Tiếu Ngạo Giang Hồ

Niệm Bồ tát giải nạn ân nhân

Vết thương Lệnh Hồ Xung phát đau không biết đến đâu mà kể.

Giả tỷ lúc bình thời, gã quyết không chịu thừa nhận. Nhưng bây giờ gã nghĩ ra một kế bụng bảo dạ:

- Mình phải làm thế này thì cô ta mới hết khóc và bật cười lên được.

Gã liền chau mày rồi hắng giọng luôn mấy tiếng.

Nghi Lâm kinh hãi nói:

- Chỉ cần sao... Lệnh Hồ đại ca giữ cho vết thương đừng ra máu nữa mới được.

Nàng đưa tay lên sờ trán gã một lúc rồi khẽ hỏi:

- Ðại ca đã thấy bớt đau chút nào chưa?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Hãy còn đau lắm.

Nghi Lâm nét mặt rầu rầu không biết làm thế nào.

Lệnh Hồ Xung lại la lên:

- Trời ơi! Ðau quá! Nếu có... Lục sư đệ ở đây thì hay biết mấy.

Nghi Lâm hỏi:

- Sao? Trong người y có thuốc chữa đau ư?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Phải rồi! Cái miệng y là thuốc chữa đau đó. Trước kia tiểu huynh cũng bị thương đau đớn vô cùng Lục sư đệ rất giỏi nói chuyện, làm trò cười. Môi miệng y liến thoắng, tiểu huynh nghe mà khoan khoái trong lòng nên quên cả đau đớn về vết thương.Hỡi ơi! y mà ở đây thì hay quá!... úi chao!... Sao ta đau thế này?

Nghi Lâm rất lấy làm khó nghĩ. Nàng là đệ tử Ðịnh Dật sư thái. Tại đó mọi người đều nghiêm nghị tụng kinh niệm phật hoặc vận công luyện kiếm. Trong chùa Bạch Vân, hàng tháng không thấy một tiếng cười. Bây giờ bảo nàng nói chuyện đùa giỡn thì thật khó khăn vô cùng.

Nàng bụng bảo dạ:

- Lục Ðại Hữu sư huynh hiện không có ở đây mà Lệnh Hồ đại ca lại muốn nghe chuyện buồn cười thì chỉ có mình nói cho y nghe. Nhưng... mình chẳng biết câu chuyện gì làm cho y vui cười được.

Ðột nhiên nàng xúc động tâm linh chợt nhớ ra điều gì liền nói:

- Lệnh Hồ đại ca! Tiểu muội chẳng biết câu chuyện buồn cười nào hết, nhưng đã được coi ở trong "Tàng kinh các" một cuốn kinh rất thụ vị kêu bằng "Bách dụ kinh". Ðại ca đã nghe bao giờ chưa?

Lệnh Hồ Xung Lệnh Hồ Xung lắc đầu đáp:

- Chưa! Tiểu huynh suốt đời chẳng đọc kinh Phật bao giờ cả.

Nghi Lâm hai má ửng hồng nói:

- Tiểu muội thật ngốc quá, nên mới hỏi câu ngu dốt như vậy. Ðại ca đã không phải là đệ tử nhà Phật thì dĩ nhiên không đọc kinh sách.

Nàng ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

- Cuốn "Bách dụ kinh" đó do một vị cao tăng ở nước Thiên Trúc biên soạn. Trong kinh này có khá nhiều chuyện cổ tích rất thú vị.

Lệnh Hồ Xung đang muốn nghe nàng kể chuyện cổ tích, vội nói:

- Hay lắm! Tiểu huynh rất thích chuyện cổ tích. Tiểu sư muội kể vài chuyện cho tiểu huynh nghe đi!

Nghi Lâm tủm tỉm cười. Trong "Bách dụ kinh" nhiều chuyện cổ tích, đột nhiên những câu chuyện đó hiện ra trong đầu óc nàng. Nàng đáp:

- Ðược rồi! Tiểu muội kể câu chuyện "lấy răng bừa đánh vỡ đầu trọc". Ngày trước có một người trọc tắu, trên đầu không có lấy một sợi tóc. Ðầu y nhẵn thín từ lúc sơ sinh chứ không phải như bọn tiểu muội vì xuất gia mà thế phát quy y. Một hôm không hiểu vì chuyện gì xích mích mà lão trọc kia gây lộn với một nhà nông. Nhà nông đang cầy ruộng, liền vác cầy giơ lên đánh vào đầu lão trọc. Lão trọc sứt đầu chảy máu, nhưng lặng lẽ chịu đựng chứ không né tránh, mà trên nét mặt còn lộ nụ cười. Những người đứng bên thấy thế làm kỳ hỏi: Sao lão không né tránh mà lại còn cười? Người trọc cười đáp: Gã nông phu này là một chàng ngốc. Gã thấy đầu ta không có tóc tưởng lầm là hòn đá mới lấy răng bừa mà nện. Nếu ta né tránh há chẳng dạy cho gã biến thành người thông minh hay sao?

Nàng nói tới đây Lệnh Hồ Xung rũ ra mà cười và cất tiếng khen:

- Chuyện hay quá! Lão trọc đó thật là thông minh! Thông minh đến độ để cho người ta đánh chết, bất luận thế nào cũng không chịu né tránh.

Nghi Lâm thấy Lệnh Hồ Xung vui cười thỏa thích, liền nói:

- Tiểu muội kể lại câu chuyện "Dùng thuốc chữa cho con gái nhà vua chóng lớn như thổi": Ðời xưa có một vị quốc vương sinh được một nàng công chúa. Nhà vua tính cực kỳ nóng nảy. Thấy công nương nhỏ bé quá, ngài mong cô con lớn thật mau liền vời ngự y vào truyền cho phải chế ra một thứ linh dược để công chúa uống đặng lớn ngay lập tức.

Quan ngự dáp: Thứ linh dược này có thể làm được, nhưng còn phải tìm nhiều thứ dược vật và chế biến cũng tốn công lắm. Bây giờ thần xin chúa thượng cho đưa công nương về nhà, đồng thời gấp rút chế thuốc. Chúa thượng không nên thúc bách mà hư việc. Quốc vương gật đầu đáp: Ðược lắm! Quả nhân để cho khanh tự mà làm, chứ không thúc bách.

Quan ngự y liền bồng công chúa về nhà. Hàng ngày y vào tâu vua là đang tập trung dược liệu hoặc đang chế luyện. Sau mười hai năm quan ngự y mới tâu: Ðến nay linh dược đã chế luyện xong và vừa cho công chúa uống. Hôm sau y đưa công chúa vào cung bệ kiến quốc vương. Quốc vương thấy ngày nọ công chúa là một đứa hài nhi mà bây giờ đã thành một thiếu nữ đứng lồ lộ trước mặt thì long nhan hớn hở, khen cho ngự y tinh thâm y đạo. Công chúa mới uống một liều linh dược mà đã cao lớn như thổi. Ðoạn sai tả hữu ban vàng bạc châu báu rất hậu cho quan ngự y.

Lệnh Hồ Xung nghe xong cười ha hả nói:

- Tiểu sư muội bảo vị quốc vương đó tính tình nóng nẩy mà thực ra chẳng nóng nảy chút nào. Nếu ngài nóng nảy đã không chờ đợi tới 12 năm. Dịch địa tiểu huynh làm viên ngự y kia thì chỉ trong một ngày là đã làm cho công chúa sơ sinh biến thành một thiếu nữ cao lớn 17, 18 tuổi.

Nghi Lâm giương cặp mắt thao láo lên hỏi:

- Lệnh Hồ đại ca dùng phép gì vậy?

Lệnh Hồ Xung mỉm cười đáp:

- Dễ lắm! Ngoài xát "Thiên hương đoạn tục giao" trong uống "Hùng đởm hồi sinh tán".

Nghi Lâm cười hỏi:

- Ðó là thuốc trị thương làm sao lại khiến cho người mau cao lớn được?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Ðúng thế! Tiểu huynh đem công chúa sơ sinh về nhà rồi mời bốn người thợ may...

Nghi Lâm lấy làm kỳ, ngắt lời:

- Mời bốn người thợ may đến làm chi?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Ðể may một bộ y phục mới. Ta nhờ họ đo người tiểu sư muội và bảo họ may suốt đêm cho xong bộ xiêm y của công chúa. Ðến sáng mai ta cho tiểu sư muội đầu đội mũ Linh Phụng, mình mặc áo gấm bách hoa, chân đi hài thêu. Tiểu sư muội ăn mặc lộng lẫy như vậy rồi thướt tha đến trước mặt Kim loan điện tung hô vạn tuế, uốn mình lạy xuống tâu: "Muôn tâu phụ vương. Hài nhi uống linh hoàn diệu dược của quan ngự y Lệnh Hồ Xung nên mới một đêm mà đã lớn bằng người 17, 18 tuổi". Ðức vua kia thấy mình có một vị công nương diễm lệ, khả ái như vậy, tất nhiên mặt rồng hớn hở còn hỏi gì đến chuyện chân giả nữa? Ta là quan ngự y Lệnh Hồ Xung dĩ nhiên cũng được trọng thưởng.

Nghi Lâm cười khanh khách, cười đến vẹo cả xương sống, xương sườn không đứng ngay lên được. Hồi lâu nàng mới nói:

- Lệnh Hồ đại ca quả nhiên còn thông minh hơn viên ngự y trong "bách dụ kinh" nhiều lắm. Có điều đáng tiếc là tiểu muội... Xấu xa thế này, chẳng giống công chúa chút nào cả.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Nếu tiểu sư muội mà còn xấu thì trong thiên hạ làm gì có người đẹp? Tự cổ chí kim hàng ngàn hàng vạn công chúa mà có cô nào bằng sư muội đâu?

Nghi Lâm nghe gã tán dương mình trong bụng mừng thầm, cười hỏi:

- Ðại ca đã thấy mặt cả hàng ngàn hàng vạn công chúa rồi ư?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Dĩ nhiên là thế! Tiểu huynh gặp các vị đó ở trong mộng.

Nghi Lâm cười hỏi:

- Ðại ca mộng gì mà kỳ vậy? Ai đời lại chỉ mộng thấy công chúa bao giờ?

Lệnh Hồ Xung cười hề hề đáp:

- Ban ngày mơ tưởng đến thì ban đêm....

Nhưng gã nghĩ ngay đến Nghi Lâm là con người băng thanh ngọc khiết bản tính ngây thơ chất phác mà lại là một nữ ni nhỏ tuổi không có tà tâm, liền tự trách mình: Mình nói giỡn đã là phạm vào giới luật của sư môn cô sao còn dám buông lời chớt nhả, dông càn đến thế được?

Gã nghĩ tới đây lập tức vẻ mặt nghiêm trang, giả vờ ngáp dài một cái.

Nghi Lâm nói:

- Ồ. Lệnh Hồ đại ca lại mệt rồi. Nên nhắm mắt ngủ đi một lúc.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Hay quá! Chuyện vui của tiểu sư muội thật là linh nghiệm. Vết thương của tiểu huynh quả nhiên bớt đau rồi.

Bản tâm gã muốn cho Nghi Lâm có câu chuyện vui cười để nàng khỏi sụt sùi khóc lóc. Bây giờ nàng đã ra chiều hả hê, gã liền nhắm mắt lại.

Nghi Lâm ngồi bên Lệnh Hồ Xung khẽ phất cành cây đuổi ruồi cho gã.

Hiện thời vào giữa mùa hạ ngày dài. Bốn mặt ve sầu kêu rên rỉ. Trong khe suối ếch nhái kêu inh ỏi từ đằng xa vọng lại. Những tiếng côn trùng này liên miên bất tuyệt, tựa hồ khúc nhạc giục người đi vào cõi mộng.

Nghi Lâm thấy cặp mắt nặng chĩu không mở ra được nữa rồi nàng cũng đi vào giấc ngủ triền miên.

Nàng nằm mơ thấy mình mặc bộ áo hoa lệ như một vị công nương tới một tòa cung điện huy hoàng. Ðứng bên nàng là một chàng thanh niên tuấn tú đang dắt mình. Thanh niên này hao hao giống Lệnh Hồ Xung.

Tiếp theo nàng thấy dưới chân có đám mây ùn ùn nổi lên tựa hồ hai người lơ lửng bay lên lưng chừng trời. Nàng cảm thấy trong lòng khoan khoái khôn tả.

Ðột nhiên một vị nữ ni tuổi già trừng mắt giận dữ, chống kiếm đuổi tới. Nghi Lâm giật mình kinh sợ. Nàng nghe rõ tiếng sư phụ quát:

- Quân tiểu súc sinh này! Mi thật là lớn mật, dám giả làm công chúa, lại cùng một tên lãng tử cận kề với nhau.

Mu nắm lấy tay nàng kéo mạnh một cái. Mắt nàng tối sầm lại, không nhìn thấy Lệnh Hồ Xung đâu nữa. Còn nàng thì lơ lửng trong đám mây đen đang lộn nhào xuống.

Nghi Lâm sợ quá la thất thanh:

- Lệnh Hồ đại ca! Lệnh Hồ đại ca!

Rồi cảm thấy toàn thân nhũn ra không nhúc nhích mà cũng không cựa quậy được.

Nghi Lâm la gọi mấy tiếng, nàng giật mình tỉnh dậy thì ra là một giấc mơ. Nàng ngó thấy Lệnh Hồ Xung đang trố mắt ra nhìn mình.

Nghi Lâm thẹn quá hai má đỏ bừng ấp úng:

- Tiểu muội... tiểu muội...

Rồi nàng không nói ra lời nữa. Hai tay nàng để áp lên ngực như trong giấc ngủ.

Lệnh Hồ Xung hỏi:

- Tiểu sư muội nằm mơ phải không?

Nghi Lâm lại đỏ mặt lên đáp:

- Tiểu muội chẳng hiểu có phải thế không.

Bỗng nàng ngó thấy Lệnh Hồ Xung lộ vẻ rất kỳ quái tựa hồ đang cố nén cơn đau khổ liền hỏi ngay:

- Ðại ca... Vết thương đại ca lại đau lắm phải không?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Không sao cả.

Nhưng thanh âm gã phát run. Lát sau mồ hôi trán to bằng hạt đậu nhỏ giọt. Gã đau đớn vô cùng, không cần hỏi cũng biết.

Nghi Lâm cực kỳ kinh hãi hỏi:

- Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ?

Nàng lấy khăn tay ra lau mồ hôi cho gã. Ngón tay nàng vừa đụng vào trán thấy nóng như lửa. Nàng từng nghe sư phụ nói một người bị đao thương chém mà phát nóng dữ dội là tình thế nguy hiểm vô cùng. Trong lúc cấp bách nàng không tự chủ được nữa, cất tiếng niệm kinh:

- Dù là trăm ngàn vạn ức chúng sinh, chịu nhiều khổ não, quyết tâm niệm đức quan thế âm bồ tát. Ngài nghe thanh âm lập tức đến giải thoát cho. Ðã có quan thế âm bồ tát thì dù vào giữa đống lửa cũng không bị cháy vì có oai thần của đức bồ tát. Nếu sa xuống biển cả, đọc danh hiệu ngài liền gặp chỗ nông. Nàng niệm đây là "Diệu pháp liên hoa kinh" của đức quan thế âm bồ tát. Ban đầu thanh âm còn run run, nhưng sau khi niệm một hồi, tâm thần dần dần trấn tĩnh lại.

Lệnh Hồ Xung nghe thanh âm trong trẻo, nàng càng niệm càng hòa bình an tĩnh. Hiển nhiên có đầy đủ tín tâm về phép thần thông của kinh văn.

Nghi Lâm tiếp tục niệm:

- Nếu người đang ngộ hại mà niệm danh hiệu của đức quan âm bồ tát người sẽ cầm đao trượng mà giải thoát cho. Nếu ở trong ba ngàn quốc thổ có Dạ Xoa, La Sát muốn đến hại người mà niệm danh đức quan âm bồ tát thì lũ quỉ không dám đưa căp mắt độc ác ra mà nhìn, khi nào còn gia hại được? Nếu có tội, thân thể bị trói buộc mà niệm đức quan thế âm bồ tát thì dây cột đứt hết và được giải thoát.

Lệnh Hồ Xung càng nghe lại càng buồn cười. Sau gã không nhịn được bật lên tiếng cười khành khạch.

Nghi Lâm lấy làm kỳ hỏi:

- Có chi mà cười?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Tiểu huynh mà biết sớm thế này thì học thêm võ công "Lao thập tử" gì gì đó. Khi kẻ thù ác ôn muốn giết tiểu huynh, tiểu huynh.. chỉ niệm danh hiệu đức phật quan âm bồ tát là đao trượng của chúng phải đức ra từng khúc. Há chẳng bình yên... đại ca ư?

Nghi Lâm nghiêm sắc mặt nói:

- Lệnh Hồ đại ca! Ðại ca đừng khinh mạn đức bồ tát nữa. Nếu tâm không thành thì niệm kinh cũng bằng vô ích.

Rồi nàng tiếp tục niệm:

- Nếu bị ác thú vây quanh, giương nanh múa vuốt khủng khiếp, mà niệm danh hiệu đức quan thế âm bồ tát thì chúng cũng phải biến hết. Nếu gặp rắn rắt hoặc khí độc lửa cháy mà niệm đức quan thế âm bồ tát thì tai nạn bay đi. Nếu gặp mưa gió sấm chớp mà niệm đức quan thế âm bồ tát là lập tức tiêu tan. Chúng sinh bị khốn đốn, khổ não vô cùng, diệu lực của đức quan thế âm bồ tát cứu được cái khổ cho thế gian.

Lệnh Hồ Xung nghe Nghi Lâm niệm với cả tấm lòng thành. Thanh âm tuy rất nhỏ mà bao nhiêu tâm đặt lòng tin vào đức quan thế âm bồ tát để cầu cứu, tựa như nàng kêu gọi đức quan thế âm bồ tát lộ hiện phép mầu giải thoát đau khổ cho mình.

Thanh âm nàng tựa hồ như năn nỉ:

- Quan thế âm bồ tát! Cầu ngài đem bao nhiêu những đau khổ trên mình đại ca chuyển hết sang người đệ tử. Ðệ tử dù có phải vào biển trầm luân hay xuống địa ngục cũng đành mà chỉ cầu đức Bồ Tát giải thoát cho đại ca tai qua nạn khỏi.

Về sau Lệnh Hồ Xung không nghe đến ý nghĩa của Kinh văn mà chỉ nghe như thanh âm cầu đảo một cách rất khẩn thiết rất nhiệt thành, bất giác mắt gã đẫm lệ.

Từ thuở nhỏ gã không cha mẹ, sư phụ, sư mẫu tuy có thâm ân với gã, nhưng gã là người bướng bỉnh, phải đòn nhiều hơn là được lòng từ ái. Bọn sư đệ, sư muội đều kính cẩn và coi gã là đại sư huynh, chứ không ai dám trái gã. Nhạc Linh San tuy thân với gã mà cũng không tha thiết đêén độ vui lòng chịu đựng trăm ngàn đau khổ để giải thoát cho gã được bình an. Lệnh Hồ Xung chớt nhả với hết thảy mọi người, trừ phi đối với sư phụ, sư mẫu. Lúc này gã thấy Nghi Lâm tận thành niệm phật giải nạn cho mình thì bầu nhiệt huyết sôi lên và trong mắt gã thấy toàn thân Nghi Lâm phát ra ánh sáng khả kính.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui