Những mưu sâu của Nhạc Bất Quần
Nguyên Mẫn Túc là ông tổ phe Khí tông, Chu Tử Phong là ông tổ phe Kiếm tông. Việc phái Hoa Sơn chia thành hai phe đã xẩy ra lâu năm rồi.
Phương Chứng đáp:
- Mẫn, Chu hai vị không được Hồng Diệp thiền sư ưng thuận rồi việc hai vị coi Quỳ hoa bảo điển sau bị thiền sư phát giác. Lão nhân gia đã biết võ học chép trong Quỳ hoa bảo điển tinh thâm bát ngát, ảo diệu vô cùng. Chính người đã phí công mấy chục năm trời còn chưa thông hiểu thì hai vị Mẫn, Chu đọc nghiến ngáu, câu được câu chăng, nhất định sẽ thành mối hậu họa quan trọng khôn lường. Lão nhân gia liền phái một vị đệ tử đắc ý nhất là Ðộ Nguyên thiền sư lên núi Hoa Sơn khuyến dụ hai vị Mẫn, Chu không nên luyện tập những môn võ học trong bảo điển.
Lệnh Hồ Xung hỏi xen vào:
- Chắc hai vị tiền bối Mẫn, Chu không chịu tuân theo?
Phương Chứng đáp:
- Nghĩ cho kỹ thì vụ này không nên trách hai vị Mẫn, Chu. Bọn ta là người theo võ học, nhất định vớ được bí lục về võ nghệ cao siêu khi nào lại không luyện tập? Lão tăng đây đã mấy chục năm thanh tịnh mà một khi nghĩ tới võ học trong Quỳ hoa bảo điển cũng không khỏi nổi lòng trần tục. Vừa rồi Xung Hư đạo huynh đã cười cho. Ðến mình còn thế huống chi những vị võ sư thông thường?
Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:
- Dè đâu Ðộ Nguyên thiền sư đi chuyến đó lại xẩy chuyện bất ngờ.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Phải chăng hai vị Mẫn, Chu đã có điều thất kính đối với Ðộ Nguyên thiền sư?
Phương Chứng lắc đầu đáp:
- Không phải thế! Ðộ Nguyên thiền sư lên núi Hoa Sơn rồi, hai vị Mẫn, Chu tỏ ra rất kính trọng thiền sư và thừa nhận đã coi lén pho Quỳ hoa bảo điển. Một mặt hai vị ngỏ lời tạ lỗi, một mặt đem những môn võ học trong kinh ra thỉnh giáo thiền sư. Ai ngờ Ðộ Nguyên thiền sư tuy là một vị đệ tử đắc ý nhất của Hồng Diệp thiền sư mà chưa được truyền thụ môn võ học trong bảo điển. Hai vị Mẫn, Chu cho rằng nhất định Ðộ Nguyên thiền sư đã tinh thông những môn võ học chép trong bảo điển. Hai vị có biết đâu Hồng Diệp thiền sư có thâm ý khác. Ðộ Nguyên thật sự không hiểu gì hết. Khi nghe hai vị đọc thuộc kinh văn thiền sư buột miệng giải thích theo ý nghĩ của mình. Ðồng thời Ðộ Nguyên cũng ngấm ngầm ghi nhớ vào lòng. Thiền sư là một tay bản lãnh cực cao lạo có trí hơn người. Lão nghe nói một câu kinh văn liền diễn giải một tràng dài rất trơn tru nên hai vị Mẫn, Chu khâm phục lắm.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Vậy ra Ðộ Nguyên thiền sư học lại kinh văn trong bảo điển ở nơi hai vị Mẫn, Chu hay sao?
Phương Chứng gật đầu đáp:
- Ðúng thế! Có điều hai vị Mẫn, Chu đã chẳng nhớ được bao nhiêu mà lúc thuật lại còn giảm đi một ít. Nghe nói Ðộ Nguyên thiền sư ở lại trên núi Hoa Sơn đến bảy tám ngày rồi mới từ biệt ra đi. Nhưng từ đó thiền sư không trở về chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền nữa.
Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi:
- Ðộ Nguyên thiền sư không về chùa Thiếu Lâm thì đi đâu?
Phương Chứng đáp:
- Ngày ấy không ai hiểu tông tích thiền sư. Sau đó ít lâu, Hồng Diệp thiền sư nhận được phong thơ của Ðộ Nguyên thiền sư nói là không nén nổi lòng trần, quyết ý trở về cõi tục nên không còn mặt mũi nào trở về gặp sư phụ...
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
- Việc này thật ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.
Phương Chứng lại nói tiếp:
- Vì vụ này mà giữa Hồng Diệp thiền sư cùng phái Hoa Sơn thành ra có nhiều mối hiềm khích. Việc đệ tử phái Hoa Sơn coi được Quỳ hoa bảo điển cũng đồn đại ra ngoài.
Phương Chứng thở dài nói tiếp:
- Cách đó vài chục năm mười vị trưởng lão ma giáo kéo đến tấn công phái Hoa Sơn.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Vụ mười vụ trưởng lão ma giáo kéo đến tấn công phái Hoa Sơn vãn bối chưa từng nghe ai nói tới.
Phương Chứng đáp:
- Tính ra hồi ấy sư phụ của thí chủ cũng chưa ra đời. Mười vị trưởng lão ma giáo kéo đến tấn công phái Hoa Sơn cũng chỉ vì mục đính muốn lấy pho Quỳ hoa bảo điển. Khi ấy phái Hoa Sơn thế cô sức yếu, không chống nổi ma giáo liền liên kết với bốn phái Thái Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn và Hành Sơn. Cái tên Ngũ nhạc kiếm phái bắt đầu có từ đấy.
Phương Chứng đại sư ngừng lại một chút rồi kể tiếp:
- Lần thứ nhất cuộc đại chiến diễn ra ở chân núi Hoa Sơn. Bọn trưởng lão ma giáo cúp đuôi mà chạy. Nhưng năm năm sau mười vị trưởng lão sau khi nghiên cứu được cách phá giải những chỗ tinh thâm trong kiếm pháp của Ngũ nhạc kiếm phái lại kéo đến núi Hoa Sơn tấn công lần thứ hai.
Lệnh Hồ Xung nghe tới đây, sực nhớ đến những thi hài ở hậu động trên ngọn núi sám hối, cùng những võ công kiếm pháp khắc trên vách đá bất giác chàng la lên một tiếng ủa.
Phương Chứng hỏi:
-Thì sao?
Lệnh Hồ Xung đỏ mặt lên đáp:
- Vãn bối đã chặn lời phương trượng, xin phương trượng tha thứ cho.
Phương Chứng gật đầu nói tiếp:
- Lần này mười vị trưởng lão chuẩn bị sẵn sàng. Trước khi kéo đến Hoa Sơn họ đã nghĩ cách phá giải kiếm thuật của Ngũ nhạc kiếm phái đến chỗ tinh diệu. Hai phe quyết đấu, Ngũ nhạc kiếm phái thất bại chua cay. Nghe đâu pho Quỳ hoa bảo điển chép lại đã lọt vào tay ma giáo nhưng mười vị trưởng lão ma giáo cũng không còn sống mà rời khỏi núi Hoa Sơn. Chúng ta tưởng tượng cũng đủ rõ cuộc ác chiến này nhất định thảm khốc phi thường.
Lệnh Hồ Xung nghe Phương Chứng nói vậy liền nghĩ tới những bộ xương khô ở trong hậu động trên núi sám hối phái Hoa Sơn.
Chàng tự hỏi:
- Chẳng lẽ những bộ xương khô kia lại là di hài của mười vị trưởng lão ma giáo? Nếu không thì sao bọn họ lạo khắc chữ lên vách động để thống mạ Ngũ nhạc kiếm phái?
Xung Hư thấy chàng ngẩn ngơ xuất thần liền hỏi:
- Lão đệ có nghe Nhạc tiên sinh nói tới vụ này không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Không! Nhưng vãn bối đã từng ở trong thạch động trên ngọn núi sám hối phái Hoa Sơn thấy rất nhiều bộ xương khô và trên vách đá cũng có đề chữ.
Xung Hư hỏi:
- Có việc đó ư? Trên vách động họ đề chữ thế nào?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Có mười sáu chữ lớn là: "Ngũ nhạc kiếm phái vô sỉ hạ lưu, tỷ võ bất thắng, ám toán hại nhân". Ngoài ra còn vô số chữ nhỏ cũng toàn những lời thóa mạ Ngũ nhạc kiếm phái là hạng đê hèn, vô lại, mặt dầy vân vân...
Xung Hư hỏi:
- Tại sao phái Hoa Sơn còn lưu lại những câu thóa mạ trên vách đá? Thế mới thật là kỳ!
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Vãn bối đã vô tình phát giác ra thạch động này. Người ngoài không một ai hay biết.
Ðoạn chàng đem chuyện phát giác ra hậu động trong trường hợp nào kể lại một lượt. Chàng còn nói:
- Người sử búa đã dùng cây búa rất sắc để mở núi một quãng dài mấy trăm trượng, nhưng chỉ còn thiếu một thước thì kiệt lực mà chết. Nghị lực của họ thật đáng khâm phục, nhưng mạng vận xúi quẩy khiến người ta phải than thầm.
Phương Chứng đại sư hỏi:
- Người sử búa phải chăng là Ðại lực thần ma Phạm Tùng, một trong mười vị trưởng lão ma giáo?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Chính thị! Trên vách đá có khắc một hàng chữ: "Phạm Tùng, Triệu Hạc phá kiếm pháp phái Hằng Sơn tại đây".
Phương Chứng hỏi:
- Triệu Hạc ư? Lão là Phi Thiên thần ma trong mười vị trưởng lão. Có phải lão sử cây Lôi chấn đáng không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Cái đó vãn bối cũng không rõ. Nhưng trên mặt đất trong thạch động có bỏ lại một cây lôi chấn đáng. Vãn bối còn nhớ trên vách đá có ghi câu: người phá kiếm pháp phái Hoa Sơn là hai vị họ Trương tên gọi Thừa Phong, Thừa Vân gì đó.
Phương Chứng nói:
- Quả nhiên đúng rồi! Kim Hầu thần ma Trương Thừa Phong và Bạch Viên thần ma Trương Thừa Vân là hai anh em. Theo lời đồn thì hai người này sử cây thục đồng côn và cây thiết chấn côn.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Ðúng rồi! Trong đồ hình trên vách đá đúng là người sử côn bổng để phá kiếm pháp phái Hoa Sơn mới thật là kỳ khiến người phải thán phục.
Phương Chứng nói:
- Cứ theo những điều trông thấy của thí chủ mà suy luận thì tựa hồ mười vị trưởng lão ma giáo trúng phải cơ quan mai phục của Ngũ nhạc kiếm phái. Có lẽ họ bị dẫn dụ vào trong sơn động rồi bị cầm tù ở đó không có cách nào thoát thân được.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Vãn bối cũng nghĩ thế. Vì vậy mà bọn người kia ôm mối bất bình, đã khắc chử trên vách đá để thóa mạ Ngũ nhạc kiếm phái, lại khắc cả những cách phá giải kiếm pháp năm phái này, khiến cho người sau biết rằng không phải họ đã bại trận mà chỉ lầm trúng phải cạm bẫy mà thôi. Nhưng bên cạnh những bộ xương khô còn có mấy thanh trường kiếm, khí giới của Ngũ nhạc kiếm phái, đó là một điều mà vãn bối nghĩ không ra.
Phương Chứng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Những thanh trường kiếm đó khó mà đoán được. Không chừng mười vị trưởng lão ma giáo đã đoạt được ở trong bọn môn hạ Ngũ nhạc kiếm phái. Những điều mà thí chủ trông thấy trong hậu động đã nói với ai chưa?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Vãn bối vừa phát giác những chuyện kỳ lạ trong hậu động liền xảy ra biến cố, nên vãn bối chưa có cơ hội nào thuật vụ này cho sư phụ cùng sư nương hay.
Xung Hư hỏi:
- Vậy ra kiếm pháp của lão đệ được tinh diệu như vậy là nhờ đi học được ở đồ hình trên vách đá phải không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Cái đó không phải. Kiếm pháp của vãn bối trừ những điều vỡ lòng học ở nơi Nhạc sư phụ còn đều là do Phong thái sư thúc tổ truyền thụ cho.
Phương Chứng, Xung Hư đều gật đầu.
Ba người nói chuyện hàng nửa ngày.
Bất giác vừng thái dương đã ngậm non đoài chiếu ánh hồng lên nửa vòm trời.
Phương Chứng nói:
- Mười vị trưởng lão tuy mất mạng trên núi Hoa Sơn nhưng bản sao Quỳ hoa bảo điển của Mẫn Túc và Chu Tử Phong ở phái Hoa Sơn lại bị Ma giáo cướp đem đi mất. Nhậm giáo chủ nói là đã truyền cho Ðông Phương Bất Bại tức là bộ viết tay này. Bộ đó không được đầy đủ e rằng còn kém bản của Lâm Viễn Ðồ.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Lâm Viễn Ðồ ư? Lão là ai vậy?
Phương Chứng đáp:
- Lâm Viễn Ðồ là tằng tổ Lâm sư đệ của thí chủ và là người đã sáng lập ra Phước Oai tiêu cục. Lão dùng 72 đường Tịch tà kiếm pháp để trấn áp bọn tầm thường.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Vị Lâm tiền bối đó đã thấy Quỳ hoa bảo điển chưa?
Phương Chứng ngập ngừng đáp:
- Lão chính là... Ðộ Nguyên thiền sư và cũng là đệ tử của Hồng Diệp thiền sư nữa.
Lệnh Hồ Xung giật nẩy mình lên nói:
- Té ra là thế. Nếu vậy... có thể...
Phương Chứng ngắt lời:
- Ðộ Nguyên thiền sư nguyên ở họ Lâm. Sau khi hoàn tục, lão lấy lại họ cũ.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Té ra tằng tổ phụ của Lâm sư đệ dùng 72 đường Tịch tà kiếm pháp lừng danh trên chốn giang hồ tức là vị Lâm tiền bối pháp danh là Ðộ Nguyên thiền sư. Thật là một điều... không ai nghĩ tới được.
Lời di ngôn của Lâm Chấn Nam ở trong tòa phá miếu ngoài thành Hành Sơn đêm hôm đó cùng tình trạng lúc y lâm tử lại hiện lên trong đầu óc chàng.
Phương Chứng nói:
- Ðộ Nguyên, Viễn Ðồ hai danh từ này mà có là vì Ðộ Nguyên thiền sư tiền bối kia lúc hoàn tục lấy lại họ cũ còn tên thì chỉ là pháp danh đảo ngược lại. Sau Lâm Viễn Ðồ tiền bối lấy vợ sinh con sáng lập ra tiêu cục, gây nên sự nghiệp lừng lẫy trên chốn giang hồ. Vị Lâm tiền bối này lập thân trung chính, tuy ăn cơm của tiêu cục, nhưng làm việc nghĩa hiệp, cứu giúp người trong cơn hoạn nạn. Thế là Lâm tiền bối mình không còn ở nơi cửa phật mà hành động đúng theo đức phật từ bi. Vậy con người có tâm địa tốt mà tâm tức là phật, thì có xuất gia hay không cũng chẳng khác nhau là mấy. Dĩ nhiên chẳng bao lâu Hồng Diệp thiền sư biết rõ Lâm tiêu đầu là tên đệ tử đắc ý của mình ngày trước, nhưng từ đó hai bên sư đồ không đi lại với nhau nữa.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Vị Lâm tiền bối này nhờ được hai vị Mẫn, Chu tiền bối ở phái Hoa Sơn đọc khẩu quyết ra mà biết được chỗ tinh yếu về Quỳ hoa bảo điển. Vãn bối vẫn chưa hiểu, còn pho Tịch tà kiếm phổ ở đâu mà ra? Vả lại môn Tịch tà kiếm pháp truyền lại cho con cháu cũng không lấy gì làm cao minh cho lắm là tại sao?
Phương Chứng nhìn Xung Hư nói:
- Ðạo huynh! Về kiếm thuật đạo huynh là một đại hành gia so với bần tăng còn hiểu hơn nhiều. Vậy đạo lý trong vụ này ra sao, đạo huynh giải thích cho Lệnh Hồ thiếu hiệp nghe.
Xung Hư cười đáp:
- Ðại sư nói vậy, nếu chúng ta không phải là bạn tri kỷ lâu năm lão đạo này phải đến bực mình. Ðại sư khéo giỡn hoài! Kiếm thuật đời nay còn ai tinh thâm bằng Lệnh Hồ thiếu hiệp?
Phương Chứng nói:
- Kiếm thuật của Lệnh Hồ thiếu hiệp tuy tinh thâm thật, nhưng đường học vấn về kiếm đạo thì thiếp hiệp hãy còn kém đạo huynh xa. Chúng ta đã là người nhà, biết điều gì nên nói điều ấy, hà tất phải khách sáo?
Xung Hư thở dài đáp:
- Tình thực chỗ lão đạo được biết so với kiếm thuật mông mênh như biển cả, khác nào một hạt thóc trong kho đụn mà thôi.
Rồi lão quay sang nói với Lệnh Hồ Xung:
- Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm ngày nay tầm thường chẳng có chi kỳ lạ mà ngày trước kiếm pháp của Lâm Viễn Ðồ tiền bối lừng lẫy giang hồ là một việc xác thực không ai chối cãi được. Ngày trước chưởng môn phái Thanh Thành là Trương Thanh Tử tự xưng là bậc kiếm pháp đệ nhất từ núi Tam giáo trở về phía Tây mà cũng bị hại dưới bàn tay Lâm Viễn Ðồ. Ðó là một việc giang hồ đều biết hết. Ngày nay kiếm pháp phái Thanh Thành so với Tịch tà kiếm phổ ở Phước Oai tiêu cục còn cao thâm hơn nhiều. Vậy nhất định bên trong phải có nguyên nhân. Ðây là một lý do mà lão đạo nghĩ tới đã lâu. Thực ra nó cũng là một đạo lý mà hết thảy kẻ sĩ học kiếm đều nghĩ tới.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Sở dĩ Lâm sư đệ bị tai họa nhà tan, người chết, song thân bị thảm tử cũng chỉ vì mối nghi ngờ khó giải quyết này mà ra.
Xung Hư nói:
- Ðúng thế! Tịch tà kiếm pháp lừng lẫy oai danh mà bản lĩnh Lâm Chấn Nam lại quá kém cỏi. Chỗ sai biệt này dĩ nhiên khiến người ta suy nghĩ và cho là Lâm Chấn Nam quá ngu xuẩn không học môn võ công gia truyền được tới nơi. Tiến xa hơn một bước, họ cho rằng nếu kiếm phổ kia mà lọt vào tay họ thì nhất định họ phải học tới trình độ huy hoàng như Lâm Viễn Ðồ ngày trước. Lệnh Hồ lão đệ! Hơn trăm năm trời nhờ kiếm pháp để nổi danh thiên hạ không phải chỉ có một mình Lâm Viễn Ðồ. Nhưng các phái Thiếu Lâm, Võ Ðương, Nga My, Côn Luân, Thanh Thành và Ngũ nhạc kiếm phái đời sau đều có truyền nhân nên người ngoài không ai có chủ ý đến đánh bọn họ. Chỉ vì võ công Lâm Chấn Nam quá thấp kém, khác nào đứa con nít lên ba, tay cầm nắm vàng đi vào giữa chợ náo nhiệt nên mọi người mới nảy lòng tham muốn cướp đoạt.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Vị tiền bối đó nguyên là cao đồ của Hồng Diệp thiền sư, thế thì lúc còn ở chùa Thiếu Lâm đất bồ điền, đã có sẵn bản lãnh kinh người. Như vậy Tịch tà kiếm pháp chi đó không chừng là kiếm pháp của phái Thiếu Lâm biến đổi đi chút ít mà thôi, vị tất đã có kiếm phổ thực sự.
Xung Hư nói:
- Lý thuyết này kể ra cũng đã nhiều người nghĩ tới, nhưng thực sự Tịch tà kiếm pháp so với võ công của phái Thiếu Lâm không giống nhau chút nào. Ai đã là kẻ sĩ học kiếm cũng chỉ nhìn qua là biết. Ha ha! Tuy nhiều người nảy dạ tham tâm nhưng sau cũng chỉ có lão lùn ở phái Thanh Thành hạ thủ trước tiên và hắn tự cho là đắc sách. Lão lùn họ Dư tuy da mặt dầy mà trí óc lại vụng về đâu có được như lệnh Nhạc tiên sinh ngồi thản nhiên như không mà được lợi to.
