thân binh được chôn ở phía bên quân Tống đóng quân

_ Hả? Đừng nói là...

_ Chính xác! Khi Lý Thường Kiệt đóng quân, ông ta dùng linh pháp tuệ mẫn cảm giác âm khí cực mạnh, dùng trận pháp thỉnh chư thần mời Thổ Địa lên hỏi mới vỡ ra nơi chôn Trương Hống-Trương Hát. Sau đó, ông ta vạch kế hoạch cho Chiêu Văn và Hoằng Chân dẫn 4 vạn quân đánh quân Tống là kế che mắt.

_ Che để làm gì?

_ Che mắt để Chiêu Văn và Hoằng Chân dẫn 100 thân tướng theo tìm xác của Trương Hống-Trương Hát và 100 thân binh đó!

Nói đến đây bỗng nhiên Huy chợt khựng lại. Từ nãy đến giờ, Huy vừa vén cằm suy nghĩ vừa nghe câu chuyện, rồi dường như Huy phát hiện ra gì đó không ổn ở đây. Huy giơ tay lên ra hiệu cho anh Phú dừng lại. Nó lao vào vào nắm vai anh Phú hỏi:

_ Khoan! Sao phải dẫn đúng 100 thân tướng? Chẳng lẽ......thỉnh linh?

_ Chính xác! Nói đúng hơn là Chiêu Hồn Thỉnh Linh trận! Thỉnh 102 người bao gồm Trương Hống-Trương Hát nhập thân bằng cách dựng trận pháp trên chính phần mộ của họ!

_ Là tà thuật đó! Thỉnh linh chỉ dùng để thỉnh nguyên thần các vị thần tiên để trừ tà ma, còn thỉnh vong linh âm giới để đánh trận với con ngưởi là sai trái (Viên gắt lên)

_ Anh nói rồi! Sai hay đúng đều trong một niệm mà ra. Lý Thường Kiệt về đạo lý là sai, về thường lý là đúng. Miễn ông ta bảo vệ được giang sơn Đại Việt thì dù trời tru lôi khiển ông ta cũng nghĩa bất dung từ....

_ Cái này......

Nói đến đây Huy và Viên cũng không thể nói thêm gì nữa! Hai đứa nó đã hiểu vì sao sử sách buộc phải giấu đi sự thật về Lý Thường Kiệt. Ngoài việc sợ rằng có kẻ thừa cơ đổ cho ông là gian tế của Tàu, việc che giấu này hòng để tránh cho Lý Thường Kiệt mang tiếng xấu ngàn năm, nhất là với giới Đạo giáo.

Thế giới Đạo giáo hay Lão giáo vốn lấy việc trừ yêu diệt ma, tu tiên dưỡng khí và hành thiện tích đức làm đầu. Những ai dùng đạo hạnh của mình phục vụ cho công danh, lợi lộc, dục vọng hay truy cầu làm việc cho triều đình thường sẽ không được có cái nhìn thiện cảm lắm. Huống chi Lý Thường Kiệt, cách ông dùng để đánh bại quân Tống trên sông Như Nguyệt rất khó chấp nhận.

Điều đúng đắn duy nhất ở ông là dùng tà lý để đánh tà mưu của giặc ngoại xâm. Nói đến đây, giáo sư Lãm đứng lên tiếp tục câu chuyện:

_ Mấy đứa nghĩ coi! Chẳng lẽ chiến thắng của Lý Thường Kiệt không được vua Lý Nhân Tông hay Ỷ Lan Phi biết sao?

_ Dạ chắc họ biết!

_ Họ biết nhưng họ đã giấu! Họ biết Lý Thường Kiệt đã làm những gì, họ che giấu để ông ta không gặp bất lợi. Mà đó là thời xưa họ còn cổ hủ, phong kiến, cố chấp và tín ngưỡng hơn bây giờ gấp vạn lần đấy

_ Dạ tụi con hiểu! (Huy và Viên xấu hổ trả lời)

_ Tốt! Giờ đến nhiệm vụ của hai đứa

_ Dạ! Tụi con đang nghe đây

_ Hai đứa đi phá Chiêu Hồn Thỉnh Linh trận của Lý Thường Kiệt!

_ Hả?

-------------------------------------------------------------------------------------------

***Chú thích***

Trương Hống, Trương Hát

Người làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương (sau là Võ Giàng) quận Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Vân Mẫu, xã Vân Dương, huyện Quế Võ), là học trò của Tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang (tức xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn ngày nay).

Căn cứ sử sách ghi chép sơ sài thì các ông sinh vào đầu thế kỷ 6 (504?) trong vòng 1.000 năm Bắc thuộc tăm tối. Anh em học đến đâu lầu thông kinh sử đến đấy, ngày ngày chăm đọc binh thư, siêng rèn võ nghệ. Hai anh em Trương tướng quân, đều là tướng giỏi của Việt vương Triệu Quang Phục. Khi sinh thời, hai vị đã theo giúp Triệu Việt Vương lập được nhiều chiến công lẫy lừng. Sau khi giết Dương Sằn, đuổi quan quân nhà Lương về nước, lúc ấy (tiền) Lý Nam Đế đã mất, Triệu Việt Vương bèn tự lập lên làm vua, được 23 năm (548-570) thì bị (Hậu) Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) phản trắc, đem quân tới đánh. Triệu Việt Vương không phòng bị đã bị thua, rồi theo Long Vương xuống thủy cung ở cửa Đại Nha.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui