Tiểu Sát Tinh

Trong trăm ngày tĩnh tu của Nguyên Thông kỵ nhất là bên ngoài có tiếng động hay có người quấy nhiễu, chỉ sơ suất một chút là bao nhiêu công lao chàng học hỏi được trong Bách Tự Chân Kinh để khôi phục lại công lực sẽ tiêu tan hết. Nhất là lúc sắp thành công này lại càng dễ nguy hiểm và dễ bị tẩu hỏa nhập ma nữa.

Giờ Tý đêm hôm đó đúng một trăm ngày tĩnh tu của chàng, người trong Minh Hiên Tiểu Trúc ai cũng lo ngay ngáy. Nhất là Nhất Chi lại càng đặc biệt thân hành canh gác cho cháu, còn những người khác thì chia nhau ra canh phòng ở bốn chung quanh nhà.

Lúc ấy trời đã sâm sẫm tối, trong thảo đường của Minh Hiên Tiểu Trúc chỉ thắp có một ngọn đèn nhỏ như hạt đậu, ánh sáng lờ mờ chiếu hình bóng của Bạch Phát Tiên Ông phản ảnh lên trên tường, khiến người ta trông thấy lại càng cảm thấy tĩnh mịch và hiu quạnh.

Bạch Phát Tiên Ông Thẩm Nhất Chi đang ngồi xếp bằng tròn hướng về căn phòng kín của Nguyên Thông và vận Tiên Thiên Vô Cực Hỗn Nguyên Nhất Khí Huyền Công ra để bảo vệ không dám sơ suất một chút nào, khi ông ta đã vận Huyền Công rồi thì quanh ông ta trong chu vi mười dặm có một cái kim rớt xuống ông ta cũng biết liền.

Đột nhiên ông ta nghe thấy tiếng động biết có người đi tới, mắt vẫn nhắm nghiền như thường mồm thì khẽ gọi: “Sư huynh!”

Quả thực Cố Cửu Như đi tới.

Nhất Cái tuy là Võ Thánh đương thời nhưng đối với sư huynh lúc nào cũng cung kính và rất lễ phép, nên ông ta vừa thấy Cửu Như đi tới đã vội đứng dậy nghênh đón.

Mặt Cửu Như đổi sắc luôn luôn, đôi mắt chớp hoài, hình như sợ hãi việc gì trong lòng không yên vậy.

Nhất Chi rất tin tưởng Cửu Như nên không cảm thấy người sư huynh của mình có vẻ khác lạ, lại tưởng mình canh gác cho đứa cháu thế nào cũng mệt mỏi nên ông ta tới an ủi. Vì vậy ông ta lại càng cảm động, và tỏ vẻ cám ơn Cửu Như, với giọng thân thiết: “Chỉ một tiếng đồng hồ nữa, Nguyên nhi có thể ra khỏi căn phòng kín này rồi, có tiểu đệ ở đây bảo vệ không còn sợ nguy hiểm gì nữa, mời sư huynh về phòng an nghỉ đi.”

Cửu Như mặt cũng tỏ vẻ u buồn, đưa đôi mắt lờ đờ nhìn Nhất Chi một hồi rồi lẳng lặng rút lui.

Về tới phòng ngủ y bối rối khôn tả, không sao nằm hay ngồi yên được, cứ đi đi lại lại, cau mày lại hoài, hình như đang suy nghĩ việc gì rất lớn vậy. Đêm khuya tiết trời giá lạnh mà trán y có mồ hôi toát ra. Y bỗng ngừng chân móc túi lấy một tờ giấy đã nhàu ra đọc. Sự thật những chữ ở trong đó y đã thuộc nằm lòng rồi mà lúc này vẫn lấy ra xem lại.

Trước kia, hễ y lấy ra đọc một lần là ứa lệ và toát mồ hôi lạnh ngay nên trên tờ giấy ấy bị nước mắt và mồ hôi của y nhỏ xuống đã làm chữ bị nhòa rất nhiều.

Lần này cũng vậy, y lấy tờ giấy ở trong túi ra hai tay run run mở tờ giấy ra nhẩm đọc: “Giấy này báo cho Cửu Như biết cả nhà ngươi bảy mươi ba mạng ở Giang Hạ đã do ta trông nom – mong ngươi đi ngay Ngũ Lão Phong ở trên Lư Sơn chặt đầu của Nguyên Thông đem về đây cho ta, bằng không đừng trách ta ác độc và không bảo trước cho ngươi biết.”

Đọc đi đọc lại vẫn không nghĩ ra lối thoát và cũng không biết người viết giấy này là ai?

Y đau đớn thở dài một tiếng, bỏ tờ giấy vào túi rồi nghiến răng mím môi hình như đã quyết định cứu con cháu với người nhà thoát chết. Nên y thề nguyện thầm rằng: “Sư đệ, phen này sư huynh đành phải xin lỗi sư đệ mà hạ thủ lấy đầu của Nguyên nhi. Chờ khi ngu huynh cứu được cả gia đình và con cháu thoát chết và trả thù xong, lúc ấy sẽ lại tạ tội cùng hiền đệ.”

Mặt rất cương quyết, y lớn bước đi ra ngoài phòng.

Nhất Chi trông thấy Cửu Như vào rồi lại quay trở ra mặt có vẻ hoảng sợ liền ân cần hỏi: “Có phải sư huynh nghĩ đến sư điệt các người mà không yên được không?”

Cửu Như nghe nói ngẩn người ra, không hiểu Nhất Chi nói như thế để làm gì? Trong lòng có sự khuất tất nên vẻ mặt của y càng hoảng.

Nhất Chi lại thở dài lẩm bẩm: “Vì Nguyên nhi, tiểu đệ không sao bỏ được hết việc trần tục. Vì vậy không biết đến bao giờ mới tu thành chính quả.”

Nói xong ông ta thở dài mấy tiếng, nét mặt càng tỏ vẻ thương tâm vô cùng.

Cửu Như thấy Nhất Chi nói như vậy mới yên tâm. Y giả bộ cau mày lại ấp úng đáp: “Tâm sự của ngu huynh… không liên can gì tới con cháu... Không biết sư đệ còn nhớ được cuốn Tâm Luận của tiên phụ thảo không nhỉ?”

Nhất Chi nghe thấy sư huynh nói tới cuốn Tâm Luận của sư phụ Kính Thiên viết ra, lại liên tưởng đến thời học nghệ năm xưa. Hai huynh đệ coi nhau như ruột thịt và lúc sư phụ luyện công luôn mỉm cười nhìn hai người thì ông ta lại tưởng tượng như mình còn đang thiếu thời vậy, nên rất phấn khởi trả lời: “Tiên Thiên Vô Cực Hỗn Nguyên Nhất Khí Huyền Công là lý luận căn bản của cuốn Tâm Luận, sở dĩ tiểu đệ gây được một chút tên tuổi cũng là nhờ đó mà nên. Có khi nào đệ lại quên được.”

Cửu Như thở dài nói: “Ngu huynh rất hổ thẹn với tiền nhân, vì không cẩn thận đã làm mất cuốn sách đó.”

Nhất Chi kinh ngạc hỏi: “Gần đây quần ma xuẩn động trên giang hồ ẩn hiện đại ma đầu, chẳng lẽ bọn chúng lấy mất chăng?”

Cửu Như lắc đầu đáp: “Lúc nào ngu huynh cũng giữ cuốn sách ở trong người, mãi đến ngày hôm nay mới phát giác đã mất.”

“Chỉ mong cuốn sách đó mất ở trong Ngũ Lão Phong này, bằng không khó mà tìm lại được.”

“Ngu huynh phát hiện mất cuốn sách đó liền nghĩ kỹ lại mấy ngày hôm nay mình đã đi qua những đâu, sau ngu huynh nhận thấy có mất trong khi bị vây trong Cửu Nguyên trận. Vì lúc bấy giờ bị ảo ảnh của trận pháp làm cho tối tăm, đầu óc bối rối, vì thế mà đánh mất cuốn sách cũng nên.”

“Tưởng mất ở đâu chứ sư huynh mất ở đó thì không sao, sáng mai đệ tìm kiếm sẽ thấy liền.”

“Nhưng ngu huynh vẫn không yên tâm.”

“Vật báu của sư môn mất như vậy đệ cũng không yên tâm, nhưng bây giờ đang giờ phút quan trọng nhất của Nguyên nhi, đệ không sao rời khỏi nơi đây được. Bằng không…”

“Nếu sư đệ không yên tâm thì giao cho ngu huynh phụ trách trông coi hộ, hiền đệ thư ra tìm xem…”

Nhất Chi có biết đâu Cửu Như có ẩn ý liền gật đầu đáp: “như vậy cũng được, trăm sự nhờ sư huynh trông nom cho Nguyên nhi đấy nhé!”

“Hiền đệ cứ yên trí tìm kiếm mau lên và trở lại ngay nhé!”

Nhất Chi vâng lời đi ra Cửu Nguyên trận cách thảo đường có năm mươi trượng thôi.

Cửu Như trông thấy Nhất Chi đi vào trong trận rồi mới rón rén đi tới trước cửa phòng khẽ mở cửa ra, thấy trong phòng tối đen như mực nhưng hai mắt của y rất sáng, trông thấy Nguyên Thông đang nhắm mắt ngồi xếp bằng tròn, mặt hướng vệ phía cửa. Phòng đó không lớn lắm.Tuy chàng ngồi ở tận cùng của căn phòng mà cách cửa phòng không đầy hai trượng.

Cửu Như là người rất thận trọng, y chỉ giơ tay lên đánh một chưởng là Nguyên Thông chết liền.

Dịp may hiếm có ấy khi nào lại bỏ lỡ. Y suy tính qua loa bụng dạ bảo rằng: “Dù bây giờ Nhất Chi có quay trở lại cũng không sao ngăn cản được ta mà cứu thoát y.”

Hơi ngừng giây lát, y bỗng cảm thấy hổ thẹn với lương tâm nhưng bàn tay hộ pháp của y vẫn từ từ giơ lên, hai mắt vẫn nhìn thẳng vào người Nguyên Thông. Y thấy Nguyên Thông mặt và chân tay như có một làn da chết khô héo bao bọc.

Trong những khe nứt của làn da chết có ẩn hiện một làn da bóng bẩy như ngọc vậy, y biết ngay chàng đã thoát thai hoán cốt (thay xương đổi thịt).

Cửu Như không phải là người có tính độc ác xưa nay.Y nghĩ Nguyên Thông sắp chết đến nơi mà một trăm ngày đã tự thay xương cốt, khôi phục lại công lực, sự thành công của chàng nhanh chóng vậy thực là từ xưa tới nay và cả sau này nữa chưa chắc đã có người thứ hai làm được như vậy. Sau này tương lai của chàng thế nào cũng rạng rỡ. Bây giờ chàng ta sắp chết ở dưới tay mình và mình cũng trở lên tội vì đã làm đổ vỡ tương lai của bổn môn. Nghĩ tới đó y lại không đang tâm, tay đã bao hàm kình lực rồi mà vẫn tự động buông xuôi xuống.

Tuy y nghĩ như vậy nhưng không được cương quyết nên đã bỏ tay xuống mà người vẫn chưa rời khỏi tĩnh thất.

Lúc ấy trong óc y lại có một tên ma đầu vô danh và bảy mươi ba người kể cả người nhà lẫn con cháu của y đang ở trong tay tên ma đầu đó, suy đi nghĩ lại nhận thấy tính mệnh của bảy mươi ba con cháu mình quý hơn Nguyên Thông nhiều, vì vậy lòng ích kỷ của y lại nổi lên. Y lại từ từ đưa bàn tay hộ pháp lên như trước.

Cửu Như sắp phát chưởng tấn công và sắp trông thấy một bông hoa ưu tú của võ lâm toi mạng, bỗng có bóng người thấp thoáng, Nhất Chi đã quay trở vào. Ông ta thấy vậy giật mình kinh hãi, không suy nghĩ gì hết vội đưa chưởng lực ra liền, đồng thời ông giơ tay trái ra sử dụng thế “[X] song vọng nguyệt” (đẩy cửa sổ ra nhìn trăng) đẩy Cửu Như bắn ra ngoài xa năm bước, và nhanh như điện chớp lướt vào trong phòng đứng xoay người ra ngoài cửa sổ, rồi trầm giọng quát lớn: “Sư huynh làm gì thế?”

Tất nhiên Cửu Như không phải là người tà ác nhưng lúc này y đã sắp thành công đến nơi lại bị người ngăn cản, nên y thẹn quá hóa giận hai mắt trợn to không nói năng gì cả, xoay song chưởng nhắm vào trong phòng tấn công tiếp. Chưởng lực của y đẩy ra như vũ bão.

Nhất Chi thấy vậy bất đắc dĩ phải giở hết chưởng lực ra chống lại. Chưởng lực của hai người va chạm kêu đánh bùng một tiếng. Cửu Như bị đẩy lui ba bước. Nhất Chi cũng lảo đảo mấy cái, đủ thấy công lực của Cửu Như kém Nhất Chi không xa lắm, nhưng Cửu Như muốn vào bên trong thì cũng không phải là chuyện dễ.

Nhất Chi là người rất hiền từ nhưng lúc này cũng không sao dằn được lửa giận, hai mắt nhìn thẳng vào mặt Cửu Như, thấy mặt người sư huynh chưa hoàn hồn và biến sắc luôn luôn.

Cửu Như trông thấy mặt Nhất Chi như trái banh xẹp hơi, tất cả công lực để tản mát hết. Y tự nghĩ đến hành vi đê hèn của mình với sự an nguy của người nhà, nước mắt cứ nhỏ dòng xuống hai bên má.

Nhất Chi thấy vậy không nhẫn tâm chút nào liền nguôi giận nói: “Tiểu đệ tiễn sư huynh xuống núi nhé.”

Sở dĩ ông ta không hỏi nguyên nhân ra sao là vì tôn trọng người sư huynh đã ngót trăm tuổi đó.

Cửu Như như ngây như ngất đứng đờ người ra không cử động.

Nhất Chi lại giục: “Không phải tiểu đệ có ý muốn đuổi sư huynh đâu, nhưng vì sư huynh không đi ngay để mấy người bạn của tiểu đệ biết chuyện thì khó xử lắm.”

Cửu Như hai mắt trợn trừng nói với giọng run run đáp: “Nếu hôm nay ngu huynh không lấy được tính mạng của Nguyên nhi thì đành chết ở Minh Hiên này.”

Nhất Chi vội hỏi: “Mấy chục năm nay tiểu đệ có điều gì thất lễ với sư huynh đâu, sao sư huynh ghét hận đệ đến thế? Dù tiểu đệ có điều gì không nên không phải với sư huynh đi chăng nữa, cũng xin sư huynh trách cứ tiểu đệ, chứ việc gì sư huynh lại không buông tha cháu nó như vậy?”

Cửu Như nghe thấy Nhất Chi nói chỉ trả lời được một câu: “ ‘Không’, rồi móc túi lấy tờ giấy chữ đã nhòa ra ném cho Nhất Chi.”

Nhất Chi bắt lấy tờ giấy xem xong vội hỏi: “Thế ra sư huynh bị người ta áp bức mà tới đây đấy?”

“Phải, cả gia đình già trẻ lớn bé…bảy mươi ba mạng đều…ở một mình Nguyên nhi…”

“Nhưng khi nào tiểu đệ lại chịu để sư huynh giết chết Nguyên nhi được.”

Cửu Như van lơn: “Hồi còn tiên phụ, hiền đệ được tiên phụ đối xử như thế nào? Chẳng lẽ hiền đệ nhẫn tâm trông thấy sư môn tuyệt tự hay sao? Huống hồ hy sinh một mình Nguyên nhi mà có thể cứu được mấy chục mạng. Như vậy cái chết của Nguyên nhi chẳng nặng hơn thái sơn là gì. Quí hồ gia đình của sư huynh thế nào cũng xả thân ra giết cho được tên ác tặc ấy để trả thù cho Nguyên nhi.”

Mỗi lời nói của Cửu Như như một cái búa nặng giáng xuống đầu Nhất Chi khiến ông ta hồi tưởng lại lúc nhỏ mình được sư phụ Cố Kính Thiên nuôi dưỡng dạy bảo coi mình như thế nào. Nói tóm lại ngày nay có gia đình và địa vị đều do ân sư tặng cho, ơn đức cao rộng ấy dù tan xương nát thịt cũng không đền đáp được muôn một. Nghĩ tới đó ông đau lòng vô cùng đưa mắt nhìn Nguyên Thông rồi nức nở đáp: “Vâng, tiểu đệ xin cáo lui.”

Nhất Chi đành để cho cháu mình chết dưới tay người mà rút lui khỏi mật thất.

Cửu Như thấy vậy biết ý định của sư đệ, cảm động đến khóc mướt và nhìn theo sau lưng Nhất Chi, đôi môi mấp máy mãi mới gọi được: “Sư đệ…”

Nhất Chi ngừng bước quay đầu lại giục: “Mời sư huynh cứ việc ra tay đi.”

Cửu Như cúi đầu xuống ấp úng đáp: “Ngu huynh xuống núi ngay bây giờ, sư đệ làm ơn tiễn sư huynh một quãng.”

“Sư huynh thương tiểu đệ như vậy, tiểu đệ rất lấy làm cám ơn. Nguyên tiểu đệ đội ơn của sư phụ tày trời như thế khi nào tiểu đệ lại nhẫn tâm trông thấy sư tôn tuyệt tự. Bây giờ chính là lúc tiểu đệ được báo ơn. Tiểu đệ đã quyết chí rồi mong sư huynh theo chương trình của mình mà tiến hành để tiện cứu các sư điệt thoát chết.”

Giọng nói của Nhất chi rất cương quyết. Nói xong ông ta đi luôn.

Cửu Như cảm thấy đàu óc nặng trĩu cứ đứng ngẩn người ra tại chỗ, trong lúc y trù trừ thì bên tai văng vẳng tiếng kêu khóc của con cháu: “Cha ơi! Ông ơi! Cứu chúng tôi với…”

Y nghiến răng mím môi lại giơ bàn tay hộ pháp lên nhưng trong lương tâm của y hình như có tiếng nói khiển trách: “Cửu Như sao ngươi vô sỉ đến thế, Thẩm Nguyên Thông là một kỳ tài thiên phú, tương lai của y rực rỡ khôn lường, hào kiếp của võ lâm lần này đều trông mong ở y cứu vãn. Nay vì lòng ích kỷ mà ngươi dám giở thủ đoạn đê hèn ra, đừng nói cả nhà ngươi bảy mươi ba mạng dù một nghìn hay một vạn mạng ngươi cũng không nên làm như vậy.

Cửu Như toát mồ hôi lạnh ra, lúc này y mới tỉnh ngộ bụng bảo dạ bảo rằng: “Sao ta lại hồ đồ đến thế, không hiểu đại nghĩa gì cả, suýt tý nữa thì ta dại dột không những bị người đời mà cả trời đất thóa mạ ghét bỏ.”

Y hổ thẹn vô cùng cúi đầu buông xuôi tay tự nói: “Sư đệ, sư huynh rất có lỗi với sư đệ…”

“Các con… các cháu… ta cũng có lỗi với các ngươi, đành để cho Nguyên nhi sau này báo thù hộ các ngươi vậy…”

Vừa nói dứt, y đã giơ chưởng mình lên nhắm đỉnh đầu mình đánh xuống.

Cùng lúc ấy, một cái bóng người nhanh như điện chớp phi vào điểm luôn vào yếu huyệt trên vai Cửu Như, tay của ông ta tê tái không sao cử động được nữa.

Cửu Như muốn chết không được tức giận vô cùng hậm hực hỏi: “Sư đệ, tại sao hiền đệ không để cho ngu huynh chết. Ngu huynh…?”

Y mới nói tới đó đã nghe thấy người nọ khẽ ho một tiếng. Y quay lại nhìn mới hay không phải là Nhất Chi nên không nói tiếp nữa.

Thì ra mấy vị cao nhân của Minh Hiên Tiểu Trúc đều là những nhân vật kỳ tuyệt nhất thời đã sớm phát hiện Cửu Như với Nhất Chi đôi co với nhau rồi, nhưng vì nể mặt Nhất Chi mà không ra ngay.

Sau thấy Nhất Chi hồ đồ nhận sự yêu cầu của Cửu Như, đành hy sinh tính mạng của cháu mình để đền ơn cho sư tôn. Cống Bắc và Kính Thành bực mình vô cùng dậm chân xuống đất lia địa. Nhất là Tú Lan suýt tý nữa thì chết giấc tại chỗ. Còn Tích Tố, Đàm Anh, Nhược Hoa ba người đều khóc sướt mướt. Đàm Anh không sao nhịn được định xông vào cứu Nguyên Thông nhưng bị Tích Tố kéo lại khẽ bảo: “Đã có các vị tiền bối ở đây, hiền muội không nên lỗ mãng như thế.”

Đàm Anh ngơ ngác hỏi lại: “Nhỡ y đả thương đại ca thực thì sao?”

Đang lúc ấy Cửu Như đã hối cải và định tự tử để giải thoát, Kính Thành nhanh hơn Cống Bắc một bước đã nhảy vào giơ tay lên búng một cái, cách không điểm đúng yếu huyệt tê của Cửu Như và còn ho một tiếng để ông già nọ đừng nói nữa, rồi ông ta mới khuyên: “Cửu Như huynh hối cải ngay tại chỗ như vậy cũng đủ là một đại anh hùng hào kiệt rồi. Trên thế gian này có mấy ai cương quyết như huynh đâu, tiểu đệ không những cảm tạ mà còn kính phục vô cùng. Nhưng huynh tự sát như thế này thì thực hơi hủ một chút, huynh nên biết nếu huynh chết thì Nhất Chi huynh sẽ ‘xử trí’ ra sao?”

Cống Bắc bước vào và đỡ lời: “Lượng của Cửu Như huynh thực không mấy ai bằng, Cống Bắc tôi xin bái phục.”

Tiếp theo đó Đắc Mộng, Tú Lan, Tích Tố, Nhược Hoa và Đàm Anh lần lượt bước vào.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui