Mầm Xanh
0.
Lại lần nữa tỉnh giấc khi bình minh lên.
Nắng mới hạ xuống từ không trung lên mặt đất ủ rũ. Lúc này trời còn chưa thật sự sáng. Sự sống chỉ mới bắt đầu nhảy múa trên khắp đường phố Sài Gòn(*), vậy mà nhang khói đã tỏa mù mắt tôi. Từ một căn nhà đã cũ trong hẻm nhỏ, nơi người ta tụ tập đông, tiếng than khóc hòa lẫn với lời tụng kinh và gõ mõ, từng nhịp đều đặn mà thê lương cất lên. Ai nấy đều mặc tang phục. Họ đứng, họ ngồi và có người còn gục đầu bên chiếc quan tài đã đóng kín, nơi những đóa hoa viếng bị khói xám lấp màu. Cứ thế, màu trắng buồn bã bao trùm từ trong nhà đến ngoài ngõ. Không ai dự tính rằng mình sẽ đón mùa xuân như thế này, với màu xám của khói và trắng của áo tang. Nhưng thần chết vẫn luôn lạnh lùng lướt lưỡi hái khi hắn muốn, dẫu đớn đau, vì con người chẳng thể làm được gì.
Hôm nay là đám tang của ông Ba.
Còn tôi chỉ là đứa trẻ mồ côi cùng xóm, sống cái nhà kế bên ông đã ở. Mà hồi nhỏ thường xuyên được vợ ông, à cũng chết phắc mất rồi,... rủ qua nhà ăn cơm. Cái thuở đó, cái ấu thời khổ cực đó, tôi đã như con cháu trong nhà, cho đến khi mợ Lan xuất hiện. Bà mẹ kế đáng đánh chết.
Lúc này, tôi ngồi ở bên ngoài trong khi mợ Lan chia sẻ nỗi đau với cô Nhung bằng những cái vuốt lưng đều nhau vô dụng. Kể ra thì cũng có nhiều thứ vô dụng đang diễn ra... Những giọt lệ rơi xuống bừa bãi từ một bà lão hàng xóm hay người bạn cũ mà giờ đột dưng xuất hiện. Tất cả bọn họ đều đang khóc, nhưng chỉ có cô Nhung- con gái ông bà, là khóc thật. Tất cả bọn họ đều đang khóc nhưng Hà thì không. Hà không khóc. Đứng yên bên cạnh chiếc quan tài gỗ và trước linh cửu ông Ba, nó không nhỏ lệ, mặc cho người phụ nữ có đôi vai gầy gò đang run lên, gục đầu trên quan tài nức nở là cô Nhung. Trong khi đứa trẻ mà ông bà Ba đã nuôi nấng ấy, Hà đến mím môi cũng không làm. May là còn đứng nghiêm túc. Khuôn mặt Hà lạnh lẽo, không có xúc cảm nào ở đó. Cứ thế đứng trơ ra như một bức tượng. Mắt không nhắm lại hay trở nên ướt át. Tay cũng không nắm chặt, chỉ chắp hẳn ở phía sau lưng. Bấy giờ, Hà giữ phong thái như lúc ở bệnh viện, không nói cũng chẳng biểu hiện gì. Nếu có ai mổ nó ra thì sẽ thấy, ở đó chỉ có nội tạng chứ chẳng gì khác. Trống rỗng. Tim và máu nó vẫn đỏ, vẫn đập thình thịch, vẫn chảy dạt dào... nhưng chẳng khác gì một khối băng.
Tôi đã quen biết Hà từ hồi nhỏ là đã thế. Nó là một đứa vô cảm xúc. Lạnh lẽo tới mức khô khan và đơn độc. Vì vậy, ngay kể cả khi ông Ba, người đã chăm sóc mình chết đi... có lẽ vẫn không xứng gì với một chút nước mắt đáng lẽ ra nên có.
Buổi đọc kinh cuối trước khi di quan kéo dài lâu hơn dự tính. Sự rề rà này làm ông Nam, chồng cô Nhung, cũng là người có khuôn mặt không mấy thân thiện, cứ thấp thỏm, chốc chốc lại ngó đầu vào rồi tặc lưỡi bước ra. Tôi với anh Toàn không nói gì hết. Toàn im lặng lâu nhưng tay không thể để yên. Chúng tôi đang bị xét nét. Tôi thấy được tất cả những ánh mắt từ khắp phía đang soi mói từng đứa chúng tôi. Từ Hà, đứa con gái không rớt nổi một giọt lệ, tôi- con bé hàng xóm ngồi vắt chân chữ ngũ,... đến Toàn- đứa cháu ngoại của ông bà, đang bịt kín tai mình bằng đôi tai nghe. Bấy giờ, anh ta cúi cái mái đầu cắt sát của mình xuống suốt, tay bấm lịa lịa lên chiếc điện thoại đặt ngang. Không cần nói tôi cũng biết tất cả những kẻ nhiều chuyện đấy đang nghĩ gì. Nhưng, bọn quần chúng... làm như tôi có quan tâm. Tiếng tin nhắn reo lên, tay mở điện thoại ra xem. Không biết buổi đọc kinh bao giờ mới kết thúc, Phúc đã gửi tin nhắn cho tôi. Nếu nó còn muốn đến thì lát nên đến thẳng nghĩa trang. Thật ra, chắc nó sẽ không đến. Chơi với nhau đã lâu, tôi biết Phúc còn trăm thứ khác để làm hơn là đi đám tang ông bà của một trong số những đứa bạn thân. Mà nó cũng chả có hứng thú mấy, vì cơ bản, cả cuộc đời thằng Phúc tới đây đã là một đám tang.
Bấy giờ, Nam quay trở ra một lần nữa. Ở lần này, ông ta đánh vào đầu Toàn một cái, bảo anh ta cất máy đi. Thấy vậy, tôi bèn nghoẻn miệng cười. Khuôn mặt nhăn nhó của Toàn trông rất giải trí. Chỉ lỡ mồm cười và ba huých vào hông tôi, phá tan sự hả hê. Thật chán nản. Tôi liền bỏ chân xuống, ngồi lại ngay ngắn cũng như anh Toàn ngáp một hơi dài, chớp chớp mắt nhìn trời mây.
Một ngày đầu năm cồn cào ruột gan và cay rát mắt.
Sau buổi đọc kinh sớm, mọi người sẽ tự ai nấy di chuyển đến nghĩa trang để hạ huyệt. Chiếc xe dịch vụ thì chỉ dành cho người nhà của ông Ba, tức là gia đình cô Nhung. Con Hà thì khác. Hừ. Đáng lẽ tôi sẽ đi cùng nó với Ân,lại một đứa vô ơn vô cảm, trên chiếc Ford 150 xịn sò mà ông bố từ trên trời rơi xuống của Hà mua cho thay vì phải chở mợ Lan. Còn ba ở lại trông nhà.
Hà đã đi ra trước cửa sau khi thu dọn xong hết. Chúng tôi những người xuất phát cuối cùng, sau khi đoàn xe dịch vụ đã đưa chiếc quan tài ra khỏi hẻm, đi xa khuất.
"Mày biết đường đến nghĩa trang mà phải không Thư?"
Hà hỏi tôi khi đã khoá xong cẩn thận cửa nhà. Căn nhà nhỏ nó từng ở với ông bà giờ đây đã hoàn toàn trống trơn. Không còn ai ở đây nữa, hoàn toàn cô độc trong một con hẻm gần chợ ở quận tư.
"Hử? Nghĩa trang An Viên ở huyện Vĩnh Yên phải không? Cũng biết..." Tôi mập mờ trả lời.
"Không biết thì chạy từ từ theo tao." Hà nói.
Nó lên chiếc xe đã có sẵn thằng Ân tại ghế sau vừa tỉnh dậy. Ân ngáp và vươn vai. Có ai như nó đi dự lễ tang ông của bạn bè, không chỉ một mà hai đứa, lại ngủ suốt buổi? Tôi ngửa cổ nhìn Ân đeo lại cặp kính, vò mái tóc rối bù. Đành, không thể đáp lại nụ cười mỉa mai của thằng này như bình thường vẫn thế. Bởi, mợ Lan đã ngồi lên yên sau. Ba đang vẫy tay và chiếc xe hơi của Hà đã lăn bánh rời đi. Cứ như thế, tôi kéo tay ga, chạy theo sau, lấy cái đầu thằng Ân làm điểm nhấn.
Hoà lẫn bản thân mình giữa phố thị Sài Gòn đông đúc vào lúc bảy giờ sáng trên con xe máy cũ, tôi tự hỏi là ai chọn giờ hạ huyệt? Tại sao phải luôn vào buổi sáng sớm, khi đường đông và kẹt xe với bao nhiêu người đi học, đi làm? Hôm nay là sáng thứ sáu. Vì tình bạn mà tôi phải bắt đầu cái ngày gần cuối tuần bằng tiếng kèn xe inh ỏi, đèn nháy chớp tắt và khói vẫn xám mịt mù. Trời lạnh ngắt. Mợ Lan ngồi sau lưng xe, vẫn trong màu áo tang trắng. Mái tóc mợ búi lên phía sau nhưng vẫn có vài sợi loà xoà, không vào nếp. Tôi đang phát bực nhưng không nói. Tôi phát bực vì lũ ngoài đường hôm nay chạy xe ngu thấy ghê.
"Thư này."
Mợ Lan nói trong khi tôi vừa nhăn mặt. Mợ không thấy biểu cảm của tôi, nhưng chiếc xe của Hà vừa chạy vụt lên phía trước.
"Làm sao?"
Cứ thế, tôi liền rồ ga nhanh hơn. Giờ, không quan tâm mình có biết chỗ nghĩa trang ở đâu, tôi chỉ muốn thoát khỏi sự chật hẹp mà hỗn loạn này. Mợ có phàn nàn thì phóng vẫn nhanh.
"Sao Hà nó không khóc?"
Mợ Lan hỏi một câu hỏi ngu dốt.
Thế quái nào... Làm sao tôi biết được. Biết thế đéo nào trả lời cho câu hỏi vớ vẩn của mợ đây. Thì ra trong lúc ở bên cạnh vỗ về cho cô Nhung, mợ cũng để ý là con Hà không khóc. Nếu nó khóc thì liệu ông Ba sẽ sống lại chăng? Không thể đúng không? Vậy sao phải vớ vẩn tự hỏi tại sao nó không khóc? Để làm gì? Không nghĩa lý gì cả!
À nhưng... Tính ra thì mình cũng chưa từng thấy Hà khóc bao giờ. Ký ức vụt qua đầu khi chạy vượt lên trước. Mợ Lan phải bám chặt vào hông tôi khi đang cố gắng lách qua từng khoảng trống có thể trên đường. Mợ có bảo chậm lại nhưng tôi vờ như không nghe. Chỉ chậm và dừng lại khi có đèn đỏ, nhưng tôi vẫn bóp còi inh ỏi, liên tục đá đèn mỗi khi đổi làn. Và theo dòng chảy xiết đó, tôi đã nhớ lại. Hà chưa từng khóc. Cũng giống như lần trước, ở đám tang bà Ba, nó cũng có nhỏ nước mắt đâu. Ngược lại, thì cô Nhung lẫn người phụ nữ đi cùng ba nó thì có rơi lệ. Thậm chí còn hơi quá. Có lẽ bà ta khóc thay cho nó... thật may bả không có ở đây. Hôm nay con Hà không mời họ đến.
Đèn đỏ, tôi thắng xe. Đường dài lắm, còn lâu mới tới nơi. Mọi nghĩa trang đều nằm ngoại ô, xa phố thị xô bồ, ồn ào. Phải mất hơn hai tiếng thì mới đến và rồi lại phải nghiêm chỉnh, không nhúc nhích... Lúc ấy, cứ phải đứng yên, mắt chỉ được phép nhìn bốn sợi dây ròng rọc từ từ hạ cỗ quan tài xuống sâu lớp đất lặng câm. Tay hơi run run, nhưng tôi vẫn có thể tỉnh táo trước dòng điện của ký ức. Đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là nỗi buồn của mình. Tôi đã rơi nước mắt ở lần trước, trước bia mộ bằng đá với những bông hoa viếng nhàu nhĩ mà không có ba ở bên... Lần này là của Hà, và cũng như trong chuyện cũ lặp lại, nó không bao giờ khóc than.
Có một số người như tôi với Hà, thậm chí là cả thằng Ân, với cái nụ cười thản nhiên khi ngồi trong xe ở ghế sau,... Chắc nó đang buông những câu đùa đá loạn xạ lẫn nhau với đứa bạn, mặc kệ buổi lễ tang đang diễn ra. Không giống như những kẻ dễ rơi lệ, hiện lên ở kính chiếu hậu, mắt mợ Lan đỏ hoe. Đèn vẫn còn đỏ. Đột nhiên, mợ bước xuống khỏi xe. Tôi ngoái đầu nhìn. Chúng tôi đang ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai rộng lớn, mợ đột dưng lại xuống khỏi yên xe. Trước bao nhiêu cặp mắt và cây cột đèn đang đếm từng giây, mợ Lan đi vào lề đường, đến trước mặt một bà lão ăn xin nghèo khổ. Toàn bộ cơ mặt tôi nhăn hết lên. Cái đéo gì? Mợ đang rút tiền đưa cho bà ta, một tờ hai trăm. Lại chuyện vớ vẩn. Không thể không chửi thề, tôi buột miệng trong khi mắt đảo lên nhìn bảng đếm số. Đèn chuyển xanh. Tôi rồ ga đi luôn. Đúng rồi đấy, không nhầm đâu. Tôi cũng không quên nhưng mình đã làm vậy. Tôi đã phóng xe đi đại luôn chứ không chờ mợ ta quay lại. Hình như có tiếng gọi... mặc kệ, mà tôi cũng không đến nghĩa trang nữa đâu. Mình rẽ sang một ngả khác, và dừng lại bất chợt để đổi mặt áo khoác ngoài. Mợ Lan cứ đứng đó nếu thích, trên lề đường, cô độc, héo úa trong màu áo tang trắng. Thương cho bà lão ăn xin? Ha ha. Tôi cho mợ giống y chang để tăng độ đồng cảm. Cười đến ngoác cả mồm, lại rồ ga đi. Đường tôi đi vắng hơn, đỡ hỗn độn hơn. Chắc là Phúc vẫn đang ở nhà.
Rồng phượng trên lưng tôi lướt qua con đường trong phút chốc, bỏ lại nắng đang dần vàng ươm trên những nhành xanh.
Hài phát điên.
Bả khóc đỏ cả mắt. Mà con Hà phải dừng xe lại giữa đường để đón mợ lên đi cùng. Con Thư nay chơi ác quá. Đành rằng chúng tôi, Hà, tôi và cả bà Lan biết sẵn nó không ưa người mẹ kế này chút nào... nhưng chơi cú này thì đúng là quá trời quá đất.
"Cô mới đi một chút xíu thôi mà nó đã bỏ nó chạy rồi..."
Nó đã muốn bỏ mợ đi mẹ từ lâu rồi. Khó khăn lắm tôi mới giữ được câu đó trong mồm. Mợ phải biết là nếu không vì ba Thắng bảo, vì tôi với Hà đều bận sau lễ hạ huyệt thì nó không đời nào để mợ ngồi lên yên sau. Chắc là ruột gan của Thư đã muốn nôn oẹ khi tay bả ôm lấy hông nó... Chẳng khác gì một mớ rác, hoặc tệ hơn là rác của rác đáng vứt đi bất cứ khi nào có cơ hội. Và nó thì còn ngại cái gì?
Tôi phải ngồi dậy vì bà Lan đang khóc ở bên cạnh. Ngáp dài, tôi chép miệng trong khi da gà rợn hết cả lên. Hà biết tôi dị ứng với khóc lóc. Nhưng nó cũng không thể làm cách nào khác. Chẳng lẽ để bả đứng ở bên đường cả ngày? Rồi bao nhiêu rắc rối sẽ đổ xuống đầu chúng tôi... Tôi và Hà đã cãi nhau một trận vì liệu có nên dừng xe và đón người đàn bà ngu ngốc lên không? Đành nào thì Hà cũng dừng. Nó xem ý kiến của tôi là những câu đùa là mỉa mai. Chà. Thực ra cũng không thật sự có vấn đề với việc khóc lóc hay đột nhiên con Hà nó mọc tim,... nhưng cứ là cãi cho thắng đã. Nhìn bả khóc lóc, tôi đột nhiên nhận ra mình không phải dị ứng mà là hưng phấn. Tôi thấy mắc cười nhiều hơn là kinh tởm, dù đúng là bả phiền nhiễu quá trời... Tôi hiểu con Thư đã hết sức chịu đựng. Đã cố rồi nhưng việc bả xuống xe, cho tiền một kẻ ăn xin khiến nó bộc phát hết giới hạn của bản thân. Thật hài hước. Nó phắn còn lẹ hơn khi bị công an đuổi. Năm giây và biến mất mẹ rồi.
Hà chỉnh cặp kính chiếu hậu, liếc mắt nhìn tôi. Vô ích thôi, không thể không bụm miệng cười được. Nên hiểu cho tôi đi, làm sao có thể không thấy chuyện này hài hước? Tôi buộc phải khúc khích cười chứ không những câu đùa của mình sẽ tuôn ra mất kiểm soát. Hà thở dài. Giờ đây bà Lan đã khóc lớn hơn, sụt sùi nước mũi... cố gắng nín lại nhưng thôi, tôi đủ khốn nạn để không quan tâm. Chẳng ai có thể cứu vãn được tình huống này cả. Hà biết vậy, nó ngồi hẳn lưng, đeo tai nghe lên. Khó ghê. Tôi không thể thôi khúc khích. Phải nhắn cho Phúc biết để lát nó chia vui với con Thư.
Đường phố Sài Gòn càng gắt nắng khi càng về trưa. Cuối cùng thì chiếc xe của Hà cũng đã đến nơi. Nó rẽ vào khuôn viên của nghĩa trang. Buộc mái tóc ngang vai lên rồi Hà mới bước xuống. Tôi đã bay đến kịp lúc. Dẫu là con sáo sậu nhỏ cũng biết tham dự lễ tang người chủ cũ của mình. Ở trên cành, tôi có thể nhìn thấy, giờ Ân mới bước xuống xe. Nó cao lênh nghênh, đút hai tay vào chiếc quần âu, sải bước theo cô bạn. Thằng này đã ngừng cười nhưng mắt nó vẫn toả ra rằng não không thôi khúc khích. Có điểm giống nhau giữa hai đứa trẻ, là chúng đều nheo đôi mắt thành nhỏ hẹp hết mức khi mợ Lan sa vào lòng cô Nhung, khóc nức nở. Ông Nam ở bên cạnh vô cùng ngạc nhiên.
"Chuyện gì đã xảy ra?"
Hà bặm môi, không trả lời. Xa xa nhân viên tang lễ đã chuẩn bị cho buổi hạ huyệt có thể được bắt đầu. Mọi người lại lần nữa tập trung đông đủ.
"Anh Toàn đâu rồi ạ?" Ân đánh lảng câu chuyện, vẫn giữ phong thái ung dung khi nhấc đôi giày da trên mặt đất đầy sỏi đá.
"Nó đi trực rồi."
Hình như câu trả lời này chẳng thành thật lắm. Nghe xong, Ân đột nhiên đứng sững lại rồi chạy vụt đi về hướng chẳng biết đi đâu. Nhưng cũng không ai nói gì cả.
Có một khoảng đất trống giữa trời nắng vàng rực, nơi hố sâu và bạt trắng giăng từ bốn phía. Nhang khói lại được thắp lên cùng với tiếng tụng kinh. Trên mặt đất, hoa giấy cùng giấy tiền vàng bạc la liệt lót đường. Đoàn người bước trên những tờ nhàu nhĩ màu vàng đó từ xa đến gần với hố sâu đã được đào. Từng tiếng trống, từng chân... nhịp nhàng với đoàn khiêng chiếc quan tài đóng kín nắp. Cô Nhung đã thôi khóc, nhưng bầu mắt vẫn sưng tấy và đỏ bừng. Bấy giờ, người phụ nữ đứng dựa vào vòng tay chồng mình, vò nát tờ khăn giấy trắng. Và những chiếc băng tang cúi đầu khi nhóm người hạ cái quan tài bên cạnh hố.
Nam mô A Di Đà Phật.
Hà cúi đầu trước linh cửu của ông Ba. Dù như thế nào đi nữa, nó vẫn như lặng thinh. Trước mặt Hà, ông Ba vẫn đang mỉm cười như mỗi ngày hai ông cháu có với nhau ở cái kiếp người ngắn ngủi... Giờ chỉ là còn bức hình ở trên bia đá. Người chủ cũ kể từ hôm nay sẽ không còn nghe tiếng tôi hót véo von.
Có nhiều tiếng xì xào thấp thoáng trong lúc sư thầy đọc kinh nhưng không ai ngăn được. Người ta phải có việc gì để làm trong lúc quan sát thầy gõ mõ. Không thể tránh được cũng như biết rằng chuyện này là dĩ nhiên, Hà không trách cứ. Nó có rơi một giọt nước mắt nào đâu. Chẳng có gì giống với những hạt cát ùa rơi khi sư phụ thả chúng xuống hố sâu. Chậm rãi, cô Nhung bước đến bên con bé. Họ không nói gì với nhau nhưng tay người phụ nữ đang ôm lấy cơ thể không nhúc nhích của Hà. Nhung xoa xoa lưng con bé, đôi mắt đỏ âu cùng đứa con gái nuôi nhìn thẳng vào cỗ quan tài đang từ từ được hạ xuống hố sâu. Cứ như thế, cỗ quan tài đã được nằm yên vị. Khi ấy, người con gái duy nhất của ông Ba bước lên trên một bước. Cô chắp tay lại và im lặng nghe sư thầy bộc bạch về cuộc đời ông Ba. Hưởng thọ tám mươi tám tuổi, từ trần ngày 3 tháng 12,... Tiếng xì xầm vẫn chưa dứt mà nó lại càng lớn hơn. Bởi lẽ cô Nhung đã không kiềm cảm xúc mà để giọt nước mắt lại lần nữa lăn trên má. Trong khi, đứa cháu gái ở với ông Ba từ lúc vừa sinh đến giờ vẫn như một bức tượng cứng đơ. Con bé không có trái tim, người ta nói. Một đứa trẻ bất hiếu, vô ơn... đến một giọt nước mắt cũng không rơi.
Uổng cho tình thương của ông Ba và vợ đã dành cho nó, đã nuôi nấng thay mẹ cha từ thuở mới chào đời.
Sau đó, tiếng nhạc thê lương não nề cất lên và Hà đứng yên giữa từng con người đang bước đến để thả xuống huyệt mộ những vòng hoa tỏ tình làng nghĩa xóm. Có vẻ như, con bé không có chút tình cảm nào để phô bày, dẫu là chỉ một chút nhỏ nhoi. Hà bặm môi khi bị một người đàn bà nó chưa từng gặp huých vào người lúc bà ta tiến đến huyệt mộ. Nó nhận lấy cái liếc mắt nhìn, chép miệng, tặc lưỡi của bao người trong sự im lặng chôn thân mình. Cho đến giờ, nó vẫn chưa cất lên dẫu chỉ một tiếng khóc. Mắt nó khô ráo, chẳng ướt át vì có nhỏ lệ đâu?
Những khe bàn tay của con bé cứ tiếp tục đan vào nhau.
Trong lúc cô Nhung đứng bên huyệt mộ nhận những lời an ủi và mặt đất bị đào xới lên, thì ông Nam tiến đến bên Hà, tử lúc nào chẳng ai hay. Bụi bay cay mắt. Ông Nam kéo dây nịt chạm chiếc bụng tròn.
"Xong rồi đấy."
Ông ta bảo nó rời đi. Hà gật đầu, hít một hơi sâu, quay lưng và bước đi theo phản xạ. Ngay lập tức, nó liền rời khỏi đám đông người, bỏ lại chiếc quan tài dưới hố sâu bị đất cát vùi lấp. Mắt con bé vẫn mở to. Thật bất cần và vô ơn, như một con sứa, không tim không não, không cảm thấy bất cứ điều gì. Nếu có bất kỳ ai nhìn theo bóng lưng nó thì sẽ thấy Hà bước thẳng ra xe. Chẳng bất ngờ đứng sững lại, bờ vai run lẩy bẩy lên...Không ai bất chợt nghe thấy tiếng khóc đột ngột. Như ở trong quá khứ, lần trước, chẳng có nỗi buồn nào đủ đắng và sâu để làm nó xót xa.
Đập cánh giữa không trung, tôi cũng nên bay đi.
Lái xe rời khỏi khuôn viên nghĩa trang, Hà liếm môi. Hai mắt nhìn thẳng về phía trước vì giờ xe đã băng băng trên con đường ngoại ô rộng rãi. Không có ai trong xe ngoài nó. Chỉ một mình Hà nhưng bên tai đột nhiên lại nghe giọng ai khác. Giờ đây, nó đã cởi chiếc khăn tang trên trán. Răng nghiến lên nhau, và đôi mắt sau cặp kính nheo nhỏ. Như có cái gì xiết cổ họng con bé, những đầu ngón tay vô thức bám chặt vô lăng. Chân đạp mạnh ga, Hà như đang tức giận. Khi lái xe trên đoạn đường gập ghềnh, sự bấp bênh dồn dập đè nghẹn lên cơ thể. Hà lại hít một hơi sâu. Nó cố gắng tỉnh táo để tiếp tục chạy khỏi nơi khiến lòng xô bồ. Vậy mà, cái âm thanh vẫn vang bên tai khiến Hà điên máu. Bên ngoài trời nắng gắt và nóng như vậy cũng không làm hai bầu mắt như bị lửa đốt bằng những lời nói kia.
Tại sao con bé đấy không khóc?
Lần trước đám tang bà Ba nó cũng đâu có khóc. Mà bà ấy còn vì nó mà lên cơn tim nên qua đời đấy.
Mất dạy thật, không biết trong đầu nó nghĩ cái gì.
Tôi nghe nói là ông bà còn nuôi nấng nó thay ba mẹ từ bé.
Giờ ba mẹ nó giàu sụ rồi, nó nhận người ta chứ nó nhận ông bà làm gì nữa... nó ở đây tại vì nghĩa vụ thôi.
Hà nghiến răng, hít hơi sâu. Bỗng, chiếc xe tấp vào lề, giữa trời nắng gắt đủ khiến người ta chao đảo. Hai vai con bé run lên, run lẩy bẩy, bần bật... như cái lần nó quay về nhà sau buổi lễ tốt nghiệp, để rồi nhìn thấy ông Ba lần cuối cùng. Không ai biết Hà là người duy nhất ở bên trước khi ông thật sự ra đi. Không ai biết ngoài tôi, vì tôi là con chim sáo ở trong chiếc lồng treo trước hiên nhà. Ngày hôm ấy, con bé trở về sau buổi lễ tốt nghiệp. Màu áo đỏ tưng bừng chúc mừng nó tốt nghiệp Đại Học Y Dược vẫn còn mặc trên người. Không giống như bao thanh niên cùng trường, sẽ đi ăn mừng, tiệc tùng cùng chúng bạn, Hà trở về nhà ngay. Nó trở về thật sớm và nhìn thấy ông đang ngồi đợi mình ở hiên nhà.
Hôm ấy nắng cũng vàng như hôm nay. Và cũng như mọi ngày, ông Ba ngồi trên chiếc ghế dựa gỗ, mỉm cười khi nhìn thấy Hà dừng xe trước cửa nhà. Bấy giờ, con bé tiến đến trước mặt ông. Nó vậy mà đi trong im lặng, không hề cất tiếng khoe về cái bằng đại học quý giá trong tay.
Tôi và Hà đều im lặng, không hề hót véo von.
"Ông đã đợi được cháu về rồi."
Ngay khi ông Ba nói hết câu, Hà ngồi sụp xuống ngay bên cạnh. Cô nữ sinh viên đại học vừa tốt nghiệp đột nhiên hoá nhỏ lại như đứa trẻ tại một con hẻm vắng vẻ ở Sài Gòn. Không ai thấy ngoài người ông nó luôn yêu thương. Bấy giờ, bàn tay nhăn nheo của ông Ba xoa đầu con bé. Ở trên đùi ông là một khung ảnh gỗ đã cũ, có tấm hình của vợ và mình, cùng đứa cháu ở dưới chân. Cứ thế, ông Ba nhìn Hà bằng ánh mắt vô cùng dịu dàng nhưng cắt vào tim nó từng nhát. Mặt khác, Hà run rẩy lúc ngồi chồm hổm, mặt cúi xuống cùng ngực chạm lên đầu gối. Nó để ông xoa đầu mình, trong khi chẳng đủ sức cất một lời.
"Ông biết cháu định làm gì nếu ông mất. Thì ra là Hà cũng sợ ở một mình nhỉ?"
Hà không nói dẫu chỉ một lời, vậy mà ông Ba biết nó đang vụn vỡ thế nào. Bàn tay dịu dàng của ông lướt trên tóc nó, rồi trên bức hình đã cũ, sau đó trên những tờ giấy trắng đặt trên đùi... Hà ngẩng mặt lên, như có miểng chai khiến mắt nó mập mờ.
Tôi cay đắng hót một câu, trời chiều mà sao lạnh ngắt.
Ánh mắt ông Ba nhìn nó vẫn trìu mến và nụ cười của ông vẫn là ngọn đèn sáng trước mắt đứa bé con. Hà nắm lấy tay ông. Vô cùng ấm áp, luôn như vậy... không bao giờ lạnh lẽo và đây sẽ là lần cuối nó được ở bên ông.
"Không có gì phải sợ cả. Ông bà dù có như thế nào vẫn ở bên Hà mà. Hà không cần phải sợ vì ông bà sẽ không bỏ Hà một mình đâu."
Nói xong, ông Ba nhìn lên tôi, lên chiếc lồng có con sáo nhỏ mà mình luôn chăm sóc. Khi đó, Hà bẽn lẽn gật đầu. Chúng tôi đều hiểu ý ông là gì mà không cần nói ra.
"Ông bà sẽ luôn dõi theo Hà nhé. Nên Hà không cần phải đến bên ông bà, vì ông bà luôn ở đây."
Hai bàn tay một già một trẻ siết chặt lấy nhau, và rồi ông Ba kéo tay Hà đặt lên ngực mình. Khi ấy, con bé không thể kìm nén nổi nữa. Cảm xúc đánh lên người Hà như cơn sóng thần vỡ oà. Nhưng, mắt nó vẫn không ướt đẫm. Chỉ một vài giọt lệ đột ngột rơi thôi mà khó đến thế. Hà thấy tim đập mạnh. Nó khó thở. Nó tự bực tức bản thân mình.
Nó tự giận bản thân vì không thể rơi nước mắt.
Và rồi, bàn tay ông Ba đang siết chặt lại từ từ thả lỏng dần. Nhắm mắt như đang ngủ, cả con hẻm giữa chiều Sài Gòn xô bồ bị chìm vào không gian lặng thinh theo ông. Bấy giờ, ông Ba vẫn ở trên ghế, thư thái thanh thản vào lúc rời đi. Hai bàn tay đã thôi nắm lấy, Hà biết mình không thể níu kéo được sự sống dẫu nó có là ai. Từ từ đứng dậy, răng nghiến chặt răng, Hà ngửa cổ lên nhìn chú chim. Lúc này, tôi bèn cất vài ba tiếng kêu dù vô nghĩa nhưng thật lòng muốn an ủi đứa trẻ này. Nó nhìn tôi mà không nói gì cả.
Và rồi, cánh cửa lồng được mở toang,
tôi có thể đập cánh rời đi ngay.
Vỗ cánh giữa không trung, tôi rời khỏi chiếc lồng sắt. Nhưng tôi chẳng bay đi đâu xa. Cho đến hiện tại, tôi vẫn ở đây, nhìn con bé từ cành cao qua lớp kính trên ô cửa xe.
Hà choàng tỉnh giữa cơn sóng cảm xúc vỡ oà.
Nó bần thần nhận ra... mình thật sự đang ở đâu.
Là hiện thực lạnh căm.
Bất ngờ, nhưng thật ra nó cũng không thể tiếp tục. Cảm xúc cứ thế đột nhiên đứt đoạn. Nó không thể làm được gì. Đeo lại kính và đặt tay lên vô lăng, đường từ giờ đến sân bay còn rất dài, phải đi thôi kẻo trễ. Nó phải đi đón em mình. Thằng bé sẽ đến Sài Gòn hôm nay, thằng em quý hoá của nó. Hà hít một hơi thật sâu. Nó cần phải bình tĩnh lại, đã bốn năm không gặp và thằng Phương sẽ làm ầm lên nếu thấy mắt chị mình đỏ hoe.