Hội trại của sinh viên, hoàn toàn do sinh viên tự lên chương trình, nên nó luôn mang sự mới mẻ đặc sắc. Không như những đợt cắm trại trước, nó mang đến cho tôi sự hào hứng nhất định.
Khởi động buổi sáng với trò giải mật thư. Nhận câu hỏi từ trạm thứ nhất, chúng tôi kéo nhau ra bãi đất trống. Một câu đố không quá khó, mật thư được mã hoá dưới dạng kiểu chữ Telex.
Timxnguowifmawjasotrawsng!
- Tìm người mặc áo trắng! - Câu trả lời xuất hiện.
Chúng tôi chia nhau ra quan sát, phát hiện trạm thứ hai, có chị phụ trách mặc chiếc áo trắng sáng ngời ngời. Cả đoàn xúm lại, đưa câu giải đáp.
- Muốn vượt qua trạm này để nhận câu hỏi, phải hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiệm vụ trạm này là nhiệm vụ vận động. Chúng tôi chia nam nữ, nam chống tay xuống đất, nữ đỡ chân như xe cút kít đi một đoạn đường nhất định. Đến đích sẽ treo một quả thơm đã được gọt vỏ, và nam không dùng tay, cắn được một miếng từ quả thơm đó, với thư thế như cũ.
- Ế, được rồi Thương! - Tôi quay lại khi Thương giữ hai chân tôi đẩy quá vạch đích.
Cố há miệng thật to, nhưng quả thơm treo bởi sợi dây không thể cố định, cứ tuột ra khỏi cú cắn thần thánh của tôi, đung đưa, làm tăng thêm độ khó. Thương có vẻ mệt khi không chịu nổi trọng lượng của tôi, mồ hôi toát ra. Tôi âm thầm tính toán chắc Thương sắp đầu hàng, nên buộc lòng phải giở trò tiểu nhân.
Tranh thủ lúc những người phụ trách không để ý, tôi dùng hết sức nghiêng người qua bên tay thuận đỡ thân người, đưa tay giữ quả thơm, nhanh nhẹn cắn một miếng thật to trước khi tiếp đất cái uỳnh. Thương không giữ nỗi hai chân tôi nên buông ra, tôi lăn thêm một vòng, đất cát dính đầy quần áo.
- Người kế! - Đúng lúc anh chàng giám sát chung với bà chị áo trắng báo hiệu cho qua.
Tôi đứng dậy, phủi quần áo, rũ những hạt cát dính trên người, nhìn thấy Thương nhăn nhó ôm cổ tay.
- Này có sao không vậy?
Thương thấy tôi hỏi, vội cất ngay bộ mặt đau đớn đấy, nở vội nụ cười:
- Không sao đâu!
Tôi thần người nhìn cô bạn giấu tay phải đằng sau lưng, chắc là trong lúc tôi giở trò tiểu xảo, thì cổ tay Thương chịu lực mạnh nên đau.
- Qua trạm, câu hỏi đây! - Tiếng người phụ trách hét lớn.
Chúng tôi lại rồng rắn kéo nhau ra giải câu hỏi hóc búa, vượt qua những trạm có những thử thách quái dị. Nam nữ kẹp bóng, vượt chướng ngại vật trên con đường giăng đầy nước với bột mì, kể cả thi ăn...Cứ như thế khi đến trưa, mặt trời nắng vàng rực rỡ thì mới dừng lại. Trông đứa nào cũng như thổ dân, mặt lấm lem đất, cát và cả bột mì.
- Trại một nhận cơm! - Thằng Phong dường như không biết mệt, thoăn thoắt chia cơm ọi người.
Tôi ngoái sang nhìn Thương, hộp cơm để dưới nền trại, chưa hề được nâng lên.
- Này Phong, mượn cái băng đô đi!
- Làm gì hả?
- Có việc!
Thằng bạn cũng chẳng hỏi nhiều vì sợ tốn thời gian, trong khi mấy cái miệng đang nhao nhao đòi cơm vì đói. Có lẽ lâu lắm cả lớp tôi mới vận động nhiều như vậy. Tôi nắm cái băng đô trên tay, mang theo hộp cơm lại ngồi cạnh Thương.
- Chìa tay ra! - Tôi gằn giọng nói nhỏ, chỉ đủ để hai đứa nghe thấy.
- Làm gì vậy?
Thương cứ hỏi, nhưng vẫn ngoan ngoãn chìa cái tay ra cho tôi.
- Tay kia kìa! - Tôi hất hàm về cái tay bị đau đang ép vào người của Thương.
- ...! - Thương vẫn im lặng.
Tôi đặt chiếc băng đô lên cổ tay Thương, quấn nó mấy vòng rồi thắt lại. Coi như xong, mặc dù không biết nó có hiệu quả gì haykhông, không khéo lại làm cô bạn đau thêm nữa ấy chứ.
- Ăn cơm thôi! - Tôi xoa tay mở nắp hộp cơm, đưa lên ăn ngấu nghiến.
Thương cũng mỉm cười, làm theo y chang, nhưng được một lúc, cái cổ tay đau nên cô bạn lại đặt hộp cơm xuống. Tôi nhìn thấy,cũng đặt hộp cơm xuống, cúi người xuống ăn.
- Khà, ngon! - Tôi cố tình gây sự chú ý.
Thương phì cười, rồi cũng làm theo y chang tôi. Trong lớp, chỉ có hai đứa tôi là ăn theo kiểu nửa bò nữa ngồi này chứ đâu.
Nếu buổi sáng là buổi mang đến những trò chơi thú vị, thì buổi chiều mới là buổi kinh khủng. Cái trò mà khơi ra điểm yếu cố hữu có thể khiến tôi tự ti: Tắm biển và những trò vận động với nước.
Tôi không biết bơi!
Kể về nguồn cơn của việc tôi không biết bơi thì rất dài, và cũng một phần liên quan tới lão anh trời đánh của tôi. Vốn dĩ là lão biết bơi, nên Ba tôi phân công tập bơi cho tôi, lúc ấy cũng chỉ tầm vào lớp sáu. Khốn nạn thay, lão không coi đó là nhiệm vụ vinh dự mà coi tôi là thằng của nợ rách việc. Bởi thế, cứ mỗi lần thấy tôi nì nèo dạy bơi, là ông anh tôi cũng cười nham hiểm đỡ tôi ra mực nước tôi không đứng được, rồi buông tay, để mặc thằng em tay chân vung loạn xa. Khi nào tôi no nước thì lôi tôi lên, cứ như thế năm lần bảy lượt tôi thấy không có kết quả nên đành phải từ bỏ. Sau này tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện sẽ học bơi nữa, vì thực sự bơi là nỗi ám ảnh.
- Ê, xuống bơi mày! - Thằng Tùng đi ngang qua vỗ vai.
- À...ừ, xuống trước đi, tao xuống giờ đấy!
- Ê, làm gì nữa, xuống bơi mày! - Thằng đội trưởng đội banh đi ngang qua.
- Xuống giờ đây!
Tôi đuổi khéo mấy thằng bạn đi trước, ngồi trên bãi cát ngắm tụi cùng lớp. Đưa mắt nhìn quanh, cũng có vài thằng ngồi như tôi, chắc là cũng chả biết bơi là gì, thế nên tôi cũng an tâm ít nhiều. Đưa cánh tay vơ cát ướt, tôi ngồi chơi trò tạo hình nghệ thuật.
- Bắt lấy nó! - Tiếng hét như sấm rền bên tai.
Chưa kịp phản ứng xem tiếng hét ở đâu, tôi đã bị mấy thằng con trai cùng lớp nhấc bổng lên y chang một con heo, chúng nó khiêng tôi ra xa bờ, bắt đầu đếm.
- Một...!
- Ấy, tao không giỡn!
- Hai...! - Có vẻ không ăn thua.
- Tao không biết...!
- Ba...!
- Tủm...!
Chưa kịp tự thú, tôi đã bị hất xuống nước , miệng đang há lên nên nuốt bao nhiêu là nước, tay chân đập quờ quạng khi trước mắt tối thui, tai ù đi vì nước chui vào làm não nhức nhối. Bong bóng sủi liên tục trước mặt. Cố gắng đưa tay lên quá khỏi mặt nước làm tín hiệu cứu hộ. Chân quờ quạng cố tìm điểm tựa.
Chân tôi đạp được điểm tựa, cố gắng giữ thăng bằng khi sóng biển đánh qua. Ngoi mình lên khỏi mặt nước, nước chỉ ngập chưa đến mũi tôi.
- Ha ha, này thì trốn này! - Tiếng mấy thằng bạn cười khả ố.
Tôi xoa mặt khi nước từ tóc chảy xuống, cố gắng nhổ nước biển mặt chát đang ứ trong cuống họng ra ngoài. Mặt đỏ lên vì tức và xấu hổ. Hoá ra mấy thằng bạn đã nghi tôi không biết bơi nên cố tình chơi đểu.
- Này thì không biết bơi! - Một tràng cười dài đằng đặc.
- Chúng mày chết với tao! - Tôi gào lên tức tối.
Hiển nhiên tôi đâu có ngu khi đối đầu với đám đông, trong khi chúng nó bơi như rái cá, còn tôi bơi theo kiểu minh hoạ cho vui. Tôi có cách trả thù khác.
- Bắt lấy nó! - Tôi hét lớn lên.
Thằng bạn cùng lớp đang ngồi thơ thẩn trên bờ không hiểu chuyện gì xảy ra thì cũng bị ném xuống biển hệt như tôi. Tôi trở thành kẻ chỉ điểm, nhập bọn với những thằng cười khả ố.
Chơi chán, tôi lên bờ xoải hai tay lên nằm phơi nắng. Sóng biển đánh vào người mát rượi, cứ như trên thế gian này chẳng cóchút gì gọi là buồn. Tai nghe tiếng sóng dư dương, tiếng cười vui tươi vang vọng.
- Lôi cổ nó xuống!
- Lôi anh Tín xuống! - Bông Xù chỉ đích danh tôi.
Lần này chúng nó không ném tôi xuống biển nữa. Chúng nó đào sẵn một hố cát thật to, thả tôi cái phịch như chôn một con heo. Trai gái có cả, hùa nhau đẩy cát xuống, cuối cùng tôi tồn tại trên thế gian với thân hình vùi dưới lòng đất, còn cái đầu thò ra ngoài.
Khốn nạn hơn, thằng Tùng còn đắp cho ngực tôi nhô lên, ở phía dưới nó vẽ cái mảnh quần bơi dành cho phụ nữ. Trang trí xong đâu đấy, chúng nó ùa nhau vào chụp hình đủ mọi tư thế. Bông Xù còn nể tình anh em, chụp riêng một tấm đạp chân lên bụng tôi, tay giơ kí hiệu chiến thắng thoả mãn.
- Bọn vô ơn!
Tôi gào lên khi thấy tụi nó kéo nhau đi hết, không ai chịu lôi tôi dậy. Phần vì cái hố quá sâu, cát ngấm nước biển nên nặng, phần vì bao nhiêu năng lượng đã cạn sạch, tôi gồng mình mấy cái rồi chịu thua, thở dài hồng hộc.
“Đứa nào không để ý, dễ đạp mặt mình như chơi!”.
Bỗng có cánh tay chìa ra, khuôn mặt người đó che đi ánh mặt trời nên tôi chẳng thể trông thấy được.
- Không có tay bắt đâu!
Thương cúi xuống, đào cánh tay phải tôi lên, tôi nắm tay cô bạn vươn mình ra khỏi hố cát, thở phào nhẹ nhõm.
- Cảm ơn nhé!
- Không có gì, mình cũng chụp ké ảnh mà!
- À, à.! - Tôi tiến sát lại gần, khuôn mặt đầy vẻ manh động. Cô bạn cảm thấy điều chẳng lành bất giác lùi ra sau.
Tôi đưa hai tay đặt vào vai Thương, dùng chút sức còn lại đẩy cô bạn xuống biển. Thương té nhào xuống nước, sóng biển đánh vào người, đầu tóc cô bạn khẽ rối xù cả lên. Thương hai tay che mình trước những đợt sóng, tìm cách lên bờ, ngồi úp mặt xuống.
- Này, giỡn thôi mà, có...sao không?
- ...!
- Này, xin lỗi thôi, gì mà...! - Tôi bắt đầu bối rối.
Thương vùng dậy, dùng hai tay đẩy tôi té nhào xuống nước:
- Ha ha..! - Cô nàng cười có vẻ khoái chí.
Tôi vùng dậy, vuốt mặt, ngẩn người trước mưu ma chước quỷ của cô bạn. Thương đứng một tay chống nạnh, mái tóc vấn cao nay thả dài, đôi mắt trong veo:
- Huề nhé!
- Huề à, đùa !
Thương lè lưỡi chạy biến đi nhập hội với Bông Xù, để mặc tôi nhìn đằng sau, mặc luôn sóng biển đánh vào người. Tôi vốc nước rửa cát dính vào người, rồi cũng lật đật chạy lại với tụi bạn thi kéo co.
- Một hai ba!
Tôi nghiến răng trèo trẹo, cố gắng nắm thật chặt cái dây thừng ra sức kéo mạnh, khiến thằng Phong cũng phải đưa cái mặt nó ra xa vì sợ. Thương với Bông Xù ở trước mặt tôi cũng cười khúc khích.
Kéo co dưới nước đúng thật là phải dùng toàn bộ sức mạnh cơ bắp, bởi vì di chuyển dưới nước tốn rất nhiều sức. Thế nên sau một hồi lâu giành qua giật lại, cái khăn quàng ở giữa vẫn cân bằng, chẳng hể dịch chuyển.
- Nghe tao! - Tôi thều thào.
- Nghe gì? - Mấy đứa quay đầu lại, tay vẫn cố gắng giữ giây.
- Đếm đến ba, buông tay!
- Ok, chơi tới bến! - Thằng Hùng đội trưởng đội banh nháy mắt đồng ý.
Tôi cố định vừa giọng, dõng dạc đếm.
- Một Hai, Ba...!
Sau tiếng đếm là hàng loạt tiếng tủm khi cả đống người rơi xuống nước. Tôi mất thăng bằng, trời xanh đảo lộn quay cuồng, rồi bọt nước văng lên, rồi cả người chìm vào màu đục của nước biển. Đoàn người đè lên nhau ngả xuống nước. Tôi chỉ thấy cái băng đô trên tay người đè trên tôi.
Hoá ra, bên tôi âm mưu thả dây, thì bên kia cũng vậy, kết cục cả hai hãm hại lẫn nhau, té ào xuống nước. Ông anh trọng tài chỉ còn nước lắc đầu trước những âm mưu kinh hoàng.
- Này, anh nhường em hộp cơm đi, em không ăn cá đâu! - Bông Xù nhõng nhẽo.
Tôi cười trừ với cô em gái, đổi hộp cơm. Thương cũng đẩy hộp cơm lại về phía tôi.
- Đổi với Thương đi, Thương không ăn thịt đâu!
Tôi nheo mắt tỏ ý nghi ngờ.
- Thật đấy!
- Thật hả?
Tôi chia phần thức ăn của tôi ra làm hai, một phần đưa vào hộp của Thương, rồi chia đôi miếng sườn trong hộp cơm của Thương, chuyển vào hộp cơm mình.
- Em cũng đổi! - Bông Xù nhất quyết kì kèo với anh trai.
Thế là ba chúng tôi lại tự chia phần thức ăn của mình ra làm ba, chia cho nhau. Cứ thế cứ vừa ăn vừa cười.
Tôi đi lang thanh dọc bãi biển đêm, nước lùa vào chân mát rượi. Đi mãi, thơ thẩn trên những nền cát ướt mềm.Trên bầu trời, thưa thớt ánh trăng chiếu xuống, không khí bình yên như một giấc mơ. Ở ngoài kia, sóng biển rì rào hoà chung với những đợt gió rít lên từng hồi không làm tôi sợ hãi, trái lại nó có cái gì đó rất là quen thuộc.
Đút hai tay vào túi quần, tôi một mình tản bộ trên con đường của riêng mình. Tiếng loa ở trại vọng ra đầy vẻ kích thích. Chắc giờ này, mọi người đang vui vẻ thi phần hoá trang nên chẳng có ai ra ngăn cả tôi cả.
Dừng chân trên một bãi đá lớn, tôi ngả mình nằm trên tảng đá. Cái mát lạnh từ tảng đá thẩm thấu qua làn da khiến tôi rùng mình. Nhắm mắt, hương vị mặn mà của biển quấn quanh mũi.
- Dám té nước vào Dung à?
- Ừ, thì dám đấy, làm gì nào!
- Để đấy, biết tay! - Dung chụm hai tay, hất những giọt nước long lanh vào người tôi.
- Này, anh trai, nghĩ gì mà cười thế?
Giọng Bông Xù khẽ vang lên bên tai, khiến tôi giật mình choàng tỉnh. Hoá ra là tôi mơ.
- Không có gì, mà sao em ra đây!
- Không thấy anh đâu nên em kiếm!
Tôi lại ngả người nằm trên tảng đá, Bông Xù kế bên, hai tay bó gối ngồi ngắm trăng.
- Anh kể cho em nghe chuyện gì đó đi!
- Kể chuyện gì giờ? - Tôi nhắm mắt lim dim.
- Chuyện gì cũng được, kể cho em bớt nhớ anh Hai! - Giọng Bông Xù bồi hồi.
Tôi hiển nhiên không thể từ chối, mở mắt ngước nhìn ánh trăng. Chẳng thể nào tìm được một câu chuyện hay vào lúc này.
- Giờ anh Ba sẽ kể cho em nghe!
Bông Xù ngồi im, khuôn mặt cũng bớt đi nỗi buồn lắng nghe.
- Ngày xửa ngày xưa..!
- Ơ, chuyện cổ tích à? - Bông Xù giãy nảy phản ứng.
- Cổ tích nào, có nghe không!
Bông Xù ngồi im, tập trung chăm chú. Tôi hắng giọng, hít một hơi, vận nội công.
- Ngày xửa ngày xưa, trên bờ biển tối om, trời không trăng không sao. Siêu nhân Gao cũng không có..
Bông Xù đưa mắt nhìn tôi, định hỏi sao lại có siêu nhân Gao ở đây, nhưng sợ mất cảm hứng nên chăm chú lắng nghe tiếp.
- Có chàng hoàng tử với Công chúa đi dạo trên bờ biễn. Họ đang tung tăng nắm tay nhau thì bỗng nhiên Công chúa thét lớn lên :” Quái Vật”.!
- Có thật à anh!
- Không, tất nhiên là không, chỉ là cái vỏ chai nhựa dạt vào bờ thôi.
- Xí, anh vô duyên quá!
Tôi không chú ý, tiếp tục câu chuyện:
- Chàng hoàng tử động viên Công chúa, rồi họ tiếp tục đi, đi mãi, cứ đi trên bờ cát dài.
- Rồi sao nữa? - Bông Xù tò mò.
- Rồi hết, vì lúc đó họ đi vào đêm tối, chẳng ai thấy họ nữa. - Tôi nhún vai.
- Vô duyên không? - Bông Xù hai tay chống nạnh, tức anh ách. Tôi phì cười đắc chí.
- Thế rồi sao, họ hạnh phúc thế thôi hả?
- Không, rồi chàng hoàng tử yêu công chúa khác! - Tôi thở dài.
- Anh nữa, lại vô duyên.
- Thật mà...! - Tôi bĩu môi.
- Rồi họ hạnh phúc với nhau!
- Không luôn, rồi chàng hoàng tử chẳng yêu ai nữa cả.
Bông Xù nhéo tôi một cái ngang hông, đau thấu xương, tôi bật dậy la oai oái.
- Cả đời em, chưa thấy truyện nào công chúa không được lấy hoàng tử.
- Hề hề, truyện của anh nó phải khác chứ..!
Bông Xù không thèm nói chuyện với tôi, lôi ra cái vỏ ốc chẳng biết kiếm được từ đâu, áp tai vào nghe, khẽ mỉm cười. Có lẽ tiếng sáo vi vu, hợp âm của biển là bản tình ca hay nhất mà Bông Xù muốn được nghe. Tôi nhìn cô em gái, đôi mắt buồn rười rượi.
“Thằng Hoàng tử giờ đang ngồi ở đây này”!
Trong câu chuyện cổ tích có siêu nhân Gao ấy, thằng Hoàng tử chẳng bao giờ đến được với bất kì người công chúa nào. Có lẽ đúng như Bông Xù nhận xét “ quá vô duyên”. Có lẽ duyên số thằng Hoàng tử ấy chưa đến, hoặc hai cô công chúa ấy không phải là người mà nó tìm kiếm.
Trong đêm tối, biển vẫn rì rào, như người kể tình ca.!