Lệnh Hồ Xung nghe Xung Hư nói chạm đến sư phụ liền biến sắc hỏi:
- Thưa đạo trưởng! Ðạo trưởng bảo sao?
Xung Hư tủm tỉm cười đáp:
- Gã Lâm Bình Chi đã đến bái sư xin vào làm môn hạ phái Hoa Sơn thì pho Tịch tà kiếm phổ dĩ nhiên gã đem theo đi. Lão đạo còn nghe nói Nhạc tiên sinh có cô ái nữ độc nhất đã hứa gả cho gã rồi phải không? Quả nhiên tiên sinh là người thâm mưu viễn lự.
Lúc Xung Hư vừa nói đến Nhạc Bất Quần giữ vẻ thản nhiên để thu lợi lớn, Lệnh Hồ Xung đã tưởng lão vũ nhục đến sư tôn thì trong lòng không khỏi oán hận, nhưng sau lão nói đến sư phụ chàng là người thâm mưu viễn lự, đột nhiên chàng nhớ tới ngày trước sư phụ phái nhị sư đệ Lao Ðức Nặc hóa trang làm một ông già dắt tiểu sư muội đến mở quán rượu ở ngoài thành Phúc Châu, khi đó chàng chưa hiểu chỗ dụng ý của sư phụ, bây giờ chàng mới biết là tiên sinh có ý dòm ngó Phước Oai tiêu cục. Chàng nghĩ tới võ công Lâm Chấn Nam bình thường mà sư phụ phải thâm mưu như vậy nếu không phải vì Tịch tà kiếm phổ thì còn vì lễ gì nữa. Có điều mưu chước của sư phụ sử dụng khéo léo hơn để mong thành công, chứ không giống Dư Thương Hải và Mộc Cao Phong hành hung toan bề cướp đoạt.
Rồi chàng lại nghĩ thầm:
- Tiểu sư muội là một cô khuê nữ nhỏ tuổi mà sao sư phụ lại để nàng xuất đầu lộ diện trường kỳ ở trong quán rượu ngoài thành Phúc Châu?
Lệnh Hồ Xung nghĩ tới đây trong lòng không khỏi lạnh buốt.
Ðột nhiên chàng tỉnh ngộ nghĩ thầm:
- Sư phụ muốn đem tiểu sư muội hứa gả cho Lâm sư đệ thực ra từ trước, khi hai người chưa gặp nhau, nên lão nhân gia đã cố ý an bài như vậy.
Phương Chứng va Xung Hư thấy vẻ mặt Lệnh Hồ Xung âm thầm nghĩ ngợi, thay đổi luôn luôn, tướng mạo rất khó coi, hai lão biết ngay trước nay chàng vẫn một niềm tôn kính sư phụ, chắc mấy câu nói vừa rồi đã làm tổn thương đến thể diện chàng.
Phương Chứng nói:
- Mấy câu vừa rồi là lão tăng cùng Xung Hư đạo nhân trong lúc nhàn đàm phỏng đoán càn vậy thôi. Còn tôn sư là người đứng đắn, trong võ lâm đều kêu lão nhân gia là Quân tử kiếm. Bọn lão tăng e rằng mình đã lấy lòng dạ tiểu nhân để đo bụng người quân tử.
Xung Hư tủm tỉm cười không nói gì.
Lệnh Hồ Xung ruột rối tơ vò, chàng chỉ mong những lời của Xung Hư không đúng sự thực, nhưng trong thâm tâm chàng cũng biết lão nói đó toàn là tình thực.
Hồi lâu chàng mới nói:
- Hôm ấy ở chùa Thiếu Lâm, Tả minh chủ tỷ đấu với Nhậm giáo chủ, lúc Tả minh chủ dùng ngón tay làm kiếm thì Hướng Vân Thiên đại ca của vãn bối có hô lên: "Ðó là Tịch tà kiếm pháp". Nguyên do vụ này thế nào xin đạo trưởng chỉ giáo được chăng?
Xung Hư đạo trưởng lắc đầu đáp:
- Ðạo lý này bần đạo nghĩ mãi không ra. Không chừng Tả Lãnh Thiền dùng uy lực bức bách lệnh sư cướp lấy kiếm phổ. Cũng có thể lệnh sư lấy kiếm phổ đem ra cùng Tả Lãnh Thiền nghiên cứu. Võ công của Tả Lãnh Thiền so với lệnh sư còn cao thâm hơn nhiều. Nếu hai vị cùng nhau tham khảo thì cũng là một việc bổ ích cho lệnh sư. Vả lại Tả Lãnh Thiền lấy ngón tay làm kiếm thì kiếm pháp đó có ở trong Tịch tà kiếm pháp hay không bọn bần đạo cũng khó mà xác định được.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Tịch tà kiếm pháp là môn võ gia truyền của nhà họ Lâm sư đệ là một điều mọi người trong phái Hoa Sơn đều biết hết. Hôm ấy Tả minh chủ có sử mấy chiêu tương tự, nhưng lại có những chiêu khác hẳn.
Lệnh Hồ Xung nhớ tới di ngôn của Lâm Chấn Nam hôm ấy tại trong nhà phá miếu liền nói:
- Phụ thân của Lâm sư đệ bụng dạ hẹp hòi. Y muốn gởi lời cho Lâm sư đệ lại còn sợ vãn bối coi trộm kiếm phổ truyền gia của y.
Xung Hư nói:
- Y dặn thiếu hiệp những câu gì?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Lâm thế bá bị phái Thanh Thành ngược đãi lại bị Tái bắc minh đà Mộc Cao Phong bức bách phải cung xưng. Lúc vãn bối trông thấy thì y chỉ còn thoi thóp thở. Y yêu cầu vãn bối nói lại với Lâm sư đệ là đồ vật cất ở dưới địa huyệt trong ngôi nhà cũ ở ngõ Hướng Dương thành Phúc Châu là vật tổ truyền, dặn gã phải giữ gìn trông nom cẩn thận. Vật đó tức là Tịch tà kiếm phổ đã chép vào tấm áo cà sa,.. à phải rồi! Nguyên Lâm Viễn Ðồ tiền bối trước là nhà sư nên trong ngôi nhà cũ này ở ngõ Hướng Dương cũng có Phật đường và pho kiếm phổ kia viết vào tấm áo cà sa.
Xung Hư nói:
- Suy xét xa hơn, ta nhận thấy lúc Lâm Viễn Ðồ tiền bối đến núi Hoa Sơn để thám thính Quỳ hoa bảo điển ở nơi Mẫn Túc và Chu Tử Phong hai vị tiền bối, khi đó lão còn là thiền sư nên nghe được câu nào chữ nào là đến đêm lại chép lén vào áo cà sa.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Nói ra lại tức cười. Lâm thế bá còn dặn thêm một câu: "Viễn Ðồ công có để lại lời di huấn: Phàm con cháu ta bất cứ ai cũng không được mở coi. Nếu trái lời di huấn sẽ gặp họa hoạn vô cùng. Vậy dặn gã phải nhớ cho kỹ."
Hiển nhiên Lâm thế bá vẫn không yên lòng chỉ sợ vãn bối chiếm đoạt mất vật tổ truyền của nhà y, nên y đem câu "họa hoạn vô cùng" ra để hăm dọa vãn bối.
Xung Hư hỏi:
- Lâm Chấn Nam nói câu đó, sau thiếu hiệp có nhắc lại cho Lâm sư đệ nghe không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Vãn bối đã chịu lời với Lâm thế bá thì dĩ nhiên y dặn sao phải nói đúng thế.
Phương Chứng nói:
- Cho đến ngày nay thì những môn võ học thần bí huyền diệu ghi trong Quỳ hoa bảo điển, ma giáo nắm được một phần, lệnh sư Nhạc tiên sinh cũng có một ít. Sau nữa Tả minh chủ phái Tung Sơn dường như cũng nắm được một mớ. E rằng Tả Lãnh Thiền lòng tham lam chưa thỏa mãn, hắn biết phần của hắn chưa phải là toàn pho. Hắn muốn tiêu diệt ma giáo thôn tính phái Thiếu Lâm thì phải lấy được toàn pho Quỳ hoa bảo điển đem về phái Tung Sơn. Vậy trong võ lâm còn là lắm chuyện.