Tiễn Thần


Cuối cùng phương trượng Giác Phi đã tiếp đãi đoàn người phái Khô Sơn vô cùng long trọng.

Sau khi thở ngắn thở dài mà bước xuống giường, ông đích thân dẫn đường cho bọn họ.
Hòa thượng béo khoác áo nhà sư và ôm lấy cơ thể khệ nệ của mình.

Thế rồi ông bỗng quay sang bảo Diêm Thanh còn nhắm mắt giả đui: "Cậu nhóc họ Diêm này cũng khỏi cần nhắm mắt nữa.

Cảnh sắc bên ngoài tươi đẹp biết bao nhiêu, không xem thì quá là lãng phí."
Diêm Thanh mở đôi mắt quỷ trong nét mặt rất đỗi ngạc nhiên.
Phương trượng Giác Phi cười lớn: "A Di Đà Phật, chùa ta xưa nay đều qua lại thân thiết với phái Thái Hành.

Thi tiền bối nhà cậu biết phái Khô Sơn định lên núi nên còn đặc biệt gửi thư, nhờ ta đừng bắt chẹt cậu quá đây này.

Dẫu sao sư thúc tổ Không Thạch cũng có tuệ căn* xuất sắc hiếm gặp trên đời.

Nếu không bị Diêm Bất Độ giết chết thì cái danh trụ trì trẻ tuổi nhất lịch sử chùa Kiến Trần đã thuộc về sư thúc tổ rồi."
(*nguồn gốc trí tuệ, từ dùng trong nhà Phật)
Diêm Thanh cứng đờ tại chỗ, không biết đáp lại thế nào.

Tô Tứ thì liếc nhìn Giác Phi trong tư thế sống lưng cương cứng vì căng thẳng, trông có vẻ đã sẵn sàng hành động.
Nhưng phương trượng Giác Phi lại chỉ loạng choạng đến gần và vỗ vỗ vai Diêm Thanh sau đó.
"Có câu mỗi người đều có duyên phận của riêng mình.

Chuyện Diêm Bất Độ cầm được thanh kiếm đá lên núi cũng chính là nhân duyên.

Lát nữa cậu cứ ra ngoài thoải mái, hòa thượng nào dám phạm vào sân, lão nạp sẽ ném hắn vào trận Phật Tâm cho tỉnh táo."
Nói đoạn ông còn nháy nháy mắt với Diêm Thanh.
"Đứa con nít trong trấn nhỏ ngày xưa đã lớn đến vậy rồi.

Sao rồi, còn nghịch hạt hạnh đào nữa không?"
Tô Tứ: "Ông là lão lừa...!đại sư dạy hắn chơi cái trò đấy hả?"
"A Di Đà Phật, lão nạp nào đã bám dính núi Hồi Liên.

Cứ mười mấy hai mươi năm là lão nạp lại xuống núi ngao du một lần."
Đứng lặng hồi lâu, Diêm Thanh kính cẩn thi lễ với Giác Phi: "Vãn bối đa tạ phương trượng đại sư chiếu cố."
"Chuyện nhỏ thôi, chuyện nhỏ thôi." Giác Phi khoát khoát tay rồi mỉm cười quay sang Thời Kính Chi và Doãn Từ: "Hai vị cũng không cần che mặt nữa đâu, phải ngẩng đầu ưỡn ngực mà đi mới đúng.

Chờ lát ta xách cây gậy, phạm vào sân thì thôi chưa nói, chứ tên nhãi nào dám phạm vào sắc giới thì...!hừ hừ."
Thời Kính Chi, Doãn Từ: "..."
Hội tẩy kinh được cử hành ngoài sân, xung quanh là cờ Phật phấp phới.

Sau khi được phơi dưới ánh nắng mặt trời, kinh thư sẽ được đem đi huân bằng hơi thuốc.

Mùi thảo dược đắng có tác dụng dưỡng tâm trôi bồng bềnh trong khắp ngôi chùa.
Thi thoảng, gió nhẹ thổi qua làm vang lên những tiếng xì xào của giấy, mang lại cảm giác huyền diệu lạ kỳ.
Sự thật chứng minh sức nhẫn nại của các tăng nhân chùa Kiến Trần tương đối ổn định.

Đa số tăng nhân chỉ nhìn hai thầy trò phái Khô Sơn bằng ánh mắt thưởng thức cái đẹp đơn thuần, còn lại là một vài tăng nhân trẻ tuổi vừa niệm kinh vừa tránh né không nhìn vào họ, mà không một ai vượt quá khuôn phép của chùa.
So với cám dỗ của cái đẹp thì đôi mắt quỷ của tộc họ Diêm có sức sát thương mạnh hơn trong mắt các nhà sư- hai hòa thượng đã trợn mắt trừng Diêm Thanh mà không kiềm chế được, thế rồi bị Giác Phi xách dậy như xách hai con gà và bị ném ra khỏi sân hội tẩy kinh: "Ra ra ra, ra núi sân chủ mà tĩnh tọa đi.

Ngồi hết bốn canh giờ cho ta, thiếu một giây cũng không được đâu đấy."
Cho đến khi các hòa thượng trong sân tập trung tinh thần và coi bốn người phái Khô Sơn là bốn chậu cây cảnh, thì Giác Phi mới chắp tay hài lòng, rồi dẫn mọi người hướng về phía quần thể mộ tháp.
Nắng vàng ấm áp, sắc trời trong xanh.

Mộ tháp tuy là nơi chôn cất chúng tăng nhưng lại rất yên bình, không hề u ám.
Hòa thượng Giác Hội quắt queo như khúc gỗ đang đứng chờ trước quần thể mộ, bên cạnh hắn còn có tăng nhân trẻ tuổi hở tí là "sắc tức là không".

Sau khi thấy Doãn Từ, sắc mặt hai người họ đều trở nên nghiêm túc.
"Các vị đừng để ý, sư đệ ta cứ thích lo nghĩ nhiều.

Cũng tại bên trong địa cung không chỉ có kiếm đá, mà còn có cả những loại bảo vật khác của chùa ta.

Hai thầy trò quý phái ấy à, nếu tách ra thì chúng ta còn ráng trụ được, chứ nếu hai vị hợp sức, thì chắc chắn lão nạp không phải đối thủ rồi."
Phương trượng Giác Phi liếc nhìn Doãn Từ và bình thản nói.
"A Di Đà Phật, hy vọng các vị cứ phớt lờ sư đệ ta đi, coi như nể mặt lão nạp một chút."
Khuôn mặt tròn của Giác Phi không nhiều nếp nhăn, trong khi mặt Giác Hội lại nhiều nếp nhăn đến mức trông kham khổ vô cùng.

Mặc dù cả tuổi tác lẫn vai vế đều nhỏ hơn Giác Phi, nhưng Giác Hội lại chẳng hề ăn nhập với hai chữ "sư đệ".
Nghe lời Giác Phi, Giác Hội nhăn nhúm và hòa thượng đi theo cùng cúi đầu, thi lễ.
Người của phái Khô Sơn vốn không có ý xấu, thậm chí Thời Kính Chi còn thoải mái vái chào lại.

Lúc tiến vào địa cung, để thể hiện thái độ hữu hảo nên hắn đã đặc biệt mời Giác Hội và hòa thượng còn lại cùng đi theo mọi người.
Đến nơi, Giác Phi rút then cửa dồi dào chân khí của nhà Phật ra, để cánh cửa đá trước địa cung từ từ mở rộng.
Địa cung của chùa Kiến Trần là một nơi sạch sẽ và rộng rãi, bên trong không có mùi mục rữa, trái lại còn thoáng đãng và được xông hương thanh đạm.

Những chiếc vò gốm lớn đựng hài cốt tăng nhân được xếp thành hàng ngay ngắn, trông rất trang nghiêm.
Trong cùng địa cung có thắp đèn chong.

Các pháp khí mà chư vị cao tăng sử dụng lúc sinh thời được đặt trên bệ đá và được giữ gìn sạch sẽ, hiện đang cùng chìm vào giấc ngủ say.
Kiếm đá của Không Thạch được đặt ở trung tâm bệ đá, hơi ngả vào vách tường sau lưng.
Thời gian trăm năm không để lại dấu vết trên mình kiếm, nó vẫn giống hệt khi ở trong tâm cảnh.

Kiếm đá có dạng cổ, toàn thân xanh xám, viền không mài sắc.

Sáp lại gần nhìn kỹ sẽ thấy thân kiếm khắc chi chít pháp ngôn.
Xem bề ngoài, thanh kiếm đá không có bất cứ điều gì bất thường cả.
Thời Kính Chi lại dần trút bỏ vẻ ung dung.

Hắn chau mày và tra xét thanh kiếm cẩn thận từ trên xuống dưới, càng nhìn chân mày càng xoắn lại.
"Rắc rối rồi," Hắn nói nhỏ với Doãn Từ, "Dựa theo mức độ ác ý của Diêm Bất Độ thì khả năng cao phải dùng đến những mánh khóe tàn bạo mới tra được manh mối."
Doãn Từ lẳng lặng gật đầu.

Thời Kính Chi đã nói rất rõ ràng: với phong cách ra tay của Diêm ma đầu, "giải pháp" có là gì thì họ cũng không thể thử trên đất Phật môn.
Mà nếu đã không muốn làm xằng làm bậy dưới mộ các vị đại sư, để rồi tự đẩy mình vào chỗ đắc tội nhà chùa Kiến Trần, họ phải nghĩ cách đem được thanh kiếm ra ngoài.
"Kiếm này được đặt tên là 'Từ Bi', do tự tay sư thúc tổ Không Thạch đẽo từ đá mạc viêm.

Pháp ngôn bên trên cũng được sư thúc tổ tự mình khắc."
Giác Phi ngừng cười, thay vào đó là vẻ kính trọng trên khuôn mặt tròn.
"Có lẽ chư vị đã từng nghe nói đến, đá mạc viêm là đá có độ cứng cao nhất trên đời.

Bản thân đá vốn nặng nên không dễ đẽo gọt.

Bởi thế mà ngoại trừ sư thúc tổ ra thì không ai dùng nó làm vũ khí cả...!Được rồi, các vị cứ thoải mái quan sát.

Dù có muốn làm hỏng kiếm thì cũng phải có khả năng cái đã."
Thời Kính Chi: "Phương trượng đại sư có nhấc được nó không?"
"Hiện giờ nhấc thì nhấc được, nhưng dáng người lão nạp thế này có đem đi dùng cũng không thoải mái.

Suy cho cùng cũng vẫn vô duyên." Giác Phi tiếc nuối vỗ vỗ bụng mình.
Thời Kính Chi hít sâu: "Được rồi, Tô Tứ, ngươi thử xem sao."
Tô Tứ: "Ừm."
Một giây sau Tô Tứ mới hoàn hồn: "Khoan đã, sao lại là ta trước?"
Thời Kính Chi trả lời nghiêm túc: "Tiên binh hậu lễ*, nặng trước nhẹ sau.

Biết đâu kiếm đá xem xong chấp niệm của ngươi thì lại khách sáo hơn với chúng ta chẳng hạn."
(*Chế từ câu tiên lễ hậu binh- dùng lễ nghĩa trước rồi dùng vũ lực sau)
Tô Tứ: "..."
Tô Tứ trông có vẻ rất muốn gào lên một câu rằng "Diêm Bất Độ còn cầm được nó thì cớ gì ta lại không thể".

Nhưng xét đến phương trượng Giác Phi còn quan sát đằng sau, hắn ta đành nhịn không nói, chỉ hít sâu một hơi rồi đàng hoàng đi lên thử nhấc kiếm.
Hắn lặp đi lặp lại hành động chạy trốn suốt mười năm chỉ vì chấp niệm.

Do đó nếu bàn về "chấp", thì hắn quả thực là kẻ tồi tệ nhất.
Hiển nhiên, kiếm đá cũng đồng ý với cách nhìn nhận của hắn.
Tô Tứ vừa mới chạm tay vào chuôi kiếm đã la lên thảm thiết.

Ánh sáng lóe lên, hắn bị đánh bay ra xa đôi ba trượng.
Mà khí thế của thân kiếm trên bệ đá lại bỗng chốc nghiêm hơn.

Tưởng chừng như nếu mọc được chân tay thì nó đã xắn tay áo, bước xuống bệ, và đánh cho Tô Tứ một trận tơi bời.
Giác Phi thán phục: "A Di Đà Phật, tiểu thí chủ giỏi dữ."
Doãn Từ: "..." Sau Không Thạch thì xỏ xiên đã trở thành truyền thống tốt đẹp của chùa Kiến Trần à?
Tuy nhiên đã có thể chứng thực một điều, Thời Kính Chi suy đoán không sai, chấp niệm của Tô Tứ nặng hơn người thường nên quả thực không thể cầm được kiếm.
Tô Tứ bò dậy một cách trầy trật, khuôn mặt đẹp trông méo mó lạ thường.

Hắn ta siết chặt thanh đao lóc thịt của mình và nghiến răng nghiến lợi: "Hừ, dù sao ta cũng đã có đao riêng."
Doãn Từ thở dài đánh thượt rồi liếc mắt sang phía Giác Hội vẫn luôn nhìn mình chăm chăm từ nãy: "Vậy để ta lên tiếp."
Có Tô Tứ đằng trước và Thời Kính Chi đằng sau, thì phản ứng của kiếm đá với y sẽ không gây ra quá nhiều sự chú ý.
...!Y không gợi ra tham sân si nên có khi chấp niệm cũng sẽ không nặng nề lắm.
Doãn Từ trấn định lại, gạt bỏ suy nghĩ ra khỏi đầu rồi tiến lên cầm chuôi kiếm.
Lúc này, kiếm đá không phản ứng quá nặng nề.

Nó không đánh bật Doãn Từ mà chỉ trở nên vô cùng lạnh lẽo, như thể ướp đá nghìn năm.

Không thể nghi ngờ, nếu Doãn Từ tiếp tục cầm thì tay y sẽ bị bỏng lạnh trong chốc lát.
Kiếm đá đang từ chối y một cách quyết liệt.
Trước khi thả tay, Doãn Từ vẫn ngoan cố định rút thử chốc lát.

Quả nhiên, kiếm nặng như chứa ngàn quân, không hề nhúc nhích.
Đúng là không thể trông cậy vào may mắn.

"Chấp niệm" của y không hiện hữu rõ ràng như Tô Tứ, nhưng suy cho cùng cũng là chấp niệm trăm năm, nên không thể lừa dối cho qua bài kiểm tra được.
"Không nhấc nổi.

Xem ra giác ngộ của ta chưa ra đâu vào đâu." Doãn Từ siết chặt nắm đấm hòng che giấu vết thương, nét mặt lại không hề biến sắc.
Giác Phi mỉm cười nhìn y, không nói lời nào.
"Đến lượt vãn bối rồi."
Thời Kính Chi giao cây cờ cho Doãn Từ rồi xoa xoa hai tay với vẻ mặt nghiêm trọng.

Thất bại của hai người vừa rồi đã chứng minh tình huống thiếu lạc quan.

Nếu không thể mang kiếm đi theo cách này, họ sẽ phải vắt hết óc mà tìm cho bằng được một cách khác để không làm mếch lòng các nhà sư.
...!Nói cách khác, họ sẽ phải lãng phí một số lớn thời gian không cần thiết.
Thời Kính Chi nín thở và thận trọng cầm chuôi kiếm như thể chạm vào một con thú dữ ngủ say.
Nhưng đầu ngón tay vừa sờ lên chuôi kiếm, Thời Kính Chi đã hộc máu đen.

Thuật phong ấn lóe lên, sáng đến mức tất cả mọi người đều thấy rõ.
Kiếm đá chỉ ra, dục cũng là chấp niệm.
Thời Kính Chi nghiến răng, gân xanh nổi chằng trên trán, nét mặt đau đớn không ngừng.

Hắn ép bản thân không được buông kiếm, gần như một cách tự ngược đãi kiên trì.
Dần dà, không chỉ thổ huyết, mùi da thịt cháy khét còn bắt đầu truyền ra từ tay hắn.

Thời Kính Chi gồng cơ bắp toàn thân, bắt đầu phóng thả nội lực, khí áp dội xuống ào ào nhưng kiếm đá vẫn trơ trơ như cũ.
Khoảnh khắc ấy Doãn Từ đã không phân biệt được, rốt cuộc buổi luyện tập cùng tham chủ là có lợi hay là có hại- Thời Kính Chi không chìm vào vô tri như trước, hắn đang kiểm soát dục vọng một cách cực kỳ tỉnh táo.

Nhưng ý chí hướng lên dục vọng càng mạnh, thì điên cuồng của hắn lại càng mãnh liệt.
Sau thời gian nửa nén hương, khí áp mà Thời Kính Chi phóng ra đã đạt đến cực hạn.
Đứng trước kiếm đá, dây cột tóc của hắn đã văng đi, để lại mái tóc dài bay xõa, tay áo phần phật lay.

Khóe môi còn dính máu đen máu đỏ, cặp mắt khóa chặt lên chuôi kiếm, nét mặt không hề có ý thoái lui.
Một sự kiên trì gần như ngu xuẩn.
Doãn Từ không cười nhạo hắn.
Lúc này đây, không biết trong mắt hắn là thanh kiếm đá, hay là thứ thiên mệnh không thể trái lời?
Không thể nghi ngờ, Thời Kính Chi có chấp niệm với sức sống của chính mình.

Nhưng kiếm đá vô tình.

Như một mặt gương, nó trả về toàn bộ ý niệm hừng hực của hắn.
"Cậu nhóc, buông tay!" Giác Phi lập tức quát lên, nét cười không còn trên khuôn mặt.
Tiếng quát chứa đầy chân khí của ông làm đầu óc người xung quanh chấn động.

Thời Kính Chi đứng dại ra, sức mạnh bắt đầu xuôi lại.

Ngay tại thời điểm Doãn Từ cho rằng hắn sắp buông kiếm, Thời Kính Chi lại nghiến răng cầm về.
Cùng lúc đó, kiếm đá phát ra một tiếng ầm trầm mạnh như tiếng chuông chùa.

Dưới khí thế của Thời Kính Chi, nó vẫn bất động tại chỗ, không hề chuyển động.
Doãn Từ xuyên qua khí thế của đối phương mà tiến lên mấy bước, tay y nhẹ nhàng áp lên mu bàn tay Thời Kính Chi.
"Sư tôn, đủ rồi."
Hiếm khi, giọng Doãn Từ mất đi vẻ châm biếm, chỉ còn lại sự nghiêm túc nặng nề.
"Chuyện đến nước này còn có ta cùng nghĩ cách với sư tôn.

Người đừng quên, làm quá sẽ chỉ khiến mọi việc hỏng bét."
Cuối cùng Thời Kính Chi cũng dời mắt.

Hắn nhìn Doãn Từ với vẻ do dự, đau đớn dần đọng lại trong mắt hắn, rồi chuyển hóa thành nuối tiếc bình thường.
Sau đó hắn từ từ buông tay và cất giọng khản đặc: "...!Ừ, vi sư vẫn nhớ."
"Nhớ là được." Doãn Từ nắm cổ tay Thời Kính Chi.

Bàn tay hắn bị bỏng đến rữa ra, máu thịt bầy nhầy làm Doãn Từ chỉ chực cau mày.
Thấy sắc mặt Doãn Từ không tốt, Thời Kính Chi cố tình nhấn mạnh: "Ta vẫn giữ sức mà.

Chúng ta đã hẹn tiếp tục chơi sa bàn tối nay..."
Doãn Từ ngắt lời hắn: "Chưa giữ đủ sức, tối không sa bàn.

Về ta bôi thuốc cho sư tôn, nếu sư tôn chịu đựng giỏi thế thì lát nữa cũng phải cố mà nhẫn cho ta."
Thời Kính Chi yên lặng, lát sau hắn mở miệng với vẻ không chắc chắn: "Ngươi nổi giận."
"Đúng."
"Ngươi giận vì ta."
Doãn Từ liếc nhìn hắn: "Vậy thì sao?"
"Đây là lần đầu ta thấy ngươi thật sự giận dữ." Thời Kính Chi trả lời một cách vừa nghiêm túc vừa ngắc ngứ, "Ngươi nói đúng, về nghĩ cách vẫn được...!Ta sẽ không tái phạm nữa."
Nhìn sắc mặt xanh tái của Thời Kính Chi, Doãn Từ không giận tiếp nổi: "Sư tôn về nghỉ ngơi một ngày rồi suy nghĩ về giới hạn của bản thân cho thỏa đáng đi."
"Thí chủ, Thời Kính Chi bị pháp khí của nhà Phật làm bị thương, nên hãy để ta lo cho cậu ấy." Thấy hai người phớt lờ hết thảy mọi người xung quanh, Giác Hội hắng giọng rồi lên tiếng.
"Vậy làm phiền đại sư." Lúc này Doãn Từ mới thả tay ra.
Cách đó mấy bước chân, phương trượng Giác Phi không còn bộ dạng tươi tỉnh hàng ngày.

Ông khẽ nhíu mày và nhìn Thời Kính Chi từ trên xuống dưới.
Thời Kính Chi ngồi khoanh chân dưới đất, Giác Hội ngồi sau lưng hắn, tiếp đó nín thở, tập trung, truyền chân khí vào huyệt đạo Thời Kính Chi.

Thời Kính Chi khạc ra máu đen, rồi sắc mặt mới hồng hào lên.
Hồi lâu, Giác Phi thở dài: "Thời chưởng môn, pháp ngôn chùa ta không dễ đối phó như vậy.

Pháp ngôn là vật chết, sẽ không có sát giới.

Ban nãy nếu Doãn thí chủ không ra tay thì lão nạp cũng sẽ phải ra tay, thí chủ mà còn không chịu tỉnh ngộ thì sẽ không chỉ dừng lại ở việc thương nhẹ thế này."
"Vãn bối chủ quan rồi."Thời Kính Chi quệt máu trên môi, quay đầu nhìn Doãn Từ, và ngoan ngoãn thừa nhận.
"Một trong hai chuyện mà thí chủ muốn hỏi lão nạp, có liên quan đến thuật phong ấn phải không?"
"Vâng."
"Đợi xử lý xong chuyện kiếm đá, lão nạp có thể thử xem giúp thí chủ.

Được rồi, mời vị tiếp theo." Giác Phi mở miệng mà không đợi Thời Kính Chi lên tiếng.
Diêm Thanh nghe vậy thì lùi một bước theo phản xạ: "Vãn bối không cần thử đâu.

Chưa nói tới Thời tiền bối và Doãn tiền bối thì chỉ riêng Tô Tứ cũng đã mạnh hơn vãn bối quá nhiều."
Thời Kính Chi bình tĩnh khuyên nhủ, rõ ràng không ôm nhiều hy vọng: "Thử một lần cũng không sao.

Diêm Thanh, phái chúng ta chỉ còn mình ngươi...!Bạch gia trông nhỏ thế này thì hẳn khó mà nhấc kiếm được."
"Đấy là kiếm của Không Thạch đại sư nên thể nào cũng..."
"Diêm Thanh, anh chấp niệm với công danh lợi lộc hay tửu sắc tài vận? Anh chấp niệm với quá khứ đã qua hay hận yêu tình thù?" Bỗng nhiên, phương trượng Giác Phi hỏi đầy nghiêm khắc.
"Vãn bối..."
"Đáp!"
"Không chấp niệm."
"Vậy anh chấp niệm với sinh lão bệnh tử, hay hỉ nộ ai nhạc?"
"Không chấp niệm, nhưng..."
"Không chấp niệm cái này, cũng không chấp niệm cái kia.

Không trách người khác, sân nộ tại mình.

Vậy vì sao anh không khoét cặp mắt quỷ kia ra, rồi từ đây gặp sao hay vậy?"
(*sân, nộ đều là giận dữ)
Nét mặt Diêm Thanh thay đổi.

Cậu ta trút bỏ bộ dạng rụt rè, giọng trầm xuống, như thể đã nghĩ đến vấn đề này từ lâu: "Con có cặp mắt quỷ trời sinh, không còn lựa chọn.

Người sinh ra vô tội, người khác không thích là việc của người khác, con lại chẳng làm điều gì sai trái cả thì tội gì phải tự hại thân mình?"
"Không hèn mọn không tự cao, rất tốt.

Vậy lão nạp lại hỏi anh, anh vì đâu mà giận?"
Diêm Thanh thở ra một hơi dài, cậu ta liếc nhìn Tô Tứ: "Vì bất lực."
"Anh không chấp niệm với bản thân, không vì chúng sinh một cách mù quáng.

Dù có phạm vào sân thì cũng là vì suy nghĩ cho người khác.

Vậy cớ gì anh lại không muốn thử?"
Càng nói, chân khí trong giọng ông càng dày, giọng điệu đã gần như xét xử công khai.
"Trước nói người sinh ra vô tội, sau lại tự nhận huyết thống mình bẩn thịu, không chạm được vào thanh kiếm này?"
Diêm Thanh im lặng.

Cậu ta thẳng thắn đối diện với Giác Phi, rồi nghiêm túc thi lễ: "Con xin nghe lời dạy bảo."
Dứt lời, không chờ Thời Kính Chi thúc giục, Diêm Thanh đã chủ động tiến lên bệ đá.
Cậu ta thở dốc, tay khẽ run lên.

Sau chốc lát ngập ngừng, cậu ta cầm chuôi kiếm.
Kiếm đá vẫn nằm nghiêng trong im lặng, không có hiện tượng gì xảy ra.

Ở tâm điểm tầm mắt của mọi người, Diêm Thanh đổ mồ hôi tay, đầu ngón tay hơi tê cứng, phải mất một lúc lâu mới bắt đầu vận lực.
Sau khi cầm chuôi kiếm, cậu ta hít sâu một hơi rồi dùng sức nhấc lên.
Rắc.
Mũi kiếm xoẹt qua nền đá tạo thành tiếng vang.

Tiếng vang này tuy không thể nói là êm tai, nhưng đã đủ để đánh thức một đoạn nhân quả còn say ngủ: thời khắc này, tràn qua trăm năm, nhân quả chuyển động thêm lần nữa.
Bụi bặm chèn trong kẽ hở nhiều năm bốc lên, vị đắng chát xen lẫn vào không khí.
Tình huống xảy ra ngoài dự đoán của Diêm Thanh làm cậu ta giật bắn mình, trượt tay đánh rơi thanh kiếm.

Kiếm đá chệch hướng, rơi thẳng xuống mu bàn chân.
Diêm Thanh kêu toáng lên, đau đến mức suýt thì bật khóc.
Giác Phi ngẩn người, rồi phá lên cười lớn: "Thằng nhóc nhà con dù không bị pháp ngôn trói buộc thì cũng phải nhớ mình đang cầm kiếm đá mạc viêm chứ.

Con dùng lượng sức vốn chỉ để cầm vật nặng bình thường thì dĩ nhiên là sẽ trượt rồi."
Diêm Thanh bị thực tế đập cho tỉnh cả người: "Con..."
"Mấy ngày trước lão nạp có nhờ ông bạn già tính cho một quẻ, đã sớm biết chuyến này nhất định sẽ gặp người hữu duyên, không ngờ lại chính là con...!Chà, ông trời thật khéo đùa người."
Giác Phi cười chán chê rồi lại chắp tay niệm A Di Đà Phật.
"Thời chưởng môn mang kiếm Từ Bi đi đi.

Bên ngoài không yên ổn, lão nạp cũng không muốn giữ manh mối về thị nhục ở trong chùa."
Giác Hội cũng thở phào: "A Di Đà Phật."
Chỉ có hòa thượng trẻ tuổi là trợn mắt há mồm.

Hắn hết nhìn đôi mắt của Diêm Thanh rồi lại nhìn thanh kiếm đá: "Sư phụ, đây dầu gì cũng là kiếm của đại sư Không Thạch mà..."
Giác Hội vỗ gáy học trò và cao giọng: "A Di Đà Phật..."
Hòa thượng trẻ tuổi chắp tay trong ấm ức, miệng lẩm bẩm: "Có khi cậu ta cũng chỉ di chuyển được có tí vậy thôi."
"Bốp!" "Ai ui!"
Giác Phi lại tươi cười như trước: "Kiềm chế đi sư đệ, chớ làm thằng bé ngu người luôn đấy.

Mà bàn luận về chuyện này thêm chút ít cũng được, tránh cho Diêm tiểu hữu không an lòng.

Ban nãy đúng là may mắn thật, tưởng đâu chân Diêm tiểu hữu đã nát như tương rồi chứ.

Giờ nhìn lại hóa ra chỉ gãy tí xương, chuyện nhỏ, chuyện nhỏ ấy mà."
Diêm Thanh: "..."
Phương trượng đây đúng là kỳ tài an ủi, Diêm Thanh được an ủi xong mà thấy hồn sắp lìa rời khỏi xác.

Cậu ta ủ rũ rút chân, thấy mu bàn chân đã sưng lớn.
Bên kia, sau khi chắc chắn có được thanh kiếm đá, Thời Kính Chi mềm rũ cả người.

Hắn thở dài thườn thượt: "Diêm Thanh, làm tốt lắm, tháng này thưởng gấp bội."
Tô Tứ thì ngẩn người nhìn Diêm Thanh, không lấy gì làm vui sướng: "...!Tam Tử, ta đã nói rồi, ngươi không cần bận tâm đến chuyện này."
"Không bận tâm không được."
Diêm Thanh vừa đáp vừa nhìn chằm chằm cái chân đau của mình.
"Lần nào gặp nguy hiểm ta cũng phải để người khác giúp đỡ.

Ngày bé là vậy, ở phái Thái Hành cũng là vậy, đến phái Khô Sơn cũng vẫn là như vậy.

Ta không muốn tiếp tục tình trạng này nữa.

Ta dẫu sao cũng là thế hệ sau của Diêm Bất Độ, không thể không có tí tư chất võ nghệ nào...!chứ nhỉ?"
Càng nói cậu ta càng không chắc chắn.
Giác Phi nhăn mặt: "Thí chủ thế này là xem thường kiếm Từ Bi của chùa ta hả?"
Diêm Thanh lập tức lắc đầu nguầy nguậy: "Không dám, không dám."
Sau đó, như đã hạ quyết tâm, cậu ta lấy lại bình tĩnh và tiếp tục nhấc thanh kiếm đá.

Tiếc rằng chân đã bị thương nên Diêm Thanh không thể cõng kiếm rời đi một cách tiêu sái như Không Thạch, mà chỉ có thể ấm ức coi nó thành cái gậy cho người già, rồi khập khiễng ra khỏi khu mộ tháp.
Lúc này, các hòa thượng ngoài sân đã có những biểu cảm vô cùng đa dạng.

Phương trượng Giác Phi vừa tươi cười vừa ném hết người này đến người kia đi, cuối cùng phải có đến chừng chục hòa thượng bị sai đến ngồi tĩnh tâm trong địa phận sân chủ.
Xử lý môn đồ xong xuôi, Giác Phi trông có vẻ cực kỳ sảng khoái.

Lúc về phòng ông uống liền ba bát rượu: "Ợ, quá đã!"
Giác Hội lắc đầu bất đắc dĩ: "A Di Đà Phật."
"Thời chưởng môn và Diêm tiểu hữu đều bị thương nên lão nạp sẽ nói ngắn gọn thôi.

Thuật phong ấn trên người Thời chưởng môn là thủ pháp của tông Mật Sơn, người thi thuật ít nhất cũng thuộc hàng trưởng lão."
"Thuật này phức tạp, lão nạp không giúp được gì.

Do có liên quan đến tinh thần và trí tuệ nên giải thuật sẽ đòi hỏi những công đoạn vô cùng tinh tế.

Chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến nhẹ thì ngu si, nặng thì bỏ mạng.

Nếu các vị không vội đi tìm thị nhục, lão nạp khuyên các vị hãy đến tông Mật Sơn trước đã."
Tô Tứ nhíu mày: "Thế không phải tự chui đầu vào rọ à?"
Giác Phi đánh cái ợ: "Tiểu hữu nhầm rồi.

Người của tông Mật Sơn phân tán khắp nơi, vốn chuyên tâm học, tập, thường không dính dáng đến tình thù thế gian.

Ta có người sư huynh say mê thuật pháp, sau đó vị này đã hoàn tục và xin vào tông Mật Sơn...!Nay ta viết bái thiếp* cho các vị, khả năng sư huynh vẫn bằng lòng đón tiếp."
(*bái thiếp: tấm thiếp dùng để thông báo đến thăm ai đó)
Tâm trạng Giác Phi xem chừng không tệ, ông tự rót cho mình thêm một bát rượu chay.
Thời Kính Chi: "Vì sao đại sư lại muốn chúng ta đến tông Mật Sơn trước?"
"Thuật phong ấn trên người thí chủ đã bị kích thích đến nên sẽ ngày càng khó giải quyết hơn.

Không xử lí nhanh thì về sau có đau đầu đến phát điên hay mất khả năng đi đứng cũng là điều dễ đoán."
"..." Biểu cảm mới vừa nhẹ nhõm của Thời Kính Chi đã lại thành căng thẳng.
Doãn Từ lại bình tĩnh gật đầu: "Đa tạ đại sư chỉ bảo."
"Các vị về xử lý vết thương rồi nghỉ ngơi cho khỏe đi đã.

Những chuyện vặt vãnh còn lại để ngày mai bàn tiếp.

À đúng rồi, Doãn tiểu hữu xin dừng bước.

Làm trò thì nên chăm sóc cho thầy, đúng chứ? Lão nạp muốn bàn luận với thí chủ chuyện phong ấn tiên môn.

Ôi chao, mấy người đau ốm các vị thì đừng ngoan cố ở lại làm gì, mau về nhanh đi."
Cái tay mập mạp của Giác Phi khua khoắng một hồi, Giác Hội lập tức hiểu ý và tiễn ba người còn lại của phái Khô Sơn rời đi.

Thấy nét mặt ôn hòa của Doãn Từ, Thời Kính Chi mới chịu lê chân ra ngoài cửa.
Đóng cửa xong xuôi, Giác Phi trút bỏ vẻ lười biếng thường ngày.

Ông đặt bát rượu xuống và ngồi nghiêm chỉnh.
Doãn Từ cũng bình thản ngồi yên.
"Sau khi trận Phật Tâm khởi động, lão nạp đã sắp xếp các hòa thượng ẩn mình trên mỗi núi.

Do đó lão nạp có biết về tâm ma của chư vị.

Chuyện trong quỷ mộ thì Giác Hội cũng đã báo rõ đầu đuôi gốc ngọn cho lão nạp nghe."
Giọng Giác Phi không hiền hòa mà cực kỳ nghiêm túc.

Truyện Bách Hợp
"A Di Đà Phật, lão nạp không biết lai lịch của thí chủ.

Tuy nhiên không thể nghi ngờ rằng tâm ma của thí chủ là thứ đáng sợ nhất lão nạp từng trông thấy, thậm chí đã có tướng nhập ma trong lời đồn."
Doãn Từ nhìn thẳng vào mắt đối phương và cất lời chậm rãi: "Đại sư tính toán thế nào?"
Y vẫn ngồi ngay ngắn, không hề có thái độ thù địch.

Chùa Kiến Trần là môn phái đối nhân xử thế thấu tình đạt lý nhất trong số các môn phái võ lâm, người chùa họ sẽ không lỗ mãng mà hở ra là đòi đánh đòi giết.

Thậm chí Giác Phi còn tìm cớ để y ở lại, thoạt trông không có vẻ muốn gây khó dễ cho y.
Lúc này thể hiện thái độ không đúng mực sẽ chỉ để lại ấn tượng xấu trong lòng hòa thượng mà thôi.
Quả nhiên, Giác Phi lắc đầu: "Một người hễ có trạng thái nhập ma, thì về lý thuyết đều nên vào địa lao, cách ly với mọi người.

Có điều tâm ma của thí chủ rất quái, lão nạp chưa thể nhìn rõ căn nguyên, cũng không thể dễ dàng ra quyết định...!Chà, nói ra thì xấu hổ, nhưng trình độ của lão nạp đúng là vẫn chưa đến nơi đến chốn."
Lần đầu tiên, khuôn mặt tròn của Giác Phi để lộ cảm xúc chán nản.
"Lão nạp không nhìn thấu nhân-quả của thí chủ, nên chỉ có thể dùng chân thành đổi lấy chân thành, mà xin thí chủ cho một lời hứa hẹn."
Doãn Từ vỡ nhẽ: "Chẳng trách phương trượng đại sư thoải mái đáp ứng chuyện bái thiếp.

Vậy dám hỏi đại sư muốn hứa hẹn cái gì?"
"Sư thúc tổ Không Thạch có thể làm Diêm Bất Độ cõng kiếm đá lên núi, thì hẳn đã công đức viên mãn mà viên tịch chứ không phải là uổng mạng.

Diêm Bất Độ giết người như ngóe, song đến cuối cùng còn có thể buông bỏ được chấp niệm của mình.

Thí chủ còn trẻ, tự khắc sẽ có duyên phận và nhân quả, không đến mức không còn đường cứu vãn."
"Nhưng theo lão nạp quan sát thì duyên trần của thí chủ hoàn toàn dính dáng đến Thời chưởng môn.

Song tình trạng cơ thể Thời chưởng môn không tốt, lại thêm thuật phong ấn làm tổn hao sức khỏe.

Bởi thế, thí chủ cần phải hứa với lão nạp...!nếu Thời chưởng môn không may chết yểu thì thí chủ cũng phải giữ lấy mối trần duyên ấy, chớ đừng giết hại chúng sinh."
Càng nói, chân khí trong giọng ông càng dày, làm chữ sau luôn nặng hơn chữ trước.
Doãn Từ mỉm cười, càng cười càng rộ.

Quả nhiên là thân cốt như ngọc, nụ cười như lan.

Chẳng qua đẹp thì đẹp đấy, nhưng lại đẹp một cách méo mó dị thường.
Giác Hội chùng mặt xuống, vừa toan tiến lên thì bị Giác Phi cản lại.

Giữ nguyên tư thế ra hiệu bằng bàn tay béo mập, phương trượng Giác Phi cau mày nói với Doãn Từ: "Vì sao thí chủ không trả lời lão nạp?"
Doãn Từ đứng dậy, nụ cười vẫn đậu trên môi: "Vì ta đáp hay không thì các ngươi cũng sẽ trợ giúp Thời Kính Chi.

Cao tăng chùa Kiến Trần tuyệt đối sẽ không đem tính mạng người vô tội ra uy hiếp người khác."
Dùng chân thành đổi lấy chân thành à, chẳng thà nói là dò xét.

Xét xem liệu y có bằng lòng xuống nước mà dùng thiện chí báo đáp thiện tâm không, chỉ tiếc...
"Thiện chí của ta chỉ đến được mức 'không nói dối' mà thôi.

Đại sư, ta không thể hứa với ngươi một chuyện chưa chắc ta đã làm được."
Bước chân Doãn Từ hướng về phía cửa phòng, giọng nói bình thản của y vọng lại vào trong.
Muộn rồi.
Lời thỉnh cầu của Giác Phi đã đến muộn.

Nếu Thời Kính Chi là một kẻ xoàng tẻ nhạt, hoặc chỉ cần lời thỉnh cầu được thốt lên lúc mới gặp lại Thời Kính Chi thôi, là y cũng đã kịp vứt bỏ những chuyện phàm trần, để mà bình tĩnh thực hiện lời đã hứa.
Có điều xuất thế bao nhiêu khó, nhập thế dễ bấy nhiêu.
Lửa sống của người kia bùng lên quá mạnh, lại chủ động gỡ bỏ dần những lớp phòng bị của mình.

Bởi thế, ngoại trừ tiếp tục làm thiêu thân lao đầu vào lửa, thì dường như y đã không còn lựa chọn nào khác nữa.
Hai mươi tư năm trước, y may mắn giữ được chút lý trí cuối cùng sau khi bị nhóc câm bỏ lại nhân gian, nhưng bản thân y đã trở thành người bội hứa.

Đến nay y tiếp tục đưa ra thêm một lần cùng một lời hứa hẹn, nếu Thời Kính Chi lại "chết yểu" trước mặt y...
Thì với y, phát điên sẽ dễ dàng hơn, và cũng sẽ nguy hiểm hơn cái chết.
Doãn Từ đi tới cửa thì dừng.
"Nếu chuyện thật sự không thể vãn hồi, thì nhớ xây cho ta một ngục giam thượng hạng, dùng đá mạc viêm lấp kín bốn phương.

Từ đây tách khỏi loài người, không bao giờ thấy mặt trời được nữa...!Cứ thế là được."
Phương trượng Giác Phi mỉm cười, hồi lâu ông lại chắp hai tay: "Vì 'thí chủ'?"
"Vì 'chúng sinh'."
_____
Tác giả có lời:
Thời chưởng môn: May may, suýt thì cho Bạch gia lên thật.
Doãn ma đầu: Không trách Diêm Bất Độ được, hòa thượng đúng là phiền.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui